Đọc truyện Khanh Vốn Phong Lưu – Chương 9: Thêm một con đường
Phùng Uyển như bị kinh sợ, nhanh chóng quay đầu lại.
Sải bước đi về phía nàng là một thanh niên tuấn mỹ chưa đến hai mươi tuổi.
Chàng thanh niên thân cao chân dài, da trắng ngần, mặt mũi như tranh họa, trông khá sáng láng. Nhưng như họa cũng thế, sáng láng cũng được, bởi vì y có một đôi mắt hơi xếch, toát lên vẻ nam tính muôn phần.
Đúng như bọn tỳ nữ nói, y là một mỹ nam vô cùng tuấn tú. Trên người chàng thanh niên này có một kiểu phóng khoáng không chịu trói buộc và khí chất thần bí ẩn chứa bên trong.
Ở kiếp trước Phùng Uyển cũng gặp mặt y vào hôm nay. Vội vã gặp một lần như vậy rồi từ đó về sau cũng không hề gặp lại. Nàng gần như quên mất trong cuộc đời của mình từng xuất hiện một nam tử thế này.
Chàng thanh niên bước đến trước mặt Phùng Uyển, nhìn chăm chú vào đôi mắt nàng, y khẽ khen: “Một đôi mắt đẹp, như trăng như sao, bình sinh mới thấy.”
Lời ca ngợi của y bật thốt ra, thẳng thắn đánh giá đôi mắt của nàng không hề e ngại. Điều này khiến cho Triệu Tuấn đến sau chân mày cau chặt.
Trong nháy mắt, Triệu Tuấn cười nói: “Ngọc Lang, đây là chuyết kinh (1).”
(1): Chuyết kinh: vợ (theo cách gọi thời nhà Hán). Thời nhà Hán vợ của Lương Hồng là bà Mạnh Quang lấy cành kinh làm hoa đeo, vì thế đời sau gọi vợ là kinh. Như “chuyết kinh” ý nói người vợ vụng dại của tôi, “kinh thất” là nhà tôi..v.v.
Khóe miệng Ngọc Lang nhoẻn lên, y không dừng bước lại, đi thẳng đến trước mặt Phùng Uyển, sau khi đánh giá nàng từ trên xuống dưới rồi bỗng nói: “Đáng tiếc, đáng tiếc.”
Mọi người ngớ ra, nghĩ theo tính phản xạ: Phu nhân da trắng nõn, đôi mắt cực đẹp, nhưng khuôn mặt và dáng vẻ lại bình thường, đáng tiếc rồi.
Chỉ có Phùng Uyển nhìn vào đôi mắt tán thưởng của y mới hiểu được, y nói đáng tiếc là mình gả cho nam tử như Triệu Tuấn.
Đôi mắt khẽ cười, Phùng Uyển nhẹ nhàng chào y rồi nói: “Được chàng khen ngợi, thẹn không dám nhận.”
Nàng đem lời nói của y trả lại nguyên bản cho y.
Chân mày Ngọc Lang nhướng cao, y nhìn nàng chăm chú, phì cười trả lời: “Ta có khen nàng à?”
Phùng Uyển học theo bộ dáng của y, chân mày nhướng cao, cười phì trả lời: “Chàng chưa từng khen ta à?”
Ngọc Lang cười vui ha ha, hai tay y nhẹ vỗ, rồi nói: “Hay ột phụ nhân thông minh trí tuệ.” Không nhịn được y lại thở dài lần nữa. “Thật sự đáng tiếc.”
Hai người bọn họ nói như vậy làm sao những người bên cạnh nghe hiểu được? Triệu Tuấn tiến lên một bước, mang vẻ mặt tươi cười nói: “Lời này của hai người là ám chỉ cái gì?”
Ám chỉ? Phùng Uyển chợt nhớ ra, rồi thầm nghĩ: Nghe nói quý tộc người Tấn lúc nói chuyện thích nhất là ám chỉ, tranh luận chút thiền ngữ Nho đạo, Phật giáo. Lẽ nào Ngọc Lang này là người Tấn sao?
Triệu Tuấn nói đến đây lại dán mắt Phùng Uyển một cái, ánh mắt tha thiết hơn ngày xưa một chút, tựa như chuyện không vui tối qua đã hóa thành hư không: Uyển nương này lại được Ngọc Lang tán thưởng, xem ra là số vượng phu (2).
(2): Vượng phu: khiến người chồng công thành danh toại, giàu có.
Lúc này, Phùng Vân cách đó không xa đã duyên dáng đi đến. Khi nãy ả cách xa không nghe được đối thoại của Phùng Uyển và Nhung Nhi. Vì vậy ả đi đến, tư thái cố ý thướt tha, nụ cười trên mặt cũng nhu mì xinh đẹp, khuôn mặt được trang điểm tỉ mỉ nên dung mạo càng rạng rỡ.
Ả nhẹ bước đi đến bên cạnh Phùng Uyển, sóng mắt như nước nhìn Ngọc Lang chăm chú, nũng nịu hỏi: “Đại tỷ tỷ, vị này là?”
Giọng nói hơi cao đủ để cho Ngọc Lang chú ý.
Bước đến trong sự đánh giá của Ngọc Lang, Phùng Vân hơi cúi đầu, khẽ chào, trong dáng vẻ xấu hổ e ngại hiện lên nét dịu dàng trang nhã, rất động lòng người.
Phùng Uyển nhìn sang ả, âm thầm buồn cười: Đã được dạy dỗ nên ả cũng thay đổi sách lược, không chủ động nữa rồi sao?
Ả nào biết rằng, Phùng Uyển từng nghe nói Ngọc Lang này quen biết Ngũ điện hạ. Nàng thật sợ mỹ nam tử như tranh trước mắt này lại là một người chỉ thích nam nhân.
Tất nhiên Phùng Uyển không trả lời câu hỏi của Phùng Vân.
Lúc này Triệu Tuấn ho nhẹ một tiếng rồi nói: “Ngọc Lang, trong sân của ta không nhiều hoa đào lắm, ở đây có năm sáu gốc, dáng vẻ rất cổ xưa.”
Trong lúc Triệu Tuấn nói chuyện, hai thư đồng mang bút mực đến.
Ngọc Lang phơi nắng một chút, y nói thong thả ung dung: “Mệt rồi, không muốn vẽ tranh nữa.”
Cũng không quan tâm Triệu Tuấn ngơ ngác, ống tay áo của y vung lên, liền quay người đi không nói hai lời.
Ngọc Lang đi thật xa, lúc này mọi người mới kịp phản ứng. Trong khoảng thời gian ngắn, từng người từng người nghị luận xôn xao.
Triệu Tuấn hơi tức giận, y hừ nhẹ nói: “Quả thật làm việc tùy hứng vô lễ.” Dừng một chút, y lại nói: “Tính cách như vậy có chỗ nào giống với có thể hầu hạ người ta chứ?”
Phùng Uyển nghe thấy câu sau bèn nhìn về phía Triệu Tuấn, thấy vẻ mặt y giận dỗi chắc là không có phát hiện ra lời mình nói có hàm nghĩa khác.
Nhìn thấy y đi xa, chủ nhân như Triệu Tuấn cũng không có đuổi theo. Phùng Uyển nhìn Triệu Tuấn một cái, rồi cất bước đuổi theo Ngọc Lang.
Nàng vừa đi thì Triệu Tuấn thở phào nhẹ nhõm: Tên Ngọc Lang này quá vô lễ, muốn tiễn y thì ta lại không cam lòng. Mà không tiễn thì lại lo đắc tội với người không nên đắc tội. Hiện tại Phùng Uyển thay mình tiễn khách cũng có thể an tâm.
Phùng Uyển đuổi theo Ngọc Lang.
Y bước đi, tay áo nhẹ nhàng, rõ ràng là mặc trang phục người Hồ, nhưng hai tay áo lại nhẹ phất theo thói quen. Trong bước chân đi có một kiểu thong dong đặc biệt.
Phùng Uyển đánh giá y, cắm đầu cắm cổ đi theo, không có cất lời.
Một hồi lâu Ngọc Lang cũng không quay đầu lại cười nói: “Phu chủ nhà nàng cũng giận ta vô lễ, phụ nhân nàng lại không giận sao?”
Đôi mắt Phùng Uyển mỉm cười: “Muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, vốn là phong phạm của danh sĩ.”
Hai chữ danh sĩ vừa thốt ra, bước chân Ngọc Lang khựng lại.
Y từ từ quay đầu lại nhìn Phùng Uyển chăm chú, hai mắt nheo lại cười yếu ớt nói: “Phu nhân rất biết nói chuyện nhé.”
Phùng Uyển không nhìn đôi mắt y lạnh lùng, khẽ nói: “Tổ phụ của thiếp vốn là người Kiến Khang (3). Năm giáp sửu loạn binh dấy cao nên chạy đến đây.”
(3): Kiến Khang là kinh đô của Đông Tấn, là Nam Kinh – Trung Quốc ngày nay.
Nàng ngẩng đầu nhìn về phía Ngọc Lang, trong mắt hơi ướt át, cắn môi, Phùng Uyển cúi đầu nói: “Tổ phụ đã sai, thánh thượng sa vào cảnh đẹp mỹ nhân Giang Nam, làm sao còn nhớ đến đất bắc?”
Ngọc Lang vẫn lạnh lùng nhìn nàng chằm chằm, y cười nhạt rồi nói: “Phu nhân, phủ chủ của nàng đang dán mắt nhìn nàng đó.”
“Phu chủ?” Phùng Uyển phì cười nói: “Y tuy họ Triệu, cũng là người Hồ.” Nhìn Ngọc Lang, nàng khàn giọng nói: “Có vua Man Di không bằng Hoa Hạ (4) không có. Có phu Man Di thì thôi chi bằng ở góa.”
(4): Hoa Hạ: là tên của Trung Quốc cổ đại.
Ầm!
Lời này vô cùng chấn động!
Chỉ có người vô cùng nhớ đến cố hương, cũng như văn hóa của mình và tất cả sùng bái cực độ của mình mới có thể nói ra lời như vậy!
Ngọc Lang đã xúc động!
Môi Ngọc Lang nhúc nhích, y có lòng bác bỏ Phùng Uyển vô lễ với phu quân mình. Nhưng trong quan niệm của y vốn là có sự ngông cuồng tùy hứng. Mà sự vô lễ của Phùng Uyển có thể nói rất tâm đầu ý hợp với y.
Thở dài một tiếng, Ngọc Lang vái chào nàng rồi nói: “Phu nhân dù nhớ đến cố hương, cũng có vài lời không thể nói tùy tiện như vậy.”
Y nhớ đến những gì mình thấy lại hạ giọng nói: “Nếu có ngày góa bụa rời khỏi Nguyên Thành, quay về cố hương, có đến Toánh Xuyên, ta sẽ dốc sức giúp đỡ.”
Suy nghĩ một chút y lại nói khẽ: “Ta là phụ tá của Ngũ điện hạ, sẽ ở bên cạnh y nửa năm, nếu như có thỉnh cầu thì hãy đến nhờ vả.” Dừng một chút y lại nói: “Trong vòng nửa năm nơi đây sẽ có họa, nhanh rời khỏi đi.”
Dứt lời, y vung ống tay áo, quay người bỏ đi.
Một lần nữa Phùng Uyển cất bước đuổi theo. Mãi đến khi dõi mắt nhìn y lên xe ngựa, nàng mới quay người.
Triệu Tuấn đứng sau nàng, thấy nàng quay đầu lại, y mới tiến lên một bước. Dõi mắt nhìn bóng dáng Ngọc Lang đi xa, Triệu Tuấn cau mày nói: “Ngọc Lang này là một quái nhân.” Y nhìn về phía Phùng Uyển: “Nàng và y đã nói gì?”