Bạn đang đọc Interpol Phần 1 – Biệt Thự Đen: Chương 35
Tôi sẽ giao họ cho chị vào ngày mai.
– Làm sao cô biết được.
– Tôi đã bị chúng phát hiện ra rồi. Nhưng như thế càng hay, tự họ sẽ đến tìm tôi. Sáng ngày mai Alex và Arrow sẽ đưa chị đến chỗ chúng tôi, nhớ nhé, họ sẽ lấy chúng tôi làm con tin đấy. Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho ba người đi cùng tôi là mục tiêu trước tiên. Nếu lạc mất Alex và Arrow, chị hãy gọi điện về trung tâm và xin được cung cấp mã số định vị toàn cầu. Trừ khi tôi chết đi, nếu không dù chúng có mang tôi đến cùng trời cuối đất thì chị vẫn sẽ tìm được tôi. Chị hiểu chứ.
– Hiểu rồi.
– OK. Vậy nhé!
Quân Anh cúp máy và vội quay trở về phía ngôi đền. Hải, Hiếu và Trọng đang đứng dưới gốc cây tùng, cạnh một hòn đá tảng mà ngay từ lúc lên đây cô không để ý. Thấy cô, cả ba gọi cô lại. Họ chỉ cho cô một dòng chữ khắc trên phiến đá: «Ngày 17 tháng 6 năm 1985, Phạm Quân, Hà Gia Khánh, Đinh Trọng Nghĩa kết nghĩa huynh đệ dưới gốc cây này.»
– Cái trò kết nghĩa có vẻ hay đấy nhỉ?- Hiếu cười thích thú- Tao cũng muốn để lại cái gì đó để một trăm năm sau có người lên đây và cũng thấy dòng chữ tụi mình kết nghĩa ở đây.
– Thần kinh à?- Trọng gạt đi.
– Không, tao thấy nó nói hay đấy.- Hải thì hưởng ứng.
– Thế thằng nào làm anh, thằng nào làm em?- Trọng vặc lại.- Theo giấy khai sinh của Phong Lãnh thì ba đứa chúng ta sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm đấy.
– Ừ nhỉ…- Hiếu gãi đầu nhăn nhó.
– Em có ý này hay hơn. Trên vai ba anh đều có những hình xăm trùng với ba linh thú ở trong miếu này. Tại sao chúng ta không hỏi chị Nhàn về sự tích ngôi đền Tam Quan này.
– Ừ nhỉ…- Hải ngẩn ra- Thật trùng hợp, tại sao chúng ta lại mang những hình xăm giống với ba tượng đá trong kia nhỉ?
– Mấy đứa có chuyện gì mà rôm rả thế.- Chị Nhàn bước ra hỏi.
– Sự tích của ngôi đền này là thế nào hả chị?- Quân Anh kéo chị ngồi xuống một tấm bạt mà cả bọn mang theo để trải ra ngồi nghỉ.
– Chị nghe bà chị kể là ngày xưa vùng này chẳng có ai đâu. Một năm đất nước bị ngoại xâm. Giặc tàn sát nhân dân rất kinh khủng. Trong nhân dân có ba anh em nọ đứng lên lãnh đạo mọi người chống giặc. Nhưng thế giặc mạnh, lại đông, nghĩa quân bị dồn đuổi về đây. Ba anh em thống lĩnh nghĩa quân bị thương nặng và qua đời tại núi này. Con cháu họ cùng nghĩa quân lập đền thờ ba ông rồi lập thành làng sống ngay dưới chân núi này. Đời này qua đời khác, các thế hệ con cháu ba ông đều được chở che khỏi thiên tai và thú dữ. Khi họ còn sống, nhân dân gọi họ là Thanh Long, Bạch Hổ và Hắc Điểu, khi họ chết đi, dân tạc tượng họ theo hình các linh thú và đặt miếu này là miếu Tam Quan, hay có tên khác là Hắc Bạch Thanh quan miếu.
– Thế trong ba người đó ai là anh ai là em hả chị?- Hiếu tinh quái hỏi.
– Thanh Long là anh cả. Bạch Hổ là thứ hai và Hắc Điêu là người em út.
– He he…- Hải cười ma mãnh- Vậy số trời đã định anh là anh của các chú rồi. Gọi một tiếng đại ca đi nào.
– Này thì gọi này…- Hiếu cay cú giơ chân đá vào Hải nhưng cậu nhanh nhẹn tránh được nên nó thành cú đá vào không khí.
– Thôi không còn sớm nữa, chị em mình xuống núi thôi.- Nhàn giục.
– Ơ, em còn chưa kịp để lại cái gì vào phiến đá này mà.- Hiếu ngơ ngác.
– Vậy chị cứ xuống núi trước đi. Bọn em sẽ xuống sau.- Quân Anh quyết định.
– Ừ, nếu trời tối quá thì để sáng mai hãy xuống nhé!- Chị căn dặn- Đi đường núi ban đêm dễ gặp thú dữ và tai nạn lắm. Ngủ lại một đêm ở miếu này cũng được.
– Bọn em nhớ rồi. Cám ơn chị nhé!
Chị Nhàn đi rồi, ba anh chàng công tử lấy dao nhíp trong ba lô ra và bắt đầu khắc chữ lên phiến đá, ngay dưới những dòng mà năm xưa cha ruột của họ để lại. Quân Anh ngồi ở phía xa nhìn họ trìu mến. Câu trả lời cô đã có, nhưng phải làm sao để qua được những nguy hiểm trước mắt, để nói cho họ biết sự thật về thân thế của họ.