Đọc truyện Khách Điếm Đại Long Môn – Chương 86: Không khí căng thẳng, chiến tranh sắp bùng nổ
Cái bóng đan xen giữa màu trắng tuyết và màu đỏ rời khỏi cung. Khi Long
Hiểu Ất đang chuẩn bị bước ra khỏi cổng thành thì hắn cảm thấy một cơn
gió lạnh ập đến khiến chiếc đèn treo trên cổng lắc lư. Con ngựa trắng
như tuyết đã xuất hiện trước mặt. Một bóng đen trải dài khiến hắn ngẩng
đầu lên nhìn thì chỉ thấy Cung Diệu Hoàng, phó soái đội quân phiên thổ
đang hướng về phía hắn.
– Thập cửu hoàng thúc, điệt nhi đợi hoàng thúc đã lâu. Ngày mai sẽ công
thành, sao Thập cửu hoàng thúc lại lén tấn công trước vậy? – Hắn thăm dò nhìn thấy bộ y phục màu trắng trên người Long Hiểu Ất rồi cười khẩy: –
Mượn danh Bạch Phong Ninh để trà trộn sao? Điệt nhi thấy hoàng thúc luôn mặc đồ đen mà không biết là hoàng thúc cũng mặc đồ trấng, cũng có hứng
thú với y phục khác. Thật đúng là “chân nhân bất lộ tướng.”
Long Hiểu Ất định thần lại, không vội chạy trốn. Hắn chỉ nhìn người đang
cưỡi trên con ngựa tuyết đó. Cháu của hắn không hề bảo tùy tùng cùng
tiến lên phía trước, chắc hẳn là có điều muốn hỏi. Nghĩ lại cũng phải,
Hoàng đế quy tiên, ngọc ẩn biến mất, kinh thành đại loạn, lòng quân
không yên. Chắc chắn Cung Diệu Hoàng đã nghe tin, chỉ có điều là không
biết đã nghe được những gì mà thôi.
– Ngọc ẩn ở chỗ ngươi sao? – Hắn thản nhiên hỏi.
– Đúng là ở chỗ tiểu vương, còn là do tiểu nữ trong lòng ngươi tự tay
dâng cho tiểu vương. Nếu ngươi muốn lên ngôi thì phải cướp lại nó từ tay tiểu vương đã.
– Ngươi cứ giữ nó cho cẩn thận, đừng nhẹ dạ tin lời kẻ khác. – Hắn nói xong, ôm chặt kẻ trong lòng cất bước định đi.
– Khoan đã. Ai cho ngươi thoải mái đi như vậy.
– Không đi thì làm gì? Không phải Diệu vương gia ngươi chẳng thèm để ý
đến hành động của kẻ tiểu nhân sao? Ngươi đơn giản là muốn từ nay về sau sẽ đấu với ta nên dù biết ta mạo hiểm đến đây, vẫn một mình tới tìm ta
đúng không? – Hắn trả lời.
– Hừ! Tiểu vương ta không phải kẻ tiểu nhân như ngươi. Ta không nhẹ dạ
tin ngươi đâu. Tiểu vương quyết không để ngươi rời khỏi đất phiên thổ.
Ta hỏi ngươi, có phải ngươi cố ý hạ độc hại chết hoàng gia gia không?
– …
– Ngươi nhân lúc tiểu vương đến phiên thổ, hạ độc hại hoàng gia gia, cướp binh quyền, mượn cớ tuyên chiến, trả thù cho mẹ, một mũi tên trúng ba
đích, đúng không?
Một cây trường thương chĩa thẳng vào cổ họng Hiểu Ất. Hắn nhếch môi, tỏ vẻ không quan tâm:
– Là thế nào? Không phải là thế nào? Ta muốn nhân cơ hội này cứu mẫu phi
về nước, có gì sai sao? Diệu tiểu vương gia cam lòng ở lại phiên thổ,
giam cầm hoàng thẩm, đối nghịch hoàng thúc, trở thành kẻ địch của triều
đình. Nếu luận tội, bên tám lạng kẻ nửa cân, đều là loạn thần tặc tử cả
thôi.
Cung Diệu Hoàng sững người, đầu thương run run, lưỡi lê ở đầu thương cứa vào làm máu từ cổ Long Hiểu Ất rỉ ra, nhỏ xuống. Hắn hơi nhíu mày rồi cất
bước định bỏ đi thì nghe có tiếng cháu mình gọi phía sau:
– Trước khi mất, hoàng gia gia có dặn dò gì không?
Hắn dừng bước, quay đầu lại nhìn đứa cháu kiêu ngạo của mình nhưng lại chỉ
thấy tiểu tử ấy đang nhìn hắn chờ đợi mà thôi. Cổ hắn vừa bị thương, cố
thốt ra đôi câu:
– Nếu ngươi thắng, ta sẽ nói cho ngươi biết.
Nói xong, hắn không để mất thời gian nữa, nhân lúc đêm tối, liền biến mất
khỏi thành Tân Bình. Cung Diệu Hoàng không nói lời nào, chỉ nhìn người
tiếp ứng của Long Hiểu Ất ở cổng thành. Đó là thị vệ thiết thân của Bạch Phong Ninh – Bạch Vô Ưu.
Nếu những gì hắn nghe được không sai thì chẳng phải Long Hiểu Ất đã cách
chức Bạch Phong Ninh rồi sao? Các quan văn võ trong triều chỉ biết hoàng gia gia bị trúng độc của phiên quốc và muốn trả thù. Nghe nói có mỗi
Bạch Phong Ninh đứng trước triều phản đối, không đồng ý phát động binh
mã ở thành Đồng Khê, chống đối Long Hiểu Ất, cắt đứt tình bằng hữu. Bạch Phong Ninh đã tức giận rời khỏi thành Lâm Dương. Lần này hắn về phiên
thổ thương lượng với quân vương phiên quốc phóng thích cho Huyên vương
phi. Về lý thì hắn và Long Hiểu Ất đã tuyệt giao, sao hắn lại sai Bạch
Vô Ưu đi giúp Long Hiểu Ất chứ?
Rốt cuộc là họ đang giở trò gì vậy?
– Huyên vương gia, để xua đi miệng lưỡi thế gian, người không thể không
khởi binh đánh phiên thổ. Người không nói cho Diệu tiểu vương gia biết
chuyện của Thánh thượng cũng là để tránh chuyện người nhà đánh nhau sao? – Bạch Vô Ưu không hiểu hỏi Long Hiểu Ất. Lẽ nào người trong hoàng tộc
lại thích chơi trò thần bí như vậy. Hay là Huyên vương gia đã quen bị
phụ thân áp đặt nên một lần, hai lần đều có thể nhẫn nhịn được.
Long Hiểu Ất không nói gì. Hắn đón chiếc khăn bông mềm mà Bạch Vô Ưu đưa
quấn cho kẻ đang lạnh cóng, run lập cập trong lòng mình rồi nhìn lên bầu trời đen u ám.
Nói ư? Nói gì? Lẽ nào muốn hắn nói cho cháu mình rằng, hoàng gia gia nó đã
tự nuốt thuốc độc của phiên quốc chỉ vì một mối thù, chỉ vì muốn khơi
dậy chiến tranh sao? Cả đời người đầy công tích, được nhân dân ca tụng
chưa từng gây nên chiến tranh. Người không dám nổi giận khi bị phiên
bang ức hiếp, và đã phải cắn răng, nuốt hận đem ái phi của mình đổi lấy
lương thực, ngăn chặn chiến tranh xảy ra vì sợ hủy hoại sự anh minh của
mình.
Hắn vốn nghĩ rằng mối oán thù này tích tụ, dồn nén trong trái tim hắn.
Những người không trải qua không thể nào rõ được. Vượt qua cửa ải đau
khổ lần đó, chẳng qua chỉ có hắn và mẫu phi, ngay đến cả phụ hoàng cũng
đã quên sạch sành sanh mối nhục ngày ấy rồi. Gánh tội cho phụ hoàng cũng không có gì. Chỉ là lần đầu đến phiên thổ, nghe lời đồn về mẫu phi của
mình khiến hắn càng thêm căm hận. Tuy hắn phải lang thang nhưng vẫn có
thể coi là tự do, còn mẫu phi của hắn ở phiên thổ lại trở thành người hạ đẳng. Do đó hắn đã đổi tên họ theo đằng vợ để đoạn tuyệt quay lưng lại
với hoàng tộc, khi trở lại kinh thành, hắn cũng chỉ xưng quân thần không gọi một tiếng phụ hoàng.
Nhưng như Bạch Phong Ninh đã nói, dù hắn không gọi một tiếng phụ hoàng thì
hắn vẫn coi Hoàng đế là cha nên hắn vẫn nghe lời Hoàng đế để tiểu nữ nhà mình đi sứ phiên thổ.
Nhớ lai ngày Thánh thượng tuyên hắn lên điện. Cánh tay gầy gò như củi khô của người kéo hắn lại gần, người nói:
– Trẫm lên ngôi hoàng đế từ nhỏ, không phải là chưa từng làm sai điều gì
nhưng trẫm chưa từng nhận sai. Trong lòng trẫm biết, trẫm có lỗi với hai mẹ con con. Hai người đều oán hận trẫm.
Nghĩ đến những lời nhắn nhủ lúc lâm chung của phụ hoàng, hắn thấy cay cay
sống mũi. Đây là cha đẻ của hắn. Từ nhỏ hắn đã ngưỡng mộ ông cả đời anh
minh, quyết đoán. Ông chính là người đầu tiên dạy hắn sử dụng bàn tính,
cũng là người nghiêm khắc dạy dỗ hắn, để hắn giỏi giang, tinh thông tính toán như vậy. Do sự dạy bảo nghiêm khắc của ông nên hắn thậm chí còn
ghét những hạt tính hình tròn trên bàn tính. Dù ông không thể thay đổi
được tính cách của hoàng đế, luôn tính toán với người khác, kể cả con đẻ của mình, thì cuối cùng, ông cũng đã nhận sai với hắn.
Bạch Phong Ninh cười hắn:
– Oán thù mười năm, tội danh cả đời, chỉ một câu nói là có thể xua đi tất cả. Tiếp đó ông ta lại có thể hỏi lòng không thẹn mà tiếp tục tính toán với huynh rồi.
Đúng là ông lại tiếp tục tính toán. Nhưng lần này ông đã tính toán để thay
hắn trừ bỏ chướng ngại, giúp hắn lên ngôi, giải quyết khó khăn giúp hắn. Để tránh cho hắn mắc cùng một sai lầm giống ông, ông mới đưa Long Tiểu
Hoa đến phiên thổ xa xôi.
– Trước khi mất, hoàng gia gia có dặn dò gì không?
Ý cháu hắn muốn hỏi là Hoàng đế giao lại ngôi báu cho ai?
Cho hắn, Thập cửu hoàng tử mười năm trước đã làm thâm hụt quốc khố, lang
thang nơi biên cương, Huyên vương gia có mẫu phi gả cho quân vương nước
láng giềng, Long Hiểu Ất đến nay về cung mà còn không chịu đổi họ.
Trên long sàng, giọng Hoàng đế yếu ớt chê cười hắn:
– Trẫm đã sớm biết con muốn tạo phản đoạt ngôi, đấu với trẫm. Như vậy cũng tốt. Con đổi họ không có nghĩa là đổi chủ giang sơn.
– … – Hắn không dám nhìn ông, sợ nỗi chua xót vượt quá mức cho phép sẽ khiến hắn mất đi cảnh giác.
– Thập cửu, trẫm sinh ra đã là hoàng đế, công trạng hiển hách, không bị
tiếng xấu, dù chết cũng phải giữ thể diện. Trẫm có lỗi với con. Trẫm
muốn con lập tức kế vị cứu mẫu phi về. Con thay trẫm nói với bà ấy. Trẫm không hề quên bà ấy.
– … – Hắn cắn môi không dám đáp lại.
– Nếu có thể ăn bát mỳ của bà ấy một lần nữa thì trẫm không còn gì tiếc
nuối. – Thánh thượng nở nụ cười yếu ớt, quay sang nhìn hắn ở bên cạnh: – Trẫm lại sai rồi. Trẫm vẫn còn một điều tiếc nuối nữa. Trẫm có một
người con trai mười năm nay chưa từng gọi trẫm là phụ hoàng.
Hắn cứng đơ người, đôi môi khô khốc của hắn hé mở nhưng hắn không thể nào
lên tiếng được. Người trên giường bệnh không thể kiên trì chờ đợi lâu
hơn nữa, dường như ông hiểu kết cục tuyệt vọng, bàn tay kéo hắn dần dần
lỏng ra và cuối cùng buông thõng xuống mép giường.
Hắn đứng bên giường một lúc lâu nhưng không thể nào thét lên hai chữ nặng
ngàn cân với thi thể đang lạnh dần đó. Tuy danh nghĩa là vì tận hiếu
nhưng nỗi oán hận vẫn tắc nghẹn trong cổ họng hắn không thể nuốt xuống
được. Nỗi oán hận đó cuồn cuộn, giày vò hắn khiến miệng hắn không thể
thốt ra lời. Cuối cùng, hắn nâng vạt áo lên bỏ đi.
Không lâu sau, Huyên vương gia chỉnh đốn, thống lĩnh đội quân kinh thành tiến đến Đồng Khê gần biên giới. Bạch Phong Ninh cười hắn là đồ ngốc, rõ
ràng biết đội quân này lên đường thì tội lỗi đổ lên người hắn sẽ càng
nhiều hơn, nói là vì trả thù mà không thể để cho bách tính được sống
những ngày yên ổn, chiến tranh làm tổn thất tài sản của lê dân. Cả đời
hắn sẽ không thể gột sạch tội lỗi đó.
– Ta đã mang tội lỗi rồi thì sợ gì có thêm một tội danh nữa chứ. – Tất cả chỉ là để thực hiện một ước nguyện của ông ấy mà thôi.
– Huynh định đấu với cháu mình sao? – Bạch Phong Ninh là người ngoài cuộc nên hiểu rất rõ: – Phụ hoàng của huynh thật cạn tình đấy. Trước lúc lâm chung mà chẳng hề nhắn lại với hắn lấy một câu. Ít ra hắn đã ở bên ông
ta thay huynh tận hiếu suốt chục năm trời.
Hắn né tránh lời trách cứ, nhìn Bạch Phong Ninh:
– Huynh còn ở đây làm gì? Nhàn rỗi lắm sao? Ta đã cách chức huynh rồi mà. Như vậy, phiên vương đó sẽ không nghi ngờ huynh có thể đi cứu người.
– Này! Huynh thật sự còn tuyệt tình hơn cả phụ hoàng của mình đấy. Lợi
dụng người khác triệt để. Lần này, ta về phiên thổ cứu Long Nhi là
chuyện của ta, không phiền huynh bận lòng. Nhưng còn phải giúp huynh làm tình báo nữa, thật là vất vả, bổng lộc cho ta, huynh tự tính đi. Nếu
không, ta sẽ chỉ cứu Long Nhi rồi lên cổng thành ngồi xem huynh và tiểu
điệt đánh nhau thôi.
– … Không phiền huynh phải lo chuyện cứu Tiểu Hoa. Ta đã tính toán rồi. Huynh đi làm tình báo là đủ.
– Này! Huynh thật xấu xa đấy! Chuyện như vậy mà huynh cũng nghĩ ra được.
– Ta cảnh cáo huynh tuyệt đối không được tới chỗ Tiểu Hoa.
– Hả? Lạ thật! Rốt cuộc thì tại sao có chết cũng không cho ta đi?
– Bởi vì…
– … Long Nhi không có ở đây, huynh làm thế cho ai xem?
– … Dù sao huynh cũng không được đi, nếu không ta sẽ cho văn võ bá quan
khắp triều dẫn Bạch thiếu gia huynh ngày đêm dạo kỹ viện.
– Huynh hiểu Bạch mỗ đấy. Ta đã bị cành hạnh đỏ mà huynh nuôi dạy hại cho mắc chứng bệnh sợ lầu xanh rồi.
– Hừ!
Màn đêm buông xuống, tuyết rơi dày hơn.
Thành Đồng Khê biến thành tấm bản đồ lạnh băng bị trải trên bàn của quân
vương phiên quốc. Từ cổng thành, hệ thống tường thành của pháo đài, cho
tới từng cửa hàng nhỏ trong thành đều được đánh dấu. Tấn công thành thế
nào, xuất binh ra sao đã sớm bàn bạc xong xuôi. Trước mắt chỉ đợi xác
nhận cuối cùng vào ngày mai thôi.
Cung Diệu Hoàng nghe quân sư phiên quốc giải thích chiến thuật bằng tiếng
phiên thổ. Hắn vốn không thể chịu nổi thứ ngôn ngữ ngoại quốc này, cứ
phải nghe lải nhải mãi, cuối cùng cũng mất hết kiên nhẫn. Hắn chuyển ánh nhìn xuống, lướt tới bờ sông gần cổng thành, lần theo hai con phố,
hướng thẳng đến phường tiểu thuyết, qua kỹ viện, cuối cùng nhìn thấy
khách điếm Đại Long Môn cách cổng thành không xa. Nếu bắn pháo thì cổng
thành này sẽ tan tành trong nháy mắt, và cả nơi tiểu nha đầu đó cưỡng
hôn hắn cũng không giữ được.
Hắn nhìn chằm chằm về phía góc nhỏ đó. Trên bản đồ, nó chỉ là một chấm nhỏ
không tên. Hắn còn nhớ ở đó có chiếc xe chở hàng cũ nát, trên tường còn
có mấy hình vẽ linh tinh. Hắn còn ấn tượng cả ánh trăng đêm đó.
Điều binh khiển tướng bao nhiêu năm, hắn từng quan tâm suy xét, đối chiếu
xem những địa điểm trên bản đồ quân sự ứng với những nơi như thế nào tại thực địa. Mỗi tòa thành xây lên thì đều có thể dời đi, nhà có thể dỡ,
đến sông cũng có thể lấp, chẳng có gì đáng để lưu luyến cả.
– Hiền tế lo lắng về trận chiến công thành ngày mai ư?
Giọng Vương thượng khiến hắn sực tỉnh.
– Cô vương thuận theo ý hiền tế đã thả Huyên vương phi về thành Đồng Khê
rồi. Lần này khởi binh toàn bộ theo cờ hiệu của hiền tế. Cô vương thấy
hiền tế vẫn nặng lòng với chuyện cũ lắm. Hiền tế còn điều gì nữa sao?
– Tiểu vương có một thỉnh cầu. Có thể bỏ qua thành Đồng Khê được không?
– Nếu hiền tế lo lắng cô ta về thành Đồng Khê lại bị bắt thì không nên thả cô ta về mới đúng.
– …
– Cô vương không thể đáp ứng thỉnh cầu này của hiền tế. – Vương thượng
chỉ ngón tay vào thành Đồng Khê, ngón tay di trên bản đồ, lướt nhanh đến thẳng thành Lâm Dương: – Hiền tế xem, Đồng Khê cách Lâm Dương, nói xa
cũng không xa, nói gần cũng chẳng gần. Nếu có thể nhanh chóng chiếm lấy
Lâm Dương, đánh nhanh thắng nhanh là tốt nhất. Nhưng nếu Huyên vương gia chết cũng không chịu khuất phục, không thể nhanh chóng chiếm lấy thành
Lâm Dương, thì chuyện hậu phương tiếp tế sẽ trở nên căng thẳng, cần phải vận chuyển lương thảo, điều quân tiếp viện, chúng ta bắt buộc phải có
nơi để xây dựng cứ điểm. Cô vương muốn dùng thành Đồng Khê làm cứ điểm,
tiến có thể tấn công, rút có thể phòng thủ. Nếu ngày mai lấy được thành
Đồng Khê thì coi như trận đánh này đã nắm một nửa phần thắng.
Cung Diệu Hoàng không lên tiếng. Hắn liếc mắt nhìn Vương thượng có vẻ không
hài lòng. Cái gọi là tiến có thể tấn công, rút có thể phòng thủ tức là
bất luận đánh thế nào thì đều không làm loạn trên đất nước của ông ta.
Trận chiến lớn nhất diễn ra ở Đồng Khê, rõ ràng là…
– Ý của Vương thượng là nhất định phải lấy thành Đồng Khê ư? – Dụng ý của ông ta chẳng phải là nếu Diệu tiểu vương gia hắn có thể đăng cơ làm
hoàng đế thì việc đầu tiên cần làm là cắt phần đất của thành Đồng Khê
làm quà tặng cho phiên thổ. Nếu hắn không thể đăng cơ làm hoàng đế thì
ông ta cũng đã chiếm xong thành Đồng Khê và đương nhiên nuốt rồi, sẽ
không nhả ra nữa.
– Hiền tế hiểu ta nên chắc sẽ không phản đối chứ?
Biến đi với tổ tông mười tám đời nhà ông, hiền tế ma quỷ của ông!
Cung Diệu Hoàng lim dim đôi mắt phượng. Cơn thịnh nộ của hắn sắp nổi lên thì một cung nữ xông vào phòng nghị sự ngắt quãng cuộc nói chuyện của họ.
– Vương… Vương thượng!
– To gan, có còn quy tắc gì nữa không? Có chuyện gì mà ngươi dám xông vào phòng nghị sự?
Cung nữ đó run rẩy quỳ trên mặt đất, vừa ngẩng đầu lên thì Cung Diệu Hoàng
đã nhìn rõ khuôn mặt. Nếu là cung nữ bình thường thì hắn sẽ không thể
nào nhận ra được nhưng người này… hình như là cung nữ ở bên Huyên phi?
– Lẽ nào ái phi có chuyện gì? Đừng có run nữa, mau nói đi. – Vương thượng nâng áo, bước xuống khỏi ngai vàng.
Cung nữ đó nuốt nước bọt rồi mới run rẩy trả lời:
– Bẩm… bẩm Vương thượng, Huyên phi nương nương đã rời cung.
– Rời cung ư? Chuyện này thì có gì ghê gớm đâu? Không phải cô vương đã
cho phép nàng ấy tự do ra ngoài đi dạo sao? Đem thêm nhiều người ra
ngoài là ổn thôi.
– Nhưng nương nương đi đến giờ vẫn chưa về ạ.
– Cái gì? Vẫn chưa về?
– Nô tỳ phát hiện ra bên gối của nương nương có một bức thư. Nô tỳ sợ lỡ việc nên mới vào đây dâng thư lên Vương thượng ạ.
Vương thượng nhíu mày, cầm lấy lá thư mở ra đọc. Đọc xong, ông ta sững người
không nói, chỉ cau mày suy nghĩ. Mãi sau, ông ta mới bước đến trước mặt
Cung Diệu Hoàng, mở bức thư đưa ra trước mặt hắn.
Cung Diệu Hoàng liếc mắt nhìn Vương thượng rồi cầm lá thư đọc:
– Thần thiếp bạo gan vì Vương thượng đến nói chuyện với chủ soái quân
địch ở thành Đồng Khê. Xin Vương thượng kiên nhẫn một chút, đừng động
binh gây họa can qua.
Cung Diệu Hoàng hứ nhẹ một tiếng, đặt lá thư đó lên bàn. Lần này, quân vương phiên thổ không thể mạnh mồm được nữa, tấn công thành Đồng Khê hay
không cũng còn khó nói.
Vành trăng khuyết như lưỡi liềm bạc nghiêng nghiêng chiếu nơi lầu thành.
Cổng thành Đồng Khê đã sớm đóng chặt. Doanh trại của đại quân đóng ở khu
rừng bên bờ sông ngoài thành. Rõ ràng là Huyên vương gia không muốn để
phiên vương biến thành Đồng Khê thành chiến trường đầu tiên. Dù có mất
tấm phòng vệ tự nhiên là lầu thành này thì cũng không tiếc, nhất định
phải đẩy khói lửa chiến tranh sang đất phiên quốc.
Nếu về địa hình mà nói, thành Tân Bình của phiên thổ ở rất gần biên giới.
Nếu có thể tấn công qua biên giới phiên thổ, phá vỡ vòng vây thì muốn
chiếm thành Tân Bình sẽ dễ như trở bàn tay. Thế nên chiến trường này
càng cách xa nước mình càng tốt. Mấy binh sĩ vừa đi tuần ngoài doanh
trại vừa tán gẫu về chiến sự:
– Thật không ngờ chủ soái của chúng ta ngoài biết dùng bàn tính ra còn
rất hiểu chuyện nhà binh. Thật không thể coi thường hoàng tử mười năm
trước đã làm thâm hụt quốc khố này được.
– Còn chưa biết trận này sẽ đánh thế nào. Xem ra cũng phải kéo dài qua năm sau. Đúng là tai họa. Haizzz!
– Nghe nói quân Diệu gia của Diệu tiểu vương gia không đánh trận đầu.
– Đúng đúng đúng. Những người đó đều là tâm phúc của Diệu tiểu vương gia
nên trong lòng không phục Huyên vương gia. Nếu không phải trong tay
Huyên vương gia có chiếu thư của Tiên hoàng thì họ đã làm phản rồi.
– Nhưng không phải Diệu tiểu vương gia đã đầu quân cho phiên quốc rồi sao?
– Này! Huynh nói xem, rốt cuộc Tân hoàng đế của chúng ta là Diệu tiểu vương gia hay là Huyên vương gia?
– Huynh không muốn giữ cái đầu nữa rồi, điều này mà cũng có thể suy đoán
linh tinh được nữa sao? Nhưng Huyên vương gia cũng kỳ lạ thật đấy! Tại
sao không kế thừa ngôi vị rồi hãy tuyên chiến?
– Phải đấy. Huyên vương gia có nhiều chuyện thật là khó hiểu. Thê tử thì biến mất, dùng bàn tính có hạt vuông, cả người kỳ quái.
– Nghe nói đó là bàn tính do mẫu phi của Huyên vương gia gả đến phiên quốc tặng.
– Hồng nhan họa thủy đó ư? Không phải trận chiến lần này là để đoạt lại
bà ấy đấy chứ? Nhưng tướng mạo Huyên vương gia đẹp như vậy, chắc chắn
mẫu phi của Huyên vương gia phải là một giai nhân đẹp nghiêng nước
nghiêng thành.
– Suỵt! Ai đấy?
Binh sĩ đó bỗng nghe có tiếng bước chân trên cỏ khô thì lập tức nhìn về phía phát ra tiếng động và chỉ nhìn thấy một người đàn bà mặc áo lông xám,
che mặt bằng chiếc khăn sa mỏng màu xám. Bà ta giơ ra một tấm kim bài bị ánh trăng phản chiếu chói cả mắt. Chữ trên tấm kim bài khiến cho đám
binh sĩ nhốn nháo vội quỳ xuống khấu đầu.
Giọng nói dịu dàng phát ra từ sau chiếc khăn sa:
– Phiền các vị dẫn ta vào doanh trại. Ta muốn gặp chủ soái của các vị.
– Điều này… Tuy bà cầm trong tay tấm thẻ kim bài của Tiên hoàng nhưng…
chúng ta không biết bà là ai? Làm sao chúng ta có thể dễ dàng đưa bà đi
gặp chủ soái của chúng ta được… – Binh sĩ đó thấy bà ăn mặc theo kiểu
phiên thổ nên không yên tâm.
– Ta phong hiệu là Huyên.
Long Hiểu Ất cởi chiếc áo trắng dính máu ra và mặc bộ đồ đen thoải mái của
mình vào. Hắn liếc nhìn kẻ đã được thay đồ đang nằm ngủ trên giường, giơ tay ra nắm lấy bàn tay ấm áp của nàng thì Tiểu Đinh bê bát nước đường
đỏ vào đứng bên cạnh thì thầm:
– Đương gia, tiểu thư thật sự không sao chứ ạ? Tiểu Đinh thấy chiếc áo của đương gia bị tiểu thư làm dính toàn là máu.
Long Hiểu Ất chau mày suy tư:
– Đợi đến mai, cô và Tiểu Bính đưa nàng ấy về thành, thu dọn hành lý tới Lâm Dương tạm tránh một thời gian.
– Nhưng tiểu thư không nghe lời tôi đâu ạ. Chắc chắn là đương gia phải
nói với tiểu thư thì mới có tác dụng. Người xem, tiểu thư thật quá đáng! Tiểu thư lên kinh thành mà cũng chẳng thèm gửi thư về cho chúng tôi,
hại Giả quản gia và Tiểu Bính ở nhà lo lắng không yên. Ngày nào Giả quản gia cũng ôm bài vị phu nhân mà khóc, còn Tiểu Bính thì ôm bài vị của
đương gia khóc. Ơ… không phải bài vị mà là tấm gỗ có khắc tên đương gia. Nếu không phải đương gia gửi thư từ kinh thành về thì tôi cũng sắp bị
hai người họ làm cho phát điên rồi. – Tiểu Đinh vừa thổi cho nguội nước
đường, vừa chọc chọc đầu mũi Long tiểu thư vừa ăn no đang nằm ngủ trên
giường. Lâu lắm không gặp, vừa gặp đã thấy tiểu thư gây loạn rồi. Cô còn nghĩ đương gia bắt cô đến đây để trừng trị cô, kết quả lại là đi thay
đồ cho tiểu thư hôn mê vì ra quá nhiều hành kinh.
– Đại khái là nàng ấy chơi ở kinh thành rất vui, vui đến quên cả trời
đất. – Chơi trò hạnh đỏ vượt tường hẳn là vui lắm, làm cho cành hạnh rực rỡ, xán lạn vô cùng, vui đến quên cả trời đất.
Tiểu Đinh lén nhìn đại đương gia đang có ý mỉa mai kia, nhếch nhếch khóe
môi. Cô vốn nghĩ người làm Vương gia rồi thì sẽ uy nghiêm hơn trước,
nhưng người lại vẫn cho phép đám kẻ dưới các cô gọi mình là “đương gia”. Hơn nữa sau khi cô nhìn thấy đương gia mặc bộ đồ trắng thì cô lại thật
sự hiếu kỳ:
– Đương… đương gia, Tiểu Đinh có thể hỏi người một câu không?
– Hử?
– Tiểu thư thành công chưa ạ? – Đã lâu lắm rồi. Tiểu thư cho dù vẫn không vượt nổi tường thì cũng nên thành công chuyện đó rồi chứ.
– Cái gì?
– “Ăn” đương gia ấy.
– …
– … Híc! Đương gia, tôi và Tiểu Bính đánh cược với nhau một tháng tiền
công, còn tất cả số bạc vụn tiểu thư nhờ tôi cất giữ nữa. Nhưng tôi đánh cược là tiểu thư sẽ thành công. Đương gia đừng làm Tiểu Đinh thất vọng
nhé.
Hắn mím môi đứng dậy nhìn Long Tiểu Hoa rồi quay người đi đến bên tấm bạt
ngăn đôi lều thành phòng nghỉ của chủ soái và phòng nghị sự. Hắn vén bạt đang định đi ra thì bỗng dưng lại quay người nói với Tiểu Đinh:
– Đinh nha đầu!
– Dạ.
– Nhớ đem tiền công tháng này và toàn bộ tiều tiêu vặt dùng để mua tiểu thuyết của nàng ấy giao cho Tiểu Bính nhé
– … Híc! Tiểu thư thật vô dụng! – Đương gia nói điều này mà còn cười được sao?
– Có điều, nếu cô thông mình thì nên tiếp tục đánh cược tiền công tháng sau.
– Hả? – Thua một lần còn để mắc lừa tiếp sao?
– Gấp hai lần.
Ý đương gia là…
– Tiểu thư, tiểu thư mau dậy đi. Đương gia đang muốn giúp chúng ta kiếm
ngân lượng đấy. Tháng sau tiểu thư có thể có được đương gia rồi.
– …
Hắn làm sao mà lại coi mình không đáng tiền như vậy?
Nhưng thấy nàng chịu khổ đến thế, hắn cũng nên bù đắp cho nàng chứ. Nếu không nàng nhất định sẽ lại gào vào mặt hắn, nói hắn là người cha chỉ biết
phạt không biết thưởng.