Khoa Kỹ Vấn Đạo (Đế Chế Kinh Tế Mới Tại Nước Việt)

Chương 242: Kế hoạch phân phối Sphone (1)


Đọc truyện Khoa Kỹ Vấn Đạo (Đế Chế Kinh Tế Mới Tại Nước Việt) – Chương 242: Kế hoạch phân phối Sphone (1)

Sau buổi lễ ra mắt, Phòng họp Tập đoàn

Trình Huy tỏ ra vô cùng vui vẻ nhìn về phía Lý Đông nói:

– Chủ tịch, sự kiện thành công đúng như mong đợi. Sphone đã khiến tất cả khách quan được trải nghiệm một sản phẩm công nghệ đỉnh cao thực sự. Nhìn vào sự phấn khích trong mắt họ, tôi thấy được ngày Sphone thống lĩnh thị trường điện thoại di động đã không còn xa rồi.

Cảm nhận được sự tự hào trên nét mặt và lời nói của Trình Huy, Lý Đông mỉm cười trả lời:

– Chuyện Sphone ra mắt tạo được ấn tượng lớn là đã nằm trong trù tính. Có điều để làm được điều đó, tôi ghi nhận và cảm ơn sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ cán bộ nhân viên trong Kỷ nguyên Digital trong đó lớn nhất phải là anh đấy Trình Huy.

Trình Huy được đích thân Lý Đông khen ngợi trước mặt toàn bộ các lãnh đạo cao tầng của tập đoàn như vậy thì hơi có chút bối rối đáp lời:

– Dạ, đó là trách nhiệm của tôi mà thưa chủ tịch. Đáng ra tôi mới phải là người phải cảm ơn vì đã tin tưởng và trao cho tôi cơ hội được tham gia vào dự án để cho ra đời sản phẩm làm thay đổi cả ngành điện thoại như Sphone mới đúng.

Lý Đông xua tay:

– Được rồi, vẫn là anh có năng lực thì mới có thể làm thành công đi. Đúng không mọi người?


Cả phòng họp nghe xong thì đều đồng loạt phụ họa theo Lý Đông. Trình Huy thấy vậy cũng không biết nói gì đành cúi xuống giả vờ nhấp một ngụm trà. Tính cách hắn vẫn là như vậy, đi lên từ dân kỹ thuật mặc dù cũng đã trải qua một thời gian ngồi ở vị trí lãnh đạo nhưng bản tính giản dị thật thà vẫn bộc lộ ra bên ngoài dễ thấy dễ nhìn như vậy.

Lý Đông ngồi ở trên ghế chủ tịch quan sát cử chỉ của Trình Huy thì cảm thấy khá thú vị. Hắn thật không thể nghĩ tới một vị Giám đốc sắp làm mưa làm gió lũng đoạn ngành điện thoại di động toàn cầu lại có một bộ dạng ngại ngùng như vậy đây.

Và để giải vây cho người thuộc cấp, Lý Đông lên tiếng chuyển chủ đề:

– Uhm… được rồi, các vị. Buổi lễ ra mắt đã rất thành công, trong thời gian tới vấn đề của chúng ta chính là phải đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, tránh để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung hàng. Để bắt đầu cho buổi họp hôm nay, tôi muốn nghe báo cáo lại tình hình xây dựng kênh phân phối và chính sách giá của Sphone một chút.

Lần này, Trình Huy không phải là người lên tiếng mà là Tổng Giám đốc Trần Hàng. Hắn hơi dựng thẳng người một chút rồi điềm đạm trả lời:

– Báo cáo chủ tịch và các vị, hiện tại ngay sau buổi ra mắt chúng ta đã nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các hãng công nghệ và thương mại lớn trên toàn cầu muốn đàm phán hiệp thương thay quyền tiêu thụ Sphone tại các khu vực khác nhau. Miếng bánh Sphone khá thơm nên thu hút tới đều là những tập đoàn tên tuổi có điều tôi đề nghị chúng ta tập trung vào một số hãng có kinh nghiệm liên quan tới các thiết bị di động và công nghệ truyền thông không dây như Verizon Wireless, Sprint, AT&T tại Mỹ, Orange tại Pháp, MTS tại Nga, T-Mobile tại châu Âu… Mọi người cũng biết Sphone là một sản phẩm được thiết kế hướng tới phục vụ phân khúc khách hàng trung và cao cấp đồng thời năng lực sản xuất của chúng ta hiện tại còn khá hạn chế do vậy trước mắt chúng ta sẽ chỉ hướng tới các thị trường ở các quốc gia phát triển và một số lượng hữu hạn các Tổng Đại lý sẽ được trao quyền tiêu thụ để kinh doanh tại các khu vực đã được phân khai.

Hơi dừng lại đôi chút để mọi người nắm được thông tin, Trần Hàng lại tiếp tục:

– Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bỏ qua thị trường tại các quốc gia đang phát triển. Công bằng mà nói thì thị phần tại các quốc gia này cũng không hề thua kém các nước giàu có khác thậm chí có phần nhỉnh hơn. Tuy vậy do sức mua và mức độ phân tán của người tiêu dùng nên chúng ta sẽ xem xét tới họ như những thị trường theo sau khi mà khả năng cung ứng của chúng ta đầy đủ. Mục tiêu của Sphone chính là thống lĩnh trên toàn cầu do vậy không có bất kỳ lý do nào để từ bỏ các khách hàng tiềm năng của mình.


Nghe tới đây, Lý Đông lên tiếng hỏi:

– Anh Trần Hàng, với chuỗi nhà máy hiện tại, tối đa có thể sản xuất ra bao nhiêu máy một tháng? Số lượng tồn kho tính tới hiện tại là bao nhiêu máy?

Trần Hàng lập tức trả lời:

– Báo cáo chủ tịch, công suất bây giờ khoảng 8 triệu máy một tháng, trong kho đang có khoảng 40 triệu máy tồn.

Lý Đông khẽ nhíu mày:

– 40 triệu? Uhm… con số này theo ước tính của tôi chỉ đủ lượng hàng dự trữ để chúng ta cung ứng trong một quý. Nếu với năng suất 8 triệu máy một tháng thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ không đủ hàng để bán rồi.

Trần Hàng đề nghị:


– Chủ tịch, vấn đề vẫn là nằm ở thời gian quá gấp gáp các đối tác của chúng ta không sản xuất kịp lượng hàng để cung ứng hơn nữa vận chuyển hàng hóa lại xa xôi. Hay là chúng ta lại xin tỉnh lập thêm một khu công nghiệp tập trung toàn bộ các nhà máy sản xuất phụ kiện cho Sphone về cùng một nơi, như vậy sẽ tăng cao được năng suất, giảm giá thành đi rất nhiều.

Lý Đông nghe xong lập tức phủ quyết:

– Không được, chuyện này đã nói rất rõ rồi, các anh cũng biết mục đích đã đặt ra ban đầu của Kỷ nguyên mới cũng không phải chỉ để thu về lợi nhuận cho mình, sao lại còn nhắc tới việc này.

Trần Hàng cười khổ. Hắn thực ra rất hiểu dụng ý của Lý Đông khi quyết định chuyển giao kỹ thuật cho một loạt tập đoàn công nghệ trong nước như FPT, CMC, Viettel… để sản xuất các cấu kiện khác nhau của Sphone. Kỷ nguyên mới sẽ cho phép các tập đoàn này được tham gia vào chuỗi cung ứng đầu vào của nhà máy lắp ráp tại Đông Thành, hỗ trợ bọn họ về công nghệ, vốn và chính sách.


Có điều đáng lẽ theo đúng khoa học quản trị sản xuất công nghiệp, các nhà máy của những tập đoàn này cần được bố trí như những vệ tinh quay xung quanh trung tâm lắp ráp tại Đông Thành thì Lý Đông lại đặt ra yêu cầu phải xây dựng các nhà máy này tại các tỉnh, thành phố trung tâm của ba miền gồm Hà Đô, Đà Nẵng, Sài Thành. Hàng hóa sau khi sản xuất xong sẽ được vận chuyển về Đông Thành bằng đường biển hoặc đường hàng không.

Và chính quyết định này của Lý Đông mới khiến cho tiến độ sản xuất bị chậm cũng như giá thành sản xuất tăng cao.

Lẽ hiển nhiên, quyết định của Lý Đông bị rất nhiều lãnh đạo trong tập đoàn trong đó có Trần Hàng thắc mắc tuy nhiên Lý Đông lấy quyền lực và uy thế tuyệt đối của hắn gạt đi.

Thực ra Lý Đông không phải là độc đoán phủ quyết mọi người mà không đưa ra nguyên nhân có điều nguyên nhân của hắn quả thật có phần không được chấp thuận như là một lý do đối với một người làm ăn cho lắm.

Khi hắn giải thích vấn đề này với mọi người thì tất cả thành viên cuộc họp đều không còn lời nào để nói. Ai có thể nghĩ được, Lý Đông chấp thuận làm tăng cao chi phí, trễ nải tiến độ sản xuất chính là để góp phần vực dậy nền công nghiệp phụ trợ cũng như bước đầu tái định hình lại phân bố ngành nghề trong nước.


Theo như Lý Đông nói, Sphone chắc chắn sẽ có sức tiêu thụ cực lớn do đó cần tới một lực lượng sản xuất vô cùng đông đảo có thể lên tới hàng triệu người trong chuỗi cung ứng phụ kiện của mình. Đây chính là cơ hội để chuyển dịch ngành nghề của thanh niên và người lao động trong nước từ các lĩnh vực nông nghiệp hay tiểu thủ công nghiệp đơn giản sang các lĩnh vực công nghiệp nặng với thu nhập cao hơn.

Với doanh số tiêu thụ của Sphone và tương lai là Spad theo ước tính của Lý Đông là khoảng 200 tỷ USD một năm, chi phí giá vốn khoảng 30% tương đương 60 tỷ USD được phân bổ xuống như là nguồn thu nhập của các hãng và người lao động thì chắc chắn chỉ sau vài năm, bộ mặt kinh tế tại các vùng miền sẽ có sự thay đổi rất lớn, đời sống kinh tế xã hội sẽ được nâng cao đáng kể kéo theo nhiều ngành nghề khác phát triển theo.

60 tỷ USD đối với nhiều nước có lẽ không phải là con số lớn nhưng với một quốc gia như Việt Nam với tổng thu nhập quốc nội (GDP) một vài năm trước khi Kỷ nguyên mới ra đời chỉ vài chục tỷ USD thì là một con số vô cùng lớn, có thể tác động rất lớn tới nền kinh tế các địa phương.

Và đó chính là cơ sở để Lý Đông chấp thuận làm ngược lại những gì được cho là quản trị sản xuất bài bản để đưa các nhà máy về các tỉnh thành khác trong nước.

Lẽ dĩ nhiên, Kỷ nguyên mới và các tập đoàn đối tác của mình đều được các tỉnh thành trải thảm đỏ đón chào, không có một vị bí thư, chủ tịch nào lại có thể từ chối được các dự án của Kỷ nguyên mới trong nước khi này.

Chuyện đùa sao, một cơ hội lấy chiến tích làm đẹp lý lịch của mình thì có ai lại có thể bỏ qua cho được. Đó là còn chưa nói, nếu bọn họ muốn bỏ qua thì cũng cần phải có được lòng dũng cảm để tìm cho ra được một lý do từ chối mới được.

Phải hiểu Kỷ nguyên mới ngày nay ở trong nước đã không còn là chuyện đùa, nó tuy không có quyền lực chính trị nhưng quyền lực kinh tế đã bao trùm lên toàn bộ đất nước và thế giới. Mà quyền lực kinh tế khi đạt tới một cấp độ nào đó thì nó hoàn toàn có thể chi phối quyền lực chính trị chứ không đơn thuần là gắn kết tương hỗ với nhau nữa.

Trần Hàng có thời gian làm việc lâu năm cùng Lý Đông. Ở trên người Lý Đông quả thật có rất nhiều điểm cho hắn phải khâm phục và sùng bái và một trong số đó chính là tinh thần một lòng hướng về tổ quốc của Lý Đông.

Trong tất cả mọi việc Lý Đông đã làm và chuẩn bị, hắn đều hướng tới quốc gia, xem việc làm giàu và bảo vệ quốc gia như là một phần vô cùng quan trọng trong sự nghiệp của mình. Và đó cũng chính là điểm hấp dẫn và mị lực của Lý Đông với các thuộc cấp, khiến họ kiên tâm đi theo bước chân của hắn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.