Khi Nào Trăng Sáng Dẫn Lối Anh Về

Chương 2: Trường tiểu học trong thôn làng miền núi


Đọc truyện Khi Nào Trăng Sáng Dẫn Lối Anh Về – Chương 2: Trường tiểu học trong thôn làng miền núi

Tương Tây.

Thứ tư, ngày 12 tháng 1 âm lịch, ngày 12 tháng 2 năm 2014.

Nhờ vào phương tiện giao thông hiện đại mà cả thế giới trở nên càng ngày càng nhỏ. Tối qua Tạ Vũ vẫn còn đang say mơ mơ màng màng ở Thượng Hải, hôm nay đã đưa mình vào vùng núi nhỏ Tây Nam.

Nhưng giao thông có phát triển đến thế nào đi chăng nữa, dường như cũng im lặng tại nơi đây.

Tạ Vũ đến huyện lỵ nhỏ ở phía bắc Tương Tây là đã hơn ba giờ chiều. Thời gian không còn sớm, cô không dám nán lại thêm để cảm nhận phong cảnh của thành phố nhỏ nơi biên giới, đến bến xe là lên chiếc minibus đi thị trấn ngay.

Chiếc minibus rất nhỏ, người đang ngồi đều là dân làng từ thành phố về nhà, mấy cái gùi chứa đầy ắp đồ để trong không gian nhỏ hẹp.

Dân làng nói chuyện rất lớn, tiếng địa phương thiên về tiếng phổ thông Tây Nam, không khó hiểu lắm. Tạ Vũ láng máng nhận ra không ít từ thô tục sảng khoái chất phác trong những cuộc chuyện trò này. Đây là đặc trưng của vùng Tương Tây.

Trong xe cũng có mấy cô gái trẻ, nhuộm tóc vàng, ăn mặc hở hang, đây là đặc trưng mà thời đại mới trao cho vùng núi.

Đường quốc lộ xuống làng đều là đường đồi núi, một bên quốc lộ dựa vào núi, một bên là vách đá và dòng sông xanh biếc sóng gợn lăn tăn phía dưới.

Lâu lắm rồi Tạ Vũ không thấy qua dòng nước trong sạch sẽ như vậy, thứ cô hay thấy chỉ có sông Hoàng Phố vàng đục quanh năm.

Chắc là trời vừa mưa, sắc trời mờ mịt, núi xanh trùng điệp kéo dài ven đường, nhuộm một lớp màu xanh đen.

Tạ Vũ sinh ra và lớn lên ở đồng bằng, độ cong của đường đồi núi khiến cô hơi chóng mặt, chỉ có thể hạ cửa kính xe xuống để cho cơn gió mát ướt lạnh thổi vào, lúc này mới thoải mái hơn một chút.

Xe đã chạy nửa tiếng, rốt cuộc đến làng trấn nhỏ mà Tạ Vũ phải đi.

Đây là một trong những làng trấn nghèo khó nhất của Tương Tây, một con đường nhỏ tan hoang chật chội, mấy người trong các hàng quán nhỏ ven đường mỏi mệt lười biếng, thỉnh thoảng có người nhìn về phía Tạ Vũ không giống người địa phương.

Cô đi ngang qua một cửa hàng nhỏ mua chai nước, bao bì màu đỏ trắng cũng coi như quen thuộc, nhưng khi vặn mở nắp chai chuẩn bị ngửa đầu uống, thì lại phát hiện chữ viết trên bao bì là ba chữ “Wahaha”.

Hàng giả đột ngột xuất hiện này khiến Tạ Vũ không thể nào không đậy kín nắp lại. Cô liếc nhìn ông cụ bán nước, đoán có lẽ ông ấy cũng không biết.

Cô mỉm cười bất đắc dĩ, đi mấy bước, ném chai nước vào đống rác bên cạnh.

Ngôi làng rất nhỏ, đến mức tòa nhà văn phòng của chính quyền địa phương nhanh chóng xuất hiện trong tầm mắt Tạ Vũ.


Tòa nhà nhỏ đó ngược lại có ba tầng, có điều rất cũ kĩ, đăng kí với bác bảo vệ đang ngủ gật một cái, Tạ Vũ thuận lợi đi vào.

Có lẽ lúc này đã tan làm hết nên cả tòa nhà rất yên tĩnh, chỉ nghe thấp thoáng có tiếng người nói chuyện ở một chỗ trên tầng hai.

Tạ Vũ lên lầu, đến gần phòng làm việc có tiếng người truyền ra.

Cửa phòng làm việc đang mở, cô đi tới đứng ở cửa, nhìn vào bên trong: “Trưởng làng Hướng Vân có ở đây không?”

Bên trong có ba người trẻ tuổi đang ngồi nói chuyện phiếm.

Cô gái hơi lớn tuổi trong ba người đứng lên đi tới: “Là phóng viên Tạ Vũ của Tuần san Đông Phương phải không? Chào cô, tôi chính là Hướng Vân.”

Cô ấy có khuôn mặt của con gái Tây Nam điển hình, dáng ngưởi không cao nhưng rất xinh đẹp, đôi mắt sáng ngời, cười rộ lên cực kì động lòng người.

Tạ Vũ đã đọc qua tư liệu của cô ấy, là cán bộ tốt nghiệp đại học lựa chọn và điều động tới đây, chủ yếu phụ trách văn hóa và giáo dục. Cô ấy tốt nghiệp trường nổi danh hàng đầu, vốn rất dễ thăng tiến nhưng lại chọn trở về quê nhà, chắc hẳn là vì hoài bão xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tạ Vũ mỉm cười bắt tay cô ấy, đầy ẩn ý quan sát cô gái này một chút, không biết cô ấy có hoài bão hay không?

Hướng Vân giới thiệu bản thân xong, lại xoay người giới thiệu: “Hai người này chính là tình nguyện viên lần này, Trần Tâm Duyệt và Trương Khánh Nhiên. Hai em ấy đều là sinh viên miễn thi tuyển nghiên cứu sinh năm thứ tư đại học, xin đến hỗ trợ giáo dục trong học kì này.”

Tạ Vũ nhìn về phía hai người, trong khi Hướng Vân đang nói, cô gái đã chạy sang phía cô, điệu bộ rất nhiệt tình: “Em nghe phía quỹ nói phóng viên Tạ Vũ của Tuần san Đông Phương sẽ tới nên vui lắm. Chị có biết không? Em rất thích tạp chí của mọi người, thường hay đọc bài mà chị viết, chị giỏi thật đấy!”

Tạ Vũ cười: “Em con gái một mình đến vùng núi hỗ trợ giáo dục cũng giỏi lắm.”

Trần Tâm Duyệt cười ha ha: “Việc này luôn là ước mơ của em mà.”

Cô gái trẻ trong tháp ngà lúc nào cũng có chút ngây thơ, họ vẫn chưa hiểu được khoảng cách giữa lý tưởng và hiện thực.

Giống hệt như Tạ Vũ năm đó.

Nam sinh phía sau cũng đi tới, nam sinh đó đeo một chiếc mắt kính gọng đen, dáng vẻ khá có phong độ của người trí thức, nhìn một cái biết ngay là sinh viên đại học, có điều đuôi mày khóe mắt lại có chút vẻ không nghiêm túc.

Tạ Vũ từng phỏng vấn qua nhiều người của đủ mọi ngành nghề với tính cách khác nhau, ít nhiều gì cũng có một số cách nhìn người, trong mắt cô, phần không nghiêm túc giấu rất tốt đó rất dễ ẩn trốn.

Dù sao thì đây cũng chỉ là một nam sinh khoảng hai mươi tuổi.


Trương Khánh Nhiên mỉm cười, tự giới thiệu: “Chào chị, em là Trương Khánh Nhiên.”

Tạ Vũ gật đầu: “Chào cậu.”

Hướng Vân liếc nhìn đồng hồ trên tường: “Trường học sắp xếp lần này là trường tiểu học Hồng Khê. Tạ Vũ, tôi sẽ không giữ mọi người lại ăn cơm nữa, đến thôn Hồng Khê phải mất một tiếng, bây giờ trời tối sớm, đường bên đó khó đi, trễ quá sẽ không tiện. Chờ mọi người quay lại làng tôi sẽ tiếp đãi mọi người. Hiệu trưởng của trường tiểu học thôn bên đó đã hẹn xong rồi, ông ấy sẽ thu xếp cho mọi người, nếu có vấn đề gì thì gọi điện thoại cho tôi.”

Ba người lần lượt nói cảm ơn.

Hướng Vân lại nói: “Tôi vốn muốn đưa mọi người đi, nhưng tiếc là lát nữa tôi còn có việc phải xuống thôn khác. Có điều tôi đã sắp xếp xe công của làng đưa mọi người rồi. Đường xe chỉ đi thẳng đến nửa đường, vào trong thôn mọi người còn phải đi thêm nửa tiếng, tài xế sẽ dẫn mọi người đi. Đường trong núi khó đi lắm, mọi người cẩn thận một chút.”

Tạ Vũ rất có thiện cảm với cô gái nhiệt tình chu đáo này, mỉm cười cảm ơn cô ấy.

Trần Tâm Duyệt thì cười cực rực rỡ: “Không sao đâu, em đã chuẩn bị chịu khổ rồi.”

Hướng Vân và Tạ Vũ đều cười vì sự hồn nhiên trẻ trung này. Hoàn toàn không phải là cười nhạo, chỉ đơn giản bị ảnh hưởng mà thôi.

Hướng Vân không lừa bọn họ.

Xe chạy nửa tiếng là đã đi đến cuối đường. Sau khi xuống xe, do tài xế dẫn đường, một nhóm bốn người bước lên con đường đất của thôn làng. Mặc dù không đến nỗi trèo đèo lội suối, nhưng con đường đất chật hẹp đó vẫn còn bùn lầy sau cơn mưa, khiến những người đến từ thành phố đi từng bước rất khó khăn.

May mà phong cảnh của thôn làng miền núi đẹp như tranh vẽ, tiếng nước chảy của dòng suối nhỏ trong veo hệt như giai điệu kéo dài không ngừng, tiếng chim hót côn trùng kêu trên đỉnh núi ngoài đồng ruộng như tiếng nhạc đệm.

Bóng đêm dần phủ xuống, bầu trời sau khi quang đãng bắt đầu xuất hiện bóng trăng sáng và những vì sao li ti. Những cánh chim mệt mỏi trong rừng cây vỗ cánh lục tục về tổ.

Các hộ gia đình trong thôn luôn là mấy nhà tập trung vào một chỗ, sau đó lại cách một khoảng núi rừng đồng ruộng dài mới có thể thấy cụm gia đình tiếp theo. Người ở đây đều là người dân tộc Thổ Gia, phần lớn nhà ở vẫn là nhà gỗ Thổ Gia thời kì xa xưa, mấy ngôi nhà gần suối thì là nhà sàn.

Giữa ánh hoàng hôn, khói bếp đang lượn quanh.

Khi đi ngang qua mấy ngôi nhà, lúc nào cũng có người già và trẻ con tò mò nhìn về phía họ, còn có chó vườn hung dữ sủa điên cuồng, sau đó bị chủ tức giận mắng thì không cam lòng thở phì phò.

Dọc theo đường đi, Trần Tâm Duyệt hưng phấn nhất, liên tục bấm di động tự chụp ảnh.

Sau khi leo qua hai dốc núi, giẫm lên đá lội qua ba con suối nhỏ, một căn nhà trệt mái ngói dựa vào núi đối diện sông khác với nhà dân địa phương rốt cuộc hiện ra trong tầm mắt Tạ Vũ.


Tài xế đi đằng trước chỉ căn nhà đó, nói bằng tiếng phổ thông mang nặng giọng địa phương: “Đó chính là trường tiểu học Hồng Khê.”

Trần Tâm Duyệt ồ một tiếng: “Tốt hơn tôi tưởng tượng đấy.”

Tài xế nói: “Trước kia điều kiện cũng tệ lắm, mấy năm trước có người quyên góp xây nhà đấy. Phòng học thì ổn rồi, nhưng giao thông nơi này bất tiện, không có giáo viên bằng lòng đến đây, hoặc là đến chưa được mấy ngày là đi mất rồi.” Nói đoạn, anh ta quay đầu cười cười với Trần Tâm Duyệt, “Nếu mấy sinh viên đại học giống hai người đây thường xuyên đến hỗ trợ giáo dục thì tốt quá rồi.”

Trần Tâm Duyệt cười nói: “Bây giờ thông tin phát triển, sau này sẽ nhiều lên mà.” Vừa nói vừa quay đầu nhìn Tạ Vũ, “Có đại phóng viên của chúng tôi viết nhiều bài hơn một chút, chắc chắn càng ngày càng có nhiều người quan tâm đến trẻ em trong núi chúng ta.”

Tài xế cười thật thà.

Đang khi nói chuyện, mấy người đã đi đến bên dòng suối.

Dòng suối nhỏ này hơi rộng hơn mấy dòng suối trước, dòng nước tuy cũng cạn nhưng hơi xiết một chút.

Dòng suối nhỏ không có cầu, giống như mấy con suối trước, mấy tảng đá lớn dựng lộ ra khỏi mặt nước để cho mọi người bước qua.

Nước sông đó trong veo, lòng sông là đá sỏi màu đỏ, đoán chừng đó là nguồn gốc của cái tên Hồng Khê, mấy con cá đang bơi vui vẻ trong nước.

Tài xế đi tít đằng trước, vừa dè dặt bước tới, rồi dặn người phía sau cẩn thận, lại cười nói: “Mọi người cũng đừng xem thường con sông này, nước dâng lên là có thể ngập đến sân thể dục của trường đấy.”

“Thật vậy sao?” Trần Tâm Duyệt rõ ràng không tin lời anh ta lắm, đeo ba lô leo núi lớn, trọng tâm không ổn định, loạng chòa loạng choạng trước mặt Tạ Vũ, cười la lớn một cách khoa trương.

Trương Khánh Nhiên đi sau cùng, không nói câu nào.

Khi đi đến giữa sông, bên eo Tạ Vũ đột nhiên bị ai đó sờ một cái.

Giọng nói tao nhã lịch sự của Trương Khánh Nhiên vang lên sau lưng: “Cẩn thận một chút, bây giờ trời lạnh, giày ướt thì khó chịu lắm.”

Tạ Vũ không thể kết luận động tác tay anh ta vừa rồi là vô tình hay cố ý, nhưng cũng lười tính toán với anh ta.

Lúc này sắc trời đã nhá nhem, vầng trăng sáng trên đỉnh đầu đã treo sáng ngời trên bầu trời. Bởi vì gần giữa tháng, nên vầng trăng đó tựa như một chiếc khay bạc, vừa to vừa sáng, phủ một lớp hào quang màu bạc cho thôn làng miền núi.

Lên bờ đi mấy bước chính là sân thể dục của trường, có rất nhiều đứa trẻ chơi đùa trong sân, thấy có người đến, không biết là đứa nào la lớn một tiếng: “Thầy hiệu trưởng ơi, thầy cô mới đến rồi!”

Trong một căn phòng nhỏ đang sáng đèn ở một đầu của căn nhà trệt, một người đàn ông trung niên nghe tiếng đi ra.

“Hiệu trưởng Điền.” Tài xế tiến lên đón chào hỏi.

Hiệu trưởng Điền khoảng chừng hơn năm mươi tuổi, ngoài việc đeo một chiếc mắt kính, da hơi đen, lưng hơi còng, ngoài chiếc kính đó ra thì không khác gì người trung niên trong núi.

Ông ấy đi đến trước mặt ba người Tạ Vũ, có vẻ rất xúc động, giới thiệu bắt tay nhau. Lại nói: “Mọi người đều đói lắm rồi nhỉ. Nào nào nào, ăn cơm trước đã rồi nói.”


Tài xế hoàn thành nhiệm vụ, vì phải vội về làng đón người khác, mặc cho hiệu trưởng giữ thế nào thì cũng không ở lại ăn bữa cơm, vội vã đi ngay.

Lúc này ba người mới phát hiện, ngoại trừ phòng học bên ngoài, phía sau còn có một căn nhà đơn sơ, là kí túc xá của giáo viên.

Hiệu trưởng dẫn ba người đi ra phía sau, chia hai giáo viên tình nguyện ra sắp xếp vào hai phòng, nói là hai phòng, thật ra là một phòng lớn ngăn ra thành hai phòng nhỏ.

Tạ Vũ chỉ là ở tạm nên chen chung một phòng với Trần Tâm Duyệt.

Hai người để ba lô hành lý xuống, nhìn quanh căn phòng nhỏ một cái, tuy cũ kĩ đơn sơ, nhưng rõ ràng đã được người ta dọn dẹp qua, bàn làm việc rất sạch sẽ, chăn trên giường cũng trải ngay ngắn.

Trần Tâm Duyệt lấy điện thoại di động ra: “Em phải gọi báo bình an cho bố mẹ em một chút.” Nhưng nói xong, lại ơ một tiếng, “Sao không có sóng vậy?”

Hiệu trưởng Điền ở bên ngoài nghe vậy trả lời: “Trong núi tín hiệu di động yếu lắm, cô Tiểu Trần cần gọi điện thoại thì dùng điện thoại cố định của trường là được.”

Vì biết tin không bắt được tín hiệu di động, sự hưng phấn lúc vừa đến đây của Trần Tâm Duyệt giảm ngay mấy độ, cô ấy hơi bực bội nói: “Được rồi, ăn cơm xong em sẽ đi gọi.”

Cất hành lý xong, hiệu trưởng Điền dẫn ba người đến nhà ăn ăn cơm.

Nói là nhà ăn, chi bằng nói là nhà bếp ở nông thôn, căn phòng bằng gỗ xây đơn giản dựa bên kí túc xá. Bên trong có một cái bếp lò đất, một người phụ nữ đang nhóm lửa xào thức ăn, thấy có người đi vào, nói bằng tiếng địa phương: “Xong ngay đây.”

Hiệu trưởng Điền cười hì hì: “Đây là vợ tôi, mọi người gọi bà ấy là thím Điền được rồi, chuyên nấu cơm cho mấy học sinh.”

Thím Điền hơi béo, khuôn mặt tròn hai má phúng phính, chào hỏi xong liền đi ra ngoài giúp trông bọn trẻ.

Bà ấy đã làm bốn món, thịt muối xào, canh trứng, cải thảo xào, còn có một chén dưa chua địa phương.

Mùi vị của món ăn nhà nông rất ngon, không có nhiều gia vị nhân tạo lộn xộn như thế, đây là hương vị mà Tạ Vũ ở Thượng Hải chưa bao giờ ăn được.

Ba người cũng đã đói cả, bất chấp hình tượng ăn như hổ đói.

Trần Tâm Duyệt xới mấy miếng cơm, thuận miệng hỏi hiệu trưởng Điền: “Em nghe trưởng làng giới thiệu nói chỗ mọi người có hai giáo viên, sao chỉ thấy một mình hiệu trưởng vậy ạ?”

Hiệu trưởng à một tiếng nói: “Thầy Lục đi lên núi rồi.”

“Lên núi ư?” Trần Tâm Duyệt thắc mắc.

Hiệu trưởng Điền nói: “Trường chúng tôi tuy gọi là trường tiểu học Hồng Khê, nhưng ngoài thôn Hồng Khê chúng tôi ra thì hai thôn trên núi không có trường học, cũng đều đi học ở đây hết. Mọi người vừa rồi cũng thấy đấy, về cơ bản bọn trẻ bị bỏ lại đều ở trên núi. Trẻ em trong núi, bố mẹ mười đứa thì có tám, chín người đều ra ngoài là việc, trong nhà chỉ có người già trông nom. Có mấy đứa không muốn đi học, những người già cũng hết cách. Xem đấy, học kì này bắt đầu hai ngày rồi, nhưng lại có mấy đứa không tới đăng kí. Hàng năm thầy Lục đều phải đến nhà học sinh khuyên bọn chúng quay lại. Xã hội bây giờ, giáo dục bắt buộc cũng không học xong thì chẳng phải là mù chữ sao. Buổi trưa thầy ấy dạy xong là lên núi rồi.”

Trần Tâm Duyệt gật đầu nói: “Thầy Lục này cũng có trách nhiệm thật nhỉ!”

Hiệu trưởng Điền nói: “Đúng vậy, chỗ chúng tôi tuy mỗi năm chỉ có năm mươi, sáu mươi học sinh, nhưng cũng chia thành bốn khối. Trước kia ngoài tôi ra còn có một giáo viên dân lập, nhưng chê tiền ít quá nên ra ngoài làm việc rồi. Mấy năm nay trong thôn mỗi năm cũng nghĩ cách cử giáo viên xuống, nhưng không ai ở lại cả. Tôi lớn tuổi một mình đâu dạy được nhiều, may mà có thầy Lục luôn ở lại đây giúp đỡ.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.