Huyết Mỹ Nhân

Chương 6: Muốn bắt cố ý thả trước


Đọc truyện Huyết Mỹ Nhân – Chương 6: Muốn bắt cố ý thả trước

Hình Bách Phi liếc mắt trông thấy hai bóng người đó, đã thất kinh nói với mọi người rằng :

– Các vị nên cẩn thận đề phòng, hai người đang tới đó chắc thế nào cũng là hai nữ tỳ Thanh và Hồng của Xà Khiết mỹ nhân.

Y vừa nói dứt, thì hai người nọ dã tới trước mặt rồi. Quả nhiên hai người đó là hai thiếu nữ trẻ đẹp, một người mặc võ phục xanh, một người mặc võ phục mầu đỏ.

Thiếu nữ áo xanh chính là Nhiếp Tiểu Thanh, Mộ Quang đã gặp ở trên Hoa Sơn rồi. Nàng ta cung kính vái chào Mộ Quang, mỉm cười nói :

– Vì gia chủ Lệnh Hồ Sở Sở có việc bận quan trọng không thể tới nơi được, nên mới sai thi tị Nhiếp Tiểu Thanh và Tạ Tiểu Hồng đến đây để nghe lệnh Nghiêm công tử với Gia Cát công tử sai khiến.

Mộ Quang nghe thấy Tiểu Thanh nói như thế, ngượng nghịu vô cùng, không biết trả lời như thế nào, nhưng Gia Cát Lang đã mỉm cười đáp :

– Nhiếp cô nương với Tạ cô nương không nên đa lễ như thế. Hai vị hãy theo hầu Nghiêm công tử, để tôi đối đáp với đối phương. Nếu lúc nào cần tới tôi sẽ phiền hai vị ra tay đối phó với kẻ địch sau.

tiểu Thanh với Tiểu Hồng song song cung kính vái chào, rồi cùng lui tới chỗ Mộ Quang, mỗi người đứng hầu cận một bên.

Mộ Quang bỗng có hai thị tỳ xanh đỏ như vậy, lại càng ngượng đến mặt đỏ tía tai.

Bạch Phi thấy Xà Khiết Mĩ Nhân không đích thân tới lòng hung ác càng hơn trước, nhìn thẳng mặt Gia Cát Lang mà quát hỏi tiếp :

– Gia Cát Lang, ngươi đã thấy một mảnh Huyết Hà đồ thứ ba ở đâu?

Gia Cát Lang tủm tỉm cười đáp :

– Hình Thiên Quân, nói đến thân phận và địa vị của người trên giang hồ, thì người là tôn sư của một môn phái trong Ngũ Nhạc danh gia của đương thời. Sao người ăn nói lại thiếu lễ phép đến như thế? Người không nói chữ thỉnh và cũng không tôn mỗ một câu là “bạn Gia Cát” thì khi nào mỗ lại chịu nói rõ câu chuyện ấy cho người biết?

Hình Bách Phi bị đối phương chất vấn lại như vậy, vừa hổ thẹn và tức giận, vì y đã nắm được hai mảnh Huyết Hà đồ rồi, nên bây giờ mà được nốt một mảnh thứ ba thì Huyết Thần Kinh không khác gì đã ở trong tay, nên y phải cố nén lửa giận mà nói tiếp :

– Hình Bách Phi nhận đã thất lễ, xin thỉnh giáo bạn Gia Cát Lang điều này. Chẳng hay bạn đã thấy mảnh Huyết Hà đồ kia ở đâu?

Trợn ngược đôi lông mày nho nhỏ lên, Gia Cát Lang vênh váo và mỉm cười đáp :

– Bình sinh Gia Cát Lang làm việc gì cũng vậy, không bao giờ chịu lỗ vốn hết. Nếu các người muốn trả lời vấn đề ấy, thì trước phải trả lời mỗ một câu hỏi này đã!

Hách Liên Anh thây Gia Cát Lang điêu ngoa một cách đáng yêu vừa cười vừa xen lời đáp :

– Gia Cát nhân huynh muốn gì thế? Tôi xin vui lòng trả lời.

Gia Cát Lang vừa cười vừa nói tiếp :

– Có mấy người thường tục hiểu biết lễ phép cơ chứ? Đa tình dù sao vẫn là hồng nhan. Hách Liên công chúa gọi tại hạ là Gia Cát nhân huynh như vậy khiến tại hạ khoan khoái vô cùng. Nếu vậy vấn đề của tại hạ thế nào cũng phải nhờ đến cùng chúa trả lời cho mới được.

Câu nói “người thường tục mấy ai hiểu biết lễ phép” của Gia Cát Lang đã châm biếm Bách Phi khiến cho lão ta tức giận đến nỗi dựng mày trợn mắt, còn câu “đa tình dù sao vẫn là hồng nhan” lại nịnh Hách Liên Anh làm cho nàng ta khoái trí đến cười tít mắt lại. Mộ Quang đứng cạnh đó, thấy thế lắc đầu ngầm và nhận thấy người em kết nghĩa này của mình điêu ngoa một cách đáng ghét và cũng điêu ngoa một cách đáng yêu.

Hách Liên Anh hớn hở cười tít mắt lại, hỏi tiếp :

– Gia Cát nhân huynh muốn hỏi về vấn đề gì thế?

Gia Cát Lang vừa cười vừa hỏi lại rằng :

– Chẳng hay con ngựa Thiên Lý Hỏa Vân Câu mà Công chúa cưỡi đó là lấy được ở đâu thế?

Hách Liên Anh mỉm cười đáp :

– Con ngựa này bị một con rắn độc quấn chặt ở trong núi Kỳ Liên chỗ ở của tôi. Tôi giết rắn cứu ngựa, nên nó mới chiu phục tùng để cho tôi cưỡi, vì nhờ có nó mà tôi mới ngẫu nhiên tìm thấy được một mảnh Huyết Hà đồ.

Bách Phi đợi chờ Hách Liên Anh nói xong, liền lên tiếng hỏi Gia Cát Lang tiếp :

– Bạn Gia Cát, vấn đề bạn muốn hỏi đã hỏi rồi, bây giờ đến lượt bạn phải trả lời câu hỏi của mỗ đi!

Gia Cát Lang cười khẩy một tiếng, thủng thẳng thò vào túi lấy cuốn da dê giơ lên cho tên hung ác xem và đáp :

– Còn một mảnh Huyết Hà đồ nữa hiện đang ở trong người của mỗ!

Bọn Hình Bách Phi các người nghe thấy chàng ta nói như vậy đều ngạc nhiên hết sức, và cũng cau mày lại, nghĩ cách để xem làm thế nào mà lấy nốt được mảnh Huyết Hà đồ này, rồi theo bản đồ mà đi tìm kiếm cuốn Huyết Thần Kinh rồi học hỏi võ công ở trong đó, để xưng hùng xưng bá trong thiên hạ.

Gia Cát Lang đưa mắt liếc nhìn bọn hung đồ một lượt rồi mỉm cười hỏi tiếp :

– Các người đang nghĩ ngợi gì thế? Có phải muốn cướp được mảnh Huyết Hà đồ này không?

Thượng Quan Phụng vội đáp :

– Chúng ta đã có hai mảnh, tất nhiên muốn được nốt mảnh ấy chứ!

Gia Cát Lang cả cười nói tiếp :

– Tưởng gì chứ việc ấy không khó! Các người muốn lấy được Huyết Hà đồ này của mỗ, có ba con đường để cho các người đi.

Bách Phi vội lên tiếng hỏi :

– Ba con đường thế nào?

Gia Cát Lang vừa cười vừa đáp :

– Con đường thứ nhất rất dễ và cũng rất thường tục Đó là các ngươi bỏ tiền ra mua!

Bách Phi nghe nói, hớn hở hỏi tiếp :

– Bạn định bán bao nhiêu?

Gia Cát Lang không chần chờ gì hết, nhanh nhẩu đáp :

– Một vạn lạng vàng!

Bách Phi cau mày lại, gượng cười nói tiếp :

– Kể ra thì một vạn lạng vàng như vậy không đắt tý nào, nhưng ở nơi sa mạc nghèo nàn như thế này, thì lấy đâu ra số vàng kếch sù như thế? Mỗ muốn thương lượng với bạn Gia Cát điều này: Chẳng hay bạn có bằng lòng để cho anh em mỗ trả tiền tại núi Hoa Sơn chăng?

Gia Cát Lang lắc đầu vừa cười vừa đáp :

– Không bao giờ mỗ lại chơi cái trò buôn bán chịu như thế!

Thượng Quan Phụng xen lời hỏi :

– Đường thứ hai là đường gì?

Gia Cát lang vừa cười vừa đáp :

– Con đường thứ nhất là mua, đường thứ hai là đánh cuộc.

Thượng Quan Phụng hỏi tiếp :

– Đánh cuộc như thế nào?

Gia Cát Lang mỉm cười đáp :

– Chúng ta đêu là nhân vật trong võ lâm, cách đánh cuộc của chúng ta tất nhiên không sao tránh khỏi so tài đấu võ với nhau. Tùy các người, muốn lựa chọn người nào đấu với mỗ, bất cứ công lực gì, mỗ đều vui lòng tiếp hết. Mỗ lấy mảnh Huyết Hà đồ này làm tiền dặt bạc, nếu các người đắc thắng, có phải là người đã được cả ba mảnh Huyết Hà đồ không?

Hình Bách Phi chưa được thấy võ công của Gia cát Lang, mà y lại rất tự phụ, nên nghe Gia Cát Lang Nói xong liền cười khẩy đỡ lời :

– Mỗ nhận lời đánh cuộc với bạn!

Đưa mắt nhìn cái nhân què của Bách Phi, Gia Cát Lang cả cười hỏi lại :

– Chả lẽ Hình Thiên Quân muốn thi đua khinh công với mỗ hay sao?

Câu hỏi ấy rất điêu ngoa và chế giễu khiến Bách Phi nghe thấy không sao nhịn được, thét lớn một tiếng rồi đáp :

– Ngươi đoán không sai tý nào. Ta đang muốn thi đua khinh công với ngươi, ta cũng dùng một mảnh Huyết Hà đồ làm tiền đặt bạc còn cá thêm một tính mạng già này nữa.

Gia Cát Lang mỉm cười đáp :

– Đánh cuộc như vậy thì Hình Thiên Quân thiệt thòi quá.

Càng tức giận thêm, Bách Phi hỏi tiếp :

– Ngươi nói như thế là nghĩa lý gì?

Gia Cát Lang vừa cười vừa đáp :

– Mỗ chỉ là một tên danh tiểu tốt ở trong giang hồ này, Thiên Quân là tôn sư của một môn phái ở trong võ lâm, tất nhiên tính mạng của Thiên Quân quý giá hơn tính mạng mỗ nhiều.

Bách Phi nghe thấy lời nói của đối phương, hình như coi mình thế nào cũng phải chết vậy, nên y tức giận rống lên một tiếng, tóc trên đầu đều dựng ngược lên như lông dím.

Trong lúc tên hung nhân của phái Tây Nhạc giận dữ quát tháo như sấm động, thì Hách Liên Anh đã tươi cười nói với Gia Cát Lang rằng :

– Gia Cát huynh đệ nghị đánh cuộc như vậy, chúng tôi rất tán thành. Nhưng Huyết Hà đồ đáng giá vạn lạng vàng như vậy, chúng ta phải cử hành vụ đánh cuộc này long trọng một chút mới được.

Gia Cát Lang vừa cười vừa hỏi lại :

– Xin Hách Liên công chúa cho biết là Công chúa muốn nó long trọng như thế nào?

Hách Liên Anh tủm tỉm cười đáp :

– Tôi nói cử hành phải long trọng đó là vụ đánh cuộc này, không nên chỉ đấu một trận như thế. Tôi muốn chúng ta vẫn đấu ba trận như lần trước để kết thúc sự thắng bại bằng ba môn nội lực, khinh công và ám khí.

Gia Cát Lang mỉm cười đáp :

– Hách Liên Anh công chúa có thể tuyên bố ngay được những người nào ra dự trận đấu của các người không?

Hách Liên Anh vừa cười vừa đáp :

– Trận đấu nội lực sẽ do Thần Dũng Kim Cương Mạnh Phi Hùng ra trận, ám khí thì do tôi đảm nhiệm, còn khinh công thì đã có Hình Thiên Quân phụ trách. Nhưng không biết bên nhân huynh thì huynh sắp đặt như thế nào?

Gia Cát Lang thấy Hách Liên Anh chỉ định Bách Phi đảm nhiệm đấu khinh công, mới biết vừa rồi mình đã kém mắt. Có lẽ Bách Phi vì què chân, thấy đi lại khó khăn, nên y đã luyện được môn võ công đặc biệt để bổ cứu sự khuyết điểm ấy cũng nên.

Gia Cát Lang ngẫm nghĩ giây lát, rồi cương quyết bảo :

– Tất cả chỉ có ba trận đấu thôi, hà tất phải phái nhiều người ra dự trận đấu làm chi, nên chỉ một mình tôi xin lãnh giáo hết.

Thượng Quan Phụng đã nếm mùi lợi hại của Gia Cát Lang rồi, nên nghe thấy chàng ta nói như thế liền lắc đầu, cười khẩy xen lời nói :


– Bên chúng ta ba người đấu với một mình ngươi như vậy, dù có thắng cũng không vẻ vang gì, mà không thắng thì lại bi thiên hạ chê cười, nên Thượng Quan Phụng không đồng ý đấu như thế.

Hách Liên Anh nhận thấy lời nói của Thượng Quan Phụng rất có lý, liến quay lại nói với Gia Cát Lang tiếp :

– Gia Cát huynh đã nghe thấy chưa? Thượng Quan tỷ của tôi không muốn thị nhiều thắng ít. Vậy xin nhân huynh cũng phái ba người ra trận. Như vậy chúng tôi mới nhận dự cuộc đấu này.

Gia Cát Lang ngẫm nghĩ giây lát rồi cười thầm đối phương quá giảo hoạt, rõ ràng sợ võ công của mình cao siêu mà lại bịa ra nhưng lời lẽ đường hoàng như vậy.

Tính nết vừa giảo hoạt vừa dâm đãng, Hách Liên Anh thấy Gia Cát Lang ngẫm nghĩ như vậy liền mỉm cười hỏi :

– Gia Cát huynh ngẫm nghĩ gì thế? Chả lẽ ngoài một mình huynh ra, những người khác đều là giá áo túi cơm hay sao?

Tiểu Thanh, Tiều Hồng nhìn nhau mỉm cười, chẳng nói chẳng rằng, còn Mộ Quang thì trợn ngược đôi lông mày lên, nói với Gia Cát Lang rằng :

– Gia Cát hiền đệ hãy lui về phía sau để tôi lãnh giáo tuyệt nghệ kinh người của Thế Ngoại bát hung!

Gia Cát Lang cười ha hả đỡ lời :

– Cổ nhân đã có câu “Giết gà không cần dao mổ trâu” việc gì đã có em đây phục vụ, oai danh Ngọc Địch Kim Cung Thần Kiếm Thủ của đại ca đã chấn động Trung Nguyên lâu năm, bây giờ ở trong sa mạc này đại ca hà tất còn phải tranh công với tiều đệ làm chi! Đại ca phải để cho tiểu đệ có dịp được dương danh với đời chứ!

Gia Cát Lang đặt điều rất khéo léo, khiến Mộ Quang đang uất ức tức giận mà cũng phải cố nén lửa giận xuống, lắc đầu thở dài, gượng cười lui bước.

Gia Cát Lang thuyết phục xong vị dại ca kết nghĩa của mình rồi, liền quay lại mỉm cười nói với Tiểu Thanh, Tiểu Hồng đứng cạnh Mộ Quang :

– Nhiếp cô nương, đáng lẽ tôi không dám phiền hai vị đâu, nhưng Hách Liên Anh công chúa không cho phép tôi đơn độc ứng chiến, nên đành phải mời hai vị ra tay giúp sức vậy.

Tiểu Thanh rất cung kính, vừa cười vừa đáp :

– Tiểu Thanh, Tiểu Hồng thừa lệnh Gia chủ, cung kính đợi chờ hai vị sao bảo, dù có phải nhẩy vào đống lửa, chúng tôi cũng không dám từ. Xin Gia Cát tướng công cứ việc sai bảo!

Gia Cát Lang đáp :

– Tại hạ muốn phiền Tạ cô nương đấu khinh công với Hình Bách Phi biệt hiệu Phả Túc Thiên và Nhiếp cô nương đấu nội lực với Thần Dũng Kim Cương một phen, chẳng hay hai vi cô nương có ưng chịu không?

Tiểu Thanh Tiểu Hồng cung kính đáp :

– Nô tỳ xin cung kính vâng lệnh.

Gia Cát Lang nhìn Thế Ngoại bát hung khiêu khích :

-Tại hạ đề nghị Tiểu Hồng cô nương đấu khinh công với Phả Túc Thiên Quân Hình Bách Phi, chẳng hay các người nghĩ sao?

Phá Túc Thiên Quân thấy đối phương đích danh khiêu chiến, bèn tức giận bước ra nói :

– Ta bằng lòng, ngươi cứ việc ra đầu đề đi.

Gia Cát Lang chỉ vào đồi cát phía trước mặt nói :

– Tại hạ muốn hai vị thi đua khinh công, hai người cùng chạy từ một khởi điểm và cùng một lúc xem ai chạy nhanh hơn và không có hằn tích kể như thắng cuộc.

Hình Bách Phi đáp :

– Được nào hãy bắt đầu đi.

Gia Cát Lang vạch một khởi điểm dưới đất, Tiểu Hồng và Bách Phi cùng đứng tại khởi điểm này, Gia Cát Lang hô :

– Bắt đầu!

Thế là cả hai người vận hết công lực chạy về phía đồi cát Cả bai người cùng lướt tới đồi cát cùng một lúc và đi xuống bên dưới cùng một lúc.

Mọi người thầm đoán trận đấu này sẽ huề.

Lúc ấy Tiểu Hồng với Bách Phi đã đi lên trên núi cát và cũng đã đi xuống bên dưới rồi.

Mộ Quang đưa mắt nhìn trận đấu và khẽ hỏi Gia Cát Lang tiếp :

– Hiền đệ định dùng môn ám khí gì để khắc chế Ngũ Độc Tán Hoa Phong như thế?

Lại uống thêm một ngụm rượu nữa, Gia Cát Lang mới đáp :

– Loại ong ấy là một loại ong rất dặc biệt, không sợ kim, đinh hay tên bắn trúng. ám khí thường không thể nào làm gì nổi bầy ong ấy đâu, nên tiểu đệ định dùng “Mưa tam muội” diệt trừ nó.

Lúc này Mộ Quang đã hết sức chịu phục người em kết nghĩa này, tuy chàng nghe thấy chàng nọ nói “Mưa tam muội” rất mới lạ, nhưng chàng đoán chắc thế nào cũng lợi hại lắm, nên khẽ nói tiếp :

– Hiền đệ chớ nên ra tay quá độc ác, thế nào cũng phải để cho họ có chỗ lui bước nhé!

Gia Cát Lang gật đầu đáp :

– Đại ca cứ yên tâm, thế nào tiểu đệ cũng làm cho Cưu Bàn công chúa phải khóc giở mếu giở mới thôi.

Chàng vừa nói tới đó, thì Tiểu Hồng với Bách Phi cũng vừa xuống tới mặt đất bằng.

Gia Cát Lang, Mộ Quang, Tiểu Thanh với Thế Ngoại Tam Hung tất cả đều đi tới gần núi cát để xem kết quả cuộc dua khinh công ấy ra sao. Núi cát đó vẫn phẳng lỳ như tờ giấy, đủ thấy khinh công của cả hai người đã luyện tới mức thượng thừa. Cả lên lẫn xuống, hai người không hề để lại dấu vết gì hết.

Hách Liên Anh, Thượng Quan Phụng, Hùng Sách các người đang nhìn nhau cau mày lại thì Gia Cát Lang bỗng mỉm cười và nói với Tiểu Hồng rằng :

– Tạ cô nương, trận này cô nương đã tới thua rồi!

Tiểu Hồng mặt đỏ bừng, nước mắt đã chạy quanh khóe mắt như muốn khóc và cúi đầu xuống khẽ đáp :

– Tiểu Hồng bất tài, đã làm cho Gia Cát tướng công bị mất tiếng.

Gia Cát Lang lắc đầu, vừa cười vừa nói tiếp :

– Tạ cô nương không nên nói như thế, cô nương hãy còn ít tuổi, với thân phận địa vị như vậy, thì làm sao địch nổi nhân vật lãnh tụ của phái Tây Nhạc?

Dù cô nương có bị bại, nhưng vẫn có thể kiêu ngạo với đời được!

Bách Phi nghe thấy chàng nói như vậy rất đỗi ngạc nhiên, liền trỏ vào núi cát không có một chút vết tích nào hết, mà hỏi lại chàng rằng :

– Cô ta có thua đâu? Cả hai người cùng không để lại một chút vết tích nào hết, sao bạn Gia Cát lại bảo lão phu thắng? Thế là nghĩa lý gì?

Gia Cát Lang vừa cười vừa đáp :

– Chúng ta là nhân vật giang hồ, thì cần phải chú trọng đến bốn chữ “quang minh lỗi lạc” nên đã thua thì phải nhận thua.

Bách Phi vẫn ngạc nhiên, hỏi tiếp :

– Tạ cô nương thua ở điểm nào?

Gia Cát Lang đáp :

– Nàng thua ở dưới ngoại hiệu Phá Túc Thiên Quân của bạn!

Cả Hắc Liên Anh và Thượng Quan Phụng cũng không hiểu lời nói ấy của Gia Cát Lang ngụ ý như thế nào!

Hai mắt sáng như điện, Gia Cát Lang liếc nhìn quần tà một lượt, rồi thủng thỉnh nói tiếp :

– Nếu Hình Thiên Quân là người thường, thì trận đấu khinh công này có thể nói là bằng tài không ai thua ai được cả. Nhưng vì bạn họ Hình đã có biệt hiệu là Phá Túc Thiên Quân, tay lại có thêm một cây thiết quài, thiết quài nặng như thế, điểm vào mặt cát mà không có một chút dấu vết gì, thì tất nhiên về mặt hỏa hầu, Hình Thiên Quân phải cao hơn Tạ cô nương một chút.

Hách Liên Anh vừa cười vừa đỡ lời :

– Cao luận, không những cao minh mà lại còn rất cao minh là khác. Thôi, bây giờ đến lượt chúng ta thi đua ám khí. Chẳng hay Gia Cát huynh định sử dụng môn ám khí gì?

Hình như hơi quá chén, hai má đã đỏ bừng, Gia Cát Lang cứ nhìn thẳng vào mặt Hách Liên Anh, cười hi hi đáp :

– Hách Liên Anh công chúa, tôi phải nói trước để Công chúa hay. Vì ám khí của tôi lợi hại lắm, nhỡ nó hủy mất Ngũ Độc Tán Hoa Phong mà Công chúa đã khổ tâm rất nhiều năm mới luyện thành, thì cũng phải xin Công chúa lượng thứ cho.

Hách Liên Anh xếch ngược đôi mày lá liễu lên, mỉm cười đáp :

– Hách Liên Anh đã đi khắp giang hồ rồi, mà chưa gặp ai có được ám khí lợi hại đến nỗi khiến Ngũ Độc Tán Hoa Phong phải bị tổn thương mảy may. Nếu Gia Cát huynh tự tin như vậy, thì trận đấu này chúng ta nên cá thêm một tý gì để cho long trọng một chút nhé! Chẳng hay Gia Cát huynh có tán thành không?

Gia Cát Lang gật đầu đỡ lời :

– Hay lắm! Hay lắm! Nếu ám khí của mỗ không hủy được Ngũ Độc Tán Hoa Phong của Công chúa, thì Gia Cát Lang tôi cam tâm làm kẻ hầu hạ ở trong Cưu Bàn cung ngay.

Hách Liên Anh nghe Gia Cát Lang nói xong, mặt lộ vẻ hớn hở nhìn lại chàng nọ, rồi đưa mắt tống tình và cười nũng nịu nói tiếp :

– Cá như vậy tuyệt lắm, nhưng cần phải tu chỉnh lại một chút. Nếu Gia Cát huynh thua, thì Hách Liên Anh hoan nghênh huynh lại làm giai khách ở trong Cưu Bàn cung của tôi, chứ tôi không dám để huynh phải làm kẻ hầu người hạ như thế!

Gia Cát Lang mỉm cười đáp :

– Giai khách cũng được, người hầu cũng thế, nhưng phải đợi chờ Hách Liên Anh công chúa thắng đã rồi hãy nói tới sau.

Hách Liên Anh đã nghe ra ý nghĩa lời nói của Gia Cát Lang, liền gật đầu đỡ lời :

– Điều đó là dĩ nhiên rồi. Nếu Gia Cát huynh hủy được Ngũ Độc Tán Hoa Phong của tiểu muội thì Hách Liên Anh này, xin tặng thêm một mảnh Huyết Hà đồ của mình và còn để cho hai vị tha hồ nghênh ngang ở trên bãi sa mạc này, quyết không để cho một người nào quấy nhiễu đến hai vị.

Gia Cát Lang cả cười nói tiếp :

– Chúng ta quân tử nhất ngôn nhé!

Nói tới đó, hình như chàng nghĩ tới một vấn đề gì, lại vừa cười vừa nói với Hách Liên Anh tiếp :

– Xin hỏi Hách Liên Anh công chúa, trong túi da của Công chúa có tất cả mấy con Ngũ Độc Tán Hoa Phong?

Hách Liên Anh vừa cười vừa đáp :

– Ong này là một loại ong rất hiếm có, tìm kiếm ra nó đã rất khó, mà nuôi ở không dễ. Thoạt tiên tôi nuôi được năm con, sau trải qua lâu năm nuôi dưỡng, mới thêm được hai con nho nhỏ nữa. Thế là tất cả to lẫn nhỏ có bảy con.

Cố ý làm ra vẻ kiêu ngạo, Gia Cát Lang cười như khùng nói tiếp :

– Hách Liên công chúa cứ thả bảy con ra một lúc, nếu có một con nào không chết là tôi xin đi ngay Cưu Bàn cung để đợi chờ Công chúa sai khiến!

Tiểu Thanh nghe thấy Gia Cát Lang nói như vậy, liền rỉ tai Mộ Quang vừa cười vừa khẽ nói :

– Nghiêm tướng công, Gia Cát tướng công là người hữu tâm. Tướng công ấy muốn diệt trừ hết Ngũ Độc Tán Hoa Phong của Hách Liên Anh công chúa để quét sạch tai hại cho võ lâm.

Mộ Quang nghe nói xong, khẽ hỏi lại Tiểu Thanh rằng :


– Nhiếp cô nương có biết Tam Muội Vũ tức mưa Tam muội của nghĩa đệ tôi là thứ ám khí gì không?

Tiểu Thanh lắc đầu quay lại hỏi Tiểu Hồng rằng :

– Hồng muội có biết đó là ám khí gì không?

Tiểu Hồng bị thua khinh công Bách Phi đến giờ nàng cứ buồn bực hoài, nay nghe thấy Tiểu Thanh hỏi như vậy, liền bĩu môi giả bộ hờn giận đáp :

– Chị Thanh hà tất phải hỏi tiểu muội làm chi? Người thắng trận còn không biết, thì người bại trận biết làm sao được!

Tiểu Thanh tức cười đỡ lời :

– Đối phương mà tôi đắc thắng đó, là một con bò ngu xuẩn, còn địch thủ của Hồng muội là nhân vật lãnh tụ của phái Tây Nhạc, cho nên Hồng muội đừng có ghen tức hão như thế nứa? Chả lẽ vừa rồi hiền muội quên Gia Cát tướng công đã bảo, dù bại mà cũng vẫn tự kiêu được hay sao?

Hai nữ tỳ xinh đẹp đứng nói bông đùa với nhau, và hình như cả hai không coi bọn ác sát hung thần ở trước mặt vào đâu hết.

Mộ Quang đứng nhìn hai người đến nỗi ngẩn người ra và nghĩ bụng :

– Cứ xem đầy tớ cũng biết chủ nhân rồi. Chắc Lệnh Hồ Sở Sở phải là một mỹ nhân tuyệt thế, và cũng là một vị cân quốc kỳ anh, ít ai sánh kịp. Nhưng tại sao nàng lại có ngoại hiệu Xà Khiết mỹ nhân như thế? Biệt hiệu này rất dễ khiến người ngoài hiểu lầm.

Bọn Thượng Quan Phụng vì biết Ngũ Độc Tán Hoa Phong của Liên Anh rất lợi hại, yên trí trận đấu sau cùng thể nào cũng thắng, họ đều hớn hở.

Hách Liên Anh thấy Gia Cát Lang vẫn ung dung, ngạc nhiên hỏi :

– Gia Cát huynh, tiểu muội sắp thả ong độc sao huynh chưa sửa soạn gì?

Gia Cát Lang đáp :

– Công chúa cứ việc thả Tán Hoa Phong, Tam Muội Vũ của tôi có thể thả bất cứ khi nào.

Liên Anh thấy chàng ta có vẻ say sưa càng yêu thương thêm, nũng nịu nói :

– Huynh cứ yên tâm, tuy Tán Hoa Phong lợi hại nhưng lúc nào tôi cũng có thuốc giải bên mình, nhiều lắm huynh chỉ đau khổ một chút thôi.

Nói xong nàng vỗ vào cái túi da ngang lưng, năm con ong lớn đen như mực bay ra liền, và hai con ong nhỏ cũng bay theo.

Bảy con ong độc bay tới gần Gia Cát Lang chừng năm thước, chàng đột nhiên há mồm phun bảy điểm sáng màu hồng.

Bảy con ong liền có mùi thơm tỏa ra, khói xanh bốc lên, lảo đảo rơi ngay xuống đất.

Bọn Thượng Quan Phụng đều giật mình hoảng sợ.

Liên Anh mặt tái mét đau khổ.

Mộ Quang nhìn Tiểu Thanh cười nói :

– Thì ra Tam Muội Vũ là Tửu Vũ Phi Tinh, một trong chín nội gia tuyệt kỹ đấy.

Tiểu Thanh lắc đầu cười đáp :

– Hai tuyệt kỹ khác nhau, Tam Muội Vũ cao minh hơn do có xen lẫn Tam Muội Chân Hỏa vào.

Mộ Quang bây giờ mới hiểu tại sao Gia Cát Lang uống nhiều rượu và mặt có vẻ say sưa như vậy.

Tiểu Hồng bĩu môi xen lời :

– Nghiêm tướng công xem chị Thanh có vô lý hay không? Rõ ràng chị ấy đã biết rõ lai lịch của Tam Muội Vũ, thế mà vừa rồi tướng công hỏi, chị ấy bảo là không biết gì hết.

Nghe thấy Tiểu Hồng nói như thế, Mộ Quang chỉ mỉm cười thôi, nhưng chàng đang chăm chú nhìn vào trận đấu để xem Gia Cát Lang sau khi thắng rồi sẽ hỏi Hách Liên Anh để lấy vật đánh cuộc ra sao.

Gia Cát Lang chú ý nhìn mấy con ong độc nằm chết ở dưới đất một hồi, bỗng hớn hở chắp tay vái Hách Liên Anh và nói :

– Tôi rất lấy làm ân hận đã phá hủy bầy ong mà Công chúa đã tốn không biết bao nhiêu tâm huyết mới nuôi nấng dậy bảo được, nhưng…

Mặt tái mét, Hách Liên Anh nghiến răng mím môi nói :

– Gia Cát Lang, ngươi đừng có chảy nước mắt cá sấu như thế nữa! Hách Liên Anh này rất phục mưu trí và công lực thâm hậu của người.

Nói tới đó, nàng thò tay vào túi lấy mảnh Huyết Hà đồ hậm hực nói :

– Ta thua cuộc vui lòng nộp mảnh Huyết Hà đồ này cho người và vẫn giữ đúng lời hứa để hai người tha hồ đi lại trong sa mạc này không cho một ai sinh sự quấy nhiễu cả. Nhưng khi đến Ngọc Môn quan, lúc ấy là lúc quyết chiến sinh tử của chúng ta.

Cầm mảnh Huyết Hà đồ xem qua một phút, Gia Cát Lang nói :

– Công chúa hà tất phải giận dữ, tại hạ với Nghiêm huynh có võ học như thế này liệu có khiếp sợ các người không?

Liên Anh mím môi :

– Được như thế thì hay lắm.

Gia Cát Lang hỏi :

– Nếu các người thấy thua nên rút lui Hách Liên Anh nói :

– Chúng ta còn một vị Bát muội chưa chắc hai người và Xà Khiết mỹ nhân có thể chống đỡ nổi, hì hì hì…

Thế rồi bọn Thiên Ngoại Bát Hung liền phóng ngựa đi mất.

Tiểu Hồng, Tiểu Thanh làm xong nhiệm vụ cũng xin cáo từ, hẹn gặp ở Ngọc Môn quan.

Gia Cát Lang và Nghiêm Mộ Quang lại tiếp tục lên đường đi vào sa mạc Bạch Long Đôi tìm kiếm tung tích chị em Hồng Y Tiên Tử.

* * * * *

Cả hai người đi được ba ngày, một hôm hai người đến giữa bãi sa mạc, chập chùng đồi cát.

Gia Cát Lang thoáng thấy một bóng đỏ nhấp nhô rồi biến mất sau đồi cát trước mặt.

Gia Cát Lang vội phi thân lên đồi cát nọ, chàng thấy một thiếu nữ áo đỏ nằm xụp xuống mặt cát hành lễ. Thiếu nữ nọ lễ xong liền ngửng mặt lên. Gia Cát Lang trông thấy rõ mặt đối phương liền giật mình kinh hãi vì chàng thấy thiếu nữ này rất giống dung nhan Hồng Y Tiên Tử Hứa Linh Sa mà Mộ Quang vẫn thường mô tả…

Thiếu nữ áo đỏ nước mắt ràn rụa, hai tay cầm thẻ hương, mắt nhìn thẳng vào đồi cát lẩm bẩm :

– Linh Chi sư tỷ, hương hồn của chị có linh thiêng xin hiện ra nhận hương nhang của tiểu muội…

Vừa nghe tới đó, Gia Cát Lang đã biến sắc mặt, vội phi thân xuống chân đồi khẽ nói với Mộ Quang :

– Đại ca, tiểu đệ báo tin mừng này cho đại ca.

Mộ Quang đang ngẩn người nghĩ đến chuyện xưa, bỗng nghe Gia Cát Lang nói, chàng gượng cười :

– Hiền đệ hà tất phải an ủi huynh, ngoài sa mạc hoang vu này làm gì có tin mừng?

Gia Cát Lang ngắt lời :

– Tiểu đệ không nói dối đâu, Hứa Linh Sa chưa bị vùi thân trong đồi cát vàng này, hiện nàng đang ở phía sau đồi.

Mộ Quang mừng rỡ hỏi :

– Hiền đệ nói thật hay nói giỡn?

Gia Cát Lang gượng cười :

Nếu đại ca không tin, xin cứ vượt thử ngọn đồi này xem vị tuyệt sắc giai nhân đang thấp nhang khấn lễ có phải là vị tri kỷ hồng nhan của đại ca không?

Mộ Quang vội phi thân lên đỉnh đồi.

Thiếu nữ áo đỏ đã nghe thấy tiếng hai người đối đáp đang kinh ngạc ngẩng đầu lên nhìn.

Hai đôi mắt vừa chạm nhau, Mộ Quang đã nhận ra người đó chính là Hứa Linh Sa thực, chàng nghẹn ngào gọi :

– Sa muội….

Ngờ đâu thiếu nữ áo đỏ trông thấy chàng như gặp phải rắn rết, vội quay người ù té chạy ngay. Mộ Quang kinh ngạc, lớn tiếng gọi :

– Sa muội, tại hạ là Mộ Quang đây, sao hiền muội không nhận ra được ngu huynh thế?

Thiếu nữ nọ càng chạy nhanh hơn.

Mộ Quang vội nhảy xuống đồi cát phi thân theo.

Đuổi tới gần chàng thấy khinh công thiếu nữ nọ đúng là của Nam Nhạc, công lực chàng cao siêu hơn càng đuổi theo càng kịp.

Thiếu nữ nọ vội ngừng chân, giọng quen thuộc, nhưng lời bỡ ngỡ :

– Người này vô lý thực, đuổi theo bổn cô nương làm chi?

Mộ Quang không hiểu tại sao, ngập ngừng đáp :

– Sa muội…. từ khi ngu huynh hay tin hiền muội và Chi muội bị bọn hung đồ Tây Nhạc giết chết chôn thân ngoài sa mạc này, ngu huynh đau lòng một mình xông lên núi Hoa Sơn giết Đới Cảnh, ngoài ra ngu huynh không quản ngại xa xôi tới đây điếu viếng…

Thiếu nữ nọ lạnh lùng đáp :

– Người ra nói đúng, Nam Nhạc song xu đã bị chôn thây ngoài sa mạc, người không quản ngại xa xôi tới đây, sao không ra đồi cát phía trước mà điếu viếng, chứ theo đuổi bổn cô nương này làm chi?

Mộ Quang buồn rầu :

– Sa… muội.

Thiếu nữ ngắt lời :


– Bổn cô nương chỉ là một thiếu nữ sinh sống ngoài biên cương chứ không phải là Hứa Linh Sa mà người lầm tưởng đâu. Huống hồ bổn cô nương lại là người có chồng có con, xin người đừng làm phiền tôi nữa.

Mộ Quang ngơ ngác không hiểu, thấy nàng nọ cương quyết nói như vậy chàng không tiện đuổi theo nữa, chỉ đứng nhìn theo cho tới khi hút bóng nàng nọ.

Thiếu nữ áo đỏ đi khỏi, Mộ Quang quay trở lại chân đồi bên kia, nhưng không thấy Gia Cát Lang đâu cả.

Chàng ngơ ngác tìm kiếm, bỗng thấy trên mặt đất viết mấy chữ :

“Đệ cùng huynh rong ruổi vạn dặm vì thấy huynh cô đơn một minh trên đường vắng phải tiếp huynh cho đỡ tịch mịch đơn lẻ. Nay Hồng Y Tiên Tử đã vô sự, hai người tái ngộ thể nào cũng có nhiều lời cần nói với nhau. Anh hùng tái ngộ hiệp nữ chả cần đệ phải xen vào. Nên đệ viết mấy chữ này để từ biệt huynh và đệ phải đi ngay Huyết Hồ chờ bọn hung tà, mong cướp lại Huyết Thần Kinh. Sau đó đệ còn phải trở lại Ngọc Môn quan đánh U Minh Quỉ Nữ hộ huynh. Chúng ta giang hồ du hiệp thể nào cũng có ngày gặp nhau. Ngoài sa mạc gió to bão lớn mong huynh nên thận trọng mình vàng”.

Từ khi Mộ Quang gặp Gia Cát Lang tại Hàm Dương, hai người kết bạn cùng nhau, cùng đi về phía Tây. Trên đường rất ý hiệp tâm đầu, bây giờ nghĩa đệ bỗng dưng bỏ đi, chàng cảm thấy thiếu vắng và buồn bã.

Nếu thiếu nữ nọ là Linh Sa sao lại bỏ đi?

Chàng ứa lệ.

Bỗng đằng xa có tiếng chuông lạc đà vọng tới, có tiếng người lớn tiếng ca :

“Nam nhi sự trường chinh, thiếu tiểu U Yến khách.

Đỗ thắng mã đề hạ, do lai khinh thất xích.

Sát nhân mạc cảm tiền, tu như vi mao trách.

Hoàng Vân lung để bạch vân phi, vi đắc báo ân bất đắc qui.

Liêu Đông tiểu phụ niên thập ngũ, quán đàn tỳ bà giải ca vũ.

Kim vi thương địch xuất tái thanh, xử ngã tam quân lệ như vũ”.

Tạm dịch :

“Tài trai quen chuyện trường chinh.

Bôn ba thời nhỏ nương mình đất Yên

Thách cái chết trận tiền trước ngựa

Bảy thước cao coi rẻ tử sinh

Giết người lòng chẳng chút kinh

Hàm râu lông nhím như hình vểnh lên

Giải mây trắng bay trên gò đống

Lớp mây vàng lồng lộng trên cao

Ơn kia chưa báo được nào

Thì chưa tính chuyện nghêu ngao về làng

Đất Liêu Đông có nàng con gái nhỏ

Tuổi hoa xuân vừa ló trăng rằm

Đàn tỳ bà nổi tiếng tăm

Thêm tài ca vũ ai bằng ả ta Nay lấy sáo thổi bài “Xuất Tái”

Khiến quân ta lệ vãi như mưa”.

Mộ Quang nghe xong bài ca đó biết ngay người cưỡi lạc đà thể nào cũng là hào kiệt ngoài sa mạc.

Chàng cảm thấy cô đơn chỉ mong người cưỡi lạc đà đi về phía mình để được chuyện trò.

Không ngờ con lạc đà đến gần chàng chừng mười trượng bỗng quay đầu đi về phía Tây Nam.

Trong lòng buồn bực, Mộ Quang ngửng mặt lên trời hú một tiếng dài.

Tiếng hú của chàng làm cho đại hán râu xồm ngồi trên lưng lạc đà phải quay đầu lại nhìn.

Mộ Quang không hề chú ý tôi động tác của đại hán nọ nhưng đã tìm được đối tượng để giải khuây.

Đối tượng đó chính là năm con chim ưng bay lượn trên đỉnh đầu Chàng vội cởi cây cung vàng xuống, lắp mũi tên dương cung định bắn mấy con chim ưng.

Đại hán nọ thấy Mộ Quang bắn chim liền ghìm lạc đà lại xem.

Hai mũi tên cong queo bắn sang hai bên tả, hữu. Hai mũi tên vừa rời khỏi cung đã có tiếng kêu “Veo, veo” một tả một hữu thành hình gọng kìm nhằm đàn chim bắn tới.

Tiếng chim ưng kêu thảm khốc, bốn con chim ưng bị tên bắn xuyên cổ họng rớt xuống đất, còn một con bay vong mạng về phía Bắc.

Đại hán râu xồm vỗ tay, nói :

– Hào kiệt thượng đẳng ở miền Tây Vực này giỏi lắm một mũi tên bắn rớt hai con chim là cùng, chắc ngài thể nào cũng là một cao thủ Trung Nguyên. Công lực của ngài có lẽ còn thâm hậu hơn cả Thạch nhị phu nhân, người đã lừng danh biên giới.

Mộ Quang thấy đại hán nọ dùng giọng miền U Yên khen ngợi mình. Chàng liền chắp tay chào :

– Danh hiệu của các hạ là chi? Nghe giọng nói hình như các hạ không phải là miền Tây Vực này?

Đại hán râu xồm phi thân xuống dưới lạc đà, chắp tay thi lễ :

– Tại hạ là Đổng Thiên Hùng nguyên người U Yên lưu lạc tới Tây Vực, xin hỏi quí danh tánh của ngài?

Mộ Quang nghĩ ra một kế nói :

– Tại hạ là Gia Cát Lang.

– Gia Cát huynh thuộc môn phái nào thế?

Mộ Quang thấy đối phương hỏi quá sốt sắng, chàng mỉm cười trả lời :

– Tiểu đệ am hiểu chút ít võ học, không thuộc môn phái nào trong võ lâm cả.

Thiên Hùng mừng rỡ :

– Như vậy rất hay, bằng không Thiên Hùng này không dám làm quen với huynh.

Mộ Quang ngạc nhiên :

– Sao Đổng huynh lại nói thế?

Thiên Hùng chỉ tay về phía Tây Nam nói :

– Về phía Tây, cách đây chừng ba mươi dặm, có một cái hồ nhỏ, chung quanh hồ là đồng cỏ, trên cánh đồng cỏ một trang viện tên là Thiên Tâm trang, tiểu đệ giữ chức tổng quản của sơn trang ấy.

Mộ Quang không hiểu đối phương nói như thế có nghĩa gì, chỉ dạ dạ gật đầu lia lịa.

Thiên Hùng tiếp :

– Thiên Tâm trang chủ là Thạch Quân Bình đệ nhất anh hùng trong bãi sa mạc, ông ta có hai người vợ. Đại phu nhân suốt ngày tụng kinh niệm Phật, không can thiệp việc đời. Mọi việc trong nhà đều do một tay Nhị phu nhân quán xuyến.

Mộ Quang động lòng hỏi :

– Thạch trang chủ là đệ nhất anh hùng, hai vị phu nhân của ông ta chắc võ nghệ cũng cao cường.

Thiên Hùng cười đáp :

– Huynh đoán đúng phân nửa. Thạch đại phu nhân tinh thông y lý và kỳ môn độn giáp nhưng không biết võ công. Thạch nhị phu nhân võ công cao siêu không kém trang chủ.

Mộ Quang hỏi :

– Chắc Thạch nhị Phu nhân thế nào cũng là người Tây Vực?

Thiên Hùng lắc đầu :

– Huynh đoán lầm, nhị phu nhân là người Trung Nguyên, bà ta võ công rất cao nhưng không hiểu sao lại cấm người trong trang tiếp lúc với bất cứ nhân vật võ lâm thuộc các môn phái của Trung Nguyên cả. Tuy Thạch trang chủ không có ý tranh hùng xưng vương bá với võ lâm, nhưng thỉnh thoảng vẫn muốn vào ngao du Trung Nguyên, không ngờ lần nào ông ta định đi thi lại bị hai vị phu nhân ngăn cản, nên ông ta mới không đi nữa.

Mộ Quang ra nhặt hai mũi tên cong ở trên xác con chim ưng cắm vào trong ống tên, rồi vừa đi vừa thủng thẳng hỏi tiếp :

– Hai vị phu nhân của Thạch trang chủ tại sao lại ngăn cản ông ta vào Trung Nguyên du ngoạn như thế?

Thiên Hùng vừa cười vừa đáp :

-Thạch đại phu nhân nhận thấy hiện giờ trong võ lâm Trung Nguyên đang đa sự, trên giang hồ có rất nhiều phong hiểm, chi bằng cứ ở lại trong sơn trang, một nơi đào nguyên ở Đại Mạc này, tu tâm dương tính tự do tự tại có hơn không? Còn Thạch nhị phu nhân thì lại chán ghét giang hồ, bà ta cấm tất cả nam nữ ở Thiên Tâm trang không được làm bạn và giao du với các nhân vật của các môn phái Trung Nguyên, như vậy khi nào bà ta còn tán thành Thạch trang chủ vào Trung Nguyên nữa?

– Thạch đại phu nhân vừa đạm bạc vừa cao minh thực là đáng kính. Thạch nhị phu nhân lại có tính nết kỳ lạ một cách rất lý thú như vậy, chắc kiếp trước Thạch trang chủ đã tu nhân tích đức như thế nào, nên kiếp này mới được hai người vợ thông minh hiền hậu và được một cuộc đời thần tiên như vậy!

– Thạch đại phu nhân thì không biết võ học thôi, chứ còn y thuật của bà ta thì tinh xảo lắm, thực không kém gì Biển Thước xưa kia, và thuật bói toán bà ta lại còn hơn cả Quản Trọng ngày xưa. Còn Thạch nhị phu nhân thì quả thực có tính nết quái lạ lắm. Bà ta kết hợp với Thạch trang chủ đã được hơn năm, mà người trong trang không ai biết tên họ bà ta là gì.

Mộ Quang kêu “Ồ” một tiếng và hỏi tiếp :

– Thế ra Thạch trang chủ với Thạch nhị phu nhân mới kết hợp không lâu hay sao?

Thiên Hùng gật đầu đáp :

– Vâng, hai người mới kết hợp độ chừng một năm. Câu chuyện kết hợp của hai người rất lý thú và rất kỳ lạ.

Càng nghe, Mộ Quang càng nhận thấy Thạch nhị phu nhân này đúng là Hứa Linh Sa, người mà đã cùng mình thề thốt với nhau mà nay chưa biết sống chết ra sao. Nhưng chàng vẫn giả bộ là như không quan tâm đến chuyện đó, mà chỉ mỉm cười nói tiếp :

– Theo lý ra thì đệ không nên hỏi thăm những sự bí ẩn của người khác như thế này, nhưng Đổng huynh đã nói, sự kết hợp của Thạch trang chủ với Thạch nhị phu nhân rất thần kỳ và rất lý thú.

Thiên Hùng xua tay và đỡ lời :

– Không sao, không sao, câu chuyện ấy tuy rất thú vị, nhưng không phải là chuyện bí ẩn gì cả, nên Gia Cát huynh muốn nghe thì đệ xin kể cho huynh nghe ngay.

Mộ Quang mừng rỡ vô cùng :

– Xin Đổng huynh cứ nói, đệ rửa tai cung kính nghe.

Thiên Hùng mỉm cười và từ từ kể luôn :

– Cách đây chừng một năm, Thạch đại phu nhân đi xe ngao du ở gần đồi cát này, đã cứu được một thiếu nữ áo đỏ tuyệt sắc và trúng ám khí kỳ độc.

Nghe tới đây, Mộ Quang đã nhận thấy sự ước đoán của mình hồi nãy hoàn toàn không sai và đã hơi mủi lòng, liền xen lời hỏi :

– Có phải thiếu nữ áo đỏ rất tuyệt sắc trúng phải ám khí kỳ độc ấy là Thạch nhị phu nhân bây giờ phải không?

Thiên Hùng gật đầu vừa cười vừa đáp :

– Gia Cát huynh đoán rất đúng. Thạch phu nhân cứu thiếu nữ đó về hết sức cứu chữa, nhưng vì cô ta bi nội thương quá nặng và trong người còn lại chất âm hàn rất trầm trọng. Bệnh trạng ấy đã vô phương cứu chữa, trừ phi phải có được Thuần Dương Chân Lực trợ giúp cho và phải uống Long Hổ Khảm Ly đơn của Thạch đại phu nhân chế ra thì mới hy vọng cứu sống được Mộ Quang cau mày lại hỏi tiếp :

– Thế kết quả ra sao?

Thiên Hùng vừa cười vừa đáp :

– Phần vì nóng lòng cứu người, phần vì bổn thân có khuyết điểm không sao sinh đẻ được. Thạch đại phu nhân lại thấy thiếu nữ áo đỏ có tướng nhiều con, nên khuyên Thạch trang chủ lấy thêm người vợ nữa, và bà ta bằng lòng để cho hai người ngang nhau không phân biệt cả, lẽ, mà chỉ gọi nhau bằng chị em thôi. Vì những lý lẽ trên, bà ta nhận thấy dù mình có tốn công mệt sức, nhưng không những đã cứu được thiếu nữ áo đỏ thoát chết và lại có thể giúp cho nhà họ Thạch có con cái để nối dõi, việc làm ấy không khác gì là lợi cho mình và cũng lợi cả cho người.

Nghe tới đó Mộ Quang chỉ cau mày lai chứ không nói năng gì hết.

Thiên Hùng nói tiếp :

– Thạch trang chủ rất thương yêu Thạch đại phu nhân, nghe thấy phu nhân đề nghị như vậy, ông ta phản đối ngay. Hơn nữa ông ta không phải là người hiếu sắc.

Mộ Quang buộc miệng khen ngợi :

– Thạch trang chủ thực không hổ thẹn là một vi đại anh hùng ở Đại Mạc, không tham nữ sắc.


Thiên Hùng nghe thấy Mộ Quang khen ngợi chủ nhân mình, rất hớn hở cả cười đỡ lời :

– Tuy trang chủ của chúng tôi không tham nữ sắc nhưng sự đời lạ lùng lắm, nên cổ nhân mới có một câu: “Thiên hạ vô nan sự, chỉ sợ người có lòng”. Thế rồi đêm ngày hôm sau Thạch đại phu nhân liền cho trang chủ uống rượu say, để cho trang chủ cùng Thạch nhi phu nhân kết duyên với nhau.

Mộ Quang nghe tới đó, máu ghen nổi lên sùng sục, nhưng vẫn phải cố đè nén xuống mà hỏi tiếp :

– Sau đó Thạch nhị phu nhân có tỏ vẻ gì không?

Thiên Hùng vừa cười vừa đáp :

– Sau đó Thạch nhi Phu nhân lại tưởng Thạch trang chủ có ý định hãm hiếp mình, nên đã điểm vào tử huyệt của Thạch trang chủ và còn đinh tự tử chết.

Kêu “ối chà” một tiếng, Mộ Quang hỏi tiếp :

– Sau rồi thế nào nữa?

Thạch đại phu nhân đã sớm biết Thạch nhị phu nhân là người rất trinh liệt, vì vậy bà ta đã kịp thời xuất hiện, quỳ ngay ở trước mặt Thạch nhị phu nhân và tự nhân hết tội lỗi. Bà ta còn hỏi, nếu nhị phu nhân lượng thứ cho, thì cho phép bà ta kết làm chị em với nhau để cùng thờ một chồng. Bằng không, thì hai vợ chồng cam tâm tình nguyện cùng chết để tạ tội Mộ Quang thở dài một tiếng rồi đỡ lời :

– Thạch đại phu nhân thật là một người hiền thục thông minh hiếm có. Thế sau rồi Thạch nhi phu nhân trả lời ra sao?

– Thạch nhị phu nhân khóc lóc và suy nghĩ một hồi, rồi có đưa ra hai điều kiện.

– Hai điều kiện gì thế?

– Điều kiện thứ nhất là vì Thạch đại phu nhân đã có ơn cứu nàng thoát chết, cho nên nàng không dám kết làm chị em mà cam làm thiếp. Nếu đại phu nhân không nghe thì bà ta đánh ba người cùng chết một lúc.

– Điều kiện này của bà ta hợp lý lắm. Còn điều kiện thứ hai thì sao?.

– Điều kiện thứ nhất rất hợp lý, nhưng đến điều kiện thứ hai thì lại rất kỳ lạ.

Đó là bà ta sẽ vĩnh viễn không tuyên bố tên họ và lai lịch của mình và cũng vĩnh viễn không bước chân vào Trung Nguyên nữa.

Nghe tới đây Mộ Quang rất thông cảm nỗi khổ tâm của Linh Sa, nàng làm như thế, cốt để cho ai ai cũng tin tưởng hai chi em đều bi chôn thân vùi xác ở dưới đồi cát trong sa mạc rồi, và để cho mình với sư phụ của nàng là Nam Nhạc Thần Âu biết nàng chưa chết lại ra ngoài này tìm kiếm, lại xảy ra nhiều chi tiết thêm.

Thiên Hùng là một tráng sĩ tính rất thô lỗ và cương trực, nên không hề để ý đến vẻ mặt buồn bã của Mộ Quang. Nên y lại hớn hở nói tiếp :

– Thạch đại phu nhân nhận hết hai điều kiện ấy, tất nhiên Thạch nhị phu nhân phải giải tử huyệt cho Thạch trang chủ và nhận lời lấy ông ta để kết thành thần tiên quyến thuộc ấy. Chỉ về mặt xưng hô thì bà ta gọi nhị phu nhân thôi, còn đại phu nhân thì thương bà ta hơn là em gái của mình. Thạch trang chủ vừa yêu vừa sợ, dần trao hết quyền hành của Thiên Tâm trang cho nhị phu nhân chủ trì.

Hai tháng trước đây nhị phu nhân đã sinh nở được một đôi công tử rất đáng yêu.

Mộ Quang nghe tới dây mới biết, tuy Linh Sa đã gặp tai kiếp, nhưng bây giờ nàng đã người có chồng có con, có gia thất rồi, và đã được hưởng một cuộc đời rất hạnh phúc, những người trong võ lâm rất mong mỏi mà không được.

Nghĩ tới đó chàng liền nghĩ bụng :

– “Thảo nào ở trên đôi cát ta vừa gặp nàng, nàng đã có vẻ kinh hoàng và cực lực không nhận là Hứa Linh Sa, đồng thời còn thanh minh chị em Nam Nhạc song xu đã bị chôn thân vùi xác ở trong đồi cát rồi”.

Đã biết rõ nội tình của người yêu và biết nàng ta hiện giờ đang ở trong Thiên Tâm trang. Mộ Quang tính toán xem mình có nên tới đó gặp lại nàng ta không.

Suy nghĩ một hồi, MÔ Quang đã cương quyết không gặp lại Linh Sa nữa, vì hoàn cảnh đã thay đổi, nếu mình có gặp lại nàng, không những khó mà thực hiện lại được lời thề thốt năm xưa, trái lại còn phá tan cuộc hạnh phúc mới của nàng.

Mộ Quang đã quyết định như vậy, liền ngừng chân lại không đi nữa.

Thiên Hùng lại ngạc nhiên hỏi :

– Sao Gia Cát huynh lại không đi nữa? Chỉ còn vài dặm thôi là tới Thiên Tâm trang rồi! Đệ định mời huynh vào trong sơn trang để được khoản đãi một phen.

Mộ Quang lắc đầu đáp :

– Thạch nhị phu nhân không muốn gặp những nhân vật của Trung Nguyên, nên tiểu đệ không muốn vào quý trang nữa, chỉ xin Đổng huynh chỉ điểm cho một nơi thì thực cám ơn vô cùng.

Thiên Hùng mỉm cười hỏi :

– Gia Cát huynh muốn hỏi thăm nơi nào?

Mộ Quang vừa cười vừa hỏi tiếp :

– Trong sa mạc này có nơi nào là con sông đỏ không?

Thiên Hùng kêu “Ồ” một tiếng, mỉm cười hỏi lại :

– Có phải Gia Cát huynh muốn hỏi thăm Hồng Hà đấy không? Chả lẽ huynh cũng muốn tìm kiếm Huyết Thần Kinh hay sao?

Mộ Quang vừa cười vừa đáp :

– Tuy tiểu đệ không muốn dòm ngó cuốn Huyết Thần Kinh, nhưng tiểu đệ hỏi thăm Hồng Hà như vậy là cũng hơi có chút liên quan tới cuốn võ lâm kỳ thư ấy.

Thiên Hùng vừa cười vừa nói tiếp :

– Vì Thạch đại phu nhân chúng tôi biết Huyết Thần Kinh là một vật rất xui xẻo, nên có làm thành bốn câu ca dao bảo chúng tôi khuyên các võ lâm hào khách bất cứ ở đâu tới Đại Mạc này kiếm cuốn Thần Kinh ấy.

Mộ Quang càng nghe càng cảm thấy hứng thú, liền hỏi Thiên Hùng tiếp :

– Đổng huynh cứ việc khuyên đệ đi, và cho đệ được xem bốn câu ca dao của Thạch đại phu nhân nói những gì?

Thiên Hùng nhìn mặt Mộ Quang, tủm tỉm cười và ngâm rằng :

“Hưu mịch Huyết Thần Kinh

Nan tầm cửu giác hình

Thần Kinh sai bán sách

Hà tất khổ lao tâm”

Tạm dịch :

“Khuyên ai đừng tìm kiếm Thần Kinh

Vật kia chín cạnh khó tìm cho ra

Thần kinh nửa cuốn đâu mà

Cớ chi phí sức tiêu ma tháng ngày.”

Vừa để ý nghe, vừa nhớ kỹ bốn câu ca dao ấy. Mộ Quang hỏi Thiên Hùng tiếp :

– Đổng huynh, hình như Thạch đại phu nhân đã biết rõ sự bí mật của Huyết Thần Kinh ấy thì phải?

Thiên Hùng vừa cười vừa đáp :

– Tiểu đệ chỉ biết thừa lệnh truyền bá mấy câu ca dao ấy, chứ còn không hay biết một tý gì cả.

– Đổng huynh vẫn chưa chỉ điểm cho đệ biết Hồng Hà ở đâu?

Thấy Mộ Quang hỏi như vậy, Thiên Hùng đành thủng thẳng đáp :

– Hồng Hà ở ngay cạnh hồ A Nhã Cách Khổ Mộc Khố Lý dưới chân núi A Nhĩ Kim.

Mộ Quang lai hỏi núi A Nhĩ Kim đi về phía nào, rồi mới cáo từ Thiên Hùng đi luôn.

Mộ Quang lững thững đi một mình và mới đi được mười dậm, chàng vừa đi vừa nghĩ đến mối tình cũ với Linh Sa và một mặt lại nghĩ đến chuyến đi Hồng Hà này liệu có được gặp lại người bạn thân mới kết giao là Gia Cát Lang không?

Chàng bỗng thấy phía sau có cát bụi bay mù mịt, hình như có người đang phóng ngựa tới.

Mộ Quang ngơ ngác quay đầu lại nhìn, mới hay Thiên Hùng đang phóng lạc đà đuổi theo. Chàng không hiểu sao Thiên Hùng đuổi theo như vậy để làm chi, liền ngừng chân lại và nghĩ bụng :

– “Chẳng lẽ Linh Sa nghĩ tới tình cũ nghĩa xưa, mà sai người đuổi theo mời trở lại để gặp gỡ một phen chăng”?

Vì chàng đã quyết định không muốn vì chút tương tư của mình mà làm tổn thương đến hạnh phúc hiện thời của Linh Sa, cho nên chàng làm như không trông thấy rõ người đang đi tới là ai, mà vội giở khinh công ra tiến thẳng về phía trước.

Thiên Hùng thấy chàng đã dừng bước nhìn mình, rồi lại quay người phi thân đi ngay, y có vẻ lo âu, vội lớn tiếng kêu gọi :

– Xin Nghiêm đại hiệp hãy ngừng bước!

Cái câu Nghiêm đại hiệp, đã chứng minh sự ước đoán của Mộ Quang không sai, vì chàng xưng tên họ với Thiên Hùng là Gia Cát Lang chứ không xưng là tên họ thực. Như vậy ngoài Linh Sa ra, người trong Thiên Tâm trang không ai biết chàng là Nghiêm Mộ Quang hết.

Dù khinh công của Mộ Quang rất cao siêu, nhưng đi ở trên bãi cát thì người nhanh sao bằng lạc đà, nên chạy được chừng mười dặm thì đã bị Thiên Hùng theo kịp.

Thiên Hùng hốt hoảng nhảy xuống dưới đất, thắp tay chào Mộ Quang gượng cười nói :

– Nghiêm đại hiệp, Đổng Thiên Hùng thừa lệnh Thạch phu nhân đặc biệt đuổi theo tới, sao đại hiệp lại không muốn gặp Thiên Hùng như thế?

Mộ Quang thở dài một tiếng rất não nùng đáp :

– Phu nhân của quý trang chủ hà tất…

Thiên Hùng hai tay cầm cái hộp gấm niêm phong rất kín, đưa cho Mộ Quang mỉm cười đáp :

– Đây là của Thạch đại phu nhân chúng tôi xin tặng Nghiêm đại hiệp.

Mộ Quang ngạc nhiên rụt tay lại, không dám đỡ cái hộp gấm ấy, và còn ngạc nhiên hỏi :

– Thạch đại phu nhân đâu? Xin Đổng huynh hãy nói rõ một chút, ai đã phái huynh đem cái hộp này tới đây cho tại hạ Thiên Hùng vừa cười vừa đáp :

– Thạch đại phu nhân của chúng tôi nghe thấy các hạ đã gặp Nghiêm đại hiệp sử dụng một cái cung vàng với hai mũi tên cong đã bắn bốn con chim ưng cùng rớt một lúc, thì đại phu nhân vừa cười vừa nói: “Vị Trung Nguyên hào kiệt này là Nghiêm Mộ Quang đại hiệp chứ không phải là Gia Cát Lang đâu. Ngươi mau đuổi theo Nghiêm Đại Hiệp bảo ta rất khâm phục tấm lòng chí tình, đại nhân đại nghĩa của Nghiêm Đại hiệp, nhưng tiếc thay tệ trang vừa nhỏ vừa bẩn thỉu, không tiện nghênh đón đại hiệp, chỉ cung kính xin tặng một cái hộp gấm này để tỏ lòng chí kính, thể nào cũng xin đại hiệp nhận cho”.

Y nói xong, hai tay bưng cái hộp gấm ấy rất cung kính dâng cho Mộ Quang.

Mộ Quang thấy Thiên Hùng đuổi theo vất vả mệt nhọc như vậy, và lại thấy Thạch đại phu nhân có lòng chí thành như thế, hơn nữa, lời truyền bảo của bà ta cho Thiên Hùng, bên trong hình như có ý nghĩa sâu sắc riêng, nên chàng không nỡ chối từ nữa, mà nhận luôn cái hộp gấm ấy. Đồng thời chàng còn mỉm cười hỏi :

– Đổng huynh có biết trong cái hộp đựng gì không?

Thiên Hùng lắc đầu đáp :

– Thạch đại phu nhân không nói rõ bên trong hộp đựng vật gì, nhưng có dặn Thiên Hùng này chuyển lời cho Nghiêm đại hiệp rằng: “Trừ phi gặp việc rất nguy hiểm thì đại hiệp mới nên mở cái hộp này ra xem, bằng không, xin hãy về tới Trung Nguyên đã, rồi mới mở cái hộp ra để xem”.

Mộ Quang lại hỏi tiếp :

– Hồi nãy, lúc trở về sơn trang, Đổng huynh có thấy Thạch nhị phu nhân ở trong trang không?

Thiên Hùng lắc đầu đáp :

– Thạch nhị phu nhân đã cùng trang chủ dắt con đi lễ Phật tổ.

Mộ Quang nghe nói thở dài một tiếng, bỏ cái hộp ấy vào trong túi, và lấy một mũi tên cong, ám khí độc đáo của chàng ra từ từ nói tiếp :

– Xin Đổng huynh về thưa với Đại phu nhân, Mộ Quang tôi rất cám ơn và xin bái lĩnh tặng vật quí báu của phu nhân. Ngoài ra, tại hạ cũng có tặng vật nhỏ mọn này để tặng lại.

Thiên Hùng vâng vâng dạ dạ, Mộ Quang liền viết hai hàng chữ vào mũi tên cong rồi mới đưa cho Thiên Hùng. Đỡ lấy mũi tên của Mộ Quang, Thiên Hùng thấy trên mũi tên đó khắc hai câu thơ đó như sau :

“Chỉ bã nhân gian tỷ thiên trượng

Hoàng sa chung cỗ táng phương hồn”

Tạm dịch :

“Chẳng còn là chuyện của trần gian

Mà coi như chuyện mênh mang trên trời

Cát vàng một dãi, hỡi ôi.

Vùi sâu má phấn muôn đời ngàn xưa”.

Thiên Hùng hiểu sao được trong hai câu thơ này bao hàm bao nỗi thống khổ, nên y chỉ vâng lời mà ngơ ngác bỏ mũi tên đó vào trong túi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.