Hồng Bào Quái Nhân

Chương 58: Thấy phù vân, hữu lượng kinh tâm


Đọc truyện Hồng Bào Quái Nhân – Chương 58: Thấy phù vân, hữu lượng kinh tâm

Lát sau Tô Bạch Phong mua thuốc trở về, sai điếm tiểu nhị nấu lên cho Du Hữu Lượng uống với cả năm viên thuốc hoàn của Tiền Kế Nguyên.

Du Hữu Lượng uống thuốc hồi lâu vẫn chưa hồi tỉnh. Tô Bạch Phong lòng nóng như lửa đốt. Ngày hôm sau vào khoảng giờ ngọ Du Hữu Lượng mới cử động và hồi tỉnh lại.

Chàng mở mắt ra thấy Tô Bạch Phong đang cúi xuống ngó mình mỉm cười.

Chàng không hiểu mình đang thức hay đang ngủ mơ. Tô Bạch Phong thấy mục quang chàng lộ vẻ nghi ngờ liền nói:

– Du huynh đã bớt nhiều rồi.

Du Hữu Lượng ngơ ngác hỏi:

– Tô huynh… Tô huynh cũng xuống địa phủ rồi ư?

Tô Bạch Phong cười đáp:

– Đúng thế! Đúng thế! Chúng ta cùng nhau xuống địa phủ nhưng Diêm Vương quát mắng đuổi ra, nên chúng ta đã từ giã Quỷ Môn Quan trở về dương thế.

Du Hữu Lượng vùng đứng dậy, thử vận chân khí thì thấy khí huyết lưu thông không có điều chi trở ngại. Chàng không khỏi trợn mắt, líu lưỡi, hỏi dồn:

– Vụ này là thế nào đây? Vụ này là thế nào đây?

Du Hữu Lượng bâng khuâng như tỉnh như mê. Tô Bạch Phong nhìn chàng hỏi:

– Du huynh có biết gã thiếu niên họ Tiền không?

Du Hữu Lượng ngẫm nghĩ rồi đáp:

– Thiếu niên họ Tiền ư? Tiểu đệ đã gặp hai lần. Lần thứ hai vào lúc tiểu đệ đến phó ước với người áo lam. Dường như Tiền huynh có chỗ hiểu nhầm đệ.

Tô Bạch Phong nói:

– Thế thì phải rồi! Chính gã đã cứu mạng cho Du huynh.

Du Hữu Lượng ngơ ngác hỏi:

– Gã cứu mạng tiểu đệ ư? Nhưng giữa tiểu đệ và gã chưa từng quen biết, vả lại…

Tô Bạch Phong xua tay ngắt lời:

– Tiểu đệ hãy hỏi Du huynh một câu:

Phải chăng Du huynh có cô em chơi thân với Thẩm cô nương?

Du Hữu Lượng lắc đầu đáp:

– Cái đó tiểu đệ cũng không rõ. Mấy tháng trước đây tiểu đệ còn gặp được gia muội một lần. Rồi y mất tích…

Chàng nói tới đây lộ vẻ buồn rầu. Tô Bạch Phong không hiểu nội vụ, cũng không tiện kiếm lời an ủi.

Du Hữu Lượng ngửng đầu lên hỏi:

– Gia muội sao lại có mối liên quan đến vụ này?

Tô Bạch Phong đáp:

– Thiếu niên họ Tiền đã có nhiều thành kiến và Du huynh may mắn được cô nương năn nỉ gã…

Y liền đem câu chuyện kể thuật lại. Du Hữu Lượng nghe xong không khỏi chép miệng thở dài. Chàng nhìn Tô Bạch Phong xá dài nói:

– Sá chi cái mạng bé nhỏ của tiểu đệ mà được ba vị ân nhân đồng thời cứu vãn.

Tô Bạch Phong xua tay gạt đi.

Du Hữu Lượng nói bằng một giọng thành thực:

– Con người ở đời được một người bạn tri kỉ thì dẫu chết cũng không đáng tiếc. Lúc này tiểu đệ quả có mối cảm giác như vậy.

Tô Bạch Phong nói:

– Du huynh tính nết chân thành, Tô mỗ nhất định kết giao cùng bằng hữu rồi.

Hai người đối diện nhìn nhau, mối thân thiết lộ ra ngoài mặt. Du Hữu Lượng đầu óc nóng bừng trong lúc nhất thời không thốt nên lời.

Hồi lâu Tô Bạch Phong lại lên tiếng:

– Du huynh đệ! Tô mỗ còn một vài điều canh cánh bên lòng.

Du Hữu Lượng nói:

– Xin đại ca cho nghe.

Tô Bạch Phong hỏi:

– Du Huyền Thanh tiền bối có mối liên quan thế nào với huynh đệ?

Du Hữu Lượng run lên đáp:


– Chính là gia phụ.

Tô Bạch Phong lắp bắp:

– Chính là lệnh tôn đấy ư? Thế thì không trách được…

Du Hữu Lượng lấy làm kì hỏi:

– Đại ca bảo sao?

Tô Bạch Phong trần giọng đáp:

– Người ta đồn giữa lệnh tôn và quái nhân họ Tả có nhiều chuyện với nhau.

Chẳng lẽ Du huynh không biết?

Du Hữu Lượng lắc đầu:

– Tiểu đệ dời nhà qua Tây Vực học nghệ từ nhỏ.

Tô Bạch Phong trầm ngâm nói:

– Quái nhân họ Tả là một cao nhân thần bí khôn lường trong con mắt của những cao thủ võ lâm. Về quái nhân họ Tả người ta đồn đại nhiều chuyện, thường là những chuyện không thể có được. Còn lệnh tôn…

Du Hữu Lượng hỏi:

– Chẳng lẽ gia phụ lại có liên quan với quái nhân họ Tả?

Tô Bạch Phong đáp:

– Chính miệng Triệu lão gia tử đã kể cho tiểu đệ nghe:

Một hôm lão nhân gia ngẫu nhiên đi qua một nơi hoang vắng, bỗng nghe phía trước phong thanh vi vút đưa lại tiếng hú cổ quái. Lão nhân gia là một vị đại sư về võ học, vừa nghe đã nhận ra đó là tiếng chiết chiêu giữa hai tay cao thủ cái thế. Triệu lão gia tử biết là nếu còn tiếp tục tiến về phía trước tất bị bại lộ hành tung, nên dừng lại lắng tai nghe. Sau mười chiêu lão gia không khỏi kinh hãi. Những tiếng chát chúa nổi lên mỗi lúc một cấp bách. Có tiếng rền như sấm, có tiếng ào ào như trời đổ mưa. Triệu lão gia đoán chưởng lực của hai nhân vật này đáng vào bậc nhất trong võ lâm.

Triệu lão gia tử tuy chưa nhìn thấy nhưng nghe chưởng phong cũng đoán ra được tư thế của hai bên. Thậm chí hai người ra chiêu nhẹ nhàng hay trầm trọng đều chẳng hiện ra trước mắt.

Ngoài năm trăm chiêu, chưởng pháp người mé hữu càng đánh càng lẹ ầm ầm như sấm nổ khiến ai cũng phải kinh tâm động phách. Triệu lão gia trong lòng cực kì hồi hộp.

Lão gia nghe chưởng phong của người này đoán ra được nội lực họ đã luyện đến trình độ “Ngọc huyền quy chân”. Xem chừng người mé tả sắp bại đến nơi.

Giữa khoảng thời gian chớp nhoáng này, dường như người mé tả đột nhiên biến đổi chưởng pháp, phóng ra những chiêu kì dị phi thường. Sau một lúc nữa phong thanh yên tĩnh, Triệu lão gia đang ngơ ngác, bỗng nghe người mé hữu lên tiếng:

– Du Huyền Thanh! Lão không chịu thua ư?

Tô Bạch Phong nói tới đây, Du Hữu Lượng đánh trống ngực thình thình. Tô Bạch Phong kể tiếp:

Người mé tả nói:

– Lại đây! Lại đây! Chúng ta đấu một ngàn chiêu nữa.

Người mé hữu nói:

– Lão cao hứng như vậy ư?

Người mé tả đáp:

– Lâu nay không được cùng lão chiết chiêu, trong lòng ngứa ngáy khó chịu.

Người mé hữu cười ha hả nói:

– Ngày tháng còn dài! Lão có rảnh thì đến Lạc Anh tháp để cùng lão phu tỉ thí. Lão cũng phải theo lão phu một điều.

Người mé tả nói:

– Phải chẳng lão muốn ta cùng lão đánh cờ?

Người mé hữu cười khanh khách nói:

– Lão hiểu lão phu một cách sâu xa.

Người mé tả nói:

– Về đánh cờ thì ta thật không dám lãnh giáo. Lần trước ở trên tháp đã đánh nổ bàn với lão mất năm ngày năm đêm rồi…

Người mé hữu vừa cười vừa nói:

– Kết quả là lão không đủ sức chịu đựng nên mới bị lão phu giết hết không còn mảnh giáp. Ha ha! Ván cờ đó thật khiến lão phu khoan khoái vô cùng.

Người mé tả đột nhiên trầm ngâm, hồi lâu mới khẽ nói:

– Chẳng giấu gì Tả lão, ta e không còn cơ hội đến Lạc Anh tháp nữa.

Tô Bạch Phong bảo cho Du Hữu Lượng hay người mé tả là Du Huyền Thanh, còn người mé hữu được kêu bằng Tả lão là ai thì chàng đã ý thức được rồi. Chàng tưởng chừng như bao nhiêu dây thần kinh của mình co rúm lại.

Tô Bạch Phong kể tiếp:


Người mé hữu hỏi:

– Tại sao vậy?

Người mé tả ngại ngùng đáp:

– Chuyến này ta cảm thấy khiếp đảm tâm kinh, trong lòng hồi hộp không sao bình tĩnh được. Tả lão nghĩ thử xem có phải là điềm gở rồi không?

Người mé hữu đáp:

– Trước nay lão phu không tin những chuyện đó.

Người mé tả nói:

– Ta cảm thấy ngày tận số không còn xa mấy và sắp bị chết về tay người khác.

Người mé hữu sửng sốt hỏi:

– Trong thiên hạ còn có ai là kẻ khiến cho Du Huyền Thanh khiếp sợ đến thế?

Người mé tả đáp:

– Người đó… Người đó cùng họ với ta.

Người mé hữu buột miệng:

– Họ Du ư?

Tả lão vừa nói ba tiếng, đột nhiên cất cao giọng:

– Ông bạn qua đường! Mời các hạ ra đây.

Triệu lão gia giật mình. Một tay cao thủ như Triệu lão gia mà còn bị Tả lão khám hành tung thì công lực lão cao thâm không biết đến đâu mà nói.

Tô Bạch Phong kể tới đây dừng lại. Du Hữu Lượng liền giục:

– Rồi sau sao nữa?

Tô Bạch Phong đáp:

– Sự gặp gỡ của Triệu lão gia cùng Tả lão và lệnh tôn diễn ra thế nào tại hạ cũng không rõ, nhưng nghe giọng nói của Triệu lão gia thì họ Tả đúng là một kỳ nhân không còn nghi ngờ gì nữa.

Du Hữu Lượng ngắt lời:

– Chẳng lẽ sau này, Triệu tiền bối lại không hiểu gì nữa?

Tô Bạch Phong đáp:

– Về Triệu lão gia vô tình tiết lộ:

Quả nhiên lệnh tôn mắc phải kỳ họa. Cả lệnh đường cũng không thoát. Việc này đại khái kỳ nhân họ Tả hay tin. Lão tức giận ra khỏi tòa tháp xuất hiện trên chốn giang hồ. Sau lão trở về Lạc Anh Tháp có một người đi theo…

– Người đi theo là ai? Họ Du có phải không?

Tô Bạch Phong gật đầu đáp:

– Đúng thế. Người họ Du theo kỳ nhân họ Tả, theo vào Lạc Anh tháp, nhưng trong tháp xảy ra những chuyện gì nữa thì Triệu lão gia không hay.

Du Hữu Lượng trong lòng khích động vô cùng. Đây là lần đầu tiên chàng được nghe câu chuyện liên quan đến phụ thân chàng hồi sinh tiền. Có lẽ thượng đế đã an bài câu chuyện thần bí bấy lâu nay mới bắt đầu tiết lộ.

Tô Bạch Phong liếc mắt nhìn viên tiểu ngọc thạch đính trên khăn Du Hữu Lượng ngập ngừng:

– Du huynh đệ!

Du Hữu Lượng hỏi:

– Đại ca có điều chi muốn nói:

Tô Bạch Phong hỏi lại:

– Du huynh đệ! Huynh đệ đã được nghe ai nói tới những chuyện thần bí trong tòa thạch tháp đó bao giờ chưa?

Du Hữu Lượng lắc đầu đáp:

– Chưa.

Tô Bạch Phong ấp úng:

– Viên ngọc thạch… đính trên khăn tiểu huynh đệ…

Du Hữu Lượng ồ một tiếng rồi đáp:


– Khi gia phụ đưa tiểu đệ qua Tây Vực đã để lại những đồ dùng trong đó có viên tiểu ngọc thạch này.

Tô Bạch Phong tỉnh ngộ vỗ vai chàng nói:

– Lão đệ! Ta bị lão đệ làm cho sợ quá.

Du Hữu Lượng nghe y cười dõng dạc bất giác trên môi cũng thoáng lộ một nụ cười. Nụ cười này tỏ tình hữu nghị tha thiết say sưa phát ra tự đáy lòng. Kế đó Tô Bạch Phong chuyển sang chuyện khác. Hai người bàn luận đến canh khuya mới đi ngủ.

Hôm sau Du Hữu Lượng tỉnh dậy đã thấy Tô Bạch Phong ngồi ngắm cảnh mĩ lệ bên cửa sổ, chàng hỏi:

– Đại ca! Trời sáng rồi ư?

Tô Bạch Phong nói:

– Mặt trời đã lên cao ba ngõ.

Du Hữu Lượng bẽn lẽn mỉm cười.

Tô Bạch Phong lại nói:

– Chúng ta ra ngoài kiếm chút gì ăn lót dạ.

Du Hữu Lượng gật đầu.

Hai người ra phòng ngoài. Tô Bạch Phong thò tay vào túi sờ chẳng thấy gì cũng không khỏi bẽn lẽn.

Du Hữu Lượng liền hiểu ý móc ra một đĩnh bạc đưa trả tiền trọ.

Hai người thấy bên kia đường phố có một quán ăn liền vào ăn một chén đậu hũ với mấy tấm bánh nướng.

Lúc ra khỏi quán, Tô Bạch Phong hỏi:

– Bây giờ huynh đệ định đi đâu?

Du Hữu Lượng đáp:

– Tiểu đệ muốn đi Tây Côn Luân có chút việc nhưng mà còn chịu lời ủy thác của người phải đưa một vật tới Thừa Thiên cư ở Ngân Xuyên trước đã.

Tô Bạch Phong nói:

– Tô mỗ cũng có việc phải làm, vậy sau khi hoàn thành sẽ tới tìm huynh đệ.

Đoạn y chắp tay cáo biệt. Du Hữu Lượng ngửng mặt trông trời chiều, chắp tay đáp:

– Đại ca hãy cẩn trọng.

Tô Bạch Phong trở gót cất bước. Du Hữu Lượng nhìn theo cho tới khi mất hút.

Lúc này mặt trời đã lên cao.

o O o Ngoài thành Ngân Xuyên vắng người đi lại. Vừng trăng chiếu xuống một làn ánh lạt. Vũ trụ bao trùm một bầu không khí quạnh hiu.

Trong thành Ngân Xuyên, người người đi lại như mắc cửi, hội hoa đăng sáng như ban ngày.

Du Hữu Lượng từ phía ngoài thành quạnh quẽ tiến vào thành nội dập dìu. Chỉ trong khoảnh khắc mà chàng tưởng như đã trải qua hai thế giớ khác biệt.

Hội hoa đăng mới bắt đầu. Người đi đường chen nhau, không ngớt qua lại trên phố.

Du Hữu Lượng đang đi, bỗng một hán tử đầu hươu mặt chuột lướt qua đụng vào vai chàng. Chân đối phương đụng vào chàng loạng quạng mấy cái. Hán tử xấu xa gắng đứng vững lại gật đầu nói:

– Tại hạ sơ ý mạo phạm đại gia. Thật là đáng chết.

Du Hữu Lượng động tâm, ngoài miệng lạnh lùng đáp:

– Không hề chi! Không hề chi!

Hán tử xấu xa hỏi:

– Phải chẳng đại gia ở ngoài mới tới đây?

Du Hữu Lượng gật đầu hỏi lại:

– Tại hạ muốn hỏi Thừa Thiên cư ở chỗ nào?

Hán tử xấu xa chớp mắt một cái, ấp úng đáp:

– Thừa Thiên cư ư? Tại hạ không rõ lắm.

Gã nói rồi trở gót toan đi.

Du Hữu Lượng đột nhiên vung tay chụp vào uyển mạch đối phương.

Hán tử xấu xa khẽ hắng dặng một tiếng, người gã lạng đi một cái khiến cho Du Hữu Lượng chụp vào khoảng không.

Du Hữu Lượng không khỏi ngạc nhiên. Chàng lại vương tay trái ra thật lẹ.

Hán tử liền bị chàng nắm trúng uyển mạch. Gã giương mắt lên hỏi:

– Đại gia làm thế này là có ý gì?

Du Hữu Lượng lạnh lùng nói:

– Đưa đây!

Hán tử xấu xa ấp úng nói:

– Tiểu nhân không hiểu…

Du Hữu Lượng ngắt lời:


– Tà Thâu Lý Lục Chi! Ngươi còn vờ nữa ư? Vừa rồi người móc lấy một vật trong bọc của ta.

Lý Lục Chi nét mặt âm trầm không trấn tĩnh. Du Hữu Lượng xiết mạnh tay một chút. Lập tức đối phương toát mồ hôi nhỏ giọt.

Lý Lục Chi giậm chân nói:

– Hỏng rồi! Lý Lục Chi này ngoại hiệu là Tà Thâu suốt đời ra tay chưa bị bắt bao giờ, không ngờ bữa nay lọt vào tay các hạ.

Gã vừa nói vừa móc túi lấy ra một vật. Chính là cái hộp gỗ đen mà Thừa Thiên tam trượng đã giao cho Du Hữu Lượng.

Du Hữu Lượng đón lấy cái hộp trầm giọng hỏi:

– Lý Lục Chi trộm cắp khắp hai miền Nam Bắc sông Đại Giang. Bữa nay đột nhiên chiếu cố cả Du mỗ, chắc không phải chuyện vô tình. Ai đã mua chuộc người thi hành cách hèn mạt này để ăn cắp hộp của ta?

Lý Lục Chi đáp:

– Tà Thâu là nhân vật thế nào mà còn để người mua chuộc? Các hạ nói thật tức cười.

Gã vừa nói vừa giựt tay một cách đột ngột như con rắn trơn tuột, thoát khỏi năm ngón tay của Du Hữu Lượng.

Du Hữu Lượng trong lúc nhất thời không đề phòng đã để hắn cựa thoát rồi biến vào làn sóng người, chớp mắt đã mất hút. Du Hữu Lượng trong lòng nghi hoặc, tiếp tục tiến về phía trước. Chàng vừa chuyển qua một góc đường thì đột nhiên chuông đồng nổi hiệu, pháo nổ đẹt đùng vang lên một hồi.

Chỉ trong khoảnh khắc người kéo đến chật ních cả đường phố. Du Hữu Lượng chau mày nắm lấy một người qua đường hỏi:

– Đêm nay trong thành mở hội hè gì vậy?

Người kia ngửng đầu lên nhìn Du Hữu Lượng một cái rồi nói:

– Chắc lão huynh ở xa mới tới. Đêm nay tại Thừa Thiên cư ở Cửa Nam mở đại hội thi kiệu, còn ai không biết?

Du Hữu Lượng chấn động tâm thần hỏi lại:

– Ở Thừa Thiên cư mở cuộc thi hành kiệu đêm nay ư?

Người kia gật đầu đáp:

– Chẳng đêm nay thì còn bao giờ? Nếu lão huynh rảnh rang thì có thể theo tại hạ qua đó coi chơi cái vụ náo nhiệt này.

Du Hữu Lượng nói:

– Tại hạ cũng muốn đi coi cho biết.

Chàng liền cùng người đó chen chúc trong đám đông đi qua hai dãy phố. Đột nhiên tiếng chuông đồng chói tai lại nổi lên.

Người kia nói:

– Chúng ta đi chậm mất một bước, kiệu hoa thi mất rồi.

Du Hữu Lượng hỏi:

– Cách thi kiệu thế nào?

Người kia đáp:

– Cách thi kiệu ư? Ngoài trang sức kiệu cho thật đẹp lại còn thi thân thủ của người khiêng kiệu. Khi bắt đầu cuộc đua, trống đồng la nổi lên nhộn nhịp. Cỗ kiệu xoay chuyển hết lần này đến lần khác, bước hết cách này rồi lại cách khác.

Hai người đang nói chuyện thì sáu cỗ kiệu đã khiêng ra đường phố từ từ chuyển động, giữa đám chuông trống vang lừng.

Mấy chục hán tử mặc áo ngắn khiêng những cỗ kiệu phủ gấm đoạn rất sặc sỡ, bộ pháp của những hán tử khiêng kiệu kẻ bước lên người bước xuống khiến cho những cỗ kiệu thành hình một con rồng uốn khúc.

Khi kiệu chuyển vào đường hẹp, chuông trống càng mạnh hơn. Bọn hán tử khiêng kiệu cũng gia tăng tốc độ, thân kiệu lắc lư khiến cho người coi lóa mắt.

Những cỗ kiệu dần dần tiến lại. Tiếng chuông boong boong ngày càng cấp bách hơn.

Những hán tử khiêng kiệu nghe nhịp chuông trống nhảy lên nhảy xuống.

Những cỗ kiệu chuyển động như từng đợt sóng khiến người đi coi bật tiếng reo hò.

– Hay quá! Hay quá!

Du Hữu Lượng thộn mặt ra mà nhìn. Chàng quay lại hỏi:

– Không hiểu trong kiệu có người ngồi không?

Người kia đáp:

– Lão huynh! Những người ngồi trong kiệu đều là khuê nữ trong bản thành, người đẹp như hoa.

Gã vừa nói vừa nuốt nước miếng.

Du Hữu Lượng bật cười hỏi:

– Ông bạn đã nhìn thấy chưa? Không chừng vén rèm kiệu lên lại lòi ra những cô xấu như quỷ dạ xoa.

Người kia nói:

– Ai cũng bảo thế. Khó lòng được thấy mặt đâu.

Lúc kiệu đi qua bên Du Hữu Lượng, trống càng thúc mạnh thân kiệu chuyển động khủng khiếp.

Đột nhiên một cơn gió thổi tới, một góc rèm kiệu bay tung lên. Hán tử khiêng kiệu vội đưa tay ra kéo xuống.. Nhưng dù trong nháy mắt, Du Hữu Lượng đã nhìn rõ sự vật bên trong. Chàng run lên vì người ngồi trong kiệu là một nhà sư già tóc bạc phơ, làm gì có hoàng hoa khuê nữ?

Du Hữu Lượng thấy vị lão tăng tóc bạc ngồi trong kiệu rất quen thuộc, suýt nữa bật tiếng la:

– Phù Vân Đại Sư!

Nhưng Phù Vân Đại Sư, chưởng giáo phái Côn Luân đã ngộ hại chết từ lâu rồi kia mà?

Đoàn kiệu đi giữa những tiếng reo dậy đất. Hai bên đường hai mươi bốn thiếu nữ tay cầm những ngọn đen pha lê chiếu ánh sáng rực rỡ khiến cho những bức vẽ trên kiệu tựa hồ có những chỗ lồi ra lõm vào.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.