Kẻ cắp tia chớp

Chương 7


Đọc truyện Kẻ cắp tia chớp – Chương 7

7. Bữa Tiệc Bốc Khói
Tiếng lành đồn xa: tin về sự cố nhà vệ sinh lan toàn trại.
Tôi đi đến đâu, người ta cũng chỉ trỏ và rỉ tai nhau về nước bồn cầu!!!
Hoặc có lẽ tôi nhầm: chắc mọi người chỉ nhìn Annabeth ướt lướt thướt.
Bạn ấy chỉ tôi xem vài chỗ nữa: xưởng kim loại có mấy bạn đang tự rèn kiếm, phòng thủ công có thần rừng đang thổi cát đánh bóng bức tượng bằng đá cẩm thạch khổng lồ, tạc hình một nhân vật nửa người, nửa dê và bức tường luyện tập. Tường này có hai mảnh rung chuyển mạnh, đá tảng theo nhau lăn xuống như mưa, nham thạch nóng bắn tung tóe. Nếu học viên không leo nhanh sẽ bị bỏng vì nham thạch.
Cuối cùng, chúng tôi trở lại hồ có đường mòn dẫn đến khu nhà ở.
Annabeth nói rõ từng tiếng:
– Tớ phải đi tập. Ăn tối lúc bảy rưỡi. Cứ theo bạn cùng nhà đến sảnh, nghe chưa?
– Annabeth này, tớ xin lỗi vụ toa lét vừa rồi.
– Đừng khách sáo.
– Không phải tại tớ đâu mà.
Thấy ánh mắt nghi ngờ của cô bạn tóc vàng, tôi mới hiểu cơ sự tại tôi cả. Chính tôi điều khiển nước phụt ra từ các thiết bị dọc đường ống gắn trên tường. Tôi không hiểu bằng cách nào nhưng thủ phạm chính là tôi. Bồn cầu biết nhận lệnh tôi. Hóa ra tôi có ảnh hưởng đến chuyện ống nước gì gì đó.
Annabeth bảo:
– Chắc cậu phải nói chuyện với Lời Sấm Truyền thôi.
– Ai cơ?
– Không phải ai. Của một vật thôi. Để tớ báo bác Chiron đã.
Ngó đăm đăm mặt hồ, tôi chỉ mong có người trả lời thẳng câu tôi hỏi, dù chỉ một lần.
Chưa bao giờ bị người khác từ dưới nhìn lên mông mình nên tôi ngượng chín người khi thấy hai bạn gái ngồi gác chân chữ ngũ dưới móng cầu cách tôi khoảng hai chục bước đang ngắm mình. Họ mặc quần jeans xanh dương, áo thun xanh lá cây. Mái tóc nâu bồng bềnh trên vai. Họ mỉm cười vẫy tôi như bạn thân lâu ngày không gặp.
Tôi không biết hay dở ra sao, cũng giơ tay vẫy đáp trả.
Annabeth cảnh cáo:
– Đừng khích lệ họ. Nữ thủy thần mà tán, đàn ông chết như ngả rạ.
Tôi choáng, lặp lại như người mất trí:
– Nữ thủy thần! Tớ xin đủ, hết chịu nổi rồi. Tớ về nhà đây.
Annabeth nhíu mày:
– Percy, cậu vẫn chưa hiểu à? Nhà cậu là đây. Chỉ còn mỗi chỗ này an toàn cho những người như chúng ta thôi.
– Chúng ta là bọn tâm thần có vấn đề phải không?
– “Chúng ta” có nghĩa không phải người phàm. Hay chí ít chỉ một nửa là người thôi.
– Vậy nửa kia là gì?
– Biết rồi còn hỏi.
Tôi muốn thú nhận nhưng lại sợ. Chân tay tôi ngứa ngáy, cảm giác chỉ có mỗi khi nghe mẹ nhắc đến bố.
– Nửa kia là thần thánh, là á thần.
Annabeth gật đầu:
– Cha cậu chưa chết. Ông là cư dân đỉnh Olympia.
– Hoang đường!
– Không có đâu. Trong mọi câu chuyện thần thoại, các thần hay làm gì nhất nào? Họ đi khắp thiên hạ, yêu say đắm người phàm rồi sinh con đẻ cái. Cậu tưởng mấy nghìn năm qua, họ bỏ được cái thói quen thâm căn cố đế ấy ư?

– Nhưng đó chỉ là… – Tôi định nói “chuyện thần thoại”, nhưng chợt nhớ bác Chiron từng bảo hai nghìn năm sau, tôi cũng sẽ trở thành huyền thoại nên lại thôi – Thế nếu bọn ta nửa thần…
– Á thần là tên chính thức. Hoặc con lai.
– Thế bố cậu là ai?
Hai bàn tay nắm cọc hàng rào của Annabeth trắng bệch. Tôi chột dạ, biết mình vừa động đến chủ đề nhạy cảm.
– Bố tớ là giáo sư Học viện Quân sự West Point. Từ hồi còn bé xíu đến giờ, tớ chưa gặp ông ấy. Bố tớ dạy môn lịch sử Hoa Kỳ.
– Vậy ông là người phàm.
– Thế cậu tưởng chỉ nam thần mới đủ tinh tường để tán thưởng vẻ đẹp của người trần thôi ư? Sao cậu trọng nam khinh nữ thế?
– Vậy chứ mẹ cậu là ai?
– Tớ ở Nhà Số Sáu.
– Là sao?
Annabeth tự hào ngẩng cao đầu:
– Bà là Athena, nữ thần của trí tuệ, chiến tranh chính nghĩa và nghề thủ công.
Tôi bụng bảo dạ: “Ra thế. Thảo nào.”
– Thế bố tớ là ai?
– Tớ đã bảo cậu là chưa xác định mà. Chẳng ai biết hết.
– Trừ mẹ tớ, đúng không?
– Chưa chắc. Có phải lúc nào thần thánh cũng nêu danh tánh thật đâu.
– Nhưng bố tớ thì có. Bố yêu mẹ tớ lắm.
Tuy hoài nghi nhìn tôi, nhưng Annabeth không muốn làm tôi cụt hứng:
– Chắc cậu đoán đúng. Có thể ông ấy gửi đến hai mẹ con dấu hiệu nào đó. Cách duy nhất để biết chắc là cha cậu gửi tín hiệu tuyên bố cậu là con đẻ của ông. Tớ từng thấy vài lần như thế.
– Vậy vế ngược lại là cũng có thần thánh không tuyên bố nhận con?
Annabeth rà tay dọc đoạn lan can hồ:
– Các thần bận rộn lắm. Họ có nhiều con nên không phải lúc nào… Nói thẳng là đôi khi họ không quan tâm đến con cái đâu. Họ mặc kệ.
Tôi nhớ bọn trẻ trong nhà thần Hermes, nhà Số Mười Một. Bạn cùng phòng tôi nét mặt rầu rĩ, tuyệt vọng như thể cả đời ngóng trông một cuộc gọi không bao giờ đến. Hồi còn học ở Học viện Yancy, tôi không lạ gì lũ trẻ giống bạn ở chung nhà với tôi bây giờ. Bố mẹ chúng giàu có, đẩy con vào trường nội trú chỉ vì không có thời gian chăm sóc con. Tôi những tưởng thần thánh phải tốt đẹp hơn đám phụ huynh trọc phú ấy. Ai dè…
– Nói tóm lại, tớ sẽ kẹt ở trại này đến hết đời chứ gì?
– Cũng còn tùy. Nhiều bạn chỉ đến đây nghỉ hè. Chẳng hạn con của Aphrodite[7] hay Demeter[8] sẽ không có khả năng gì lớn lắm. Quái vật không để ý họ nên họ chỉ cần huấn luyện vài tháng hè sau đó về thế giới phàm trần sống hết năm. Nhưng trong trại có vài người… rời đây sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn tớ và vài người bạn khác ở đây quanh năm. Ra thế giới người phàm, bọn quái vật sẽ đeo dính chúng tớ. Chúng nhận ra tụi tớ bằng cảm giác, sau đó đến thách đấu. Nói chung, chúng không thèm để ý cho đến khi chúng ta đủ lớn, khoảng mười, mười một tuổi. Đến tuổi ấy, nếu không đến được đây, các á thần sẽ bị giết chết. Tin tớ đi, nếu tớ điểm vài cái tên, rất có thể họ là người quen của cậu. Có người còn không biết mình là con thần thánh. Nhưng chuyện đó rất hiếm hoi.
– Vậy quái vật không đến được đây ư?
Annabeth lắc đầu:
– Không, trừ khi chúng được đem đến giấu ở khu rừng kia hoặc được người trong trại gọi đến.
– Ai muốn gọi quái vật đến hại mình chứ?
– Có người muốn luyện kỹ năng giao chiến. Có người đơn giản thích đùa ác.
– Đùa ác ư?
– Vấn đề ở chỗ: trại kín cổng cao tường, không cho người phàm và quái vật vào. Từ ngoài nhìn vào thung lũng, người phàm trần sẽ thấy không có gì khác thường. Chỉ là nông trại trồng dâu mà thôi.
– Thế cậu ở đây quanh năm ư?

Annabeth gật đầu. Cô bạn tôi kéo sợi dây da giấu trong cổ áo đeo năm hạt đất nung, mỗi hạt một màu. Dây này giống hệt dây trên cổ Luke. Tuy nhiên, dây của Annabeth có thêm vòng tròn bằng vàng khá to.
– Tớ ở đây từ năm lên bảy. Cứ đến tháng Tám, vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè hàng năm, mỗi người chúng tớ có thêm một hạt tròn đánh dấu một năm sống sót. Tớ đã ở trại này lâu hơn mọi nhân viên tư vấn, kể cả các đàn anh đàn chị của các Nhà. Mấy anh chị ấy giờ vào vào đại học cả rồi.
– Sao bé thế cậu đã đến đây rồi?
Cô bạn tôi móc ngón tay vào vòng tròn bằng vàng, sẵng giọng:
– Không phải việc của cậu, hỏi làm gì?
Tôi bồn chồn đứng trong bầu không khí im lặng nặng nề:
– Cậu không muốn kể thì thôi. Vậy… nếu thích, tớ cứ việc đi khỏi đây chứ gì?
– Đúng vậy, nhưng làm thế là tự sát. Với lại, cậu phải xin phép bác Chiron và Ngài D. Tuy nhiên, từ nay đến cuối hè, họ sẽ không cho phép, trừ khi…
– “Trừ khi” cái gì?
– Trừ khi cậu được giao nhiệm vụ đi điều tra. Nhưng khó có chuyện ấy lắm. Lần gần đây nhất…
Annabeth im bặt. Nghe giọng bạn, tôi đủ biết lần vừa rồi không suôn sẻ lắm.
– Nhớ lúc trong phòng bệnh, khi cậu cho tớ ăn…
– Thức ăn của thần.
– À, phải. Cậu có hỏi tớ về ngày Hạ chí.
Annabeth chợt căng thẳng:
– Thế ra cậu có biết ít nhiều, phải không?
– À… không. Hồi còn ở trường cũ, tớ có nghe bác Chiron và Grover bàn chuyện ấy. Grover có nhắc đến ngày Hạ chí. Cậu ấy bảo đại loại… ta không còn nhiều thời gian vì đó là hạn chót. Thế nghĩa là gì, cậu có biết thì nói tớ nghe với.
Annabeth nắm chặt hai bàn tay:
– Giá tớ biết thì hay quá. Chiron và nhóm thần rừng biết nhưng không cho tớ hay. Hình như đỉnh Olympia có chuyện chẳng lành… Lần này nghiêm trọng đấy. Lần cuối cùng tớ đến đó, mọi thứ còn êm ả. Vậy mà…
– Cậu đã lên tận đấy ư?
– “Dân định cư” ở trại này… Chẳng hạn, Luke này, Clarisse này, tớ và mấy bạn khác đến đó tham quan vào ngày Đông chí. Lúc ấy các thần tổ chức họp lớn tổng kết năm.
– Nhưng… cậu đến đó bằng cách nào cơ chứ?
– Đương nhiên xuất phát từ ga xe lửa Long Island rồi. Ga Penn là bến cuối, sau đó đến tòa nhà EmpireState, đi thang máy đặc biệt lên tầng thứ sáu trăm. – Cô ấy nhìn tôi như thể tôi chắc chắn phải biết chỗ này – Ôi, cậu là người New York chắc biết rõ chứ hả?
– À phải.
Theo tôi được biết thì tòa nhà EmpireState chỉ có 102 tầng. Tuy nhiên, tôi không nói ra.
– Ngay sau lần thăm viếng ấy, thời tiết thay đổi lạ lùng lắm. Làm như các thần đánh nhau thì phải. Kể từ đó, đôi lần tớ nghe các thần rừng xì xầm bàn tán. Có căng tai lên nghe tớ cũng chỉ biết có báu vật bị đánh cắp. Hình như nếu kẻ trộm không đem trả vật ấy trước ngày Hạ chí, sẽ có rắc rối lớn đấy. Khi cậu đến, tớ hy vọng là… Ý tớ là thần Athena hòa thuận với mọi thần, ngoại trừ thần chiến tranh Ares. Tất nhiên, bà và thần biển Poseidon cũng kình nhau nhưng… nếu biết gạt hiềm khích qua một bên, họ hợp tác vẫn tốt như thường. Tớ tưởng cậu biết chứ?
Tôi lắc đầu, thầm ước mình có khả năng giải đáp thắc mắc cho Annabeth. Nhưng lúc này đây tôi vừa đói thắt ruột, vừa mệt rã rời, hơn nữa đầu óc chưa kịp xử lý thông tin từ những điều mắt thấy tai nghe vừa rồi nên không muốn hỏi thêm gì nữa.
Annabeth lẩm bẩm như nói một mình:
– Nhiệm vụ truy lùng lần này phải về tay mình. Mình đâu còn bé bỏng gì nữa. Chỉ cần họ cho mình biết vấn đề cần giải quyết…
Mùi thịt nướng từ đâu bay tới. Giờ tâm trí tôi dễ theo đuổi ức gà và ngô nướng vàng thơm hơn là nghĩ đến quái vật và truy lùng này nọ.
Chắc nghe tiếng bụng tôi sôi ùng ục, Annabeth bảo tôi cứ về trước. Bạn ấy sẽ theo ngay sau. Tôi đành để cô bạn đứng đó, rà đầu ngón tay lên lan can như người vẽ sơ đồ chiến trường trước giờ giao tranh.
Khi tôi trở lại nhà Số Mười Một, mọi người hoặc đang trò chuyện hoặc cưỡi ngựa chạy chơi loanh quanh chờ đến giờ ăn tối.

Giờ tôi mới thấy các bạn ở chung nhà có nhiều nét giống nhau như mũi cao, mắt xếch và kiểu cười tinh nghịch. Nếu còn đi học, thầy cô giáo sẽ liệt họ vào loại học sinh cá biệt. Ơn trời, không ai để ý thấy tôi vào cửa, tay ôm sừng quỷ đầu bò nằm vật xuống khoảnh nền nhà được chia.
Anh Luke, huynh trưởng, đến chỗ tôi nằm. Anh cũng có những nét đặc trưng của các con thần Hermes. Vết sẹo có làm biến dạng nét mặt anh nhưng không ảnh hưởng đến nụ cười.
– Tìm được túi ngủ cho chú đây. Còn đây nữa. Anh đến cửa hàng của trại “xoáy” cho chú em ít đồ dùng vệ sinh cá nhân.
Tôi không dám chắc anh nói đùa về chuyện trộm đồ ngoài tiệm.
– Cảm ơn anh.
Luke ngồi bệt xuống nền nhà cạnh chỗ tôi nằm, lưng dựa tường:
– Đừng khách sao. Ngày đầu mệt không chú em?
– Ở đây em thấy không hợp. Em có tin thần thánh đâu cơ chứ!
– Phải phải, ai mới đến trại cũng nói thế. Nhưng khi đã tin thần thánh rồi, mọi chuyện cũng chẳng dễ chịu hơn đâu.
– Vậy cha anh là thần Hermes ư?
Luke rút con dao bấm trong túi quần sau ra. Tôi hết hồn, tưởng anh tính “lụi” dao vào bụng tôi nhưng hóa ra anh chỉ cạo bùn dính dưới đế xăng đan:
– Ừ, Hermes là cha anh.
– Nghe nói ông là sứ giả của các vị thần có gắn cánh ở hai bàn chân. Hình như ông còn là thần của giới y học, mục đồng, lãng tử, thương nhân, trộm cướp và là người đưa linh hồn sang thế giới bên kia, phải không anh?
– Chính thế. Cha anh bảo trợ cho bất cứ ai đi lại trên đường. Chính vì thế mà chú em mới ở đây, tận hưởng lòng hiếu khách của Nhà Số Mười Một. Cha anh không kén chọn người cần nhận sự giúp đỡ của ông.
Nói vậy khác gì bảo: “Cha tao không phiền giúp cả đứa vô danh tiểu tốt như mày”. Tuy nhiên, tôi không trách Luke. Chắc anh đang mải suy nghĩ nên không cân nhắc câu chữ.
– Anh gặp cha lần nào chưa?
– Một lần.
Tôi nín thở chờ, tưởng anh sẽ kể hết nhưng Luke không nói gì. Tôi tự hỏi lần gặp gỡ ấy có liên quan gì đến vết sẹo trên má anh không.
Luke ngẩng lên cười gượng:
– Percy đừng lo. Đa phần anh em trong trại hè toàn người tốt. Suy cho cùng, ta đều là anh em bà con cả. Vậy chăm sóc nhau cũng là chuyện nên làm.
Hình như Luke hiểu lúc này tôi đang cảm thấy vô cùng lạc lõng.
Tôi rất biết ơn Luke. Người chững chạc như anh, dù có là huynh trưởng đi nữa, thường cố tránh xa đứa choai choai mặt mày ủ dột như tôi. Nhưng Luke niềm nở chào mừng tôi đến Nhà Số Mười Một, thậm chí anh còn trộm đồ vệ sinh cá nhân cho tôi nữa. từ sáng đến giờ, chỉ có anh đối tốt với tôi nhất.
Tôi quyết định hỏi anh điều tôi thắc mắc nhất. Từ chiều đến giờ, tôi nôn nóng chỉ muốn tìm ngay lời giải:
– Lúc chiều, con thần Ares là Clarisse cười cợt chuyện người ta tưởng em là con của một trong “Bộ Tam Vĩ Đại”. Sau đó, hai lần Annabeth bảo có thể em là người cả trại đang mong đợi. Bạn ấy còn bảo em nên nghe Lời Sấm Truyền. Sao lại thế hả anh?
Luke gấp dao lại:
– Anh ghét vụ Sấm Truyền lắm.
– Anh nói sao, em không hiểu.
Da quanh vết sẹo Luke giật giật:
– Lời Sấm Truyền bảo anh toàn làm hỏng chuyện người khác. Suốt hai năm qua, sau hậu quả tệ hại từ chuyến thăm vườn táo vàng của thần Hera, bác Chiron không cho phép ai truy lùng quái vật nữa. Trong khi đó, Annabeth mong mỏi được rời trại hè, khám phá thế giới. Con bé nhằng nhẵng đeo bám bác Chiron xin được giao nhiệm vụ, đến nỗi bác phải bảo rằng định mệnh Annabeth đã an bài, rằng bác đã nghe Lời Sấm Truyền về nó. Tuy không được tiết lộ toàn bộ nhưng bác Chiron bảo Annabeth chưa thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ điều tra hay truy lùng gì được. Cô bé phải chờ… nhân vật đặc biệt đến trại đã.
– Ai đặc biệt thế ạ?
– Đừng lo. Cứ thấy ai nhập trại, Annabeth lại nghĩ đó chính là người cô bé trông đợi. Thôi, tạm gác chuyện ấy lại đã. Đến giờ ăn rồi.
Luke vừa dứt lời, có tiếng tù và rúc lên từng chặp. Tuy chưa nghe bao giờ nhưng không hiểu sao tôi biết ngay ai đó vừa thổi vỏ ốc.
Luke hô:
– Nhà Số Mười Một, xếp hàng ngay!
Tôi và các bạn ở chung nhà khoảng hai mươi người lục tục kéo nhau ra sân chung. Ai ở trại lâu nhất đứng hàng đầu thế nên tôi đứng cuối. Mọi người từ các nhà khác cũng đổ ra sân, ngoại trừ ba nhà bỏ trống đầu tiên và Nhà Số Tám. Ban ngày, Nhà Số Tám bình thường như những nhà khác nhưng khi mặt trời lặn, ánh sáng bàng bạc bắt đầu tỏa ra từ đó.
Chúng tôi theo nhau lên đồi, đến nhà lều rạp rộng lớn. Các thần rừng từ đồng cỏ lên đồi theo chúng tôi. Các Nữ Thủy thần Naiad cũng từ dưới hồ nổi lên. Mấy cô gái từ trong rừng đi ra. Tôi thấy tận mắt họ từ trong thân cây bước ra ngoài! Tôi thấy một cô gái khoảng chín hay mười tuổi, bước ra từ thân cây thích và nhảy chân sáo lên đồi.
Tính tổng cộng cả trại hè có chừng trăm người, vài chục thần rừng và hơn chục Nữ Thủy Thần và Nữ Thần Cây.
Trong nhà rạp, đuốc cháy rừng rực gắn quanh cột nhà bằng đá. Giữa nhà có lò than bằng đồng to bằng bồn tắm. Mỗi nhà có bàn riêng phủ khăn trắng viền tím. Bốn bàn để trống trong lúc bàn của Nhà Số Mười Một đông chen chúc. Tôi phải ngồi ghé một bên mông cuối ghế băng, bên kia nhô ra ngoài.
Grover ngồi ở bàn Mười Hai với bác Chiron cùng mấy thần rừng. Bàn họ còn có hai cậu bé tóc vàng béo phục phịch trông giống Ngài D. Bác Chiron phải đứng ăn vì thân hình kềng càng của nhân mã không vừa bàn ăn cỡ nhỏ.
Annabeth ngồi bàn Sáu với nhóm thiếu niên dáng thể thao, nét mặt nghiêm nghị. Cả nhóm đều mắt xám, tóc vàng như mật ong giống hệt Annabeth.

Clarisse ngồi bàn của thần Ares ngay sau tôi. Rõ ràng là nó đã tạm quên vụ vòi rồng lúc trưa. Bằng chứng là Clarisse và đám bạn đang cười hô hố, ợ triền miên, cố tình tạo âm thanh khó chịu.
Lát sau, bác Chiron gõ móng cồm cộp xuống nền nhà lát đá. Mọi người im phăng phắc. Bác nâng ly:
– Uống mừng các vị thần!
Mọi người làm theo. Đoàn Nữ Thần Cây nối nhau mang thức ăn đến: nào nho, táo, dâu tây, pho mát, bánh mì nóng giòn và tất nhiên cả thịt nướng! Ly tôi trống trơn nhưng anh Luke bảo:
– Muốn uống gì, cứ nhìn ly mà ra lệnh. Tất nhiên chỉ thức uống không cồn.
Tôi dõng dạc:
– Nước ngọt Coke hương đào.
Loáng cái, ly đầy nước màu caramen sóng sánh. Tôi chợt nảy ra một ý:
– Nước ngọt Coke hương đào màu xanh biển.
Nước trong ly chuyển sang màu xanh cô ban. Tôi nhấp thử. Ngon tuyệt! Tôi vừa uống vừa nhớ đến mẹ, bụng bảo dạ: “Mẹ chưa chết… hẳn. Giờ mẹ đang dưới cõi âm. Nếu đó là nơi chốn cụ thể, sẽ có ngày…”
– Percy, của chú đây.
Luke chuyền cho tôi khay ức gà hun khói. Lấy đầy đĩa mình xong, vừa định đưa một miếng to tướng lên miệng thì tôi thấy ai cũng mang đĩa của mình đến đống lửa to giữa sảnh. Lúc đầu tôi tưởng họ ra đó lấy món tráng miệng. Luke giục:
– Đi đi chứ.
Tới nơi, tôi thấy mỗi người lấy chút đồ ăn ngon nhất trong đĩa mình thả giữa lò lửa: nào dâu chín đỏ, nào thịt bò mềm, nào bánh mì tròn phết bơ béo ngậy. Luke rỉ tai tôi:
– Ta đốt lễ vật cúng thần vì các thần thích mùi khói.
– Anh cứ giỡn em hoài.
Luke lừ mắt như bảo tôi chớ có đùa. Tuy nhiên, tôi không khỏi thắc mắc tại sao các vị thần bất tử hùng mạnh vô song lại thích mùi thức ăn cháy.
Luke đến gần, cúi đầu ném chùm nho chín đỏ to tròn xuống lò lửa.
– Kính dâng thần Hermes.
Tôi đứng ngay sau anh. Đến lượt mình, tôi ước mình biết tên cha để xướng lên giống anh Luke.
Cuối cùng, tôi thầm khấn: “Cha là ai, xin cho con biết. Con cầu xin Người.”
Tôi xắn miếng ức gà to tướng thả xuống đống lửa.
Khi khói bốc lên xộc vào mũi, tôi không hề khó chịu.
Mùi bay lên không giống thức ăn cháy. Nó giống hỗn hợp mùi thơm của sôcôla, bánh bông lan mới ra lò, chả nướng vừa chín trộn hương hoa đồng nội và hàng trăm mùi hương khác tưởng không thể kết hợp với nhau. Tôi tin thần thánh sống khỏe chỉ nhờ vào việc tận hưởng hỗn hợp mùi hương dễ chịu ấy.
Khi mọi người về chỗ ăn xong bữa, bác Chiron lại giậm chân yêu cầu im lặng. Ngài D. đứng lên cùng tiếng thở dài sườn sượt:
– Chào lũ trẻ hư các người một câu chắc chẳng mất gì. Vậy thì, Chào mọi người. Ông Chiron đây, người điều khiển các hoạt động của trại nói thứ Sáu tới có cuộc thi giành Cờ Danh Dự. Nhà Số Sáu hiện là đương kim vô địch.
Bàn nhà thần Ares ồ lên chế giễu. Ngài D. nói tiếp:
– Về mặt cá nhân mà nói, tôi không quan tâm. Nhưng dẫu sao cũng chúc mừng Nhà Số Sáu. Còn nữa, hôm nay trại hè ta có thành viên mới: Peter Jackson.
Bác Chiron ghé tai Ngài D. nói nhỏ câu gì đó. Ông ta vội chữa lại:
– À quên, Percy Jackson chứ. Trại ta hân hoan đón chào, vân vân và vân vân. Thôi, mấy người bắt đầu trò lửa trại nhố nhăng được rồi đấy. Đi hết đi nào.
Mọi người reo hò ầm ĩ chạy ra hí trường. Nhóm hát xướng ca ở đó đều là các con của thần Apollo. Chúng tôi, người cùng hòa theo mấy bài ca của trại hè về các thần, cũng cười đùa vui vẻ. Thú vị nhất là tôi không còn cái cảm giác người ta nhìn mình chòng chọc nữa. Tôi thấy mình dễ chịu như đang ở nhà.
Trời tối muộn. Những đốm lửa nhỏ theo gió bốc lên bầu trời đầy sao. Tiếng tù và vỏ ốc lại ngân dài. Chúng tôi lại xếp thành hàng, đi đều bước về nhà mình. Chỉ khi nằm dài trong túi ngủ đi mượn, tôi mới thấy mệt rã rời.
Tay tôi nắm chặt chiếc sừng kỷ niệm. Trong một thoáng, mọi ký ức đẹp đẽ về mẹ ùa tới: nụ cười dịu dàng, cuốn truyện mẹ đọc cho tôi đi ngủ hồi tôi còn bé… Tôi nhớ cả cách mẹ dạy làm thế nào để khỏi bị rệp cắn khi đi ngủ.
Mắt vừa nhắm, tôi ngủ ngay lập tức.
Ngày đầu tiên ở Trại Hè Con Lai của tôi là như vậy đấy.
Đêm ấy, tôi không biết thời gian tận hưởng niềm vui ở nhà mới thật quá ngắn ngủi.
[7] Aphrodite là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và sự sinh nở; và cũng là thần hộ mệnh của thủy thủ.
[8] Demeter là chị gái của thần Dớt, bà là nữ thần của nông nghiệp, thiên nhiên, mùa màng và sự sung túc.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.