Đọc truyện Hơn Cả Tuyệt Vời (Something Wonderful) – Chương 21
Khi Alexandra xuống xe, ánh trăng chiếu sáng dãy nhà nằm trên phố Upper Brook. Nàng lấy chìa khóa để mở cửa ngôi nhà số 3. Đẩy cửa mở hé ra một chút, nàng nhìn vào tiền sảnh. Như lòng nàng mong muốn, Higgins và gia nhân trong nhà đều đi ngủ hết.
Nàng vào nhà, rón rén đi lên cầu thang, đến phòng ngủ của nàng, nàng do dự, phân vân không biết chị hầu phòng còn thức đợi nàng hay không, mặc dù nàng đã dặn đừng đợi. Nàng không mở cửa, đi thẳng theo dãy hành lang, hai bên có nhiều phòng dùng cho khách. Đến cuối hành lang, có chiếc cầu thang để dẫn lên tầng trên. Nàng đi lên cầu thang, đến phòng cuối cùng trên hành lang. Nàng mở cửa, nhìn vào trong phòng. Phòng này bỏ trống lâu ngày, nguyên là phòng dành cho bà gia sư. Nàng đi vào phòng, mỉm cười sung sướng vì nàng đã sáng ý. Nàng cởi găng tay, ném lên cái vật lờ mờ mà nàng đoán là cái tủ. Nàng vẫn giữ lời hứa: nàng về nhà kia mà.
Ngoại trừ việc khi chồng nàng về nhà, vào phòng ngủ để thực hiện sự trừng phạt, thì sẽ không có nàng.
Nghĩ đến chuyện chàng sẽ rất tức giận, bỗng nàng ớn lạnh xương sống, nhưng nếu cứ vào phòng ngủ để chịu đựng số phận chỉ có Chúa mới biết, nàng cảm thấy quá khủng khiếp không chịu đựng được.
Nàng định ngày mai, khi nàng đã lấy tiền của Penrose bán chiếc đồng hồ rồi, nàng sẽ đợi lúc Jordan không có nhà, nàng với hai lão bộc sẽ rời khỏi London.
Cởi áo ra, Alexandra nằm dài trên chiếc giường chật hẹp, không có vải trải giường, rồi nhắm mắt lại. Khi nhớ lại thái độ của Jordan tối nay là nàng cảm thấy lo âu, bối rối. Nàng tự hỏi: tại sao chàng tức giận nàng như thế đồng thời lại muốn cứu vãn danh dự cho nàng. Nàng không hiểu nổi. Nàng chỉ biết bây giờ phải cố trốn chàng tại trong nhà chàng, trốn với lòng lo sợ và tức giận con người mà khi nghe mất tích, nàng đã muốn chết theo.
***
Bá tước Camden đến tại nơi dạ vũ vừa khi Jordan ra về, ông ta nghe nói Melanie đã về rồi. Lúc ấy, Jordan mới sực nhớ chàng đã cho người lái xe của chàng ra về, vì chàng định sẽ cùng Alexandra ra về trên xe của nàng, cho nên chàng đành phải nhờ Camden cho chàng quá giang về nhà. Xe Camden dừng lại trước nhà số 3, và Jordan bước xuống. Vì tâm trí mãi nghĩ đến chuyện Alexandra chắc đang đợi chàng ở trong phòng ngủ, nên Jordan không để ý lắm đến người đánh xe ngựa một mình đang ngồi đợi dưới bóng tối ngôi nhà ở bên kia đường, mũ kéo trụp che kín mặt, nhưng hình của gã đã trong sâu trong tâm trí của chàng. Như thể chàng đánh hơi được sự nguy hiểm, chàng quay lui trên tầng cấp thứ hai để nói lời chia tay với Camden, nhưng mắt nhìn qua người đánh xe ngựa vừa lúc tên này đưa tay lên.
Jordan vội nhào người xuống về phía bên trái thì vừa lúc súng nổ. Rồi chàng lom khom chạy băng qua đường với nỗ lực đuổi bắt tên sát nhân, nhưng vô ích, tên giết người đã lái xe chạy len lỏi vào giữa đoàn xe cộ cồng kềnh trên Đại lộ Brook, và cũng chính đoàn xe cộ này đã ngăn cản John Camden chạy đuổi theo kẻ sát nhân.
***
Edward Phawkes nhìn đồng hồ đeo tay. Ông ta người to lớn vạm vỡ chuyên giải quyết những vấn đề tế nhị cho một nhóm khách hàng chọn lọc không muốn có chính quyền dính dáng đến. Khi ông ta ngồi trước mặt Công tước Hawthorne thì đã gần một giờ sáng. Hôm qua chàng đã thuê ông ta để điều tra hai vụ chàng đã bị giết hụt và để biết ai là người đã chủ mưu hai vụ này.
– Sáng mai sau khi chúng tôi ngủ dậy, vợ tôi và tôi sẽ đi về Hawthorne – Công tước nói – Tên sát nhân có thể ấn núp trong các đường hẻm ở London dễ dàng hơn ở nông thôn. Nếu chỉ có tính mạng bị nguy hiểm, tôi sẽ ở lại thành phố. Nhưng nếu người em họ của tôi đứng đàng sau chuyện này, chắc hắn không muốn để cho tôi có con thừa tự, cho nên bây giờ vợ tôi cũng ở trong tình trạng rất nguy hiểm.
Phawkes gật đầu đồng ý.
– Ở thôn quê, nhân viên của tôi có thể thấy được người xâm nhập vào lãnh địa Hawthorne hay đi lang thang trong làng rất dễ. Chúng tôi có thể canh chừng hắn được.
– Nhiệm vụ hàng đầu của ông là bảo vệ vợ tôi – Công tước nói – Khi tất cả chúng tôi đã ở trong Hawthorne rồi, tôi sẽ nghĩ đến kế hoạch để lôi ra ánh sáng kẻ đã chủ mưu việc này. Ông bố trí bốn người vào ngày mai đi canh gác quanh xe của tôi. Cộng thêm người của tôi. Tất cả sẽ lên đến mười hai người cưỡi ngựa đi bảo vệ ở ngoài.
– Có thể tên bắn đức ông đêm nay là người em họ của ngài không? – Edward Phawkes hỏi – Ngài có nói đêm nay không có anh ta tại câu lạc bộ White, mà cũng không có ở dạ vũ tại nhà Lindworthy.
Jordan cố giữ bình tĩnh, trầm ngâm đáp.
– Không phải hắn đâu. Người đánh xe ngựa này nhỏ con hơn em họ tôi nhiều. Ngoài ra, như tôi đã nói với ông, tôi không tin rằng người em họ của tôi đứng đàng sau vụ này. – Mãi cho đến bây giờ, khi chàng nghe lão Grangerfield đã chết, Jordan nghĩ hắn là người chủ mưu. Nghĩa là cái vụ mưu sát chàng đầu tiên vào đêm chàng gặp Alexandra – chỉ hai ngày sau hôm chàng bắn Grangerfield bị thương trong cuộc đấu súng. Thế nhưng, sau chuyện xảy ra trong đêm nay, Jordan không còn tin như thế nữa.
Phawkes thận trọng nói.
– Hai nguyên nhân phổ biến nhất khiến người ta phạm tội giết người là trả thù và quyền lợi cá nhân. Người em họ của Đức ông sẽ có rất nhiều nguồn lợi khi ngài chết. Thậm chí bây giờ còn nhiều hơn trước nữa.
Jordan không hỏi ông ta muốn nói gì; chàng đã biết ông ta muốn nói đến Alexandra. Alexandra ư? Mặt chàng bỗng tái đi khi chàng nhớ tới bóng người mảnh khảnh hơi quen quen đã bắn chàng tối nay. Có thể kẻ bắn chàng là phụ nữ…
– Chắc Đức ông đang nghĩ đến cái gì quan trọng phải không? – Nhà thám tử hỏi nhanh khi nhìn vẻ mặt của Jordan mà đoán, và ông ta đã đoán đúng.
– Không – Jordan đáp rồi đứng dậy, xem như chấm dứt buổi họp. Ý nghĩ cho rằng Alexandra muốn giết chàng là một ý nghĩ kỳ cục. Phi lý. Nhưng những lời nàng hét vào mặt chàng sáng nay quay lại ám ảnh chàng: “Dù sao đi nữa, tôi cũng muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân này.”
Phawkes cũng đứng dậy, ông ta nói:
– Còn chuyện này nữa, thưa Đức ông. Có thể xem cái tên bắn ngài đêm nay chính là cái tên mà ngài nghĩ là ngài đã giết chết trên đường gần Morsham vào mùa xuân năm ngoái. Cái tên mà ngài để ho hắn chết? Đức ông miêu tả hắn là người có vóc dáng nhỏ con.
Jordan cảm thấy như sốt ruột.
– Có thể như thế. Như tôi đã nói, tối nay tôi không thấy mặt hắn ta.
Khi Phawkes về rồi, Jordan lên lầu về phòng mình. Mệt mỏi, tức giận và chán nản vì bị một thằng điên xa lạ muốn bắn chết, chàng cho người hầu rút lui để đi ngủ, và cởi áo sơ mi. Chàng nghĩ Alexandra đang nằm ngủ phòng bên cạnh, và khi chàng nghĩ đến chuyện thức nàng dậy để hôn, chàng cảm thấy sự mệt mỏi trong người tan biến hết.
Bước vào trong phòng bên cạnh, chàng đi qua phòng thay áo quần, vào phòng ngủ tối tăm. Ánh trăng chiếu qua cửa sổ, chiếu lên giường trải vải bằng satanh láng mịn màng.
Alexandra không về nhà.
Đi nhanh về phòng ngủ của mình, chàng kéo chuông.
Ba mươi phút sau, toàn thể nhân viên trong nhà đều tập trung ở phòng khách để trả lời những câu hỏi của chàng – chỉ có một mình Penrose là không có mặt. Ông ta cũng biến mất một cách bí ẩn.
Sau khi hỏi han từng người thật kỹ, Jordan chỉ biết chắc một điều là người đánh xe đã thấy Alexandra đi lên thềm nhà phía trước và đến cửa bình yên. Rồi nàng vẫy tay xua anh ta đi, hành động này trước đây chưa từng có.
– Cho các người đi ngủ hết
Chàng nói với 31 gia nhân, nhưng một ông già đeo kính, người mà Jordan nhận ra là lão bộc của Alexandra, nán lại với vẻ lo sợ và tức giận.
Jordan bước đến cái bàn bên cạnh, rót hết rượu vang đỏ trong chai ra ly, rồi với ánh mắt nguyền rủa, chàng nhìn lão, ra lệnh lão đi lấy chai khác. Chàng ngồi xuống ghế duỗi chân, nhâm nhi ly rượu, cố trấn an sự lo sợ đang bừng lên trong lòng chàng. Nhưng dù sao, chàng cũng không tin Alexandra đã gặp chuyện gì nguy hiểm, và chàng không nghĩ là sự vắng mặt của nàng đã nói lên nàng phạm tội âm mưu giết chàng trong đêm nay.
Chàng nghĩ đến nụ cười khó hiểu mà nàng đã cười với chàng khi ra về bao nhiêu, chàng càng tin tưởng rằng nàng đã lừa người đánh xe nghĩ rằng nàng đã đi vào nhà rồi để nàng đi đâu đó bấy nhiêu. Trước khi nàng rời khỏi buổi dạ vũ, chắc nàng đã hẹn hò với ai đó đi theo nàng về nhà rồi chở nàng đi. Chàng nghĩ vì chàng dọa sẽ dạy cho nàng một trận, nên chuyện nàng bỏ đi như thế này không đáng ngạc nhiên. Có lẽ nàng đến nhà bà nội chàng, Jordan nghĩ thế vì rượu vang đỏ đã bắt đầu làm cho cân não căng thẳng của chàng dịu lại.
– Đem chai rượu đến đây, – chàng ra lện cho nàng đầy tớ già mặt mày thiểu não với thái độ hung hăng ra mặt. – Nói cho tôi biết cô chủ của bác có thường như thế nào không? – Chàng nói cộc cằn với người lão bộc. Đây là lần đầu tiên trong đời chàng nói với gia nhân về vấn đề cá nhân như thế này.
Người lão bộc đang rót rượu cho chàng, bỗng khựng lại vì tức giận.
– Cô Alex… – Filbert vừa cất tiếng liền bị Jordan cắt ngang với giọng tức giận.
– Bác phải gọi vợ tôi cho chính danh. Bà ấy là Nữ Công tước Hawthorne.
– Vì cô ấy có nhiều đau buồn quá nên thế. – Người đày tớ gia giận dữ bước lui.
– Chuyện gì mà đau buồn? – Jordan hỏi, chàng ngạc nhiên khi thấy một gia nhân tỏ vẻ giận dữ với chủ như thế này.
– Chuyện đã xảy ra đấy, – Filbert đáp lại, dằn mạnh cái ly xuống bàn. – Làm nữ Công tước Hawthorne mà chẳng được cái gì hết ngoài những chuyện đau lòng. Ông cũng tệ như bố cô ấy. Không, còn tệ hơn nữa. bố cô ấy chỉ làm cổ đau lòng, còn ông, ông làm cổ đau lòng rồi bây giờ còn làm hại tinh thần cô ấy nữa.
Lão đi đến giữa phòng thì Jordan nói lớn, giọng vang dội như sấm.
– Quay lui đây.
Filbert vâng lời, nhưng hai bàn tay nổi u sần sùi nắm chặt để hai bên hông, lão nhìn chằm chằm người đàn ông đã làm cho cuộc đời của Alexandra khốn khổ từ ngày nàng gặp chàng.
– Bác nói cái quái gì đấy?
Hàm xai của Filbert hếch lên với vẻ hung hăng.
– Nếu ông nghĩ tôi sẽ nói cho ông biết những điều để ông có thể dựa vào đó mà làm khổ cho Alex, thì ông đừng hòng, Đức ngài ạ.
Jordan mởi miệng định ra lệnh cho lão già vô phép cuốn gói ra đi, nhưng nghĩ lại, chàng muốn nghe lão nói rõ những điều hấp dẫn về nàng. Vì vậy, chàng cố kềm chế cơn giận trong lòng, chàng nói:
– Nếu bác có điều gì nói ra để có thể làm cho tôi bớt tức giận cô chủ của bác, bác nên nói ra ngay bây giờ đi.
Người đầy tớ già vẫn có vẻ ngần ngại, Jordan nói tiếp giọng khuyên lơn:
– Bây giờ tôi đang bực tức, nếu tôi ra tay với cô ấy, cổ sẽ khó sống đấy.
Lão già tái mét mặt mày, nuốt nước bọt, nhưng vẫn đứng im thin thít, Jordan cảm thấy Filbert có sợ đấy, nhưng sự hăm doạ thôi không đủ làm cho lão ta nói năng tự nhiên, nên chàng rót đầy một ly rượu vang đưa cho lão, rồi nâng cốc, mời người tôi tớ thấp hèn cụng ly. Chàng nói với lão.
– Vì tôi đã xúc phạm đến cô chủ của bác, xin bác uống ly rượu, bỏ qua chuyện ấy và nói cho tôi nghe tôi giống bố cô ấy như thế nào. Ông ta đã làm gì thế?
Filbert nghi ngại nhìn mặt chàng Công tước rồi nhìn ly rựơu vang trên tay chàng. Bỗng lão đưa tay ra lấy ly rượu và hỏi:
– Tôi xin phép ngài cho tôi ngồi xuống để uống được không?
– Tùy bác, – Jordan đáp.
– Bố cô ấy là đồ vô lại hèn hạ nhất trên đời, – Filbert nói, không lưu tâm đến vẻ mặt của Jordan cau lại khi nghe lãi nói. Lão ngừng lại để uống một hớp rượu vang, rồi lão rùng mình, nhìn ly rượu với vẻ kinh ngạc.
– Lạy Chúa! Rượu gì thế này?
– Rượu vang đỏ, loại đặc biệt chỉ dành cho tôi mà thôi.
– Có lẽ không ai uống nổi loại này! – Filbert đáp với vẻ mặt dửng dưng. – Rượu quá nặng.
– Nhiều người có ý kiến như bác. Hình như tôi là người duy nhất thích loại rượu này. Này, bây giờ cho tôi biết bố cô ấy đã làm gì cổ?
– Ông có rượu bia không?
– Không có.
– Thế uých ky? – Filbert hỏi, vẻ hi vọng.
– Có. Ở trong tủ đằng kia. Bác đến đấy lấy mà uống.
Phải mất sáu ly uých ky và hai giờ chàng mới moi hết tin tức nơi người đầy tớ già. Đến lúc Filbert kể gần xong, Jordan – đã chuyển sang uống uých ky với lão – ngồi dựa người ra ghế, áo trạc nút xuống tận ngực, nhưng vẫn cố giữ tinh thần minh mẫn.
– Rồi một hôm, khoảng sáu hay bảy tuần sau khi bố cô ấy mất, – Filbert kết thúc câu chuyện, – có cỗ xe thật đẹp đến và đậu trước nhà, trong xe có người đàn bà thật đẹp, và một cô gái nhỏ tóc vàng xinh xắn. Khi cô Alex mở cửa, có mặt tôi ở đấy. Người đàn bà – không phải là phu nhân – tuyên bố động trời rằng bà ta là vợ của ông Lawrence và đứa con gái đi với bà ta là con gái ông ấy.
Jordan ngẩng đầu hỏi:
– Ông ta hai vợ à?
– Phải. Rồi hai bà Lawrence cãi nhau loạn xạ. Nhưng cô Alex rất bình tĩnh. Cô chỉ nhìn cô gái tóc vàng mà nói bằng một giọng rất tử tế: “Cô rất đẹp”. Cô gái tóc vàng không nói gì hết. Cô ta hểnh mũi lên trời. Rồi cô bé nhìn cái hộp thiệc có hình trái tim trên cổ cô Alex. Đấy là món quà sinh nhật mà bố cô đã tặng, món quà ấy cô quý hơn vàng, thường sờ tay luôn khi mang trên người như thể sợ mất nó đi. Cô gái tóc vàng hỏi có phải đấy là món quà bố cô cho không? Và khi cô Alex gật đầu trả lời phải, cô bé lôi cái hộp cô ta đang đeo trên cổ ra, đấy là cái hộp có hình trái tim nhưng bằng vàng ròng. Cô bé nói: “Ông ta cho tôi cái hộp bằng vàng đáng giá, còn cho cô cái hộp bằng thiếc thôi”. Nghe cô bé nói, tôi muốn đánh vào mặt cô ta.
Filbert ngừng nói để uống ngụm uých ky khác rồi chắp môi nói tiếp:
– Cô Alex không nói một tiếng, chỉ hếch cằm lên, như cô thường làm khi muốn tỏ ra mình can đảm, nhưng nhìn vào mặt cô, người ta thấy cô đau đớn vô cùng, người lớn nào nhìn vào cũng đều khóc hết. Tôi đã khóc! – Filbert thú thật, giọng ồ ồ. – Tôi vào phòng tôi, khóc như một đứa con nít.
Jordan nuốt nước bọt như nuốt chông gai trong họng xuống.
– Sáng hôm sau, cô Alex đến ăn sáng như mọi lần, và cô cười với tôi như mọi khi. Nhưng lần đầu tiên tôi thấy cô không đeo cái hộp nơi cổ nữa. Không bao giờ cô ấy đeo lại cái hộp bố cô đã cho nữa.
– Thế bác cho là tôi giống bố cô ấy à? – Jordan hỏi với giọng tức tối.
– Không giống à? – Filbert đáp, vẻ khinh khỉnh. – Mỗi lần ông gặp cô ấy, là ông làm cho cô đau khổ, làm tan nát trái tim cô, khiến tôi và Penrese phải nhặt từng mảnh tim vỡ ráp lại cho cô.
– Bác nói cái gì thế? – Jordan hỏi, lóng cóng rót thêm uých ky vào ly. Filbert đẩy cái ly không của mình đến để cho chàng rót, và Jordan rót đầy cho lão.
– Tôi nói thái độ cô ấy khóc khi nghe tin ông đã chết. Một hôm tôi thấy cô ấy đứng trước bức chân dung của ông ở ngôi nhà lớn của ông ở thôn quê. Cô ấy thường đứng hai giờ để nhìn ảnh ông. Cô ấy cố không khóc mà chỉ nói với tôi: “Này Filbert, anh ấy đẹp đấy chứ?” – Filbert dừng lại, khịt khịt lỗ mũi như cảm thấy ghê tởm khi nhìn vào mặt Jordan.
Jordan cảm thấy hơi yên tâm khi nghe Alexandra lo lắng, đau khổ vì chàng, nên chàng bỏ qua thái độ bất kính của người đầy tớ già và nói tiếp.
– Kể tiếp đi.
Bỗng Filbert nheo mắt giận dữ nói tiếp:
– Ông làm cho cô ấy yêu ông, rồi khi cô ấy đi London, cô phát hiện ra rằng ông không đối xử với cô ấy như người vợ chính thức. Ông chỉ cưới cô ấy vì thương hại. Ông muốn đưa cô về Devon, y như bố cô đã đối xử với mẹ cô vậy.
– Cô ấy biết Devon à? – Jordan ngạc nhiên hỏi.
– Cô ấy không biết. Cuối cùng ngài Anthony đã nói hết sự thật cho cô biết, vì bạn bè của ông ở London đều cười cợt cô ấy tội đã yêu ông. TẤt cả mọi người đều biết ông đối xử với cô ấy ra sao, vì ông đã nói với tình nhân của ông, rồi cô ấy nói cho mọi người nghe. Ông nói với tình nhân ông rằng ông cưới cô ấy vì bất đắc dĩ. Ông đã làm cho cô Alex khóc suốt vì đau khổ. Nhưng ông sẽ không làm cho cô ấy đau khổ nữa đâu, vì cô biết ông là tổ bợm nói láo!
Nói xong, Filbert đứng dậy, để ly xuống bàn, rồi vươn thẳng người, trịnh trọng nói:
– Tôi xin nói cho ông biết: tôi đã nói với cô ấy rằng đáng ra cô nên để cho ông chết vào cái đêm ấy mà hay.
Jordan nhìn lão già đi ra khỏi phòng mà không có dấu hiệu gì chứng tỏ rượu đã có ảnh hưởng đến lão.
Chàng thẫn thờ nhìn cái ly không, bắt đầu hiểu ra lý do tại sao Alexandra thay đổi thái độ từ khi chàng mất tích. Chuyện của Filbert kể về việc nàng đau khổ nhìn ảnh chàng ở Hawthorne tuy vắn tắt nhưng cũng đủ làm cho tim chàng thắt lại. Chàng hình dung ra trong óc cảnh Alexandra đến London với tâm trạng hồ hởi, rồi sau đó, giáp mặt với Elise khinh bỉ lạnh lùng, thái độ của cô ta đã được lời nói đùa vô ý thức của Jordan gây nên.
Dựa đầu ra lưng ghế, Jordan nhắm mắt, lòng cảm thấy vừa ân hận vừa sung sướng. Alexandra đã nghĩ đến chàng. Quả thật người con gái tự nhiên, yêu đời mà chàng cảm mến đã yêu chàng. Nghĩ thế, bỗng chàng cảm thấy quá sung sướng. Việc chàng đã làm cho nàng đau đớn khiến chàng ân hận, nhưng chuyện này không phải không sữa chữa được. Chàng cũng không phải đồ điên để tin rằng nàng sẽ tin vào lời giải thích của chàng. Chỉ có hành động, chứ không phải lời nói, mới có thể làm cho nàng hết nghi kỵ và yêu chàng trở lại.
Chàng mỉm cười nghĩ đến chiến thuật của mình.
***
Thế nhưng, đến 9 giờ sáng mai thì Jordan không cười được nữa, khi người giúp việc về báo cho chàng biết Alexandra không đến nhà bà nội chàng. Nửa giờ sau chàng không cười được khi bà Công tước bước vào phòng làm việc của chàng, nói với chàng rằng chàng thật đáng trách vì Alex đã bỏ đi mà không biết. Rồi bà chỉ trích chàng kịch liệt về tội thiếu cảnh giác, thiếu uy quyền và thiếu lương tri.
Alexandra mặc lại cái áo dài đêm qua, đưa ngón tay chải mái tóc rối bời, nhìn ra hành lang rồi lặng lẽ bước ra ngoài, xuống cầu thang, về lại phòng mình.
Jordan làm theo chương trình như hai ngày trước, buổi sáng ngồi trong phòng làm việc để bàn luận với những người đến lo việc kinh doanh. Nàng cẩn thận nghĩ cách để ra khỏi nhà mà không cho ai thấy, Filbert và Penrose đã lẻn ra khỏi nhà rồi. Nàng đi đến tủ đựng áo quần và mở tủ ra. Trong tủ trống không, ngoại trừ một bộ đồ đi du lịch. Quay nhìn lại, nàng thấy tất cả nước hoa của nàng trên bàn ngủ đã dọn sạch hết. nàng có cảm giác mình vào lộn phòng, nên đưa mắt nhìn quanh, bỗng cánh cửa phòng mở và chị hầu thốt lên một tiếng kêu nho nhỏ.
Alexandra chưa kịp chặn chị ta lại, chị đã quay gót chạy đi, miệng gọi Higgins.
– Đức bà đã về.
Alexandra cảm thấy lo sợ vì sẽ chạm trán với Jordan khi cô tìm cách thoát khỏi nhà. Nàng không mong gì tránh khỏi gặp mặt chồng, nhưng nàng vẫn hi vọng thế.
– Marie! – Nàng gọi theo chị hầu, chị ta đang chạy xuống thang lầu để báo tin vui. – Công tước đâu rồi? tôi muốn đích thân báo cho ông biết.
– Đức ông ở trong phòng làm việc, thưa Đức bà.
Jordan đi lui đi tới trong phòng làm việc rộng rãi, sách chất đầy trên kệ sát tường, như con hổ trong chuồng, hai tay cào lên mái tóc đen. Chàng đợi Alexandra xuất hiện từ nơi nào đấy nàng đã ngủ đêm qua, không muốn nghĩ đến việc nàng gặp chuyện bất hạnh, và cũng không thể không lo sợ chuyện bất lành đã xảy đến cho nàng
Alexandra lặng lẽ bước vào phòng làm việc, lòng nghĩ thế nào chàng cũng trút cơn thịnh nộ lên đầu nàng khi thấy nàng. Nàng đóng cửa rồi lên tiếng:
– Tôi đoán chắc anh muốn gặp tôi?
Jordan giật mình quay lui, nhìn thấy nàng đứng trước mặt mình, tươi tỉnh vì ngủ được một giấc ngon lành chứ không phải như chàng. Chàng cảm thấy vừa mừng vừa giận.
– Cô đi đâu cả đêm? – Chàng hỏi, bước đến gần nàng, rồi hỏi tiếp bằng giọng châm biếm: – Cô giữ lời hứa giỏi đấy chứ.
Alexandra cố để khỏi bước lui. Nàng đáp:
– Tôi giữ đúng lời hứa, thưa ngài. Tôi về thẳng nhà và đi ngủ.
Hàm xai chàng căng ra.
– Đừng nói láo với tôi.
– Tôi ngủ trong phòng của bà gia sư, – nàng trả lời lễ phép – Anh không ra lệnh cho tôi phải ngủ trong phòng của tôi.
Sự tức giận liền dịu xuống trong lòng của Jordan, thay vào đấy, chàng muốn giang tay ôm nàng vào lòng mà cười vì mưu mẹo tuyệt vời của nàng. Nàng lên lầu, ngủ ngon lành, trong khi chàng cuống cuồng dưới này, uống rượu cả đêm vì lo lắng. Chàng tức giận hỏi:
– Có phải cô luôn luôn làm như thế này không?
– Làm cái gì thế này?
– Quấy rối sự bình an.
– Anh muốn nói cái gì?
– Tôi nói thế là đã quá rõ rồi!. – Chàng lề rề nói và khi chàng bước đến phía nàng, nàng bước lùi lại. Trong vòng mười hai giờ qua, tôi đã phải cay đắng nhìn bạn bè ở câu lạc bộ White. Tôi phải cãi vã một trận ở sàn nhảy trước mặt mọi người, rồi tôi bị một người làm công trừng phạt, lão ta cho tôi uống thật nhiều rượu mà không say. Tôi được bà nội dạy cho một bài học nên thân, lần đầu tiên trong đời bà đã to tiếng như là hét với tôi. – Trong lúc Alexandra cố nín cười thì chàng rầu rĩ nói tiếp: – Cô biết không, trước ngày tôi gặp cô, mọi người đều nghe lời tôi răm rắp, nhưng từ lúc ấy đến giờ, mỗi lần tôi làm gì, là có chuyện…
Bỗng Higgins hồng hộc chạy vào phòng khiến cho chàng ngừng nói, anh ta chạy vào mà không cần gõ cửa, cái áo đuôi tôm phất phơ phía sau.
– Thưa đức ông – Anh ta vừa thở vừa nói – có cảnh sát đến muốn gặp đức ông, hay đức bà, gặp ngay.
Jordan đưa mắt nhìn Alexandra, ánh mắt như muốn dặn nàng đừng đi đâu hết, đợi chàng quay lui để tiếp tục nói chuyện với nàng, rồi chàng đi ra khỏi phòng. Hai phút sau, chàng quay lui, có lẽ vừa vui vừa giận.
Thấy chàng ngần ngừ, nàng bèn mạnh dạn hỏi:
– Có chuyện gì không ổn à?
– Không có gì nhiều – chàng đáp giọng thản nhiên. – Chuyện nhỏ hơi phiền cho cô một chút thôi.
– Chuyện gì thế? – Alexandra hỏi lại. Nàng nghĩ chắc có chuyện gì có liên quan đến nàng.
– Người quản qua già trung thành của cô vừa được cảnh sát áp tải về nhà.
– Penrose à? – Alexandra lo sợ hỏi.
– Đúng lão ấy.
– Nhưng… ông ấy đã làm gì?
– Làm gì à? Ông ta đến Bond Street hôm qua để bán cái đồng hồ của tôi, đã bị bắt quả tang – Vừa nói, chàng vừa đưa cái đồng hồ của ông ngoại nàng ra trước mắt.
– Đồng hồ ấy không phải của anh, nó là của tôi. Hãy đưa cho tôi.
Jordan cau mày ngạc nhiên, nhưng chàng cũng đưa ra và đáp:
– Tôi nghĩ là cô đã tặng tôi rồi.
– Nhưng anh nhận nó với vẻ miễn cưỡng – Alexandra đáp, vừa đưa tay ra lấy. – Ông ngoại tôi là người cao quí… người chí tình, tế nhị. Đồng hồ của ông dành cho người nào giống ông, không giống anh.
– Ra thế, – Jordan đáp, bình tĩnh đưa trả đồng hồ lại cho nàng.
– Cám ơn anh, – nàng đáp, nhưng bỗng thấy việc lấy đồng hồ lui đã làm cho chàng đau đớn. Nàng nghĩ có lẽ nàng đã chạm tự ái của chàng – Penrose đâu rồi? Tôi phải đến chính quyền để trình bày cho họ biết.
– Nếu ông ấy nghe theo lời dặn của tôi, thì chắc bây giờ đang ở trong phòng của ổng, – Jordan lạnh lùng nói, – và đang nghĩ đến điều 8 bộ luật hình sự.
Alexandra cứ tưởng ông chồng độc ác của mình sẽ giao Penrose cho chính quyền treo cổ, nên bây giờ nghĩ thế nàng nhìn đăm đăm vào mặt chàng.
– Anh làm như thế thật à? Cho ổng về phòng thật à?
– Tôi không bao giờ làm hại ai, lẽ nào bây giờ lại làm hại ông ấy?
Alexandra quá kinh ngạc khi thấy thái độ lạ lùng của chàng. Nàng nhìn chàng đăm đăm.
– Tôi nghĩ anh có thể làm thế và sẽ làm thế.
– Nói thế chỉ vì cô không hiểu tôi, Alexandra à, – chàng nói, giọng hòa giải. – Thế nhưng tôi định sữa chữa việc này, bắt đầu… – Chàng nhìn người lao công mang rương hòm đi xuống thang lầu, kể cả rương hòm của nàng, – trong vòng một giờ nữa, khi chúng ta đi về Hawthorne.
Alexandra quay người, nhìn cái rương của nàng, rồi quay lui nhìn chàng, mắt long lên.
– Tôi không đi.
– Tôi nghĩ là khi cô nghe tôi đưa ra những điều kiện cho cô lựa chọn, thì chắc cô sẽ đi thôi, nhưng trước hết, tôi muốn biết tại sao penrose đi bán cái đồng hồ của tôi… à, của ông ngoại cô?
Alexandra ngần ngừ một lát, rồi nàng nghĩ im lặng là tốt nhất.
– Câu trả lời rõ ràng là vì cô cần tiền, – Jordan nói tiếp bằng giọng tự nhiên, – và tôi nghĩ cần có hai lý do khiến cô cần tiền. lý do thứ nhất cô cần tiền là để cô đánh cá chống lại tôi, việc mà tôi không cho phép cô làm. Thú thật, tôi không tin cô làm việc này. – Chàng đưa tay chặn nàng khi thấy nàng định lên tiếng chống lại chàng, vẻ mặt giận dữ. – Lý do tôi không tin cô đánh cá để chống đối tôi, vì chuyện đánh cá không dính dáng gì đến những lời ra lện của tôi hết.
Bỗng chàng toét miệng cười một cách rất bất ngờ khiến Alexandra suýt nữa đã cười theo chàng.
– Vì vậy, – chàng nói tiếp, – tôi nghĩ lý do mà đột nhiên cô cần tiền là vì như cách đây hai hôm cô đã nói với tôi: cô muốn bỏ tôi và sống độc lập. Có phải thế không?
Chàng đã hiểu thấu đáo vấn đề đến nỗi nàng phải thay đổi kế hoạch và gật đầu xác nhận.
– Nếu thế tôi xin đề nghị một giải pháp để giải quyết tình trạng khó xử của cô, tình trạng khiến cô phải đánh bạc. Được không? – Chàng hỏi, thái độ rất hòa nhã, rồi chỉ cái ghế trước bàn của chàng cho nàng ngồi.
– Được, – Alexandra đáp, nàng ngồi xuống ghế.
Khi nàng ngồi yên, Jordan nói:
– Nếu sau 3 tháng nữa mà cô vẫn cứ muốn bỏ tôi, tôi sẽ cho cô đủ tiền để sống một cuộc đời trong nhung lụa cho đến mãn đời.
– Tôi… tôi không hiểu gì hết, – nàng đáp, nhìn đăm đăm vào khuôn mặt rám nắng của chàng.
– Chuyện rất đơn giản. Trong 3 tháng trời, cô phải bằng lòng đóng vai người vợ biết vâng lời chồng, yêu chồng, dễ bảo. Trong thời gian đó, tôi sẽ tu tâm sửa tánh, “dễ chịu” với cô để cô không muốn bỏ tôi mà đi nữa. Nếu tôi không làm được, cuối 3 tháng cô sẽ ra đi. Đấy, đơn giản như thế đấy.
– Không! – Alexandra thốt nên lời không ngừng lại kịp. Cứ nghĩ đến chuyện Jordan cố quyến rũ, dụ dỗ nàng là nàng không chịu được, và câu vợ “yêu chồng” chàng vừa nói làm cho nàng tức tối.
– Cô không tin lời tôi à?
– Dĩ nhiên là không. – nàng nói láo.
– Vậy thì tai sao chúng ta không thỏa thuận đánh cá với nhau?Tôi cá cả một tài sản lớn của tôi là tôi có thể làm cho cô muốn ở lại. Rõ ràng là cô sợ thua, vì nếu không thì chắc cô không do dự.
Lời thách đố đưa ra như đánh trúng tim đen của nàng. Nàng bối rối không thể suy nghĩ gì được.
– Tôi… có nhiều việc cần phải suy nghĩ…
– A, phải rồi… Có thể trong khi thực hiện vai trò làm chồng, tôi đã quá năng nổ, nên có thể tôi sẽ làm cho cô có con, phải không?
Alexandra không nói được nên lời, nàng chỉ ngồi nhìn chàng đăm đăm, còn chàng thì vừa lấy cái dằn giấy trên bàn vừa nói tiếp:
– Tôi định thực hiện vai trò làm chồng thật tốt. Hơn nữa, – chàng vừa nói vừa lúc lắc cái dằn giấy trên tay như lúc lắc tương lai nàng, – việc đánh cá của chúng ta tùy thuộc vào việc cô ban cho tôi ân huệ được ngủ cùng giường, mà không tức giận. nói tóm lại, – chàng nói tiếp với nụ cười nham nhở – nếu cô phản đối, chống cự hay không hợp tác… là cô thua.
– Anh điên rồi! – Alexandra nói lớn. Vùng đứng dậy, nhưng trí óc lú lẫn của nàng không nghĩ ra được một phương án nào hay ho để chấm dứt cuộc hôn nhân mà nàng không muốn này.
– Chắc đúng thế, – chàng thản nhiên đáp – Ba tháng không cho tôi được nhiều thời gian. Sáu tháng thì có thể tốt hơn, tôi đề nghị như thế đấy.
– Ba tháng tốt hơn! – Alexandra thốt lên.
– Nhất trí! – chàng nói – Ba tháng vậy. Ba tháng sống hạnh phúc trong cảnh vợ chồng cho tôi, đổi lại cô được nửa triệu bảng nếu chúng ta nhất trí. Được không.
Alexandra bặm hai bàn tay run run để sau lưng, trí óc quay cuồng vừa vui mừng vừa tức giận. Nửa triệu bảng… Nửa triệu bảng… Cả một tài sản lớn!
Tiền trả để nàng đến ngủ với chàng.
Khi đề nghị trả tiền cho nàng, chàng đã xem nàng như tình nhân của chàng: đề nghị trả tiền cho nàng khi họ xong việc.
Nhìn phản ứng của Alexandra hiện trên mặt nàng, Jordan hiểu được ý nghĩ trong óc nàng. Chàng bình tĩnh nói:
– Đừng nghĩ đến chuyện ấy như thế. Nếu tôi thua, cô cứ xem món tiền ấy là “phần thưởng” muộn màng cho việc cô cứu mạng sống của tôi.
Câu nói đã làm cho tự ái của nàng được xoa dịu phần nào. Alexandra do dự một lát rồi gật đầu, miễn cưỡng.
– Lời đề nghị này rất đặc biệt trong nhiều mặt…
– Cuộc hôn nhân của chúng ta rất đặc biệt trong nhiều mặt, – Jordan đáp. – Bây giờ tôi có cần ghi cuộc đánh cá lên giấy không? Hay là chúng ta tin nhau là được?
– Tin nhau! – Alexandra lặp lại, vẻ hậm hực. – Anh đã nói với tôi là anh không tin ai hết. Chàng nói thế khi ngủ với nàng, và nàng đã yêu cầu chàng tin nàng. Nàng đã nói với chàng rằng tình yêu sẽ không còn nếu không có niềm tin. Nhìn chàng, nàng nghĩ chàng đang nhớ lại câu chuyện ấy.
Chàng ngần ngừ như thể sắp nói một quyết định quan trọng. Rồi chàng trịnh trọng nói:
– Tôi tin cô.
Ba từ được thốt ra trong một ý nghĩ rất trọng đại là Alexandra cứ nằng nặc không chịu tin chàng. Nàng không để ý đến sự nhiệt tình hiện ra trong mắt chàng, nhưng khi chàng có thái độ dịu dàng một cách kỳ là như thế này, nàng không thể giữ được lòng thù hận. Nàng nghĩ cách hay nhất để sống với người chồng kỳ dị này là giữ bình tĩnh và lúc nào cũng đề phòng nên nàng lễ phép nói:
– Tôi sẽ xem xét cuộc đánh cá của anh.
– Cô xem xét rồi, – chàng đáp, mặt lộ vẻ sung sướng. Khi ấy, nhiều người phụ nữ mang rương đang đi xuống thang lầu. – Dành cho cô hai phút có được không? – Chàng hất đầu về phía hành lang bên chỗ đông người.
– Cái gì?
– Chúng ta đi Hawthorne ngay bây giờ.
– Nhưng…
– Alexandra, – chàng nói nhỏ, – cô không còn lựa chọn được nữa, – Chàng đưa tay vuốt lên cánh tay nàng, lòng cố kiềm chế ý muốn kéo nàng vào lòng để hưởng sự vinh quang của chiến thắng.
Lòng tức giận, nhưng Alexandra nghĩ chàng nói đúng. Lời của Roddy lại hiện ra trong óc nàng để làm cho nàng an tâm. Chúng ta không phải là một gia đình đông đúc…
– Được thôi, – nàng miễn cưỡng đáp. Và nàng lại nhớ phần sau câu nói của Roddy. Nhưng không có ý muốn cố gắng…
– Cô đỏ mặt! – Jordan nói, mắt chàng tươi cười nhìn nàng.
– Người phụ nữ nào cũng đỏ mặt khi nghe một cách trắng trợn đến chuyện sống ba tháng…
– Trong cảnh huy hoàng trần trụi trong tay tôi phải không? – Jordan nói tiếp lời nàng.
Nàng nhìn chàng với ánh mắt rất gay gắt.
Chàng cười khúc khích nói:
– Cô hãy nghĩ đến sự nguy hiểm của tôi trong lúc này. Giả sử tôi mất trí và bị nô lệ vì sắc đẹp của cô thì sao? – Chàng vội chữa lại từ ngữ, vẻ hài hước ý nhị. – Rồi cô bỏ đi, mang theo tiền bạc và tất cả mọi hy vọng có đứa con nối dõi hợp pháp của tôi.
– Anh không tin tôi có thể làm việc ấy phải không? – Alexandra giận dữ hỏi.
– Không.
Chính nụ cười hồ hởi, cũng như lòng tin tưởng của chàng đã làm cho nàng dợm người đứng dậy bỏ đi. Jordan nắm tay nàng níu lại, chàng nói bằng một giọng bình tĩnh cương quyết:
– Không, cho đến khi chúng ta có được một thỏa ước. Có phải chúng ta đánh cá, hay có phải tôi đưa cô về Hawthorne dưới sự canh gác nếu cần, mà không có lời hứa hẹn đền bù nếu cô quyết định bỏ tôi ra đi trong ba tháng không?
Nghe nói, Alexandra cảm thấy nghẹn họng. Nàng ngẩng đầu lên nhìn vào mắt chàng, chán chường đáp.
– Chúng ta bằng lòng đánh cuộc.
– Cô nhất trí tất cả các điều khoản phải không?
– Buộc lòng phải nhất trí, thưa Đức ông, – nàng đáp, giọng gay gắt, rồi giật tay ra, nàng bỏ đi.
Chàng lớn giọng nói theo:
– Jordan.
Alexandra quay lui.
– Xin lỗi, anh nói gì?
– Tên tôi là Jordan. Từ nay về sau, cô gọi tôi bằng tên ấy.
– Tôi không thích thế.
Chàng đưa tay lên với vẻ hăm doạ bỡn cợt và nói:
– Này cưng, hãy cẩn thận đấy nhé, kẻo cô sẽ thua cuộc trong vòng chưa đầy 5 phút. Cô đã bằng lòng làm vợ biết vâng lời chồng, yêu chồng, dễ bảo rồi. Tôi ra lệnh cho cô gọi tôi bằng tên ấy.
Mắt nàng nẩy lửa, nhưng nàng nghiêng đầu, đáp:
– Tôi sẽ làm theo ý anh.
Nàng bước ra khỏi phòng làm việc của chàng trước khi chàng kịp nhận ra nàng đã tìm cách để không gọi chàng bằng tên gì hết. Chàng mỉm cười, thẩn thờ lăn cái dằn giấy giữa lòng bàn tay, nghĩ đến chuyến đi về thôn quê sắp đến, chuyến đi rất thoải mái với người vợ tuyệt đẹp, bất trị. về phía Jordan thắng. Chỉ có những phu nhân còn trẻ mới nuôi hy vọng Alexandra là người đàn bà đầu tiên chống lại được vị Công tước Hawthorne “hấp dẫn” này.