Hữu Duyên Thiên Niên Lại Tương Hội

Chương 11


Đọc truyện Hữu Duyên Thiên Niên Lại Tương Hội – Chương 11

Mùng ba tháng ba, tiết xuân ấm áp, trăm hoa đua nở.
Tháng ba ở cổ đại là tiết thanh minh, trải qua các đời Chu-Tần-Hán mỗi gia đình đều ra trước cửa vẫy nước mang ý nghĩa rửa trôi những điều dơ bẩn, cầu mong hạnh phúc, diệt trừ điềm xấu nên còn gọi là “Ngày thanh tẩy”. Đến đời Đường thì tập quán này dần dần biến mất, chỉ còn chú trọng hội đạp thanh thưởng xuân. (Đạp thanh: đạp lên cỏ)
Cứ đến tháng ba hàng năm người dân thành Trường An đều kéo đến gần bờ sông kết nhóm đạp thanh, xuất du. Đây chính là Đại Đường thời kỳ hưng thịnh nhất, phong khí nhất thời vô cùng lãng mạng. Người đi đạp thanh thưởng xuân tại thành Trường An không chỉ có những tiểu thư quý tộc, gia đình giàu có. Đương triều hoàng đế và những gia đình quyền quí hoặc là trầm rộ tổ chức, hoặc đơn giản chỉ là cưỡi ngựa xuất du ra ngoài thưởng xuân.
Từ mấy ngày trước, Nguyễn Nhược Nhược biết được tháng ba có lễ hội đạp thanh liền kích động, mấy đêm liền đều ngủ không ngon giấc. “Tam nguyệt tam nhật thiên khí tân, Trường An thuỷ biên đa lệ nhân” (Mồng ba tháng ba khí trời tươi sáng, bên bờ sông Trường An lắm người đẹp), Đỗ Phủ – thi nhân nổi tiếng đời Đường đã từng ca ngợi như thế trong tập thơ “Mỹ Nhân Hành” đó thôi, nàng sớm đã đọc qua, không nghĩ tới hôm nay thân lạc vào cảnh giới kỳ lạ, làm sao không kích động vạn phần. Vì kích động nên nàng nhất thời ngẩn ngơ, ngâm cho Hạnh Nhi nghe bài thơ này. Kết quả, Hạnh Nhi vẻ mặt mờ mịt, “Tiểu thư, trong số những thi nhân có người gọi là Đỗ Phủ sao?”
Nguyễn Nhược Nhược thiếu điều muốn nhảy dựng lên chỉ vào Hạnh Nhi mà phồng mang trợn má, “Cái gì mà có hay không, coi như ngươi không biết chữ đi nhưng trông cũng thông minh sáng láng mà. Là người thời Đường mà không nhận ra Lý – Đỗ hai người này có còn dám tự xưng là Đường nhân sao?”
Hạnh Nhi ham học hỏi nên không ngại lên tiếng hỏi, “Tiểu thư, Lý – Đỗ là hai người như thế nào?”

“Lý – Đỗ hai người…chính là Lý Bạch và Đỗ Phủ. “Lý Đỗ văn chương tại, quang mang vạn diễm trường” (văn chương Lý Đỗ, tỏa sáng ngàn dặm trường). Hạnh Nhi ngươi không phải là quá dốt thơ rồi sao?” Nguyễn Nhược Nhược bị nàng ta làm cho dở khóc dở cười.
“Ta quả thật chưa nghe nói qua hai người kia nha!”, Hạnh Nhi thật thà nói, “Ta chỉ nghe nói qua Vương Duy, Vương Xương Linh, Mạnh Hạo Nhiên, Hạ Tri Chương…”
“Tốt lắm tốt lắm, đừng để tâm nha! Ta đã trách lầm ngươi, là ta nghĩ sai rồi! Xin lỗi, xin lỗi.” Hạnh Nhi ngạc nhiên, không biết vị tiểu thư này tại sao bất chợt lại thay đổi thái độ hoàn toàn như vậy.
Chỉ bởi vì Nguyễn Nhược Nhược đột nhiên tỉnh ngộ, nhận ra chính mình vừa phạm vào một sai lầm lớn. Đỗ phủ viết “Mỹ Nhân Hành” khi đang là hồng nhân bên cạnh Yết Lộ hoàng đế, bây giờ mới chỉ là khai nguyên năm thứ chín. Lý Bạch cũng đã là thanh niên, đáng tiếc vẫn còn đang du sơn ngoạn thủy trong nhân gian, muốn hắn làm ra những bài thơ động thiên địa thì phải đợi thêm mười năm tám năm nữa. Nàng đây ở tại nơi này cùng người khác bàn về văn chương Lý – Đỗ quả thực hơi sớm một chút.
Không nói nữa, Nguyễn Nhược Nhược bò lên giường ngủ. Ngủ lúc này là tốt nhất, sáng sớm ngày mai đã được đi đạp thanh rồi. Từ lúc lạc tới cổ đại đến giờ, trừ đêm đó leo tường xuất du, nàng cũng đã nhiều ngày rồi chưa bước qua được đại môn của Nguyễn phủ. Giống như chim bị nhốt trong lồng, nàng đã sớm không nhịn được muốn rộng cánh bay đi.
***

Mồng ba tháng ba, bến Trường An.
Gió ấm như rượu, mặt hồ như gương, cành liễu xanh mướt, núi xanh như mi, vô số người đẹp rực rỡ. Bên bờ sông “xuân quang ba phần tiếu, diễm sắc bảy phân nghiên”, khung cảnh đẹp như một bức tranh hoa xuân diễm sắc.
Nguyễn phủ tất cả các vị thái thái tiểu thư, không tính tới Nguyễn phu nhân không xuất du vì không có nhã hứng, Nhị di nương, Tam di nương cùng Nhị tiểu thư và Tam tiểu thư đều dẫn theo nha hoàn làm thành một đoàn xuất phủ đạp thanh. Tam di nương vẫn mang theo cặp song sinh, Nguyễn Nhược Nhược cũng là lần đầu trông thấy hai tiểu đệ này. Mi mắt tuấn tú, da tuyết trắng như phấn, chân chính là “phấn điêu ngọc trác”. Hai đứa nhóc này quả rất hiếu động, chạy nhảy một hồi là không có một khắc an bình.
Một đoàn ba chiếc xe ngựa thẳng hướng bờ sông đi tới. Nơi này từ sớm đã đông đúc du khách, vô số giai nhân lui tới. Những chàng công tử “cẩm y ngọc đái” ra vô nườm nượm, thật giống như đàn ong bướm bay rập rờn. Tháng ba đạp thanh thưởng xuân chính là cơ hội tốt cho vô số tài tử giai nhân gặp nhau, tình chàng ý thiếp, ngây ngất trong cảnh xuân quang mị hoặc.
Du khách quá đông, người Nguyễn phủ liền bị tản mát. Hạnh Nhi như hình với bóng không rời khỏi Nguyễn Nhược Nhược đang hướng đến một chỗ trống gần bờ sông mà chen tới. Sắc xuân thật là đẹp, vô số gốc hoa đào tựa như một dải lụa màu hồng, cành liễu xanh nhè nhẹ lay động trong gió, gió xuân lại ấm áp khiến nàng cảm thấy như sắp sửa bị cảnh xuân quang này chuốc say.
Nguyễn Nhược Nhược đang say sưa thưởng thức cảnh đẹp thì chợt thấy phía trước một trận tao động, vốn là một đám người đang ồn ào bước tới, vây quanh dày đặc đến độ không chỗ chen chân vào. “Hạnh Nhi, phía trước sao vậy? Xảy ra chuyện gì sao?”

Hạnh Nhi nhìn quanh một lượt liền chín mười phần khẳng định: “Tiểu thư, không phải xảy ra chuyện gì, nhất định là biểu thiếu gia tới. Hàng năm tháng ba hắn sẽ phụng bồi Ngọc phu nhân tới đạp thanh thưởng xuân.”
“Ngươi chắc chứ?” Nguyễn Nhược Nhược hỏi lại, “Một mình hắn đã làm thiên hạ loạn đến dường này sao?”
“Điều này là tất nhiên, không phải nói quá, biểu thiếu gia bình thường xuất hành đều có một đám thiếu nữ tụ tập phía sau đi theo hắn. Hôm nay tháng ba, bờ sông có biết bao nữ tử tụ tập, hắn nửa bước cũng khó đi.”
A ha, hắn chỉ mới đi tới đằng kia thì ở đây trật tự giao thông đã loạn thành thế này rồi, ai nói mị lực vô hình? Mị lực của Ngọc Liên Thành đích thị là có thể sờ thấy được. Không tin thì cứ thử nhìn cái đám đông bát nháo phía trước xem.
Đám người nọ tụ tập càng lúc càng đông, thỉnh thoảng lại có ba bốn thiếu nữ cầm giỏ hoa gia nhập, đây là muốn chuẩn bị tát tiên hoa cho hắn nè. Nguyễn Nhược Nhược từ lâu đã muốn tận mắt chiêm ngưỡng phương thức biểu đạt tình ý lãng mạng của các thiếu nữ Trường An thành, chẳng qua là…”bức tường người” đó nước chảy còn không qua lọt thì nàng làm sao nhìn thấy được bên trong? Ngó quanh quẩn, vừa may thấy gốc cây đào to lớn bên cạnh, cành lá cứng cáp xum xuê có thể dễ dàng leo lên. Không cần suy nghĩ nhiều, Nguyễn Nhược Nhược sẽ phải trèo lên đấy.
“Tiểu thư, ngươi định làm gì?” Hạnh Nhi đứng bên cạnh kinh ngạc nhìn nàng.
“Ta không trèo lên thì làm sao nhìn thấy người kia được?” Nguyễn Nhược Ngược còn nghĩ là nàng ta “chậm tiêu”.

“Tiểu thư, nơi này người đông…người…người thân nữ nhi tại sao có thể leo trèo như thế được” Hạnh mà dậm chân trách móc.
Nguyễn Nhược Nhược tỉnh ngộ, thở dài một tiếng, chỉ đành phải đàng hoàng làm một nữ nhi đoan trang. Nhìn đám người nọ từ từ bước qua đây, nàng liều mạng nhón mũi chân, đầu ngóng cao. Chỉ thấy được đám đông lúc nhúc vây cứng xung quanh, cứ như là bao thành một vòng vây đi tới, đến cả cái bóng của Ngọc Liên Thành cũng không nhìn thấy. Nàng lại nhìn thấy vô số cánh hoa bị ném vào trung tâm đám đông đó, dày đặc như một cơn mưa hoa. Tình huống như vậy đúng là trước đây chưa từng gặp, nàng cứng lưỡi trừng mắt nhìn. Đám người dần dần dời đi, Nguyễn Nhược Nhược tỉnh hồn lại, sinh ra cảm xúc vô hạn, “Hạnh Nhi, biểu thiếu gia được hoan nghênh như vậy, nhìn qua là cảnh tượng vô hạn nhưng thật ra khổ tâm kể không hết nha. Hắn đi tới, đám người kia liền bám theo, y hệt như một bức tường, còn có chút gì tự do cá nhân nàp đâu. Nếu không phải hắn tinh thần cứng cỏi, cũng chỉ e là…” Nói cao hứng, suýt nữa nàng đã phát ra mấy lời bất hảo nên liền ngậm miệng lại.
Hạnh Nhi mở to hai mắt, “Tiểu thư, cái gì là tự do cá nhân?” Nha đầu này thật đúng là có tinh thần cầu học, không hiểu liền hỏi. Nguyễn Nhược Nhược đang có hứng, hăng hái định giải thích thì chợt thấy phía trước xáo động.
“A, sao vậy? Chẳng lẽ lại có thêm một mỹ nhân tới nữa?” Nguyễn Nhược Nhược hỏi Hạnh Nhi.
Không đợi Hạnh Nhi trả lời, nàng cũng đã nghe ra đám bát nháo phía trước có người khàn giọng la: “Không xong, có người rơi xuống nước rồi. Mau cứu người a!”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.