Đọc truyện Hồi Ức Của Một Geisha – Chương 3
Suốt mấy ngày đầu tiên ở ngôi nhà xa lạ này, tôi cứ nghĩ tôi mất tay mất chân mà đừng mất gia đình và nhà cửa, chắc tôi ít đau đớn hơn thế này. Tôi nghĩ chắc đời tôi sẽ không bao giờ được trở lại như trước. Tôi cứ nghĩ đến cảnh đau đớn khổ sở của mình, và ngày này qua ngày khác, tôi tự hỏi không biết khi nào tôi mới có thể gặp lại chị Satsu. Tôi không có cha có mẹ – thậm chí không có cả quần áo tôi thường mặc. Tuy nhiên điều làm cho tôi kinh ngạc nhất là sau mấy tuần trôi qua, tôi đã sống còn. Tôi nhớ một lần tôi lau chén bát trong nhà bếp, bỗng thấy mình mất tinh thần, tôi ngừng công việc đang làm để nhìn đăm đăm vào hai tay mình một hồi lâu, vì tôi không tin được kẻ đang lau khô chén bát này lại chính là tôi.
Bà Mẹ đã nói với tôi nếu tôi chịu khó làm việc và biết xử sự thì vài tháng sau tôi sẽ được học tập nghề geisha. Như Bí Ngô đã cho tôi biết, bắt đầu học tập có nghĩa là đi đến trường học ở một khu vực khác tại Gion để học các môn như âm nhạc, múa và nghệ thuật phục vụ trà. Tất cả các cô gái học để trở thành geisha đều cùng học tại trường này. Tôi nghĩ khi tôi được phép đi học, chắc thế nào tôi cũng tìm ra Satsu, cho nên sau tuần đầu tiên, tôi quyết chí sẽ ngoan ngoãn vâng lời như con bò đi theo sợi dây xâu ở mũi, với hy vọng Mẹ sẽ sớm cho phép tôi đến trường học tập.
Hầu hết những việc làm của tôi đều đơn giản. Buổi sáng, tôi dọn dẹp nệm trải trên nền nhà, lau chùi nền nhà, quét dọn hành lang đất, v..v.. Thỉnh thoảng người ta sai tôi ra tiệm thuốc để mua thuốc ghẻ cho bà bếp, hay đến tiệm tạp hóa mua bánh tráng gạo cho Dì, món ăn Dì rất thích. May mắn thay cho tôi là công việc lau chùi nhà vệ sinh đều do các chị người làm lớn tuổi đảm trách. Mặc dù đã cố làm việc hết mình, tôi vẫn không gây được ấn tượng tốt như lòng tôi mong đợi, vì công việc lặt vặt nhiều quá tôi làm không xuể, và chuyện khó khăn này đa số đều do Bà Ngoại gây ra.
Việc chăm sóc bà không phải là nhiệm vụ của tôi – theo Dì cho tôi biết như thế. Nhưng khi bà gọi, tôi không thể không chạy đến được, vì bà là người có quyền hạn hơn bất kỳ ai ở trong ngôi nhà này. Chẳng hạn, một hôm tôi đang mang trà lên cho Mẹ thì bà gọi lớn:
– Con bé đâu rồi? Bảo nó lên đây cho tao!
Tôi phải để khay trà xuống, vội vã chạy lên. Bà đang ăn trưa.
– Mày không thấy phòng này quá nóng hay sao? – Bà nói sau khi tôi đã quỳ xuống chào bà – Đáng ra mày phải vào đây để mở cửa sổ cho tao chứ.
– Cháu xin lỗi, thưa bà. Cháu không biết bà nóng.
– Nhìn tao thế này mà không nóng à?
Bà ta đang ăn cơm, vài hạt cơm dính vào môi dưới. Tôi thấy bà ta có vẻ ham ăn chứ không có vẻ gì nóng nảy hết, nhưng tôi vẫn đi đến cửa sổ để mở cửa ra. Khi vừa mở, một con ruồi liền bay vào, bay vù vù quanh mâm cơm của bà.
– Mày làm sao thế này? – Bà ta nói, đưa đôi đầu đũa xua con ruồi đi. – Mấy đứa ở khi mở cửa không để ruồi bay vào.
Tôi xin lỗi và nói để tôi đi lấy cái cây đập ruồi.
– Đập ruồi vào thức ăn của tao à? Không được. Không được làm thế! Mày đứng đây đuổi ruồi cho tao ăn.
Thế là tôi phải đứng đấy trong khi bà ta ăn cơm, và nghe bà kể đủ chuyện. Khi tôi được phép ra ngoài thì trà của Mẹ đã nguội, không thể mang đến cho bà uống được. Thế là cả bà đầu bếp và Mẹ đều tức tối.
Thực ra thì bà không thích ở một mình. Thậm chí khi vào phòng vệ sinh, bà cũng cần có Dì đứng ngoài cửa, nắm hai tay bà để bà ngồi xuống cho vững. Mùi hôi nồng nặc khiến Dì phải ngẩng đầu lui thật xa. Tôi không làm công việc ghê tởm này, nhưng bà thường gọi tôi đến đấm bóp, trong khi bà rửa lỗ tai với cái ly bạc nhỏ. Công việc đấm bóp này rất khổ chứ không nhẹ nhàng gì. Lần đầu tiên bà cởi áo kéo xuống quá vai, tôi như muốn phát bệnh, vì da ở vai và ở cổ bà xù xì và vàng khè như da gà còn sống. Sau này tôi mới biết bà bị như thế là do đã thoa thứ phấn trắng gọi là “Đất Sét Trung Hoa” có pha chì. Không chỉ có một mình bà Ngoại bị như thế mà ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh thế giới lần II người ta vẫn còn thấy nhiều bà già da ở cổ thụng xuống vàng khè.
Khoảng ba tuần sau ngày tôi vào nhà dạy kỹ nữ, một hôm tôi lên lầu dọn dẹp phòng của Hatsumono trễ hơn thường khi. Mặc dù tôi không gặp cô ta vì cô ta rất bận rộn, nhưng tôi vẫn rất sợ Hatsumono. Tôi sợ nếu cô ta gặp tôi một mình, sẽ có lắm chuyện không hay xảy ra, cho nên tôi cố lau chùi phòng của cô ta vào giờ cô rời khỏi nhà để đi học múa. Rủi thay, sáng hôm ấy bà Ngoại sai tôi làm nhiều việc lặt vặt mãi cho đến gần trưa mới xong.
Phòng của Hatsumono rộng hơn các phòng khác trong nhà, diện tích tính ra còn rộng hơn ngôi nhà của tôi ở Yoroido. Tôi thấy thắc mắc về điều này thì có một chị giúp việc cho biết rằng phòng này trước đây có đến bốn cô geisha ở nhưng giờ chỉ còn một mình Hatsumono mà thôi. Tuy sống một mình nhưng cô ta rất bừa bộn. Hôm ấy, khi vào phòng cô ta, ngoài những đồ đạc để lung tung như mọi khi, còn có cái giá gỗ móc áo kimono nằm ngã dưới đất. Ngay khi tôi dựng cái giá lên, cánh của xịch mở, tôi quay lại thì thấy Hatsumono đang đứng đó.
– Ồ thì ra cô – cô ta nói – Tôi nghe tiếng động cứ ngỡ đấy là chuột hay cái gì đấy. Thì ra cô đang dọn dẹp phòng của tôi. Có phải cô là người có bổn phận sắp xếp lại các lọ đồ trang sức của tôi không? Tại sao cô tha thiết làm việc ấy thế?
– Tôi xin lỗi, thưa bà – Tôi đáp – Tôi chỉ nhích chúng ra để lau bụi ở dưới thôi.
– Nhưng nếu cô đụng vào chúng, chúng sẽ lây mùi hôi của cô. Rồi thì các ông sẽ nói “Này cô Hatsumono, tại sao cô có mùi hôi của cô gái ngu dốt ở làng đánh cá như thế?” Tôi nghĩ chắc cô biết điều đó chứ, phải không? Nhưng cô hãy lập lại cho chắc ăn. Tại sao tôi không muốn cô đụng đến các đồ trang điểm của tôi?
Tôi nghẹn ngào không thốt lên lời. Nhưng cuối cùng tôi cũng đáp:
– Vì chúng sẽ có mùi hôi như tôi.
– Rất tuyệt. Và các ông sẽ nói gì?
– Họ sẽ nói: Ồ cô Hatsumono, cô có mùi hôi như cô gái ở làng đánh cá.
– Hừ… Tôi không thích cái điệu cô nói như thế. Nhưng thôi cho qua. Tôi không biết tại sao con gái ở các làng đánh cá có mùi hôi như thế. Ngày hôm kia cô chị xấu xí của cô có đến đây tìm cô, cô ta cũng có mùi hôi như cô vậy.
Nãy giờ tôi luôn luôn nhìn xuống sàn nhà, nhưng khi nghe Hatsumono nói thế, tôi liền ngước mắt nhìn thẳng vào cô ta để xem cô ta có nói thật hay không.
– Cô kinh ngạc lắm hả? – Cô ta nói – Tôi nói cô ta có đến đây phải không? Cô ta muốn nhờ tôi báo cho cô biết hiện cô ấy đang ở đâu. Có lẽ cô ta muốn cô đến tìm cô ta rồi hai chị em cùng nhau bỏ trốn…
– Cô Hatsumnono…
– Cô muốn tôi nói cho cô biết hiện cô ta đang ở đâu phải không? Tốt, cô rất muốn biết. Khi nào tôi thấy tiện, tôi sẽ cho cô biết. Bây giờ thì hãy ra khỏi đây.
Tôi không dám không vâng lời, nhưng trước khi bước ra khỏi phòng, tôi nghĩ có lẽ tôi nên cố thuyết phục cô ta.
– Thưa cô Hatsumono, tôi biết cô không thích tôi – tôi nói – Nếu cô có lòng tốt nói cho tôi biết, tôi xin hứa sẽ không làm phiền cô nữa đâu.
Khi nghe tôi nói thế, Hatsumono lộ vẻ sung sướng ra mặt, cô ta đi về phía tôi. Thú thật, chưa bao giờ tôi thấy một phụ nữ nào trông hấp dẫn như thế. Đàn ông đi ngoài đường thường dừng lại, lấy thuốc trên miệng ra để nhìn cô ta. Tôi tưởng cô ta sẽ đến nói nhỏ bên tai tôi, nhưng sau khi đứng mỉm cười trước mặt tôi một lát, cô ta đưa tay tát vào mặt tôi.
– Tao đã bảo mày đi ra khỏi phòng tao kia mà – Cô ta nói.
Tôi quá sửng sốt không biết phải phản ứng ra sao. Nhưng chắc tôi đã lảo đảo bước ra khỏi phòng, vì sau đó tôi ngồi gục xuống sàn ván ở hành lang, hai tay ôm mặt. Ngay khi đó, cửa phòng của Mẹ mở ra. Bà đến đỡ tôi đứng lên và nói:
– Hatsumono! Cô làm gì Chiyo thế này?
– Nó tính chuyện bỏ trốn đấy Mẹ ạ. Tôi đánh nó cho mẹ là hay nhất. Tôi nghĩ chắc Mẹ quá bận rộn công việc nên không đánh nó được.
Mẹ gọi một chị giúp việc, bảo chị ta đi lấy vài lát gừng tươi rồi dẫn tôi vào phòng bà, để tôi ngồi xuống và bà nói tiếp cuộc điện thoại bị bỏ dở. Chiếc máy điện thoại duy nhất trong nhà dùng để gọi ra ngoài khu Gion được gắn trên tường ở phòng bà, không ai được phép dùng nó hết. Bà để ống nghe nằm nghiêng trên kệ, và khi bà lấy lên lại để nói, bà bóp mạnh mấy ngón tay múp míp vào ống nghe, như muốn vắt cho nó ra nước.
– Xin lỗi – bà nói vào ống nghe, giọng the thé – Hatsumono lại đánh người làm trong nhà.
Trong mấy tuần đầu ở nhà dạy kỹ nữ này, tôi cảm thấy có cảm tình với Mẹ một cách vô cớ – như thể con cá được người đánh cá tháo lười câu ra khỏi miệng. Có lẽ vì hàng ngày tôi chỉ thấy bà vài phút khi tôi lau chùi phòng bà. Bà lúc nào cũng có mặt ở đấy, ngồi nơi bàn, thường với cuốn sổ kế toán mở ra trước mắt, mấy ngón tay lia lịa hất các hạt tính bằng ngà trên cái bàn tính Trung Hoa. Bà bận bịu tính toán cả ngày, và phòng bà lại lộn xộn bừa bãi hơn cả phòng của Hatsumono nữa. Hễ mỗi khi bà ta dằn mạnh cái ống vố xuống bàn là từng đám tro và thuốc bay ra trên mặt bàn, và bà cứ để mặc chúng ở đấy. Bà không muốn ai đụng đến tấm nệm ngủ của bà, thậm chí không ai thay vải trải nệm, cho nên căn phòng bốc lên mùi vải dơ, còn các tấm màn giấy che cửa sổ dơ bẩn kinh khủng vì bị khói thuốc bám vào, khiến cho căn phòng thêm u tối .
Trong khi Mẹ nói chuyện trên điện thoại, chị gia nhân mang đến nhiều lát gừng mới cắt để tôi đắp lên chỗ bị Hatsumono đánh. Vì cửa phòng cứ mở ra đóng lại, khiến con chó nhỏ Takku của Mẹ thức dậy, con chó có bộ mặt xấu xí và tính tình hung dữ. Nó chỉ có ba việc phải làm: sủa, ngáy và cắn người nào muốn nựng nó. Sau khi chị ở đi ra rồi, con Taku đến nằm phía sau lưng tôi. Đây là trò ma giáo của nó, vì nó muốn nằm như thế để tôi có sơ ý dẫm lên nó, và thế là nó có cớ để cắn tôi. Tôi cảm thấy khi ấy tôi như con chuột bị nhốt trong phòng đóng kín cửa, vì tôi ngồi giữa Mẹ và Takku. Cuối cùng Mẹ gác điện thoại, đến ngồi vào bàn. Bà nhìn tôi, cặp mắt vàng khè, bà nói:
– Bây giờ nghe tao cho rõ, bé. Có lẽ mày đã nghe Hatsumono nói đùa. Vì nó có thể trốn thoát, nhưng mày thì không thể trốn được. Tao muốn biết tại sao nó đánh mày?
– Cô ấy muốn tôi ra phòng của cô ấy, thưa Mẹ – tôi đáp – Tôi rất ân hận.
Mẹ bảo tôi nói lại bằng giọng Kyoto cho đúng, việc này đối với tôi thật khó, khi tôi nói lại rõ ràng cho bà hài lòng, bà nói:
– Tao nghĩ chắc mày không hiểu công việc của mày ở đây. Tất cả chúng tao đều nghĩ đến một việc duy nhất thôi – đó là làm sao chúng tao giúp Hatsumono trở thành một geisha thành công. Ngay cả Bà Ngoại nữa. Bà có vẻ khó khăn với mày thật đấy, nhưng suốt ngày bà chỉ nghĩ đủ cách để giúp đỡ Hatsumono.
Tôi không hiểu Mẹ muốn nói cái gì. Thật tình mà nói, tôi không thể tin được bà có thể thuyết phục ai tin rằng Bà Ngoại có ý đồ giúp đỡ ai đó.
– Nểu người có quyền hành ở đây như Bà Ngoại mà còn làm việc cật lực cả ngày để giúp công việc của Hatsumono được thuận lợi dễ dàng hơn, thì tao nghĩ mày cũng phải làm việc cật lực mới được.
– Vâng thưa Mẹ, con sẽ tiếp tục làm việc cật lực.
– Tao không muốn thấy mày làm cho Hatsumono bực mình thêm lần nữa. Con bé kia tránh đường cô ấy, thì mày cũng phải làm như thế.
– Vâng thưa Mẹ. Nhưng trước khi đi, con có thể hỏi Mẹ được không? Con chỉ muốn biết hiện chị con ở đâu mà thôi. Con chỉ muốn gởi cho chị ấy lời nhắn thôi.
Miệng của Mẹ rất kỳ lạ, nó to chành ành trên mặt, lúc nào cũng hả ra, nhưng bây giờ bà nghiến hai hàm răng lại với nhau như thể bà muốn tôi nhìn vào miệng bà. Đấy là kiểu cười của bà, nhưng mãi cho đến khi bà phát ra tiếng ho tôi mới biết bà cười, vì khi cười bà giống như là đang ho.
– Làm sao tao nói cho mày biết chuyện ấy được? – Nói xong bà ta phá ra cười vài lần nữa rồi huơ tay ra dấu bảo tôi ra khỏi phòng.
Khi tôi đi ra, bà Dì đang đứng đợi tôi ở ngoài hành lang gần cầu thang để sai bảo tôi làm việc. Bà đưa tôi cái xô nước, bảo tôi leo lên cái thang bắt qua cánh cửa sập lên tận mái nhà. Ở đấy có bể nước để trên mấy cái trụ gỗ để hứng nước mưa. Nước mưa chảy xuống theo trọng lực để xối phòng vệ sinh ở tầng hai ở gần phòng Mẹ, vì lúc ấy chúng tôi chưa có hệ thống nước máy. Mấy hôm trước, vì trời khô ráo không có nước mưa, mà phòng vệ sinh lại hôi hám. Cho nên công việc của tôi là xách nước lên đổ vào thùng để bà Dì xối rửa phòng vệ sinh vài lần cho sạch.
Ngói trên mái nhà buổi trưa nóng như lửa. Trong khi đổ nước vào thùng, tôi không thể nào không nghĩ đến nước hồ lạnh ở làng ven biển quê tôi. Tôi mới tắm trong hồ chỉ cách đây mấy tuần thế mà bây giờ tôi cảm thấy đã lâu lắm rồi. Dì bảo tôi nhổ cỏ giữa các khe ngói trước khi tụt xuống. Tôi nhìn hơi nóng hầm hập phả lên khắp thành phố và nhìn các ngọn đồi bao quanh chúng tôi như những bức tường bao quanh nhà tù. Tôi nghĩ có lẽ đâu đó dưới một trong những mái nhà này, chị tôi đang làm công việc lặt vặt như tôi. Tôi mải nghĩ đến chị ấy nên sơ ý va phải thùng nước làm cho nước bắn ra, chảy xuống đường.
Khoảng một tháng sau khi tôi đến nhà dạy kỹ nữ, Mẹ bảo đã đến lúc tôi bắt đầu đến trường học. Sáng hôm sau tôi phải theo Bí Ngô đến trường để giới thiệu với các giáo viên. Sau đó, Hatsumono sẽ đưa tôi đến một nơi có tên gọi là Phòng Hộ Tịch, nơi tôi chưa hề nghe nói đến, và đến xế chiều, tôi sẽ xem cô ta trang điểm và mặc áo kimono. Đấy là tục lệ trong nhà dạy kỹ nữ dành cho một cô gái, vào ngày cô ta bắt đầu luyện nghề, để quan sát nàng geisha bề trên chuẩn bị trang phục.
Khi Bí Ngô nghe tin cô ta sẽ dẫn tôi đến trường vào sáng hôm sau, cô ta rất căng thẳng. Cô ta nói với tôi:
– Bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để ra đi ngay khi bạn vừa thức dậy. Nếu đến trễ, chúng ta sẽ ê mặt đấy.
Sáng nào tôi cũng thấy cô ta vội vã ra khỏi nhà khi trời còn sớm tinh mơ và mỗi khi ra đi, cô ta đều có vẻ như muốn khóc. Thực vậy, mỗi khi nghe tiếng guốc gỗ của cô ta đi qua ngoài cửa sổ nhà bếp, là tôi cảm thấy như nghe cô ta khóc. Cô ta không thuộc hết bài học, thực ra là không hiểu hết. Cô ta đến nhà dạy kỹ nữ trước tôi gần sáu tháng, thế mà cô ta chỉ bắt đầu học nghề quãng một tuần sau khi tôi đến. Ngày nào khi đi học về vào lúc giữa trưa, cô ta đi thẳng vào khu gia nhân, trốn ở đấy để không ai thấy cô buồn.
Bí Ngô đợi tôi ngoài cửa ngỏ, vẻ bồn chồn lo lắng. Tôi vừa xỏ chân vào giầy thì Bà Ngoại gọi tôi vào phòng.
– Không! – Bí Ngô hoảng hốt nói, mặt cô ta xịu xuống, ỉu xìu. – Tôi lại đến trễ nữa mất! Ta cứ đi, giả vờ như không nghe thấy bà ấy gọi!
Tôi muốn làm theo lời Bí Ngô nói, nhưng Bà Ngoại đã hiện ra nơi ngưỡng cửa, nhìn tôi qua hành lang phía trước nhà. Nhưng bà chỉ giữ tôi lại mươi mười lăm phút thôi, tuy nhiên mắt Bí Ngô đã đầy cả nước. Khi chúng tôi ra đi, Bí Ngô đi thật nhanh khiến tôi phải chạy theo mới kịp.
– Mụ già kia quá độc ác! – Cô ta nói – Bạn nhớ rửa tay với nước muối sau khi chà xát cổ cho bà ta.
– Tại sao phải làm thế?
– Mẹ tôi thường nói “Ma quỷ đụng đâu là gieo họa đến đấy.” Và tôi thấy quả thật như thể. Mẹ tôi đã vướng phải vào một con quỷ một buổi sáng khi đi ngoài đường, vì thế mà bà chết. Nếu bạn không rửa tay cho sạch, bạn sẽ biến thành đồ già nua quắt queo như Bà Ngoại thôi.
Bí Ngô và tôi cùng tuổi và cùng hoàn cảnh giống nhau, nên tôi nghĩ nếu có thể, chắc chúng tôi thường nói chuyện với nhau. Nhưng công việc trong nhà làm cho quá bận rộn, thậm chí không cùng ăn chung với nhau nữa. Bí Ngô ăn trước vì cô ta cấp bậc cao hơn tôi trong nhà này. Tôi biết Bí Ngô đến trước tôi chỉ sáu tháng như tôi đã nói. Nhưng tôi biết rất ít về cô ta. Cho nên tôi hỏi :
– Bí Ngô này, có phải bạn ở Kyoto không? Nghe giọng nói của bạn, tôi nghĩ bạn phải là người ở đây.
– Tôi sinh ra ở Sapporo, nhưng mẹ tôi chết khi tôi lên năm. Bố tôi gởi tôi đến đây để sống với ông cậu. Năm ngoái cậu tôi thất nghiệp, và tôi vào đây.
– Tại sao bạn không chạy về Sapporo lại?
– Bố tôi gặp tai hoạ và chết hồi năm ngoái rồi. Tôi không chạy về đấy được. Tôi không có đâu để đi hết.
– Khi tôi tìm ra được chị tôi – tôi nói – bạn có thể đi với tôi. Chúng ta cùng chạy trốn.
Tôi nghĩ Bí Ngô gặp cảnh khó khăn trong việc học tập này, cho nên chắc cô ta sẽ sung sướng khi nghe tôi đề nghị như thể. Nhưng cô ta không nói gì hết. Chúng tôi đã đến Đại lộ Shijo và lặng lẽ băng qua đường. Ngày ấy Bekku dẫn tôi và Satsu từ nhà ga qua đây, con đường này rất đông đúc. Bây giờ trời còn sáng sớm, tôi chỉ thấy xa xa một chiếc tàu điện và lác đác vài chiếc xe đạp. Khi chúng tôi qua đến bên kia đường, chúng tôi đi theo một con đường hẹp, rồi bỗng Bí Ngô thình lình dừng lại .
– Cậu tôi là người rất tốt – cô ta nói – Trước khi cậu đưa tôi đến đây cậu đã nói với tôi những lời cuối cùng như thể này “Con gái có đứa thông minh, có đứa ngu đần. Cháu dễ thương đấy, nhưng cháu cũng ngu đần. Cháu không thể tự mình xoay sở để sống ở đời được đâu. Cậu sẽ gởi cháu đến một nơi mà người ta bảo cháu làm theo ý họ. Cháu hãy làm theo lời họ. Cháu sẽ được chăm sóc mãi mãi.” Cho nên, nếu bạn muốn bỏ trốn, bạn cứ đi. Còn tôi, tôi đã tìm ra nơi để sống rồi. Tôi sẽ làm việc cật lực để họ không đuổi tôi đi. Tôi thà chịu gian khổ còn hơn để mất cơ hội trở thành geisha như Hatsumono.
Nói đến đây Bí Ngô dừng lại, cô ta đưa mắt nhìn cái gì đấy ở dưới đất phía sau lưng tôi rồi thốt lên:
– Ôi lạy trời , Chiyo! Thấy cái này bạn không thèm sao?
Tôi quay người và thấy chúng tôi đứng trước cửa ngõ một nhà dạy kỹ nữ khác. Trên kệ bên trong cửa có một cái am nhỏ thờ thần, có để cúng bánh ngọt. Tôi tự hỏi không biết có phải Bí Ngô nhìn các thứ này không, nhưng mắt cô ta cúi nhìn xuống đất. Tôi nhìn theo con đường lát đá chạy vào cửa trong, tôi chỉ thấy vài cây dương xỉ và một ít rêu bám vào bám trên đá thôi chứ chẳng có gì hết. Rồi bỗng mắt tôi nhìn thấy vật ấy. Một cái xiên gỗ dùng nướng thịt còn dính một miếng mực nướng cháy đen nằm dưới đất phía bên ngoài cửa ngõ, ngay bên mép đường. Ban đêm có người đẩy xe đi bán thịt nướng. Mùi thịt nướng ăn với tương làm cho tôi thèm nhỏ rãi, vì tôi tớ như chúng tôi thường được ăn cơm với dưa chua, mỗi ngày được ăn một bữa cháo, và mỗi tháng hai lần được ăn vài con cá nhỏ kho khô. Thế nhưng trông miếng mực nướng dưới đất, tôi chẳng thấy thèm chút nào hết. Hai con ruồi bò quanh trên miếng mực như thể chúng đang dạo chơi trong công viên.
Bí Ngô có khả năng mập rất nhanh nếu được ăn uống đầy đủ. Tôi thường nghe bụng cô ta sôi ào ào vì đói, như tiếng cánh cửa khổng lồ mở toang ra. Thế nhưng tôi không tin là cô ta định ăn miếng mực nướng này, vì tôi thấy mắt cô ta đảo lên đảo xuống trên đường xem có ai đang đến gần không.
– Bí Ngô – tôi nói – nếu bạn đói, bạn lấy bánh ngọt trên kệ mà ăn. Ruồi bu trên miếng mực rồi .
– Tôi to lớn hơn ruồi – cô ta đáp – vả lại ăn bánh ngọt sẽ xúc phạm đến thần linh. Đấy là đồ cúng mà.
Nói xong, cô ta cúi xuống, lấy cái xiên nướng thịt lên.
Quả thật tôi đã lớn lên ở một nơi mà trẻ con quen thói ăn bất cứ cái gì còn sống. Và tôi xác nhận có lần tôi đã ăn một con dế khi tôi lên bốn hay lên năm gì đấy nhưng tôi ăn là vì bị lừa. Nhưng khi nhìn Bí Ngô đứng ngắm cái xiên thịt nướng trên tay đất bụi trên đường dính vào miếng mực, ruồi bu quanh… cô tả thổi mạnh vào miếng mực để xua chúng đi nhưng chúng chỉ chạy quanh miếng mực cố bám cứng vào đấy.
– Bí Ngô, bạn không ăn cái đấy được đâu – tôi nói – ăn cái đấy chẳng khác nào liếm lưỡi trên đường đá!
– Liếm đá trên đường có gì hại đâu? – Cô ta nói.
Nói xong, Bí Ngô quỳ xuống thè lưỡi liếm một cái trên mặt đường. Nếu tôi không thấy chuyện này thì chắc không bao giờ tin được. Tôi há miệng nhìn, sửng sốt. Khi Bí Ngô đứng lên lại, vẻ mặt cô ta như thể chính cô cũng không tin nổi việc mình vừa mới làm. Nhưng cô ta lấy tay lau miệng, nhổ nước bọt vài lần, rồi đưa miếng mực vào miệng, cắn giữa hai hàm răng và lôi cái xiên ra.
Chắc miếng mực nướng dai lắm, vì Bí Ngô nhai mãi suốt thời gian chúng tôi đi lên dốc đồi đến chiếc cổng gỗ của khu vực nhà trường. Tôi cảm thấy lòng nôn nao khi bước chân vào, vì khu vườn quá rộng. Quanh chiếc hồ nuôi nhiều cá chép, người ta trồng loại cây trường xuân và thông uốn để làm cảnh. Bên kia hồ ở chỗ hẹp nhất, có kê một miếng đá phẳng. Hai bà già mặc kimono đang đứng ở đó, trên tay cầm dù hoa để che nắng buổi sớm. Còn toà nhà, lúc đó tôi không biết nhiều, nhưng bây giờ tôi nhớ chỉ có một phần nhỏ trong đó dùng làm trường học. Phần khu nhà khổng lồ phía sau trường học dùng làm nhà hát Kaburenjo – nơi cứ mỗi khi mùa xuân đến là giới geisha ở Gion trình diễn Vũ điệu Cố đô.
Bí Ngô vội vã đi vào cửa một dãy nhà gỗ mà tôi tưởng là khu nhà ở của gia nhân, nhưng hóa ra đấy là nhà trường. Ngay khi vừa bước vào cửa, tôi đã ngửi thấy mùi trà lá khô, bây giờ cứ mỗi lần nhớ tới buổi đi học đầu tiên ấy là lòng tôi thắt lại. Tôi cởi giày để vào ngăn kệ gần chỗ tôi đứng. Nhưng Bí Ngô chận tôi lại, có luật bất thành văn ở đây về việc sử dụng các ngăn ở trên kệ này. Trong số học viên ở đây thì Bí Ngô là người mới nhập môn nên cô ta phải leo lên cất giày ở ngăn trên cao nhất. Và hồi ấy tôi là người mới đi học lần đầu nên tôi thuộc hạng bét, tôi phải để giầy phía ngăn trên của cô ta.
Mặc dù trên kệ mới chỉ có mấy đôi giầy, nhưng Bí Ngô vẫn nói với tôi:
– Khi leo lên kệ, bạn cẩn thận đừng đạp lên giày của người khác. Nếu bạn đạp lên giày của cô nào mà họ biết, họ trách mắng bạn không chịu nổi đâu.
Tôi thấy phía trong nhà trường cũ kỹ và bụi bặm như ngôi nhà bỏ hoang. Cuối hành lang dài tôi thấy một nhóm khoảng bảy tám cô gái đang đứng. Thấy họ, tôi bỗng giật mình hốt hoảng, vì tôi cứ tưởng có một cô là chị Satsu, nhưng khi họ quay lại nhìn chúng tôi, tôi thất vọng vì không phải. Tất cả đều có một kiểu tóc, kiểu ngắn gọn của các cô geisha tập sự. Họ nhìn tôi với ánh mắt như thể họ là những người từng trải ở Gion nhiều hơn Bí Ngô và tôi.
Đến giữa hành lang, chúng tôi đi vào phòng học, phòng rộng rãi xây theo kiểu cổ truyền của Nhật Bản Trên một bức vách có treo một tấm bảng lớn, trên bảng có những cái móc, một vài cái móc có treo những tấm bảng nhỏ bằng gỗ trên bảng, viết tên học viên bằng chữ thật đậm màu đen. Khả năng đọc và viết của tôi còn yếu, tôi có đi học ở Yoroido vào buổi sáng, và khi đến Kyoto, tôi chỉ được học với bà Dì một giờ vào buổi chiều, nhưng tôi cũng đọc được vài tên. Bí Ngô đến lấy tấm bảng có tên cô ta để trong cái hộp trên chiếu rồi móc vào một trong những cái móc đó. Chắc anh cũng biết đấy, tấm bảng trên vách là sổ đăng ký điểm danh.
Sau đó chúng tôi đi đến các phòng học khác để đăng ký môn học khác nữa của Bí Ngô, cách đăng ký cũng giống nhau. Cô ta phải học bốn môn buổi sáng: đàn Shamisen, múa, nghệ thuật phục vụ trà và hát loại nhạc mà chúng tôi gọi là Nagawta. Bí Ngô rất bối rối, bực bội vì cô ta là học viên đến sau cùng so với các học viên khác trong lớp, đến nỗi khi chúng tôi về nhà để ăn sáng, cô ta thắt khăng quàng quanh áo thật mạnh. Nhưng khi chúng tôi mang giày vào, chúng tôi thấy một cô gái khác cỡ tuổi chúng tôi chạy băng qua vườn vào trường, tóc tai bù xù. Thấy thế Bí Ngô có vẻ bình tĩnh hơn trước.
Chúng tôi ăn một tô cháo rồi vội vã quay trở lại trường ngay để Bí Ngô chuẩn bị học đàn Shamisen. Cô ta quỳ ở cuối lớp để ráp cây đàn. Nếu người nào chưa từng thấy cây đàn Shamisen, thì chắc họ rất thích thú khi thấy loại đàn này. Có người gọi là đàn ghi ta Nhật Bản, nhưng thực tế nó nhỏ hơn đàn ghi ta nhiều. Đàn có cổ nhỏ bằng gỗ, trên đầu có ba núm vặn lớn để lên dây. Thân đàn bằng gỗ mỏng, trên mặt thùng căng bằng da mèo như cái trống. Cây đàn có thể tháo rời ra thành từng mảnh để bỏ vào hộp hay túi xách để mang đi cho tiện. Bí Ngô ráp đàn rồi đàn, miệng thè lưỡi ra. Tôi rất tiếc phải nói rằng lỗ tai của cô ta rất tệ, những nốt nhạc cô đánh ra ồm ồm, lộn xộn như chiếc thuyền lắc lư trên sóng, không đúng với điệu nhạc người ta yêu cầu cô phải đàn. Một lát sau phòng học đông đúc, cô nào cô nấy ôm đàn trên tay, ngồi rải rác trong phòng như các viên kẹo sô cô la để đều trong hộp. Tôi cứ nhìn ra cửa, lòng mong sao thấy Satsu bước vào, nhưng vẫn không có chị.
Một lát sau cô giáo đi vào. Cô giáo là một bà già nhỏ nhắn, giọng lanh lảnh. Tên cô là cô Mizumi. Trước mắt cô, chúng tôi gọi cô như thể, nhưng họ của cô Mizumi, đọc lên nghe gần như Nezami, mà nezami có nghĩa là “chuột”. Nhưng sau lưng cô, chúng tôi gọi cô là Nezami, cô Chuột.
Cô Chuột quỳ xuống trên nệm, quay mặt xuống lớp và nhìn học viên với nét mặt nghiêm nghị. Khi học viên cùng cúi chào và chúc tụng cô xong, cô chỉ nhìn họ không nói một tiếng. Cuối cùng, cô nhìn lên tấm bảng trên vách và gọi tên học sinh đầu tiên.
Cô gái đầu tiên này có vẻ tự tin. Sau khi lên trước lớp, cô ta cúi chào cô giáo rồi bắt đầu đàn. Vài phút sau cô Chuột bảo cô ngừng lại, phê bình rất gay gắt về khả năng của cô ta, rồi cô khép quạt lại, vẫy tay đuổi cô gái về chỗ. Cô gái cám ơn, lại cúi chào và đi về chỗ. Cô Chuột lại gọi học sinh tiếp theo.
Các học sinh tiếp tục lên đàn hơn một giờ thì đến phiên Bí Ngô. Tôi thấy Bí Ngô lo sợ ra mặt và quả nhiên cô ta đàn hỏng bét, cái gì cũng sai. Trước hết cô Chuột chặn cô ta lại, lấy cây đàn giúp cô ta lên dây cho đúng. Rồi Bí Ngô đàn lại, nhưng các học viên ngơ ngác nhìn nhau vì họ không biết cô ta đang chơi bài gì. Cô Chuột đấm tay xuống bàn, ra lệnh cho họ phải nhìn tới phía trước, rồi cô giáo lấy quạt đánh nhịp cho Bí Ngô đàn theo. Nhưng cũng chẳng được gì cho nên cuối cùng cô Chuột phải nắm tay Bí Ngô để hướng dẫn cho cô ta đàn, nhất là cái cách cầm miếng gẩy đàn. Cô giáo gần như là bẻ gãy ngón tay của Bí Ngô khi tập cho cô cầm miếng gẩy đàn cho đúng cách, cuối cùng cô giáo đành thả tay ra, để miếng gẩy đàn rơi xuống chiếu, vẻ chán nản. Bí Ngô lượm lên rồi vừa khóc cô ta vừa quay về chỗ ngồi.
Sau chuyện này tôi mới hiểu tại sao Bí Ngô rất lo lắng về việc mình là học sinh sau cùng. Vì sau Bí Ngô là đến phiên cô gái tóc tai bờm xờm chạy đến trường lúc chúng tôi trở về nhà ăn sáng. Cô ta ra trước lớp, cúi người chào. Cô Chuột nạt cô ta:
– Đừng mất công chào hỏi làm gì! Nếu sáng nay cô đừng ngủ dậy trưa, thì chắc cô đã đến đúng giờ để học rồi.
Cô gái xin lỗi và bắt đầu đàn, nhưng cô giáo không thèm để ý đến. Cô ta chỉ nói:
– Sáng nào cô cũng ngủ dậy trưa. Làm sao tôi dạy cho cô được khi cô không thèm bận tâm đến đăng ký học đúng giờ như những cô khác? Đi về chỗ đi. Tôi không muốn dạy cho cô nữa.
Lớp học bãi. Bí Ngô dẫn tôi ra trước cửa phòng, chúng tôi cúi chào cô Chuột. Bí Ngô nói:
– Cháu xin phép giới thiệu với cô đây là Chiyo. Cháu xin cô rộng lòng chỉ dạy cho cô ấy vì cô ấy tài hèn sức mọn.
Bí Ngô không có ý ngạo tôi, vì đây là cách ăn nói của mọi người khi họ muốn tỏ ra mình lễ phép. Chính mẹ tôi cũng thường nói năng như thế.
Cô Chuột không nói gì một lát, cô nhìn tôi rồi cuối cùng cô lên tiếng:
– Cháu trông thông minh đấy. Nhìn cháu ta cũng biết. Có lẽ rồi cháu cũng giúp được chị cháu học tập đấy.
Dĩ nhiên cô ta nói Bí Ngô là chị tôi.
– Mỗi sáng hãy đến móc tên lên bảng cho sớm – cô nói tiếp – Hãy giữ im lặng trong lớp. Tôi không tha thứ việc nói chuyện trong lớp đâu! – Và cô nhìn ra phía trước – Nếu cháu nghe lời như thế, ta sẽ cố sức dạy cho cháu.
Nói xong cô giáo bảo chúng tôi đi chỗ khác.
Khi đi giữa hành lang các lớp học, tôi cứ nhìn xem có Satsu không, nhưng không thấy chị ấy đâu hết. Tôi bắt đầu lo sợ rằng có lẽ không bao giờ tôi gặp lại chị ấy, và khi ấy mặt tôi quá buồn rầu đến nỗi một giáo viên sắp dạy cho lớp học đã bảo mọi người im lặng rồi cất tiếng hỏi tôi:
– Này cô kia, cô lo lắng gì thế?
– Ồ thưa bà không, tôi chỉ sơ ý cắn phải môi – tôi đáp, và để chứng minh cho mọi người thấy, – vì khi ấy các cô chung quanh đang quay mặt nhìn tôi – tôi cắn mạnh vào môi cho tươm máu.
Trong các môn học khác của Bí Ngô, tôi thấy không khí nhẹ nhàng dễ chịu hơn môn học đàn vừa rồi. Trong lớp múa chẳng hạn, các học viên đều múa tập thể, không có ai đứng ngoài xem. Vả lại Bí Ngô múa không đến nỗi tệ, mặc dù các di chuyển của cô ta chưa được mềm mại, hài hòa. Sau đó là môn hát, môn này đối với cô ta có vẻ khó khăn vì thính giác của cô ta rất tệ, nhưng ở lớp này tất cả các học viên đều hát chung cho nên Bí Ngô có thể che dấu yếu điểm của mình bằng cách há miệng rất to mà hát thì nho nhỏ.
Cứ cuối mỗi môn học là Bí Ngô giới thiệu tôi với giáo viên. Một giáo viên hỏi tôi:
– Cô ở cùng nhà dạy kỹ nữ với Bí Ngô phải không?
– Dạ phải, thưa bà, ở nhà dạy kỹ nữ Nitta – Nitta là họ của Bà Ngoại, của Mẹ và của Dì.
– Thế là cô ở cùng chỗ với cô Hatsumono rồi .
– Dạ thưa bà. Hiện giờ Hatsumono là geisha duy nhất trong nhà.
– Tôi sẽ ra sức dạy cho cô hát để cô cũng trở thành geisha như ai!
Nói xong cô giáo cười ha hả như thể là cô nói đùa, rồi cô ta ra dấu cho chúng tôi đi chỗ khác.