Kẻ Trộm Sách

Chương 1: Sách hướng dẫn của phu đào huyệt


Đọc truyện Kẻ Trộm Sách – Chương 1: Sách hướng dẫn của phu đào huyệt

Một dãy núi toàn gạch vỡ

Trong phần này, người kể chuyện của chúng ta sẽ giới thiệu: bản thân hắn – những sắc màu – và kẻ trộm sách.

CÁI CHẾT VÀ MÀU SÔCÔLA

Trước hết là màu sắc,

Rồi đến những con người.

Đó là cách tôi thường nhìn vào sự việc.

Hay ít ra, là cách tôi cố gắng nhìn vào sự việc.

š SAU ĐÂY LÀ MỘT THỰC TẾ NHO NHỎ ›

Bạn sẽ chết.

Tôi thực sự rất cố gắng duy trì thái độ vui vẻ đối với toàn bộ chủ đề này, dù hầu hết mọi người đều khó mà tin được điều đó, mặc cho tôi có cam đoan long trọng thế nào đi nữa. Làm ơn, hãy tin tôi. Rõ ràng là tôi có thể trở nên vui vẻ được chứ. Tôi có thể cư xử nhã nhặn. Dễ chịu. Lịch sự. Và chỉ trong một chừng mực nào đó thôi nhé. Đừng đòi hỏi ở tôi sự tử tế. Cái sự tử tế ấy chả có dây mơ rễ má gì đến tôi sất.

š PHẢN ỨNG ĐỐI VỚI THỰC TẾ NÓI TRÊN ›

Điều này làm bạn lo lắng?

Nghe đây – đừng sợ.

Tôi sẽ chẳng là gì hết nếu không công bằng.

Dĩ nhiên rồi, một lời giới thiệu.

Một khởi đầu.

Phép lịch sự của tôi để ở đâu cơ chứ?

Tôi có thể tự giới thiệu mình cho phải đạo, song quả thực việc đó không cần thiết. Bạn sẽ biết tôi là ai vào đúng thời điểm thích hợp, điều này phụ thuộc vào rất nhiều chuyện có thể xảy ra. Chỉ cần nói rằng, đến một lúc nào đó thì tôi sẽ ở sát bên cạnh bạn, thân ái hết mức có thể. Linh hồn của bạn rồi sẽ yên vị trong vòng tay tôi. Một sắc màu đọng lại trên vai tôi. Rồi tôi sẽ nhẹ nhàng đưa bạn đi.

Trong cái khoảnh khắc ấy, bạn sẽ nằm ngay đơ ở đó (hiếm khi tôi thấy người nào còn đứng được). Bạn bị đóng đinh cứng ngắc ngay trong chính thân xác mình. Có thể người ta sẽ phát hiện ra bạn; rồi một tiếng thét sẽ cào xé không gian. Âm thanh duy nhất mà tôi sẽ nghe được sau đó là tiếng thở của chính mình, rồi đến âm thanh của mùi, của những bước chân tôi.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, vạn vật sẽ có sắc màu nào trong khoảnh khắc tôi đến rước bạn đi? Bầu trời sẽ nói lên điều gì?

Phần tôi, tôi thích một bầu trời màu sô–cô–la. Sẫm, màu sô–cô–la sẫm. Người ta nói cái màu ấy hợp với tôi. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng tận hưởng tất cả những sắc màu mà mình nhìn thấy – toàn bộ dải quang phổ màu. Hàng tỉ mùi vị, không mùi nào hoàn toàn giống mùi nào, và cả một bầu trời mùi vị cho tôi từ từ tận hưởng. Nó khiến sự căng thẳng tan biến. Nó giúp tôi thư giãn.

š MỘT GIẢ THUYẾT NHO NHỎ ›

Con người chỉ quan sát những sắc màu của một ngày vào lúc nó bắt đầu và kết thúc, nhưng với tôi, một ngày trong từng khoảnh khắc trôi qua, rõ ràng là sự hòa trộn của vô số lần chuyển màu và âm điệu.

Chỉ một giờ đồng hồ thôi cũng đã có thể bao gồm hàng ngàn màu sắc khác nhau. Màu vàng sáp ong, màu trời xanh trứng sáo. Những bóng tối ảm đạm. Trong lối làm việc của mình, tôi có lý do để chú ý đến chúng.

Như đã nói, ân điển cứu rỗi duy nhất của tôi là sự xao lãng. Nó giữ cho tôi tỉnh táo. Nó giúp tôi vượt qua được khó khăn, xét đến quãng thời gian dài dằng dặc mà tôi đã dành để làm cái công việc này. Vấn đề là ở chỗ, liệu ai có thể thay thế được tôi cơ chứ? Ai có thể làm công việc của tôi, trong lúc tôi nghỉ ngơi thoải mái ở một điểm nghỉ mát đạt chuẩn chất lượng nào đó của các bạn, dù nó là khu nghỉ mát nhiệt đới hay khu du lịch trượt tuyết cùng được? Dĩ nhiên câu trả lời là: không có ai cả, và điều này đã khiến tôi đưa ra một quyết định hoàn toàn tỉnh táo có cân nhắc – ấy là xem sự xao lãng này như kỳ nghỉ của mình. Đến đây thì chẳng cần nói chắc bạn cũng hiểu, tôi nghỉ mát trong khi đang làm việc. Trong những sắc màu.

Dù vậy có thể là bạn vẫn còn thắc mắc, Tại sao gã này lại cần đến một kỳ nghỉ cơ chứ? Gã cần sự xao lãng khỏi cái gì?

Điều đưa tôi đến với điểm dừng tiếp theo của mình.

Là những người còn lại.

Những kẻ sống sót.

Họ là những người mà cứ nhìn thấy họ là tôi lại không chịu nổi, dù tôi vẫn thường thất bại trong việc này. Tôi thận trọng tìm kiếm các sắc màu để giữ cho tâm trí mình không còn bị họ ám ảnh nữa, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn phải làm chứng nhân cho những con người còn sót lại, bị sụp đổ giữa trò ghép hình của nhận thức, sự tuyệt vọng và nỗi kinh ngạc ấy. Họ có những trái tim thủng lỗ chỗ. Họ có những buồng phổi thoi thóp.

Đổi lại, việc này đã dẫn dắt tôi đến với chủ đề mà tôi đang kể lại cho bạn tối nay đây, hay hôm nay đây, vào bất cứ giờ nào và sắc màu nào. Đó là câu chuyện về một trong những người còn sống sót cho đến hết đời ấy – một bậc thầy trong việc bị bỏ lại đằng sau.

Cùng với những chuyện khác, thì đây thực ra chỉ là một câu chuyện nhỏ về:

• một đứa bé gái

• vài lời nói

• một người chơi đàn xếp

• vài gã người Đức cuồng tín

• một tay đấm Do Thái

• và khá nhiều vụ ăn trộm.

Tôi đã nhìn thấy kẻ trộm sách ba lần.

BÊN ĐƯỜNG RAY TÀU HỎA

Trước hết là cái gì đó màu trắng. Trắng lóa cả mắt.

Vài người trong số các bạn thường cho rằng màu trắng không phải là một màu sắc thực sự, và là tất cả những gì vô nghĩa chán ngấy đại loại như thế. Để tôi nói cho bạn hay, nó đúng là một sắc màu đấy. Không nghi ngờ gì nữa, trắng là một sắc màu, và tôi không nghĩ là bạn muốn tranh cãi về chuyện đó.

š MỘT THÔNG BÁO ĐỂ BẠN VỮNG DẠ HƠN ›

Làm ơn, hãy bình tĩnh,

đừng để ý đến lời de dọa ban nãy nhé.

Tôi chỉ hùng hổ thế thôi –

Tôi không bạo lực. Chẳng ác tâm.

Tôi chỉ là một kết cục.

Đúng, nó màu trắng.


Dường như cả tinh cầu đều mặc bộ cánh bằng tuyết. Nó khoác bộ cánh này lên cứ như bạn khoác lên mình một cái áo vậy. Bên cạnh đường ray, những bước chân đi ngập tuyết đến tận ống quyển. Đám cây cối trùm một tấm mền băng giá.

Đúng như điều bạn có thể tiên đoán, có người vừa chết.

Họ không thể đơn giản là để thằng bé lại trên mặt đất được. Bây giờ thì đó không phải là vấn đề gì lớn lắm, nhưng đường ray phía trước rồi sẽ sớm được dọn quang, và đoàn tàu cần phải đi tiếp.

Có hai nhân viên an ninh.

Một người mẹ và đứa con gái của bà ta.

Một cái thây ma.

Người mẹ, đứa con gái và cái thây ma ấy cứ lầm lì và yên lặng mãi như thế.

– Nào, mày muốn tao làm gì nữa đây?

Có hai nhân viên bảo vệ, một thấp một cao. Gã cao luôn mở miệng trước, dù hắn không phải là người chịu trách nhiệm chính. Hắn nhìn tên thấp bé, đậm người hơn với vẻ dò hỏi. Thằng này có khuôn mặt đỏ ậng như gấc. Gã đáp:

– Hừ, ta không thể cứ để mặc bọn họ thế này, đúng không?

Gã cao đang dần mất kiên nhẫn. “Tại sao lại không chứ?”

Thế là gã thấp đậm gần như phát khùng lên. Gã ngước nhìn vào cằm của tên kia và thét, “Spinnst du? Mày bị ngớ ngẩn à!?” Cái vẻ ghê tởm càng lúc càng hiện rõ trên đôi gò má hắn. Lỗ chân lông trên da hắn như giãn nở ra. “Coi nào,” hắn vừa nói vừa đi đi lại lại không mục đích trên đám tuyết. “Ta sẽ mang cả ba người bọn họ quay về chỗ đoàn tàu nếu buộc phải làm thế. Ta sẽ báo trạm dừng kế tiếp.”

Phần tôi, tôi đã mắc phải một trong những sai lầm sơ đẳng nhất. Tôi không thể giải thích cho bạn hiểu được là tôi đã thất vọng với bản thân mình ghê gớm đến nhường nào đâu. Từ đầu đến giờ, tôi đã làm đúng mọi việc:

Tôi quan sát bầu trời mờ mịt tuyết trắng in trên ô cửa sổ của đoàn tàu đang chuyển bánh. Tôi gần như đã hút nó vào, dẫu vậy, tôi dã lừng khừng. Tôi khởi sự – tôi trở nên quan tâm đến đứa bé gái. Thói tò mò đã khuất phục được tôi, tôi đành ở lại đến chừng nào quỹ thời gian của mình còn cho phép và dõi theo nó.

Hai mươi ba phút sau, khi đoàn tàu dừng bánh, tôi trèo ra ngoài cùng họ.

Một linh hồn bé nhỏ đã yên vị trong vòng tay tôi.

Tôi đứng hơi dịch về mé phải một chút.

Bộ đôi nhân viên an ninh đường sắt năng nổ nọ quay về chỗ người mẹ, đứa bé gái, và cái thây ma con trai nhỏ nhắn. Tôi nhớ rõ là hôm ấy tiếng thở của mình rất nặng, đến mức tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy hai nhân viên nọ chẳng hề đoái hoài đến tôi trong lúc họ bước ngang qua tôi. Thế gian dường như đang võng xuống, dưới sức nặng của tất cả số tuyết bên trên nó.

Chừng mươi mét về bên trái tôi, đứa bé gái tái xanh tái mét, bụng lép kẹp ấy đang đứng đó, rét run cầm cập.

Miệng nó đánh bò cạp.

Đôi cánh tay lạnh giá của đứa bé gái khép chặt.

Những giọt nước mắt đã đông giá trên gương mặt của kẻ trộm sách.

THIÊN THỰC[1]

[1] Thiên thực là một hiện tượng thiên văn học khi một thiên thể chuyển động vào bóng tối của thiên thể khác (Các chú thích trong sách đều của người dịch).

Kế đến là cái ký hiệu màu đen, để thể hiện những thái cực thay đổi của tôi, nếu bạn muốn. Ấy là khoảnh khắc đen tối nhất trước lúc bình minh.

Lần này tôi đến để rước một người đàn ông khoảng chừng hai mươi tư tuổi. Xét theo một khía cạnh nào đó, thì nó là một cảnh tượng thật đẹp đẽ. Chiếc máy bay vẫn đang khạc nhổ ầm ĩ. Khói đang rò ra từ cả hai bên buồng phổi của nó.

Khi rơi xuống, nó tạo nên ba cái hố sâu hoắm trên mặt đất. Cánh của nó giờ đây trông như những cánh tay bị cưa đứt. Chúng không còn vỗ phành phạch nữa. Không còn vỗ cánh được nữa rồi, cái con chim sắt nhỏ bé ấy.

š VÀI THỰC TẾ NHO NHỎ KHÁC ›

Đôi khi tôi đến quá sớm.

Tôi thì vội vàng,

Trong khi có vài kẻ bíu lấy sự sống

dai dẳng hơn mức mong đợi.

Vài phút sau, đám khói đã trở nên kiệt sức. Chiếc máy bay chẳng còn biểu hiện gì của sự sống nữa.

Đứa bé trai đến nơi trước trong hơi thở đứt quãng, cùng một thứ trông có vẻ như là thùng đồ nghề. Run lẩy bẩy, nó tiến gần đến cho buồng lái và quan sát viên phi công, đoán xem anh ta có còn sống không, mà vào lúc đó thì anh ta vẫn còn sống. Kẻ trộm sách đến nơi chừng ba mươi giây sau đó.

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhận ra con bé.

Nó đang thở hổn hển.

Từ đống đồ lộn xộn trong thùng đồ nghề, đứa bé trai lấy ra một con gấu nhồi bông.

Nó thò tay qua tấm kính chắn gió đã nát bấy và đặt món đồ chơi lên ngực người phi công nọ. Con gấu đang cười ấy ngồi rúc vào cái đống lộn xộn gồm người đàn ông và đám máu me bê bết của anh ta. Vài phút sau, tôi nắm bắt lấy cơ hội của mình. Đã đến lúc rồi.

Tôi bước vào, tách linh hồn ra khỏi thân xác người phi công nọ, và nhẹ nhàng mang nó ra ngoài.

Tất cả những gì còn lại là cái thây người, mùi khói khét lẹt đang phai dần, và con gấu bông đang mỉm cười.

Khi đám đông đến nơi, thì dĩ nhiên mọi việc đã thay đổi. Đường chân trời dần hiện ra như một nét vẽ bằng than. Những gì còn sót lại của bóng tối bên trên giờ chỉ là một nét nguệch ngoạc, và nhanh chóng tan biến.

Còn người đàn ông nọ có thể ví với màu xương. Bộ da màu xương. Một bộ quân phục nhàu nát. Đôi mắt nâu của anh ta lạnh ngắt – như đôi vệt cà phê vương vãi – và cái nét nguệch ngoạc ở trên cùng định hình thành một thứ theo tôi có vẻ như là một hình dạng kỳ quặc, nhưng lại khá quen thuộc. Đó là một ký hiệu.

Đám đông làm điều mà các đám đông vẫn làm.

Khi tôi đi qua, mỗi người đều đứng đó và chơi đùa với sự câm lặng của riêng mình. Đó là một hỗn hợp những cử động rời rạc của bàn tay, những câu nói nghẹn ngào, và những cái quay người lặng lẽ, tự chủ.

Khi tôi liếc nhìn lại chiếc máy bay, cái miệng há ra của người phi công nọ khiến anh ta trông như đang cười.

Một trò đùa nhơ bẩn cuối cùng.

Điểm nút của trò đùa ấy lại là một con người khác.

Anh ta cứ nằm đó, như được liệm trong bộ quân phục của mình trong lúc ánh sáng ảm đạm đang đánh vật với bầu trời. Cũng như với nhiều người khác, khi tôi bắt đầu rời đi, dường như lại có một bóng tối ngắn ngủi nữa, một khoảnh khắc cuối cùng của thiên thực – một sự chứng nhận rằng vừa có một linh hồn nữa ra đi.

Bạn thấy đấy, đối với tôi – chỉ trong một khoảnh khắc thôi, mặc cho tất cả những sắc màu đã chạm vào và níu giữ lấy cái mà tôi nhìn thấy trên thế giới này – tôi thường bắt gặp thiên thực khi có một con người lìa bỏ cõi đời.


Tôi đã nhìn thấy thiên thực hàng triệu triệu lần.

Tôi đã nhìn thấy thiên thực nhiều đến mức tôi không thể nhớ nổi.

LÁ CỜ

Lần cuối cùng tôi thấy đứa bé gái ấy là màu đỏ. Bầu trời hôm đó trông như một nồi súp sôi sùng sục và đầy bất ổn. Đôi chỗ đã bị cháy sém. Có những mẩu vụn màu đen và màu muối tiêu đọng thành vệt giữa cái nền màu đỏ ấy.

Trước đó chưa lâu, bọn trẻ con đã chơi lò cò ở đây, trên con đường trông như những trang giấy loang đầy vệt dầu mỡ này. Lúc đến tôi vẫn có thể nghe thấy được những âm vong. Tiếng chân chạm mặt đường. Giọng cười của bọn trẻ con, nhưng nụ cười chân thật, nhưng tất cả đều thối rữa rất nhanh.

Sau đó, là những quả bom.

Lần này, mọi thứ đều quá trễ.

Những hồi còi báo động. Tiếng hú inh ỏi trên loa phát thanh. Tất cả đều quá trễ.

Chỉ trong vòng vài phút, rất nhiều bê tông và đất đá đã chất thành từng đống lớn. Những con đường bị đứt mạch. Máu chảy thành dòng cho đến khi khô đi trên mặt đường, và xác người mắc kẹt lại, như những súc gỗ trôi dạt sau cơn lũ.

Họ đã bị dán chặt xuống mặt đất, từng người một. Một cái bọc toàn những linh hồn.

Đó phải chăng là số mệnh?

Hay một tai họa?

Có phải đó là thứ đã dán chặt họ xuống đất như vậy không?

Dĩ nhiên là không.

Đừng có ngốc như thế chứ.

Hắn cảnh tượng này có liên quan đến những quả bom được thả xuống xối xả từ đám người đang nấp trên mây kia.

Trong nhiều giờ, bầu trời vẫn giữ nguyên một sắc đỏ hủy hoại, đặc quánh như thế. Cái thị trấn nhỏ bé của nước Đức này thêm một lần nữa bị tàn phá. Những bông tro tàn tung bay trong không trung một cách đáng yêu đến mức bạn chỉ muốn thè lưỡi ra mà bắt lấy chúng, nhấm nháp mùi vị của chúng. Chỉ có một vấn đề là chúng sẽ làm môi bạn cháy sém, chúng sẽ nấu chín miệng bạn.

Tôi nhìn thấy một cách rõ ràng.

Tôi đã chuẩn bị rời đi rồi, thì lại thấy nó đang quỳ gối ở đó.

Một dãy núi toàn gạch đá vỡ đã được tạo ra, được thiết kế được dựng lên xung quanh nó. Nó đang giật lấy một quyển sách.

Hơn hết, kẻ trộm sách rất muốn quay lại căn hầm, để viết hoặc để đọc lại toàn bộ câu chuyện của con bé một lần cuối cùng. Trong tầm ngắm của mình, tôi thấy điều này hiển hiện trên gương mặt nó. Nó thèm muốn vô cùng sự an toàn, mái ấm gia đình nó – nhưng nó không thể di chuyển được. Ngoài ra, căn hầm không còn nữa rồi. Nó đã trở thành một phần của khung cảnh nham nhở ấy.

Một lần nữa, tôi rất mong các bạn hãy tin tôi.

Tôi đã muốn dừng lại. Để cúi xuống.

Tôi đã muốn nói thế này.

“Ta rất tiếc, cô bé ạ.”

Nhưng điều này là không được phép.

Tôi đã không cúi xuống. Tôi đã chẳng nói gì cả.

Thay vào đó, tôi ngắm nhìn con bé một lúc. Khi nó đã có thể di chuyển được, tôi liền đi theo nó.

Cuốn sách tuột rơi khỏi tay.

Đôi chân nó khuỵu xuống.

Kẻ trộm sách rống lên khóc.

Quyển sách của nó đã bị dẫm lên vài lần khi quá trình dọn dẹp bắt đầu; và dù đã có lệnh chỉ dọn dẹp những đống bê tông và đất đá thôi, thì món đồ quý giá nhất của nó vẫn bị ném lên một cái xe tải chở rác. Lúc này, tôi thấy mình buộc phải ra tay Tôi trèo lên xe và nhặt quyển sách, không hề nhận thức được rằng tôi sẽ đọc câu chuyện của nó đến vài trăm lần trong nhiều năm nữa, trong những chuyến đi của mình. Tôi sẽ để mắt đến những nơi chốn chúng tôi gặp nhau, và kinh ngạc trước những điều đứa bé gái ấy đã nhìn thấy cũng như cách mà nó đã sống sót. Đó là điều tốt nhất mà tôi có thể làm được – khi thấy những điều nó viết ứng với mọi sự kiện tôi đã chứng kiến trong suốt thời gian đó.

Khi nhớ về đứa bé gái ấy, tôi luôn nhìn thấy một bản liệt kê dài những màu sắc khác nhau, nhưng ba sắc màu mà qua đó tôi nhìn thấy nó bằng xương bằng thịt thì luôn có sức âm vang mạnh mẽ nhất. Đôi lúc tôi cố gắng tránh xa ba khoảnh khắc đó. Tôi cứ lơ lửng như thế trên không trung, cho đến khi một sự việc trở nên thối rữa và hình thành nên hiện thực rõ ràng.

Đó là khi tôi thấy chúng cấu thành một công thức.

NHỮNG SẮC MÀU

MÀU ĐỎ:

MÀU TRẮNG: ○

MÀU ĐEN:

Chúng chồng lên nhau. Nét vẽ nguệch ngoạc màu đen, trên hình cầu mờ mịt màu trắng, trên cái nền màu đỏ đặc sệt.

Phải, tôi thường nhớ đến đứa bé gái ấy, và trong một trong rất nhiều hàng túi của mình, tôi đã lưu giữ câu chuyện của nó để kể lại. Đây chỉ là một thứ rất nhỏ trong nhiều thứ mà tôi mang theo bên mình, mỗi cái đều phi thường theo cách riêng của nó. Mỗi cái đều là một cố gắng – một nỗ lực tột bực – để chứng tỏ với tôi rằng, bạn, và sự tồn tại của loài người các bạn trên cõi đời này, là đáng giá.

Nó đây. Một trong số rất nhiều thứ như vậy.

Chuyện kẻ trộm sách.

Nếu bạn thích, hãy đến với tôi. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.

Tôi sẽ cho bạn thấy một thứ.

gồm có:

phố thiên đàng – nghệ thuật chửi đồ con lợn


– người đàn bà có nắm đấm thép – xin một nụ hôn

– jesse owens – giấy nhám – mùi của tình bạn

– nhà vô địch hạng nặng – và tổ mẹ của mọi watschen

ĐẾN PHỐ THIÊN ĐÀNG

Lần cuối cùng ấy

Bầu trời đỏ ối ấy…

Làm sao mà một kẻ trộm sách lại phải nhận kết cục là quỳ mọp dưới đất mà gào khóc, sát bên con bé là đống gạch đá vỡ nát, kỳ quặc và nhầy nhụa do con người tạo ra? Nhiều năm trước, khởi đầu chỉ có toàn tuyết là tuyết. Đã đến lúc một người phải ra đi rồi.

š MỘT KHOẢNH KHẮC BI KỊCH ĐẾN TẬN CÙNG ›

Đoàn tàu đang lao đi rất nhanh.

Trong đó lèn đầy người.

Một đứa bé trai sáu tuổi

đã chết ở toa tàu thứ ba.

Kẻ trộm sách và em trai nó đang đi tàu hỏa đến Munich, nơi cả hai sẽ sớm được bàn giao cho bố mẹ nuôi của chúng. Cố nhiên là bây giờ thì chúng ta đã biết rằng đứa bé trai không sống được cho đến lúc đó.

š ĐIỀU NÀY XẢY RA NHƯ SAU ›

Có một cơn ho dữ dội vọt ra.

Gần như là được truyền cảm hứng để mà bật ho rũ rượi.

Và không lâu sau – chẳng còn gì nữa hết.

Khi cơn ho chấm dứt, chẳng còn gì ngoài sự trống rỗng của cuộc sống lê lết trôi đi, hay một sự co giật gần như không hề phát ra tiếng động. Một thứ gì đó bất thình lình đã tìm thấy đường vào đôi môi của thằng bé, đôi môi bợt bạt với lớp da tróc ra từng mảng như sơn cũ. Đôi môi ấy rất cần được tu chỉnh lại.

Mẹ chúng đang ngủ.

Tôi vào bên trong toa tàu.

Chân tôi bước qua lối đi hỗn loạn và lòng bàn tay tôi bịt chặt miệng thằng bé chỉ trong nháy mắt.

Không ai chú ý cả.

Đoàn tàu vẫn lăn bánh.

Ngoại trừ đứa bé gái.

Với một mắt mở, mắt kia vẫn nhắm mơ màng, kẻ trộm sách – còn được biết đến với cái tên Liesel Meminger – có thể thấy rõ rằng đứa em trai Werner của nó đang nằm nghiêng sang một bên, và đã chết.

Đôi mắt xanh của thằng bé nhìn trừng trừng xuống sàn nhà.

Nhìn vào cõi vô định.

Trước khi thức dậy, kẻ trộm sách đã mơ về ngài Quốc trưởng, tức Adolf Hitler. Trong mơ, nó thấy mình được tham dự một buổi mít – tinh có ngài đọc diễn văn, và đang ngắm cái phần màu sọ trắng hếu trên mái tóc và bộ râu mép đen kịt, vuông chằn chặn của ngài. Nó lắng nghe một cách mãn nguyện dòng thác ngôn ngữ xối xả tuôn ra từ miệng ngài. Những câu nói của ngài bừng sáng lên trong ánh đèn. Trong một khắc yên lặng, tưởng như ngài đã cúi xuống và cười với nó. Nó đáp lại cử chỉ ấy và nói, “Chúc một ngày tốt lành, thưa Quốc trưởng vĩ đại. Ngài có khỏe không?” Nó nói không được lưu loát cho lắm, thậm chí còn không biết đọc, vì nó ít tới trường. Lý do của việc này thì nó sẽ tìm ra vào đúng thời điểm thích hợp.

Ngay lúc Quốc trưởng sắp sửa trả lời thì nó tỉnh giấc.

Đó là vào tháng Giêng năm 1939. Nó chín tuổi, và sắp sửa lên mười.

Em trai nó đã chết.

***

Một mắt mở.

Mắt kia vẫn nhắm mơ màng.

Sẽ tốt hơn nếu nó có được một giấc mơ trọn vẹn, tôi nghĩ vậy nhưng tôi thực sự không kiểm soát được chuyện này.

Con mắt thứ hai bừng tỉnh và không nghi ngờ gì nữa nó đã bắt quả tang tôi tại trận. Đó là lúc tôi đang quỳ xuống và hút linh hồn của thằng bé ra, giữ nó hờ hững trong vòng tay căng phồng của mình. Nó ấm lên không lâu sau đó, nhưng lúc đầu – khi tôi tách linh hồn của thằng bé, thì linh hồn ấy mềm oặt và lạnh ngắt như kem. Nó bắt đầu tan chảy ra trong vòng tay tôi. Sau đó, nó ấm lên hoàn toàn. Bình phục hoàn toàn.

Phần Liesel Meminger, người nó cứng đờ ra, và những suy nghĩ dữ dội cứ cuồn cuộn chảy trong đầu nó. Es stimmt nitch. Điều này là không có thật. Điều này không có thật.

Rồi nó lay gọi.

Tại sao người ta luôn phải lay họ nhỉ?

Được, tôi biết, tôi biết rồi, tôi phải thừa nhận rằng hành động này có cái gì đó thuộc về bản năng của con người. Để ngăn chặn dòng chảy của sự thật. Lúc ấy, trái tim của đứa bé gái trơn nhẫy và nóng bỏng, tim nó đập thình thịch rất to, thình thịch thình thịch.

Tôi đã nán lại một cách ngu ngốc. Tôi quan sát.

Tiếp theo là mẹ của đứa bé gái.

Nó đánh thức bà dậy cũng bằng những cú lay mạnh đến quẫn trí như thế.

Nếu bạn không thể tưởng tượng ra được khung cảnh này, hãy nghĩ đến sự câm lặng vụng về. Hãy nghĩ đến từng mảnh từng miếng cảm xúc tuyệt vọng trôi nổi trong không gian. Và việc bị chết chìm trong một đoàn tàu hỏa.

Tuyết cứ rơi mãi không ngừng, và chuyến tàu đến Munich buộc phải dừng lại vì người ta còn phải dọn dẹp đường ray. Trên tàu có một người đàn bà than khóc. Một đứa bé gái đứng chết lặng bên cạnh bà.

Trong cơn hoảng loạn, người mẹ mở cửa.

Bà trèo xuống nền đất ngập tuyết, tay ôm chặt cái thây ma bé nhỏ.

Đứa bé gái còn làm được gì khác ngoài việc đi theo bà chứ?

***

Như bạn đã được biết, hai nhân viên bảo vệ cũng ra khỏi tàu hỏa. Họ bàn bạc và tranh cãi về điều mà họ sẽ phải làm. Tình cảnh này, nói cho nhẹ nhàng nhất, cũng là rất đáng ghê tởm. Sau cùng họ quyết định rằng cả ba mẹ con nọ nên được đưa đến thị trấn kế tiếp và giải quyết vấn đề của mình ở đó.

Lần này tàu hỏa cứ ì ạch chạy qua vùng đất ngập tuyết ấy.

Nó tập tễnh lết đi rồi dừng hẳn lại.

Họ bước vào sân ga, cái thây ma vẫn ở trong vòng tay mẹ nó.

Họ đứng đó.

Thằng bé đang trở nên nặng dần.

Liesel không biết mình đang ở đâu. Bốn bề đều trắng xóa, và khi họ đứng ở ga, con bé chỉ có thể nhìn chằm chằm vào những con chữ mờ mịt trên tấm biển báo trước mặt. Với Liesel, thị trấn này không có tên, và đây là nơi mà đứa em trai Werner của nó được chôn cất hai ngày sau đó. Những người làm chứng gồm có một linh mục và hai phu đào huyệt lúc nào cũng run lên cầm cập vì lạnh.

š MỘT QUAN SÁT ›


Hai nhân viên đoàn tàu.

Hai phu đào huyệt.

Khi đến lúc, một người trong số họ đưa ra quyết định, người kia làm điều anh ta được bảo phải làm.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu người kia lớn hơn con số một rất nhiều thì sao?

Sai lầm nối tiếp sai lầm, dường như có những lúc tôi chẳng làm được gì khác ngoài việc mắc sai lầm.

Trong suốt hai ngày, tôi tiếp tục làm công việc của mình. Tôi đi vòng quanh Trái Đất như thường lệ, chuyển những linh hồn lên cái băng chuyền dẫn đến cõi vĩnh hằng. Tôi nhìn chúng từ từ lăn vào trong một cách thụ động. Đã vài lần tôi tự cảnh báo mình rằng, tốt nhất là tôi phải tránh xa buổi chôn cất đứa em trai của Liesel Meminger. Nhưng tôi đã không để ý đến lời khuyên do chính mình đặt ra ấy.

Từ cách xa nhiều dặm, trong lúc đang tiến đến gần tôi đã có thể thấy một nhóm người đang đứng với vẻ ơ hờ giữa vùng đất hoang phế phủ đầy tuyết trắng. Nghĩa địa đón chào tôi như một người bạn thân thiết, và chỉ chốc lát sau, tôi đã nhập bọn với họ. Tôi cúi đầu.

Bên trái Liesel, những người phu đào huyệt đang xoa xoa tay vào nhau, làu bàu về chuyện tuyết, và hoàn cảnh đào huyệt lúc đó. “Đào được qua đám băng này khó khăn lắm đây,” và những chuyện đại loại thế. Một người trong số họ hẳn chưa quá mười bốn tuổi. Một cậu học việc. Khi cậu ta đi khỏi, một quyển sách bìa đen tình cờ rơi ra khỏi túi áo khoác mà cậu vẫn chẳng hề hay biết. Lúc ấy thì cậu đã đi xa được chừng hơn hai chục bước rồi.

Vài phút sau, mẹ của Liesel bắt đầu rời khỏi nghĩa địa cùng với vị linh mục. Bà cảm ơn ông vì đã làm lễ cho buổi chôn cất thằng bé.

Dù vậy, đứa bé gái vẫn nán lại.

Hai đầu gối của nó quỳ bệt xuống đất. Thời điểm của nó đã đến.

Vẫn còn chưa tin được những gì đã xảy ra, nó bắt đầu đào xới. Em ấy không thể chết. Em ấy không thể chết được. Không thể thế được.

Chỉ sau vài giây, da thịt nó đã bị băng tuyết cắt cho bật máu.

Máu đông chạy chằng chịt trên đôi bàn tay của nó.

Đâu đó trong đám tuyết phủ dày đặc ấy, nó có thể nhìn thấy trái tim tan vỡ của mình, trái tim ấy đổ vỡ thành hai mảnh– Mỗi mảnh đều đang bừng sáng và đập thình thịch dưới đám tuyết trắng xóa. Nó chỉ nhận thức được việc nó quay lại đón khi cảm thấy có một bàn tay gầy guộc chộp lấy vai mình. Nó bị lôi đi. Một tiéng thét tức tưởi thoát ra cổ họng nó.

š MỘT HÌNH ẢNH NHỎ, CÁCH ĐÓ CHỪNG HAI MƯƠI MÉT ›

Khi trò lôi kéo đã chấm dứt, người mẹ và đứa con gái của bà đứng đó và thở hồng hộc.

Có cái gì đó hình chữ nhật màu đen đang ngập trong tuyết.

Chỉ có đứa bé gái nhìn thấy.

Con bé cúi xuống nhặt nó lên, rồi giữ chặt lấy trong những ngón tay của mình.

Một quyển sách có in chữ màu bạc.

Họ nắm tay nhau.

Một câu vĩnh biệt bi thảm sau cùng được thốt lên thành lời, rồi họ quay người và rời khỏi nghĩa địa, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại.

Phần tôi, tôi nán lại lâu hơn một chút.

Tôi vẫy tay chào tạm biệt.

Chẳng có ai vẫy tay chào lại cả.

Người mẹ và đứa con gái của bà ta đã bỏ lại sau lưng khu nghĩa địa trống hoác, quay lại ga để đón chuyến tàu kế tiếp đến Munich.

Cả hai đều gầy ngẳng và xanh mét.

Cả hai đều có những vết bầm dập trên môi.

Liesel nhận thấy điều này khi nhìn vào ô cửa sổ bẩn thỉu và ám đầy sương giá của đoàn tàu, lúc hai mẹ con nó lên tàu trước buổi trưa hôm ấy. Theo những từ ngữ được viết ra bởi bản thân kẻ trộm sách, thì chuyến đi lại tiếp tục như mọi việc vẫn xảy ra.

Khi vào ga Munich, hành khách túa ra khỏi tàu như từ một cái bao bị thủng. Có đủ mọi hạng người, nhưng trong số họ thì đám người nghèo là dễ nhận ra nhất. Những kẻ bần cùng luôn cố gắng dịch chuyển không ngừng, cứ như thể việc thay đổi vị trí có thể tạo ra cơ may giúp họ cải thiện phần nào tình thế. Họ không thèm chú ý đến thực tế là một phiên bản mới của vấn đề cũ rích ấy sẽ đợi họ ở cuối cuộc hành trình – như người họ hàng mà bạn phải co rúm người lại mới dám hôn vậy.

Tôi cho rằng mẹ đứa bé gái biết điều này rất rõ. Bà không đưa con mình đến những nơi tươm tất hơn ở Munich, mà là tìm cho được một gia đình nhận con nuôi, và nếu không có gì thay đổi thì gia đình mới này ít nhất cũng có thể cho hai đứa con, một trai một gái, của bà ăn uống tốt hơn chút đỉnh, và giáo dục chúng nó một cách đàng hoàng.

Cái thằng bé ấy.

Liesel chắc rằng mẹ nó vẫn đau đáu trong lòng kỷ niệm về đứa em trai của nó, thằng bé đã được bà bế xốc trên vai. Bà đã làm rơi nó. Bà đã nhìn thấy đôi cẳng chân, bàn chân và thân người nó đập xuống sàn nhà ga.

Làm sao mà bà ấy vẫn có thể bước đi được?

Làm sao mà bà ấy vẫn có thể di chuyển được cơ chứ?

Đó là những câu hỏi mà tôi sẽ không bao giờ trả lời được hay nhận thức được cho thấu đáo – rằng con người có thể làm được những điều phi thường đến nhường nào.

Bà xốc cái xác thằng bé dậy và tiếp tục bước đi, đứa bé gái nép sát bên người bà.

Các quyền lợi được thông qua, những câu hỏi được đặt ra về sự chậm trễ và cái chết của đứa bé trai làm trái tim dễ tổn thương của họ xao động… Liesel vẫn đứng trong góc văn phòng nhỏ xíu và bụi bặm ấy, trong lúc mẹ nó ngồi trên một chiếc ghế cứng quèo với những suy nghĩ ám ảnh quay cuồng trong đầu.

Sau đó là hàng loạt những lời chia tay lộn xộn.

Mái đầu của đứa bé gái vùi trong cái áo khoác len đã sờn của mẹ nó. Lại có thêm vài chặp lôi kéo nữa.

Cách ngoại ô Munich khá xa là một thị trấn nhỏ với cái tên Molching, mà tốt nhất là bạn và tôi có thể đọc từ này là Molking. Đó là nơi họ đang đưa đứa bé gái tới, một con phố tên là Himmel.

š DỊCH NGHĨA ›

Himmel = Thiên Đàng

Dù người đã đặt tên cho con phố này là phố Thiên Đàng có là ai đi chăng nữa, thì hẳn gã ta phải có một khiếu mỉa mai rất sắc sảo. Không phải vì con phố ấy là một địa ngục trần gian. Không phải thế đâu. Nhưng chắc chắn là nó cũng chẳng phải thiên đàng gì ráo.

Dù sao đi nữa thì cha mẹ nuôi của Liesel cũng đang đợi.

Gia đình Hubermann.

Họ đang trông đợi một đứa bé gái và một đứa bé trai, và sẽ được trả một khoản trợ cấp nhỏ cho việc nhận nuôi chúng. Không ai muốn là người báo cho Rosa Hubermann biết rằng đứa bé trai đã không vượt qua được chuyến đi khắc nghiệt vừa rồi. Thực ra, chẳng ai muốn nói với bà ta bất cứ điều gì cả. Tính khí của người đàn bà này không được dễ chịu cho lắm, dù người ta đã dành cho bà những nhận xét tốt dẹp trong việc nuôi dạy mấy đứa con nuôi trước đây. Có vẻ như bà đã giáo dục được vài đứa đến nơi đến chốn.

Về phía Liesel, thì đó là một chuyến đi bằng ôtô.

Trước đây con bé chưa bao giờ ở trong một cái ôtô cả.

Dạ dày nó quặn lên từng chập, và nó cứ bám víu lấy hy vọng hão huyền là người ta sẽ lạc đường hoặc thay đổi ý định. Trên hết, những suy nghĩ của nó không khỏi hướng về mẹ nó, ở Bahnhof, đang chờ để ra đi lần nữa. Bà đang run lẩy bẩy. Bà đang bị gói lại trong cái áo khoác vô dụng ấy. Bà hẳn đang gặm móng tay, đợi tàu hỏa đến. Ga tàu dài dằng dặc và chẳng dễ chịu chút nào – nó là một tấm xi măng lạnh ngắt. Liệu trên chuyến tàu quay về, bà có còn đủ sức để mờ mắt nhìn lại vùng đất mông lung đã trở thành nơi chôn cất đứa con trai của bà không? Hay bà sẽ bị cơn buồn ngủ hoàn toàn đánh gục?

Xe chuyển bánh, và Liesel khiếp sợ nhìn lại khúc quanh chết chóc tưởng như tận cùng thế giới sau lưng mình.

Cả ngày hôm đó chỉ có duy nhất một màu xám xịt, màu sắc đặc trưng của châu Âu.

Những tấm màn mưa phủ dày đặc quanh xe.

“Gần đến nơi rồi.” Người của trại chăm sóc trẻ mồ côi, bà Heinrich, quay lại và mỉm cười với nó. “Dein neues Heim. Nhà mới của cháu đây.”

Liesel lấy tay chùi một vòng tròn trên tấm kính xe phủ đầy hơi nước và nhìn ra ngoài.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.