Đọc truyện Hỡi Người Tình – Chương 13
Nói chuyện điện thoại với Lâm xong, Hàn Đinh quyết định, trước khi tòa mở phiên xét xử, phải
bỏ ra hai, ba ngày đi một chuyến xuống Thiệu Hưng – địa danh nổi tiếng
vùng Giang Nam.
Anh đem quyết định này bàn bạc với La Tinh Tinh.
Nàng đương nhiên đồng ý và đòi được đi cùng. Mục đích chuyến đi Thiệu
Hưng của Hàn Đinh hoàn toàn vì công việc. Anh muốn làm rõ mối quan hệ
thực sự giữa Long Tiểu Vũ và Tứ Bình, đồng thời lấy chứng cứ thực địa.
Còn mục đích của La Tinh Tinh lại thiên về tình cảm. Hàn Đinh nhận ra,
nàng dường như đặc biệt quan tâm và mong muốn được khám phá vùng đất nơi Long Tiểu Vũ sinh ra và lớn lên.
La Tinh Tinh đi cùng Hàn Đinh
tới Thiệu Hưng với danh nghĩa là trợ lý của anh. La Tinh Tinh không hiểu gì về pháp luật, cử chỉ nói năng lại có phần trẻ con. Nên trước khi đi, Hàn Đinh buộc phải bổ túc cấp tốc cho nàng một số yếu lĩnh cơ bản trong giao tiếp của những nữ viên chức cổ cồn, chẳng hạn như chào hỏi ra sao, bắt tay thế nào, tạm biệt ra sao. Những việc này khác hẳn công việc
thường ngày của một người mẫu. Cả cách ăn mặc, trang điểm cũng khác. Hàn Đinh dặn đi dặn lại La Tinh Tinh rằng, dù nghe thấy, hay trông thấy bất cứ điều gì, nàng đều không được phép bật cười vui vẻ hay khóe mắt đỏ
hoe. Những người làm nghề luật sư không được thể hiện sự vui buồn ra
ngoài. Khi nói chuyện, không nên nhiều lời, bởi nói nhiều, rất dễ bị hớ. Lúc Hàn Đinh nói chuyện với người khác, chỉ cần nàng giả vờ ghi ghi
chép chép là được.
La Tinh Tinh đồng ý tất tật những yêu cầu của anh, miễn là được đi Thiệu Hưng.
Trời vừa hửng sáng, tàu hỏa đã tới Thiệu Hưng. Hàn Đinh tỉnh giấc từ trước
khi tàu vào địa phận Thiệu Hưng. Anh thấy La Tinh Tinh đang nhìn chăm
chăm ra ngoài cửa tàu. Hốc mắt nàng húp đỏ, chứng tỏ suốt đêm nàng không ngủ. Qua cửa sổ, Hàn Đinh thấy cánh đồng xanh bát ngát và những nhánh
sông chảy quanh co. Dọc tuyến đường con tàu vút qua, hình ảnh cánh đồng
và con sông hòa quyện, đan xen vào nhau mờ ảo, toát lên vẻ đẹp của miền
sông nước Giang Nam mà miền Bắc không thể có được. Cùng với tốc độ vun
vút của tàu, những nhánh sông hiện ra thoắt rộng như mặt hồ bao la,
thoắt hẹp như vòm cầu chỉ đủ cho một con thuyền đi qua. Chỗ ngoặt của
những nhánh sông thường có một hai chiếc thuyền mui đen chở đầy những
rau và hàng tạp hóa lắc lư chuyển động. Thi thoảng, bắt gặp một phụ nữ
trẻ ngồi trên thuyền, mắt đau đáu dõi theo con tàu đang dần khuất xa. La Tinh Tinh rất để ý đến những con thuyền mui đen. Người chèo thuyền đội
mũ dạ đen rất có thể đã làm nàng liên tưởng đến hình ảnh của Long Tiểu
Vũ khi xưa. Ba năm trước, Long Tiểu Vũ cũng đã lái một con thuyền xinh
xắn như thế, chở hành khách xuôi ngược trên những nhánh sông nhằng nhịt.
Lúc tàu vào đến khu trung tâm Thiệu Hưng, mặt trời vừa treo trên đỉnh mái
nhà. Hàn Đinh và La Tinh Tinh ra khỏi ga, vào một quầy bán quà sáng ngay trước cửa ga ăn sáng, và hỏi thăm nhân viên cửa hàng hướng đi về Đông
Phố. Mỗi người ăn một bát cơm nếp trộn thịt vịt kho, thịt lợn xông khói, cá muối và dưa muối khô. Uống một ấm trà Long Tỉnh đã loãng toèn vì pha nhiều lần. Ăn uống xong, hai người tới bến đò gần đó gọi một chiếc đò
vừa vặn ngang qua rồi xuôi xuống hạ lưu. Họ đi qua một nhánh nước kẹp
giữa hai dãy nhà tường vôi trắng ngói xanh đen, trông như hành lang phù
điêu lịch sử. Những ngôi nhà cổ dọc hai bên bờ toát lên vẻ thâm trầm,
điềm đạm của một vùng dân cư sông nước đã có hai ngàn năm trăm năm tuổi. Nhà nào nhà nấy đều có cửa trông ra sông. Từ những vuông cửa ấy, thi
thoảng vẳng ra tiếng va chạm của bát đĩa nồi niêu, xen lẫn tiếng nói
chuyện rầm rì mang đặc âm địa phương. Khu phố trên sông thấm đẫm bầu
không khí yên ả, bình dị. Hàn Đinh nghĩ thầm, đây chắc hẳn phải là nơi
làm cho con người sống lương thiện hơn, dịu dàng hơn, ít tranh giành đố
kỵ hơn.
Con thuyền đưa họ ra khỏi khu phố, men theo dãy làng mạc
mọc trên sông, đi tiếp về hướng mặt trời. Làng mạc được bao bọc bởi
những cánh đồng xanh ngút ngát. Hàn Đinh hỏi thăm người lái đò, biết đấy là những cánh đồng rau cải. Anh thầm xuýt xoa, vào mùa nở hoa, nơi đây
chắc sẽ miên man sắc vàng hoa cải. Phong cảnh mới rực rỡ, mê hồn làm
sao. Cánh đồng cải tuy rộng, nhưng bị chia cắt bởi những nhánh sông, chi chít cọc gỗ và lưới cá. Con thuyền nhẹ nhàng luồn lách dọc theo các
viền lưới. Chỗ mặt nước rộng, có thể trông thấy cây cầu vòm cổ kính uốn
cong như dải cầu vồng. Trên cầu không một bóng người. Trong không khí có chút hơi sương đang chuyển động. Trong hơi sương ngưng tụ hình bóng mơ
hồ của dãy núi phía chân trời. Hàn Đinh ngồi ở đầu thuyền ngắm nhìn xung quanh. Từng cảnh sắc lần lượt đập vào mắt anh, từ xa đến gần, giống như bức tranh thủy mặc cổ. Có lẽ, bởi được sống cuộc sống no đủ từ nhỏ, nên về cảm quan, Hàn Đinh không thể nào lý giải: Đã được sống trong cảnh
sơn thủy đẹp như tranh vẽ như thế, sao người ta lại muốn rời bỏ quê
hương đến nơi đất khách làm thuê?
Cảnh đẹp di động trong sương
bảng lảng không mang đến bất kỳ đề tài gì cho Hàn Đinh và La Tinh Tinh.
Cả hai lặng thinh không nói, lắng nghe tiếng mái chèo khua nước. Trong
cái lắc lư, chao đảo theo quy luật của thân thuyền, chẳng ai còn tâm trí thưởng ngoạn cảnh đẹp miền sông nước. Nhất là La Tinh Tinh. Qua đôi mắt ngậm sương của nàng, Hàn Đinh có thể đọc được, nàng đang nghĩ gì vào
lúc này.
Đây là quê của Long Tiểu Vũ.
Chẳng lẽ, nàng yêu hắn đến vậy sao?
Thuyền đến Đông Phố. Hai người trả tiền, rồi lên bờ. Do ngồi thuyền lâu, nên
sau khi lên bờ, chân vẫn lâng lâng. Hai người bước thấp bước cao trên
con đường lát đá xanh không rõ có tự bao giờ. Bỏ lại dòng nước vẫn miết
mải trôi. Đi vào trong phố. Hàn Đinh hỏi đường bằng tiếng phổ thông rất
chuẩn. Chẳng mấy chốc, hai người đã tìm đến nhà máy rượu Bách Niên Hồng.
Nhà máy này lớn hơn nhiều so với tưởng tượng ban đầu của Hàn Đinh. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt anh và La Tinh Tinh là bãi tập kết hàng. Trên mặt
sân to phải bằng nửa sân bóng đá chất đầy những hũ rượu màu trắng đã
được nút kín bằng đất sét. Những chiếc vại to dùng để cất rượu xếp hàng
ngay ngắn. Xung quanh sân là những phân xưởng làm rượu được lắp ghép
tuềnh toàng. Chỉ duy nhất ở mé tây bắc của sân, là có vài gian nhà mái
bằng thấp tè – trông có vẻ là văn phòng – chen chúc nhau.
Trong
mấy gian nhà thấp tè ấy, hai người tìm được một người đàn ông tự xưng là Giám đốc nhà máy rượu. Hàn Đinh giới thiệu với ông ta chức phận luật sư của mình, và mục đích đến đây là muốn tìm hiểu về biểu hiện của Long
Tiểu Vũ trong thời gian làm việc ở nhà máy. Vị giám đốc xởi lởi tiếp
đón. Pha trà mời Hàn Đinh và La Tinh Tinh xong, ông ta bắt đầu oang
oang:
– Long Tiểu Vũ hả? Phải rồi. Cậu ta từng làm việc ở chỗ
tôi. Hạnh kiểm tốt. Làm việc siêng năng, lại rất thật thà… Sao thế?
Cậu ấy đã xảy ra chuyện gì à?
Hàn Đinh không giới thiệu tường tận về vụ án của Long Tiểu Vũ, mà chỉ nói chung chung:
– Có một vụ án, bên công an nghi ngờ anh ấy. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem
bình thường anh ấy là người như thế nào. Trước đây, anh ấy yêu một cô
gái từng làm việc ở chỗ ông tên là Tứ Bình, phải không ạ?
Hàn Đinh nhân tiện hướng câu chuyện về đề tài anh quan tâm. Vị giám đốc trả lời rất tự nhiên:
– Có. Có chuyện ấy. Cô ta là Chúc Tứ Bình. Chúc Tứ Bình theo đuổi cậu ấy.
Hàn Đinh viết ngay câu “Chúc Tứ Bình theo đuổi Long Tiểu Vũ” vào cuốn sổ ghi chép, rồi lại hỏi:
– Thế còn anh ấy với Tứ Bình? Tình cảm của anh ấy với Tứ Bình thế nào ạ?
– Cũng được. Long Tiểu Vũ là người rất nghĩa khí. Người trong nhà máy đều biết cả. Ai tốt với cậu ấy một, thì cậu ấy tốt lại mười. Cậu ấy rất
trọng tình cảm. Cậu ấy quê Thạch Kiều. Gia đình chẳng còn ai. Lúc mới
vào nhà máy, cậu ấy ở trong kho. Coi như, buổi tối trông kho giúp nhà
máy luôn. Hồi ấy, Tứ Bình thích cậu ấy, rất quan tâm, chăm sóc, ngày nào cũng nấu nướng rồi mang đến cho cậu ấy. Phải hôm trời lạnh, cô ấy còn
vác chăn bông đến. Dịp Tết thì đón cậu ấy về nhà ăn Tết cùng. Công bằng
mà nói, cô Tứ Bình ấy cũng xinh xắn. Mỗi tội, cục tính. Cô ấy cãi cọ với rất nhiều người trong nhà máy. Trước đây, ở nhà máy cũng có vài cậu
theo đuổi, nhưng cô ấy cứ tỉnh bơ như không.
– Thế tại sao cô ấy lại thích Long Tiểu Vũ? Cô ấy thích Long Tiểu Vũ ở điểm gì ạ?
– Vì cậu ấy là người tốt tính. Tứ Bình tính nóng, nên phải tìm một người
bao dung, độ lượng. Với lại, cái cậu Long Tiểu Vũ trông cũng đẹp trai,
phong độ. Đàn ông đẹp trai, phong độ, cô nào chẳng thích.
– Ý ông có phải là, Tứ Bình rất tốt với Long Tiểu Vũ, Long Tiểu Vũ cũng tốt với Tứ Bình. Họ là một cặp rất đẹp đôi. Có phải thế không ạ?
Vị giám đốc do dự giây lát, rồi nói:
– Thực sự là Tứ Bình rất mê Long Tiểu Vũ. Long Tiểu Vũ cũng tốt với Tứ
Bình. Mẹ Tứ Bình bị bệnh phong thấp, suốt ngày nằm trên giường. Bố cô ấy đi làm thuê bên ngoài. Sau này, Tứ Bình cũng bỏ quê đi làm thuê. Mẹ cô
ấy đều do một tay Long Tiểu Vũ chăm sóc. Cậu ấy cơm nước mẹ Tứ Bình, còn cõng bà ấy đi khám bệnh. Những chuyện ấy, chúng tôi đều tận mắt trông
thấy cả. Mẹ Tứ Bình cũng coi Long Tiểu Vũ như con đẻ. Thế nhưng, chúng
tôi vẫn cứ cảm thấy, Tiểu Vũ và Tứ Bình không đẹp đôi cho lắm. Tứ Bình
là một cô gái nóng nảy, cục cằn. Long Tiểu Vũ mà sống với cô ấy, thể nào cũng phải nín nhịn. Năm ngoái, nghe nói Tứ Bình xảy ra chuyện. Tôi
đoán, chắc cũng tại tính khí của cô ấy. Tính khí thế, cô ấy ở quê còn
được. Vì mọi người dù sao cũng là hàng xóm láng giềng với nhau, dễ bỏ
qua. Chứ còn một khi đã tới nơi khác, nhất là lại gặp người phương Bắc,
người ta không cần biết anh là ai. Nói năng cáu tiết một tí là động đến
dao rựa. Người phương Bắc thô thiển, cục cằn lắm. Ấy chết, không phải
tôi nói người Bắc Kinh các anh đâu nhá. Người Bắc Kinh các anh không thô thiển. Người Thủ đô mà lại. Tôi biết, người Bắc Kinh rất văn minh, lịch sự.
Hàn Đinh viết trong cuốn sổ ghi chép: “Vũ, Bình không đẹp đôi. Tứ Bình tính xấu”, rồi lại ngước đầu, hỏi:
– Long Tiểu Vũ thôi làm ở nhà máy từ khi nào ạ?
– Năm kia. Khoảng đầu năm kia. Tôi nhớ khi ấy đương là lúc ép bã rượu. Độ vừa ăn Tết xong.
– Anh ấy ra đi như thế nào ạ?
– Cậu ấy bị đuổi việc.
Thực ra, qua lời kể của Long Tiểu Vũ, Hàn Đinh đã biết đại khái quá trình
Long Tiểu Vũ thôi làm việc ở nhà máy rượu Bách Niên Hồng, nhưng để xác
minh lại, anh vẫn cứ hỏi tiếp:
– Sao nhà máy lại đuổi việc anh ấy ạ?
– Vì tội ăn trộm.
– Vừa nãy, ông bảo Long Tiểu Vũ là người thật thà, độ lượng cơ mà. Sao bây giờ lại thành kẻ trộm?
Vị giám đốc xua tay, đầy cảm khái:
– Ôi dào, chuyện này nói ra dài dòng lắm. Hồi đầu năm kia, nhà máy chúng
tôi đặt mua một hộp vàng lá 18K để khắc chữ Bách Niên Hồng trang trí hộp rượu tặng phẩm cao cấp. Loại rượu tặng phẩm ấy là sản phẩm mới của nhà
máy chúng tôi, được đóng gói rất đẹp. Trong mỗi hộp rượu tặng phẩm đựng
hai hũ Bách Niên Hồng xinh xắn, giá thành cũng chỉ độ hai mươi tệ. Nhưng giá bán trên thị trường là một trăm tám mươi tệ, chính là nhờ vào mảnh
vàng lá ấy. Mảnh vàng lá giá cũng chỉ năm mươi tệ. Hôm mua hộp vàng lá
về, chúng tôi nhập ngay vào kho, định ngày hôm sau mang ra ngoài khắc
chữ. Nhưng hôm sau, khi người phụ trách việc này đến kho lĩnh hàng thì
phát hiện hộp vàng lá đã không cánh mà bay. Chúng tôi bèn quyết định
kiểm kê toàn bộ kho. Kết quả, phát hiện còn thiếu nhiều thứ nữa. Số liệu trên sổ sách và thực tế không khớp. Rõ ràng là trộm trong nhà. Chúng
tôi bèn điều tra nội bộ, điều tra mãi, cuối cùng tìm ra một kẻ khả
nghi…
La Tinh Tinh từ nãy vẫn giả vờ ghi ghi chép chép, nghe vị giám đốc nói đến đó, nàng bất giác dừng bút, buột miệng hỏi:
– Là Long Tiểu Vũ ạ?
Vị giám đốc yên lặng giây lát, rồi mới thong thả đáp:
– Chúc Tứ Bình.
Rõ ràng, Long Tiểu Vũ chưa từng kể cho La Tinh Tinh về quá khứ này. Nét
mặt nàng lộ vẻ kinh ngạc. Nhưng Hàn Đinh đã biết về “vụ án oan” ấy, nên
anh không hề biến đổi sắc mặt, tiếp tục hỏi:
– Tứ Bình đã trộm những gì của nhà máy ạ?
– Ôi dào, một đứa con gái có thể trộm được những thứ gì cho ra hồn. Toàn
những thứ kiểu cây kim sợi chỉ ấy mà. Rõ là đứa trộm vặt điển hình. Chả
là hồi ấy, Long Tiểu Vũ ở trong nhà kho mà. Ngày nào Tứ Bình cũng đến
thăm cậu ấy. Khi về, kiểu gì cô ta cũng tiện tay nhón thứ này thứ kia,
lúc thì thỏi pin, khi thì bóng đèn, có lúc là cuộn dây. Toàn những thứ
nhét được vào bụng, khó bị phát hiện ấy mà. Tôi đoán, lúc đầu, cô ta
chắc cũng chỉ giở trò khôn vặt thôi. Nhưng sau, trộm nhiều thành quen.
Hôm nào không lấy được thứ gì, là ngứa ngáy chân tay. Hồi ấy, tôi vẫn
còn chưa làm giám đốc nhà máy, mà là con trai ông chủ chúng tôi. Anh ta
quản lý tùm lum tùm beng. Mua hàng, nhập hàng vô tội vạ. Chưa nói đến
công cụ, nguyên liệu làm rượu. Chỉ riêng mấy đồ văn phòng phẩm, cũng đã
tồn đầy trong kho. Về nguyên tắc, không ai được ở trong kho hàng. Nhưng
vì khi ấy, Long Tiểu Vũ chẳng có chỗ nào trú chân, nên nhà máy để cậu ấy ở luôn trong kho. Khi ấy, lãnh đạo nhà máy còn tưởng bở, vì tự dưng
được không một anh bảo vệ trông kho vào ban đêm. Trước đây, vì không có
người trông nom, nên từng xảy ra chuyện kẻ trộm cậy cửa mò vào kho. Nào
ngờ, trộm ngoài dễ ngăn, trộm nhà khó phòng. Hồi ấy, tối nào Tứ Bình
cũng tới kho chơi với Long Tiểu Vũ. Mọi người biết cả, nhưng chẳng ai
quan tâm, coi đấy là chuyện bình thường.
Chuyện sau này thế nào,
Hàn Đinh chẳng cần hỏi cũng biết. Thấy nhà máy kiểm kê kho, Tứ Bình
hoảng quá, tìm Long Tiểu Vũ thương lượng. Cô ta biết, những người có thể ra vào kho chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phạm vi đối tượng tình nghi rất
hẹp. Chỉ cần hơi để ý phân tích một chút là có thể lần ra cô ta ngay.
Long Tiểu Vũ kể với Hàn Đinh rằng, lần đầu tiên anh ta thất vọng về Tứ Bình
là một buổi tối cô ta đột nhiên nói với anh ta rằng, cô ta đã cầm một số thứ của nhà máy. Phải. Dù rằng khi nói ra chuyện này, Tứ Bình cố ý nói
nhẹ đi. Dù rằng, cô ta né tránh ngay cả từ “trộm”, mà dùng một từ trung
tính là “cầm”, nhưng Long Tiểu Vũ vẫn cảm thấy sửng sốt và rất khó xử.
Lúc đầu, Tứ Bình hỏi Long Tiểu Vũ có biết chuyện có người đã cầm một số
đồ trong kho và nhà máy đang điều tra vụ việc này hay không? Long Tiểu
Vũ trả lời là biết. Anh nói:
– Chiếc hộp đựng vàng lá bỗng dưng biến mất. Hôm nay, công an cũng đến điều tra.
Tứ Bình nói:
– Anh là người trông kho. Vậy công an có hỏi chuyện anh không?
– Vẫn chưa thấy gì. Chuyện này, một khi công an đã điều tra là hai năm rõ mười ngay. Chiếc hộp vàng lá cũng phải đáng giá hàng vạn tệ ấy chứ.
Công an mà tìm ra, thủ phạm dễ phải ngồi tù như chơi.
– Lỡ người ta tìm ra em thì sao?
Long Tiểu Vũ vẫn chưa hiểu ý tứ của Tứ Bình, hỏi:
– Em hỏi thế là sao?
– Lỡ họ tìm ra em là người đã cầm đồ của nhà máy, thì sao?
Long Tiểu Vũ tưởng Tứ Bình đang đùa, bèn nói:
– Nếu người ta tìm ra em, anh sẽ ngày ngày mang cơm đến nhà tù cho em.
Giống như bây giờ, hàng ngày em vẫn mang cơm đến cho anh ấy. Thế được
không?
Lúc này, Tứ Bình òa khóc.
Cô ta vừa khóc, vừa nói:
– Chính em đã cầm. Em muốn dành dụm ít tiền mua nhà cho anh, cho hai đứa
mình. Anh biết đấy, nhà em bây giờ chỉ có mỗi hai gian phòng chật chội.
Vả lại, em cũng không muốn để anh sống tạm bợ mãi ở đây.
Lúc kể
với Hàn Đinh chuyện này, Long Tiểu Vũ thừa nhận, có thể vì trong suy
nghĩ của người Trung Quốc, cái lợi chung không thể thắng được cái lợi
riêng, nên mặc dù rất sửng sốt trước hành vi ăn trộm của Tứ Bình, nhưng
sau khi nghe lời giải thích của Tứ Bình, Long Tiểu Vũ không nỡ ghét bỏ
cô ta. Rốt cuộc, cô ta cũng chỉ vì muốn anh có một cuộc sống dễ chịu
hơn, vì yêu anh nên cô mới phải ăn trộm. Dẫu thế, nhưng Long Tiểu Vũ vẫn rất tức giận. Anh nói với Tứ Bình rằng, anh ghét nhất thói trộm cắp. Từ nhỏ, bố anh đã dạy anh, rằng giấy rách phải giữ lấy lề, đói cho sạch,
rách cho thơm! Long Tiểu Vũ mắng Tứ Bình té tát. Nhưng trong lòng, anh
không hề ghét bỏ cô. Trong thâm tâm, anh biết, giấy rách thì lề sẽ tan,
đói sẽ ăn vụng, túng sẽ làm càn. Lúc khó khăn, người ta rất khó có thể
giữ mãi lòng tự tôn. Mà kể cả khi anh cần đến lòng tự tôn, người khác
cũng chẳng đối xử với anh một cách tôn trọng!
Tứ Bình bộc bạch
với Long Tiểu Vũ chuyện này là có mục đích của cô ta. Lúc đầu, cô ta
khóc lóc thảm thiết, nhưng vừa mới lau nước mắt, câu đầu tiên của cô ta
là:
– Anh có muốn giúp em không?
Long Tiểu Vũ vẫn chưa hết bực tức, dằn dỗi:
– Anh chịu thôi!
Tứ Bình bèn bù lu bù loa:
– Anh thật quá đáng. Lúc khó khăn, anh chỉ biết bo bo cho bản thân. Coi
như tôi có mắt như mù. Tôi với anh một lòng một dạ như thế. Vậy mà, anh
thật là đồ tệ bạc!
Long Tiểu Vũ lặng thinh. Sự im lặng của anh
đồng nghĩa với việc chấp nhận yêu cầu của Tứ Bình. Anh chịu ơn cô ta,
nhưng chưa có dịp đền đáp. Bây giờ là lúc Tứ Bình đòi anh phải đền đáp.
Thấy anh mềm lòng, Tứ Bình liền đổi giọng:
– Nếu tôi bị công an
bắt, anh cũng sẽ chẳng yên thân đâu. Anh là kẻ trông kho. Tôi với anh
lại có quan hệ với nhau như thế. Công an chắc chắn sẽ cho là anh đồng
lõa với tôi. Chỉ cần tôi đổ tội cho anh, người ta sẽ tin ngay!
Long Tiểu Vũ đờ đẫn.
Tứ Bình nói đúng. Chuyện này, chỉ cần cô ta cứ khăng khăng đổ tội cho Long Tiểu Vũ, kiểu gì anh cũng bị liên đới. Anh đành ngoan ngoãn chui đầu
vào bẫy. Vẫn biết đây rõ ràng là cái bẫy, nhưng nếu không chui vào, cũng chẳng còn cách nào khác. Huống hồ, đây là một cái bẫy dịu dàng… Long
Tiểu Vũ nói:
– Thế theo em, anh phải giúp em bằng cách nào?
Kế hoạch do Tứ Bình nêu ra làm Long Tiểu Vũ giật bắn mình. Nó chính là
điều cô ta đã nói ra lời. Cô ta muốn đổ vấy chuyện này cho Long Tiểu Vũ! Nói chính xác là cô ta muốn Long Tiểu Vũ chủ động gánh vác chuyện này,
thừa nhận với nhà máy rằng chuyện này do anh làm, sau đó, trả lại toàn
bộ số vàng lá cho nhà máy. Như thế, nhà máy chắc cũng sẽ không yêu cầu
bên công an xử lý anh, mà cùng lắm chỉ đuổi việc anh.
Vì chuyện
này, hai người đã bàn bạc, tranh cãi với nhau suốt đêm. Đến gần sáng,
Long Tiểu Vũ cuối cùng cũng đã đồng ý nhận tội thay cho Tứ Bình. Vì sao? Vì Tứ Bình luôn rất tốt với anh. Anh phải làm theo lời Tứ Bình. Trong
lúc khó khăn, anh cần phải đứng ra gánh vác với trách nhiệm của một
người đàn ông. Còn bởi vì, người chỉ có trình độ văn hóa cấp hai như Tứ
Bình mà tìm được công việc ngồi văn phòng tại một nhà máy làm ăn khấm
khá, lương cao như ở Bách Niên Hồng là điều quá khó. Trong khi Long Tiểu Vũ, dù sao cũng đã từng là một sinh viên, ngoại hình điển trai, khỏe
mạnh, sẽ không khó khăn gì để tìm được một công việc tốt hơn. Còn bởi
vì, một khi Tứ Bình mất việc, lấy ai chăm sóc mẹ cô ấy? Mẹ cô ấy ốm nằm
liệt giường, liệu có chịu nổi cú sốc này không? Còn bởi vì cá tính của
Long Tiểu Vũ. Từ nhỏ, anh đã theo gánh kịch của bố phiêu bạt vô định. Từ nhỏ, anh đã được chứng kiến, ai tốt với bố anh, bố anh sẽ biết ơn người ấy và muốn làm một điều gì đó để báo đáp người ta. Anh từng nói, bố anh đã dạy anh như thế.
Trước khi trời sáng, Long Tiểu Vũ cùng với
Tứ Bình âm thầm rời khỏi nhà máy rượu Bách Niên Hồng. Hai người tới nhà
Tứ Bình, lấy hộp vàng lá lóng lánh, rồi chia tay, ai đi đường nấy. Tứ
Bình vẫn như thường lệ, có mặt đúng giờ tại văn phòng tổ sản xuất làm
việc như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, cô ta còn thể hiện sự
nhẹ nhõm, vui vẻ hơn cả ngày thường, chủ động bắt chuyện với đồng
nghiệp, chê bai bộ phim truyền hình chiếu trên tivi tối qua. Trong khi
ấy, Long Tiểu Vũ đang cầm theo hộp vàng lá, gõ cửa phòng giám đốc.
Câu chuyện kết thúc gần giống với tính toán của Tứ Bình. Theo tính toán của cô ta, chỉ cần trả lại nguyên vẹn chiếc hộp vàng lá, nhà máy sẽ không
muốn dây dưa khó dễ cho thủ phạm. Bởi thói thường, người kinh doanh
chẳng ai muốn đắc tội với người khác, tự tạo cho mình một khổ chủ, để
rồi sau này không biết chừng người đó sẽ quay lại báo thù. Tứ Bình còn
tính rằng, từ khi vào nhà máy, Long Tiểu Vũ luôn làm việc rất chăm chỉ,
tôn trọng người khác, ít bàn ra tán vào, nhiều người có thiện cảm, nên
chắc nhà máy cũng không nỡ cạn tàu ráo máng. Quả nhiên, thấy Long Tiểu
Vũ sớm hối cải, tự ra đầu thú, nhà máy cũng không muốn làm to chuyện,
bèn đánh tiếng với công an phường, cố ý nói nhẹ chuyện này đi. Bên công
an cũng đồng ý để nhà máy xử lý nội bộ. Cách xử lý nội bộ của nhà máy là đuổi việc Long Tiểu Vũ, đồng thời cam kết không rêu rao tiếng xấu của
anh ra ngoài.
Long Tiểu Vũ đã phải cuốn gói khỏi Bách Niên Hồng
như thế. Đấy là chuyện của hai năm về trước. Nếu như không có chuyện
này, nếu anh ta cứ yên ổn ở lại nhà máy rượu Bách Niên Hồng, thì với đức tính chăm chỉ và trình độ văn hóa của mình, không biết chừng, bây giờ
anh ta đã được cất nhắc vào một chức quản lý nho nhỏ nào đó trong Bách
Niên Hồng. Có thể lắm chứ. Đương nhiên, đây chỉ là thứ suy luận tầm
phào.
Long Tiểu Vũ ra đi. Đúng như Tứ Bình dự đoán, chẳng mấy
chốc, anh đã tìm được việc làm. Nhưng khác với suy tính của cô ta, công
việc mới của Long Tiểu Vũ không hề tốt hơn công việc ở nhà máy rượu.
Long Tiểu Vũ xin vào đoàn kịch Bách Hoa Thiệu của Thiệu Hưng. Đoàn kịch
này của Sở Văn hóa. Long Tiểu Vũ quen một diễn viên đóng kép trong đoàn
kịch là ông Lý. Ông Lý là bạn thân của bố anh. Một lần, hai người tình
cờ gặp nhau ngoài phố. Hỏi chuyện, biết Long Tiểu Vũ chưa có việc làm,
ông Lý bèn giới thệu anh vào đoàn kịch Bách Hoa Thiệu làm chân tạp vụ,
đại loại như vận chuyển đạo cụ, phục trang, trang trí sân khấu… Từ
nhỏ, Long Tiểu Vũ lớn lên trong gánh kịch, nên rất thông thạo những việc này. Có điều, thu nhập rất ít, chỉ bằng hai phần ba mức lương ở Bách
Niên Hồng.
Toàn bộ quá trình liên quan đến vụ vàng lá, Hàn Đinh
biết đại thể như vậy. Lời kể của Long Tiểu Vũ và vị giám đốc nhà máy
rượu Bách Niên Hồng không khác nhau là mấy. Vị giám đốc đương nhiên
không biết chuyện Long Tiểu Vũ và Chúc Tứ Bình bí mật bàn bạc với nhau.
Nhưng Long Tiểu Vũ cũng không hề biết nhận xét, đánh giá của vị giám đốc về vụ việc này. Thực ra, người trong nhà máy đều biết việc này là trách nhiệm của Tứ Bình. Kể cả khi vàng lá có bị Long Tiểu Vũ ăn trộm thật
chăng nữa, thì Tứ Bình chắc chắn là kẻ chủ mưu. Chính cô ta đã xúi giục, ép buộc hoặc dụ dỗ Long Tiểu Vũ. Chứ bình thường, một người tốt như
Long Tiểu Vũ không thể làm những chuyện xấu xa như thế! Nhiều nhân viên
của nhà máy cũng cho là như vậy. Mọi người đồn ầm lên. Người lúc đầu
không tin về sau cũng tin. Kể cả suy luận trên là sai, nhưng qua lời đồn đại, nó đã thành sự thật. Mọi người nhìn Tứ Bình với ánh mắt có phần
tránh né, khinh bỉ. Tứ Bình vừa quay người đi là y rằng nghe thấy tiếng
thì thầm nhỏ to sau lưng. Làm việc trong môi trường như thế, liệu Tứ
Bình có thể trụ lại lâu dài ở Bách Niên Hồng không? Cô ta là gái chưa
chồng. Gì thì gì cũng cần phải có sĩ diện. Chẳng bao lâu sau khi Long
Tiểu Vũ ra đi, Tứ Bình cũng tự động xin nghỉ việc.
Long Tiểu Vũ
không rõ lắm nguyên nhân Tứ Bình xin nghỉ việc. Sau khi rời khỏi nhà máy rượu, anh chẳng khi nào quay lại đó nữa. Anh chỉ biết rằng, Tứ Bình
không làm ở Bách Niên Hồng nữa là vì muốn tới Bình Lĩnh. Cô ta quen một
người tên là Trương Hùng. Mấy năm trước, anh ta dẫn một nhóm người tới
Bình Lĩnh nhận thầu công trình, nên rất thông thạo ở đó. Trương Hùng
từng nhờ người nhắn Tứ Bình tới Bình Lĩnh. Từ lâu, Tứ Bình đã nghe người ta kháo nhau, ở Bình Lĩnh rất dễ kiếm tiền.
Long Tiểu Vũ nói với Hàn Đinh rằng, khi ấy, anh ta phản đối Tứ Bình tới Bình Lĩnh làm thuê.
Nhưng vì ở Thiệu Hưng, cô ta không tìm được việc. Nếu cứ quanh quẩn ở
nhà, không đi kiếm tiền cũng không ổn. Long Tiểu Vũ bảo, Tứ Bình rất có
chính kiến. Hồi nhỏ, cô bị bố đánh mắng ghê lắm. Bố cô hễ tức lên là
đánh, vớ được cái gì cũng nện, bất kể vật đó nặng hay nhẹ. Còn mẹ cô lại nuông chiều con gái thái quá. Lúc nào bà cũng nơm nớp, sợ con gái giận
dỗi, không vui, nên cáng đáng mọi việc. Cách dạy dỗ cực đoan của bố mẹ
khiến Tứ Bình trở thành cô gái nóng nảy, cục cằn, luôn có tư tưởng chống đối. Nếu ai đó bảo cô ta làm việc gì, cô ta nhất quyết không làm. Còn
nếu phản đối cô ta làm việc gì, thì cô ta nhất quyết phải làm cho bằng
được. Đến ngay cả chuyện riêng tư giữa cô ta với Long Tiểu Vũ cũng vậy.
Có lúc Long Tiểu Vũ mệt mỏi, chẳng hứng thú với chuyện ấy, nhưng cô ta
vẫn bắt ép anh phải làm cho bằng được. Ngược lại, có hôm Long Tiểu Vũ
chủ động muốn làm chuyện ấy, cô ta lại dằn dỗi, vùng vằng không chịu, dù rằng lúc đầu cô ta cũng rất muốn chuyện ấy. Long Tiểu Vũ luôn phải
nhường nhịn Tứ Bình. Việc duy nhất anh không chiều theo ý cô ta là từ
chối tặng cô ta chiếc vòng tay ngọc trai. Tứ Bình rất thích chiếc vòng
ngọc trai. Cô ta đeo thử vào tay ngắm nghía rồi không muốn tháo ra. Cô
ta bảo, Đây là đồ con gái, anh để em đeo cho. Nhưng Long Tiểu Vũ không
chịu. Anh bảo, chiếc vòng này là của mẹ anh để lại cho bố anh, bố anh để nó cho anh. Đợi khi nào anh chết, anh sẽ để nó lại cho em. Vì chuyện
này mà Tứ Bình không thèm bắt chuyện với Long Tiểu Vũ hai ngày liền. Bởi vậy, Long Tiểu Vũ có cảm giác rằng, Tứ Bình khi ấy sở dĩ cương quyết
đến Bình Lĩnh như vậy, rất có thể là do anh đã phản đối. Thế nên, cô ta
nhất quyết phải đi cho bằng được.
Sau khi bị nhà máy rượu Bách
Niên Hồng đuổi việc, Long Tiểu Vũ chuyển đến ở nhà Tứ Bình. Gia đình Tứ
Bình sống ở một ngôi nhà cũ kỹ ven sông. Nơi anh và Tứ Bình ở là một
gian gác xép rộng chừng mười mét vuông được ghép bằng gỗ. Dù ẩm ướt,
chật chội, ván gỗ đen đúa vì mốc, chuột bọ hoành hành như chỗ không
người, nhưng căn phòng nhỏ bé ấy vẫn mang đến cho Long Tiểu Vũ cảm giác
hạnh phúc, thỏa mãn chưa từng có. Bởi rốt cuộc, kể từ khi có trí nhớ đến nay, đây là nơi ở đầu tiên anh thấy nó thuộc về mình, một căn phòng có
thể được gọi là “nhà”. Hồi nhỏ, anh theo gánh kịch của bố phiêu bạt khắp nơi. Toàn ở trong sân khấu lợp tạm hay những ngôi miếu hoang. Học đại
học, anh ở ký túc xá. Nghe thì hách, nhưng chẳng qua chỉ là một chỗ nằm
chật hẹp trong khoang tàu chen chúc. Sau khi bỏ học, anh ở trên thuyền.
Chiếc thuyền mui đen thuê lại không chỉ là công cụ mưu sinh, mà còn là
nơi ở của anh. Sau đấy, anh lại ở trong kho hàng của Bách Niên Hồng…
Bởi thế, ngôi nhà của gia đình Tứ Bình mặc dù hơi cũ nát, xập xệ một
chút, còn có cả mùi ẩm mốc, nhưng nó lần đầu tiên cho Long Tiểu Vũ cảm
giác an cư. Long Tiểu Vũ nhanh chóng trở thành một thành viên không thể
thiếu trong gia đình Tứ Bình.
Hồi ấy, bố Tứ Bình tới Quảng Châu
làm thuê, xa nhà rất lâu. Sau một thời gian uống thuốc bắc, bệnh phong
thấp của mẹ Tứ Bình thuyên giảm đáng kể. Bà đã có thể xuống giường, đi
lại, làm mấy việc vặt trong nhà, nhưng vẫn chưa thể đi chợ, nấu nướng.
Sau khi Tứ Bình tới Bình Lĩnh, việc hầu hạ, chăm sóc mẹ cô dồn hết lên
vai Long Tiểu Vũ.
Theo sự nhìn nhận của Hàn Đinh, trước khi Long
Tiểu Vũ theo Tứ Bình tới Bình Lĩnh làm thuê, mối quan hệ giữa Long Tiểu
Vũ và Tứ Bình còn được phản ánh rất nhiều qua mối quan hệ giữa anh ta
với mẹ Tứ Bình. Xét về thời gian, Long Tiểu Vũ ở nhà Tứ Bình độ nửa năm. Anh ta chăm sóc sinh hoạt thường nhật cho mẹ Tứ Bình, đưa bà đi khám,
bốc thuốc, gắn bó thân thiết như hai mẹ con. Mãi đến khi bố Tứ Bình từ
Quảng Đông trở về, anh ta mới rời nhà Tứ Bình tới Bình Lĩnh. Bởi vậy,
Hàn Đinh nghĩ, đã mất công đến Thiệu Hưng, kiểu gì cũng nên ghé qua nhà
Tứ Bình một chuyến, gặp gỡ bố mẹ cô, nghe nhận xét, đánh giá của họ về
Long Tiểu Vũ. Khi xem hồ sơ nhân chứng vụ án Long Tiểu Vũ, Hàn Đinh đã
ghi lại địa chỉ nhà Tứ Bình. Vị giám đốc nhà máy rượu Bách Niên Hồng sốt sắng chỉ đường cho Hàn Đinh. Rời khỏi nhà máy rượu, Hàn Đinh và La Tinh Tinh ngược sông, đi về hướng nhà Tứ Bình.