Hồi Ức Của Một Geisha

Chương 30


Đọc truyện Hồi Ức Của Một Geisha – Chương 30


Trong khoảng thời gian năm năm không gặp mặt ông Chủ tịch, thỉnh thoảng tôi có đọc báo viết về những khó khăn ông gặp phải trong công việc làm ăn – không những khó khăn trong mối bất hòa giữa ông ta với chính quyền quân nhân trong những năm cuối cùng của cuộc chiến, mà còn khó khăn trong việc phấn đấu để giữ cho lực lượng chiếm đóng khỏi chiếm lấy công ty của ông. Cho nên tôi không ngạc nhiên khi thấy ông có vẻ già đi nhiêu. Tờ nhật báo Yomori có đăng hình ông, vẻ mặt ông trông căng thẳng, ánh mắt lo âu, giống như khuôn mặt lo âu của người hàng xóm ông Arashino, vì ông này thường nhìn lên trời để canh máy bay đến thả bom. Khi ngày cuối tuần đến gần, tôi cứ đinh ninh chắc ông Nobu không có ý định đưa ông Chủ tịch đến. Tôi chỉ còn hy vọng mà thôi.
Vào sáng thứ bảy, tôi dậy sớm, đẩy bức màn giấy ở cửa sổ nhìn ra ngoài, thấy trời mưa lạnh đập vào cửa kính. Trên con đường nhỏ ở dưới, một cô hầu trượt chân trên lớp sỏi đóng băng, đang lồm cồm đứng dậy. Trời có vẻ thê lương ảm đạm, tôi không muốn nghĩ đến việc xem lịch nữa. Đến trưa thời tiết càng tệ hơn, khi ăn cơm trưa trong phòng khách, tôi thấy hơi thở của mình bốc hơi, và nghe tiếng nước đá rơi gõ vào kính cửa sổ. Một số buổi tiệc đã bị hủy bỏ vì đường xá rất nguy hiểm, và tối đến, bà Dì điện thoại đến hỏi phòng trà Ichiriki để biết buổi tiệc của công ty Iwamura có còn duy trì được không. Bà chủ phòng trà trả lời đường dây điện thọai đến Osaka bị gián đoạn, bà ta không biết rõ. Cho nên tôi tắm rửa, thay áo quần, níu tay ông Bekku đi bộ đến phòng trà Ichiriki, ông Bekku đi đôi ủng cao su ông mượn của người em trai, cũng là người phụ trách áo quần ở quận Pontocho.
Khi tôi tới quán Ichiriki, quán rất ồn ào hỗn độn. Ống dẫn nước trong khu gia nhân bị bể, các gia nhân bận bịu dọn dẹp, không ai để ý đến tôi hết. Tôi tự động đi vào hành lang đến phòng tôi đã ngồi phục vụ cho ông Nobu và ông Thứ trưởng tuần trước. Tôi nghĩ chắc không có ai ở trong phòng vì tôi đoán cả ông Nobu và ông Chủ tịch chắc đang trên đường từ Osaka đến – và thậm chí cả Mameha cũng đang ở ngoài thành phố và đang khó khăn tìm cách trở về. Trước khi đẩy cửa ra, tôi quỳ một lát, mắt nhắm lại, một tay để lên bụng, cố giữ tin thần bình tĩnh. Bỗng tôi nhận ra hành lang quá lặng lẽ. Tôi không nghe một tiếng gì từ trong phòng phát ra hết. Tôi chán nản lo sợ trong phòng không có ai cả. Tôi định đứng dậy bỏ đi, nhưng rồi tôi nghĩ nên đẩy cửa phòng xem thử sao. Tôi bèn đẩy cửa mở ra, và ngạc nhiên thấy ông Chủ tịch ngồi một mình nơi bàn, hai tay cầm tờ báo, nhìn tôi qua trên đầu cặp kính lão. Tôi giật mình khi thấy ông ta, không mở miệng nói được tiếng nào. Nhưng cuối cùng tôi cố gắng cất tiếng thốt lên:
– Trời ơi! Ông Chủ tịch! Ai để cho ông ngồi một mình ở đây? Chắc bà chủ rất buồn.
– Chính bà ấy để tôi ngồi ở đây đấy – ông ta đáp và gấp tờ báo lại – Tôi không biết có gì xảy đến cho bà ta không.
– Ông không có gì để uống cả. Để em đi lấy rượu sakê cho ông.
– Chính bà chủ cũng nói như thế. Nếu cô không đến, chắc tôi phải đọc báo suốt cả đêm. Tôi rất mừng có cô đến ngồi cho vui – nói xong, ông ta tháo cặp kính xuống, xếp vào túi, vừa nheo mắt nhìn tôi.
Khi tôi đứng lên để đến ngồi với ông Chủ tịch, tôi cảm thấy căn phòng thoáng đãng với những bức tường lát lụa màu vàng nhạt bỗng trở nên nhỏ bé, vì tôi nghĩ không có căn phòng nào đủ lớn để chứa hết niềm vui trong lòng tôi. Sau một thời gian dài, bây giờ gặp lại ông ta, lòng tôi nôn nao khó tả. Tôi ngạc nhiên là cảm thấy lòng buồn phiền nhiều hơn vui, trái với lòng mong ước của tôi. Nhiều lần tôi cứ sợ ông Chủ tịch sẽ trở nên già cằn cỗi giống như bà Dì vì chiến tranh. Thậm chí khi ngồi đối diện với ông nơi bàn, tôi nhận thấy hai bên khóe mắt của ông nhăn nheo hơn trước rất nhiều. Da hai bên miệng cũng xệ xuống. Nhưng khi tôi thấy như thế khiến cho quai hàm của ông trông càng khỏe thêm, có vẻ cao quý hơn lên. Khi quỳ xuống bên bàn, tôi liếc mắt nhìn ông, tôi thấy ông vẫn đăm đăm nhìn tôi không rời mắt. Tôi định gợi chuyện nói, nhưng ông Chủ tịch đã lên tiếng trước.
– Sayuri, cô vẫn đẹp như trước.
– Kìa, ông Chủ tịch. Em không tin ông nói thật đâu. Tối nay em phải mất nửa giờ ngồi hóa trang để che bớt hai cái má gầy trơ xương.
– Tôi nghĩ vì cô sống vất vả quá trong những năm qua nên hơi gầy đấy thôi. Tôi cũng thế.
– Thưa ông Chủ tịch, nếu ông miễn chấp thì em xin hỏi ông … Em có nghe ông Nobu cho biết về sự khó khăn mà công ty của ông đã gặp phải …
– Phải, nhưng chúng ta không cần nói đến chuyện ấy làm gì. Thỉnh thoảng chúng ta gặp phải rủi ro vì cứ nghĩ rằng cuộc đời sẽ diễn ra theo mơ ước của mình.
Ông ta nhìn tôi, cười buồn, nụ cười quá đẹp khiến tôi mê mẩn nhìn mãi vào đôi môi rất có duyên của ông.
– Đây là cơ may để cô trổ tài duyên dáng và thay đổi đề tài – ông nói.
Tôi chưa kịp trả lời thì cửa xịch mở và Mameha bước vào, theo sau cô ấy là Bí Ngô. Tôi rất kinh ngạc khi thấy Bí Ngô, tôi không ngờ cô ta đến. Riêng Mameha, rõ ràng cô ấy mới từ Nagoya trở về và sợ quá trễ nên tuôn đến phòng trà Ichiriki liền. Việc đầu tiên cô ấy hỏi là tại sao ông Nobu và ông Thứ trưởng không có mặt – sau khi cô đã chào ông Chủ tịch. Ông Chủ tịch trả lời chính ông cũng đang thắc mắc như thế.
– Cái ngày gì mà thật kỳ cục – Mameha nói, thái độ như muốn nói với mình – Tàu hỏa đậu ngoài ga Kyoto suốt một giờ liền, chúng tôi không thể xuống tàu được. Cuối cùng hai thanh niên đã nhảy ra khỏi cửa sổ. Tôi đoán chắc một người đã bị té đau. Rồi cuối cùng khi đến được phòng trà Ichiriki mới cách đây một lát thôi, phòng trà không có người nào hết. Tội nghiệp cô Bí Ngô đang đi lang thang một mình ở ngoài hành lang. Ông Chủ tịch đã gặp Bí Ngô rồi phải không?
Mãi cho đến khi ấy tôi mới nhìn kỹ Bí Ngô. Cô ta mặc chiếc kimono màu xám tro thật tuyệt vời, chiếc áo có những đốm vàng sáng ở dưới thắt lưng, và nhìn kỹ đấy là hình thêu những con đom đóm, nổi bật trên nền một dãy núi và nước dưới ánh trăng. Áo của tôi và của Mameha không sánh nổi với chiếc áo này. Ông Chủ tịch hình như cũng thấy cái áo quá đẹp như tôi, vì ông ta yêu cầu cô ấy ra đứng trước mặt cho ông xem. Cô ta đứng rằng duyên dáng và quay một vòng.
– Em nghĩ em không thể đặt chân vào phòng trà Ichiriki này với những chiếc áo em thường mặc – cô ta nói – Áo của em tại nhà kỹ nữ không có cái nào lộng lẫy hết. Nhưng người Mỹ không phân biệt được áo nào với áo nào.
– Bí Ngô này – Mameha nói – nếu cô không quá thật tình với chúng tôi, chắc chúng tôi nghĩ đây là áo thường nhật của cô.
– Có phải chị đùa với em không? Cả đời, em chưa mặc được cái áo nào đẹp như cái này, em mượn của nhà kỹ nữ ở cuối phố. Chắc chị không tin nổi giá tiền họ buộc em phải trả đâu, nhưng em không có tiền, cho nên tất cả đều huề cả làng, phải không chị?
Tôi thấy ông Chủ tịch có vẻ thích thú – vì không có cô geisha nào nói trước mặt một người đàn ông về chuyện giá cả một cái áo kimono ngốc nghếch như thế. Mameha quay qua nói gì đấy với ông, nhưng Bí Ngô chặn lại.
– Chắc đêm nay ở đây có đại tiệc.
– Cô thấy có ông Chủ tịch chứ gì? – Mameha nói – có phải cô muốn nói ông ấy mở “đại tiệc”?
– Có mở hay không thì làm sao em biết? Chỉ có ông ấy cho biết có hay không thôi.
Ông Chủ tịch nhướng mày nhìn Mameha với vẻ ngạc nhiên hài hước. Bí Ngô tiếp:

– Nhưng Sayuri đã cho em biết về một người khác.
– Ông Sato Noritake, Bí Ngô à – ông Chủ tịch đáp – ông ấy là Thứ trưởng bộ tài chính mới.
– Ồ, em biết ông Sato rồi. Ông ta trông như một con heo bự.
Tất cả chúng tôi đều cười. Mameha nói:
– Bí Ngô này, chính cô nói đấy nhé.
Ngay khi ấy cửa mở, Nobu cùng ông Thứ trưởng bước vào. Cả hai mặt đỏ au vì lạnh. Sau lưng họ, cô hầu bưng khay rượu sakê và bánh dòn. Ông Nobu đứng lại, lấy cánh tay duy nhất ôm lấy người và dậm chân, nhưng ông Thứ trưởng bước qua trước, đi đến phía bàn. Ông ta càu nhàu với Bí Ngô, hất đầu ra dấu cho cô ta ngồi xích sang một bên để ông ta chen vào ngồi một bên tôi. Khi việc giới thiệu xong xuôi, Bí Ngô lên tiếng:
– Thưa ông Thứ trưởng, chắc ông không nhớ em, nhưng em biết ông rất nhiều.
Ông Thứ trưởng hắt cốc rượu tôi vừa mới rót vào miệng, và nhìn Bí Ngô với ánh mặt có vẻ như muốn khiển trách.
– Cô biết cái gì? – Mameha hỏi – Nói cho chúng tôi nghe đi.
– Em biết ông Thứ trưởng có cô em gái lấy ông Thị trưởng Tokyo – Bí Ngô đáp – Em còn biết ông thường tập Karate và có lần bị gẫy tay.
Ông Thứ trưởng có vẻ ngạc nhiên, điều này chứng tỏ những điều cô ta nói là có thật.
– Thưa ông Thứ trưởng, em còn biết cô gái mà ông thường gặp nữa – Bí Ngô nói tiếp – cô ta là Nao Itsuko. Chúng tôi cùng làm việc với nhau trong một nhà máy ở ngọai ô Osaka. Ông biết cô ta nói gì với em không? Cô ta nói ông và cô ấy đã tìm “hiểu nhau” hai lần.
Tôi sợ ông Thứ trưởng nổi giận, nhưng trái lại, mặt ông ta lại có vẻ hớn hở khiến tôi nghĩ rằng ông ta tự hào về việc ấy.
– Cái cô Itsuko ấy xinh lắm – ông ta nói, vừa nhìn Nobu với nụ cười tủm tỉm.
– Thế à, ông Thứ trưởng? – Nobu nói – Tôi không nghĩ ông đã làm thế với các cô. – giọng ông ta nghe rất thành thật nhưng tôi thấy mặt ông ta để lộ vẻ ghê tởm. Ông Chủ tịch đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt có vẻ vui thích vì biết được một chuyện rất lý thú.
Một lát sau, cửa phòng mở và ba cô hầu mang bữa ăn tối vào cho ba người đàn ông. Tôi quá đói nên phải quay mắt để khỏi nhìn món sữa trứng vàng trộn quả hồ đào với rau thơm, dọn trên những cái chén sứ thật đẹp. Rồi sau đó, các cô hầu trở lại với dĩa cá nướng nhiệt đới ăn với bún xào. Chắc Nobu biết tôi đói, cho nên ông ta ép tôi ăn. Sau đó ông Chủ tịch đề nghị Mameha ăn một miếng, và cũng mời Bí Ngô, nhưng cô ta từ chối.
– Em không đụng đến cá ấy đâu – Bí Ngô nói – Thậm chí em cũng không muốn nhìn đến nó nữa.
– Có cái gì mà ghê thế? – Mameha hỏi.
– Nếu em nói ra, thế nào chị cũng cười em.
– Cứ nói đi Bí Ngô – Nobu nói.
– Nói sao được, câu chuyện dài dòng lắm, vả lại chắc quý vị không tin đâu.
– Đại láo rồi – tôi nói.
Thực ra tôi không gọi Bí Ngô là nói láo. Trở lại thời trước khi Gion đóng cửa, chúng tôi thường chơi trò chơi có tên là “Đại láo”, trong trò chơi này, mỗi người kể hai câu chuyện, chỉ một chuyện là láo thôi. Sau đó những người khác cố đoán chuyện nào thực, chuyện nào láo, người đoán sai bị uống một ly sakê.
– Tôi không chơi – Bí Ngô nói.
– Kể chuyện về cá cũng được – Mameha nói – rồi cô sẽ được miễn kể chuyện khác.
Bí Ngô có vẻ không thích nhưng sau khi thấy Mameha và tôi quắc mắt nhìn, cô ta bèn kể.

– Thôi được rồi, chuyện như thế này. Tôi ra đời ở Sapporo, ở đấy có một ngư ông một hôm đánh được một con cá trông rất kỳ lạ, nó có thể nói được tiếng người.
Mameha và tôi nhìn nhau bật cười.
– Các cô cứ cười – Bí Ngô nói – nhưng đây là chuyện thật.
– Được rồi, kể tiếp đi Bí Ngô – ông Chủ tịch nói – chúng tôi lắng nghe đấy.
– Được thôi, chuyện xảy ra tiếp theo như thế này: người đánh cá đem con cá ra để rửa cho sạch, và nó phát ra tiếng nghe như tiếng người nói, nhưng bác đánh cá không hiểu gì hết. Ông ta bèn gọi những người ngư phủ khác đến thật đông, và họ lắng nghe một lát. Một lát sau, con cá gần chết vì nằm ngoài nước quá lâu, cho nên họ quyết định làm thịt con cá. Nhưng bỗng nhiên có một ngư ông khác xăm xăm đi vào, ông ta nói ông ta nghe hiểu được những tiếng con cá nói, vì nó nói tiếng Nga.
Tất cả chúng tôi đều phá ra cười vang, thậm chí ông Thứ trưởng cũng nhếch mép cười nho nhỏ. Khi chúng tôi ngớt cười, Bí Ngô nói tiếp:
– Em biết quí vị không tin, nhưng đây là chuyện thật!
– Tôi muốn biết con cá nói gì – ông Chủ tịch nói.
– Nó gần chết cho nên nó chỉ thì thào… Và khi lão ngư phủ cúi sát người xuống để tai vào môi nó…
– Cá không có môi! – tôi nói.
– Phải rồi, sát vào cái mà ta muốn gọi gì thì gọi – Bí Ngô nói tiếp – sát vào mép miệng của nó. Và con cá nói “Nói họ rửa tiếp tôi cho sạch đi. Tôi không có gì để sống nữa. Con cá ở đàng kia mới chết hồi nãy là vợ của tôi đấy”
– Thì ra cá cũng có đám cưới – Mameha nói – Chúng cũng có chồng có vợ à?
– Trước chiến tranh mới có – tôi nói – từ khi xảy ra chiến tranh, chúng không thể làm đám cưới được. Chúng chỉ lội quanh để kiếm việc làm.
– Chuyện này xảy ra trước chiến tranh – Bí Ngô nói. – ngay cả trước khi mẹ tôi ra đời nữa.
– Thế thì tại sao cô biết đây là chuyện có thực? – Nobu hỏi – Dĩ nhiên con cá không nói chuyện này cho cô nghe.
– Con cá chết liền ngay sau đó. Nếu em chưa sinh ra thì làm sao nó kể cho em nghe được? Ngoài ra em không biết nói tiếng Nga.
– Thôi được rồi Bí Ngô – tôi nói – vì thế mà bạn tin rằng con cá của ông Chủ tịch đang ăn cũng là cá biết nói chứ gì?
– Tôi không nói thế. Nhưng nó có vẻ giống con cá biết nói. Nếu tôi đói sắp chết, tôi cũng không ăn.
– Nếu cô chưa sanh – ông Chủ tịch nói – và thậm chí mẹ cô cũng chưa sanh, thì làm sao cô biết con cá ra làm sao?
– Chắc ông biết ông Thủ tướng ra sao chứ? – cô ta đáp – nhưng có bao giờ ông gặp ông ta chưa? Chắc có lẽ ông đã gặp rồi. Chắc ông cũng biết Hoàng đế ra sao, nhưng ông chưa bao giờ được hân hạnh gặp ông ta!
– Ông Chủ tịch có hân hạnh gặp ông ấy rồi, Bí Ngô à – Nobu nói.
– Chắc ông biết tôi muốn nói gì rồi. Mọi người đều biết Hoàng đế ra sao. Đấy là điều tôi muốn nói.
– Tranh của Hoàng đế có rất nhiều – Nobu nói – còn con cá thì cô không có bức hình nào chụp nó hết.
– Con cá rất nổi tiếng lúc em lớn lên. Mẹ em kể cho em nghe nhiều về nó, cho nên xin thưa với ông rằng “nó trông rất giống con cá trên bàn này”.

– Nhờ trời có được những người như cô, Bí Ngô – ông Chủ tịch nói – cô làm cho tất cả chúng tôi quá buồn.
– Thì đấy là chuyện của tôi, nếu quý vị muốn chơi trò “đại láo” thì ta cứ chơi.
– Tôi chơi – Mameha nói – chuyện đầu tiên của tôi như thế này. Khi tôi được sáu tuổi, một buổi sáng tôi ra giếng ở nhà kỹ nữ đê múc nước, bỗng tôi nghe có tiếng đàn ông đằng hắng và ho. Tiếng ho xuất phát từ “trong” giếng! Tôi đánh thức bà chủ dậy, bà ta đi ra để xem, chúng tôi thấy không có ai hết, nhưng chúng tôi cứ nghe cho đến khi mặt trời lên cao. Rồi tiếng người biến mất, chúng tôi không nghe lại nữa.
– Chuyện kia mới là chuyện thực – ông Nobu nói – tôi chưa được nghe chuyện kia.
– Ông phải nghe cả hai mới được – Mameha đáp – đây là chuyện thứ hai. Có lần tôi cùng nhiều geisha khác đến Osaka để hầu vui tại nhà ông Akita Masaichi – ông ta là doanh gia nổi tiếng, có một gia tài kếch xù trước chiến tranh – sau khi chúng tôi hát và uống rượu suốt nhiều giờ liền, ông Akita nằm xuống chiếu ngủ, và một cô geisha lẻn qua phòng bên cạnh mở một cái tủ lớn đựng đầy các thứ khiêu dâm. Có những bức hình khiêu dâm in từ bản khắc gỗ, kể cả một vài bản của Hiroshige…
– Hiroshige không làm hình khiêu dâm – Bí Ngô nói.
– Phải đúng thế, Bí Ngô à – ông Chủ tịch đáp – tôi có xem một số bản in của ông ấy rồi.
Mameha nói tiếp:
– Ông ta cũng có những bức hình chụp các phụ nữ và đàn ông Châu Âu thật mập, và một vài cuốn phim chiếu bóng.
– Tôi biết rõ Akita Masaichi – ông Chủ tịch nói – ông ta không có tranh ảnh khiêu dâm. Câu chuyện kia là thật.
– Kìa ông Chủ tịch – Nobu nói – ông tin câu chuyện về giọng người đàn ông dưới giếng ấy thật à?
– Tôi khỏi cần tin. Vấn đề quan trọng là Mameha có tin hay không thôi.
Bí Ngô và ông Chủ tịch tin chuyện người đàn ông dưới giếng là thật. Ông Thứ trưởng và ông Nobu tin chuyện về khiêu dâm. Còn tôi, tôi nghe cả hai chuyện này rồi, tôi biết câu chuyện người đàn ông dưới giếng là thật. Ông Thứ trưởng uống ly rượu phạt mà không kêu ca gì, nhưng Nobu cứ càu nhàu mãi, cho nên chúng tôi đề nghị ông ta kể chuyện tiếp.
– Tôi không chơi trò này nữa – ông ta nói.
– Ông phải chơi, nếu không, đợt nào ông cũng phải uống rượu phạt hết – Mameha nói.
– Được rồi, các người muốn hai chuyện thì tôi sẽ kể hai chuyện. Đây là chuyện đầu. Tôi có một con chó trắng nhỏ tên là Kubo. Một đêm tôi về nhà, tôi thấy lông của Kubo xanh hết.
– Tôi tin chuyện này – Bí Ngô nói – có lẽ nó bị loài quỷ sứ nào đó bắt cóc.
Nobu có vẻ như không tin Bí Ngô nói thật. Ông ta dè dặt nói tiếp:
– Ngày hôm sau lại xảy ra chuyện như thế nữa, nhưng lần này lông của Kubo màu đỏ tươi.
– Thế đúng là quỷ sứ rồi – Bí Ngô nói – quỷ thích màu đỏ. Màu đỏ là màu máu.
Nobu nghe thế ông ta có vẻ giận. Ông ta nói:
– Đây là chuyện thứ hai của tôi. Tuần trước tôi đi làm quá sớm đến nỗi khi đến văn phòng, cô thư ký vẫn chưa đến. Đấy, chuyện nào là chuyện thực?
Dĩ nhiên tất cả chúng tôi đều chọn chuyện cô thư ký là thật, ngoại trừ Bí Ngô, nên cô ta phải bị uống rượu phạt. Và không phải là một tách mà là một ly. Ông Thứ trưởng rót cho cô ta, giọt từng giọt cho đến khi ly đầy tràn ra ngoài. Bí Ngô phải hớp cho cạn bớt mới bưng ly lên được. Tôi nhìn cô ấy, lo lắng cho cô vì tửu lượng của cô rất thấp.
– Tôi tin chuyện con chó là có thật – cô ta nói sau khi đã uống xong ly rượu – tại sao ông có thể bịa đặt ra chuyện ấy được?
– Làm sao tôi có thể bịa đặt ra ấy à? Vấn đề tại sao cô tin chuyện ấy là thực? Chó không trở thành màu xanh được. Hay không trở thành màu đỏ. Và không có quỷ quái gì hết.
Đến phiên tôi kể chuyện tiếp theo:
– Câu chuyện đầu tiên của tôi như thế này. Một đêm cách đây chỉ vài năm, nhà diễn viên kịch Kabuki là Yoegoro bị say oắt đã nói với tôi rằng ông ta lúc nào cũng thấy tôi đẹp.
– Chuyện này không đúng – Bí Ngô nói – Tôi biết Yoegoro.
– Tôi biết cô biết ông ta, nhưng ông ta đã nói ông ta thấy tôi đẹp. Và từ cái đêm hôm ấy, thỉnh thoảng ông ta lại gởi thư cho tôi. Trong góc mỗi lá thư, ông ta có dán một sợi tóc quăn nhỏ.
Ông Chủ tịch cười khi nghe tôi kể, nhưng Nobu thì ngồi nhổm dậy, vẻ giận dữ và nói:

– Bọn diễn viên Kabuki thật đáng ghét.
– Tôi không cho là đúng. Cô nói sợi tóc đen quăn là muốn nói gì thế? – Bí Ngô nói, nhưng nhìn vẻ mặt của cô, người ta có thể nghĩ rằng cô ta đã hình dung ra được câu trả lời rồi.
Mọi người im lặng chờ đợi câu chuyện thứ hai của tôi. Câu chuyện này đã có sẵn trong óc tôi từ khi cuộc chơi bắt đầu, nhưng tôi lo sợ không dám kể ra, và cũng không nên kể làm gì.
– Khi tôi còn nhỏ – tôi nói tiếp – một hôm tôi quá đau khổ, tôi ra bờ suối Shirakawa ngồi khóc…
Khi bắt đầu kể, tôi cảm thấy như tôi đưa tay qua bên kia bàn để sờ vào tay ông Chủ tịch. Vì tôi nghĩ chắc không ai trong phòng sẽ thấy câu chuyện tôi kể có điều gì khác thường cả, trong khi đó ông Chủ tịch chắc sẽ hiểu câu chuyện riêng tư này – hay ít ra tôi hy vọng ông ta sẽ hiểu. Tôi cảm thấy tôi trò chuyện hết sức thân mật với ông, và tôi cảm thấy người ấm lên khi kể. Trước khi kể tiếp, tôi ngước mắt nhìn lên, hy vọng ông Chủ tịch đang háo hức nhìn tôi. Nhưng không, ông ta không để ý gì đến tôi hết. Tôi cảm thấy thất vọng, như cô gái đi ngoài đường mong để cho mọi người nhìn, nhưng bỗng thấy đường phố vắng hoe.
Tôi thấy mọi người bồn chồn nôn nóng chờ tôi kể tiếp, vì Mameha lên tiếng:
– Sao, kể tiếp đi.
Bí Ngô nói càu nhàu gì đấy, nhưng tôi không nghe rõ.
– Tôi xin kể câu chuyện khác đây – tôi nói – quý vị có nhớ cô geisha Okaichi không? Cô ta chết vì tai nạn trong chiến tranh. Mấy năm trước đó, một hôm tôi và cô ta nói chuyện với nhau, cô ta nói với tôi cô ta thường sợ cái thùng gỗ nặng rơi trúng đầu mà chết. Và chính cô ta đã chết như thế. Một cái thùng sắt phế liệu từ trên kệ cao rơi xuống.
Tôi quá bồn chồn lo sợ vì tôi nhận thấy không có chuyện nào tôi kể ra là có thực hết, thế nhưng tôi cố lấy lại bình tĩnh ngay, vì hầu hết người nào chơi trò chơi này cũng đều bị lừa bịp hết. Cho nên tôi đợi cho đến khi ông Chủ tịch chọn một chuyện để tuyên bố đó là chuyện thực – và chuyện ông chọn là chuyện về diễn viên Yoegoro và sợi tóc quăn. Bí Ngô và ông Thứ trưởng phải uống ly rượu sakê phạt.
Sau tôi là đến phiên ông Chủ tịch.
– Tôi không có tài về trò chơi này – ông ta nói – không như geisha các cô, các cô có tài nói láo.
– Kìa ông Chủ tịch! – Mameha thốt lên, nhưng dĩ nhiên cô ấy chỉ muốn trêu đùa thôi.
– Tôi lo cho Bí Ngô nên tôi kể câu chuyện giản dị thôi. Nếu cô ấy bị uống phạt nữa, chắc cô không chịu nổi.
Quả thật Bí Ngô đã lờ đờ hết sức rồi. Tôi nghĩ cô ta không nghe được ông Chủ tịch nói gì cho đến khi ông ta gọi tên cô.
– Này Bí Ngô, lắng nghe nhé. Đây là câu chuyện đầu tiên của tôi. Tối nay tôi được đến dự buổi tiệc tại phòng trà Ichiriki. Và đây là câu chuyện thứ hai: cách đây mấy năm có một con cá đi vào văn phòng tôi làm việc – không bỏ chuyện ấy đi. Quý vị có thể tin con cá biết đi. Chuyện tôi kể như thế này: cách đây mấy ngày, tôi mở hộc bàn làm việc ra, liền có một người đàn ông nhỏ nhảy ra, anh ta mặc đồng phục, vừa hát vừa khiêu vũ. Đấy, chuyện nào là có thực?
– Ông đừng mong em tin chuyện người đàn ông nhảy từ trong hộc bàn ra là đúng – Bí Ngô nói.
– Cứ chọn một chuyện thôi. Chuyện nào đúng?
– Chuyện kia, em không nhớ chuyện ấy là chuyện gì.
– Ông Chủ tịch ơi, chúng tôi phải bắt ông uống ly rượu phạt thôi – Mameha nói.
Khi Bí Ngô nghe từ rượu phạt, chắc cô ta nghĩ cô ta đã làm điều gì sai trái, vì sau đó chúng tôi thấy cô ta uống hết nửa ly sakê, trông cô bắt đầu say rượu. Ông Chủ tịch là người trông thấy trước tiên, ông lấy ly rượu trên tay cô ta.
– Bí Ngô, cô không phải uống đâu – ông ta nói.
Cô ta đờ đẫn nhìn ông ấy, ông hỏi cô ta có nghe ông nói không.
– Chắc cô ta nghe anh nói – Nobu nói – nhưng dĩ nhiên cô ta không trông thấy anh.
– Nào Bí Ngô – ông Chủ tịch nói – Tôi đưa cô về nhà, hay là phải lôi cô về nhà cũng được.
Mameha đề nghị giúp sức, hai người cùng dẫn Bí Ngô ra khỏi quán, để ông Nobu và ông Thứ trưởng ở lại cùng tôi.
– Thưa ông Thứ trưởng – Nobu hỏi – buổi tối ra sao?
Tôi thấy ông Thứ trưởng cũng say như Bí Ngô, nhưng ông ta cố nói lí nhí rằng buổi tối rất vui.
– Thật vậy, rất vui – ông ta nói thêm, gật đầu vài lần. Sau đó, ông ta đưa tách cho tôi rót rượu, nhưng Nobu lấy cái tách trên tay ông ta đi


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.