Kẻ cắp tia chớp

Chương 2


Đọc truyện Kẻ cắp tia chớp – Chương 2

2. Ba Bà Già Đan Tất Âm Phủ
Tôi thường gặp nhiều chuyện quái đản, nhưng thường thì cảm giác lạ lẫm qua nhanh, chẳng mấy chốc tôi không còn nhớ gì nữa. Nếu có ảo giác hai mươi tư giờ một ngày, bảy ngày một tuần, chắc tôi sẽ không chịu nổi.
Suốt năm học ấy, hình như cả trường cố tình hùa nhau đùa tôi thì phải. Họ tỉnh bơ bảo rằng cô Kerr, cô giáo tóc vàng xinh đẹp, người tôi chưa bao giờ gặp cho đến lúc cô lên xe buýt vào cuối buổi tham quan là cô giáo dạy môn đại số từ hồi Giáng sinh đến giờ.
Thỉnh thoảng, vì muốn bắt quả tang bạn bè nói dối, tôi vờ vô tình hỏi về cô Dodds nhưng họ chỉ trố mắt nhìn lại như thể tôi bị lẩn thẩn vậy.
Vì thế tôi gần như tin lời họ rằng cô Dodds chưa bao giờ có mặt trên đời.
Nhưng chỉ gần như thôi.
Duy chỉ có Grover không lừa được tôi. Khi nghe tôi nhắc cô Dodds, nó ngần ngừ giây lát rồi mới bảo không có cô giáo nào tên như vậy. Nhưng tôi biết nó nói dối.
Rõ ràng có chuyện gì đó không ổn. Lúc ở bảo tàng nhất định có chuyện gì đó bất thường xảy ra.
Ban ngày, tôi không có nhiều thời gian nghĩ đến chuyện ấy. Nhưng ban đêm, lắm lúc tôi giật mình toát mồ hôi lạnh choàng tỉnh từ giấc mơ có hình ảnh cô Dodds với móng vuốt sắc nhọn và cánh dơi to tướng.
Thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường khiến tâm trạng tôi không sao vui lên được. Một đêm một cơn bão lớn đã quét sạch các cửa sổ ở ký túc xá nơi tôi đang ở. Mấy ngày sau, đài loan tin vòi rồng lớn chưa từng thấy xuất hiện ở thung lũng Hudson và tiếp đất cách Học viện Yancy có mười lăm dặm. Một trong những hoạt động hiện tại của môn học lịch sử là đếm số lượng rơi xuống bất thường của các loại máy bay nhỏ do các cơn gió giật bất ngờ gây nên ở khu vực Đại Tây Dương trong năm đó.
Từ đó bắt đầu quãng thời gian tôi luôn vô cớ cáu kỉnh và khó chịu, đồng thời lực học đuối dần, điểm D dần thay thế bằng điểm F. Tôi đánh nhau với Nancy và đám bạn nó thường hơn và hầu như tiết nào tôi cũng bị thầy cô tống ra ngoài hành lang.
Cuối cung, tôi đã cãi lại thầy Nicoll, thầy giáo dạy môn Ngữ văn khi thầy cứ hỏi đi hỏi lại rằng: tại sao tôi lười học môn thầy quá thế. Tôi ví thầy với “con sâu rượu”, dù tôi không chắc lắm về nghĩa vủa nó. Nhưng nó nghe có vẻ rất hay.
Tuần sau đó, thầy hiệu trưởng viết thư gửi mẹ tôi chính thức tuyên bố rằng: Năm học sau, tôi không được mời lại Học viện Yancy nữa.
Tôi cay cú nghĩ thầm: “Càng tốt. Thế lại hóa hay.”
Tôi nhớ nhà kinh khủng.
Tôi muốn được sống với mẹ trong căn hộ bé như cái tổ cò ở khu Thượng New York dù có phải học trường công và nghiến răng nhịn ông cha dượng đáng ghét say sưa cờ bạc tối ngày.
Tuy nhiên, Học viện Yancy cũng có thứ làm tôi phải nhớ nhung. Nào cảnh rừng cây tĩnh lặng ngoài cửa số phòng ký túc xá, nào dòng sông Hudson uốn lượn phía xa xa, nào mùi cây thông thoảng bay trong gió. Tôi sẽ nhớ Grover. Nó là bạn tốt tuy có hơi khác người. Tôi lo cho nó lắm: sang năm không có tôi ở bên, không biết nó có trụ nổi không.
Còn nữa, tôi sẽ nhớ lớp học tiếng Latinh, nhớ những buổi kiểm tra đầy vui nhộn của thầy Brunner. Tôi sẽ không bao giờ quên người thầy từng đặt niềm tin nơi tôi, nói tôi nhất định sẽ học hành tấn tới.
Đến thời điểm ôn thi cuối cấp, tôi chỉ dồn sức học môn Latinh. Tôi chưa quên hôm ở viện bảo tàng, thầy Brunner có bảo môn thầy dạy có tầm quan trọng sống còn với tôi. Dù không hiểu nguyên do, nhưng tôi bắt đầu tin thầy nói đúng.
Buổi tối trước ngày thi, tôi nản chí đến nỗi ném cả cuốn Hướng dẫn về Thần thoại Hy Lạp của Cambridge. Từ ngữ như nhảy múa trước mắt, quay vòng vòng quanh đầy tôi. Các chữ cái giống người cưỡi ván trượt, hết lộn lên lại nhào xuống. Tôi không thể nào nhớ được sự khác nhau giữa Chiron[1] và Charon[2], Polydictes[3] và Polyphemus[4]. Còn cách chia động từ tiếng Latinh ư? Quên nó đi.
Tôi sốt ruột đi tới đi lui trong phong, cảm giác như cả đàn kiến lửa đang bò trong áo sơ mi.
Tôi nhớ nét mặt nghiêm trang và cặp mặt sáng ngàn năm tuổi của thầy Brunner. Tiếng thầy văng vẳng bên tai: “Trò Percy Jackson, tôi chỉ chấp nhận ở em những gì tốt đẹp nhất mà thôi.”
Cố trấn tĩnh, tôi cúi xuống nhặt cuốn sách lên.
Trước nay, tôi chưa từng nhờ thầy giúp. Có lẽ lần này, nếu tôi hỏi thầy Brunner, thầy sẽ cho lời khuyên hữu ích. Hoặc chí ít tôi cũng có cơ hội xin lỗi trước khi nhận điểm F to tướng cho bài thi Latinh ngày mai. Tôi không muốn rời Học viện Yancy với tâm trạng day dứt khôn nguôi vì đã khiến thầy Brunner nghĩ mình là kẻ thất bại.
Hầu như phòng nào cũng tối đen, vắng vẻ, chỉ riêng cửa phòng thầy Brunner hé mở. Ánh đèn từ bên trong hắt ra vắt ngang hành lang kéo dài đến tận cửa lớn.
Khi cách cửa phòng thầy ba bước chân, tôi nghe có tiếng nói vẳng ra. Thầy Brunner vừa hỏi câu gì tôi nghe không rõ, chỉ nghe rõ ràng tiếng Grover trả lời:
-… Lo cho Percy, thưa thầy.
Tôi sững người.
Thường thì tôi không quen nghe lén ai bao giờ. Nhưng giả sử bạn cùng tuổi tôi, tôi thách bạn không nghe nếu biết bạn thân nhất của mình đang nói chuyện với người lớn về chính mình.
Tôi nhích lại gần hơn.
Tiếng Grover vang lên:
-… Một mình trong hè này. Ý em là, bọn “Người Tử Tế” đã có mặt trong trường! Khi ta biết chắc, bọn chúng cũng biết luôn.
Thầy Brunner đáp:
– Nếu chúng ta giục giã cậu ấy chỉ làm tình hình thêm xấu đi. Ta cần thằng bé chín chắn hơn chút nữa.
– Nhưng cậu ấy không còn thời gian nữa. Ngày Hạ chí là hạn chót rồi…
– Ta sẽ giải quyết việc này mà không cần đến cậu ấy. Grover này, để thằng bé tận hưởng yên bình được ngày nào hày ngày ấy.
– Thưa thầy, nhưng cậu ấy đã nhìn thấy bà ta…

Thầy Brunner khăng khăng:
– Do tưởng tượng thôi. Sương Mù bao trùm toàn bộ học trò và đội ngũ giáo viên đủ để cậu ấy tin điều ngược lại.
– Thưa… Tôi… tôi không thể một lần nữa không hoàn thành nhiệm vụ. – Giọng cậu ấy nghẹn lại, – ngài cũng biết nếu lần này thất bại, tôi sẽ gặp chuyện gì rồi.
Thầy Brunner dịu giọng:
– Không có chuyện đó đâu, Grover. Đáng lẽ ta nên để mặc bà ta, không can thiệp. Mà thôi, giờ cậu chỉ việc giữ cho Percy toàn mạng đến mùa thu tới…
Cuốn sách giáo khoa môn Thần thoại học tuột khỏi tay tôi, rơi xuống đất nghe đánh “thịch”.
Thầy Brunner im bặt.
Tim đập như trống làng, tôi nhặt nhanh sách và cắm đầu cắm cổ trở xuống sảnh.
Một bóng đen vụt qua khung cửa kính sáng đèn trước phòng thầy Brunner. Cái bóng cao lớn hơn ông thầy cả đời ngồi xe lăn rất nhiều, nắm lăm lăm trong tay một thứ rất giống cây cung.
Tôi đẩy nhanh cánh cửa gần nhất và lẻn vào trong.
Mấy giây sau, tôi nghe tiếng lộp cộp-lộp cộp-lộp cộp như có ai dọng súc gỗ xuống sàn vang lên, kế đến là tiếng khụt khịt như thú đánh hơi ngoài cánh cửa phòng tôi đang nấp. Một cái bóng đen sì, cao to dừng ngay trước tấm kính cửa giây lát rồi đi tiếp.
Mồ hôi chảy thành dòng xuống cổ tôi.
Tiếng thầy Brunner ở đâu đó ngoài hành lang vọng lại nghe lào xào:
– Không có gì cả. Từ hồi Đông Chí đến giờ, đầu óc ta làm sao ấy.
Grover đáp:
– Tôi cũng vậy. Nhưng tôi thề là…
Thầy giáo ngắt lời:
– Thôi về ký túc xá đi. Ngày mai thi mấy môn liền đấy, nhớ học cho tốt vào.
– Ông nhắc chi cho thêm nản vậy.
Đèn trong văn phòng thầy Brunner vụt tắt.
Tôi đứng chờ trong phòng tối và tưởng thời gian như ngừng trôi.
Mãi sau, tôi chuồn ra hành lang và trở về phòng.
Grover nằm trên giường, điềm nhiên ôn bài trọng tâm thi trong vở ghi môn Latinh như thể nó chưa xuống giường từ tối đến giờ.
Nó nheo mắt:
– Vừa đi đâu về thế? Thuộc hết bài chưa mà ung dung quá vậy?
Tôi im lặng, không nói không rằng.
Grover nhíu mày:
– Trông cậu thất thần chưa kìa. Mọi chuyện ổn cả chứ?
– Chỉ… hơi mệt thôi.
Tôi quay đi để nó không nhìn mặt tôi mà đoán già đoán non và sửa soạn đi ngủ.
Tôi không thể hiểu thông tin vừa nghe được dưới nhà. Tôi chỉ ước tất cả đều là thông tin của trí tưởng tượng của riêng tôi mà thôi.
Nhưng có một điều quá rõ ràng: Thầy Brunner và Grover bí mật nói chuyện với nhau về tôi. Họ tin chắc tôi sắp gặp nạn.
Chiều hôm sau, vừa ra đến cửa phòng thi sau khi làm bài thi môn tiếng Latinh dài ba tiếng, mắt tôi như nhảy múa với những cái tên Hy Lạp và La Mã cổ đại tôi đã viết sai. Tôi nghe tiếng thầy Brunner gọi giật lại.
Tôi thoáng lo lắng rằng thầy phát hiện đêm qua tôi nghe lén chuyện của thầy nhưng hóa ra tôi lo hão.
– Percy này, đừng nản lòng khi phải rời Học viện Yancy nhé. Theo thầy… thế là thượng sách, em ạ.
Giọng thầy như an ủi, nhưng câu chữ thầy dùng khiến tôi ngượng chín cả người.

Dù thầy rất khẽ khàng, nhưng mấy bạn chưa làm xong bài còn trong phòng nghe thấy hết. Nhỏ Nancy Bobofit nhìn tôi bĩu môi và gửi cái nụ hôn gió chế nhạo.
Tôi lẩm bẩm:
– Em biết rồi ạ.
Thầy hết cho xe chạy lên, lại cho xe chạy đẩy lùi xuống như thể thầy không biết phải nói gì:
– Tức là… em không hợp với trường này. Thế nên sớm muộn gì em cũng phải rời trường thôi.
Mắt tôi cay xè.
Thế đấy! Người thầy tôi kính trọng nhất đứng trước mặt cả lớp và bảo thẳng rằng tôi không có khả năng tiếp tục theo học được nữa. Suốt một năm qua thầy luôn tin tưởng tôi, vậy mà bây giờ thầy bảo số tôi thể nào cũng bị tống cổ khỏi trường.
Tôi run rẩy:
– Dạ phải.
– Không, không phải như em nghĩ đâu. Tôi nói linh tinh gì thế này. Tôi muốn nói là… em không hề bình thường một chút nào. Tôi không hề có ý…
Tôi cắt ngang:
– Cảm ơn thầy! Cảm ơn thầy đã nhắc em điều đó.
– Kìa Percy…
Nhưng tôi đã cắm cúi bỏ đi
Trong ngày cuối cùng của học kỳ, tôi tống hết quần áo vào va li.
Đám con trai cười nói và khoe nhau dự định cho kỳ nghỉ hè sắp đến. Một đứa bảo sẽ thực hiên chuyến đi bộ đường trường xuyên đất nước Thụy Sĩ xinh đẹp. Đứa khác khoe sẽ lái du thuyền ở biển Carribbea cả tháng. Cũng như tôi, chúng đều là tội phạm vị thành niên, chỉ có khác là nhà chúng giàu nứt đố đổ vách. Bố chúng toàn là tổng giám đốc tập đoàn xuyên quốc gia nọ hay đại sứ Hoa Kỳ ở nước kia, hoặc chí ít cũng là một nhân vật nổi tiếng. Còn tôi chỉ là đứa cha căng chú kiết, xuất thân từ một dòng họ chẳng có ai thành danh cả.
Bọn bạn hỏi tôi hè định làm gì.
Tôi bảo sẽ về Manhattan với mẹ.
Tôi giấu chúng chuyện hè này tôi sẽ dắt chó đi dạo thuê để kiếm chút tiền mọn hoặc gõ cửa từng nhà bán phiếu mua báo dài hạn nhằm cung phụng cho thói cờ bạc của cha dượng. Có thế, ông mới cho tôi ăn ngày hai bữa. Nếu may mắn có thời gian rảnh rỗi, tôi sẽ lại ôm đầu lo cháy ruột vì không biết sẽ học ở đâu khi bắt đầu năm học mới.
Nghe tôi nói, một đứa trong nhóm đáp:
– À, thế cũng hay.
Đoạn nó quay sang với mấy đứa kia tán gẫu tiếp như thể cái thằng tôi chưa từng tôi tại trên đời.
Tôi sợ nhất là phải từ biệt Grover, nhưng hóa ra tôi lo hão. Nó đã mua sẵn vé xe buýt về Manhattan, cùng chuyến với tôi luôn. Vậy là trên đường quay về thành phố, chúng tôi lại vai kề vai ngồi sát bên nhau.
Dọc đường, Grover cứ bồn chồn ngoái nhìn chằm chằm vào lối đi giữa hai hàng ghế để quan sát hành khách trên xe.
Tôi nhớ rất rõ mỗi lần rời Học viện Yancy , Grover lại hoảng hốt, nhấp nhổm như ngồi trên chảo lửa như thể nó biết chuyện xấu thế nào cũng đến.
Lúc đầu tôi tưởng nó sợ bị trêu chọc. Nhưng trên xe buýt, ai rỗi hơi chòng ghẹo nó chứ.
Cuối cùng, chịu không nổi tôi bèn bảo :
– Tìm mấy “Người Tử Tế” chứ gì?
Grover giật thót mình :
– Cái… cái gì? Cậu vừa nói gì?
Tôi bèn nói thật là đã nghe lén nó và thầy Brunner nói chuyện đêm trước ngày thi.
Mắt Grover giật liên hồi:
– Cậu nghe được gì rồi?
– À… có nghe được mấy câu. Mà này, hạn chót vào ngày Hạ chí nghĩa là gì thế?

Grover nhăn như bị:
– Thôi mà Percy… Hôm ấy, chẳng qua tớ lo cho cậu quá nên mới ra nông nỗi. Ý tớ là cậu ảo tưởng về việc cô giáo dạy toán là ma quỷ đấy.
– Nhưng Grover…
– Tớ bèn bảo thầy Brunner rằng cậu đang bị căng thẳng quá mức. Bằng chứng là trường làm gì có cô giáo nào tên Dodds, với lại…
– Này Grover, cậu nói dối dở lắm.
Hai tai nó đỏ lựng như mào gà.
Nó lục túi áo lấy tấm danh thiếp nhàu nát, bẩn lem nhem:
– Vậy cậu giữ cái này đi. Ngộ nhỡ hè có cần đến tớ thì cứ gọi.
Trên tấm giấy nhỏ có dòng chữ hoa kiểu cầu kỳ làm chứng khó đọc của tôi thêm trầm trọng. Mãi sau tôi mới nhìn ra nội dung sau:
Grover Underwood
Người trông giữ
ĐỒI CON LAI
Long Island , New York
009-0009
– Con lai là…
Grover gắt:
– Chớ nói to! Đó là địa chỉ nơi tớ ở… trong hè.
Tôi buồn nẫu ruột. Hóa ra, Grover có nhà nghỉ dành cho mùa hè. Tôi chưa bao giờ nghĩ nhà nó cũng giàu như đại đa số bọn bạn học trong Học viện Yancy.
Mặt tôi như đưa đám :
– Ra thế. Vậy trong hè, nếu có muốn ghé dinh thự nhà cậu, tớ gọi số này à?
Nó gật đầu:
– Hoặc… khi có chuyện, cậu cần tớ giúp.
– Hè tớ cần cậu làm gì?
Tôi cố tình ăn nói phũ phàng.
Màu đỏ lan từ mặt xuống cổ Grover:
– Percy này, thực ra là tớ… tớ phải bảo vệ cậu.
Tôi trợn mắt nhìn nó.
Suốt năm học vừa rồi, tôi phải ẩu đả không biết bao nhiêu lần để bảo vệ Grover khỏi bị bắt nạt. Gần đến ngày chia tay, tôi mất ăn mất ngủ vì lo không có tôi, Grover sẽ sống ra sao khi bắt đầu năm học mới. Và bây giờ nó lại hành động như thể người cần được bảo vệ là tôi ấy. Tôi bèn hỏi nó:
– Grover này, chính xác thì cậu đang bảo vệ tớ khỏi cái gì thế?
Một âm thanh ken két vang lên bên dưới chân bọn tôi. Khói đen bốc ra từ bảng đồng hồ và cả xe buýt bốc mùi như trứng thối. Bác lái xe lầm bầm nguyền rủa và tấp xe sát lề đường cao tốc.
Mấy phút sau, có tiếng loảng xoảng trong khoang chứa động cơ xe. Tài xế bảo tất cả hành khách phải xuống xe ngay.
Grover và tôi rời xe như bao người khác.
Mấy chục con người đứng lố nhố ven con lộ trải dài tít tắp. Nếu xe không hỏng và không phải bước chân khỏi xe buýt như thế này, chẳng ai để ý xem khu này thuộc địa phận nào. Bên đường phía chúng tôi đứng toàn cây gỗ thích và rác rến do xe cộ qua đường hất xuống. Nhìn qua con đường trải nhựa bốc hơi dưới nắng chang chang sang bên kia đường, tôi chỉ thấy một cửa hàng bán trái cây xây theo kiểu cũ.
Hàng hóa trong tiệm trông rất tươi ngon: nào anh đào và táo đỏ như màu máu, nào quả óc chó và mơ tươi mởn, nào rượu táo ướp lạnh đựng trong bình lớn. Tiệm không có khách, chỉ có ba bà già ngồi ở ghế bập bênh bên dưới tán cây gỗ thích, đang đan một đôi vớ lớn tôi chưa bao giờ thấy qua.
Vớ gì mà rộng như áo len, nhưng hình dáng đúng là vớ đi chân. Bà ngồi bên phải đan một chiếc, bà ngồi bên trái đan chiếc kia. Bà ngồi giữa ôm chiếc rổ lớn đựng cuộn sợi xanh dương to tướng, trông như cuộn dây điện.
Ba bà lão này giống trong chuyện cổ tích: mặt xanh tái, da nhăn nheo như vỏ trái cây héo, tóc bạc cột gọn sau gáy, giấu sau vành khăn lớn in hoa sặc sỡ và cánh tay gầy guộc thò ra từ tay áo váy bằng vải bông bạc phếnh.
Nhưng lạ nhất là hình như họ dồn cả sáu con mắt vào tôi. Họ không ngắm hành khách tản ra thành nhiều nhóm mà chỉ nhìn tôi… chằm chằm.
Tôi liếc Grover định kể ngày với nó nhưng mặt nó trắng bệnh không còn hột máu. Đầu mũi nó giật giật.
– Cậu sao thế Grover? Mà này, để tớ kể cho nghe…
– Nói ngay xem ba bà kia có nhìn cậu không? Có hay không?
– Có nhìn. Quái đản quá cậu nhỉ? Chẳng lẽ chân tớ đi vừa cặp vớ ấy?
– Thôi đừng đùa nữa. Vui lắm đấy mà đùa.

Bà già ngồi giữa lôi ra chiếc kéo lớn làm bằng vàng cẩn bạc, hai lưỡi kéo sắc lẻm, sáng loáng. Tôi nghe tiếng Grover thở hào hển. Nó giục:
– Mình vào xe đi, nhanh lên.
– Cái gì? Trong xe nóng như lò bánh mỳ ấy.
– Lên xe ngay đi.
Nó mở cửa bước vào nhưng tôi cứ đứng lỳ.
Bên kia đường, ba bà già vẫn không rời mắt khỏi tôi. Bà ngồi giữa cắt sợi dây. Tôi xin thề có nghe tiếng “xoạt” từ bên kia đường vọng sang. Hai bà bạn còn lại cuộn đôi vớ to khổng lồ lại, còn tôi phân vân tự hỏi vớ ấy dành cho ai: Kinh Kông hay yêu quái khổng lồ mình đầy lông lá.
Bác tài nổ máy. Một đám khói xám phụt ra từ động cơ xe chở khách. Cả chiếc xe rung bần bật, tiếng máy lại nổ giòn.
Hành khách reo lên mừng rỡ.
Vụt mạnh chiếc mũ mềm vào vô lăng, bác tài khoái chí:
– Có thế chứ. Mời bà con lên xe đi.
Vừa chạm chân lên sàn xe, tôi bất chợt choáng váng như thể bị cảm nắng.
Trông Grover cũng không hơn gì. Nó run cầm cập, hai hàm răng va vào nhau lách cách.
– Grover này?
– Gì cơ?
– Hình như cậu giấu tớ chuyện gì thì phải?
Nó đưa ống tay áo lên lau trán:
– Percy, lúc nãy cậu thấy gì ở tiệm trái cây?
– À, lại ba bà già đó. Họ có gì mà cậu sợ thế? Chắc họ không giống cô… Dodds đâu nhỉ?
Nhìn mặt Grover thật khó đoán câu trả lời, nhưng có điều tôi biết chắc ba bà ở tiệm trái cây còn đáng sợ hơn cô Dodds gấp nhiều lần. Nó bảo:
– Thì cứ kể xem cậu nhìn thấy những gì.
– Bà ngồi giữa lấy kéo cắt sợi dây.
Grover nhắm nghiền mắt, tai nó huơ huơ như làm dấu thánh nhưng không phải. Dấu của Grover cổ xưa hơn dấu thánh nhiều.
– Vậy, cậu thấy bà ta cắt sợi dây.
– Ừ. Thì sao?
Miệng hỏi thế nhưng trong lòng tôi biết đó là chuyện nghiêm trọng.
Grover cắn ngón tay cái, miệng lẩm bẩm:
– Thế này không được. Tớ không muốn kết cục như lần vừa rồi.
– Lần vừa rồi?
– Sao lúc nào cũng là lớp sáu thế. Không ai qua nổi lớp sáu cả.
Tôi bắt đầu phát hoảng vì thấy Grover nói nhảm hoài:
– Grover! Cậu huyên thuyên gì vậy?
– Khi nào đến bến xe buýt, cho tớ đi cùng cậu về nhà. Cậu hứa đi.
Yêu cầu của nó nghe rất kỳ khôi nhưng tôi hứa đại cho xong.
– Mê tín vừa thôi, ông mãnh! Sợ điềm gở à?
Grover không trả lời.
– Này, tớ muốn hỏi về việc cắt dây vừa rồi. Nó ám chỉ có người sắp chết hả cậu?
Nó rầu rĩ nhìn tôi như thể vừa chọn xong loại hoa mà tôi thích nhất dùng để phủ lên quan tài cho tôi vậy.
[1] Chiron: Vua của các nhân mã, và cũng là một nhân vật uyên bác, thầy dạy của anh hùng Hercules.
[2] Charon: người lái đò sông Mê, đưa các linh hồn vào vương quốc tối tăm của Hades.
[3] Polydictes: là người đứng đầu đảo Seriphos, con trai Magnes và một nữ thủy thần vô danh.
[4] Polyphemus: thủ lĩnh của Khổng lồ một mắt, có sức mạnh vô song. Con trai của thần biển Poseidon.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.