Đọc truyện Khoảng Trống (The Casual Vacancy) – Chương 29
THỨ SÁU
Xác Barry Fairbrother đã được chuyển cho bên mai táng. Những vết xẻ sọ đen thẫm trên da đầu trắng như vết giày trượt trên băng được bộ tóc rậm dày che phủ. Cái xác lạnh toát, nhợt nhạt và vô hồn nằm đó trong bộ áo sơ mi quần dài mà Barry đã mặc trong bữa tối kỷ niệm ngày cưới, trong căn phòng viếng thăm lờ mờ sáng và thoang thoảng tiếng nhạc. Chút trang điểm rất khéo làm da ông trông hồng hào như còn sống, ông như chỉ đang ngủ một giấc bình thản, nhưng rõ ràng không phải thế.
Hai anh em trai của Barry, người vợ góa và bốn đứa con đến viếng thi hài ông trước buổi mai táng. Tận đến lúc rời nhà, Mary vẫn còn do dự không biết có nên để bốn đứa con nhìn thi thể người cha hay không. Declan vốn là đứa rất nhạy cảm, hay gặp ác mộng. Chiều thứ Sáu ấy, lúc cô còn đang nát ruột tính toán thì lại thêm chuyện phiền lòng xảy ra.
Số là Colin Wall “Tủ” cũng muốn đi nói lời vĩnh biệt với Barry. Mary vốn hay chiều ý người khác nhưng chuyện này thật quá mức. Khi điện cho Tessa, giọng cô cứ the thé cao dần, rồi cô òa ra khóc, nói mình không muốn cả hàng người diễu qua trước Barry, đây chỉ là chuyện trong gia đình mà thôi… Tessa cảm thấy cực kỳ ân hận, cô vội bảo rất hiểu hoàn cảnh gia đình rồi đi phân giải với Colin, ông này tự ái im lặng đầy vẻ tổn thương.
Ông chỉ muốn đứng một mình cạnh thi hài Barry để lặng lẽ tỏ lòng tôn kính người từng chiếm vị trí độc nhất vô nhị trong lòng mình. Colin đã chia sẻ với Barry mọi điều thật lòng và bí mật mà ông chưa từng hé cho ai biết, và cặp mắt nâu tròn sáng của Barry chưa khi nào không dành cho ông cái nhìn thân thiện và ấm áp. Lúc sinh thời, Barry là người bạn thân thiết nhất, người đã cho ông biết thế nào là tình bạn giữa đàn ông với nhau, điều mà trước khi chuyển về sống tại Pagford này ông chưa từng biết và sau này sẽ không bao giờ còn có được nữa. Colin lúc nào cũng thấy mình là kẻ ngoài cuộc hay bị coi là lập dị, đời ông mỗi ngày đều là cuộc đấu tranh, thế nên tình bạn xây đắp được với nhân vật nổi tiếng, lúc nào cũng phấn khởi lạc quan như Barry quả là một kỳ tích nho nhỏ. Colin gắng giữ chút phẩm giá sót lại, quyết tâm không vì chuyện này mà ghét Mary, rồi suốt thời gian còn lại trong ngày, ông tự an ủi rằng hẳn là Barry sẽ kinh ngạc và buồn lòng lắm trước cách cư xử đó của bà vợ.
Cách Pagford ba dặm, trong căn nhà xinh xắn thường được gọi là Nhà Thợ Rèn, Gavin Hughes đang cố gạt khỏi đầu những ý nghĩ u ám cứ bám lấy gã. Mary vừa gọi điện đến. Cô nghẹn ngào nói bọn trẻ đều đã chuẩn bị cho buổi lễ mai táng ngày mai. Siobhan có trồng một cây hoa hướng dương từ hạt giống, nó sẽ cắt hoa để đặt trên quan tài. Cả bốn đứa đều viết thư để đặt vào hòm cho cha. Mary cũng đã viết một bức, cô định bỏ vào túi áo sơmi của Barry, ngay chỗ trái tim.
Gavin đặt ống nghe xuống mà muốn phát ốm. Gã không muốn nghe về chuyện thư từ gì đó của bọn trẻ lẫn cây hoa hướng dương nhà đó trồng lâu nay, nhưng những ý nghĩ ấy cứ trở đi trở lại khi gã ngồi ăn mì Ý một mình ở bàn bếp. Chắc hẳn gã sẽ làm mọi cách để không phải đọc bức thư, nhưng vẫn cứ ngẫm nghĩ đoán Mary viết gì trong đó.
Bộ lễ phục đen đã được giặt khô, bọc túi nhựa treo trong phòng ngủ trông như vị khách không mời mà đến. Lúc trước gã thấy vinh dự biết bao khi Mary công khai nhìn nhận gã là một trong số những người gần gũi nhất với Barry tăm tiếng nhưng cảm giác ấy từ lâu đã bị cảm giác kinh sợ lấn át. Lúc rửa dao đĩa trong bồn, Gavin nghĩ không phải dính gì tới cái đám tang ấy thì hay quá. Gã chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện viếng thăm thi hài ông bạn lần cuối.
Gã và Kay vừa cãi nhau một trận ầm ĩ tối hôm trước, từ đó đến giờ vẫn chưa ai bắt chuyện lại. Tất cả bắt đầu khi Kay hỏi Gavin có muốn cô đi cùng gã đến đám tang không.
– Lạy Chúa, không – Gavin kìm miệng không kịp.
Gã thấy ngay phản ứng của cô và hiểu câu đó lập tức được cô diễn dịch thành: Lạy Chúa, không, người ta sẽ nghĩ mình là một cặp mất. Lạy Chúa, không, sao tôi lại muốn cặp với cô chứ? Đó đúng là điều gã nghĩ, nhưng gã vẫn gắng tìm cách lấp liếm.
– Ý anh là, em đâu có quen ông ấy, phải không nào? Không quen mà đi đám tang cũng hơi kỳ, phải không?
Nhưng Kay đã nói toạc hết những gì cô nghĩ, cô dồn gã phải trả lời cho rõ gã muốn gì, cảm thấy gì, và định tương lai hai người như thế nào. Gã lúc thì vờ chậm hiểu, lúc lại lảng tránh hoặc ra vẻ tranh-luận-trên-nguyên-tắc, nghĩa là vận dụng hết mọi vũ khí trong tay, thật hay là người ta có thể lấp liếm vần đề cảm xúc bằng cách ra vẻ muốn định nghĩa nó cho rõ ràng. Cuối cùng, cô đuổi gã ra khỏi nhà; gã đi luôn nhưng biết thế vẫn chưa phải là hết. Vẫn còn khối hy vọng. Bóng Gavin phản chiếu trên cửa sổ nhà bếp trông thảm hại và buồn bã; cái tương lai bị đánh cắp của Barry như vách đá lửng lơ treo trên đời gã. Gã thấy mình chẳng ra gì và áy náy tội lỗi, nhưng vẫn mong Kay dọn về lại London cho xong.
***
Màn đêm phủ bóng xuống Pagford, trong Nhà Giáo Sĩ Cũ, Parminder Jawanda lục lọi tủ quần áo, không biết nên mặc gì để tiễn biệt Barry. Bà có rất nhiều lễ phục và váy áo sẫm màu, cái nào cũng hợp cho dịp này nhưng bà vẫn cứ lật tới lựa lui mà chưa quyết ý được.
Hay mặc sari đi. Thế thì mụ Shirley Mollison sẽ cáu điên. Nào, chọn bộ sari đi.
Ý này thật ngớ ngẩn, vừa điên vừa chẳng ra làm sao, lại còn tưởng tượng bằng giọng của Barry nữa chứ. Barry đã đi thật rồi, suốt năm ngày qua bà chìm trong nỗi tiếc thương, rồi ngày mai họ sẽ chôn ông xuống đất. Cứ nghĩ đến cảnh ấy Parminder lại không chịu nổi. Bà ghét mai táng, gì mà để thi thể người ta vùi trong đất cứ thế từ từ mục rữa ra cho giòi bọ đục khoét. Lệ của người Sikh là hỏa táng và rắc tro trên dòng nước chảy.
Bà lướt mắt qua dãy đồ treo, những bộ sari bà từng mặc những dịp đám cưới trong gia tộc và những cuộc họp mặt tại Birmingham như vẫy gọi bà. Sao bà cứ thấy nỗi thôi thúc phải mặc nó? Quá phô trương. Bà giơ tay vuốt ve những nếp gấp của bộ áo ưa thích màu xanh sẫm pha vàng. Lần cuối bà mặc nó là trong tiệc mừng năm mới ở nhà Fairbrother, hôm ấy Barry cố dạy bà nhảy điệu jive. Kỹ thuật thì chẳng đi tới đâu vì chính ông thật ra cũng không rành điệu ấy, nhưng bà đã phá ra cười như điên, như mấy mụ say không kìm chế, cười như chưa bao giờ được vui sướng thỏa thuê như thế.
Bộ sari trông rất nữ tính và tao nhã, phụ nữ tuổi trung niên có sổ người ra vẫn mặc được. Mẹ của Parminder năm nay đã tám mươi hai tuổi mà vẫn mặc sari hằng ngày. Thật ra Parminder cũng không cần dùng quần áo che khuyết điểm cơ thể vì bà vẫn mảnh dẻ như hồi hai mươi. Bà kéo mảnh sari mềm mại sẫm màu ra, áp nó vào áo ngủ để nó nhẹ nhàng mơn trớn bàn chân trần, cúi nhìn phần hình thêu tinh xảo bên dưới. Việc bà mặc bộ này giống trò đùa riêng giữa bà với Barry, như căn nhà hình mặt bò và mấy chuyện vui vui khác Barry từng kể về Howard khi họ cùng dạo bước sau những cuộc họp hội đồng lê thê và hiếm tiếng cười.
Ngực bà nặng như đá, nhưng chẳng phải là guru Granth Sahib đã khuyên bạn bè và người thân người quá cố không nên tỏ ra đau buồn, mà nên vui mừng vì người thân yêu của mình đã được lên gặp Chúa Trời đó hay sao? Để kìm những giọt lệ cứ chực trào ra, Parminder nhẩm đọc đoạn kinh tối Kirtan Sohila (Bài ca bình yên).
Bạn tôi, đây là lúc để người phục vụ các Thánh.
Nhận ân phước trong cõi này, tiêu diêu trong bình yên và an lành ở cõi sau.
Cuộc đời đang rút ngắn dần ngày và đêm.
Hãy gặp các Guru và thu xếp lại cuộc đời…
Nằm trong căn phòng ngủ tối đen, Sukhvinder nghe được hết những sinh hoạt trong gia đình. Phòng dưới văng vẳng tiếng tivi đang chiếu chương trình hài kịch tối thứ Sáu, thỉnh thoảng bị át đi bởi tiếng cười của anh trai và bố. Chị gái đang trò chuyện qua điện thoại ở đầu cầu thang với một trong đám bạn đông đúc của chị ấy. Gần Sukhvinder hơn cả là người mẹ đang lục xục trong tủ quần áo âm tường phòng kế bên.
Sukhvinder kéo rèm che kín cửa sổ và đặt một cái gối chặn trông như con chó chồn dài ngoẵng ngay dưới cửa. Vì cửa không khóa nên “con chó” này sẽ ngăn cửa mở ra, nếu có mở thì nó sẽ biết. Nhưng Sukhvinder biết chẳng ai vào phòng mình giờ này. Sukhvinder đang ở chỗ phải ở, làm chuyện đáng phải làm. Cả nhà nghĩ thế.
Sukhvinder vừa xong cái nghi lễ bắt buộc hàng ngày: mở trang Facebook của mình để xóa phần vừa đăng của người gửi bí ẩn nào đó. Thường Sukhvinder cứ chặn người “bỏ bom” trang của mình bằng những tin nhắn kiểu đó, thế là kẻ này lại đổi profile và gửi tiếp. Sukhvinder không biết khi nào kẻ đó chịu ra mặt. Hôm nay nó nhận được một bức hình đen trắng chụp lại áp phích quảng cáo xiếc hồi thế kỷ 19.
La Véritable Femme à Barbe, Miss Anne Jones Elliot.
(Cô Anne Jones Elliot, người phụ nữ có râu thực sự)
Trong bức hình là người phụ nữ mặc váy ren có mái tóc đen dài, râu ria rậm rạp.
Sukhvinder đoán chắc là thằng Fats Wall gửi mấy thứ này, nhưng cũng có khi là đứa khác. Bọn thằng Dane Tully và mấy đứa trong nhóm cũng hay vờ kêu khìn khịt như khỉ khi cô bé nói tiếng Anh trong lớp. Tụi nó hễ gặp người da màu như Sukhvinder là lại bày trò đó, mà ở Winterdown hầu như chẳng có mấy gương mặt da nâu. Kiểu trêu chọc này làm Sukhvinder cảm thấy thật nhục nhã và ngu ngốc, mà nhất là thầy Gary không bao giờ bảo chúng nó thôi đi. Thầy luôn vờ như không nghe, hoặc coi đó chỉ như tiếng nói chuyện riêng lào xào trong lớp. Có lẽ chính thầy cũng nghĩ Sukhvinder Kaur Jawanda là một con khỉ, một con khỉ lông lá.
Sukhvinder nằm ngửa người trên nệm, chỉ mong chết quách đi cho rảnh. Nếu chỉ cần muốn chết là được thì nó đã làm luôn rồi. Cái chết đã đến đón ông Fairbrother, sao nó không đến với mình nhỉ? Mà tốt nhất là nên cho Sukhvinder đổi chỗ với ông ấy; như thế Niamh và Siobhan sẽ lại có cha, còn nó chỉ đơn giản là trượt sang trạng thái không hiện hữu: mất tăm, xóa sạch.
Cảm giác tự ghê tởm bản thân như tấm áo tầm ma châm chích thiêu đốt khắp người Sukhvinder. Nó phải tự ra lệnh cho mình, từng khắc một, rằng phải chịu đựng, phải nằm yên đó, không được vội vàng mà làm điều duy nhất đưa đến sự giải thoát. Phải đợi cả nhà đều đi ngủ cái đã. Nhưng phải nằm như thế này thật đúng là tra tấn, cứ phải nghe tiếng thở của chính mình, cảm thấy sức nặng vô dụng của cái cơ thể xấu xí kinh tởm này trên giường. Sukhvinder thích chết đuối, lặn xuống làn nước sâu xanh biếc rồi từ từ chìm vào hư vô…
Cái con lưỡng tính vĩ đại kia vẫn ngồi im như thóc kìa
Nằm trong bóng đêm, Sukhvinder vẫn nghe cơn nhục nhã chạy khắp người như vệt sốt ban rừng rực. Nó không hiểu cái từ thằng Fats Wall nói trong giờ toán hôm thứ Tư. Sukhvinder vốn mắc chứng khó đọc, nên đúng ra cũng không tra được cái từ thằng đó vừa nói nghĩa là gì, nhưng dù sao thì sau đó nó cũng tử tế giải thích luôn.
Cái thể loại nửa đực nửa cái rậm lông…
Thằng này còn tệ hơn cả Dane Tully, vì mấy trò ghẹo của Dane thường không có gì phong phú. Còn cứ mỗi lần thằng Fats Wall thấy Sukhvinder là cái lưỡi độc địa của nó lại đẻ ra một trò tra tấn mới, mà Sukhvinder không sao bịt tai không nghe được. Tất cả những lời lăng mạ, chế nhạo đó đều đóng đinh trong lòng Sukhvinder, không có điều tốt đẹp nào bám chặt được như vậy. Giá mà có cuộc thi liệt kê những biệt hiệu nó gán cho Sukhvinder, hẳn cô bé sẽ đạt được điểm A đầu tiên trong đời. Nào là Râu chấm vú; Con lưỡng tính, con đần lắm râu.
Rậm râu, ục ịch, ngu ngốc. Tẻ ngắt và vụng về; lười biếng, đó là mẹ Sukhvinder nói, bà thì ngày nào cũng trút lên đầu con gái hàng tràng la mắng và tức giận. Hơi đằm tính, ông bố khoan dung hơn, nhưng cũng thẳng buồn để ý tới con. Ông vẫn dễ chịu dù Sukhvinder học hành lẹt đẹt vì đã có Jaswant và Rajpal lúc nào cũng xếp đầu lớp rồi.
– Ôi con bé Jolly tội nghiệp – Vikram thường lơ đãng buông một câu kiểu thế khi liếc qua bảng điểm con gái.
Nhưng kiểu thờ ơ của bố còn dễ chịu hơn cơn giận của mẹ. Parminder dường như không thể nào hiểu hay nuốt trôi được cái thực tế là bà sinh ra một đứa con chẳng có tài năng gì cả. Nếu có bất kỳ giáo viên nào của Sukhvinder ngỏ ý rằng cô bé cần cố gắng hơn là bà nắm luôn lấy mà mắng nó.
Sukhvinder dễ nản, em ấy cần cố gắng hơn – Đó, con nghe chưa Sukhvinder? Cô giáo nói con chưa cố gắng hết sức.
Chỉ có duy nhất môn vi tính là Sukhvinder lên được lớp trình độ hai – Fats Wall không học lớp đó nên cô bé còn dám giơ tay trả lời câu hỏi – Nhưng bà mẹ chả coi trọng gì chút thành tích ấy: “Bọn trẻ các con suốt ngày lên mạng thế mà không lên nổi lớp trình độ một à.”
Sukhvinder chưa khi nào nghĩ tới chuyện kể cho ai, kể cả bố mẹ mình nghe trò nhạo tiếng khỉ hay những lời mạ lị cay độc của Stuart Walls. Vì như thế là thừa nhận ngay cả những người ngoài gia đình cũng coi mình là thứ kém cỏi bỏ đi. Mà mẹ Parminder lại thân với mẹ Stuart Walls. Sukhvinder đôi lúc tự hỏi không biết thằng kia có lo chuyện hai bà mẹ qua lại với nhau hay không, nhưng sau Sukhvinder nhận ra nó biết sẽ không bao giờ bị mách tội. Nó nhìn thấu Sukhvinder. Nó thừa biết Sukhvinder nhát gan, nó rành từng ý nghĩ tồi tệ nhất Sukhvinder tự gán cho mình và nói thành lời những điều đó để mua vui cho thằng Andrew Price. Khi trước Sukhvinder từng thích Andrew Price, nhưng đó là trước khi nhận ra mình lập dị và nực cười đến mức không xứng để yêu thích bất kỳ ai cả.
Sukhvinder nghe tiếng anh trai và bố lớn dần khi hai người đi lên cầu thang về phòng ngủ. Tiếng cười của Rajpal vang lên ầm ĩ ngay ngoài cửa phòng cô.
– Trễ rồi – bà mẹ nói với ra từ phòng ngủ – Vikram, con nó đến giờ ngủ rồi đấy.
Giọng bố Vikram vang và ấm vẳng qua cửa phòng Sukhvinder.
– Con ngủ chưa, Jolly?
– Chưa ạ – Sukhvinder đáp lại – Con đi ngủ bây giờ đây.
– À, vì ngay ngoài này anh con đang…
Có tiếng Rajpal hét lên không cho bố nói hết rồi cười ầm, bố Vikram đi xa dần, vừa đi vừa trêu Rajpal.
Sukhvinder đợi cho cả căn nhà chìm vào im lặng. Cô bé bám lấy niềm an ủi tưởng tượng như bám phao cứu đắm rằng mình đang chờ, chờ cho cả nhà đi ngủ…
(Trong khi chờ đợi, Sukhvinder nhớ tới một buổi tối cách đây chưa lâu, sau buổi tập chèo thuyền, cả đội đang đi dọc con kênh về phía bãi giữ xe. Lúc đó người đã mệt nhừ, cánh tay lẫn cơ bụng đều nhức nhối, nhưng cái đau đó rất lành mạnh. Cô bé lúc nào cũng ngủ ngon sau những buổi tập như vậy. Rồi tự nhiên Krystal, lúc đó đang đi phía sau cùng Sukhvinder, gọi cô bé là con quỷ cái da màu ngu ngốc.
Nó nói thế chẳng nhân chuyện gì cả. Cả bọn đang vừa đi vừa cười đùa với ông Fairbrother. Krystal cứ tưởng nói thế là vui lắm. Nó dùng từ “thấy mẹ” và từ “rất” lẫn lộn với nhau mà chẳng thấy gì khác biệt cả. Nên nó nói “con quỷ cái da màu” cũng như nói chữ “ngu” hay “đần” thế thôi. Sukhvinder cảm thấy rõ mặt mình sầm xuống, cảm giác hẫng nhói quen thuộc trong dạ dày lại dội lên.
– Cháu vừa nói gì?
Ông Fairbrother quay lại nhìn thẳng vào Krystal. Trước đây chưa đứa nào thấy ông thật sự nổi giận bao giờ.
– Có ý gì đâu – Krystal nửa ngạc nhiên nửa thách thức – Đang đùa thôi mà. Nó biết cháu đùa. Phải không? – Nó gặng hỏi Sukhvinder, cô bé lí nhí bảo là nó biết thế.
– Tôi không muốn nghe cháu nói những từ này lần nào nữa đâu đấy.
Cả đội đều biết ông rất quý Krystal, vài lần ông còn tự bỏ tiền túi để cho nó đi cùng đội. Krystal mà đùa là ông cười to nhất, con bé rất biết hài hước.
Cả nhóm đi tiếp, ai cũng có vẻ xấu hổ. Sukhvinder không dám nhìn Krystal; lúc nào nó cũng nghĩ lỗi là ở mình.
Lúc tới chỗ để xe, Krystal nói rất khẽ, đến nỗi ông Fairbrother cũng không nghe được “Tao chỉ đùa thôi”.
Sukhvinder đáp ngay: “Ờ mình biết.”
– Ờ, thế, x’lỗi.
Câu xin lỗi nghe như một từ đơn bị biến âm, Sukhvinder nghĩ cứ ra vẻ không nghe thấy thì hơn. Nhưng từ đó đủ tẩy sạch nỗi lòng Sukhvinder. Phục hồi phẩm giá của Sukhvinder. Thế rồi trên đường về Pagford, lần đầu tiên cô bé bắt giọng bài hát may mắn của cả đội và bảo Krystal vào đoạn rap đầu.)
Từ từ, rất chậm, gia đình Sukhvinder dường như cũng đã lên giường hết. Jaswant loay hoay lạch cạch một lúc lâu trong nhà tắm, Sukhvinder chờ đến khi Jaz chải chuốt xong, bố mẹ ngừng nói chuyện, rồi cả nhà chìm vào im lặng.
Cuối cùng cũng tới lúc an toàn. Con bé ngồi dậy, rút ra lưỡi dao cạo từ cái lỗ trong tai con thỏ bông cũ xơ. Nó trộm lưỡi dao này của bố từ tủ nhà tắm. Sukhvinder ngồi dậy trên giường, dò dẫm tìm cái đèn pin trên kệ và một nắm khăn giấy, rồi đi vào góc xa nhất trong phòng, chỗ có hốc nhỏ hình vòng cung. Nó biết nếu ngồi đó, ánh đèn pin sẽ bị chặn lại, không lọt qua khe cửa. Sukhvinder ngồi dựa tường, vén tay áo ngủ, soi đèn xem những vết rạch lần trước. Tay nó hằn vết sẹo dọc ngang nhưng đều đang lên da non. Trong cơn rùng mình và sợ đi kèm với nỗi nhẹ nhõm trong khoảnh khắc tập trung ngắn ngủi ấy, con bé nhấn lưỡi dao vào đoạn giữa cẳng tay rồi rạch sâu xuống thịt.
Cơn đau xé cháy bỏng bùng lên, máu lập tức trào ra, Sukhvinder cắt ngay trên khủy tay nên ấn luôn nắm khăn giấy lên miệng vết thương dài để không giọt nào rơi xuống thảm hay dây vào áo ngủ. Sau một, hai phút sau, nó lại rạch tiếp một đường vắt ngang vết rạch vừa rồi, cứ thế, thành hình cái thang, chốc chốc lại ngừng tay để ấn khăn vào thấm máu. Lưỡi dao biến nỗi đau thét gào trong tâm trí thành cái bỏng nhói thuần túy thú vật của dây thần kinh và da: Cứ mỗi nhát rạch lại thấy nhẹ nhõm hơn.
Cuối cùng, con bé lau sạch lưỡi dao rồi ngắm cánh tay tan nát: những vết thương ngang dọc ứa máu, đau đến trào nước mắt. Sukhvinder sẽ ngủ được nếu không đau quá mà tỉnh dậy, nhưng trước tiên phải chờ độ mười đến hai mươi phút để các vết thương kịp khép miệng. Nó gập gối ngồi dựa bức tường dưới cửa sổ, nhắm nghiền đôi mắt ướt.
Một phần cảm giác tự ghét mình như trôi ra cùng máu. Sukhvinder lãng đãng nghĩ về Gaia Bawden, cô bạn mới chuyển đến không hiểu sao rất thích nó. Gaia muốn thì đánh bạn với ai chẳng được, xinh xắn như thế, lại đặc giọng London, nhưng bạn ấy cứ tìm Sukhvinder ngồi chung mỗi khi ăn trưa hay ngồi xe buýt. Sukhvinder không hiểu nổi. Thậm chí nó còn định hỏi Gaia có biết đang chơi với hạng người gì không. Ngày nào nó cũng chờ cái lúc cô bạn mới nhận ra rằng Sukhvinder rậm lông, trông như khỉ, chậm lụt, ngu ngốc, hay bị lăng mạ và giễu cợt. Chẳc hẳn cô bạn sẽ nhận ra sai lầm ngay thôi, rồi thì Sukhvinder sẽ bị bỏ rơi như thường lệ và chỉ còn chơi được với hai đứa bạn cũ chán ngắt: hai chị em song sinh nhà Fairbrother.
THỨ BẢY