Đọc truyện Hội Chợ Phù Hoa – Chương 53
GIẢI THOÁT VÀ TAI HỌA.
Thế là ông bạn Rawdon của chúng ta ngồi xe ngựa về thẳng tòa nhà của ông Moss ở phố Cursitor; anh chàng bị mời ở lại chơi tại một nơi không lấy gì làm lịch sự lắp. Trời đã tang tảng sáng lúc chiếc xe ngựa lăn bánh kêu lọc cọc về đến cửa. Một thằng bé Do thái mắt toét, tóc đỏ quạnh như râu ngô dẫn mọi người vào trong nhà. Ông Moss, người bạn đồng hành đồng thời là ông chủ nhà mời Rawdon ngồi chơi ở tầng dưới, đoạn hỏi anh ta có muốn uống chút gì cho ấm bụng không. Những kẻ khác phải rời bỏ toà nhà đồ sộ và cô vợ xinh xắn của mình để đến nằm tại nhà giam như thế này, đố sao tránh khỏi sầu não, nhưng viên trung tá thì cứ điềm nhiên như thường vì hình như anh ta đã có dịp làm khách quý của ông Moss một đôi lần rồi thì phải. Trong những chương trên, chúng tôi thấy cũng không cần phải nói tới những chuyện vặt ấy, nhưng xin các bạn cứ yên trí rằng cuộc đời mỗi người sống không đồng xu lợi tức nào nhất định phải gặp những chuyện tương tự.
Lần đầu tiên được làm quen với ông Moss, viên trung tá còn chưa vợ; bà cô rộng rãi đã cứu anh ta ra khỏi nhà giam. Lần thứ hai, thì Becky đã vận dụng tài ngoại giao khôn khéo vay được của bá tước Southdown một món tiền, rồi tán tỉnh lão chủ nợ của chồng (tức là người đã bán chịu cho anh ta khăn san, áo nhung, khăn tay rua, đồ trang sức v.v… ) khiến lão này bằng lòng nhận tạm một phần tiền, còn phần nữa Rawdon làm văn tự xin khất. Cả hai lần, Crawley được đối đãi tử tế lúc bị bắt cũng như lúc được thả về, cho nên Moss với anh ta, hai bên trông thấy nhau vẫn vui vẻ lắm.
Ông Moss nói:
– Trung tá sẽ ngủ trong căn phòng ngày trước, mọi sự sẽ xin chu đáo. Chỗ ấy thoáng sạch lắm, chỉ toàn những người lịch sự đến ở. Đêm hôm kia, ngài đại uý Famish thuộc trung đoàn Ngự lâm thứ năm mươi cũng ngủ ở đây. Bà nhân tình bắt ông ta nằm đây đúng nửa tháng mới đến chuộc, bảo rằng muốn trừng trị ông ta cho bớt thói chơi bời. Nhưng mà lạy chúa, chính ông ta đã trừng trị kho rượu sâm-banh của tôi mới chết chứ; đêm nào cũng tụ họp chè chén thoả thích với những ông bạn từ khu West End đến thăm… đại uý Ragg này, Deuceace tiên sinh này, cả mấy ông tướng khác nữa, tay nào cũng trạng rượu cả. Hiện giờ tôi đang có một vị khách quý trên gác, là một vị tiến sĩ khoa thần học; còn năm vị khác thì đang trong nhòng điểm tâm. Bà Moss nhà tôi vẫn thết cơm khách vào hồi năm giờ rưỡi như mọi khi, sau đó có đánh bài, hoặc nghe chút ít âm nhạc. Chúng tôi rất hận hạnh được trung tá xuống tham dự.
Rawdon đáp:
– Cần gì tôi sẽ rung chuông gọi.
Đoạn anh ta thản nhiên đi về phòng ngủ của mình. Chúng ta đã biết Rawdon là một quân nhân lão luyện; những chuyện bực mình lặt vặt ấy không đáng kể. Phải tay non ắt viết ngay thư gửi về cho vợ rồi, nhưng Rawdon nghĩ: “Phá mất giấc ngủ ngon của Beccky làm quái gì vô ích. Becky có bao giờ cần biết mình đi vắng hay ngủ ở nhà đâu. Cứ chờ cô ấy ngủ dậy, rồi viết thư gửi về cũng không muộn; bây giờ hãy đánh một giấc cái đã. Chỉ có một trăm bảy mươi đồng, xoay sở đâu chẳng ra mà lo”. Lúc ngả lưng xuống chiếc giường của đại uý Famish, anh ta nhớ đến con trai rồi thiếp đi, (hẳn thằng bé không ngờ bố nó lại ngủ ở một nơi kỳ quái thế này).
Mười giờ trưa Rawdon tỉnh dậy. Thằng bé tóc đỏ mang lên cho anh ta một bộ đồ cạo mặt bằng bạc. Ngôi nhà của ông Moss tuy hơi bẩn nhưng cũng khá lịch sự. Trong tủ búp-phê, thấy bày những chiếc khay bẩn và những bình rượu ướp lạnh; trên tường nhiều chỗ đắp nổi quét vôi kim nhũ đầy bụi bặm, có treo những tấm màn sa tanh vàng nhem nhuốc để che những ô cửa sổ có chấn song sắt trông ra phố Cursitor; lại có nhiều bức tranh lồng khung, nước thếp vàng đã tróc, vẽ cảnh săn bắn hoặc cầu nguyện; toàn là tác phẩm của các hoạ sĩ nổi tiếng, đã bị mua đi bán lại nhiều lần trong những cuộc phát mại công cộng giá đắt như vàng. Người ta dọn ăn cho viên trung tá trong những chiếc đĩa rất đẹp mà cũng rất bẩn.
Cô Moss, một cô gái mắt đen láy, đính cặp uốn tóc trên đầu, mang nước trà lên, mỉm cười hỏi thăm anh ta có ngủ ngon không. Cô ta đưa cho Rawdon tờ “Tin tức buổi sáng”, có đăng tên đủ các vị tai mặt đến dự buổi dạ hội do hầu tước Steyne tổ chức đêm vừa qua. Tờ báo có đăng một bài phóng sự thật hay về chương trình buổi dạ hội, lại không ngớt tán dương sắc đẹp của bà Rawdon Crawley tài hoa.
Cô Moss ghé ngồi ngay lên mép bàn ăn, dáng điệu rất tự nhiên, vén váy để lộ cả bít tất và đôi giày sa tanh trắng cũ vẹt gót.
Rawdon tán chuyện với cô ta một lúc, rồi bảo mang giấy bút lại.
Cô Moss đem giấy lên, hỏi anh ta cần mấy tờ rồi cầm mấy tờ giữa ngón tay cái và ngón trỏ đưa cho anh ta. Cô gái mắt đen láy này đã từng đưa vô số giấy cho người ta viết; vô số anh chàng đáng thương đã nguệch ngoạc gạch những dòng chữ đầy những lời lẽ van lơn trên mặt giấy, và trong lúc chờ đợi thư trả lời đã sốt ruột đi bách bộ trong gian phòng gớm ghiếc này. Những người túng thiếu lại hay dùng người đưa thư mà không nhờ nhà bưu điện. Nào ai là người chưa từng nhận những phong thư dấu xi còn dính chưa kịp khô, vừa được biết rằng có người đang chờ dưới phòng khách?
Lúc này Rawdon đang bận viết thư, anh ta không kịp nhớ đến những chuyện ngờ vực cũ.
Becky thân yêu,
Mong rằng đêm qua mình ngủ ngon giấc. Sáng nay đừng thấy tôi không mang cà phê lên cho mình được mà lo ngại. Đêm qua, tôi đang đi bộ về nhà vừa đi vừa hút thuốc lá thì gặp chuyện không may. Lão Moss ở phố Cursitor tóm được tôi rồi. Tôi viết thư này cho mình trong căn phòng lộng lẫy quét vôi kim nhũ của lão…lại vẫn câu chuyện cũ đã xảy ra hai năm về trước. Cô Moss mang nước chà vào cho tôi… cô ta giạo này béo tợn, và vẫn đi dầy vẹt gót như mọi khi. Tôi bị tóm vì truyện nợ tiền lão Nathan… một trăm năm mươi đồng… thêm tiền phí tổn, tất cả là một trăm bảy mươi đồng. Gửi cho tôi cái ví và ít quần áo để thay. Tôi vẫn còn đi dầy khiêu vũ nhẹ (giống như cô Moss)… Tôi có bảy mươi đồng trong ví. Mình đánh xe lại chỗ lão Nathan, trả lão bảy mươi lăm đồng, và xin ký văn tự khất thêm một hạn. Bảo lão bán thêm cho một tí rượu để dùng trong bữa ăn… đừng có mua chanh làm gì đắt lắm. Nếu lão không chịu thì mang chiếc đồng hồ của tôi và những thứ gì trong nhà không dùng đến bán lại cho hiệu Balls…. thế nào tối nay cũng phải xoay bằng được tiền. Tôi không muốn ở đây lâu đâu;. mai lại là chủ nhật rồi. Dường đệm ở đây bẩn lắm; mình ở đây lâu, bọn chủ nợ khác cũng làm rầy rà thì nguy. May quá lại không đúng vào thứ bảy, ngày Rawdy nghỉ học về thăm nhà. Cầu chúa che trở cho mình.
RAWDON CRAWLEY
T.B. Mình thu xếp mau mau lên và đến với tôi.
Thư viết xong, gắn xi, rồi nhờ một người đưa tin lúc nào cũng sẵn sàng túc trực trong nhà ông Moss đưa đi hộ. Đoạn Rawdon ra sân hút thuốc lá, tạm gọi là yên tâm một chút… tuy rằng trên đầu vẫn có chấn song sắt; trong nhà ông Moss có chấn song sắt bao quanh bốn mặt và cả phía trên, như một cái chuồng nhốt thú, có lẽ vì ông sợ các vị quý khách có ý định chuồn mất chăng.
Rawdon tính rằng nhiều lắm là ba tiếng đồng hồ, thế nào Becky cũng đến mở cửa nhà lao cho mình. Trong thời gian ấy, anh ta vui vẻ hút thuốc lá, đọc báo, ngồi chơi trong phòng ăn với một ông bạn là đại uý Walker cũng cùng cảnh với anh; hai người đánh bài cò con với nhau, nhì nhằng không được không thua.
Ngày giờ cứ trôi qua, mà bằn bặt không thấy tin tức gì…chẳng thấy mặt Becky đâu. Đúng năm giờ rưỡi chiều, bữa cơm thết khách của nhà ông Moss dọn ra; quý khách nào có thể trả tiền cơm đều được mời dự. Bữa ăn dọn trong gian phòng khách lộng lẫy đã tả ở trên, ăn thông với gian phòng ngủ của Crawley. Cô Moss (ông bố gọi là cô Hem) cũng có mặt, nhưng không đính cặp uốn tóc như ban sáng. Bà Moss mời khách dùng món thịt cừu nấu củ cải, viên trung tá ăn rất ngon miệng. Mọi người hỏi Rawdon có bằng lòng “thả” một chai sâm banh không, anh ta đồng ý; hai mẹ con bà Moss uống rượu mừng sức khoẻ của anh ta; cô Moss lại liếc anh chàng một cái rất tình.
Đang ăn dở dang, thì có tiếng chuông gọi cửa… thằng bé tóc đỏ con ông Moss vội cầm chìa khoá đứng dậy ra mở cửa; lát sau nó trở vào báo rằng người đưa tin đã về, đem theo một cái ví, một cái bọc và một lá thư. Bà Moss vẫy vẫy tay nói: “Xin mời trung tá cứ tự nhiên cho”. Rawdon bóc vội thư hồi hộp đọc… lá thư thật đẹp, sức nước hoa thơm lừng, giấy màu hồng, trên có đóng một con dấu màu xanh nhạt.
Mình thân yêu tội nghiệp của em ()
Suốt đêm qua, em không sao chợp được mắt lấy một cái, vì không biết “ông tướng phải gió” gặp chuyện không may gì mà không về nhà. Mãi sáng nay, cho đi gọi ông Blench đến thăm bệnh xong, em mới thiếp đi gọi là được một tý. Em đang bị sốt. Bác sĩ cho em uống thuốc và dặn Finette không được đánh thức em dậy bất cứ vì lý do gì. Thành ra cái thằng đưa tin mặt mũi gớm ghiếc, sặc sụa hơi rượu – theo lời Finette kể lại – đành phải chờ đến mấy tiếng đồng hồ. Mình thử tưởng tượng đọc lá thư viết sai chính tả của mình, em lo lắng đến thế nào.
Em đang mệt bã người mà phải gọi sửa soạn xe ngựa ngay. Em chẳng uống lấy được một giọt súc-cù-là nào gọi là có, vì không có anh tự tay mang lên, em không sao nuốt trôi. Mặc áo xong, là em đánh xe chạy như bay đến lão Nathan. Gặp lão, em khóc… em kêu…em quỳ xuống van xin. Thằng cha quỷ quái lòng dạ như đá. Lão một mực bảo rằng nếu không trả đủ tiền thì mình phải ngồi tù. Em trở về nhà định bụng thu xếp ít đồ vật mang đến hiệu cầm đồ (tuy cũng chỉ được độ trăm đồng bảng là cùng, vì mình cũng biết đấy, em đã phải bán đi ít nhiều rồi) thì gặp ngay hầu tước đưa lão quỷ mặt cừu người Bungari lại chơi. Họ khen rối rít đêm qua em đóng kịch giỏi. Rồi đến Paddington; hắn vừa chuyện trò ề à, vừa vuốt mãi bộ tóc mượt của hắn. Tiếp theo là Champignac và viên đại sứ, toàn những khen lao với chúc tụng… khổ thân em quá, muốn tống khứ họ đi mà không xong, lòng dạ còn rối như tơ vò vì việc mình bị giam giữ.
Khách khứa về cả rồi, em mới quỳ xuống cầu xin hầu tước giúp đỡ. Em bảo rằng chúng mình sắp phải cầm bán sạch mọi thứ, xin ngài giúp cho hai trăm đồng. Ngài gắt ầm lên… bảo rằng đừng có dại mà cầm bán đồ vật… ngài hứa nếu có thể sẽ cho em vay tiền.
Rồi ngài ra về, bảo sáng mai sẽ cho đem tiền lại. Sáng mai có tiền em sẽ đến đón mình với một cái hôn thật âu yếm.
Becky.
Em viết thư ngay trên giường.
Em đang nhức đầu quá mà cũng đau lòng quá!
Rawdon đọc xong lá thư đỏ tía mặt lên trông đến dữ tợn, những người cùng ngồi ăn đoán ngay có tin chẳng lành. Bao nhiêu điều nghi ngờ anh ta vẫn cố xua đuổi khỏi tâm trí đột nhiên quay lại ám ảnh. “Đến nỗi không đem được ít đồ trang sức đi cầm để chuộc cho mình à? Mình đang ngồi tù, mà nó thản nhiên ngồi nghe thiên hạ tán tụng! Đứa nào bắt mình bỏ tù? Wenham mời mình cùng về. Hay là…” Rawdon không dám nghĩ tiếp lập tức rời phòng ăn, anh ta chạy về buồng mở ví, lấy giấy viết vội mấy dòng chữ gửi cho vợ chồng Pitt, giao cho người đưa tin, bảo mang ngay đến phố Gaunt. Anh ta bảo hắn thuê xe ngựa đi cho nhanh, lại hứa nếu về sớm trong khoảng một tiếng đồng hồ, sẽ thưởng cho đồng bạc.
Trong thư, Rawdon cầu khẩn vợ chồng anh trai hãy vì kính chúa, hãy vì thương đứa cháu trai, vì danh dự của mình, hãy giúp mình qua cơn hoạn nạn. Anh ta đang ngồi tù… cần có ngay một trăm đồng bảng thì mới được trả tự do…
Gửi thư đi rồi, Rawdon quay lại phòng ăn, gọi lấy thêm rượu.
Anh ta cười thật to, nói chuyện thật ồn ào một cách kỳ lạ. Thỉnh thoảng, nghĩ đến những nỗi ngờ vực đang vò xé tâm trí, Rawdon lại phá ra cười, rồi tiếp tục nốc thêm rượu suốt một tiếng đồng hồ…nhưng vẫn chú ý lắng nghe xem có tiếng xe ngựa quyết định số phận của mình hay không.
Một tiếng đồng hồ trôi qua; có tiếng xe ngựa lượn vòng đỗ ngoài cổng, thằng bé tóc đỏ cầm chìa khoá bước ra. Nó dẫn một người đàn bà đi vào. Người này run run nói:
– Tôi muốn gặp trung tá Crawley.
Thằng bé láu lỉnh đưa mắt nhìn, khoá chặt cửa ngoài lại rồi mới mở khoá cửa trong, đoạn thò cổ vào gọi:
– Trung tá Crawley, có người hỏi.
Người đàn bà được nó dẫn vào phòng khách bên trong.
Rawdon rời gian phòng ăn ồn ào tiếng cười nói bước vào, một ánh sáng đục ngầu chiếu hắt theo; anh ta thấy người đàn bà vẫn đứng chờ, có vẻ rất bối rối. Người này lên tiếng rụt rè nói, cố làm ra bộ vui vẻ.
– Chú Rawdon, tôi đây mà, Jane đây.
Rawdon nghe thấy tiếng nói dịu dàng của người chị dâu tốt bụng cảm động quá… anh ta chạy lại giang hai tay ôm lấy chị dâu… miệng lắp bắp mấy tiếng cảm ơn nghe không rõ, rồi gục vào vai công nương Jane mà khóc nức nở. Người đàn bà không hiểu vì sao em chồng xúc động đến thế.
Ông Moss lập tức được thanh toán tiền nong đầy đủ. Ông ta hơi thất vọng, vì đang chắc mẩm ít nhất cũng giữ được Rawdon đến thứ hai. Công nương Jane nét mặt rạng rỡ tươi tỉnh dắt Rawdon ra xe đưa về nhà. Cô ta bảo:
– Lúc nhận được thư chú, anh Pitt đã đi dự tiệc ở Quốc hội rồi…Thành ra tôi…tôi phải đến vậy.
Đoạn Jane đặt bàn tay mình vào bàn tay em chồng. Không biết chừng Pitt đi ăn tiệc vắng lại là may cho Rawdon. Anh ta cảm ơn chị dâu mãi, giọng cảm động chân thành làm cho người đàn bà dễ xúc động này gần như phải bàng hoàng, Rawdon vẫn cái giọng thực thà thô kệch nói:
– Chị không biết chứ…từ hồi gặp chị, em thay đổi nhiều lắm.. từ hồi có thằng Rawdy nữa. Em cũng muốn tu tỉnh lại chút ít…Chị ạ, em muốn… em muốn thành…
Anh ta không nói hết câu, nhưng người chị dâu hiểu. Đêm hôm ấy, sau lúc em chồng đã ra về, công nương Jane ngồi nhìn đứa con nằm ngủ trên chiếc giường nhỏ, thì thầm cầu nguyện mãi cho con người tội lỗi đã biết hối cải…
Rawdon từ biệt chị dâu, đi thật nhanh về nhà. Lúc ấy đúng chín giờ tối. Anh ta chạy băng qua các phố và các công viên trong Hội chợ phù hoa, và cuối cùng đến trước cửa nhà, mệt quá tưởng đến đứt hơi. Nhìn lên gác Rawdon giật nảy mình lùi lại, run run đứng không vững phải dựa vào hàng rào. Trong phòng khách đèn thắp sáng trưng, thế mà vợ anh ta viết thư nói rằng đang ốm, phải nằm nghỉ. Anh ta đứng đờ ra một lúc, ánh sáng trong nhà hắt ra in lên bộ mặt tái nhợt của anh.
Rawdon rút chìa khóa riêng mở cổng, bước vào nhà. Trên gác có tiếng cười đùa vẳng xuống rõ mồn một. Anh ta vẫn mặc bộ quần áo dạ hội tối hôm trước, lúc bị bắt. Rawdon lặng lẽ trèo lên gác, đứng dựa vào lan can chỗ đầu cầu thang nghe ngóng… Đầy tớ bị sai đi vắng hết… trong nhà tịnh không có một ai. Nghe rõ tiếng cười trong phòng… tiếng cười xen lẫn tiếng hát. Becky đang hát lại một đoạn bài hát tối hôm qua. Có tiếng khàn khàn reo lên: “Hoan hô! Hoan hô!”… tiếng hầu tước Steyne.
Rawdon mở toang cửa bước vào. Giữa phòng kê một cái bàn ăn nhỏ…đủ cả rượu và các món ăn. Becky ngồi trên ghế xô-fa. Steyne đang chống tay vào thành ghế cúi xuống. Người đàn bà khốn nạn trang sức thật lộng lẫy, cánh tay đeo vòng xuyến, các ngón tay đeo nhẫn lóng lánh; trên ngực, sợi dây chuyền kim cương của hầu tước Steyne tặng sáng quắc. Lão vừa cầm tay Becky cúi xuống định hôn, thì Becky nhìn thấy bộ mặt trắng bệch của Rawdon hiện ra; cô ta giật nảy mình, rú lên một tiếng khẽ, rồi cố làm ra vẻ tươi tỉnh mỉm cười ra ý mừng chồng về… Nhưng nụ cười mới gớm ghiếc làm sao! Steyne thì tái mặt đứng dậy, nghiến răng lại, tức như điên. Tuy vậy, lão cũng cố cười một tiếng… bước lên chìa tay ra và nói:
– Thế nào, về rồi à? Bình yên chứ, ông Crawley?
Lão cố cười gượng với anh chồng phá bĩnh, hai má nổi gân lên.
Vẻ mặt Rawdon có một cái gì khiến cho Becky vội chạy tới trước mặt chồng, nói:
– Rawdon, em vô tội, mình ạ! Thề có Chúa trời, quả thật em vô tội. Cô ta bấu chặt lấy áo chồng, xiết lấy tay chồng. Tay cô ta đầy những vòng và nhẫn. Becky quay sang hầu tước Steyne:
– Em vô tội… Ngài nói hộ rằng em vô tội đi.
Cho là hai vợ chồng bày mưu cho mình vào bẫy, lão tức cả vợ lẫn chồng tưởng phát điên lên được. Lão gầm lên:
– Vô tội à? Đồ khốn nạn! Chị mà vô tội? Thế những đồ trang sức chị đeo trên mình kia, ai bỏ tiền ra mua? Tôi đã cho chị hàng nghìn đồng đem về cho chồng tiêu, như thế là hắn đã bán chị lấy tiền. Còn mở mồm nói là vô tội!? Chị cũng vô tội như mẹ chị xưa kia làm nghề vũ nữ, vô tội như thằng chồng mạt hạng của chị ấy. Đừng tưởng doạ được tôi như doạ người khác. Đứng tránh ra thưa ngài, cho tôi đi.
Nói đoạn hầu tước Steyne cầm lấy mũ, đôi mắt dữ tợn như toé ra những tia lửa nhìn trừng trừng vào mặt địch thủ; lão tiến thẳng về phía Rawdon, đinh ninh rằng thế nào anh cũng phải nhượng bộ.
Nhưng Rawdon nhảy xổ lại, tóm chặt lấy cổ áo của lão; hầu tước Steyne suýt nghẹt thở cố giẫy giụa và ngã khuỵu xuống dưới cánh tay anh ta.
Rawdon quát:
– Mày nói láo, đồ con chó! Mày nói láo, mày là đồ hèn nhát, đồ khốn nạn!
Anh ta tát hai cái liền thật mạnh vào mặt lão hầu tước, rồi hất lão ngã kềnh ngồi xuống sàn nhà, mép ứa máu tươi. Việc xảy ra nhanh quá, Becky không kịp can thiệp. Cô ta run bần bật cả chân tay; tuy sợ, nhưng cô ta cũng phục chồng là khoẻ và can đảm đã thắng được kẻ tình địch. Rawdon ra lệnh:
– Lại đây, Becky lại ngay. Lột hết những thứ này ra.
Becky run lẩy bẩy bắt đầu tháo hết cả vòng xuyến nhẫn, thành một vốc, bưng lên tay đứng nhìn chồng chờ lệnh.
Anh chồng quát:
– Vứt xuống đất.
Cô vợ vứt xuống đất. Rawdon giật đứt tung sợi dây chuyền kim cương trên ngực vợ ném về phía hầu tước Steyne. Viên kim cương văng mạnh trúng cái trán hói của lão làm chảy máu tươi.
Cho đến chết lão vẫn còn đeo trên trán cái sẹo ấy. Rawdon quát vợ:
– Đi lên gác.
Becky nói:
– Xin mình đừng giết em.
Anh chồng cười dữ tợn:
– Tôi cần xem chuyện tiền nong thằng kia nói đúng hay sai. Nó có cho cô tiền bao giờ không?
Rebecca đáp:
– Không nghĩa là…
– Đưa chìa khoá đây.
Hai vợ chồng cùng lên gác. Rebecca đưa hết chìa khoá cho chồng, nhưng giữ lại một cái, hy vọng rằng chồng không kịp nhận ra cái chìa khoá còn thiếu. Đó là chìa khóa dùng để mở một cái két nhỏ của Amelia tặng hồi trước; cô ta vẫn giấu kín một chỗ. Nhưng Rawdon lục tung tất cả hòm xiểng, tủ áo, vứt tung quần áo và đồ vật đựng ở trong ra, cuối cùng anh ta vớ được cái két. Chị vợ đành phải lôi chìa khoá ra mở. Trong két đựng nhiều giấy má, những bức thư tình hàng chục năm về trước cùng đủ mọi thứ đồ lặt vặt của đàn bà. Lại có cả một cái ví đựng toàn ngân phiếu; nhiều tờ đề ngày cách đã mười năm; nhưng có một tờ mới nguyên… đó là tờ ngân phiếu một nghìn đồng của hầu tước Steyne vừa cho cô ta. Rawdon nói:
– Của nó cho cô đây?
Rebecca đáp:
– Vâng.
Rawdon lại nói:
– Tôi sẽ gửi trả nó hôm nay (Lúc này trời vừa tang tảng sáng; cuộc lục soát đã kéo dài mấy tiếng đồng hồ liền); tôi sẽ trả tiền công bà Briggs, bà ấy vẫn săn sóc thằng bé chu đáo, và trả vài món nợ. Số còn lại, cô sẽ cho tôi biết gửi về đâu để trả lại cô. Becky, ngần này tiền mà không bớt ra được một trăm đồng cho tôi à?…Xưa nay tôi kiếm được tiền cô vẫn tiêu chung.
Becky vẫn một mực:
– Mình ơi, em vô tội.
Rawdon không nói gì, bỏ đi.
Không biết chồng đi rồi Becky nghĩ gì? Cô ta ngồi lặng yên mấy tiếng đồng hồ liền; ánh nắng đã toả vào căn phòng. Becky vẫn ngồi ở mép giường. Ngăn kéo tủ còn để ngỏ, đồ vật vứt ngổn ngang… nào quần áo, nào khăn quàng, nào đồ trang sức, một đống các thứ chất bề bộn. Mớ tóc rối tung buông xoã xuống hai vai; ngực áo bị Rawdon xé toang lúc giật sợi dây chuyền kim cương. Vài phút sau khi Rawdon ra khỏi phòng. Becky nghe tiếng chồng xuống thang gác, rồi có tiếng đóng sầm một cái. Cô ta hiểu rằng không bao giờ chồng trở lại nữa. Thế là hết hẳn tình nghĩa rồi, Becky nghĩ thầm: “Hay là anh ấy đi tự tử?… Nhưng chưa gặp lại hầu tước Steyne thì chưa chịu chết đâu. Cô ta nhớ lại quá khứ dài dằng dặc của mình, bao nhiêu chuyện ghê gớm đã xảy ra. Ôi? Một cuộc đời mới buồn tẻ, trơ trọi làm sao! Rút cục thế là công toi. Hay là uống phăng một liều thuốc độc mà từ giã cõi đời cho rảnh… Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu cơ mưu, bao nhiêu phen lên voi xuống chó, bây giờ còn gì nữa đâu? Chị hầu gái người Pháp bước vào phòng vẫn thấy chủ ngồi lặng lẽ giữa đống đồ vật ngổn ngang, mắt ráo hoảnh, hai tay chắp lại, chị ta được hầu tước Steyne cho tiền, vẫn a tòng với chủ, bây giờ mới lên tiếng:
– Trời đất ơi! Thưa bà, có chuyện gì vậy?
Lại còn chuyện gì nữa? Becky có tội hay không? Cô ta nói rằng không, nhưng cái mồm ấy quen nói xoen xoét biết là nói thật hay nói dối. Hoặc giả, riêng trong trường hợp này, con người xấu xa ấy quả là vô tội chăng? Chỉ biết rằng bao nhiêu cơ mưu trí tuệ, bao nhiêu công lao vơ vét ích kỷ, rút cục xôi hỏng bỏng không. Chị hầu gái kéo rèm cửa, lấy giọng ngọt ngào khẩn khoản xin bà chủ đi nằm nghỉ một chút. Đoạn chị ta xuống nhà nhặt nhạnh tất cả các vật trang sức vẫn còn tung toé trên mặt sàn – theo lệnh chồng, Rebecca vứt lại đó nhưng hầu tước Steyne bỏ về không thèm lấy lại.