Đọc truyện Hồng Lâu Mộng – Chương 103: Làm hỏng mất dịp tốt, Hướng Lăng gây mối oán thù
Làm hỏng mất dịp tốt, Hướng Lăng gây mối oán thù
Thương em lấy chồng xa, Bảo Ngọc cảm tình ly biệt
Giả chính tới hầu quan tiết độ, đến nửa ngày vẫn không thấy ra, bên ngoài bàn tán xôn xao. Lý Thập cũng không dò ra việc gì, liền nghĩ đến câu chuyện trên tờ quan báo cũng đâm hoảng. Chờ mãi mới thấy Giả Chính đi ra, Lý Thập chạy lại đón. Không kịp chờ về nhà, đến chỗ vắng người, Lý Thập hỏi ngay:
– Ông lớn vào lâu thế, có việc gì quan trọng không?
Giả Chính cười nói:
– Không có việc gì, chỉ vì quan Tổng chế Trấn Hải là bà con với quan tiết độ, nên viết thư nhờ người nâng đỡ cho ta, vì thế nói chuyện lâu và người còn bảo: “Chúng ta bây giờ cũng là bà con rồi”.
Lý Thập nghe nói, trong lòng mừng rỡ, càng bạo gan, liền hết sức xúi giục Giả Chính nên bằng lòng việc hôn nhân ấy.
Giả Chính nghĩ bụng: “Không biết Tiết Bàn can ngại như thế nào, ở tỉnh ngoài tin tức không thông, khó bề lo liệu. Khi về đến nha môn của mình, Giả Chính sai người nhà về kinh thăm dò, nhân tiện trình Giả mẫu biết, nếu như Giả mẫu bằng lòng, thì đón cô Ba về đây. Người nhà vâng lời, về kinh trình lại với Vương phu nhân, rồi vào bộ lại hỏi dò, thì nghe nói phần Giả Chính chẳng bị liên quan gì, chỉ có quan tri huyện Thái Bình bị cách chức. Người ấy lập tức biên tờ thiếp cho Giả Chính yên lòng, còn mình ở lại chờ tin.
Tiết phu nhân vì vụ án mạng của Tiết Bàn, mất không biết bao nhiêu tiền bạc cho các quan, mới được định tội ngộ sát tư lên. Bà ta định gán hiệu cầm đồ cho người ta, để dành bạc chuộc tội. Không ngờ bộ hình bác lời xét ấy đi. Bà ta lại phải nhờ người vung ra một số tiền nữa mà vẫn không ăn thua gì, vẫn bị khép vào tội chết, giam lại để chờ mùa thu sẽ xét.
Tiết phu nhân vừa giận vừa thương, ngày đêm khóc lóc. Bảo Thoa thường thường qua lại khuyên giải:
– Anh Cả thật là vô phúc! Thừa kế cơ nghiệp của ông cha to lớn như thế, đáng lẽ phải yên phận làm ăn mới phải. Trước kia ở phương Nam đã làm bậy bạ, câu chuyện chị Hương Lăng đã là quá lắm. May nhờ có thế lực bà con, tốn mất một số tiền bạc, thế đã là vô cớ đánh chết người. Đáng lẽ anh ấy phải sửa lỗi, ăn ở đứng đắn, và lo phụng dưỡng mẹ già. Ai ngờ tới kinh lại vẫn như thế. Vì anh mà mẹ phải bao phen tức giận, khóc hết bao nhiêu nước mắt. Cưới vợ cho anh chỉ cốt sao cho cả nhà được yên ổn qua ngày. Không ngờ số mệnh như thế, lấy phải người vợ lại là người lắm chuyện, cho nên anh mới bỏ nhà ra đi. Thật đúng như tục ngữ nói: “Oan oan tương báo” chẳng được bao lâu đã lại xảy ra việc này! Mẹ và anh Hai không phải là không hết lòng. Mất tiền không nói lại còn phải lạy lục xin xỏ người ta. Khốn nỗi số mệnh của anh như thế, cũng chỉ là mình làm mình chịu. Nuôi con cốt để nhờ vả khi tuổi già sức yếu, dầu là con nhà nghèo hèn cũng biết kiếm bát cơm về nuôi mẹ, có ai lại phá sạch tư gia, bắt mẹ già phải khóc lóc chết đi sống lại như thế? Con nói không phải, chứ anh làm như thế, thật không phải là con, mà chẳng khác gì kẻ oan gia thù địch. Mẹ còn không hiểu điều đó, chứ khóc đêm khóc ngày. Đã thế lại còn bị chị ấy trêu tức nữa. Con lại không ở luôn nên này để khuyên giải. Thấy mẹ như thế thì con yên lòng sao được? Nhà con tuy nói là ngơ ngẩn, cũng không chịu chơ về. Hôm trước, cha con sai người về nói, xem tờ quan báo sợ quá, nên cho người về lo liệu. Con nghĩ anh con gây ra chuyện, khiến bao người để tâm lo lắng. May con ở gần đây, vẫn còn như đang ở với mẹ, chứ nếu phải đi xa quê cách biệt, nghe được tin này, có lẽ con nhớ mẹ mà chết mất! Con xin mẹ hãy di dưỡng tinh thần, nhân khi anh con còn sống đây, hỏi lại sổ sách các nơi, có ai nợ mình, hoặc mình nợ ai, cũng nên mời người đồng sự cũ đến tính toán xem còn có đồng nào nữa không.
Tiết phu nhân khóc lóc nói:
– Mấy hôm nay vì việc anh con, nên mỗi khi con về không ngoài việc con khuyên mẹ hoặc mẹ nói việc quan cho con nghe. Con không biết, chứ cái tên “mua hàng cho nhà vua” ở kinh đã bị xóa rồi; hai hiệu cầm đồ đã bán cho người ta và tiêu hết tiền rồi. Còn một hiệu nữa thì người coi việc trốn mất, hao hụt đến mấy ngàn bạc và đang xảy ra kiện cáo. Anh Hai con ngày nào cũng ở ngoài lục lọi sổ sách, số tiền ở kinh đã mất đến mấy vạn lạng bạc, đành phải rút số bạc chung vốn ở Nam lên và bán nhà ở đi mới đủ. Hai hôm trước đây còn nghe tin đồn nhảm, nói hiệu cầm đồ chung vốn ở miền Nam cũng vì lỗ vốn phải đương cửa. Nếu quả thế, mẹ còn sống làm sao được nữa!
Nói đến đó, bà ta lại khóc ầm lên. Bảo Thoa cũng khóc, và khuyên:
– Việc tiền bạc mẹ lo lắng cũng không ăn thua, đã có anh Hai lo liệu. Chỉ đáng giận bọn làm công thấy tình cảnh nhà mình suy sụp họ bỏ cả đi, mỗi người mỗi nẻo. Con nghe nói họ về hùa với người khác đến dọa dẫm chúng ta. Thế mới biết anh lớn chừng ấy tuổi đầu mà giao du toàn những bọn tham ăn tục uống, khi nguy cấp hoạn nạn thì chẳng có một người nào nhìn. Nếu mẹ thương con, xin mẹ nghe lời con, mẹ đã có tuổi cần phải giữ gìn đôi chút. Đời mẹ chắc không đến nỗi phải chịu đói, chịu rét đâu. Có ít quần áo đồ đạc trong nhà này, mẹ cứ để mặc chị ấy. Kể ra cũng chẳng còn cách nào hơn. Bọn bà già và người nhà xem chừng họ cũng không muốn ở đây nữa, ai đáng về thì cho họ về. Chỉ đáng thương chị Hương Lăng khổ một đời người, đành cứ để theo mẹ. Nếu thiếu thốn gì, bên con có, cũng có thể đưa sang ít nhiều, chắc nhà con cũng không nói gì đâu. Chị Tập Nhân cũng là người thực thà đứng đắn. Mỗi lần chị ta nghe việc của anh con, hễ nhắc đến mẹ là chị ấy khóc. Nhà con cứ tưởng là vô sự, nên không lo lắm; nếu mà biết rõ thì cũng khiếp đến chết đi được.
Tiết phu nhân không chờ con gái nói xong, vội bảo:
– Con ơi, con đừng nói với chồng con! Vì cô Lâm, chồng con định liều cả cuộc đời, mãi bây giờ mới đỡ ít nhiều. Nếu lại để nó sợ lỡ xảy ra việc gì, chẳng những con đeo phiền não, mà mẹ cũng hết nơi nương tựa.
– Con cũng nghĩ thế, nên không hề nói với nhà con.
Đang nói chuyện thì thấy Kim Quế chạy đến gian phòng bên ngoài, vừa khóc vừa kêu:
– Tao không cần sống nữa đâu! Chồng thì nắm chắc phần chết rồi! Nay chúng ta phá một trận, rồi kéo cả lên pháp trường liều mạng một phen!
Vừa nói, chị ta vừa đập đầu vào bức ván ngăn nhà, đầu tóc rũ rượi. Tiết phu nhân tức quá, trợn ngược mắt lên, không nói gì. May có Bả Thoa một điều gọi chị, hai điều gọi chị, đem lại hơn lẽ thiệt ra khuyên. Kim Quế nói:
– Cô ơi, giờ đây cô không phải như trước nữa. Hai vợ chồng cô sống vui vẻ, còn tôi là con người cô đơn trơ trọi, thì giữ thể diện làm gì?
Chị ta nói xong, định chạy ra đường về nhà mẹ. Nhờ có đông người giữ lại, khuyên lơn một hồi lâu chị ta mới im. Bảo Cầm sợ quá, từ đó không dám gặp chị ta nữa. Những khi Tiết Khoa ở nhà thì chị ta lại bôi son đánh phấn, rẽ tóc rẽ mày, ăn mặc rất là lả lơi kỳ quái, rồi lượn qua ngoài phòng Tiết Khoa thường cố ý ho một tiếng. Có khi biết rõ Tiết Khoa ở trong phòng, chị ta cũng cứ vờ hỏi ai ở trong ấy? Lúc gặp Tiết Khoa thì chị ta thướt tha nũng nịu, hỏi han vờ vẩn, vui giận thất thường.
Bọn a hoàn trông thấy, vội vàng tránh ra. Chính chị ta cũng không biết gì cả, chỉ một lòng một dạ định làm cho Tiết Khoa mê mẩn để giở mưu kế của Bảo Thiềm. Tiết Khoa chỉ có cách tránh, lỡ gặp chị ta, sợ chị ta bướng bỉnh, liều lĩnh nên cũng phải chiều chuộng ít nhiều. Kim Quế mê mệt sắc đẹp của Tiết Khoa, càng nhìn càng yêu, càng nghĩ càng mê, còn phân biệt sao được việc Tiết Khoa thật hay giả. Có điều là bất cứ cái gì Tiết Khoa đều nhờ Hương Lăng cất; áo quần giặt giũ, may vá, cũng nhờ Hương Lăng; khi hai người ngẫu nhiên nói chuyện, thấy Kim Quế đến, lại vội vàng lảng ra. Thấy vậy Kim Quế càng nổi cơn ghen, muốn lên tiếng quở trách Tiết Khoa, nhưng lại không nỡ, đành phải đem lòng tức giận ngấm ngầm, trút hết lên người Hương Lăng. Nhưng sợ đụng chạm đến Hương Lăng, lại mang lỗi với Tiết Khoa, thành ra Kim Quế cứ phái cắn răng mà nhịn.
Một hôm, Bảo Thiềm chạy đến, cười hì hì nói với Kim Quế:
– Mợ có thấy cậu Hai không?
– Không.
– Tôi đã bảo cái lối đứng đắn giả vờ của cậu Hai nhà ta là không tin được. Trước đây chúng ta đưa rượu đến cậu ấy bảo không hay uống, nhưng vừa rồi tôi thấy cậu ta sang bên nhà bà, mặt đỏ gay, người bốc lên mùi rượu. Mợ không tin, chốc nữa đứng trong cửa nhà ta đây mà chờ. Cậu ấy ở bên kia qua đây, mợ thử gọi lại hỏi. Xem cậu ấy nói thế nào?
Kim Quế nghe nói, trong bụng tức giận, liền nói:
– Cậu ta làm gì mà đã ra ngay. Họ đã không có tình nghĩa, mình còn hỏi làm gì?
Bảo Thiềm nói:
– Nếu khốn tử mình sẽ liệu (á(hậu ấy tử tế thì mình cũng tử tế,
Kim Quế nghe nói có lý, liền bảo Bảo Thiềm:
– Mày xem cậu ấy đã ra chưa?
Bảo Thiềm vâng lời đi ra. Kim Quế giở hộp gương ra soi, xoa một ít phấn lên môi, rồi cầm lấy một cái khăn lụa, vừa định đi ra lại quên mất cái gì trong bụng chẳng biết làm thế nào. Bỗng nghe Bảo Thiềm ở ngoài nói:
– Cậu Hai hôm nay cao hứng thật! Uống rượu ở đâu về đấy?
Kim Quế nghe nói, biết là Bảo Thiềm cốt gọi mình ra, liền vội vàng vén màn đi ra, thì thấy Tiết Khoa đang nói với Bảo Thiềm:
– Hôm nay là sinh nhật của ông Trương. Tôi bị họ ép không chối được, phải uống nửa chén, đến bây giờ má đang nóng bừng lên đấy.
Nói chưa xong, Kim Quế đã đỡ lời:
– Cố nhiên là uống rượu nhà người ta thú vị hơn là uống rượu ở nhà mình.
Tiết Khoa bị chị ta nói chọc, má càng đỏ lên, vội vàng chạy lại cười lấy lòng mà nói:
– Chị nói gì thế?
Bảo Thiềm thấy hai người nói chuyện với nhau, liền lẩn tránh vào trong nhà. Ban đầu Kim Quế định vờ làm bộ trách Tiết Khoa mấy câu, khốn nỗi khi thấy gò má anh ta đỏ lên, hai mát lờ đờ lại có vẻ thùy mị rất đáng yêu thì tính khí kiêu căng của mình đã hay đi đường nào hết. Chị ta liền cười nói:
– Nói như thế thì phải có người bắt ép chú mới chịu uống à?
Tiết Khoa nói:
– Tôi làm gì mà uống được?
– Không uống cũng tốt, còn hơn anh chú cũng vì uống th ra chuyện không hay, rồi sau này lấy mợ ấy về, lại như tôi đây phải chịu cô đơn góa bụa trong khi chồng vẫn sống.
Nói đến đó, đôi con mắt của chị ta lim dim và hai gò má cũng ửng đỏ lên. Tiết Khoa nghe câu nói càng có vẻ bậy bạ, định bỏ chuồn. Kim Quế biết ý, nhưng đời nào lại chịu, liền chạy nắm lấy tay. Tiết Khoa hoảng lên, nói:
– Chị ơi! Phải đứng đắn chứ!
Nói đến đó, cả người run lẩy bẩy.
Kim Quế cứ trơ trẽn nói:
– Chú cứ vào đây, tôi nói với chú một câu chuyện rất quan hệ.
Đang khi giằng nhau, bỗng sau lưng có người gọi:
– Mợ ơi! Hương Lăng đến đấy.
Kim Quế giật nẩy mình, ngoảnh cổ nhìn thì đó là Bảo Thiềm. Bảo Thiềm đang vạch rèm ra xem hai người. Khi ngước đầu lên thấy Hương Lăng từ bên kia lại, nên vội vàng báo cho Kim Quế biết. Kim Quế sợ quá, buông tay ra. Tiết Khoa nhân đấy chạy thoát. Hương Lăng đang đi không để ý, bỗng nghe Bảo Thiềm kêu lên, mới thấy Kim Quế đang nắm lấy Tiết Khoa, cố sống cố chết kéo vào trong nhà. Hương Lăng sợ quá, tim đập thình thình, vội vàng quay trở về.
Kim Quế vừa sợ vừa tức, ngơ ngác nhìn Tiết Khoa chạy đi, đứng sững ra một lúc lâu, “hừ” lên một tiếng, rồi tiu nghỉu trở về phòng. Từ đó chị ta căm giận Hương Lăng đến xương tủy.
Hương Lăng định đến bên Bảo Cầm, nhưng vừa ra khỏi cửa nách nhìn thấy thế, sợ quá bỏ chạy về.
Hôm ấy, Bảo Thoa ở bên nhà Giả mẫu, nghe Vương phu nhân nói với Giả mẫu về việc định gả Thám Xuân. Giả mẫu nói:
– Đã là người làng thì hay lắm, nhưng nghe nói thằng bé ấy đã đến nhà ta, tại sao anh ấy không nhắc đến?
– Ngay chúng con cũng không biết.
– Tốt thì tốt đấy, nhưng đường xa quá. Hiện nay anh ấy làm quan ở đấy, nhưng sau này anh ấy đổi đi nơi khác thì con nhà mình chẳng lẻ loi sao?
– Hai nhà đều làm quan, thì cũng không thể nói trước được! Chưa chừng bên kia đổi về đây cũng nên. Nếu không thì “lá rụng rồi cũng xuống gốc cây”, biết đâu sau này chả có ngày lại gặp được nhau. Vả lại, nhà con làm quan ở đấy, quan trên đã nói, không lẽ không gả? Chắc là ý nhà con đã quyết, nhưng không dám làm chủ, nên mới sai người về trình với cụ.
– Các người bằng lòng càng hay, nhưng con Ba đi lần này, không biết vài ba năm có về nhà được hay không? Cứ thế chắc gì ta được gặp nó một lần nữa.
Nói đến đó, Giả mẫu chảy nước mắt.
– Con gái lớn, thế nào cũng phải lấy không. Dù gả cho người cùng quê cùng quán, nếu không làm quan thì thôi, chứ đã làm quan, thì ai dám chắc ở gần một chỗ? Cốt sao con nó có phúc là tốt. Ví như con Nghênh Xuân thì gả gần đấy, nhưng vợ chồng lại hay đánh nhau, thậm chí cơm nó cũng không cho ăn. Nhà ta đưa cái gì đưn, con Nghênh Xuân cũng không nhận được. Gần đây nghe nói lại càng tệ lắm, mà họ cũng chẳng cho con kia về. Hễ hai vợ chồng cãi nhau là thằng kia lại nói nhà mình tiêu mất tiền của nó. Thật đáng thương con bé không biết đến bao giờ mới mở mày mở mặt ra được! Hôm trước đấy, nhớ đến nó, con cho người sang thăm, con Nghênh Xuân trốn ở trong phòng bên cạnh, không chịu ra. Bọn bà già đòi vào cho được, thì thấy trời lạnh như thế mà nó chỉ mặc một cái áo cũ. Nó nước mắt lưng tròng, nói với bọn bà già: “Các bà về đừng nói chuyện khổ của tôi. Đây cũng là do số phận của tôi mà ra. Các bà về dặn bên nhà đừng đưa áo xống, đồ vật gì đến, chẳng những tôi không được nhận mà lại thêm trận đòn. Nó cho là tôi về mách!” Cụ thử nghĩ xem chính là gần mà mắt trông thấy đấy, nếu không tử tế càng thêm khó chịu. Thế mà bà Cả cũng không để ý, ông Cả cũng cứ điềm nhiên. Hiện giờ, con Nghênh Xuân so với bọn a hoàn hạng ba ở nhà chúng ta đây cũng còn kém xa. Con nghĩ con Thám Xuân tuy không phải con đẻ ra, nhưng nhà con đã biết anh rể rồi, chắc là có tốt mới gả. Vậy xin cụ cho chọn ngày tốt, sai mấy người đưa cháu đến nơi làm việc của nhà con, nên như thế nào, chắc nhà con cũng sẽ lo liệu chu đáo.
Giả mẫu nói:
– Đã có anh ấy làm chủ thì chị cứ thu xếp cho ổn thỏa, chọn ngày tốt đưa nó đi, thế là xong việc.
Vương phu nhân vâng lời. Bảo Thoa nghe nói, cũng không dám lên tiếng, nhưng trong bụng xót thầm: “Trong các cô ở nhà mình cô Ba là trội hơn cả, nay lại gả đi xa, thì người ở đây thật là càng ngày càng ít.”
Thấy Vương phu nhân đứng dậy cáo từ ra về, Bảo Thoa cũng đưa ra, rồi quay ngay về phòng mình, không nói cho Bảo Thoa biết. Thấy Tập Nhân đang làm việc một mình, Bảo Thoa liền đem câu chuyện vừa rồi nói với Tập Nhân, Tập Nhân cũng rất lấy làm áy náy.
Về phần dì Triệu, nghe tin Thám Xuân lấy chồng xa, lại càng vui mừng, nghĩ bụng: “Cái con này ở nhà chẳng coi mình ra gì. Nó có coi mình là mẹ nó đâu. Nó không coi mình bằng con hầu của nó. Nó lại cứ về hùa với trên bênh vực người ngoài. Có nó ở đây, ngay thằng Hoàn cũng không mở mặt ra được. Bây giờ cha nó đem đi, mình càng rảnh rang. Hòng gì sau này nó hiếu thảo với mình nữa. Mong sao nó cũng như con Nghênh Xuân mình mới hả dạ.”
Dì Triệu vừa nghĩ vừa chạy đến bên Thám Xuân mừng cho cô ta, và nói:
– Cô ơi! Cô là người sắp bay cao rồi. Về nhà chú rể tất nhiên là tốt hơn ở đây, chắc cô cũng bằng lòng. Tôi sinh ra cô bấy lâu, chưa hề nhờ được gì, dù cho tôi có bảy phần xấu, cũng còn ba phần tốt, đừng có đi rồi cô bỏ quên ngay tôi.
Thám Xuân nghe nói chẳng có nghĩa lý gì cả, nên chỉ cúi đầu làm việc, không nói nửa lời. Dì Triệu thấy cô ta không thèm để ý liền vùng vằng bỏ đi.
Thám Xuân vừa tức, vừa buồn cười, lại vừa đau xót, nên cũng ngồi chảy nước mắt. Ngồi một lúc rồi cô ta buồn rầu đi sang bên nhà Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc hỏi:
– Em Ba, anh nghe khi em Lâm chết, em ở bên ấy, đâu như lúc em Lâm chết có tiếng âm nhạc xa xa. Có lẽ cô ta là người khác thường cũng chưa biết chừng?
Thám Xuân cười:
– Đó là bụng anh nghĩ thế thôi. Nhưng đêm ấy cũng lạ, tiếng nhạc gì, không giống như tiếng ta thường nghe. Lời anh nói có lẽ đúng.
Bảo Ngọc nghe nói, càng cho là thật. Anh ta lại nghĩ trước đây khi thần hồn của mình đang phiêu dạt, từng nghe một người nói: “Sinh không giống người, chết không giống quỉ”, chắc cô ta là nàng tiên xuống trần cũng nên. Lại nhớ đến năm nọ trong khi hát trò, họ đóng vai Hằng Nga, thướt tha lộng lẫy, yêu kiều biết chừng nào!” Một lúc sau, Thám Xuân ra về. Bảo Ngọc muốn Tử Quyên đến ở, lập tức trình Giả mẫu cho người đi gọi. Khốn nỗi Tử Quyên không bằng lòng, dù cho Giả mẫu và Vương phu nhân sai đến ở. Không có cách gì từ chối, nhưng ở trước mặt Bảo Ngọc, chị ta cứ than vắn thở dài. Khi vắng người, Bảo Ngọc nắm lấy tay chị ta, ôn tồn hỏi nhỏ chuyện Đại Ngọc nhưng không bao giờ Tử Quyên trả lời tử tế. Bảo Thoa thầm khen chị ta có lòng thủy chung, không hề quở giận. Tuyết Nhạn tuy có giúp sức đêm Bảo Ngọc rước dâu nhưng Bảo Thoa thấy tâm địa của con này không được ngay thẳng lắm, nên trình với Giả mẫu và Vương phu nhân đem gả cho một người hầu trai, đi ở nơi khác. Mụ vú họ Vương thì vẫn nuôi để tiện việc sau này đưa linh cữu Đại Ngọc về Nam. Bọn a hoàn nhỏ như Anh Kha thì lại về hầu Giả mẫu như trước. Bảo Ngọc nhân nhớ Đại Ngọc, từ cái nọ ra cái kia lại nghĩ đến những người theo hầu Đại Ngọc cũng đều tan tác các nơi, do thêm buồn bực, không biết làm thế nào; nhưng nghĩ lại Đại Ngọc đến chết vẫn còn tỉnh táo, chắc là thoát khỏi cõi trần trở về cõi tiên, nên lại vui vẻ. Bỗng nghe Tập Nhân và Bảo Thoa đang bàn về chuyện Thám Xuân đi lấy chồng, Bảo Ngọc nghe rồi kêu “ái chà” một tiếng, ngã lăn ra giường mà khóc. Bảo Thoa, Tập Nhân sợ quá, vội vàng chạy lại đỡ dậy, và hỏi:
– Cậu sao thế?
Bảo Ngọc nghẹn ngào không ra tiếng, im lặng giờ lâu mới nói:
– Giờ đây không thể sống được nữa! Chị em mỗi người tan tác mỗi nơi. Em Lâm đã thành tiên, chị lớn đã chết, hàng ngày không được với nhau một chỗ, thế cũng đành. Chị Hai thì gặp phải cái thằng bậy bạ không ra người. Nay em Ba lại đi lấy chồng xa, không sao gặp mặt được nữa? Cô Sử thì không biết sẽ phải đi đâu? Em Tiết thì đã có nhà chồng. Bấy nhiêu chị em, chẳng nhẽ không để một ai ở nhà sao? Còn lại một mình tôi để làm gì?
Tập Nhân vội vàng đem lời khuyên giải.
Bảo Thoa xua tay nói:
– Chị không cần khuyên, để tôi hỏi cậu ấy.
Rồi quay lại hỏi Bảo Ngọc:
– Theo ý cậu đòi đám chị em phải ở nhà làm bạn với cậu cho đến già, đừng ai nghĩ gì về việc lấy chồng phải không? Nếu là người khác còn có thể nói cậu có ý nghĩ gì. Còn các chị em của cậu không cần nói là không gả chồng xa, dẫu có chăng nữa thì cha làm chủ, cậu còn có cách gì? Cậu nghĩ trong thiên hạ này chỉ có một mình cậu yêu chị em hay sao? Nếu ai cũng như cậu cả, ngay tôi đây cũng không làm bạn với cậu được nữa. Người ta đi học là cốt cho sáng lẽ, tại sao cậu càng học lại càng lẩn thẩn thế? như tôi với cô Tập Nhân mỗi người đi mỗi nơi, để cho cậu đem hết chị em đến nhà mà ở với nhau.
Bảo Ngọc nghe nói, hai tay nắm lấy Bảo Thoa, Tập Nhân và nói:
– Tôi cũng biết vậy, Nhưng tại sao mà tan tác sớm như thế? Chờ lúc tôi hóa thành tro rồi hãy tan, cũng chưa muộn mà!
Tập Nhân bưng miệng anh ta lại và nói:
– Lại nói nhảm rồi, mới hai ngày nay, người cậu hơi khá, mợ Hai đã ăn được ít nhiều cơm. Nếu bây giờ cậu lại làm hỏng chuyện thì tôi cũng mặc kệ đấy.
Bảo Ngọc thấy hai người nói đều có lý, nhưng trong lòng chẳng biết nên như thế nào, đành phải nói:
– Tôi cũng hiểu rõ như thế nhưng trong bụng cứ rối cả lên.
Bảo Thoa cũng để mặc, nhưng ngấm ngầm bảo Tập Nhân đem thuốc viên “định tâm” cho anh ta uống, và khuyên giải từ từ.
Tập Nhân muốn nói với Thám Xuân, lúc ra đi bất tất phải từ biệt Bảo Ngọc. Bảo Thoa nói:
– Sợ gì việc đó? Hãy thư thả mấy hôm để cậu ấy tỉnh táo đã rồi để cho anh em họ nói chuyện với nhau. Vả lại cô Ba rất sáng suốt, không phải hạng người giả vờ, làm bộ, thế nào cũng có những lời khuyên răn, sau này cậu ấy sẽ không như thế nữa đâu.
Đang nói thì bên Giả mẫu sai Uyên Ương tới nói:
– Nghe nói bệnh cũ của Bảo Ngọc lại phát. Bảo Tập Nhân khuyên dỗ an tôi, nói với cậu ấy đừng có lo nghĩ vớ vẩn.
Bọn Tập Nhân vâng lời, Uyên Ương ngồi một lúc rồi về. Giả mẫu lại nghĩ Thám Xuân sắp đi xa, đồ tư trang tuy chưa cần sắm đầy đủ, nhưng nhất thiết mọi vật cần dùng đều phải sắm sửa, liền gọi Phượng Thư đến, nói rõ ý định của Giả Chính, rồi bảo chị ta lo liệu, Phượng Thư vâng lời.