Hồng Lâu Mộng

Chương 9: Giả Bảo Ngọc mới thử cuộc mây mưa


Đọc truyện Hồng Lâu Mộng – Chương 9: Giả Bảo Ngọc mới thử cuộc mây mưa

Giả Bảo Ngọc mới thử cuộc mây mưa

Lưu lão lão đến thăm phủ Vinh quốc

Sớm gõ cửa nhà giàu,

Nhà giàu cũng chưa đủ.

Tuy không tặng nghìn vàng,

Tình còn hơn máu mủ.

Tần thị nghe thấy Bảo Ngọc nằm mê gọi tên tục mình, bụng lấy làm buồn, nhưng không tiện hỏi kỹ.

Lúc này Bảo Ngọc vẫn còn mê man, bâng khuâng như mất cái gì. Mọi người bưng bát nước hoa quế đến, Bảo Ngọc uống hai ngụm mới đứng dậy sửa lại quần áo. Tập Nhân đến buộc hộ thắt lưng, vừa thò tay vào đùi Bảo Ngọc, thấy một đám dính như hồ lành lạnh, Tập Nhân giật mình co tay lại hỏi:

– Cái gì thế này?

Bảo Ngọc đỏ bừng mặt, bấm mạnh tay Tập Nhân một cái. Tập Nhân là gái thông minh, hơn Bảo Ngọc hai tuổi. Gần đây cô ta cũng hơi biết mùi đời, thấy thế trong bụng hiểu ngay một phần nào, tự nhiên má đỏ bừng lên, không hỏi nữa, cứ thế sửa lại quần áo cho Bảo Ngọc rồi đưa đến chỗ Giả mẫu. Bảo Ngọc ăn qua loa bữa cơm chiều, trở ngay về nhà. Gặp lúc vắng người hầu, Tập Nhân lấy ngay quần lót cho Bảo Ngọc thaỵ Bảo Ngọc ngượng nghịu:

– Chị đừng cho ai biết nhé!

Tập Nhân cũng ngượng nghịu cười khẽ:

– Cậu mơ gì thế? Cái này ở đâu chảy ra thế?

– Không sao nói hết được.

Bảo Ngọc liền đem việc trong mộng kể lại tỉ mỉ cho Tập Nhân nghe. Khi nói đến cuộc mây mưa mà tiên cô truyền cho, làm Tập Nhân xấu hổ, bưng mặt gục đầu xuống cười. Bảo Ngọc xưa nay vẫn thích Tập Nhân có vẻ nhu mì, xinh xắn, bèn nài Tập Nhân cùng mình diễn lại những việc nàng tiên Cảnh ảo đã chỉ dẫn trong mộng. Tập Nhân biết Giả mẫu đã giao mình cho Bảo Ngọc, dù sao cũng không vượt qua khuôn phép, nên bằng lòng, may không ai trông thấy cả.

Từ đấy, Bảo Ngọc biệt đãi Tập Nhân hơn hẳn mọi người. Tập Nhân cũng hết lòng hầu hạ Bảo Ngọc hơn trước.

Nay nói đến phủ Vinh, người không đông lắm, tính trên dưới có tới ba bốn trăm, việc không nhiều lắm, một ngày xử độ vài mươi vụ, rối beng như mối tơ vò, không biết lần từ đâu. Vậy thì nên lấy việc gì, người nào làm đầu mối mà viết truyện được.

Bỗng có một nhà tầm thường, nhỏ nhặt ở xa ngàn dặm, có bà con họ hàng với phủ Vinh, hôm nay đến phủ thăm hỏi, nên nhân tiện xin bắt đầu câu chuyện từ nhà ấy. Các vị ngẫm xem nhà ấy là ai, có bà con gì với phủ Vinh?

Nguyên cái nhà tầm thường ấy là họ Vương, người địa phương này, đời ông làm chức quan nhỏ, trước có quen biết ông của Phượng Thư là bố Vương phu nhân. Vì ham thế lợi nhà họ Vương nên ông ta đến nhận họ và xưng là cháu.

Bấy giờ chỉ có bố Phượng Thư là anh cả Vương phu nhân và Vương phu nhân ở Kinh mới biết có người họ xa này, còn không ai biết cả. Sau đó, người ông mất sớm, chỉ có một con tên là Vương Thành. Vì nhà sa sút phải dọn ra một cái xóm ngoại thành. Vương Thành cũng chết, có con là Cẩu Nhi, lấy vợ họ Lưu, đẻ được một trai đặt tên là Bản, một gái là Thanh. Cả nhà bốn miệng ăn, chuyên nghề làm ruộng. Cẩu Nhi phải đi làm ở ngoài, họ Lưu thì gánh nước, giã gạo, bận rộn suốt ngày. Hai chị em con Thanh, thằng Bản không có người trông nom, nên Cẩu Nhi mời mẹ vợ là già Lưu đến giúp hộ.

Già Lưu góa chồng từ lâu, không có con trai, sống nhờ vào hai mẫu ruộng xấu. Nay con rể mời đến ở, lẽ nào lại không bằng lòng, vì thế già tận tình giúp đỡ rể và con gái. Năm ấy cuối thu sang đông, trời sắp rét, trong nhà chưa có đồ mặc ấm, Cẩu Nhi không khỏi buồn bực, uống vài ly rượu, đâm ra bẳn gắt. Vợ không dám nói động đến. Già Lưu thấy vậy khó chịu mới khuyên:

– Này anh rể ơi! Anh đừng giận tôi lắm điều nhé! Chúng ta là người nhà quê thực thà, hay ăn to nói lớn. Anh còn trẻ tuổi, nhờ bố mẹ ăn mặc đầy đủ quen rồi, nên mới thấy thế đã khó chịu. Khi có tiền thì anh ăn tiêu bừa bãi, lúc hết tiền đâm ra cáu kỉnh, như thế sao gọi là tài trai, là đại trượng phu được? Chúng ta tuy xa thành thị, nhưng vẫn ở trong Kinh độ Thành Trường An này chỗ nào chẳng kiếm ra tiền, chỉ tại mình không biết đấy thôi. Anh cứ ở nhà cáu kỉnh thì được cái gì?

Cẩu Nhi nghe thấy thế vội nói:

– Bà chỉ ngồi xó bếp nói bừa! Bà bảo tôi đi ăn cướp à?

Già Lưu nói:

– Ai bảo anh đi ăn cướp. Chúng ta phải tìm cách gì để sinh sống, nếu không, khi nào tiền nó chạy vào túi mình.

Cẩu Nhi cười nhạt:

– Nếu có cách kiếm tiền thì tôi chẳng đến nỗi này. Tôi không có họ hàng với người thu thuế, bạn bè với người làm quan, thì lần đâu cho rả Họ có đấy, nhưng ai thèm nghĩ đến chúng ta?

Già Lưu nói:

– Không phải thế, người ta chỉ biết lo việc, còn được hay không là nhờ trời. Chúng ta cứ lo đi, may nhờ Phật phù hộ sẽ gặp dịp tốt cũng chưa biết chừng. Tôi sẽ tìm cho anh một cách. Ngày trước nhà anh nhận họ với họ Vương ở Kim Lăng. Hai mươi năm trước đây, họ đối với nhà anh cũng từ tế. Bây giờ anh lại làm bộ không chịu đến thăm họ, thành ra xa hẳn đi. Nhớ lúc trước, mẹ con tôi đã có lần đến đó. Cô thứ hai nhà ấy tính tình nhũn nhặn, không hay kênh kiệu, rất rộng rãi đối với mọi người, giờ là phu nhân họ Giả ở phủ Vinh. Nghe đâu bà ấy đã có tuổi, biết thương người già, kẻ khó, hay bố thí cho sư sãi. Hiện giờ họ Vương được thăng quan ra ngoài biên rồi, nhưng chắc thế nào bà ấy cũng còn nhớ chúng tạ Tại sao anh không chịu đến thăm? May ra bà ấy nghĩ đến người cũ, giúp đỡ ít nhiều cũng chưa biết chừng. Chỉ cốt họ có lòng tốt, nhổ ra một sợi lông măng còn to hơn cái lưng chúng ta.

Vợ Cẩu Nhi nói theo:

– Bà nói phải đấy. Nhưng anh ấy với tôi người ngợm thế này thì làm sao đến nhà người ta được. Chỉ sợ người gác cửa không cho vào thôi.

Cẩu Nhi vốn nặng lòng danh lợi, vừa nghe mẹ vợ nói, trong lòng đã ngứa ngáy. sau lại nghe vợ nói liền, cười nói:

– Bà nói phải đấy. Ngày trước đã có lần bà đến thăm bà ấy, thế thì ngày mai bà nên đi một chuyến nữa, nghe ngóng ra sao?

Già Lưu nói:

– Chao ôi, người ta thường nói: “Cửa nhà quan sâu như bể.” Ta là cái thá gì, lại không quen biết ai, thì đi cũng uổng công thôi.

Cẩu Nhi nói:

– Không sao, tôi sẽ bảo cách. Bà dắt cháu Bản đi. Trước hết bà tìm đến Chu Thuỵ là người hầu bà Vương lúc mới về nhà chồng. Gặp được ông ấy, ta sẽ có phần chắc đấy. Ngày trước, cha tôi có giúp ông ấy một việc, từ đấy hai bên đi lại rất tử tế với nhau.

Già Lưu nói:


– Tôi hiểu rồi. Nhưng lâu nay mình không đến thăm, không biết người ta thế nào, thành ra cũng khó nói. Anh là đàn ông, ăn nói lỗ mãng, cố nhiên không nên đến. Vợ anh còn non trẻ cũng không nên xông xáo. Thôi, để gái già này đành giơ mặt hứng lấy việc vậy. Nếu được may mắn thì cả nhà cũng có lợi đấy.

Chiều hôm ấy bàn định xong, hôm sau, trời chưa sáng rõ, già Lưu đã dậy rửa mặt, chải đầu, rồi dặn cháu Bản mấy câu. Đứa bé mới năm, sáu tuổi, nghe nói được ra tỉnh chơi, mừng tíu lên, bảo gì cũng vâng.

Già Lưu dắt thằng Bản vào thành. Khi đến phố Ninh- Vinh, cạnh con sư tử đá ở trước cửa phủ Vinh, thấy chật ních những ngựa và kiệu. Già Lưu đứng lại, phủi quần áo, dặn cháu Bản mấy câu rồi chạy đến chỗ cửa nách. Thấy mấy người đương ngồi trên ghế lớn, ưỡn ngực, phưỡn bụng, khoa chân múa tay, nói chuyện ba hoa, già Lưu rón rén lại chào:

– Lạy các ông ạ!

Mọi người ngắm nghía một lúc rồi hỏi:

– Ở đâu đến đây?

Già Lưu cười đáp:

– Tôi cần hỏi ông Chu là người theo hầu Vương phu nhân, nhờ ông mời ra hộ.

Không ai thèm để ý đến. Một lúc lâu họ mới trả lời:

– Hãy lại góc tường thật xa đằng kia mà chờ. Chốc nữa trong nhà sẽ có người ra.

Trong bọn, có một người lớn tuổi, nói:

– Đừng làm người ta nhỡ việc.

Rồi ngoảnh lại hỏi già Lưu:

– Ông Chu đi sang bên Nam rồi. Nhà ở phía sau, chỉ có bà ấy ở nhà thôi. Mụ đi vòng ra cửa sau mà vào.

Già Lưu cảm ơn, dắt cháu Bản đi vòng ra cửa sau. Thấy trước cửa có nhiều gánh hàng bán thức ăn, bán đồ chơi, lại có mấy chục đứa trẻ đang đùa nghịch ầm ỹ, già Lưu níu lấy một đứa hỏi:

– Hỏi cậu một tí, bà Chu có nhà không?

Đứa bé trừng mắt:

– Bà Chu nào? ở đây có ba bà Chu kia. Còn hai bà Chu nữa. Không biết bà Chu nào?

– Bà ấy là người theo hầu Vương phu nhân.

– Thế thì dễ thôi. Bà cứ đi theo tôi.

Rồi nó lon xon dẫn già Lưu đến bên cạnh tường sau dinh, trỏ bảo:

– Đấy nhà bà ấy đấy.

Nói rồi lại gọi to:

– Bà Chu ơi, có bà già nào hỏi đấy.

Vợ Chu Thụy vội chạy ra hỏi:

– Bà nào đấy?

Già Lưu đon đả chạy lại cười nói:

– Bà chị có được khỏe không?

Vợ Chu Thụy nhìn một lúc rồi cười nói:

– À bà Lưu! Bà vẫn khỏe đấy chứ! đã mấy năm nay không gặp, thành ra tôi quên mất. Xin mời bà vào nhà chơi.

Già Lưu vừa đi vừa cười nói:

– Bây giờ bà sang rồi, hay quên là phải, còn nhớ gì đến chúng tôi nữa.

Nói xong vào trong nhà.

Vợ Chu Thụy sai con bé pha trà uống, rồi hỏi:

– Cháu Bản đã lớn thế kia à?

Sau mấy câu chuyện kể lại trong khi xa nhau, bà Chu

hỏi già Lưu:

– Hôm nay bà đi qua tạt vào chơi, hay chủ ý đến đây có việc gì?


Già Lưu nói:

– Hôm nay tôi chủ ý đến thăm bà chị, sau nữa muốn đến hầu cả bà Vương. Nếu có thể đưa tôi đến được càng hay, bằng không thì nhờ bà chị nói giúp.

Bà Chu nghe nói đã phần nào đoán được chủ ý của già Lưu. Vì chồng bà Chu trước kia nhờ thế lực bố Cẩu Nhi mới mua tranh được ít ruộng đất. Nay thấy già Lưu nói thế, bà Chu không tiện chối từ, mặt khác muốn tỏ ra là mình có thể diện nên cười nói:

– Bà cứ yên tâm, ở xa thế mà cũng chịu khó đến đây, lẽ nào tôi không dẫn đến chầu đức Phật bà. Cứ lẽ ra, những người đi lại đây không can dự gì đến tôi cả. Mỗi người một việc. Ông nhà tôi một năm hai mùa đi thu tô, lúc rồi thì dắt các cậu đi chơi, thế là hết. Còn tôi, chỉ có việc theo hầu các bà các cô đi chơi thôi. Vì bà là người bà con với bà Hai, vả lại cần đến tôi, tôi xin cố sức giúp hộ. Nhưng có một việc chắc bà không biết, ở đây không như năm năm về trước nữa đâu. Hiện giờ bà Hai không nhìn đến việc gì, tất cả đều giao cho mợ Liễn trông coi. Bà thử đoán xem mợ Liễn là ai? Tức là cháu gái bà Hai, con gái nhà ông cậu, lúc nhỏ cứ gọi là cô Phượng đấy.

Già Lưu nghe vậy lấy làm lạ lùng, hỏi:

– Thế ra cô ấy đấy à? Không trách được! Trước tôi vẫn nói cô ta khá lắm. Thế ra hôm nay tôi lại được gặp.

– Việc ấy cố nhiên rồi. Bây giờ bà Hai còn bận nhiều việc. Hễ khách nào đến có thể đẩy được là đẩy cho mợ Phượng săn sóc tiếp đãi cả. Hôm nay bà chưa nên gặp bà ấv vội, thế nào cũng phải gặp mợ Liễn, thì bà đi chuyến này mới không đến nỗi uổng công.

– Ai di đà Phật! Thôi trăm sự nhờ bà chị.

– Sao bà lại nói thế? Tục ngữ nói rất đúng: “Giúp người tức là giúp mình”. Tôi chỉ mất lời nói thôi chứ có tốn kém gì đâu.

Nói xong, bà Chu sai a hoàn lẻn lên nhà trên, dòm xem bên cụ đã dọn cơm chưa. A hoàn đi rồi, hai người ở nhà nói chuyện phiếm. Già Lưu nói:

– Mợ Phượng năm nay chỉ độ hai mươi tuổi thôi, thế mà có tài đảm đang trông coi tất cả công việc trong nhà, thật là ít có.

Bà Chu nói:

– Ái chà? Còn phải nói. Mợ ấy ít tuổi, nhưng đảm đang gấp mấy người tạ Bề ngoài dáng điệu óng ả, tưởng chỉ là một cô gái đẹp, nhưng lại là người có đến vạn con mắt, không chỗ nào là không nhìn thấy. Còn về ăn nói thì chấp cả mười anh đàn ông mồm mép cũng phải thụa Chốc nữa gặp, bà sẽ biết. Có điều đối với người dưới hơi nghiệt thôi.

Một chốc a hoàn về báo:

– Bên nhà cụ đã dọn cơm xong. Mợ hai đương ở nhà Vương phu nhân.

Bà Chu nghe nói, vội vàng đứng dậy giục già Lưu:

– Đi đi! Chốc nữa họ ăn cơm xong là có dịp rồi đấy, chúng ta đến chờ trước đi. Nếu chậm một bước, nhiều người đến trình việc thì khó nói lắm. Họ ăn xong lại đến giấc ngủ trưa, còn thì giờ nào nữa.

Hai người cùng xuống giường, sửa lại quần áo. Già Lưu nhắc lại thằng Bản mấy câu, rồi theo bà Chu đi quanh đến nhà Giả Liễn. Khi đến buồng ngoài, bà Chu để già Lưu ngồi chờ một chỗ, tự mình đi qua bức tường vẽ, tiến lên cửa dinh. Biết Phượng Thư chưa ra, bà Chu tìm ngay Bình Nhi là một a hoàn hầu cận của Phượng Thư, kể rõ lai lịch già Lưu rồi nói:

– Bây giờ già ấy ở xa đến thăm bà Hai. Vì ngày trước bà Hai đã thường gặp, nên tôi dắt bà ấy đến đây. Chờ khi mợ xuống, tôi sẽ nói rõ đầu đuôi, chắc mợ không mắng tôi là người lỗ mãng.

Bình Nhi nghe xong nói:

– Mời họ lên ngồi chỗ này đã.

Bà Chu ra dẫn bà cháu già Lưu đến thềm giữa. Bọn a hoàn nhỏ vén rèm đỏ lên. Vừa bước vào nhà đã thấy mùi hương ngào ngạt. Già Lưu không biết mùi gì, cứ như đứng ở trong đám mây vậy. Nhìn khắp nhà, đồ vật bày biện sáng choang; làm cho ai nấy phải nhức đầu lóa mắt. Già Lưu bây giờ chỉ biết gật đầu lẩm nhẩm niệm Phật, rồi đến gian nhà phía đông là buồng ngủ của con gái Giả Liễn. Bình Nhi đứng cạnh bục ngắm nhìn già Lưu hỏi một câu và mời ngồi. Già Lưu thấy Bình Nhi khắp người là lượt, trâm vàng, vòng bạc, dáng đẹp như hoa, mặt tròn như trăng, tưởng là Phượng Thư, toan chào là “cô”, nhưng thấy bà Chu nói: “Đây là cô Bình”. Lại thấy Bình Nhi gọi bà Chu là bà, già Lưu mới biết đấy chỉ là một thị nữ hạng khá. Bình Nhi mời già Lưu và cháu Bản ngồi lên bục, bọn a hoàn nhỏ pha trà mời uống.

Già Lưu nghe có tiếng lách tách như tiếng thanh la, nhìn ngược nhìn xuôi, thấy trên cột có treo một cái hộp, dưới hộp có một cái gì như quả cầu. cứ đưa đi đưa lại luôn. Già Lưu nghĩ bụng: “Nó là cái gì? Dùng nó để làm gì?” đương lúc ngẩn ngơ suy nghĩ thì nghe “Keng” một tiếng như chuông vàng, khánh đồng vậy. Sợ quá, già Lưu trên mắt lên nhìn, lại thấy “keng keng” tám chín tiếng liền, già Lưu toan hỏi thì bọn a hoàn nhỏ chạy xô đến nói:

– Mợ sắp xuống đấy!

Bà Chu và Bình Nhi đứng dậy vội bảo già Lưu:

– Bà cứ ngồi đây chờ một lúc, tôi sẽ lại mời.

Nói rồi chạy ra ngoài.

Già Lưu ngồi im lặng lắng tai nghe ngóng. Chỉ thấy xa xa có tiếng cười, chừng vài chục người đàn bà, quần áo sột soạt, lên thềm đi vào nhà. Lại thấy hai ba người đàn bà cầm hộp sơn đỏ đứng đấy chờ. Rồi trong nhà có tiếng gọi: “Dọn cơm”. Mọi người dần dần lui ra, chỉ còn một vài người ở lại bưng thức ăn. Cả nhà im lặng không một tiếng động. Giờ lâu hai người khiêng cái mâm để lên trên bục. Trên mâm bát đĩa đầy những thịt cá, nhưng chỉ mới khuyết qua loa một vài thứ. Thằng Bản trông thấy đòi ăn, già Lưu tát nó một cái. Chợt thấy bà Chu cười hì hì chạy đến vẫy tay gọi. Già Lưu biết ý, dắt thằng Bản xuống bục đi lại gian giữa. Bà Chu đến thì thầm với già Lưu một lúc, rồi cùng rón rén vào nhà trong. Vừa bước vào cửa, già Lưu nhìn thấy trên móc đồng treo một cái màn hoa màu đại hồng, dưới cửa sổ hướng nam, kê một cái bục giải nệm màu đại hồng; cạnh vách phía đông đặt cái nệm, tựa lưng bằng gấm thêu, một cái gối tựa và một cái nệm ngồi cũng thêu bằng chỉ kim tuyến; bên cạnh có cái ống nhổ bằng bạc. Phượng Thư ở nhà thường đội mũ Chiêu Quân lông điêu sắc tía, chung quanh có dây giắt hạt châu, mặc áo hoa màu hồng điều, khoác áo choàng bằng da chuột, viền chỉ tơ màu thạch thanh, mặc quần nền lụa đại hồng phấn son lộng lẫy, ngồi nghiêm chỉnh ở đấy, tay đương cầm cái đũa bằng đồng gạt tro lồng ấp.

Bình Nhi đứng ở bên giường, bưng một cái khay sơn nhỏ, trong có một chén trà. Phượng Thư không cầm lấy chén, không ngửng đầu lên, cứ tay gạt tro, miệng thong thả nói: “Làm sao mãi không mời người ta lên?” Vừa lúc ngẩng lên uống nước thì thấy bà Chu dẫn hai người đứng ở dưới đất. Phượng Thư toan đứng dậy nhưng chưa đứng, vẻ mặt đã tươi cười hỏi han, lại quở bà Chu: “Tại sao không báo sớm?”

Già Lưu đứng dưới đất lạy mấy lạy, hỏi thăm sức khỏe. Phượng Thư nói:

– Chị Chu đỡ dậy, đừng để lạy nữa. Xin mời ngồi. Tôi còn ít tuổi, chưa biết rõ thứ bậc họ hàng, không biết xưng hô thế nào?

Bà Chu nói:

– Đây là bà cụ tôi mới trình mợ lúc nãy.

Phượng Thư gật đầu.

Già Lưu đã ngồi vào mép bục bảo thằng Bản đến hàng trăm lần ra chào mợ Hai, nó vẫn cứ nấp sau lưng, nhằng nhằng không chịu ra.

Phượng Thư cười nói:


– Chỗ họ hàng không năng đi lại, thành ra xa nhau. Người biết ra thì bảo bà con hững hờ với nhau, không đến chơi luôn. Người không biết lại bảo chúng tôi không coi ai ra gì.

Già Lưu vội nói:

– A di đà phật, nhà chúng tôi nghèo khó, không dám đến đây, dù cô không nói gì, nhưng các ông quản gia cũng chẳng coi chúng tôi ra sao.

Phượng Thư cười nói:

– Đừng nói thế, chẳng qua nhờ tiếng ông cha làm một chức quan kiết, chứ giàu có gì, chỉ là cái giá rỗng đấy thôi. Câu tục ngữ nói rất đúng: “Nhà vua còn có ba họ nghèo” nữa là nhà chúng ta.

Nói xong lại hỏi bà Chu đã đến trình bà chưa. Bà Chu đáp:

– Còn chờ lệnh mợ.

Phượng Thư nói:

– Chị đi xem, nếu có ai ở đấy thì thôi, bằng không thì hãy trình xem người bảo sao?

Bà Chu vâng lời đi ngaỵ Phượng Thư sai người lấy hoa quả cho cháu Bản ăn. Vừa nói chuyện phiếm mấy câu, đã có nhiều người nhà đến trình việc. Bình Nhi vào báo. Phượng Thư bảo:

– Ta bây giờ đương bận tiếp khách, bảo họ chiều hãy đến. Nếu ai có việc cần thì cứ vào.

Bình Nhi ra một lúc rồi vào nói:

– Tôi đã hỏi, không có ai có việc gì cần cả. Tôi bảo họ về cả rồi.

Phượng Thư gật đầu.

Bà Chu trở về nói với Phượng Thư:

– Bà nói, hôm nay không được rồi. Mợ tiếp cũng thế. Cảm ơn bà ấy có lòng tốt đến hỏi thăm. Bà ấy đến chơi không thì thôi, nếu có việc gì muốn nói thì cứ nói với mợ cũng được.

Già Lưu nói:

– Không có việc gì, tôi chỉ đến thăm bà cô và cô thôi, vì tình bà con họ hàng với nhau.

Bà Chu nói:

– Không có việc gì thì thôi, nếu cần gì thì cứ nói với mợ cũng như là nói với bà vậy.

Vừa nói bà Chu vừa đưa mắt cho già Lưu.

Già Lưu biết ý, chưa nói mặt đã đỏ bừng. định không nói. Nhưng hôm nay đến đây làm gì. Bà đành ngượng nghịu nói:

– Hôm nay mới gặp lần đầu, đáng lẽ tôi không nên nói thì phải. Nhưng vì từ xa đến đây, tôi không thưa cũng không được.

Vừa nói đến đây thì có bọn a hoàn vào trình:

– Có cậu cả Dung ở bên phủ Đông sang chơi.

Phượng Thư vội gạt tay nói:

– Bà không cần phải nói nữa.

Rồi ngoảnh mặt ra hỏi:

– Cậu cả Dung ở đâu?

Chợt nghe tiếng giày lẹp kẹp, một chàng trẻ tuổi độ mười bảy, mười tám, mặt mũi thanh tú, khổ người mềm mại, ăn mặc lịch sự, áo cừu mỏng, đai dát ngọc, từ ngoài đi vào. Già Lưu bấy giờ cuống quít đứng ngồi không tiện, chẳng biết lánh chỗ nào. Phượng Thư cười nói:

– Bà cứ ngồi yên, cháu tôi đấy.

Già Lưu mới rụt rè ngồi ghé bên cạnh bục.

Giả Dung chào rồi cười nói:

– Cha cháu sai cháu đến nhờ thím một việc. độ trước bên bà ngoại có cho thím cái bình phong pha lệ Ngày mai nhà cháu có khách xin thím cho mượn về, xong cháu sẽ trả ngay.

Phượng Thư nói:

– Cháu đến chậm quá. Hôm nọ ta trót cho mượn mất rồi.

Giả Dung nghe nói cười hì hì, quỳ lom khom ở trên bục nói:

– Nếu thím không cho mượn, cha cháu sẽ bảo cháu không khéo nói, lại bị một trận đòn thôi. Thím ơi! Thương cháu với.

– Không lẽ cái gì của nhà họ Vương cũng đều đẹp cả. Ở bên nhà cháu bao nhiêu đồ đẹp, nhưng hễ thấy cái gì của ta là chỉ chực cuỗm thôi.

– Thôi xin thím cứ làm ơn cho.

– Nhưng hễ sứt sát một tý là ta xé xác đấy!

Rồi sai Bình Nhi lấy chìa khóa mở cửa lầu, gọi mấy người cẩn thận lên khiêng bình phong đi. Giả Dung vội cười nói:

– Cháu sẽ tự dẫn người mang đi không dám làm sứt mẻ một tý.

Nói xong đứng dậy đi.


Phượng Thư chợt nghĩ đến một việc, vội ngoảnh ra cửa sổ gọi:

– Cháu Dung hãy trở lại đây.

Mấy người bên ngoài gọi theo:

– Cậu Dung hãy trở lại.

Giả Dung vội quay lại, buông thõng tay đứng đợi.

Phượng Thư cứ lẳng lặng uống nước, rồi ngẩn một lúc rồi mặt tự nhiên đỏ bừng lên, cười nói:

– Thôi cháu hãy về đi. Cơm chiều xong lại đây sẽ nói. Bây giờ đương có người, ta chẳng bụng nào nghĩ đến nữa.

Giả Dung vâng một tiếng rồi lững thững đi ra.

Già Lưu lúc này mới yên dạ, bèn nói:

– Hôm nay tôi đem cháu cô đến, chẳng có việc gì khác cả. Chỉ vì bố mẹ cháu ở nhà ăn cũng không có, trời lại rét, nên phải mang cháu đến đây.

Nói xong, lại giục thằng Bản:

– Ở nhà bố mày dặn mày đến nói những gì để bày tỏ hết tình cảnh nhà tả Mày chỉ biết ăn thôi!

Phượng Thư biết ngay, thấy đứa bé không nói, liền cười bảo:

– Thôi, không cần nói nữa, tôi biết cả rồi.

Rồi lại hỏi bà Chu:

– Bà Lưu đã ăn cơm sáng chưa?

Già Lưu vội đáp:

– Trời vừa sáng tôi đã tất tưởi chạy đến đây, còn có thì giờ đâu mà ăn nữa.

Phượng Thư bèn sai dọn cơm ngay.

Một lúc bà Chu gọi bưng một mâm cơm để ở gian nhà phía đông rồi dắt già Lưu và thằng Bản sang ăn.

Phượng Thư nói:

– Chị Chu sang mời hộ, tôi không thể tiếp được.

Rồi lại gọi bà Chu đến hỏi:

– Vừa rồi chị đến trình bà, người bảo sao?

– Bà nói bà ấy không phải là người trong họ đâu. Trước đây ông nhà họ và ông nhà ta cùng làm quan một nơi, nên nhận họ cho thân đấy thôi. Đã mấy năm nay họ không đến thăm nom gì. Trước đây mỗi lần họ đến, không lần nào về không. Nay bà ấy đến thăm, cũng là có bụng tốt; đừng khinh rẻ người tạ Nếu cần gì, mợ cứ việc định đoạt.

Phượng Thư nghe xong rồi nói:

– Không trách được! Bảo là người trong họ, sao ta lại chẳng biết một tí gì?

Hai người đang nói chuyện, già Lưu đã ăn cơm xong, dắt thằng Bản đến, liếm môi liếm mép, lắp bắp cám ơn.

Phượng Thư cười nói:

– Hãy ngồi xuống đây để tôi nói chuyện đã. Bà nói lúc nãy tôi hiểu cả rồi. Đã là người trong họ, đáng ra không đợi bà đến đây tôi mới giúp đỡ. Nhưng giờ nhà tôi nhiều việc, bà Hai đã có tuổi, không thể mỗi lúc nghĩ đến tất cả họ hàng được. Nhà tôi tiếng tăm bề ngoài lừng lẫy thực, biết đâu cũng còn nhiều việc khó khăn. Nói ra chưa chắc đã ai tin. Bà ở xa đến đây, lại lần đầu giãi bày câu chuyện, lẽ nào tôi để cho bà về không. May sao vừa rồi mẹ tôi cho hai mươi lạng bạc để may quần áo cho người nhà, hiện chưa dùng đến, nếu bà không chê ít thì hãy đem về tiêu tạm vậy.

Già Lưu trước nghe nói khó khăn, tưởng không hy vọng gì, trong lòng thậm thột. Sau thấy cho hai mươi lạng bạc thì hớn hở vui mừng, người rạo rực lên, cười nói:

– Chúng tôi biết nhà ta bây giờ cũng khó khăn thực. Nhưng tục ngữ nói: “Con lạc đà còm rúm, vẫn lớn hơn con ngựa”. Dù thế nào mặc lòng, nhà ta chỉ nhổ một cái lông măng còn hơn cả cái lưng chúng tôi.

Bà Chu đứng bên, nghe già Lưu nói nhiều câu tục tằn, phải đưa mắt bảo thôi. Phượng Thư cười, không để ý đến, sai Bình Nhi đem gói bạc ra và lấy thêm một quan tiền nữa để cả trước mặt già Lưu. Phượng Thư nói:

– Hai mươi lạng bạc này hãy tạm cho lũ trẻ may áo rét. Hôm nào bà lại đến chơi, thế mới là tình họ hàng. Bây giờ muộn rồi, không muốn mời suông. Khi về nhà, ai nên hỏi thăm, nhờ bà hỏi hộ.

Nói rồi đứng dậy.

Già Lưu tay cầm tiền, mồm cám ơn lia lịa rồi theo bà Chu đi ra.

Bà Chu nói:

– Cha mẹ Ơi, khi gặp mợ ấy sao bà nói vụng về thế? Cứ mở miệng ra bà gọi thằng Bản là cháu cộ Tôi nói câu này bà đừng giận, ngay cháu ruột mợ ấy cũng phải ăn nói cho nhã nhặn. Như cậu Dung mới thực là cháu, chứ đâu lại có thằng cháu như thế này?

Già Lưu cười nói:

– Chị Ơi! Trông thấy mợ ấy tôi yêu quá đi mất, còn nói sao nên lời nữa.

Hai người nói chuyện xong lại đến nhà bà Chu ngồi một lúc. Già Lưu muốn để một lạng bạc cho con bà Chu ăn quà, nhưng bà Chu khi nào thèm để mắt đến, nhất định không nhận.

Già Lưu cám ơn luôn mồm, rồi ra cửa sau về nhà. Thực là:

Để giúp đỡ trong khi hởi dạ,

Hơn bạn bè ở chỗ mang ơn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.