Đọc truyện Khai Thị Quyển 2- Hòa Thượng Tuyên Hóa – Chương 29: Sự Bất Ðồng Giữa Phật Với Ma
62.
SỰ BẤT ÐỒNG GIỮA PHẬT VỚI MA(Vạn Phật Thành ngày 9 tháng 10 năm 1983)Phật thì không có tâm sân hận, ma thì chắc chắn có tâm sân hận; đó là chỗ bất đồng.Phật thành Phật là do ma giúp mà thành.
Bởi vì khi Ngài ngồi dưới cây Bồ Ðề sắp sửa thành Ðạo thì ma vương sinh lòng giận dữ, bèn phái ma binh, ma nữ lại uy hiếp, dẫn dụ Ngài.
Song Phật không động tâm, trái lại, Ngài dùng Ðịnh lực khắc phục ma lực, rồi giác ngộ thành Phật.
Do đó, Phật thì không có lòng giận dữ oán ghét gì ma cả.
Ma thành ma là bởi chúng có lòng dạ tranh đấu cang cường; cho nên có câu rằng:”Tranh thị thắng phụ tâm,Dữ Ðạo tương vi bội,Tiện sinh tứ tướng tâm,Do hà đắc Tam Muội?”Dịch là:”Tranh là tâm hơn thua, Ði ngược lại với Ðạo,Khiến sinh ra bốn tướng,Làm sao được Tam Muội?”Ma tranh không được hạng nhất thì sinh ra lòng giận dữ, lòng ganh tị, lòng chướng ngại; cho nên người nào có tư tưởng, hành vi như vậy thì đều là ma, vĩnh viễn khó thành Phật được.
Thần thông của ma so với thần thông của Phật cũng chẳng kém gì; song, thần thông của Phật là chánh phái, còn thần thông của ma là tà phái.
Vì “tà không thắng chánh” nên ma rốt cuộc không thể thắng Phật, do đó nó đành phải cam tâm cúi lạy, dập đầu quy y Phật.
Song Phật thì từ bi thương xót chúng sinh, tuyệt đối Ngài không đối đầu với ma mà chỉ dùng đạo đức để cảm hóa, làm chúng cảm phục.Trong Tám Tướng Thành Ðạo, có tướng gọi là “Hàng Ma”; thực sự gọi là “Cảm Hóa Ma” thì có lẽ đúng hơn bởi vì Phật không dùng phương pháp, thủ đoạn gì để áp bức, cưỡng bách, hàng phục ma cả.
Nếu như Ngài mà “hàng phục” ma thì tức là Ngài có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả; mà có bốn tướng này thì chẳng thành Phật đặng!Vậy Phật làm sao khiến Ma vương phải đầu hàng? Ngài dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả, bốn tâm vô lượng.
Hễ Ma vương lại để hại Ngài, Ngài dùng tâm từ bi mà đối đãi, dùng đức hạnh mà cảm hóa.
Phật biết được lý “tiền nhân hậu quả”; Ngài biết sở dĩ ma đến quấy phá là vì trong quá khứ Ngài đã từng tạo oán cừu, nên bây giờ Ngài không tranh cãi, mà chỉ an tâm chấp nhận chúng ma đến quấy nhiễu.Ma làm sao trở thành ma được? Do vì có hận, oán, não, nộ, phiền (6) năm thứ độc này mà ra! Năm độc khí này giúp cho chúng thành ma, vì vậy ma lúc nào cũng tạo phiền não cho người khác, nhất là đối với người tu Ðạo.
Chúng thấy kẻ tu hành như là cái gai trong mắt, nhất định phải tìm cách phá hoại Ðạo nghiệp của người xuất gia.
Khi có người xuất gia, tu hành thành Phật, thì chúng ma thiếu đi một kẻ quyến thuộc, do đó chúng tận lực phá hoại.Phàm là người xuất gia thì phải hết sức cẩn thận đề phòng, đừng để trúng kế của ma mà rớt vào bẫy, vĩnh viễn khó thoát thân được.
Nên kẻ tham Thiền phải nhận rõ cảnh giới, nếu không sẽ bị ma khống chế.
“Tẩu hỏa nhập ma” (hỏa hầu tiêu tán, ma liền xâm nhập) là điều mười phần nguy hiểm!Sao gọi là Phật? Sao gọi là ma?Phật thì theo đạo lý, hợp lẽ phải; theo đạo lý tức là hợp nhân quả.
Ma thì chẳng đếm xỉa đến đạo lý, không biết đến chuyện nhân quả.
Theo nhân quả thì hợp lý, không theo nhân quả thì không hợp lý.
Do đó, Phật với ma khác biệt rõ ràng nhất là ở điểm này.
Phật thì có lòng từ bi, còn ma thì đầy dẫy tâm sân hận.63.
TÁM ÐỨC TÍNH CĂN BẢN LÀM NGƯỜI(Vạn Phật Thành ngày 12 tháng 10 năm 1983 – cho các em học sinh)Các bạn trẻ, các em có biết điều căn bản làm người là gì chăng? Tức là phải có tám đức tính: Hiếu, Ðễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.
Ngày hôm nay tôi sẽ giải thích một cách đơn giản ý nghĩa của mỗi đức tính cho các em nghe:1. Hiếu: tức là hiếu thảo.
Hiếu thảo với cha mẹ là điều căn bản của bổn phận làm con.
Hiếu thảo nghĩa là báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, và hiếu thảo cũng có nghĩa là biết vâng lời cha mẹ chỉ dạy.2. Ðễ: tức là kính trọng.
Kính trọng người lớn hơn mình, vì mình làm em nên có bổn phận phải kính trọng anh chị mình.3. Trung: tức là trung thành.
Hết lòng trung thành với đất nước của mình, đó là trách nhiệm của người công dân, có tận trung thì mình mới báo đền được công ơn của đất nước.4. Tín: tức là tín nhiệm.
Ðối với bạn bè phải có tín nhiệm, hứa với bạn chuyện gì thì phải làm chuyện đó, không thể thất tín, sai hẹn.5. Lễ: tức là lễ phép.
Ðối với mọi người, mình phải có lễ phép, phải hết sức khiêm nhường.
Nếu không có lễ thì mình chỉ là thú vật mà thôi.
Cho nên các bạn nhỏ, khi gặp thầy cô thì phải biết chào hỏi, về nhà gặp cha mẹ phải biết lễ phép.6. Nghĩa: tức là nghĩa khí.
Thấy điều gì có nghĩa thì phải dũng cảm mà làm.
Khi thấy ai gặp tai nạn thì mình phải tận lực giúp đỡ, giải quyết vấn đề giúp họ.
Với bạn bè thì mình phải có đạo nghĩa; khi giúp ai không cần có điều kiện gì cả, tuyệt đối không có tâm mưu đồ, mong đền ơn đáp nghĩa.7. Liêm: tức là liêm khiết.
Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham cầu, cũng chẳng muốn hưởng tiện nghi.
Hơn nữa mình phải có tinh thần “chí công vô tư,” và biết quên mình mà làm chuyện ích chung.8. Sỉ: tức là hổ thẹn.
Gặp chuyện gì không hợp đạo lý, đi ngược lại với lương tâm của mình, thì tuyệt đối chẳng làm.
Con người nếu không biết hổ thẹn thì giống như cầm thú vậy.Hiếu, Ðễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là tám đức tính căn bản để làm người, các em đừng quên.
Trong tương lai ra đời phục vụ xã hội, các em phải: Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính.
(Lời nói phải trung tín, Hành vi phải cung kính.)Hễ các em nói lời nào thì nhất định phải giữ chữ tín, đừng có nói dối; làm việc gì thì cũng phải hết sức cung kính, chân thật, tuyệt đối đừng làm cho có lệ mà thôi..