Đọc truyện Hồng Lâu Mộng – Chương 11: So ngọc thông linh Kim Oanh hơi ngỏ ý
So ngọc thông linh Kim Oanh hơi ngỏ ý
Thăm dò cô Bảo, Đại Ngọc nếm phải chua
Vạc cổ pha trà phượng tủy hương,
Hiếm thay chén ngọc rót quỳnh tương.
Đừng cho là lượt không phong nhã,
Hãy ngắm kim nương cạnh ngọc lang.
Khi Bảo Ngọc và Phượng Thư về đến nhà, chào hỏi mọi người xong, Bảo Ngọc bèn thưa với Giả mẫu, muốn mời Tần Chung đến trường cùng học, để có bạn bè ganh đuạ Bảo Ngọc lại khen phẩm hạnh của Tần Chung rất đáng để mọi người yêu mến. Phượng Thư ở bên cũng nói giúp
“Có ngày Tần Chung sẽ đến hầu bà”. Nghe nói, Giả mẫu càng thêm vui mừng. Nhân tiện Phượng Thư mời Giả mẫu đi xem hát ở bên phủ Ninh. Giả mẫu tuy có tuổi, nhưng vẫn thích các cuộc vui. Hôm sau, Vưu thị đến mời, Giả mẫu liền cùng Vương phu nhân, Đại Ngọc và Bảo Ngọc sang xem hát. Đến gần trưa Giả mẫu về nghỉ. Vương phu nhân vốn ưa thanh tĩnh, thấy Giả mẫu về, cũng theo về. Phượng Thư ở lại làm chủ cuộc vui, đến chiều mới thôi. Bảo Ngọc đưa Giả mẫu về, muốn đợi bà đi ngủ trưa rồi sẽ trở lại xem nữa, nhưng lại sợ làm phiền bọn Tần thị. Nghĩ đến Bảo Thoa gần đây phải ở nhà dưỡng bệnh, mình chưa lại thăm lần nào, ý muốn đến đó, nhưng lại sợ đi qua cửa nách nhà trên, gặp việc gì ngăn trở chăng, nếu gặp cha thì càng không tiện. Chẳng thà đi quanh ra đường khác, xa một quãng còn hơn. Khi ấy người nhà đương chờ thay quần áo cho Bảo Ngọc, nhưng thấy Bảo Ngọc đi ra cửa thứ hai, bọn người nhà kéo nhau đi theo, tưởng lại sang bên kia xem hát, ngờ đâu khi đến xuyên đường, Bảo Ngọc lại theo hướng đông bắc đi ra sau dinh. Đang đi thì gặp hai gia khách là Thiềm Quang và Đan Sính. Nhân trông thấy, họ chạy ngay đến, người ôm lưng, người dắt tay Bảo Ngọc, cười nói:
– Phật con của chúng tôi đây! Chúng tôi nằm chiêm bao chăng? Được gặp cậu có dễ dàng đâu?
Họ hỏi thăm sức khỏe rối rít một lúc rồi mới đi. Một bà già gọi hai người kia, hỏi:
– Có phải hai vị Ở chỗ ông lớn lại đây không?
Hai người kia gật đầu:
– Ông hiện đương ngủ trưa ở Mộng Pha Trai 1 không can gì đâu.
Nói xong rồi đi.
Nghe vậy, Bảo Ngọc cũng cười, rồi quay sang phía bắc, đến viện Lê hương. Lại gặp Ngô Tân Đăng là tổng lĩnh giữ kho tiền và Đài Lương là đầu mục kho thóc, cùng tất cả bảy người đang ở buồng kế toán đi ra. Thấy Bảo Ngọc, họ vội vàng đứng xếp hàng chắp taỵ Có một anh mãi biện tên là Tiền Hoa, vì từ lâu chưa được gặp Bảo Ngọc, vội chạy lên quì gối, chắp tay hỏi thăm sức khỏe. Bảo Ngọc mỉm cười, giơ tay kéo hắn đứng dậy. Mọi người cười nói:
– Hôm nọ chúng tôi thấy chữ cậu viết vào một tờ giấy dán ở một chỗ nọ, rất đẹp. Vậy hôm nào xin cậu viết cho chúng tôi một tờ.
– Trông thấy ở đâu?
– Ở nhiều chỗ. Ai cũng khen, có người đến tìm chúng tôi để xin nữa.
– Có đáng cái gì, các anh cứ nói với bọn hầu nhỏ tôi là được thôi.
Nói xong rồi đi. Mọi người đợi Bảo Ngọc đi khỏi mới lui về.
Bảo Ngọc đến viện Lê hương, vào ngay nhà Tiết phu nhân, thấy Tiết phu nhân đương bảo ban bọn a hoàn thêu thùa. Bảo Ngọc lại chào, Tiết phu nhân kéo lại, ôm vào lòng, cười nói:
– Trời lạnh thế này, không ngờ cháu lại sang được! Hãy lên ngồi cạnh đây cho ấm đã.
Tiết phu nhân sai người pha nước trà uống. Bảo Ngọc hỏi:
– Anh Bàn có nhà không?
Tiết phu nhân thở dài:
– Nó là con ngựa bất kham, ngày nào cũng đi, có chịu ở nhà đâu!
– Chị Thoa có khỏe không?
– Hôm trước cháu đã nghĩ đến nó. Sai người sang hỏi thăm. Nó ở trong nhà ấy. Cháu vào chơi. Trong ấy ấm hơn ngoài này, cháu cứ ngồi luôn đấy, ta thu dọn xong sẽ vào nói chuyện.
Bảo Ngọc nghe nói, vội đi vào nhà trong, thấy trước cửa treo một bức rèm the đỏ hơi cũ. Bảo Ngọc vén rèm vào, thấy Bảo Thoa đương ngồi trên giường thêu kim tuyến, đầu vén, tóc đen nhánh, mặc áo bông màu gụ, cái khoác vai màu tím nhạt viền kim ngân tuyến, quần lụa bông lót màu vàng. Tất cả đồ mặc đều đã rung rúc, giở cũ giở mới, nhìn không có vẻ xa hoa mà lại thêm nhũn nhặn, môi không tô mà đỏ, mày không kẻ vẫn xanh, mặt như mâm bạc, mắt sáng long lanh. Điềm đạm ít lời, có người cho là giả dại; tùy thời đối xử, tự mình chỉ biết phận mình.
Bảo Ngọc vừa nhìn vừa hỏi:
– Chị đã khỏe hẳn chưa?
Bảo Thoa ngẩng đầu lên, thấy Bảo Ngọc, vội đứng dậy, cười nói:
– Xin cám ơn, tôi đã khá rồi.
Nói xong mời Bảo Ngọc ngồi cạnh bục, và sai Oanh Nhi đi pha trà. Bảo Thoa vừa hỏi sức khỏe Giả mẫu, Vương phu nhân, và các chị em, vừa nhìn Bảo Ngọc, thấy đầu đội mũ vàng dát ngọc, trán bịt khăn có hai con rồng vờn hạt châu, mình mặc áo chẽn tay, màu hoa cúc thêu rồng, lót da nách cáo trắng, ngoài thắt dây lưng thêu bướm năm màu, cổ đeo khóa “Trường mệnh” 2 bùa “Ký danh” 3, ngoài lại đeo một viên bảo ngọc ngậm ở trong mồm khi mới đẻ. Bảo Thoa nhân cười nói:
– Ngày thường vẫn nghe anh có viên ngọc quý, nhưng chưa xem kỹ, nay phải xem mới được.
Nói xong ghé lại gần. Bảo Ngọc cũng nhích lại, tháo viên ngọc ra đưa tận tay Bảo Thoa. Bảo Thoa nâng viên ngọc lên xem, thấy to bằng quả trứng chim sẻ, sáng suốt như ráng trời ban mai, nhẵn mịn như váng sữa, lóng lánh đủ năm màu. Đó là ảo tưởng của hòn đá ở ngọn Thanh Ngạnh trong núi Đại Hoang. Người sau có bài thơ trào phúng:
Chuyện luyện đá có hay không có?
Núi Đại Hoang chuyện đó lạ thay!
Đá kia thay mặt đổi mày,
Thịt da một bọc chứa đầy thối tha.
Vàng hết vận, giá đà hết quý,
Ngọc lỡ thời, sáng hóa phai màu.
Đống xương trắng, họ tên đâu?
Nào phường áo mũ, nào lầu phấn son?
Trên mặt hòn đá cũng ghi lại những ảo tưởng của nó và một bài của sư chốc đầu khắc bằng chữ triện. Nay theo nguyên hình vẽ ra đây. Nhưng vì hòn đá ấy rất nhỏ, nên mới có thể ở trong miệng đứa bé khi còn ở trong thai. Nay nếu vẽ như thế, sợ chữ bé quá, làm người xem không thấy, sẽ giảm mất hứng thú. Vì thế nên phóng hơi to ra, để tiện ngắm nghía trong khi nhàn rỗi, và để cho người sau khỏi ngờ rằng: miệng đứa bé có to đâu mà lại ngậm được một vật sù sì như thế.
Mặt trước thông linh bảo ngọc Mặt sau thông linh bảo ngọc
Mặt trước viên ngọc có bốn chữ viết ngang: “Thông Linh Bảo Ngọc” 4 tám chữ viết dọc: “Mạc thất mạc vương, tiên thọ hằng xương” 5. Mặt sau có mười hai chữ viết dọc: “Nhất trừ tà tụy, nhị liệu oan ương, tam tri họa phúc” 6. Bảo Thoa xem xong, lại giơ mặt trước xem kỹ, mồm lẩm nhẩm đọc: “Mạc thất mạc vương, tiên thọ hằng xương”. Sau đó Bảo Thoa quay lại bảo Oanh Nhi:
– Mày không đi pha nước à? đứng ngẩn ra đấy làm gì?
Oanh Nhi cười hì hì nói:
– Tôi nghe hai câu này như là đối với hai câu khắc ở cái khóa cổ của cô.
Bảo Ngọc nghe nói, vội cười hỏi:
– Thế ra khóa của chị cũng khắc tám chữ à? Cho tôi xem nào?
Bảo Thoa nói:
– Anh đừng nghe nó, chẳng có chữ gì cả.
Bảo Ngọc nằn nì mãi:
– Chị Ơi, chị coi tôi như thế nào?
Bảo Thoa không từ chối được mới nói:
– Đó chẳng qua vì có hai câu chúc tụng tốt lành, nên ngày nào tôi cũng đeo, nếu không thì nó nặng chình chịch, đeo có thú gì!
Bảo Thoa vừa nói vừa cởi dây, lấy cái chuỗi ngọc có kết hạt châu ở trong cổ áo đại hồng ra.
Bảo Ngọc vội đỡ lấy xem, quả nhiên mỗi mặt có bốn chữ, hai mặt thành hai câu tám chữ: “Bất ly bất khí, phương linh vĩnh kế” 7, theo cách thức vẽ ra đây:
Mặt trước khóa vàng Mặt sau khóa vàng
Bảo Ngọc xem xong lẩm nhẩm hai lần, lại nhẩm câu của mình hai lần, cười nói:
– Chị Ơi! Tám chữ này với tám chữ của tôi thành một câu đối.
Oanh Nhi cười nói:
– Đó là hòa thượng chốc đầu cho đấy. Người bảo phải khắc vào cái khóa vàng.
Bảo Thoa ngắt lời mắng:
– Sao mày không đi pha nước đem lại đây?
Rồi hỏi lảng Bảo Ngọc ở đâu đến.
Bảo Ngọc ngồi bên cạnh Bảo Thoa, thấy thoang thoảng có mùi thơm dìu dịu, không biết mùi gì, hỏi:
– Chị xức thứ hương gì đấy? Tôi chưa ngửi thấy mùi thơm này bao giờ.
– Tôi rất sợ xức hương! Quần áo đẹp mà xức thì chỉ đầy hơi khói thôi.
– Thế thì mùi gì đấy?
Bảo Thoa nghĩ một lúc nói:
– Phải rồi, đó là mùi thơm của “Lãnh hương hoàn” tôi mới uống sáng hôm nay.
– Thế nào gọi là “Lãnh hương hoàn”? Ngửi sao thơm thế! Chị cho tôi nếm một viên.
– Thôi lại nói nhảm rồi! Anh tưởng mọi thứ thuốc ai cũng uống được hay sao?
Chợt có người vào báo:
– Cô Lâm đến chơi.
Nói chưa dứt lời thì Đại Ngọc đã tha thướt tới nơi. Trông thấy Bảo Ngọc, Đại Ngọc cười nói:
– Ối chào! Tôi đến không đúng lúc rồi?
Bảo Ngọc vội đứng dậy mời ngồi. Bảo Thoa cười nói:
– Sao chị lại nói thế?
Đại Ngọc nói:
– Nếu biết anh ấy ở đây, thì tôi chẳng đến làm gì!
Bảo thoa hỏi:
– Thế là thế nào?
Đại Ngọc nói:
– Thế nào à? Khi đến thì cùng đến, khi không đến thì chẳng ai đến cả; hôm nay anh ấy đến, ngày mai tôi đến, cứ cắt lượt nhau, thế có phải là ngày nào cũng có người đến không? Như thế thì không có lúc nào buồn quá, mà cũng không có lúc nào vui quá. Có gì mà chị không hiểu?
Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc khoác một cái áo đoạn ngoài bằng lông chim màu đỏ sẫm, liền hỏi:
– Có tuyết à?
Bọn hầu già ở dưới nói:
– Có tuyết từ lúc nãy.
Bảo Ngọc nói:
– Lấy cho tôi cái áo đi mưa.
Đại Ngọc cười nói:
– Đấy có phải không? Cứ tôi đến là anh ấy lại chực đi ngay!
Bảo Ngọc nói:
– Khi nào tôi lại đi! Bảo sẵn đấy thôi.
Vú Lý của Bảo Ngọc nói:
– Nay tuyết lại xuống nhiều, phải xem thời tiết cẩn thận, cậu hãy ở đây chơi với chị em đã! Bên bà dì Tiết đã bày tiệc rồi. Tôi cũng bảo người đi lấy áo mưa đến. Bây giờ cho lũ người hầu về nhé.
Bảo Ngọc gật đầu. Vú Lý ra bảo đám trẻ theo hầu: “Về”.
Tiết phu nhân đã cho bày xong mấy thức ăn ngon, giữ họ Ở lại uống trà, ăn quả. Bảo Ngọc nhân khoe hôm nọ được ăn món chân ngỗng ở nhà chị Trân bên phủ đông rất ngon. Tiết phu nhân liền lấy ngay món chân ngỗng đã ướp sẵn ra thết.
– Món này có rượu thì tốt lắm!
Tiết phu nhân bèn sai người mang thứ rượu thật ngon đến. Vú Lý đứng lên nói:
– Xin bà dì đừng cho cậu ấy uống rượu.
Bảo Ngọc nằn nì:
– U ơi, tôi chỉ uống một chén thôi.
Vú Lý nói:
– Không được. Trước mặt cụ và bà Hai bên nhà, tha hồ cậu uống hàng vò. Hôm nọ chỉ chợp mắt một tý, tôi không để ý đến, không biết đứa mất dạy nào muốn làm cho cậu vui, không kể sống chết thế nào, đã để cậu uống rượu, thành ra tôi bị mắng mất mặt hai ngày liền! Bà dì không biết tính cậu ấy à? Hễ uống rượu vào là khác tính ngaỵ Chỉ có một hôm cụ vui nên để cậu ấy tha hồ uống, còn các hôm khác đều cấm. Nếu không, tội gì tôi lại mất công chầu chực ở đây.
Tiết phu nhân cười nói:
– Thôi già cứ yên tâm đi uống rượu, tôi không cho cậu ấy uống nhiều đâu. Nếu cụ hỏi, thì đã có tôi.
Rồi bảo a hoàn:
– Hãy mời vú Lý đi uống rượu cho đỡ rét.
Vú Lý nghe nói, đành phải đi uống rượu với mọi người.
Bảo Ngọc lại nói:
– Không phải hâm nữa, tôi thích uống rượu lạnh.
Tiết phu nhân nói:
– Không thế được, uống rượu lạnh hay run tay, không viết được chữ.
Bảo Thoa cười nói:
– Anh Bảo, hàng ngày anh học hỏi được nhiều điều, thế mà anh lại không biết tính rượu rất nóng à? Phải uống nóng thì phát tán nhanh; nếu uống lạnh thì đọng lại ở bên trong, ngũ tạng sẽ bị lạnh, như thế chẳng có hại hay sao? Từ rày anh nên chừa đi, đừng uống rượu lạnh nữa.
Bảo Ngọc nghe nói có lý, bỏ rượu lạnh xuống, sai người hâm nóng mới uống.
Đại Ngọc đương cắn hạt dưa, nhếch mép mỉm cười. Vừa lúc đó a hoàn của Đại Ngọc là Tuyết Nhạn mang đến cái lồng ấp, Đại Ngọc cười hỏi:
– Ai bảo em đem đến cho ta thế? Thật là em chu tất quá. Nhưng ta đã chết rét đâu mà sợ!
Tuyết Nhạn nói:
– Chị Tử Quyên sợ cô lạnh, bảo tôi mang đến đấy.
Đại Ngọc cầm lấy lồng ấp để vào lòng, cười nói:
– Khen cho em cũng khá đấy! Lại biết nghe lời nó. Xưa nay ta bảo em câu gì, em đều để ngoài tai. Thế mà bây giờ nó bảo em, em vâng lời, nhanh hơn chiếu chỉ nhà vua!
Bảo Ngọc nghe nói thế, biết Đại Ngọc mượn cớ nói chọc mình, nhưng không biết trả lời ra làm sao, chỉ hì hì cười mà thôi.
Bảo Thoa vẫn biết Đại Ngọc xưa nay quen lối nói cạnh nói khóe, nên không để ý. Tiết phu nhân cười nói:
– Cháu người vốn yếu, không chịu được lạnh, thế mà nó lại nghĩ đến cháu, chẳng tốt hay sao?
Đại Ngọc cười nói:
– Dì không biết: may mà ở nhà dì đấy, chứ ở nhà khác, chẳng làm cho người ta phát bực hay sao? Nhà ai chẳng có lồng ấp, việc gì phải mang từ nhà đến? Dù rằng bọn a hoàn chu tất thật đấy, nhưng người ta lại cho cháu ngày thường quen thói ngông cuồng đi rồi.
Tiết phu nhân nói:
– Cháu cẩn thận quá, hay để ý đến những việc ấy, chứ ta thì chẳng bao giờ để tâm đến.
Khi nói chuyện, Bảo Ngọc đã uống mấy chén liền. Vú Lý lại lên can ngăn. Bảo Ngọc đương lúc hào hứng, vui chuyện với chị em Bảo Thoa, Đại Ngọc, nói nói cười cười, lẽ nào không đòi uống nữa, đành phải nén lòng nài xin:
– U ơi, cho tôi uống hai chén nữa thôi.
Vú Lý nói:
– Cậu cẩn thận đấy, hôm nay ông ở nhà, sợ hỏi đến bải vở chăng?
Bảo Ngọc nghe nói, rất không bằng lòng, từ từ bỏ chén xuống, cúi đầu ngồi. Đại Ngọc vội nói:
– Đừng làm cho người ta mất vui! Cậu có hỏi, cứ nói là dì giữ ở lại chơi. Bà già này muốn dạy khôn chúng ta đây!
Một mặt khẽ dúi để Bảo Ngọc bực thêm, một mặt lẩm bẩm:
– Mặc kệ mụ ấy! Chúng ta cứ việc vui.
Vú Lý xưa nay biết tính Đại Ngọc, bên cười nói:
– Cô Lâm ơi! đừng xui cậu ấy nữa! Cô khuyên một câu chắc cậu ấy còn nghe hơn!
Đại Ngọc cười nhạt:
– Việc gì tôi phải xui! Tôi cũng chẳng phải khuyên! U cẩn thận quá! Ngày thường cụ tôi vẫn cho anh ấy uống rượu. Hôm nay ở nhà dì, anh ấy có uống mấy chén cũng chẳng sao. Hay nhà dì là người ngoài, không nên ngồi uống rượu ở đây?
Vú Lý nghe đoạn, vừa sốt ruột, vừa buồn cười nói:
– Những lời nói của cô Lâm thật là sắc hơn lưỡi dao.
Bảo Thoa cũng nhịn không nổi, béo má Đại Ngọc một cái, cười nói:
– Thật đấy! Chỉ cô Tần 8 này hễ mở mồm ra là làm cho người ta giận không giận được, mà vui cũng chẳng thành vui.
Tiết phu nhân nói:
– Cháu Bảo ơi! đừng sợ. Nhà dì chẳng có thức gì ngon cho cháu ăn, cháu không nên để tâm đến những điều lặt vặt ấy, làm cho dì không yên lòng. Cháu cứ việc uống, đã có dì đây. Uống xong ăn cơm, có say thì cháu ngủ lại đây.
Rồi gọi a hoàn:
– Hâm rượu nữa mang lại đây. Dì uống với cháu hai chén, rồi ăn cơm.
Bảo Ngọc nghe nói, lại cao hứng lên. Vú Lý dặn dò a hoàn:
– Các người ở đây cẩn thận nhé, ta về thay quần áo rồi sẽ đến!
Rồi khẽ nói với Tiết phu nhân:
– Xin bà đừng cho cậu ấy uống nữa.
Nói xong ra về.
Tuy còn hai, ba bà già hầu ở lại đấy, nhưng đều hờ hững không ai thiết. Thấy vú Lý đi rồi, họ cũng đều lảng đi mỗi người một ngả. Còn vài a hoàn nhỏ ở lại cố chiều cho Bảo Ngọc vui. May được Tiết phu nhân vừa dỗ, vừa lừa, chỉ cho uống vài chén, rồi sai dọn mâm đi. Lại sai nấu canh da gà với măng chua đem lên. Bảo Ngọc ăn luôn mấy bát, rồi lại ăn già nửa bát cháo gạo cẩm. Bấy giờ Bảo Thoa và Đại Ngọc đã ăn xong, ra uống trà.
Tiết phu nhân mới yên lòng. Bọn Tuyết Nhạn cũng đều ăn cơm xong, lên hầu. Đại Ngọc hỏi Bảo Ngọc:
– Đã về hay chưa?
Bảo Ngọc lim dim mắt nói:
– Em về, anh cũng về!
Đại Ngọc đứng dậy nói:
– Chúng ta ở đây cả ngày rồi, cũng nên đi về, kẻo bên nhà lại tìm.
Nói xong hai người đứng dậy cáo từ.
° ° °
A hoàn vội mang cái mũ đi mưa đến. Bảo Ngọc cúi đầu xuống bảo nó đội vào. A hoàn vừa chụp cái mũ lông màu đại hồng lên đầu. Bảo Ngọc nói ngay:
– Thôi! Thôi! Đồ ngu! Nhè nhẹ chứ. Mày không thấy người ta đội mũ như thế nào à? Để tao đội lấy vậy.
Đại Ngọc đứng cạnh bục nói:
– Om sòm làm gì! Lại đây! Tôi đội cho.
Bảo Ngọc chạy lại ngaỵ Đại Ngọc nhè nhẹ đỡ mạng tóc, đặt mũ lên trên khăn bịt trán, rồi nâng cái bông bằng nhung ở trên đầu trâm to bằng hạt đào lên. Bông rung rúc ngoài mũ. Sửa sang xong, Đại Ngọc ngắm nghía một lúc, rồi nói:
– Đẹp rồi, khoác áo đi mưa vào.
Bảo Ngọc nghe nói, liền cầm áo tơi khoác vào người, Tiết phu nhân vội nói:
– U cháu chưa đến, cháu hãy chờ một lát.
Bảo Ngọc nói:
– Các cháu lại phải chờ họ kia à! Có bọn a hoàn này đi theo là được rồi.
Tiết phu nhân không đành lòng, lại sai hai người đàn bà nữa đưa anh em Bảo Ngọc về.
Hai người đều nói:
– Thật chúng cháu đến quấy rầy dì.
Rồi đi thẳng về buồng Giả mẫu.
Giả mẫu chưa ăn cơm chiều, biết các cháu ở bên nhà Tiết phu nhân về thì rất vui. Thấy Bảo Ngọc say rượu, nên bảo vào buồng nghỉ, không được ra ngoài. Lại sai người chầu chực luôn đấy để xem có cần gọi gì không. Chợt nghĩ đến người đi theo Bảo Ngọc, Giả mẫu hỏi:
– Vú Lý đâu không thấy?
Mọi người không dám nói thẳng là vú đã về nhà, chỉ thưa:
– Đã về đây rồi, nhưng chắc có việc gì, nên lại đi.
Bảo Ngọc đương đi lảo đảo, quay lại nói:
– Mụ ấy còn sướng hơn bà kia! Bà hỏi mụ ấy làm gì? Không có mụ ấy, có lẽ cháu còn sống thêm được vài ngày!
Vừa nói vừa đi về buồng ngủ, thấy bút mực còn bỏ lăn lóc trên bàn. Tình Văn chạy ra đón, cười nói:
– Cậu hay nhỉ! Sớm dậy hứng lên, bảo tôi mài mực, mới viết được ba chữ, đã quăng bút đi mất, làm tôi chờ suốt ngày. Cậu hãy lại ngay đây viết cho hết cái mực này mới xong với tôi.
Bảo Ngọc nhớ đến việc khi sáng mới dậy, nhân cười nói:
– Tôi viết ba chữ ở đâu rồi?
Tình Văn cười nói:
– Thôi cậu say rồi! Lúc cậu đi sang bên phủ có dặn tôi đem dán ở trên cửa, bây giờ lại hỏi. Tôi sợ người khác dán hỏng, tôi phải trèo lên thang dán một hồi lâu, đến bây giờ tay hãy còn rét cóng đây này.
Bảo Ngọc cười nói:
– Tôi quên mất đấy! Tay chị lạnh à? Để tôi nắm cho nóng nhé.
Rồi giơ tay ra nắm lấy tay Tình Văn cùng đến xem ba chữ mới viết dán ở trên cửa.
Một lúc Đại Ngọc đến, Bảo Ngọc cười nói:
– Này, em nói thật nhé, ba chữ này có được chữ nào tốt không?
Đại Ngọc ngửa mặt lên xem, thấy ba chữ “Giáng vân hiên” 9) cười nói:
– Chữ nào cũng tốt cả. Sao mà viết giỏi thế! Ngày mai anh viết hộ em một cái biển nhé.
Bảo Ngọc cười nói:
– Em lại trêu anh rồi!
Lại hỏi:
– Chị Tập Nhân đâu?
Tình Văn ngoảnh vào phía trong, giảu mỏ làm hiệu. Bảo Ngọc trông vào, thấy Tập Nhân để cả áo nằm ngủ. Bảo Ngọc cười nói:
– Giỏi lắm. Hãy còn sớm thế mà đã ngủ à?
Lại hỏi Tình Văn:
– Sáng hôm nay tôi ăn cơm ở bên kia có một đĩa bánh đậu. Biết chị thích ăn, nên tôi nói với mợ Trân cho người mang sang để đến chiều chị sẽ ăn. Chị có thấy không?
Tình Văn nói:
– Đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Khi họ mới mang sang, tôi biết là cậu để phần tôi, nhưng vì ăn cơm rồi nên cất đi. Sau vú Lý đến, trông thấy, nói: “Bảo Ngọc chưa chắc đã ăn cái này, để ta mang về cho cháu. Rồi vú sai người đem về nhà.
Đương lúc nói chuyện. Phiến Tuyết mang trà đến, Bảo Ngọc nói:
– Em Lâm xơi nước.
Mọi người cười nói:
– Cô Lâm về từ bao giờ, còn mời!
Bảo Ngọc uống được nửa chén, chợt nghĩ đến trà pha buổi sáng, hỏi Phiến Tuyết:
– Buổi sáng hôm nay pha trà Phong Lộ 10, ta đã nói thứ trà này uống đến nước thứ ba, thứ tư mới ngon. Sao bây giờ lại pha trà khác?
Phiến Tuyết nói:
– Tôi đã cất đi, nhưng lúc nãy vú Lý đến uống cả.
Bảo Ngọc nghe nói, quăng ngay chén nước cầm trong tay xuống đất, “Choang” một tiếng, chén vỡ tan, nước bắn cả vào quần Phiến Tuyết. Bảo Ngọc nhảy lên hỏi:
– Vú Lý có phải là mẹ các chị đâu mà các chị hiếu thảo thế? Chẳng qua lúc bé, ta có bú sữa vú ấy mấy hôm, thế mà quen lối lên mặt, làm như ông cha người tạ Bây giờ ta không bú nữa, nuôi không vú ấy làm gì. Tống cổ vú ấy đi, cả nhà mới êm thấm!
Nói xong định sang trình Giả mẫu ngay.
Số là Tập Nhân vẫn thức, chỉ nằm giả cách ngủ, để giữ Bảo Ngọc đến đùa cho vui. Trước nghe thấy Bảo Ngọc hỏi chữ, hỏi bánh thì cũng không cần dậy, sau thấy quăng chén, xem có ý tức giận, nên mới dậy khuyên ngăn. Lại có người của Giả mẫu sai sang hỏi “Việc gì thế?” Tập Nhân vội trả lời:
– Tôi pha trà nhỡ trượt chân phải tuyết ngã, vỡ mất cái chén.
Tập Nhân lại khuyên Bảo Ngọc:
– Cậu nhất định đuổi vú Lý cũng được, và chúng tôi cũng muốn xin ra cả, chi bằng nhân dịp này cậu đuổi luôn cả chúng tôi đi một thể, cậu chẳng lo gì không có người hầu khéo hơn chúng tôi.
Bảo Ngọc nghe vậy, không nói gì nữa.
Tập Nhân dắt Bảo Ngọc đến giường ngủ, cởi bộ quần áo, không biết Bảo Ngọc nói gì, chỉ líu tíu luôn mồm, mắt ríu lại. Tập Nhân vội vàng đỡ Bảo Ngọc nằm xuống, rồi tháo viên “Thông linh bảo ngọc” ra, lấy lụa bọc và để xuống dưới nệm, vì sợ ngày mai đeo sẽ lạnh cổ chăng. Bảo Ngọc vừa nằm xuống đã ngủ ngaỵ Bấy giờ vú Lý vừa đến, thấy nói Bảo Ngọc say, không dám vào, chỉ đứng ngoài lắng nghe. Thấy Bảo Ngọc ngủ rồi, vú Lý mới yên tâm về.
Ngày hôm sau Bảo Ngọc tỉnh dậy, có người trình:
– Cậu Dung bên kia dẫn cậu Tần sang thăm.
Bảo Ngọc vội ra tiếp, rồi dẫn vào chào Giả mẫu. Giả mẫu trông thấy Tần Chung dáng điệu phong nhã, đi đứng khoan thai, đáng làm bạn học của Bảo Ngọc, trong bụng rất vui. Liền giữ ở lại uống nước ăn cơm, rồi sai người dẫn sang chào Vương phu nhân. Mọi người vì yêu Tần thị, và thấy phẩm cách Tần Chung như thế, nên mến thích cả. Lúc Tần Chung sắp về, ai nấy đều đem quà ra tặng. Giả mẫu cho một cái túi và một cái tượng “Khôi tinh” 11 bằng vàng, lấy nghĩa là Văn linh sum họp, lại dặn:
– Nhà cháu ở xa, lúc nắng, lúc rét đi lại không tiện. Cháu nên ở ngay bên này cùng học với chú Bảo, đừng chơi bời với nhưng con nhà lười biếng.
Tần Chung nhất nhất vâng lời, về nhà nói lại với cha.
Cha Tần Chung là Tần Nghiệp hiện làm ở ty doanh thiện lang 12, năm nay gần bảy mươi tuổi, vợ chết từ lâu. Trước đây vì hiếm hoi. Tần Nghiệp đến Dưỡng Sinh Đường xin một đứa con trai, một đứa con gái, không ngờ đứa con trai lại chết, chỉ còn đứa con gái, lúc nhỏ đặt tên là Khả Nhị Lớn lên cô gái hình dung yểu điệu, tính cách phong lưu. Vì có bà con xa với họ Giả, nên kết làm thông gia. Năm năm mươi ba tuổi, Tần Nghiệp mới đẻ được Tần Chung, năm nay mười hai tuổi. Năm ngoái thầy học về mất, chưa mời thầy khác được, Tần Chung phải ở nhà ôn lại bài cũ. Tần Nghiệp đương muốn đến nói với họ Giả để cho con sang trường bên ấy, khỏi trễ nải việc học. May sao có dịp tốt, Tần Chung được gặp Bảo Ngọc, lại biết thầy dạy là Giả Đại Nho, một vị túc nho lúc bấy giờ. Tần Chung được sang đấy học, có thể tấn tới, thành danh được, nên ông ta vui mừng lắm. Chỉ vì bổng lộc ít ỏi, mà bên ấy thì toàn người giàu sang có con mắt khác người, nếu đưa lễ vật ít quá sợ không tiện. Nghĩ đến việc lớn quan hệ suốt đời của con mình, Tần Nghiệp cố gắng bòn góp được hai mươi bốn lạng bạc làm lễ yết kiến và dẫn Tần Chung đến lạy chào Giả Đại Nho, rồi chờ Bảo Ngọc chọn ngày tốt để cùng vào học.
Biết sau này bị đua hơi vặt,
Thì sáng nay chẳng đọc sách nhầm.
— —— —— —— ——-
1 Nơi chay tịnh mộng tưởng đến Tô Đông Pha.
2 Một thứ trang sức vàng hay bạc làm hình cái khóa khắc bốn chữ “Bản mệnh trường sinh” đeo lên sổ trẻ con cho khước.
3 Xem chú thích ở hồi thứ ba.
4 Thông suốt đến cõi thiêng liêng.
5 Đừng đánh mất, đừng bỏ quên; tuổi tiên được khỏe mạnh mãi.
6 Trừ ma quỷ; chữa bệnh tật; biết được những điều dữ, điều lãnh.
7 Không xa lìa, không rời bỏ; tuổi thơm được lâu bền mãi.
8 Đôi lông mi cau lại có vẻ buồn. Các nhà văn thường dùng để tả vẻ đẹp của người buồn, có nghĩa là càng buồn càng đẹp. Cũng có khi dùng để tả vẻ đẹp của người đàn bà đa sầu đa cảm.
9 Hiên: danh từ do các nhà văn xưa dùng để đặt tên chỗ ngồi chơi, ngắm phong cảnh, đọc sách, ngâm thơ… Giáng: màu đỏ; Vân: một loại cỏ thơm dùng để ướp sách cho khỏi mọt; nghĩa rộng là nơi đọc sách, thí dụ: Vân trai, Vân song… Giáng vân hiên: Hiên cỏ vân đỏ, có thể hiểu là nơi đọc sách.
10 Tên một thứ chè ngon.
11 Theo thiên văn thời cổ: Khôi là ngôi sao đẩu của sao bắc đầu, ứng vào người nào thi đỗ trạng nguyên.
12 Một ty coi riêng về công việc kiến trúc.