Hợp Ý

Chương 17


Đọc truyện Hợp Ý – Chương 17

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –

Nhà kính chỉ là trạm dừng đầu tiên của Đỗ Yến Lễ. Sau khi chăm sóc mớ hoa cỏ xong, người đàn ông lại tiếp tục kế hoạch của mình.

Ngoại trừ nhà kính, trong hoa viên biệt thự còn có nhà kho chứa các dụng cụ cần thiết, ví dụ như bộ dụng cụ làm gỗ và nặn gốm sứ.

Năm ngoái Đỗ Yến Lễ học nặn gốm, khi ấy anh khá hứng thú với hình dáng và màu sắc nhã nhặn của chúng. Còn năm nay Đỗ Yến Lễ lại học điêu khắc, cứ chọn một khối gỗ tốt rồi ngồi đẽo gọt. Có lúc Đỗ Yến Lễ làm đồ gia cụ chỉ to bằng bàn tay, có lúc làm hình cá chép đang lắc đầu vẫy đuôi, hoặc một con cua đang giơ càng chẳng hạn, cảm giác tạo được một thứ gì đó cầu kỳ tỉ mỉ rất thỏa mãn.

Hiện giờ, trong tay Đỗ Yến Lễ là một món đồ trang trí nhỏ chưa hoàn thành.

Đây là miếng gỗ to bằng lòng bàn tay anh đã “nghịch” được gần nửa năm, chất gỗ không tệ, thích hợp để bày trên bàn làm việc. Mới đầu Đỗ Yến Lễ cũng không suy nghĩ nhiều, tình cờ nhìn thấy con lười trên chương trình thế giới động vật, anh liền quyết định làm một con lười ôm thân cây.

Đỗ Yến Lễ lục tục đẽo gọt, thỉnh thoảng lại khắc riêng mấy con vật khác, cuối cùng cũng hoàn thành 80% món đồ này, giờ chỉ còn dư lại phía dưới góc trái. Anh dự định khắc thêm một con lười nữa, một trên một dưới để chúng có bạn.

Qua một thời gian dài nên tay nghề cũng khác biệt, nhưng Đỗ Yến Lễ không để ý chút tỳ vết đó. Ở phương diện này, anh vẫn rất khoan dung với bản thân mình. Chỉ là sở thích mà thôi, có mục tiêu thì tốt, không cần đặt nặng quá.

Đỗ Yến Lễ bình thản chuẩn bị khởi công.

Đan Dẫn Sanh lại há hốc mồm, không thể tin vào mắt mình.

Đỗ Yến Lễ biết vẽ thì thôi, lại còn biết pha chế rượu.

Biết pha chế rượu thì thôi, lại còn biết làm vườn.

Biết làm vườn thì cũng thôi, nhưng anh ta còn biết điêu khắc!

Hắn nhất thời hoảng hốt, không khỏi nghiêm túc suy nghĩ xem một vị tổng giám đốc bình thường là như thế nào.

Ờ, chắc chắn không giống mình rồi.

Tối ngày lướt web, chạy theo mốt mới, bao dưỡng vài tiểu minh tinh, thỉnh thoảng lại cãi nhau với người nhà…

Lịch công tác của hắn rảnh đến vậy mà hắn vẫn thấy không đủ thời gian.

Đan Dẫn Sanh càng nghĩ càng khó lòng tin nổi, vì vậy hắn lắc lắc đầu, quan sát kỹ xung quanh. Vừa liếc một cái, sự chú ý của hắn đã bị kệ trưng bày trong góc nhà kho hấp dẫn.

Các loại đồ gốm to nhỏ, tượng gỗ đủ kiểu, tất cả đều được xếp thành hàng trên kệ.

Đập vào mắt Đan Dẫn Sanh là một chiếc bình hoa cổ cao đặt ở góc trái, trong bình cắm một đóa hoa hồng, miệng bình vẽ một cặp chim yến đang bay. Bình trắng, chim yến đen, hoa hồng đỏ, trông đẹp như một bức tranh vậy.

Tiếp đó, hắn còn thấy một bộ gia cụ bằng gỗ, từ giường tủ đến bàn ghế đều nhỏ cỡ quả nhãn, vừa tinh xảo khéo léo vừa đáng yêu.

Đan Dẫn Sanh bắt đầu tin rằng Đỗ Yến Lễ quả thật cái gì cũng biết, một ngày của anh không phải 24 tiếng mà là 48 tiếng, quá khủng!

Xuất phát từ sự thán phục trong lòng, Đan Dẫn Sanh sáp qua chỗ Đỗ Yến Lễ: “Nào nào, đột nhiên tôi thấy trò này cũng hay đấy chứ. Đỗ tiên sinh, ngài mau dạy tôi đi!”


Đỗ Yến Lễ dừng tay, anh nhìn đôi mắt sáng rực như đèn pha ô tô của Đan Dẫn Sanh, sau đó lại nhìn bộ dao khắc đang để ngay bên cạnh. Đỗ Yến Lễ lặng lẽ dịch nó ra xa, mất công lại có tai nạn đổ máu.

Mới được mấy phút, Đan Dẫn Sanh đã cầm một khúc gỗ dài lên, tay kia cầm một cái cưa tổ chảng, tiếp tục hỏi: “Nếu tôi muốn khắc một thứ to cỡ nắm tay thì dùng khúc gỗ này được không? Hay phải cắt bớt?”

Dự cảm xấu trong lòng càng thêm khủng bố.

Đỗ Yến Lễ để đồ trong tay xuống, đứng dậy, lấy khúc gỗ và cưa từ tay Đan Dẫn Sanh ra, sau đó ấn hắn ngồi xuống chỗ nặn gốm. Anh rút một quyển sách trên kệ đặt trước mặt hắn, lật thẳng tới số trang cần thiết.

Đan Dẫn Sanh cúi đầu nhìn.

“Học nặn gốm từ con số 0 – Phân biệt các loại đất sét.”

Đỗ Yến Lễ kiên quyết bắt Đan Dẫn Sanh tránh xa đống dụng cụ sắc nhọn: “Cái này an toàn hơn.”

Hàng không đúng mẫu, Đan Dẫn Sanh lại bắt đầu đòi hỏi: “Tôi muốn anh dạy tôi.”

Đỗ Yến Lễ nhướng mày: “Cậu mất khả năng đọc hiểu rồi hả?”

Đan Dẫn Sanh: “…”

Một câu nói kết thúc tranh chấp.

Đỗ Yến Lễ tiếp tục khắc gỗ. Anh không nhìn Đan Dẫn Sanh đang loay hoay bên cạnh, trong lòng vẫn còn hơi kinh ngạc, không ngờ đối phương lại chịu đi theo anh lâu như vậy.

Với tính tình của cậu ta, dù có điều lệ phải “đón ý nói hùa” đi chăng nữa, đáng lẽ cậu ta phải mất kiên nhẫn rồi bỏ chạy mới đúng.

Nhưng Đan Dẫn Sanh vẫn ở lại cạnh anh.

Nghĩ tới đây, anh chợt nhớ về nụ hôn thơm mùi sữa ban sáng.

Dao khắc trong tay Đỗ Yến Lễ bỗng chệch một cái.

Kế hoạch ban đầu bị thay đổi một cách vô cùng vi diệu, con lười thứ hai đang khắc dở để làm bạn với con lười thứ nhất bỗng dưng biến thành một con khỉ.

Con khỉ ngẩng đầu, cái đuôi giơ cao, đưa tay cào cào với với, nhưng mãi vẫn không cào tới con lười đang nằm phía trên.

Đỗ Yến Lễ nở nụ cười sâu xa.

Anh dồn hết tất cả những ấn tượng “hài hước” của Đan Dẫn Sanh trong lòng mình lên con khỉ kia.

Đỗ Yến Lễ khắc rất chăm chú, chẳng thèm đoái hoài đến bên này. Đan Dẫn Sanh hết cách, đành vừa đọc sách vừa tự mày mò nghiên cứu. Hắn lật qua lật lại đọc sơ sơ, phát hiện mấy bước đầu hình như cũng không khó lắm. Món gì Đỗ Yến Lễ cũng làm, tính ra nặn đồ sứ khá đơn giản.

Cơ mà đồ sứ chơi đâu có vui, ngồi vọc bùn chỉ để nặn ra một cái cốc hay cái đĩa gì đó nghe cứ ngu ngu thế nào.

Đan Dẫn Sanh cầm quyển sách cân nhắc một hồi, liếc mắt nhìn Đỗ Yến Lễ, chợt nảy ra một ý tưởng.


Bằng không… mình nặn chibi hình Đỗ Yến Lễ đi?

Dao khắc chuyển động trên mặt gỗ, từng âm thanh nhỏ vụn vang lên trong nhà kho, bóng nắng cũng theo mặt trời ngoài cửa sổ mà di chuyển theo thời gian.

Căn phòng yên tĩnh, hai người tự làm chuyện của mình, không ai quấy rầy ai.

Chậm rãi tạo hình con khỉ xong, Đỗ Yến Lễ đưa tượng gỗ ra xa ngắm nghía.

Trông cũng được.

Nhưng anh vẫn thấy thiếu thiếu thứ gì.

Đỗ Yến Lễ hơi trầm ngâm, trong đầu đột nhiên lóe lên hình ảnh bắt gặp ban sáng.

Làn tóc rối rơi xuống trán gã đàn ông trẻ tuổi, phủ một lớp bóng mờ lên gương mặt người nọ.

Hắn ngủ yên trên gối, thần sắc yên tĩnh.

Lưỡi dao giật giật, gọt thêm mấy cọng lông chỉa ra đón gió trên đầu con khỉ.

Ừm, đạt chuẩn “nội dung và hình thức”. (1)

Anh hài lòng cất dao rồi đứng dậy khỏi ghế, vừa định đặt tác phẩm mới hoàn thành lên giá, chợt nghe sau lưng vang lên tiếng “coong coong”!

Âm thanh đột ngột khiến Đỗ Yến Lễ ngạc nhiên quay đầu lại, Đan Dẫn Sanh nở nụ cười bí hiểm với anh, nói: “Thế nào? Tôi nặn cũng đẹp mà đúng không? Anh xem có giống anh không này!”

Khi ấy Đỗ Yến Lễ mới nhìn thấy thứ Đan Dẫn Sanh đang cầm.

Một con búp bê đất sét.

Búp bê đầu to người nhỏ, thấp lè tè đứng trên khay, nhìn loạng choà loạng choạng, thế mà trọng tâm lại vững vàng, không bị ngã.

Cổ tay nó đeo một cái đồng hồ, trên người còn được Đan Dẫn Sanh dùng móng tay tỉ mỉ vẽ hình cổ áo Âu phục và cà vạt. Có điều vị trí mắt của búp bê lại bị hai chữ “Y” thay thế.

Đỗ Yến Lễ phải nhìn kỹ lại, xác định chữ Y không có mấy dấu gạch ngang. Anh chỉ vào hai chữ đó, hỏi: “Đây là cái gì?”

Đan Dẫn Sanh: “Viết tắt của hai chữ ‘Yến Yến’ đó!”

(Chữ Y có dấu gạch ngang => ¥ aka ký hiệu đồng yen của Nhật. Ý là anh Lễ phải kiểm tra xem Sanh Sanh có chửi anh mê tiền không.)

Lúc nói câu đó, gã đàn ông trông rất kiêu ngạo, y như chim công đang xòe đuôi: “Sao hả? Dễ thương lắm đúng không, tặng anh đó!”

Bầu không khí chợt trầm xuống, xung quanh lặng ngắt như tờ.


Vẻ mặt của Đan Dẫn Sanh từ đắc ý biến thành cau có bất mãn: “Anh không thích?”

Đỗ Yến Lễ nhìn Đan Dẫn Sanh bằng một ánh mắt khá là phức tạp.

Nhưng anh không từ chối hắn, người đàn ông cầm lấy thành phẩm nửa vời trong tay Đan Dẫn Sanh đặt tạm lên kệ trưng bày, thuận tiện để nó đứng cạnh bức tượng gỗ của mình.

Giữa một đống đồ gốm và tượng gỗ đạt tiêu chuẩn, con búp bê méo mó kia nom vô cùng bắt mắt.

Hai người đứng trước kệ, im lặng nhìn.

Đan Dẫn Sanh lên tiếng: “Hình như hơi xấu.”

Đỗ Yến Lễ đáp: “Ừm.”

Đan Dẫn Sanh: “Thế anh chấm phần thi phối hợp hôm nay của tôi mấy điểm?”

Đỗ Yến Lễ: “Ừm, khoảng…”

Đan Dẫn Sanh: “Thôi, tôi không muốn nghe nữa.”

Đan Dẫn Sanh có hơi bực bội, sự khó chịu ấy khiến hắn nảy ra ý xấu. Hắn nhìn chằm chằm cái kệ, suy nghĩ hồi lâu, quyết định cuỗm cái thứ gần nhất đang dìm hàng búp bê của mình đi.

Không ra tay được từ bên ngoài thì ra tay từ bên trong. Không có gì so sánh thì tự nhiên giá trị nhan sắc của món quà sẽ tăng cao.

Đan Dẫn Sanh xảo quyệt nói: “Tôi tặng quà cho anh thì anh cũng phải tặng lại cho tôi mới đúng. Tôi muốn bức tượng hình con lười và con khỉ kia!”

Nói đoạn, hắn mong đợi nhìn Đỗ Yến Lễ, chợt phát hiện Đỗ Yến Lễ đang liếc mình, một nụ cười thoáng nhẹ bên khóe môi.

Hả?

Đan Dẫn Sanh nhất thời sững sờ.

Mình có nói gì đâu, sao Đỗ Yến Lễ lại cười?

Đỗ Yến Lễ không kìm lòng được khẽ mỉm cười. Anh không biết Đan Dẫn Sanh đã phát hiện ra đầu mối, hay là do bản chất nhạy cảm của hắn.

Dù xuất phát từ lý do gì, đối phương đều chọn trúng món đồ thích hợp nhất.

Đỗ Yến Lễ chưa bao giờ tặng thứ mình làm cho người khác nhưng lại phá lệ lần này. Anh cầm tượng gỗ đưa cho Đan Dẫn Sanh, một câu hai nghĩa: “Quà đáp lễ của cậu.”

Không chỉ để đáp lễ lại món quà của cậu, mà do tôi cũng muốn tặng nó cho bản thân cậu.

Dù sao thì… lần hợp tác này, tuy Đỗ Yến Lễ cảm thấy rất phiền toái, nhưng cũng có lạc thú riêng trong đó.

Giống như con búp bê bằng đất sét kia, tuy xấu nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì vẫn có điểm đáng yêu.

Tượng gỗ nằng nặng nằm gọn trong lòng bàn tay, ngón tay đan xen vào nhau, Đan Dẫn Sanh đụng tới đầu ngón tay lạnh lẽo quen thuộc nọ.

Nhiệt độ cơ thể của đối phương vốn thấp hơn bình thường, mang lại cảm giác lạnh lùng giống như tính cách của anh vậy.

Mà Đỗ Yến Lễ…

Đan Dẫn Sanh nhìn Đỗ Yến Lễ khẽ cong môi, nếp nhăn nơi khóe miệng kia chẳng khác nào gợn sóng khi chuồn chuồn chạm mặt nước, loáng cái đã tiêu tan.


Hắn chợt nghĩ, thật ra Đỗ Yến Lễ cũng không phải là người lạnh lùng như thế, chỉ khi tiếp xúc lâu với anh mới cảm nhận được sự ấm áp ẩn sâu bên dưới.

Thăm thú vườn hoa và nhà kho xong thì cũng vừa đến trưa.

Sau khi dùng cơm, Đỗ Yến Lễ theo thói quen thường ngày chợp mắt một lát.

Anh nằm dài trên ghế salon trong phòng khách, mặt trời ban trưa vẽ một quầng sáng trên nền nhà, vài bóng nắng nhảy nhót lan tới đầu ngón tay anh, ấm áp vô cùng.

Đỗ Yến Lễ lười biếng không muốn nhúc nhích.

Anh chìm nổi trong giấc ngủ phập phù, lúc mơ lúc tỉnh, cho đến khi anh chợt cảm giác có người đến gần.

Đỗ Yến Lễ chưa kịp mở mắt ra, bàn tay trên ghế đã bị người nọ chạm vào.

Ngón tay đối phương vuốt ve khớp xương, lưu luyến do dự, Đỗ Yến Lễ biết đối phương đang nắm chặt tay mình.

Cuối cùng, người nọ chỉ nhẹ nhàng đưa tay bao trùm mu bàn tay anh, một thanh âm vang lên.

“Đỗ Yến Lễ.”

Là Đan Dẫn Sanh.

Sự yên tĩnh kéo dài trong chốc lát, Đan Dẫn Sanh lại cất tiếng, giọng nói vẫn khẽ khàng. Nhưng lần này, Đỗ Yến Lễ lại nghe được ý cười và sự khó hiểu trong đó.

Đối phương gọi: “Đỗ tiên sinh.”

Lần này, Đỗ Yến Lễ quyết định không mở mắt nữa.

Anh có linh cảm rằng giả bộ ngủ sẽ tốt hơn.

Sau một chốc, âm thanh của Đan Dẫn Sanh lần thứ ba xuất hiện, nghe như tiếng gió thì thầm bên tai.

“Anh thật là một người kỳ lạ. Sao anh… lại xa cách đến thế.”

Ánh sáng mặt trời chiếu trên tay Đỗ Yến Lễ, nhưng nhiệt độ đó không biết là của nắng hay của người nọ mang tới.

Đỗ Yến Lễ yên lặng, vẫn giữ phong thái như hôm qua lúc bàn luận với Đan Dẫn Sanh.

Không gây rắc rối thì sẽ không gặp rắc rối.

Anh sẽ không nảy sinh tình cảm khi đang ký loại hợp đồng này, đây là nguyên tắc quan trọng nhất của quan hệ bao dưỡng cũng như hợp đồng dạy cách bao dưỡng.

Cơ thể không liên quan đến cảm xúc.

Không ai nên động lòng.

Đan Dẫn Sanh cũng phải hiểu rõ vấn đề đó, mình sẽ ám chỉ cho cậu ta, đánh gãy ảo giác không đáng có kia.

Thời gian thì… chọn hôm nay luôn vậy.

————————————————

(1) Nội dung và hình thức: Là một phạm trù của chủ nghĩa Mác Lê-nin. Nội dung và hình thức luôn gắn bó chặt chẽ, không tách rời nhau. Nghĩa là anh Lễ khắc một con khỉ mà vừa nhìn người ta đã biết tính tình nó quậy phá nhí nhố ngay, thể hiện rất rõ bản chất của Sanh Sanh =)).


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.