Khoá Văn Hệ Thống Nam Chủ Thỉnh Tự Trọng

Chương 45: Vách Núi


Bạn đang đọc Khoá Văn Hệ Thống Nam Chủ Thỉnh Tự Trọng FULL – Chương 45: Vách Núi


(Tôm dịch
Nờ Y bê ta)
Không gian xung quanh Lam Chỉ tối đen như mực.

Không phải cái kiểu đen mờ mờ của bóng đêm mà là kiểu tối tăm do thiếu sáng, thiếu không khí, thiếu khoảng không.

Với lại, Lam Chỉ vô cùng chắc chắn rằng mình đang nằm ở đâu đó.

Miệng cậu hơi cấn, như thể đang ngậm gì đó.

Lam Chỉ nghi hoặc cho tay vào miệng, lấy vật kia ra rồi nắm chặt lấy nó.

Trong không gian hẹp như này, mùi gỗ và mùi bùn đất cứ xộc vào khoang mũi, khiến Lam Chỉ không khỏi liên tưởng đến việc rằng mình đang nằm trong một cái quan tài.

Tưởng đâu mình bị đám người kia ném vào trong núi sâu, muốn ra sao thì ra cơ mà? Sao tỉnh lại lại thấy đang yên vị trong áo quan thế này???
Lam Chỉ cũng chẳng buồn nghĩ nhiều nữa.

Cậu vận khí khắp người một lần, kiểm tra xem cơ thể mình bây giờ thế nào.

Đúng là tu vi của cậu đã khôi phục lại như xưa rồi.

Lam Chỉ lập tức tung chiêu khiến mặt đất ầm ầm nứt ra.

Khoảng chừng nửa nén hương sau, Lam Chỉ đã ra được bên ngoài.

Dưới ánh sáng chan hòa, cậu nhanh chóng phủi sạch chút bụi bẩn bám trên người mình.

Nơi này rất kín đáo, ít người qua lại, còn có phong cảnh rất trữ tình.

Lam Chỉ tính thử thì biết mình chết được gần hai tháng rồi, giờ đã đến tiết Thanh minh.

Sắc xanh của cây cỏ ẩn hiện trong màn sương mờ ảo bồng bềnh.

Vạn vật mang theo sức sống mãnh liệt ẩn mình dưới đất, như thể sẵn sàng nảy mầm ngay khi có người bước qua nơi đây.

Dòng suối quanh co cũng khoác lên mình một tấm áo xanh biếc, đôi chỗ còn được điểm xuyết thêm mấy cánh hoa đào màu phấn hồng trông rất đẹp.

Một nơi như thế này mà dùng để an táng người chết thì quả là lý tưởng.

Không chỉ yên tĩnh, nó còn có vị trí khá khuất mắt, rất hợp để người ta yên nghỉ.

Lam Chỉ nhìn thứ vừa lấy trong miệng mình ra kia.

Đó là một miếng ngọc nho nhỏ hình vuông, dài tầm nửa ngón tay, có màu trắng ngà hơi trong.

Nếu cậu nhớ không nhầm thì đây là ngọc Trường Sinh.

Đặt ngọc này vào miệng người chết, cơ thể người đó sẽ được bảo toàn suốt mấy chục năm.

Ngọc Trường Sinh càng trong thì càng hiếm, thời gian bảo quản thi thể cũng càng dài.

Miếng ngọc này đã ngả dần sang trong suốt, có thể thấy được cũng là vật khó tìm.

Tuy nhiên, ngọc Trường Sinh chỉ có tác dụng khi thi thể người chết còn nguyên vẹn.

Một khi đã bị phân hủy, dù có dùng ngọc Trường Sinh thì cũng không thể khôi phục lại như cũ được nữa.

Lam Chỉ từng cho rằng vì cơ thể mình không còn nguyên vẹn nữa nên mới phải sửa hệ thống để sống lại.

Song, có vẻ mọi thứ không như cậu nghĩ.

Rốt cuộc là ai đã mang mình đến đây chôn? Là Giản Thương, hay là người khác?
Lam Chỉ vừa tự hỏi vừa rảo bước dọc theo bờ suối.

Ngước lên nhìn ngọn núi trước mặt, cậu trầm ngâm mãi, không nói gì.

Mình nên làm gì tiếp đây? Thẻ ngọc để lại trong khe đá kia đã bị Giản Thương lấy mất rồi.


Do Lam Chỉ cứ rảnh rỗi là ngồi nghịch thẻ ngọc nên bây giờ Giản Thương cũng có thói quen đó.

Có điều, tất cả những gì Giản Thương có thể thấy được là một mặt ngọc bóng loáng lạnh lẽo.

Không ai biết hắn đang nghĩ gì trong đầu.

Cũng vì thế mà Lam Chỉ không biết nhóc con nhà mình đang ở đâu, đang làm gì.

Tuy rằng mấy hôm trước khi trở về thế giới này, hệ thống không đăng chương mới nhiều lắm nhưng Lam Chỉ đoán Giản Thương vẫn còn ở Mộ Sương Mù để luyện ma công, khôi phục tu vi.

Giờ Lam Chỉ mà cứ thế qua tìm Giản Thương thì cậu không biết phải giải thích với hắn như thế nào.

Cậu phải tìm được cớ nào đó để biện minh cho việc chết đi sống lại này đã.

Nghĩ ngợi một chốc, Lam Chỉ quyết định mặc kệ cái huyệt của mình, để lại đó một cái áo quan trống rỗng.

Người khác chỉ cần nhìn sơ một cái là biết chỗ này vừa bị đào lên.

Hiện Lam Chỉ đang mặc một bộ đồ màu xanh lam rất bình thường, khá sạch, không bị dính máu.

Lam Chỉ cứ thế mà hiên ngang ra khỏi sơn cốc này, ngang nhiên đi thẳng đến trấn Du Long.

Sơn cốc này cách Bắc Hành phái rất xa, Lam Chỉ bay liên tục hai ngày mới đến nơi.

Khi cậu vừa đặt chân đến đầu trấn, hai ông cụ đang ngồi tán dóc gần đó lập tức sững người, kinh ngạc nhìn cậu trân trối.

Một cụ nghiêm túc hỏi cụ kia: “Tôi nghe nói cái người áo lam đó tu ma, giết người như ngóe nên bị mấy tiên gia của Bắc Hành phái giết rồi mà? Sao giờ người này lại đứng đây?”
Ông cụ bị hỏi kia hoảng sợ đứng bật dậy, toan chạy đi thì bị cụ còn lại giữ lấy.

Cụ kia lại bảo: “Ông quên rồi phỏng? Y đã dặn là sau này thấy y thì cấm trốn cơ mà? Cứ giả vờ không thấy y là được”.

Ông cụ vừa định chạy nghe thế thì sợ run cả người.

Cụ ấp úng: “Thế, thế chúng ta nói chuyện tiếp đi, đừng nhìn cậu ta là, là được”.

Trong lúc hai cụ đang lải nhải với nhau, đám trẻ con đang chơi gần đó vội hô lên: “Ối giời ôi! Ra đây mà xem! Người áo lam kia sống lại rồi kìa!”.

Cư dân trấn Du Long xưa giờ vẫn luôn kính sợ Lam Chỉ.

Nghe lũ trẻ hô hoán nhau, mọi người trong trấn chỉ biết đơ ra như phỗng, không dám ba hoa cũng không dám trốn.

Ai đang đứng tựa cửa hóng hớt thì tiếp tục giả bộ tựa cửa hóng hớt; ai đang quét sân thì tiếp tục quét sân một cách máy móc.

Người nào đang bán hàng thì tiếp tục cất tiếng rao sượng ngắt, còn ai đang chuẩn bị đi đánh hội đồng cũng không dám bé mồm hơn tí nào.

Lam Chỉ cũng mặc kệ.

Cậu đi thẳng tới nhà trọ lần trước.

Ông chủ nhà trọ vừa nhác thấy Lam Chỉ một cái là hai chân nhũn ra như cọng bún, sợ hãi tự hỏi kẻ này là người hay quỷ.

Ông ta nhớ rõ ràng khi nghe tin ấy cả trấn còn vui mừng kháo nhau cơ mà? Sao giờ người ta lại đứng ở đây cơ chứ? Nghĩ là vậy nhưng ông chủ vẫn ra vẻ niềm nở mời chào: “Chao ôi! Hóa ra là Lam tu sĩ ghé chơi! Lâu quá không thấy ngài qua, ngài vẫn khỏe đấy chứ ạ? Rồng đến nhà tôm thế này, chắc chả mấy mà quán trọ nhỏ nhà tôi ăn nên làm ra đâu!”
Lam Chỉ lạnh lùng liếc chủ nhà trọ một cái, lẩm bẩm: “Ồn ào muốn chết, chẳng thanh tịnh gì cả”.

Ông chủ nhà trọ nghe thế thì bối rối vô cùng.

Trước đây, vì “Lam Chỉ” thấy trấn Du Long nhộn nhịp quá nên người dân cứ thấy y đến là trốn vội trốn vàng.

Tuy nhiên, hồi năm ngoái, Lam Chỉ lại giở chứng, bảo mọi người phải cư xử như thường.

Khi mọi người không tránh mặt nữa thì người này lại than ồn.

Rốt cuộc là người này muốn gì đây? Oái oăm thế không biết! Nghĩ bụng, ông chủ nhà trọ hỏi lại: “Ý của ngài là…?”
Lam Chỉ liếc ông chủ một cái sắc lẻm khiến ông giật thót, hốt hoảng hỏi lại: “Vậy…!Vậy để tôi đánh tiếng cho mọi người lần sau ai về nhà người nấy nhé? Thế có được không ạ?”
Lam Chỉ không nói không rằng, chỉ lườm ông chủ nhà trọ thêm cái nữa rồi đi lên tầng trên.


Ông chủ nhỏ giọng phân phó thằng chạy vặt: “Mày mau mau đi báo cho mọi người biết là Lam tu sĩ chưa chết, còn sống sờ sờ ra đây này! Bảo họ đừng nói linh tinh nữa đi! Với lại, sau này, khi y tới trấn này thì đừng đứng đực mặt ra đấy nữa, tránh được thì tránh hết đi cho đỡ bẩn mắt y! Đi, nhanh lên!”
Chỉ trong vòng ba ngày sau, khắp các thành trấn dưới chân dãy núi Bắc Hành đều đang truyền tai nhau rằng ma tu họ Lam, tội đồ của Bắc Hành phái, đã sống lại rồi.

Hiện giờ, tên đó đã trọ lại trấn Du Long được một đêm rồi, thậm chí còn nhăm nhe ăn thịt người ta nữa kìa! Nghe đâu người dân trong trấn vì chuyện này mà ăn không ngon ngủ không yên luôn đó.

Cho dù lời đồn thổi truyền đi khắp nơi nhưng người của Bắc Hành phái vẫn coi đó chỉ là lời vô căn cứ bởi chưa ai tận mắt thấy chân thân Lam Chỉ cả.

Bọn họ sợ rằng có kẻ đang giả dạng Lam Chỉ để gây rối.

Vạn trưởng lão thấy chuyện này ly kỳ quá nên quyết định phái Dung Vân Tưởng và Tề Mộ Nhiên màn người đi xem thực hư thế nào.

Song, cả đám tra mãi mà chẳng tìm ra được đầu mối gì, như thể Lam Chỉ đã biến mất hoàn toàn sau một đêm.

Hôm sau, trong buổi họp sớm, Tống trưởng lão phát biểu: “Rõ ràng, lúc ấy Lam Chỉ đã tắt thở rồi.

Mang nó về phái xong chúng ta cũng thử châm rồi còn gì.

Hồn phách, nguyên thần gì của nó cũng tiêu tán sạch luôn.

Ta nghĩ, có người đang tung tin vì mục đích gì đó”.

Vạn trưởng lão thì lại nhăn mặt: “Mấy hôm nay chưởng môn lại bế quan rồi, đừng để mấy chuyện nhỏ nhặt này ảnh hưởng đến ngài ấy.

Ta nghi vụ này có dính dáng đến thằng oắt họ Giản kia.

Tiếc là lúc đấy ta không đập nát linh căn của nó luôn đi cho đỡ rách việc”.

Trong lúc hai trưởng lão đang nói chuyện, đám Dung Vân Tưởng, Tề Mộ Nhiên, Bạch Phong Dương và Tô Sở chỉ im lặng cúi đầu ngồi nghe.

Vạn trưởng lão hỏi tiếp: “Thế còn chuyện gì nữa không?”
Dung Vân Tưởng báo cáo: “Thưa, con nghe nói mấy đêm gần đây đã có hai tán tu Thiên giai bị biến thành tro rồi ạ.

Không biết là bị trúng thuật gì mà không có dấu vết chết cháy nhưng cả hai người đó cứ thế biến mất.

Có khi nào chuyện này liên quan đến người áo lam mới xuất hiện gần đây không?”
Tống trưởng lão hỏi: “Hai tán tu nào?”.

Tề Mộ Nhiên đáp: “Là Nha Sơn Cư sĩ và Du Nhàn Tán nhân ạ”.

Vạn trưởng lão chỉ xùy một tiếng khinh khỉnh, Tống trưởng lão thì hơi nhíu mày.

Sau đó, cả hai cùng vuốt râu trầm tư.

Cuối cùng, Dung Vân Tưởng là người phá tan bầu không khí im lặng này.

Y khẽ hỏi: “Sao vậy?”
Thấy hai trưởng lão không nói gì nên Tề Mộ Nhiên giải thích cho Dung Vân Tưởng: “Hai kẻ này cũng khét tiếng lắm chứ chẳng tốt lành gì đâu.

Nghe đâu Nha Sơn Cư sĩ kia chuyên đi bắt cóc con gái nhà lành về sát hại, làm bao nhiêu người chết oan.

Du Nhàn Tán nhân kia cũng là dạng tâm ngoan thủ lạt, giết người đoạt bảo không gớm tay.

Nhưng mấy thông tin đấy cũng chỉ là tin đồn thôi, chưa có ai đứng ra chứng thực cả”.

Vạn trưởng lão vừa suy ngẫm vừa hỏi: “Phong Dương, dạo này con kiệm lời hẳn nhỉ? Có chuyện gì phiền lòng à?”
Hôm nay Bạch Phong Dương mặc một màu thuần trắng.

Gã vừa vuốt ve chiếc nhẫn không gian trên ngón út của mình vừa khẽ đáp: “Không có gì.

Chỉ là con thấy thân mình còn chưa ấm, lo thân người khác làm gì? Chỉ cần lửa không cháy lan đến Bắc Hành phái là được rồi, không cần lo chuyện bao đồng đâu”.

Vạn trưởng lão cũng gật gù: “Nói cũng đúng.

Nhưng có thể khiến cho hai người sống sờ sờ biến mất một cách sạch sẽ như thế thì cũng quái lạ lắm.


Khổ cái là sắp tới ngày giỗ của mẹ ta rồi, ta phải về nhà mấy hôm.

Trong lúc ta đi, bốn đứa con nhớ giúp Tống trưởng lão một chút”.

Mấy người ngoan ngoãn đồng ý.

Sau khi đã an bài xong mọi chuyện, Vạn trưởng lão lập tức dắt theo mấy đệ tử, lên đường đi điều tra.

Nha Sơn Cư sĩ ở trong một động tiên nằm cách dãy Bắc Hành khoảng ba trăm dặm.

Động này vốn có kết giới chở che nên có thể hiên ngang nằm giữa thác nước, nhưng giờ lại bị phá tan hoang.

Nước trên thác bay thẳng xuống, xối xả đập vào đá.

Trên vách đá là một miệng hang rộng chừng mấy trượng, sâu hun hút.

Đây chính là động của Nha Sơn Cư sĩ.

Vạn trưởng lão dặn đám đệ tử chờ ở ngoài rồi một mình đi vào trong.

Ông ta nhìn vách động rồi nghĩ thầm đúng là không có vết cháy thật, như thể chủ nhân của nơi này cứ thế đột ngột biến mất thôi.

Rốt cuộc là ai và dùng thật gì mà lại lợi hại đến thế?
Đi vào trong được mấy bước, Vạn Thành Bân chợt nghe thấy tiếng đệ tử bên ngoài gào thét đầy sợ hãi, như thể vừa có chuyện gì đáng sợ lắm.

Vạn Thành Bân vội vàng lao ra khỏi động xem sao.

Các đệ tử đứng canh dưới chân thác đang xếp thành một vòng.

Tay ai cũng lăm lăm thanh kiếm, mồ hôi trên người thì nhễ nhại.

Bọn họ cùng chĩa kiếm vào người thanh niên mặc áo lam trước mặt, hô lên với Vạn Thành Bân: “Trưởng lão!!! Đ-Đây là Lam sư huynh!!!”
Người thanh niên nọ có một đôi môi mỏng rất bạc tình, lúc nào cũng mím chặt.

Dáng người thẳng như trúc, mắt tuy đẹp song lại toát lên thần thái uy nghiêm.

Cho dù đứng ở nơi hoang vu này, vẻ đẹp xuất sắc của người thanh niên vẫn không bị lu mờ.

Người này…!Không phải Lam Chỉ thì là ai? Trong lúc các đệ tử đang lăm le đao kiếm thì hai tay Lam Chỉ lại trống trơn, có vẻ không có ý định giao chiến với bọn họ.

Lam Chỉ đứng im ở đó, chăm chú nhìn Vạn trưởng lão như thể chờ đợi đã lâu.

Tuy kẻ này chỉ có tu vi khoảng Nguyệt giai nhưng Vạn Thành Bân lại không thấy dấu vết của thuật biến hình.

Ông ta ngờ vực tra hỏi: “Mi là ai? Dám cả gan giả dạng phản đồ của Bắc Hành phái bọn ta?”
Lam Chỉ chơi trò lời ít ý nhiều: “Bảo bọn nó cút đi rồi ta nói cho ông nghe”.

Tu vi của mấy đệ tử này còn chưa qua Thiên giai, nhỡ lát nữa Lam Chỉ có đánh nhau với Vạn Thành Bân thì bọn họ cũng dễ bị ngộ thương, ở lại chẳng được tích sự gì.

Chưa kể, tu vi của Vạn Thành Bân cũng ngang hàng với Trì Túc nên ông ta chẳng việc gì phải e dè Lam Chỉ cả.

Vì vậy, ông ta thoải mái phất tay với đám đệ tử mình mang theo: “Chờ ta dưới chân núi”.

Các đệ tử cũng biết mình ở lại chỉ tổ vướng chân nên vội cất vũ khí rồi lũ lượt kéo nhau đi.

Lam Chỉ ung dung bảo: “Ta muốn nhờ Vạn trưởng lão giúp ta một việc”.

Vạn Thành Bân nghe thế thì chỉ cười lạnh: “Lão hủ vô năng, sao giúp các hạ được? Chưa kể, mi chưa nói thân phận thật của mình mà dám lớn lối đòi ta giúp thì có phải hơi thiếu thành ý không?”
Lam Chỉ cũng chẳng buồn đứng đây nói nhảm cũng ông ta.

Cậu đi thẳng vào trọng điểm: “Ta chết đi sống lại chứ không phải người khác biến hình.

Thân phận của ta chỉ có thế thôi.

Mong Vạn trưởng lão chớ có đa nghi.

Chẳng lẽ, ông không nhớ có lần đã nói với ta rằng sau này ta tất sẽ thành nhân tài à?”.

Đó là lần Bạch Phong Dương bị người ta hãm hại rồi bị nhốt vào ngục.

Vạn trưởng lão muốn Lam Chỉ tiếp nhận đám đệ tử của Bạch Phong Dương nhưng lại sợ Lam Chỉ phật ý nên đã trấn an Lam Chỉ rất lâu, nói ra toàn mấy lời có cánh.

Chuyện này vốn không thể có ai khác biết được, nhưng cớ sao người áo lam này lại biết?
Vạn Thành Bân thà tin rằng đây là Lam Chỉ giả còn hơn là Lam Chỉ đã chết rồi lại sống lại.

Song, nghe được chuyện đêm đó, Vạn Thành Bân cũng nghiêm túc hẳn lên, hỏi lại: “Sao mi biết được?!”
Lam Chỉ đáp: “Lần đầu ông nói chuyện riêng với ta hồi năm ngoái là mùng sáu tháng Hai, nội dung là về việc đón đệ tử mới lên núi.


Lần thứ hai là ngày mười bảy tháng Chính, nói về chốn về của Tô Sở và Lý Du sau khi thăng cấp.

Lần thứ ba là hồi mùng tám tháng Giêng năm nay khi muốn ta tiếp nhận đệ tử của Bạch Phong Dương.

Vạn trưởng lão cần ta nhắc lại từng câu từng chữ không?”
Vạn Thành Bân lia mắt nhìn từ đầu đến chân Lam Chỉ.

Kẻ này không có một chút sơ hở nào, từ động tác đến ngữ điệu, tất cả đều giống trước kia y như đúc.

Đúng là Vạn Thành Bân chưa bao giờ nghe thấy chuyện lạ như là chết đi sống lại nhưng một bó tuổi của ông ta vẫn còn đó, đủ để trưng ra vẻ mặt bình tĩnh, che giấu đi tâm tình kích động.

Vạn Thành Bân lạnh giọng, hỏi tiếp: “Ngươi sống lại kiểu gì?”
Lam Chỉ cũng cười lạnh: “Vạn trưởng lão tò mò quá nhỉ? Chi bằng ông cứ đi cúng mẹ ông trước đi rồi quay lại đây tìm ta.

Lúc đó, chúng ta bàn chuyện ông giúp ta sau cũng được”.

Vạn Thành Bân tức giận: “Ngươi muốn làm gì!?”
Lam Chỉ khoan thai bước tới cửa động, cất giọng hỏi ông ta: “Vạn trưởng lão có biết tại sao tên Nha Sơn Cư sĩ này lại thích bắt cóc con gái nhà lành không?”
Vạn Thành Bân chỉ từng mắt nhìn, không đáp.

Lam Chỉ tự hỏi tự đáp rất thủng thẳng: “Vốn, Nha Sơn Cư sĩ là một đứa trẻ rất khôn ngoan.

Vì cha mẹ mất sớm nên gã phải sống với cô mình.

Cô gã là góa phụ, tuy có con ruột nhưng vẫn xem gã như con đẻ của mình mà nuôi nấng yêu chiều.

Ba người thay phiên nhau đi đốn củi, làm ruộng, cuộc sống tuy cơ cực nhưng lại hết sức hạnh phúc và bình dị.

Tiếc thay, một năm nọ, một cơn dịch bệnh hoành hành khắp nơi, đảo tung mọi thứ.

Vạn trưởng lão có biết sau đó thế nào không?”
Vạn Thành Bân nghiến răng ken két, lập tức hỏi: “Ngươi đã làm gì rồi!?”
Lam Chỉ không trả lời mà chỉ kể tiếp: “Lúc ấy, vì cả nhà đã cùng đường mạt lộ nên người cô đã trói Nha Sơn Cư sĩ mới mười tuổi lại, toan giết gã để lấy thịt gã làm thức ăn cho con ruột của mình.

Cho nên, Nha Sơn Cư sĩ bắt con gái về không phải để làm chuyện đồi bại mà là chỉ muốn trả thù.

Đến giờ gã vẫn không hiểu tại sao cô gã vốn thương gã như thế lại nỡ lòng giết gã, xẻ thịt làm thức ăn”.

Kể xong, Lam Chỉ nhìn Vạn Thành Bân mà nói bóng nói gió: “Thật lòng mà nói ấy, mình có thương người ngoài bao nhiêu cũng không bằng một phần vạn mình thương máu mủ của mình đâu”.

Vạn Thành Bân nóng máu lắm rồi.

Lam Chỉ vừa dứt lời thì ông ta đã phất tay, lấy ra một thanh đao mỏng như cánh ve.

Vạn Thành Bân gằn giọng hỏi Lam Chỉ: “Mi đã làm gì!”
Lam Chỉ ra chiều thương tiếc mà cúi đầu: “Nhà Vạn trưởng lão có sáu người con, trong đó có hai đứa chết yểu.

Con út Tầm Diệp là đứa con ông thương yêu nhất.

Ta “lỡ” nhốt nó lại rồi, nhưng vẫn đang cho người chăm sóc nó thật tốt đấy.

Có điều…!Ta đã dùng linh lực của mình để treo một thanh kiếm bé xinh trên đầu nó.

Chẳng may linh lực đó mà biến mất thì…!Thôi, nói tóm lại là ta chết, nó cũng chết theo mà ta không vui, nó cũng đừng hòng sống”.

Cả người Vạn Thành Bân lạnh toát sau cái tin sét đánh ngang tai này.

Ông ta vừa hoảng vừa giận, quát: “Thằng bé có tội tình gì mà mày phải làm thế!? Đúng là thứ rắn độc! Thứ trơ tráo!”
Lam Chỉ cũng bình tĩnh đáp lại Vạn Thành Bân: “Ồ? Thế Giản Thương có tội gì mà bị ngươi phế tu vi rồi đuổi khỏi phái? Còn ta? Ta có tội gì mà bị cả phái các người ép thử châm độc, rồi bị chính các người bức tử? Thân là đại trưởng lão Bắc Hành phái, địa vị chỉ xếp sau chưởng môn mà ngươi lại điều tra qua loa, vô trách nhiệm, coi mạng người như cỏ rác! Nếu Tầm Diệp không bị bắt đi thì chắc loại người máu lạnh như ngươi cũng chẳng biết đau lòng là gì đâu”.

Vạn Thành Bân vừa thương con vừa khó thở vì giận.

Ông ta gắng kìm cơn đau xót nơi tim, vô cảm hỏi Lam Chỉ: “Sao ta tin được mày đang nói thật cơ chứ?”
“Thì cứ về nhà mà xem có đúng không.

Xem rồi thì tới đây, ta lúc nào cũng ở đây chờ ngươi.

Còn nếu ngươi không sợ Tầm Diệp chết thì cứ thẳng tay mà giết ta đi cho đỡ tức”.

Vạn Thành Bân mỏi mệt nhắm mắt, vứt lại một câu chửi “Vô liêm sỉ” rồi quay người đi mất.

Lam Chỉ thấy ông ta vừa khuất bóng thì ngồi thụp xuống trước thác nước kia.

Cậu bất an vuốt ve một viên đá màu đen trong động, chỉ sợ Giản Thương gặp tai họa.

Xem ra, cậu phải hành động nhanh hơn nữa mới được..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.