Hơn Cả Tuyệt Vời (Something Wonderful)

Chương 1


Đọc truyện Hơn Cả Tuyệt Vời (Something Wonderful) – Chương 1

Người phụ nữ tóc vàng rất khêu gợi chống khuỷu tay nhổm người lên, vừa đưa tay kéo tấm chăn che ngực. Bà khẽ cau mày nhìn người thanh niên 18 tuổi có nước da ngăm đen, đẹp trai đang đứng dựa vào khung cửa sổ phòng của chàng ta, nhìn ra bãi cỏ ở sau nhà – nơi người ta đang dự bữa tiệc mừng sinh nhật mẹ chàng. Phu nhân Catherine Harrington quấn chăn che người rồi bước đến cửa sổ hỏi chàng trai:

– Cái gì làm cho anh quan tâm tới tôi nhiều đến thế?

Jordan Addison Matthew Toensende, Công tước Hawthorne tương lai, hình như không nghe bà ta nói mà cứ đăm đăm nhìn ra phía vườn sau của tòa lâu đài mà khi bố chàng chết sẽ thuộc về chàng. Khi Jordan nhìn vào mảnh vườn rậm rạp ở gần hàng rào, chàng thấy mẹ mình hiện ra từ một đám cây thấp. Bà nhìn quanh với vẻ lén lút, vừa sửa lại thân áo trên ngực cho ngay ngắn và vuốt lại mái tóc đen dày. Một lát sau ngài Harrington hiện ra, ông ta buộc lại chiếc khăn quàng cổ. Khi hai người quàng tay nhau, họ cười, tiếng cười bay qua cửa sổ phòng Jordan mở rộng.

Khi Jordan nhìn mẹ cặp tay người yêu mới đi qua bãi cỏ để vào vườn hoa, mặt chàng cau có khiến nét mặt thanh xuân của chàng giảm bớt đi phần nào. Một lát sau, bố chàng cũng từ mảnh vườn rậm rạp ấy hiện ra, ông nhìn quanh rồi đón phu nhân Milborne chui ra từ một bụi cây, bà ta hiện là nhân tình của ông.

– Dĩ nhiên là do việc mẹ tôi có người yêu mới – Jordan đáp, giọng lề rề châm biếm.

– Thật sao? – Phu nhân Harrington hỏi, đưa mắt nhìn qua cửa sổ – Ai thế?

– Chồng bà đấy – Jordan nói rồi quay qua nhìn thẳng vào người đàn bà xinh đẹp để xem có dấu hiệu gì kinh ngạc không. Khi không thấy có dấu hiệu gì hết, mặt chàng đanh lại vẻ mỉa mai – Bà đã biết họ dẫn nhau vào vườn rậm, cho nên bà bất thần nhảy vào giường với tôi vì chán nản, đúng không?

Bà ta gật đầu, thấy khó chịu vì Jordan đã nhìn bà với cặp mắt gay gắt, một cặp mắt xám lạnh lùng. Bà đưa tay vuốt lên bộ ngực rắn chắc của chàng và nói:

– Em nghĩ, nếu chúng ta ăn nằm với nhau chắc là rất thú vị. Nhưng chuyện em nằm vào giường anh không phải là vì bất thần đâu Jordan à, mà em đã muốn từ lâu rồi. Bây giờ mẹ anh và chồng em tằng tịu với nhau, em thấy không có lý do gì mà em không làm điều em muốn. Việc này có gì sai trái đâu?

Jordan không nói gì. Bà nhìn thấy vẻ bí hiểm trên mặt chàng nên bẽn lẽn hỏi:

– Có phải anh kinh ngạc không?

– Chẳng có gì ngạc nhiên hết – Chàng đáp – Tôi đã biết tính trăng hoa của mẹ tôi từ khi tôi lên 8,

nên tôi không ngạc nhiên khi thấy phụ nữ khác làm như thế. Nếu có ngạc nhiên chăng thì tôi chỉ ngạc nhiên là bà đã không tìm cách để cả 6 người chúng ta cùng quy tụ lại trong khu vườn rậm kia làm thành một “tiểu gia đình” – Chàng kết thúc câu nói bằng một vẻ láo xược

Bà ta ú ớ trong miệng, nửa cười cửa hoảng hốt:

– Bây giờ anh làm cho tôi kinh ngạc rồi đấy.

Chàng uể oải đưa tay ra, nâng cằm bà ta lên, nhìn mặt bà ta với ánh mắt gay gắt quá thạo đời so với tuổi tác của chàng:

– Dù sao tôi vẫn thấy chuyện này khó tin.

Bỗng Catherine với vẻ bối rối, bà ta rút tay khỏi ngực chàng, siết mạnh tấm chăn quanh thân thể trần truồng của mình:

– Jordan, tôi thật không hiểu tại sao anh nhìn tôi với vẻ khinh bỉ như thế – Bà nói, mặt lộ vẻ xấu hổ vì bị xúc phạm – Anh không có vợ, anh không thấy được nỗi khổ tâm của những ai có cuộc sống buồn thảm, nếu không tìm cách để thoát ra khỏi cảnh buồn tẻ này thì chắc chúng ta trở thành điên mất.


Nghe cái giọng có vẻ buồn bã của bà nét mặt chàng trở nên hài hước, đôi môi dày gợi cảm nhếch lên thành nụ cười châm biếm:

– Catherine tội nghiệp – Chàng nói giọng chua chát, vừa đưa tay cà khớp ngón tay trên má bà ta – Đàn bà các người thật khốn khổ, từ ngày ra đời các người chỉ biết đòi hỏi những gì các người muốn có, cho nên các người không làm gì hết. Và cho dù các người có làm thì người ta cũng không cho phép làm. Chúng tôi không cho phép các người học hành, và các người bị cấm không được chơi thể thao, cho nên các người không thể rèn luyện về tinh thần lẫn thể xác. Thậm chí các người không có quyền về bản thân của mình như đàn ông, các người phải trao thân cho người đàn ông nào đến với mình lần đầu tiên. Cuộc đời thật bất công với các người biết bao – Chàng kết thúc – Thảo nào các người buồn chán, phi luân và nhẹ dạ.

Catherine ngần ngừ, bị choáng váng vì lời chàng nói, không biết có phải chàng coi thường mình không, nhưng bà nhún vai:

– Anh nói đúng!

Chàng nhìn bà ta, vẻ ngạc nhiên:

– Có bao giờ bà nghĩ đến việc thay đổi những chuyện như thế này không?

– Không – bà đáp giọng thẳng thừng

– Tôi khen bà thành thật, phụ nữ ít người thành thật.

Mặc dù Jordan Townsende mới 18 tuổi nhưng đã có nét hấp dẫn đối với phụ nữ, khiến cho chàng trở thành đề tài bàn tán xôn xao trong giới nữ lưu. Và khi Catherine nhìn vào cặp mắt xám nghiêm nghị ấy, bỗng nhiên bà cảm thấy cuốn hút như bị thôi miên. Nét sành sỏi trong mắt chàng, vẻ châm biếm và sự hiểu biết thành thạo trên gương mặt chàng đã đến với chàng trước tuổi. Tất cả những nét đặc biệt ấy, và thân hình cường tráng đầy sinh lực ấy của chàng đã khiến phụ nữ tìm đến chàng. Jordan hiểu biết nhiều về phụ nữ, chàng hiểu bà và mặc dù rõ ràng chàng không mến phục hay đồng tình với bà, nhưng chàng đã chấp nhận bản chất của bà với tất cả sự yếu đuối của bà.

– Thưa ngài, bây giờ ngài có lên giường với tôi không?

– Không – Chàng đáp nho nhỏ

– Tại sao?

– Vì tôi không buồn chán đến nỗi phải muốn ngủ với vợ tình nhân của mẹ tôi.

– Anh không… anh không đánh giá cao phụ nữ có phải không? – Catherine hỏi, vì bà cảm thấy không thể không hỏi

– Có lý do gì tôi phải đánh giá cao?

– Tôi… – Bà cắn môi, rồi lắc đầu với vẻ chán nản – Không, tôi nghĩ là không. Nhưng ngày nào đó anh cũng phải cưới vợ để có con

Bỗng mắt chàng sáng lên với vẻ thích thú, chàng tựa lưng vào khung cửa sổ vòng hai tay trước ngực:

– Lấy vợ à? Thật không? Có phải lấy để có con không? Lâu nay tôi cứ nghĩ…

– Jordan, thật thế đấy – Bà ta nói rồi cười vì thấy đột nhiên chàng vui vẻ, dí dỏm – Anh cần có con nối dõi.


– Khi tôi bị bó buộc phải có con nối dõi – Chàng trả lời vẻ hóm hỉnh – Tôi sẽ tìm mmột cô gái thơ ngây mới rời khỏi ghế nhà trường không có tính đua đòi

– Và khi nàng chán nản đi tìm những trò tiêu khiển khác, anh sẽ làm gì?

– Khi nàng chán nản à? – Chàng hỏi, giọng rất gay gắt.

Catherine nhìn đôi vai rộng rắn rỏi của chàng, nhìn bộ ngực nở nang và cái bụng thon, rồi ngước mắt nhìn cái vẻ mặt sắc nét như đẽo. Mặc cái áo sơ mi vải lanh và quần ống bó cưỡi ngựa, cả thân hình cao to của Jordan Townsende, nơi nào cũng toát ra sức mạnh và khêu gợi dục tình, cặp lông mày nhướng lên trên đôi mắt xanh lục, một đôi mắt hiểu biết. Bà đáp:

– Có lẽ không

Trong khi bà mặc áo quần, Jordan quay nhìn ra ngoài cửa sổ, lơ đãng nhìn những vị khách lịch sự đã tụ tập ở những bãi cỏ tại Hawthorne để ăn mừng ngày sinh nhật của mẹ chàng. Đối với người ngoài thì ngày hôm ấy cảnh tượng ở Hawthorne là cảnh thiên đàng xa hoa lộng lẫy, người người áo quần sang trọng tụ tập để vui chơi vô tư lự. Còn đối với Jordan Townsende 18 tuổi, cảnh này vô nghĩa, xấu xa. Chàng biết rất rõ cảnh tượng diễn ra trong nhà này ra sao khi khách đã về hết.

18 tuổi, chàng không tin vào tính thiện vốn có của mọi người, kể cả chàng. Chàng được sinh ra trong giàu sang phú quý, nhưng đã chịu nhiều cảnh chán chường, bị gò bó và canh chừng.

***

Tựa cằm nhỏ nhắn trên hai cánh tay, cô Alexandra Lawrence nhìn con bướm vàng đậu trên bậu cửa sổ ngôi nhà nhỏ của ông ngoại cô, rồi cô quay nhìn lui người đàn ông tóc bạc yêu quý của cô đang ngồi ở phía bên kia bàn.

– Ông ngoại nói gì mà cháu không nghe thế?

– Ông hỏi tại sao con bướm ấy hấp dẫn hơn Socrates như thế? – Ông già dễ thương đáp, vừa cười hiền hòa với cô bé 13 tuổi có mái tóc quăn màu hạt dẻ láng mướt của mẹ cô và cặp mắt xanh lục của ông. Ông vui vẻ vỗ tay lên tập sách viết về Socrates mà ông đang dạy cho cô

Alexandra nhìn ông cười vả lả, xin lỗi, nhưng cô thấy hối hận vì đã lơ đãng. Vì theo ông ngoại đáng yêu của cô thường nói thì: “Việc nói láo là điều sỉ nhục cho lương tâm, cũng như là sự nhục mạ trí thông minh của người mà mình nói láo”. Và Alexandra làm bất cứ điều gì để khỏi nhục mạ con người dịu dàng đã dạy dỗ cô với triết lý sống của mình cũng như đã dạy cho cô học toán, triết học, lịch sử và chữ latin.

Cô thở dài ân hận rồi đáp:

– Cháu tự hỏi không biết có phép màu nào làm cho cháu thành “con sâu nhộng” bây giờ để rồi vài hôm nữa biến thành con bướm xinh đẹp được không?

– Nhìn chung thì làm con nhộng đâu có tội tình gì? – Ông trích dẫn để trêu cô bé “quan điểm về cái đẹp ở đời rất khác nhau”. Mắt ông long lanh như chờ đợi xem cô bé có nhớ câu nói trích ở đâu không.

– Horace – Alexandra trả lời lập tức, cô cười với ông.

Ông gật đầu sung sướng rồi nói:

– Cháu chẳng cần lo âu về vẻ ngoài của mình, cháu thân yêu ạ. Vì cái đẹp đích thực xuất phát từ trái tim và ở đôi mắt


Alexandra nghiêng đầu sang một bên suy nghĩ, nhưng cô không nhớ triết gia nào, xưa hay nay, đã nói câu này.

– Ai nói câu này hả ngoại?

Ông ngoại cô cười khúc khích:

– Ông nói

Cô cười vang, tiếng cười trong trẻo như tiếng chuông vang khắp căn phòng ấm áp, vui như tiếng nhạc. Rồi cô im bặt với vẻ nghiêm trang:

– Ba cháu thất vọng vì cháu không đẹp. Mỗi khi ba cháu đến thăm, cháu đều thấy thế. Ông muốn cháu đẹp cũng có lý do, vì mẹ cháu đẹp, mà ba cháu đẹp trai. Được như thế là nhờ bà nội cháu đã lấy người bà con với một ông bá tước.

Không thể nào che dấu sự bất bình của mình đối với chàng rể và lời tuyên bố đáng ngờ của anh ta về mối liên hệ mờ ám với ông bá tước mờ ám, ông Gimble trích dẫn câu nói thật có ý nghĩa:

– “Sinh ra một nơi vô đạo đức thì chẳng ra gì”

– Moliere – Alexandra nhanh nhẹn nêu xuất xứ của câu trích dẫn – Nhưng… – cô buồn rầu nói tiếp, đem vấn đề trở lại mối quan tâm ban đầu của mình – Chắc ông phải chấp nhận số phận không may của ba cháu vì đã có đứa con gái nhan sắc tầm thường. Tại sao? – Cô nói tiếp với vẻ buồn rầu – Cháu không cao và có tóc vàng? Được thế chắc sẽ tuyệt hơn là trông giống đứa bé lang thang, như ba cháu đã nói.

Cô quay đầu sang ngắm con bướm, và mắt ông Gimble ánh lên vẻ trìu mến thân thương vì cháu ngoại ông chỉ có nhan sắc tầm thường. Khi cô bé lên 4, ông đã dạy cho bé học đọc học viết giống như trẻ con trong làng đến học với ông. Nhưng trí óc Alexandra thông minh hơn chúng nhiều, cô tiếp thu những điều ông dạy rất nhanh. Con cái của nông dân đều học hành rất xoàng, chúng chỉ đến học với ông vài ba năm rồi theo bố ra đồng làm việc nhổ cỏ, tái sản xuất, bắt đầu cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời. Nhưng Alexandra đã mang dòng máu hiếu học của ông. Ông già cười với đứa cháu ngoại, cái “vòng đời” không đến nỗi tệ lắm – ông nghĩ.

Nếu ông theo cái thiên hướng của tuổi trẻ thời ông, cứ sống độc thân, hiến thân vào việc nghiên cứu học tập chứ không lấy vợ, thì bây giờ chắc không có Alexandra. Và Alexandra là món quà của cuộc đời, món quà của ông. Ý nghĩ ấy làm cho ông bối rối vì nó đã nói lên sự tự hào của ông. Thế nhưng ông không thể không cảm thấy sung sướng khi nhìn cô bé tóc quăn ngồi trước mặt ông. Cô bé là niềm hy vọng của ông, cô dịu dàng hay cười, thông minh và có tinh thần bất khuất. Có lẽ cô bé có quá nhiều lý trí, và cũng quá nhiều tình cảm, vì cô thường tìm cách làm cho ông bố nông cạn của cô hài lòng mỗi khi ông ta đến thăm.

Ông tự hỏi không biết rồi cô bé sẽ lấy người chồng như thế nào? Ông hy vọng cô bé đừng lấy người chồng như con gái ông đã lấy. Con gái ông không có cái tính sâu sắc như Alexandra, ông đã làm hỏng con gái ông. Ông Gimble buồn bã nghĩ, mẹ của Alexandra yếu đuối và ích kỷ, chị ta đã lấy người chồng giống mình. Nhưng Alexandra cần phải lấy người chồng tốt hơn và đáng được có người chồng tốt hơn.

Có bản chất nhạy cảm nên Alexandra nhận thấy ông ngoại bỗng nhiên buồn rầu, cô liền hỏi han để làm cho ông vui:

– Ông không được khỏe phải không? Ông lại đau đâu à? Cháu bóp vai cho ông nhé

– Ông hơi đau đầu – Ông Gimble đáp, và khi ông nhúng cây bút lông chim vào mực viết dòng chữ mà cái hôm sắp đến sẽ thành “Bài luận văn đầy đủ về cuộc đời của Voltarie”, cô bé đi vòng ra sau lưng ông đưa hai bàn tay bé nhỏ bóp vai bóp cổ cho ông được thư giãn.

Ngay khi hai bàn tay cô vừa nghỉ bóp thì ông cảm thấy có cái gì chích nhẹ lên má ông. Vẫn say sưa làm việc, ông đưa bàn tay lên thoa chỗ bị chích trên má. Một lát sau, cổ ông lại bị chích, và ông lại thoa lên cổ. Vật chích liền di chuyển lên tai phải ông. Và khi ông nhận ra đứa cháu ngoại đã dùng cây bút lông chim để chích vào da ông, ông liền bật cười bực bội rồi nói:

– Alex, ông tưởng có con nhỏ nghịch ngợm đang quấy rầy không cho ông làm việc chứ

– Vì ông làm việc nhiều quá – Cô đáp, nhưng cô hôn lên má nhăn nheo của ông rồi về chỗ cũ ngồi để học về Socrates. Một lát sau cô lại lơ đãng vì thấy một con sâu bò chậm rãi qua cánh cửa mở rộng của ngôi nhà tranh

– Nếu mọi vật trên thế gian này đều phục vụ cho mục đích đặc biệt của Chúa, thì tại sao ngài lại sinh ra loài rắn? Chúng quá xấu xí, thực vậy, chúng hoàn tòan độc ác.

Thở dài vì bị gián đoạn công việc, ông Gimble để bút xuống, nhưng ông không làm sao giận nụ cười rạng rỡ của cô bé

– Khi nào ông gặp ngài, thế nào ông cũng hỏi Ngài câu này.

Lời nói của ông ngoại bỗng làm cho cô gái cảm thấy buồn, nhưng tiếng xe ngựa dừng lại trước nhà làm cho cô vùng đứng dậy, chạy đến cửa sổ mở rộng.


– Bố! – Cô reo lên sung sướng – Bố từ London đến!

– Và cũng đến đúng lúc – Ông Gimble càu nhàu.

Nhưng Alexandra không nghe. Mặc chiếc quần có hai ống túm, và áo sơ mi nông dân, cô chạy ra cửa nhào vào vòng tay miễn cưỡng đưa ra của bố cô.

– Con không không, cô bé lang thang? – Ông ta hờ hững hỏi

Ông Gimble đứng dậy, đi đến cửa sổ cau mày nhìn con người London đẹp trai giúp cháu ngoại của ông bước lên chiếc xe mới tân kỳ. Xe tân kỳ, áo quần tân kỳ nhưng đạo đức không tân kỳ chút nào hết. Ông Gimble tức giận nghĩ, nhớ lại cảnh con gái ông, Filicia, đã lóa mắt trước bộ mã của chàng trai và trước lời lẽ quyến rũ của anh ta ngay từ khi anh ta đến nhà ông vào một buổi chiều, vì xe anh ta bị hỏng ở ngoài đường trước mặt nhà ông. Ông Gimble đề nghị cho anh ta ở lại đêm, và sau lúc xế chiều, mặc dù đã can ngăn nhưng ông chịu thua lời năn nỉ của Felicia xin được cho phép cô dẫn chàng trai đi chơi một vòng, để cô chỉ cho anh ta thấy cảnh đẹp từ đồi cho đến suối.

Khi trời tối mà họ vẫn không về, ông Gimble liền đi tìm họ. Ông đi đường rất dễ vì trăng tròn chiếu sáng. Ông thấy họ ở dưới chân đồi bên cạnh dòng suối, trần truồng trong tay nhau. George Lawrence mất chưa đầy 4 giờ đồng hồ để thuyết phục cô gái bỏ hết những lời giáo huấn đã học trong cả đời người, và đã dụ dỗ được cô.

Cơn giận bùng lên trong lòng ông Gimble chưa từng có. Ông bỏ cảnh tượng trước mắt và quay về. Hai giờ sau khi ông về nhà thì có người bạn hiền của ông đi theo, đó là cha xứ địa phương. Cha xứ đã mang theo cuốn sách để dùng làm lễ cưới.

Ông Gimble đã mang theo khẩu súng để đảm bảo người dụ dỗ con gái ông phải chịu tham gia lễ cưới. Đấy là lần đầu tiên trong đời ông cầm vũ khí.

Và cơn giận dữ chính đáng của ông đã mang đến cho Felicia kết quả gì? Câu hỏi làm cho nét mặt của ông Gimble u sầu. George Lawrence mua cho cô một ngôi nhà rộng đã xuống cấp để trống suốt 10 năm trời, rồi nuôi gia nhân cho cô. Và suốt 9 tháng sau ngày cưới, anh ta miễn cưỡng sống với cô trong cái quận nhỏ xa xôi, nơi cô đã ra đời. Vào cuối thời gian ấy, Alexandra ra đời, và chẳng bao lâu sau đó, George Lawrence trở về London nơi anh ta cư trú, một năm chỉ trở lại Mrosham hai lần, mỗi lần hai hay ba tuần.

– Anh ấy đã kiếm sống bằng những công việc chính đáng – Felicia đã nói như thế với ông Gimble, rõ ràng chị ta đã lặp lại những lời của chồng nói – Anh ấy là người quý phái, cho nên anh ấy không thể làm những công việc như người bình thường. Ở London, nhờ gốc gác gia đình và huyết thống mà anh ấy sống trong đám người có tai mắt, nên nhờ thế mà người ta nghĩ là anh có đầu tư vốn liếng vào công ty hối đoái và vào những con ngựa đua giỏi. Chỉ có cách ấy anh mới nuôi nổi chúng con chứ. Dĩ nhiên anh rất muốn đưa tụi con lên London, nhưng đời sống ở đấy quá đắt đỏ, và anh không muốn đưa chúng con đến ở những nơi chật chội dơ bẩn mà anh phải sống ở đấy. Anh thường lui tới với chúng con như thế này tốt hơn.

Ông Gimble không tin lối giải thích của George Lawrence về việc anh ta phải sống ở London, nhưng ông rất tin về lý do anh ta phải quay về Morsham mỗi năm hai lần. Anh ta phải về, vì ông Gimble đã hứa sẽ đến tìm anh ta tại London – với khẩu súng ông mượn – nếu anh không quay về để thăm vợ con. Thế nhưng việc nói thật cho Felicia biết chuyện này cũng chẳng có lợi ích gì, vì chị ta đang hạnh phúc. Không giống như các phụ nữ khác trong quận nhỏ này, Felicia đã lấy “một nhà quý tộc thật sự”, và theo suy nghĩ ngu ngốc của chị ta thì đây là điều đáng kể. Việc này khiến cho chị có địa vị trong quận, và khi chị đi chơi với bạn bè lối xóm, chị có vẻ ta đây là người cao quý.

Giống Felicia, Alexandra sùng bái George Lawrence. Và trong thời gian ngắn ngủi ông ta ở đây, rằng hoàn toàn được sống trong cảnh vợ con chiều chuộng thương mến. Felicia xoắn vó bên ông ta, còn Alexandra thì cố gồng mình đóng cả vai trò con trai lẫn con gái với ông. Vì thấy mình thiếu sắc đẹp của giới nữ nên cô mặc quần cưỡi ngựa và tập đánh kiếm, để khi nào bố cô về là cô có thể đánh kiếm với ông.

Đứng nơi cửa sổ, ông Gimble nhìn chiếc xe bóng loáng có bốn con ngựa láng lẫy kéo. Với vợ con thì dè sẻn, nhưng George Lawrence đã đi một cỗ xe ngựa thật đắt tiền.

– Bố à, bố sẽ ở lại bao lâu? – Alexandra hỏi, cô đã bắt đầu lo sợ giờ phút bố cô lại ra đi.

– Chỉ một tuần thôi. Bố phải đến lâu dài Landsdown ở Kent

– Tại sao bố đi nhiều như thế? – Alexandra hỏi, cô không giấu được sự thất vọng của mình mặc dù cô biết bố cũng ghét cảnh xa vợ xa con.

– Vì bố phải đi – George đáp, và khi cô định phản đối, ông ta lắc đầu rồi đưa tay vào túi lấy ra một cái hộp nhỏ – Đây, ba có mang về cho con món quà nhỏ làm quà sinh nhật cho con, Alex.

Alexandra nhìn bố cô với vẻ mến phục và sung sướng. Mặc dù ngày sinh nhật của cô đã qua trước đó mấy tháng, và cô không nhận được thư từ gì từ bố của cô hết. Cặp mắt mày bích ngọc của cô sáng long lanh khi cô mở cái hộp nhỏ màu bạc có hình trái tim, mặc dù cái hộp làm bằng thiếc và không đẹp đẽ gì, nhưng cô đã nắm trong tay như một báu vật

– Con sẽ mang nó hàng ngày bố ạ – Cô nói thì thào, rồi quàng tay ôm ghì lấy bố cô – Con yêu bố rất nhiều!

Khi họ đi qua ngôi làng nhỏ im lìm, ngựa tung lên không trung từng đám bụi mù, và Alexandra vẫy tay chào những người cô gặp trên đường như báo cho họ biết người bố đẹp trai kỳ diệu của cô đã quay trở về.

Cô không cần bận tâm làm cho họ chú ý đến bố cô, vì tối đến mọi ngời trong làng sẽ không những bàn tán về chuyện ông ta về làng mà còn bàn đến cả màu áo khoác của ông, đến cả hàng tá các chi tiết khác trên người ông. Vì làng Morsham đã từ hàng trăm năm nay đều như thế: im lìm, bất động, lãng quên ở thung lũng hẻo lánh này. Cư dân trong làng đơn giản, chất phác, làm lụng vất vả, họ rất vui sướng khi kể lại cho nhau nghe bất kỳ biến cố nhỏ nhặt nào đã xảy ra để xua tan cảnh nhàm chán bất tận trong cuộc sống của họ. Họ vẫn còn kể chuyện đã xảy ra cách đây 3 tháng, chuyện về một cỗ xe chạy qua làng, trên xe có người thành phố mặc cái áo khoác không phải chỉ có một thân mà là “tám thân”. Bây giờ thì chiếc xe kỳ diệu của George Lawrence chắc họ sẽ kể đến 6 tháng mới hết.

Đối với người xa lạ thì Morsham chỉ là một nơi cặn bã, cư dân chỉ là nông dân bép xép. Nhưng đối với cô bé 13 tuổi Alexandra thì ngôi làng và cư dân rất kỳ diệu. Ở tuổi 13, cô tin tưởng vào tính thiện thiên phú của trẻ con, cho nên cô nghĩ rằng sự chân thật, trung thành và vui vẻ là những đức tính phổ biến của nhân loại. Cô dịu dàng, vui tính và lạc quan không thể tưởng tượng được.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.