Hồng Bào Quái Nhân

Chương 42: Du lang cứu thoát triệu cô nương


Đọc truyện Hồng Bào Quái Nhân – Chương 42: Du lang cứu thoát triệu cô nương

Tang Càng Sư Vương ngó Du Nhất Kỳ bằng cặp mắt lạnh lùng hỏi:

– Những kỹ thuật quỷ mỵ đó có gì đáng kể đâu?

Du Nhất Kỳ hỏi lại:

– Tại hạ cất tay một cái là chưởng môn năm phái lớn đều uổng mạng, so với các hạ ngày trước ra sao?

Tang Càng Sư Vương đã toan nổi nóng, nhưng nhớ tới lời nói của người ủy thác liền cười lạt rảo bước đi ngay. Lão đi được hai bước rồi quay lại bảo:

– Chủ nhỏ này sang năm đến hội ước với lão phu. Lão phu không muốn ba vị công kích gã.

Du Nhất Kỳ chỉ cười không nói gì.

Tang Càng Sư Vương đi xa rồi, Kỳ Bàn lão quái mới lớn tiếng quát:

– Tiểu tử! Ngươi lấy cắp Quỳnh phủ tiên dịch của ta, phải trả lại cho ta mau.

Du Hữu Lượng cười hì hì đáp:

– Tiên dịch tại hạ uống vào rồi, bây giờ có muốn trả lại cũng không làm sao được.

Kỳ Bàn lão quái tức giận nói:

– Ngươi uống lén tiên dịch của lão gia, lão gia phải ăn thịt ngươi để thanh toán.

Du Hữu Lượng hỏi:

– Mấy bữa nay tại hạ chưa tắm rửa mà các hạ ăn thịt thì có khác gì nuốt bụi đất vào bụng? Ha ha! Lão quái! Lão định làm thế nào?

Kỳ Bàn lão quái trợn mắt lên muốn động thủ thì đột nhiên tiếng sáo réo rắt vọng lại. Lão quái vừa nghe thấy đã sắc mặt tái mét, co giò chạy tuốt.

Du Nhất Kỳ và lão họ Ôn cũng chạy đi như bay.

Vân Long Ông nói:

– Tiểu huynh đệ! Tấm lòng trượng nghĩa của tiểu huynh đệ khiến cho lão khiếu hóa suốt đời không quên. Bây giờ chúng ta hãy tạm biệt:

Du Hữu Lượng đáp:

– Gia sư thường nói tiền bối là một tay nghĩa hiệp trong thiên hạ. Chút công lao nhỏ xíu này phỏng có chi đáng kể?

Vân Long Ông vẫy tay một cái rồi cùng Ngô trưởng lão rảo bước đi ngay. Nơi hoang dã chỉ còn lại một mình Du Hữu Lượng. Thế là cuộc đại chiến cổ kim hiếm có giữa hai phe chính tà đã kết thúc một cách mau lẹ.

Tiếng địch nổi lên lúc một rõ hơn như rót vào tai, chẳng khác gì bách điểu ríu rít. Du Hữu Lượng lấy làm kỳ nghĩ bụng:

– Người thổi sáo nhất định là một nhân vật lai lịch rất lớn. Không thế thì sao Kỳ Bàn lão quái vừa nghe tiếng đã chạy trốn?

Sau một lúc, tiếng bước chân trầm trọng từ phía Nam đi tới. Tiếng sáo hòa lẫn với tiếng bước chân trầm trọng mà vẫn uyển chuyển réo rắt, không rối loạn chút nào.

Du Hữu Lượng toan tiến lại thám thính thì đột nhiên thấy bóng xanh thấp thoáng. Một con trâu xanh rất lớn từ trong rừng chạy ra. Một tên tiểu đồng tử nhỏ tuổi cỡi trên lưng trâu đang thổi sáo chơi.

Tên đồng tử võ vào đầu trâu cho nó đứng lại.

Dưới ánh trăng Du Hữu Lượng nhìn rõ con trâu mộng rất lớn, toàn thân màu xanh như đúc bằng đồng xanh vậy.

Tên đồng tử cầm cây sáo vẩy một cái rồi nhìn Du Hữu Lượng cười hỏi:

– Hài tử! Từ đây tới Tây Côn Luân còn bao nhiêu xa nữa?

Du Hữu Lượng sửng sốt. Chàng không khỏi buồn cười vì thấy tên đồng tử này hiển nhiên còn kém mình đến mười mấy tuổi mà lại giở giọng ông cụ kêu chàng bằng hài tử. Bản tính cẩn thận, chàng đáp:

– Phải chăng các hạ hỏi đường đến Tây Côn Luân? Từ đây tới đó còn hơn hai chục ngày lộ trình.

Tên đồng tử ngẫm nghĩ rồi hỏi:

– Ngươi bảo hai chục ngày đường là theo công lực của ngươi phải không?

Du Hữu Lượng đáp:

– Tại hạ tính theo cước trình của những cao thủ bậc nhất trên chốn giang hồ.


Gã đồng tử trầm ngâm nói:

– Con trâu này cảu ta chỉ mất nửa thời gian đó là chạy tới nơi.

Du Hữu Lượng xuýt nữa phì cười, bụng bảo dạ:

– Người ta thường nói ” chậm như trâu”. Chằng lẽ con trâu xanh này mới mọc cánh?

Tuy trong lòng nghĩ vậy nhưng ngoài miệng chàng đáp:

– Tại hạ nghe nói đường lên núi Côn Luân hiểm trở khó trèo. Các hạ cưỡi trâu chưa chắc đã vượt qua được.

Đồng tử nổi lên tràng cười khanh khách. Tiếng cười rất trẻ con, gã nói:

– Cái đó ngươi khỏi lo. Ta cảm ơn ngươi.

Du Hữu Lượng thấy gã đến cũng như gã bỏ đi một cách đột ngột chàng nghĩ mãi mà không hiểu lai lịch, liền nói:

– Nghe nói còn một tháng nữa tại Tây Côn Luân sẽ xẩy cuộc quyết chiến giữa hai phe chính tà. Các hạ nên cẩn thận mới được.

Đồng tử lắc đầu đáp:

– Ta có mấy tên hậu bối bị người khinh khi. Mình là đại nhân phải rửa mặt cho chúng.

Du Hữu Lượng thấy gã nói bằng một giọng nghiêm trang thì trong lòng kinh hãi, không dám coi thường liền hỏi thử:

– Các hạ có biết cuộc hội ước giữa Hồng Bào Quái Nhân và Thiên Cơ Chân Nhân ở Côn Luân không?

Đông tử lắc đầu đáp:

– Cái gì mà Thiên Cơ Chân Nhân? Phường trẻ nít sao dám càn rỡ tự xưng là chân nhân? Như vậy há chẳng tổn thọ? Ta chỉ biết thằng nhóc Phù Vân bị người giết chết và họ còn muốn đến tiêu diệt tận tổ ở núi Côn Luân.

Gã càng nói càng hoang đường. Phù Vân đại sư bị người hạ sát mà gã coi như giết một đứa con nít.

Du Hữu Lượng bụng bảo dạ:

– Té ra gã này là một thằng nhỏ mắc chứng điên khùng, mất hết tâm trí.

Nhưng chàng lại nghĩ:

Cách giải thích này chưa làm cho ta thỏa mãn, rồi chàng tự hỏi:

– Nếu gã là con nít thì sao lại biết Phù Vân đại sư bị hạ sát? Bằng gã nghe người lớn nói chuyện thì thái độ này lại không đúng. Thật là khó hiểu.

Tên đồng tử vẫy tay nói:

– Hài tử! Ta coi ngươi mặt mũi thanh tú mà bình sinh ta có thói quen rất dở là chịu ơn của ai, nhất định phải đền đáp rất bội. Nay ngươi trỏ đường cho lão nhân gia mà bên mình chẳng có gì tặng ngươi, biết làm thế nào? Thật khó quá nhỉ?

– Lão tiền bối thử nghĩ coi rồi thủng thẳng cho vãn bối cái gì cũng được.

Đó là chỗ sở trường hơn đời của chàng. Khi gặp việc chưa điều tra cho rõ được, quyết chẳng bỏ qua một cách khinh xuất. Giả tỷ là người khác đang tuổi thiếu niên huyết khí mà nghe một tên đồng tử lên giọng phách lối rất nổi nóng rồi.

Đồng tử kia ngẫm nghĩ rồi vẫy tay nói:

– Ngươi cũng là người luyện võ, ta chỉ coi nước da hồng nhuận ở toàn thân ngươi là biết nội công đã đến một trình độ nào. Vậy lão nhân gia chỉ điểm thêm cho ngươi một chút.

Gã dứt lời liền trên lưng trâu tụt xuống, đạp dưới mặt đất mấy chục bước rồi lại nhảy tót lên lưng trâu đi ngay.

Du Hữu Lượng kinh hãi đến ngẩn người ra. Chàng chờ đối phương cỡi trâu đi mất hút rồi mới quay đầu nhìn lại thì thấy chỗ y vừa giậm chân đi để lại những vết rối loạn. Thân hình người đó xoay chuyển nhanh như gió. Mục lực linh mẫn như chàng mà cũng không nhìn rõ.

Du Hữu Lượng cúi xuống nhìn kỹ thì chỗ này đá núi rất rắn mà mười mấy vết chân sâu xuống đến hơn tấc. Chàng nhớ kỹ lấy bộ vị các vết chân vì trong lúc nhất thời chàng chưa mò ra được. Chàng tự hỏi:

– Người này là ai? Người này là ai?

Chàng nghĩ mãi nhưng sư phụ chàng chưa từng nhắc tới nhân vật nào thế này.

Cứ coi lối phô trương thân thủ rồi thì đừng nói đến chàng không nhìn ra, mà cả đến con người độc bá võ lâm là Tang Càng Sư Vương e rằng bản lãnh vẫn còn kém y.

Du Hữu Lượng ngoài hai chục tuổi học được võ công thượng thừa. Lần trước chàng đối chưởng với Hồng Bào lão tổ đã tự tin công lực mình tăng lên rất nhiều, có thể đứng vào bậc cao thủ hạng nhất, nhưng đêm nay chàng gặp liền hai quái nhân, công lực họ đều cao thâm hơn chàng. Chàng không khỏi sinh lòng chán nản, tự nhủ:


– Ta khổ công rèn luyện mà làm gì? Rèn luyện được bằng thân thủ hai người này cũng là khó lắm rồi. Ta chỉ mong trả được mối đại cừu rồi cùng Huyền Hồ Quận Chúa tìm một nơi thủy tú sơn kỳ ẩn dật cho mãn đời.

Du Hữu Lượng nghĩ tới Huyền Hồ Quần Chúa, bất giác lại liên tưởng đến con người khả ái bé nhỏ là Thiệu cô nương ở phái Hoa Sơn. Chàng động tâm nghĩ thâm:

– Tang Càng Sư Vương đến rồi. Ta muốn cứu Thiệu cô nương thật không phải chuyện dễ dàng. Không hiểu bây giờ Vân Long Ông ở đâu? Thiệu cô nương đã được Sư Vương bảo vệ thì chẳng còn ai dám động đến cô ta nữa. lão chưa nghĩ tới Sư Vương đã vâng lệnh người ta đưa Thiệu cô nương đến tận Kiến Châu.

Chàng nghĩ đến đây, tâm tình dần dần thanh tịnh trở lại. Chàng trầm ngâm một lúc lâu, rồi sau cùng chàng tự quyết:

– Bây giờ ta lại đi theo giải cứu Thiệu cô nương. Nếu sư vương ngủ trọ trong thị trấn thì ta lại đi tìm đến Huyền Hồ Quận Chúa, không chừng sẽ có hy vọng.

Quyết định chủ ý rồi, Du Hữu Lượng ngó chiều trời đã gần hết canh tư. Chàng khẽ đề khí toan vọt đi, bỗng thấy người vỗ vào sau lưng cất tiếng hỏi và đúng là thanh âm của Tang Càng Sư Vương:

– Nầy chú nhỏ! Người thổi sáo đi về phương nào?

Du Hữu Lượng không muốn chần chờ nên trỏ tay về phía Tây đáp:

– Người đó cưỡi trâu xanh lên núi Tây Côn Luân rồi.

Tang Càng Sư Vương gật đầu nói:

– Vậy mình có đuổi cũng không kịp nữa.

Lão ngửng đầu trông chiều trời rồi lại cúi xuống, chợt ngó thấy những vết chân dưới đất. Lão hơi biến đổi sắc mặt, trầm ngâm một lát, không nói gì nữa tự mình đi về phía thôn xóm.

Về lai lịch của Thanh Ngưu Đồng Tử ngoại trừ Tang Càng Sư Vương chỉ có Phù Vân đại sư hay biết nhưng Phù Vân đại sư qua đời rồi thì chỉ còn một mình lão là hiểu rõ.

Tang Càng Sư Vương định đi gặp Đồng Tử, nhưng trong mình còn mang nhiệm vụ nên chưa đi được. Sau Thanh Ngưu Đồng Tử đi rồi, chợt nhớ tới người này mà nhúng tay vào công việc của mình, lại nhanh chân đến trước thật muôn phần khó khăn. Lão hối hả chạy đến hỏi Du Hữu Lượng, thấy chàng đáp Đồng Tử đi về phía Tây, liền thi triển thuật “Thiên kỵ địa thính” và phát giác ra tiếng chân Thanh Ngưu đang chạy về phía Tây, lão mới yên tâm trở về thôn xóm.

Du Hữu Lượng không chần chờ nữa, thi triển môn khinh công thượng thừa chạy như bay trong vùng hoang dã.

Lúc này đêm khuya trời tỉnh, Du Hữu Lượng nghe bên tai tiếng gió vù vù.

Chàng chạy chừng nửa giờ vẫn chưa sáng nghĩ thầm trong bụng:

– Tang Càng Sư Vương tiến đến sau lưng mà ta không phát giác. Nếu lão ám toán thì mình còn chống chọi thế nào được?

Chàng nghĩ tới đây bất giác lại sinh lòng chán nản, nhưng nghĩ tới Sư Vương, chàng có ấn tượng không tệ hại mấy chàng hiểu tại sao ngày trước lại xẩy chuyện sư phụ liên thủ cùng mấy người vây đánh lão?

Chàng đã gần tới chỗ hang núi mà Huyền Hồ Quận Chúa ở đó. Chàng chạy suốt đêm lại chiến đấu liều mạng với Du Nhất Kỳ nên lúc này cảm thấy mỏi mệt, liền nhẹ nhàng vọt qua cửa lớn không muốn hô hoán Huyền Hồ Quận Chúa.

Chàng ngửng đầu lên nhìn thì trong phòng Quận Chúa vẫn còn đèn lửa sáng trưng Lương Luân đang đứng ở trước cửa dường như có việc chi bẩm báo.

Du Hữu Lượng không bỏ lỡ cơ hội, chàng vội lạng người chuồn vào đại sảnh.

Trong đại sảnh tối đen như mực không một bóng người. Chàng cất tiếng khẽ gọi:

– Thiệu cô nương! Thiệu cô nương! Tại hạ ở đây! Tại hạ ở đây!

Chàng đảo mắt nhìn quanh thì thấy một người ngồi trong góc nhà. Hiển nhiên là Thiệu cô nương ở phái Hoa Sơn.

Du Hữu Lượng lại hỏi:

– Thiệu cô nương! Cô nương bị điểm á huyệt rồi phải không?

Thiệu nữ hiệp thở hồng hộc đáp:

– Ngươi mới là thằng câm. Bước ngay đi đừng hỏi gì đến ta nữa.

Du Hữu Lượng nói:

– Thiêu cô nương! Tại hạ đến cứu cô đây.

Thiệu Quyên hắng dặng một tiếng rồi hỏi:

– Ngươi còn nhớ đến ta ư? Sao ngươi… ngươi không đi mà quấn quýt con yêu nữ kia. Lúc này thời cơ rất tốt mà ngươi cố phụ thị há chẳng đáng tiếc ư?

Du Hữu Lượng sửng sốt. Chàng là người rất linh mẫn liền hiểu tâm sự của cô ngay, cất giọng thành khẩn nói:


– Thiệu cô nương! Thời cơ rất cấp bách. Bây giờ cô nương không rốn đi thì chẳng còn cơ hội nào nữa.

Thiệu Quyên tức mình đáp:

– Ta sống hay ta chết thì ngươi lấy tư cách gì mà can thiệp? Đồ mặt dày!

Ngươi dám sóng vai với con yêu nữ mà đi, lễ thành thân cũng chưa cử hành đã nằm lỳ ở đây. Thật là quân vô liêm sỉ không bằng giống chó lợn.

Du Hữu Lượng vội nói:

– Cái đó để sau này sẽ bàn. Tại hạ giải huyệt rồi đưa cô trốn đi, không thì mất mạng.

Thiệu Quyên thét lên:

– Té ra Du đại công tử đã bị yêu nữ phế bỏ rồi. Ha ha! Thật là thú quá! Ngươi muốn đi đâu thì đi. Ta có chết cũng đành chịu chứ không mượn ngươi giải cứu.

Cô nói mấy câu sau cùng, vành mắt đỏ hoe, dòng châu lã chã khôn cầm.

Du Hữu Lượng biết khuyên giải cô không được liền đưa tay ra ôm lấy. Đột nhiên ngón tay đau nhói lên, chàng vội rụt tay về thì thấy ngón tay trỏ bị cắn chảy máu.

Thiệu Quyên vừa khóc vừa nói:

– Ngươi mà đụng vào tà áo ta thì ta chết ngay trước mặt tiểu tặc vong ân bội nghĩa.

Du Hữu Lượng thừ người ra không biết làm thế nào. Bỗng thấy đèn lửa trong phòng Huyền Hồ Quận Chúa đều đã tắt hết, tai lại vẳng nghe tiếng hai người vọt đi như bay. Chàng biết đã đến lúc khẩn cấp tối hậu. Cưỡng không được lại cất giọng ôn nhu năn nhỉ:

– Thiệu cô nương!… Cô… thật không hiểu cho lòng tại hạ.

Thiệu Quyên nghẹn ngào đáp:

– Lòng dạ ngươi làm sao, ngươi tự hiểu lấy.

Du Hữu Lượng nói:

– Tại vì cứu cô mà phải lẩn quẩn với con yêu nữ. Cô tưởng tại hạ sung sướng lắm hay sao? Hỡi ơi! Cô không chịu tin theo tại hạ… Thôi đành! Tại hạ cũng chẳng trốn chạy nữa, ở lại đây với cô để cho người ta đến bắt mà chém mà mổ.

Thiệu Quyên nghe nói dương mắt lên hỏi:

– Ủa! Ngươi bảo sao?

Du Hữu Lượng cất giọng bi ai đáp:

– Cô có biết đâu con tiểu yêu nữ kia lòng dạ như rắn rết? Tại hạ vĩnh viễn không muốn thấy mặt thị, nhưng vì cô nương… Vì cô nương mà phải khuất thân…

không thì thị là người Mãn Thanh. Hỡi ơi…

Thiệu Quyên là một cô bé chưa trải sự đời nghe chàng nói vậy mười phần đã tin chàng đến chín. Cô chớp mắt hỏi:

– Thế ra là tiểu muội đã ngờ oan cho công tử hay sao? Sao công tử lại câu kết với con yêu nữ?

Du Hữu Lượng nhăn mặt đáp:

– Câu chuyện này dài lắm. Chúng ta bị giải đi Kiến Châu. Dọc đường tại hạ sẽ nói cho cô nghe.

Thiệu Quyên mím môi giục:

– Công tử giải khai huyệt đạo cho tiểu muội rồi chúng ta chạy trốn.

Du Hữu Lượng cả mừng liền tiến lại vỗ vào huyệt đạo sau lưng cô, nhưng cô vẫn không nhúc nhích được. Chàng cúi xuống nói khẽ:

– Thủ pháp điểm huyệt này rất quái dị. Trong lúc hoang mang tại hạ không tham ngộ được. Thiệu cô nương! Tại hạ hãy bồng cô trốn khỏi nơi đây rồi thủng thẳng nghĩ cách giải khai huyệt đạo.

Thiệu Quyên đỏ mặt lên rồi khẽ gật đầu.

Du Hữu Lượng ôm cô lên lạng mình vọt đi.

Thiệu Quyên khẽ hỏi:

– Con yêu nữ đó là Thanh cẩu thật ư?

Du Hữu Lượng sợ sinh chuyện lôi thôi, liền gật đầu đáp:

– Đúng thị là người dòng quý tộc nhà Thanh, kẻ thù sinh tử của người Hán chúng ta.

Thiệu Quyên ra chiều hối hận, miệng lắp bắp:

– Du… Du đại ca. Tiểu muội đã trách lầm ca ca rồi.

Du Hữu Lượng vỗ vai cô đáp:

– Cô ta một vị tiểu cô nương làm cho người ta được vui dạ khi nào đại ca ca còn phiền trách cô.


Du Hữu Lượng ra khỏi nhà đại sảnh chạy vào hậu viên rồi vọt ra ngoài.

Chàng liền đề tụ chân khí chạy như người điên về phía Tây Côn Luân.

Chàng chạy đã lâu, trong viện mới có một vị cô nương đi ra. Cô này trông chừng đêm đã hầu tàn, sao lặn gần hết. Bầu trời quang đãng nhưng lòng cô xiết nỗi thê lương, so với ngọn gió ban mai tưởng còn lạnh lẽo hơn mấy phần.

Đột nhiên cô lẩm bẩm:

“Nếu không có thần sai quỷ khiến, Lương Luân phát giác ra tiếng bước chân rồi chạy đi rượt theo thì ta cũng chẳng đến đây làm chi. Nếu ta không đến đây thì sao phanh phui ra được y đã lừa dối. Trời ơi! Chẳng lẽ trời cố tình hạ độc thủ với người con gái yếu ớt này? Phải chăng kiếp trước ta đã làm nên nhiều tội nghiệt”?

Nàng càng nghĩ ruột càng đau như giao cắt. Nàng nghĩ tiếp:

– Giữa người Hán và người Mãn đã gây thành mối huyết hải thâm cừu. Y coi hết thảy người Mãn như quân chó má. Chẳng thà ta bị y lừa gạt cũng đành. Sao ông trời còn làm cho ta tan nát cả cõi lòng? Ông thật là bất công.

Ánh sáng bên trời đã hé lên. Vị cô nương này hờn thân tủi phận những muốn chết đi cho rồi, thì đột nhiên có tiếng bước chân vang lên. Cửu ca dẫn Lương Luân đến và một người che mặt đến. Nàng hít mạnh một hơi chân khí, tự nhủ?

– Việc đời mười có đến tám, chín là bất như ý. Kẻ thương tâm vẫn cứ phải sống hoài. Phải rồi! Ta hãy cứ sống đi, nhưng từ nay ta không tin ai nữa. Nhất là bọn đàn ông toàn hạng lừa gạt giả giối có đâu là mình khám phá ra được hay không mà thôi.

Trên đời đầy rẫy những việc thương tâm, nhưng con người sau khi gặp cảnh thương tâm phải tự an bày mình thế nào? Thế giới bao là nhất thiết là những chuyện bi hoan ly hợp.

Huyền Hồ Quận Chúa là cành vàng lá ngọc giòng Mãn tộc. Nàng có thể đại lượng tha thứ cho con người phụ bạc Du Hữu Lượng nhưng bảo nàng lại được tin tưởng người khác thì đó là một việc không thể có được.

Mặt trời đã xế về Tây. Đường đi mỗi lúc một hoang vu. Sau Du Hữu Lượng giải khai huyệt đạo được cho Thiệu Quyên. Hai người đi nhanh suốt một ngày mà chưa gặp một ai.

Đến chiều tối chàng cảm thấy hơi nhức đầu, nhưng Thiệu Quyên cô nương vẫn lộ vẻ quật cường. Cô đi cả sắc mặt lợt lạt mà tuyệt nhiên không thốt ra một lời oán than.

Du Hữu Lượng đi tới chỗ khe suối liền quay đầu lại nhìn Thiệu Quyên nói:

– Chúng ta hãy nghỉ một đêm, sáng mai sẽ lên đường. Mình mà tiến vào khu vực núi non thì địch nhân khó lòng kiếm thấy.

Thiệu Quyên lắc đầu đáp:

– Vấn đề nan giải là chúng ta suốt ngày không ăn uống gì. Nếu bụng đói mà gặp địch nhân hay một con dã thú tầm thường cũng không đánh đuổi được.

Chàng vừa nói vừa chú ý nhìn đống cỏ rậm gần đó đang lay động. Chàng vọt mình tới. Hai ngón tay búng ra đánh vèo một cái. Một mẩu cành khô vọt đi như tên bắn.

Bỗng nghe tiếng kêu bi ai rú lên, một con thỏ lớn chừng bảy tám cân ngã lăn ra.

Du Hữu Lượng cả mừng chạy lại, xách con thỏ lên cười ha hả nói:

– Vận khí hãy còn, con thỏ này ăn no được một bữa.

Chàng xách con thỏ, mổ bụng vặt lông thật sạch rồi xiên vào một cành cây, đốt lửa lên nướng.

Thiệu Quyên ngày thường ăn sung mặc sướng, không biết làm gì, chỉ dương mắt lên nhìn Du Hữu Lượng, ngấm ngầm tự nguyện với mình:

– Nhất định ta phải học nghề nấu nướng cho cao minh. Nếu không thế thì ngày sau chẳng giúp gì được đại ca ca. Y còn nhờ mình được việc gì?

Cô nghĩ tới đây rất lấy làm tự thẹn, ngấm ngầm chặc lưỡi…

Dưới ánh hỏa quang, Du Hữu Lượng thấy cô bé lúc ra chiều e thẹn, lúc lộ vẻ mừng vui, mà không biết trong lòng cô đang nghĩ gì?

Chẳng bao lâu thịt thỏ chín dần, mùi thơm bốc lên ngào ngạt.

Du Hữu Lượng xé một miếng bỏ vào miệng nhai rồi nói:

– Hãy còn thiếu một thành hỏa hầu.

Thiệu cô nương cũng buột miệng đáp:

– Tiểu muội thấy chín vàng rồi, nướng nữa e rằng cháy đắng.

Du Hữu Lượng mỉm cười đưa con thỏ nướng sang một bên miệng nói:

– Cô nương nói phải lắm. Tại hạ chảy nước miếng nhiều quá rồi mà ruột gan đang chực phản động. Ha ha!

Chàng chặt con thỏ nướng ra từng khúc, rồi đưa cho Thiệu Quyên một phần.

Hai người bụng đã đói, ngấu nghiến ăn lẹ như lang như hổ.

Thiệu Quyên ăn thịt thỏ thấy có chỗ chưa chín. Cô ngó Du Hữu Lượng ra chiều khâm phục, khẽ nói:

– Cái này là tại tiểu muội dở quá. Nếu để đại ca cố nướng thêm lát nữa thì ngon hơn.

Du Hữu Lượng cười đáp:

– Sự thực không thể trách cô được, vì cái bụng của tại hạ làm dữ quá. Mình có muốn hoãn lại một chút nó cũng không cho.

Thiệu Quyên thấy chàng có ý bênh mình, trong long tràn ngập sung sướng mà lại có chút e thẹn. Bao nhiêu chỗ hiểu lầm đều tiêu tan hết.

Hai người ăn hết con thỏ nướng, Du Hữu Lượng Toan đưa tay áo lên lau mép thì đột nhiên ngó thấy tấm áo mới hãy còn lấp loáng, không tiện dùng nó để chùi miệng. Chàng đang ngần ngừ Thiệu Quyên cầm khăn tay đưa cho. Chàng đón lấy lau miệng, mũi ngửi thấy mùi thanh hương thoang thoảng, lòng chàng lại nhớ tới Huyền Hồ Quận Chúa. Nhưng thấy Thiệu Quyên cặp mắt chứa chan tình cảm đang nhìn chàng tựa như cười mà không phải cười. Chàng giật mình, đầu óc không khỏi bâng khuâng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.