Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Chương 21: Nhân Duyên Khiến Quả Năng Xuất Gia


Đọc truyện Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa – Chương 21: Nhân Duyên Khiến Quả Năng Xuất Gia


Vào mùa đông một năm nọ, tôi vì Phật sự nên phải _tới nam thành phố Hợp Nhĩ Tân.

Ngang qua một quán trọ, vì người chủ quán trọ ấy là đệ tử quy y của tôi nên tôi ghé vào thăm.

Ông ta nói với tôi: “Bạch Sư phụ! Trong quán trọ của con có một khách trọ ăn chay trường, anh ta muốn xuất gia tu hành nhưng chưa tìm được chùa nào cả.

Chẳng hay Sư Phụ có thể thâu nhận anh ta làm đệ tử chăng?”Tôi hỏi: “Vì sao anh ta muốn xuất gia?”Ông ta đáp: “Bạch Sư Phụ! Anh ta là người Sơn Ðông, làm nghề thợ may, và chung sống với một cô gái nghiện thuốc phiện.


Có một hôm, nhân lúc anh ta đi vắng, cô gái kia lấy trọn số tiền dành dụm của anh ta rồi trốn đi.

Tối đến, anh về nhà thì mới hay cả người lẫn của đều mất! Bởi bị một vố nặng nề như thế nên anh ta sanh ra chán nản, cảm thấy đời người vô vị, chỉ muốn xuất gia tu hành.

Anh ta đến Chùa Cực Lạc ở Nam Cương, thành phố Hợp Nhĩ Tân, định xin xuất gia với Thầy Như Quang, song Thầy Như Quang không muốn thâu nhận anh ta làm đệ tử.

Anh ta bất đắc dĩ phải ở trọ trong quán của con, suốt ngày mặt mày ủ dột, rầu rĩ không vui, chẳng hề chuyện trò với ai cả; thật là đáng thương!”Nghe vậy, tôi bảo người chủ quán: “Hãy bảo anh ta ra đây!” Chủ quán liền đi gọi, nhưng anh ta không chịu ra, có lẽ vì thấy tôi ăn mặc rách rưới, trông chẳng có vẻ một ông Hòa Thượng có chùa! Gọi đến lần thứ hai thì anh ta mới miễn cưỡng đi ra; mở miệng là hỏi liền: “Thầy gọi tôi đến để làm gì?” (Người Sơn Ðông thường lòng ngay dạ thẳng, nghĩ sao nói vậy.)Tôi bảo anh ta: “Tôi tới đây chính là để tìm chú!”Anh ta vô cùng kinh ngạc, hỏi lại rằng: “Thầy có biết tôi sao?”Tôi nói: “Hãy khoan nói tới chuyện đó.

Chú có muốn xuất gia không? Chùa tôi hiện cần một người lo việc cơm nước; chú có thể lấy đó làm cơ hội để tu khổ hạnh.

Ở đó thì có cơm cho chú ăn, có phòng cho chú ở; nhưng không có tiền cho chú tiêu dùng.

Thế nào, chú có muốn đến đó chăng?”Vì nghe tôi nói bằng lòng nhận anh ta làm đệ tử nên anh ta vui mừng đáp: “Con sẵn sàng đi ngay!” Anh ta lập tức theo tôi về chùa và lo việc nấu ăn trong chùa.

Sau đó anh ta thọ Giới Sa Di, Pháp danh là Quả Năng.Một hôm, Quả Năng nổi cơn bốc đồng, tự ý làm một cái kháng15 trong một căn phòng nhỏ mà không xin phép người trong chùa trước.


Lúc bấy giờ tôi hoàn toàn không rõ nội tình, song có người nói bóng gió trước mặt tôi rằng: “Thâu đệ tử mà dạy dỗ không nổi; thật là mất mặt! Làm đệ tử chưa xong đã muốn làm Tổ Sư!” Tôi lấy làm lạ, bèn ra nhà sau xem gì thì gặp một huynh đệ, thầy ấy nói với tôi: “Ðệ tử của ông làm loạn, không giữ quy củ của chùa, chưa được phép mà đã tự ý làm riêng một cái kháng!”Tôi bèn tới phòng Quả Năng thì quả nhiên thấy anh ta đang ngồi thiền trên kháng.

Trông thấy tôi, anh ta liền bước xuống đảnh lễ.

Tôi hỏi: “Ai bảo con làm cái kháng này?”Quả năng đáp: “Không ai bảo cả!”Tôi nói: “Ðã không ai bảo thì sao con lại tự tiện như vậy? Con đã phạm quy củ rồi đó!”Quả Năng không nói gì, chỉ lẳng lặng quỳ xuống.

Tôi bảo: “Con hãy ra trước điện Phật mà sám hối, quỳ cho đến khi tàn nén hương!”Sau khi tôi đi rồi, Quả Năng không ra điện Phật quỳ hương mà lại lên kháng ngồi vá áo quần.

Nữa giờ sau, tôi tới chánh điện không thấy Quả Năng quỳ hương ở đó.


Tôi lại tới phòng Quả Năng và hỏi: “Quả Năng! Tại sao con không quỳ hương?”Quả Năng đáp: “Chờ một chút!”Tôi nói: “Con không quỳ hương thì Thầy sẽ quỳ thay cho con vậy!” Thế là tôi ra trước điện Phật thắp hương và quỳ trên gạch.

Thấy tôi quỳ, Quả Năng không có cách gì khác hơn là tới sau lưng tôi và khẩn khoản: “Sư Phụ! Con biết lỗi rồi, xin Sư Phụ tha thứ cho con.

Xin Sư Phụ hãy đứng dậy, con đang quỳ đây này!”Tôi nói: “Tôi dạy đệ tử không nổi, song le, tôi vẫn có thể dạy chính tôi!” Kể từ sau lần giáo huấn ấy, Quả Năng luôn luôn tuân giữ quy củ và dụng công tu hành.

Quả Năng có dũng khí “biết lỗi, chịu sửa.” Tôi hy vọng các bạn cũng đều có đức tánh biết nhận lỗi và chịu sửa đổi!.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.