Đọc truyện Hội Chợ Phù Hoa – Chương 5
DOBBIN CỦA CHÚNG TA
Ai đã học qua trường học nổi tiếng của ông Swishtail ắt còn phải nhớ lâu chuyện cãi nhau giữa Dobbin và Cuff mà kết cục rất bất ngờ: Dobbin thường bị bọn trẻ con khinh miệt, chúng gọi là con khỉ Dobbin, con bú dù Dobbin và nhiều tên hiệu khác. Dobbin là một đứa trẻ hiền lành nhất, vụng về nhất, và có vẻ như đần độn nhất trong số học trò theo học trường ông Swishtail. Bố cậu bé buôn thực phẩm ở kinh đô, người ta lại đồn rằng ông Swishtail nhận cậu vào học trong trường theo “nguyên tắc đôi bên cùng có lợi”…nghĩa là bố cậu không phải trả học phí và sinh hoạt phí cho con trai bằng tiền mặt, mà trả bằng hiện vật. Ở trong trường, Dobbin bị xếp hạng gần bét; lúc nào cậu bé cũng đánh một bộ áo nhung kẻ nhem nhuốc, bộ xương to kếch gần như muốn thúc bật những hàng chỉ khâu mà tòi ra. Dobbin bị coi như đại diện cho một số cân chè, nến, đường, xà-phòng, và nho khô cùng nhiều thứ khác (tuy vậy, chỉ có một phần nhỏ là dùng để cung cấp cho nhu cầu của nhà trường). Cậu bé Dobbin sợ nhất cái ngày có một đứa học trò nhỏ trong trường, sau khi đã mò vào trong tỉnh chơi đủ mọi trò rồi, đã về đứng ở cổng trường mình xem cái xe ngựa của hãng “Dobbin và Rudge buôn thực phẩm và dầu-Phố Thames Luân đôn” dỡ hàng xuống giao cho nhà trường. Truyện “Hội Chợ Phù Hoa ” được từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Sau cảnh đó, cậu bé Dobbin mất ăn mất ngủ. Những đứa trẻ khác giễu cợt đến là tàn nhẫn; một thằng nói “Ê này, Dobbin, báo đăng tin mới đây đường lên giá rồi, mày ơi!” Một đứa khác tính toán: “Nếu một cân nến mỡ cừu giá bảy xu rưỡi thì Dobbin giá bao nhiêu?” Thế là cả đám trẻ con mất dạy đứng vây tròn xung quanh cười ồ lên: chúng đồng tình cho rằng nghề bán lẻ thực phẩm là một nghề đáng hổ thẹn, đáng bị những con nhà dòng dõi khinh bỉ.
Bị một thằng bé con đem ra làm trò cười. Dobbin bảo riêng nó rằng:
– Này, Osborne, bố mày cũng là lái buôn chứ **** gì.
Thằng bé kiêu hãnh đáp:
– Bố tao là con nhà dõng dõi, có xe ngựa riêng.
Cậu bé William Dobbin lui về mãi căn phòng xép xa tít cuối sân chơi, rầu rĩ đắng cay suốt nửa ngày chủ nhật.
Trong bọn chúng ta ai chẳng còn nhớ đã có những phút lo nghĩ đắng cay một cách trẻ con như thế? Ai là kẻ cảm thấy rõ sự bất công, biết tủi nhục trước một sự lăng mạ, hiểu rõ cái gì là xấu, và biết biểu lộ lòng biết ơn một cách đậm đà khi được săn sóc, bằng một đứa trẻ trung hậu? Thế mà biết bao tâm hồn dịu dàng ấy đã bị các ông giáo hành hạ, chà đạp chỉ vì một bài toán số học, hoặc một bài La-tinh sai mẹo. William Dobbin chịu chết không sao thuộc được những bài học vỡ lòng tiếng La-tinh trong cuốn văn phạm La- tinh tài tình của trường trung học Eton; vì thế cậu bé bị xếp cùng học với bọn học trò dốt nhất trường. Mỗi khi cùng xếp hàng với bọn học trò lớp bét trông như anh khổng lồ đi giữa bọn tí hon; mắt cậu bé lấm lét nhìn xuống đất, tay cắp quyển tập đọc quăn góc, mặc bộ quần áo nhung kẻ chật ních; cậu luôn luôn bị bọn trò bé mặt mũi hồng hào, đeo “tạp-dê” cợt nhạo. Học trò lớp nào cũng đem cậu ra làm trò cười. Bộ quần áo nhung đã chật chúng còn khâu cho chật thêm; chúng cắt đứt dây giường của cậu. Chúng xô đổ bàn ghế, làm cho cậu bé vấp ngã sứt gối, mà lần nào cũng đúng như thế. Chúng gửi cho cậu bé những gói kín, mở ra chỉ thấy có xà phòng và nếu là những thứ hàng bố cậu vẫn bán; không có một đứa học trò nào tha cột nhạo Dobbin; cậu bé kiên nhẫn chịu đựng tất cả, hoàn toàn câm nín và đau khổ.
Trái lại, Cuff là ông chúa con, và là cậu công tử trong trường ông Swistail. Nó mang trộm cả rượu vào trường, đánh cả trẻ con trong thành phố. Chiều thứ bảy, người hầu vẫn mang ngựa đến cho nó cưỡi về nhà. Trong buồng nó có một đôi ủng cao cổ; ngày nghỉ nó thường đi ủng đi săn. Nó có cả một chiếc đồng hồ báo thức bằng vàng, lại hít thuốc lá y như ông giáo. Nó đã đi xem hát ở “Opera”, biết rõ tài nghệ của từng nghệ sĩ, biết thích kép Kean hơn kép Kemble. Nó có thể trong một giờ, làm bốn mươi câu thơ tiếng La-tinh liền; lại làm được cả thơ bằng tiếng Pháp.
Còn có cái gì khác mà nó không biết, hoặc không thể biết nữa? Chúng nó còn bảo chính ông giáo cũng phải sợ thằng này.
Vậy thì Cuff, ông chúa tuyệt đối trong trường, cai trị hành hạ bọn bầy tôi, uy quyền thật sự lừng lẫy. Đứa thì phải đánh bóng giầy, đứa thì nướng bánh, những thằng khác thì phải lăn lộn vất vả suốt những buổi chiều mùa hè để nhặt bóng cho nó. Dobbin là cậu bé bị nó ghét nhất; nó luôn luôn giễu cợt đánh chửi cậu bé, và ít khi thèm hạ mình nói một lời nào với cậu này.
Một bữa, hai đứa có chuyện xích mích với nhau. Dobbin ngồi một mình trong phòng học, đang dò dẫm viết một lá thư gửi về nhà thì Cuff bước vào, nó sai cậu bé đi đâu ấy, hình như đi mua bánh rán thì phải.
Dobbin nói:
– Chịu thôi; tôi còn phải viết cho xong thư đã.
– Mày chịu thôi à?
Cuff vừa nói vừa giằng lấy tờ giấy, trong đó nhiều chữ viết nguệch ngoạc, nhiều chữ viết sai bét, nhưng không biết Dobbin đã phí bao tâm trí, sức lực và nước mắt mới viết nên được. Lá thư ấy cậu bé đáng thương viết cho mẹ, mà mẹ cậu rất quý con trai, mặc dầu bà chỉ là vợ một người bán thực phẩm, sống trong một căn nhà xép ở phố Thames.
– Mày chịu thôi? Tao muốn biết tại sao, hừ? Ngày mai mày viết thư cho bà lão Figs không được à?
– Đừng có gọi tên tục nhà tao ra.
Dobbin cáu lắm, đứng bật lên.
Con “hổ xám” trong trường quát to:
– Thế nào, ông, ông có đi không thì bảo?
Dobbin đáp:
– Bỏ lá thư xuống, người tử tế không đọc thư của kẻ khác.
Thằng kia nói:
– Được bây giờ mày có đi không?
– Không, tao không đi. Đừng có đánh tao, ông thì bóp nát mày ra bây giờ.
Dobbin gầm lên, nhảy xổ đến vớ lấy một lọ mực bằng chì; thấy dáng điệu Dobbin dữ tợn, Cuff ngừng lại, buông hai cánh tay áo xuống, thọc tay vào túi vừa cười khinh bỉ vừa đi mất. Nhưng từ bữa ấy, nó không bao giờ thèm dính dáng đến cậu bé con trai người bán thực phẩm nữa; tuy vậy, chúng ta cũng phải công bằng mà nhận rằng nó luôn luôn vẫn nói đến Dobbin với thái độ khinh bỉ sau lưng cậu.
Ít bữa sau, một buổi chiều nắng ráo, William Dobbin nằm dài dưới gốc cây trong sân trường đang đánh vần cuốn truyện “Nghìn lẻ một đêm” mà cậu rất thích, hoàn toàn cô đơn và gần như rất sung sướng, cách biệt tất cả đám học trò đang thả sức nô đùa. Cuff cũng đang đứng gần đó. Nếu thiên hạ cứ để mặc trẻ con sống một mình, nếu thầy giáo thôi đừng làm rầy chúng, nếu các bậc cha mẹ đừng cứ nhất định đòi uốn nắn sự suy nghĩ của chúng, và khống chế cả tình cảm của chúng – những tình cảm và ý nghĩ ấy vẫn là một sự bí mật đối với tất cả mọi người: (hỏi rằng bạn và tôi chúng ta biết được bao nhiêu về nhau, về con cái chúng ta, về ông cha chúng ta, về láng giềng chúng ta? Và những ý nghĩ của thằng bé hoặc con bé mà chúng ta cai quản có thể đẹp đẽ và thiêng liêng biết bao so với ý nghĩ của những con người đần độn và hư hỏng cai quản chúng?) – Nếu cha mẹ và thầy giáo hãy cứ để mặc trẻ con sống một mình thêm chút ít…thì chắc những chuyện tai hại sẽ bớt được nhiều, tuy rằng chúng có thể thâu lượm bớt đi đôi chút về mặt kiến thức ()…
Vậy thì William Dobbin lần ấy đang quên khuấy cả thế giới để đưa hồn mình bay bổng theo chàng thủy thủ Sindbad tới thung lũng Kim cương, hoặc cùng Hoàng tử Ahmed và nàng tiên Peribanou sống trong cái hang kỳ thú, nơi hoàng tử gặp nàng, và là nơi chính chúng ta cũng thèm được đến thăm. Bỗng có tiếng kêu thét lên làm cậu bừng tỉnh giấc mộng mê ly; hình như có thằng bé con nào khóc. Ngẩng mặt lên, Dobbin thấy Cuff đang bắt nạt một thằng bé con.
Chính là thằng bé đã làm cậu bực mình vì chuyện cái xe chở thực phẩm bữa nọ. Nhưng cậu không ưa thù vặt, ít nhất là đối với bọn trẻ còn bé bỏng. Cuff giơ cao cái gậy màu vàng, dùng để chơi “cric-két” quát thằng bé:
– Sao mày dám đánh vỡ chai của tao?
Thằng bé đã được lệnh phải leo qua bức tường bao quanh sân chơi (ngay đúng chỗ thuận tiện nhất, vì những mảnh chai cắm trên bờ tường đã bị cậy sạch và sẵn những lỗ hõm sâu trên mặt tường có thể leo được), phải chạy độ một phần tư dặm đường và mua chịu một chai rượu rum; rồi lại phải tìm mọi cách lọt qua mọi tai mắt của ông Swishtail leo qua tường đem về cho thằng Cuff. Lúc trèo qua tường vào sân, thằng bé trượt chân ngã, chiếc chai vỡ tan, rượu đổ sạch, bẩn hết quần. Thằng bé run rẩy đến đứng trước mặt ông trùm, run lẩy bẩy như mình phạm lỗi nặng, tuy hoàn toàn đáng thương và vô tội. Cuff lại quát:
Sao mày dám đánh vỡ chai? Thằng nhóc con ăn cắp? Mày uống hết rượu rồi giả vờ đánh vỡ chai phỏng? Chìa tay ra.
Chiếc gậy phang mạnh xuống bàn tay thằng bé nghe đến “bốp” một cái; một tiếng rên rỉ tiếp theo; Dobbin nhìn lên; thế là nàng tiên Peribanou và ông Hoàng Ahmed trốn biệt vào trong cái hang xa tắp. Con đại bàng vội đưa anh thủy thủ Sindbad bát ra khỏi thung lũng Kim cương bay vút lên chín tầng mây mất tăm; cuộc đời tầm thường hàng ngày lại hiện ra trước mắt cậu bé William thực thà: một thằng bé nhớn vô cớ bắt nạt một thằng bé con.
– Chìa nốt tay kia ra, ông ôn.
Cuff gầm lên với thằng bạn học bé tý, mặt rúm ró lại vì đau. Dobbin run bắn người, đứng phắt dậy trong bộ quần áo chật ních cũ kỹ.
– Thằng quỷ con, nhớ lấy nhé?
Cuff gầm lên; chiếc gậy lại phang xuống tay thằng bé.
Này, xin các bà dừng hãi; học trò ở trường công, đứa nào mà chẳng thế, rất có thể con cái các bà cũng bắt nạt đứa khác và cũng bị đứa khác bắt nạt như vậy. Chiếc gậy lại phang xuống; Dobbin đứng bật lên.
Không biết cậu bé nghĩ sao, vì trong các trường công, chuyện hành hạ trẻ con xảy ra như cơm bữa, y như ở Nga có lệ trừng phạt bằng gậy vậy. Cưỡng lại có thể bị coi là thiếu giáo dục. Hình như tâm hồn ngu độn của Dobbin công phẫn trước sự chuyên chế đó, hoặc có thể vì lâu nay Dobbin vẫn ủ ấp mối hận trong lòng, vẫn mong có dịp đọ sức cùng vị chúa tể “Hét ra lửa” hay bắt nạt kia, người có mọi thứ vinh quang, kiêu hãnh, địa vị huy hoàng, và kèn thổi trống giong, lính hầu đứng chào đủ cả. Không rõ cậu bé nghĩ sao, chỉ biết cậu đứng phắt dậy quát lên:
– Cuff, thôi ngay, đừng có đánh nó nữa, nếu không, tao…
– Nếu không thì mày làm gì? – Thấy bị ngăn cản Cuff rất ngạc nhiên – chìa tay ra mau, đồ chó con.
– Nếu không, tao sẽ đột cho mày một trận nhừ tử, từ bé chưa bao giờ mày được nếm đâu.
Dobbin trả lời vậy, và cậu bé con Osborne, mồm mếu xệch, nước mắt giàn giụa, ngước nhìn lên có vẻ lạ lùng, không tin rằng lại có người dám hiên ngang bênh vực cho mình; Cuff cũng lấy làm quái lạ không kém. Các bạn cứ tưởng tượng cố hoàng đế George đệ tam ngạc nhiên thế nào, khi người hay tin những thuộc địa Bắc Mỹ khởi loạn, các bạn cứ tưởng tượng thái độ của chàng Goliath xương đồng da thép, khi thấy anh David tý hon dám tiến lên đòi một cuộc tỷ thí, bạn sẽ hiểu ngay tâm trạng của ngài Reginald Cuff khi nghe lời thách thức trên.
– Được, sau giờ học mày sẽ biết.
Nó dọa thế, sau một phút im lặng và một cái nhìn như muốn nói: “Hãy sám hối đi; từ giờ đến chiều, hãy liệu mà giối giăng lại cho các bạn mày nhé”.
Dobbin đáp:
– Được tùy ý, Osborne, mày phải làm nhân chứng cho tao, nghe không.
Thằng Osborne đáp:
– Ừ thế cũng được.
Bố thằng bé có cả một cái xe ngựa riêng, cho nên nó có vẻ hơi ngượng vì kẻ bênh vực nó.
Giờ chiến đấu sắp tới. Osborne thấy hơi thẹn khi phải nói “Figs, đánh đi”. Suốt hai ba hiệp đầu của trận đấu hay ho này, không có lấy một đứa nào đứng xem nói câu ấy. Khởi đầu trận đánh, nhà đấu sĩ lão luyện Cuff nở một nụ cười khinh mạn, thoải mái, tươi tỉnh như đi dự dạ hội, tống những đòn vào địch thủ, và quật ngã Dobbin ba lần liền. Mỗi lần Dobbin ngã bọn trẻ lại reo ầm lên; đứa nào cũng sốt ruột mong có vinh dự được khúm núm chúc mừng người thắng trận.
Thằng Osborne vừa nâng đấu sĩ của mình dậy, vừa nghĩ thầm:
– Sau chuyến này, thế nào mình cũng bị ốm đòn.
Nó lại bảo Dobbin:
– Thôi, mày chịu thua đi thì hơn; Figs ạ, nó chỉ bắt nạt tao thôi mà, tao quen đi rồi.
Nhưng tay chân Figs đang run lên bần bật, mũi thở phì phò giận dữ lắm: cậu gạt người làm chứng oắt con của mình ra bên, xông vào đánh hiệp bốn. Ba lần trước Cuff bước vào hiệp đấu là chủ động tấn công ngay, không để cho Dobbin có thì giờ đỡ kịp, mà Dobbin cũng không biết đỡ những đòn đối phương liên tục nện vào mình: lần này Dobbin quyết định mình sẽ tấn công trước, ngay khi vào cuộc. Vốn thuận tay trái, Dobbin sử dụng luôn để tấn công, đấm trúng hai cái liền mạnh hết sức…một quả trúng mắt trái Cuff, một quả trúng giữa mũi La-mã đẹp đẽ của cu cậu. Lần này Cuff ngã quay, đám trẻ đứng vây quanh rất ngạc nhiên. Chú bé Osborne vỗ vào lưng đấu thủ của mình, ra vẻ một tay sành thưởng thức, nói:
– Được lắm, Dobbin; cứ chơi tay trái như thế cho tao.
Trận đánh tiếp tục, cánh tay trái của Figs lập chiến công liên tiếp, mỗi lần đấm là một lần Cuff ngã gục. Đến hiệp thứ sáu hầu như những đứa hò: “đánh đi, Dobbin” cũng nhiều như những đứa reo: “Đánh đi, Cuff”. Đến hiệp thứ mười hai thì nhà cựu vô địch đã kiệt lực, nói theo lối nhà nghề, đã mất hết bình tĩnh và sức mạnh để tấn công và phòng thủ; trái lại, Figs vẫn bình tĩnh như một tín đồ Thanh giáo. Mặt Cuff trắng bệch ra, mắt mở trừng trừng long lanh, môi dưới bị một chỗ rách, máu chảy ròng ròng; trông anh học trò trẻ tuổi này có một vẻ ma quái, dữ dội khiến bọn trẻ đứng gần như khiếp đảm. Song, tay địch thủ dũng mãnh của nó vẫn sửa soạn bắt đầu hiệp thứ mười ba.
Nếu tôi có được ngòi bút của một Napier, hoặc một Bell () tôi sẽ mô tả trận đấu sinh động hơn. Ấy là đợt tấn công cuối cùng của đội Vệ binh (tuy bấy giờ trận Waterloo chưa xảy ra)…ấy là đội quân của Ney () dàn trận đối diện với trái đồi Sainte La Haye, một vạn lưỡi lê tua tủa với hai mươi con diều hâu dữ dội. Ấy là tiếng thét của đội quân Anh lao xuống sườn đồi nhảy xổ vào vây tròn ấy địch quân trong một trận giáp lá cà khủng khiếp…Nói tóm lại Cuff bước vào hiệp đấu đầy can đảm, nhưng đã lảo đảo xiêu vẹo; Dobbin bèn bồi cho một quả đấm tay trái như thường lệ trúng mũi địch thủ, hạ nó đo ván lần cuối cùng. Figs nói:
– Lần này chắc gục hẳn.
Nhìn địch thủ nằm sóng soài trên mặt cỏ y như viên bi-a của Jack Spot lúc đã rơi trúng vào lỗ: quả nhiên, lúc sắp đánh hiệp sau, Reginald Cuff không còn đủ sức, mà cũng không muốn dậy nữa.
Bây giờ bọn trẻ con hò reo ầm ĩ để tán thưởng Dobbin tưởng như từ đầu trận đánh chúng vẫn đứng về phe cậu bé, làm cho ông Swishtail phải bỏ phòng làm việc chạy ra, không biết có chuyện gì mà ồn ào đến thế. Dĩ nhiên, ông dọa đánh đòn Dobbin. Nhưng Cuff lúc này đã hồi lại, đang chùi vết máu, vội vàng đứng dậy nói:
– Thưa thầy, lỗi tại con ạ, Dobbin không có lỗi.
– Tại con bắt nạt một thằng bé hơn con, anh ấy đánh con là phải ạ…
Câu nói cao thượng ấy không những đã cứu kẻ thắng trận thoát khỏi một trận đòn, mà còn trả lại cho thằng Cuff cái uy quyền đối với bọn trẻ con mà nó suýt mất vì cuộc thất trận vừa qua. Cậu bé Osborne viết thư về cho bố mẹ kể lại câu chuyện:
Sugarcane House, Richmond, Tháng 3…ngày 18…,
Má thân yêu…
Con chúc má mạnh khỏe, con rất sung sướng xin má gửi ngay cho con một cái bánh ga-tô và năm si-linh. Cuff và Dobbin vừa đánh nhau một trận. Má cũng biết đấy, Cuff là thằng trùm trong trường. Hai thằng đánh nhau mười ba hiệp. Cuff bị đo ván. Thế là bây giờ Cuff tụt xuống hàng hai. Chúng nó đánh nhau là tại con. Cuff đánh con vì con làm vỡ một chai sữa; Dobbin thấy thế không chịu được. Chúng con gọi nó là Figs vì bố nó bán thực phẩm – hiệu Figs và Rudge, phố Thames, khu City – Theo ý con, nó đã bênh con thì má nên mua trà và đường ở hiệu của bố nó. Thứ bẩy nào Cuff cũng về thăm nhà. Nhưng lần này không về được, vì hai mắt sưng tím bầm lại. Nó có con ngựa Pony trắng đến đón nó về nhà, lại có một thằng hầu mặc chế phục cưỡi một con la lông hung hung đi theo. Giá ba mua cho con một con ngựa để con cưỡi thì thú quá.
Con ngoan của má George Sedley Osborne.
T.B. – Con gửi cho bé Emmy một cái hôn. Con đang cắt cho nó một cái xe ngựa bằng bìa cứng, đừng gửi bánh khô, gửi cho con bánh quả, má nhé.
Sau trận đánh thắng vừa rồi, vai trò của Dobbin nổi bật trong trường. Cậu bé được hết thẩy bạn học vì nể, và cái tên Figs trước kia hàm ý chế nhạo, bây giờ đã trở thành phổ biến và đáng kính như bất cứ tên gọi đùa một đứa trẻ nào khác trong trường. George Osborne bảo: “Nói cho đúng, bố nó bán thực phẩm có phải là lỗi tại nó đâu”; tuy bé, nhưng Osborne vẫn được đám học trò nhỏ trong trường mến; ý kiến của cậu bé được toàn thể nhiệt liệt tán thưởng.
Chúng quyết nghị rằng chế nhạo Dobbin về dòng dõi là hèn. “ông Figs” trở thành một cái tên tốt đẹp, thân yêu; và anh trưởng tràng cũng không kể chuyện bôi xấu Dobbin nữa.
Tình hình dễ chịu hơn, nên tinh thần Dobbin cũng có thay đổi. Cậu bé tiến bộ trông thấy trong những môn học cổ điển. Đích thân cậu Cuff lẫm liệt kia giúp đỡ Dobbin học những câu thơ la-tinh; trước sự chiếu cố này. Dobbin chỉ biết đỏ mặt và ngạc nhiên. Trong những giờ chơi, Cuff còn luyện thêm cho Dobbin, giúp cậu bé từ lớp bét của bọn trẻ con leo lên lớp nhì, và được xếp một thứ hạng kha khá ở lớp này nữa. Bây giờ mới khám phá ra rằng tuy về môn học cổ điển thì dốt, nhưng về toán học Dobbin tiến bộ khác thường. Toàn thể mọi người rất hài lòng khi thấy cậu bé đứng thứ ba về đại số, và đến kỳ thi giữa mùa hè lại chiếm phần thưởng là một tập sách tiếng Pháp. Giá các bạn được nhìn thấy mặt bà mẹ Dobbin khi ông Swishtail trao quyển truyện Telemaque (truyện hay tuyệt!) cho Dobbin trước toàn thể học sinh trong trường và các vị phụ huynh; trong sách có ghi tặng Gulielmo Dobbin. Toàn thể học sinh vỗ tay tán thưởng. Không sao mà tả được cu cậu đỏ mặt, lúng túng, ngã xiêu vẹo và giẫm lên bao nhiêu là bàn chân bạn, lúc lĩnh thưởng xong trở về chỗ ngồi. Ông bố Dobbin tỏ vẻ kính nể con trai lần này là lần đầu; trước mặt mọi người, ông cho con trai hai ghi-nê. Số tiền này cậu bé tiêu gần hết để thết anh em trong trường một bữa ê hề; sau mấy ngày nghỉ, cậu trở lại trường, mặc một cái áo đuôi tôm.
Dobbin là một cậu bé quá khiêm tốn; cậu không nghĩ rằng tình thế thay đổi tốt đẹp như vậy là nhờ tính cao thượng rộng lượng của chính mình; vì một thói lệch lạc nào đó trong sự suy nghĩ, cậu lại cho rằng chính nhờ có Osborne, giúp đỡ săn sóc nên mới có cái may mắn trên; đối với Osborne, cậu yêu quý hết sức, chỉ có trẻ con mới quý nhau được như vậy…y như tâm tình của anh chàng Orson trong truyện thần tiên đối với kẻ thắng mình là chàng Valentine tuyệt diệu. Có thể nói Dobbin quỳ xuống chân Osborne mà thờ phục cậu bạn nhỏ. Ngay khi hai đứa chơi với nhau. Dobbin đã thầm kính phục Osborne rồi, bây giờ cậu là thằng hầu, là con chó, là anh chàng “Thứ sáu” () của Osborne. Cậu tin rằng Osborne có đủ mọi tài. Osborne xinh trai nhất, can đảm, hoạt động, thông minh nhất, rộng lượng nhất, trong số trẻ con trên đời này. Tiền riêng của cậu, hai đứa cùng tiêu; cậu mua cho Osborne đủ mọi thứ: dao con, hộp bút chì, con dấu bằng vàng, bánh bơ, còi và những cuốn truyện phiêu lưu có những tranh tô màu khổ to, vẽ những hiệp sĩ và bọn cướp; nhiều tranh có đề “William Dobbin tặng bạn nối khố là George Sedley Osborne công tử”. George tỏ vẻ rất nhã nhặn khi nhận vinh dự trên, thấy cũng xứng đáng với giá trị của mình.
Cho nên hôm trung úy Osborne đến công viên Russell để cùng đi chơi Vauxhall, anh ta đã nói với hai cô thiếu nữ và bà mẹ thế này:
– Bà Sedley, thưa bà, bà cho phép chúng con được tự do: con đã mời Dobbin bạn con đến dùng bữa ở đây, rồi cùng đi chơi Vauxhall. Tính anh ấy cũng dút dát như anh Joe .
– Nhút nhát! Xì!
Anh chàng béo, vừa đáp, vừa đưa cặp mắt chiến thắng nhìn sang cô Sharp.
Osborne cười, nói thêm:
– Anh ấy nhút nhát thật đấy. Nhưng Sedley, anh lịch sự hơn nhiều. Tôi gặp anh ấy ở Bedford, lúc đến đây tìm anh. Tôi đã bảo anh ấy rằng Amelia về nhà rồi, và chúng ta đang dự định tổ chức một buổi đi chơi tối; còn bà Sedley thì đã tha thứ cho anh ta về tội đánh vỡ cái bình rượu hồi còn nhỏ. Bà còn nhớ chuyện không may ấy không ạ? Bảy năm qua rồi.
Bà Sedley đáp:
– Làm bẩn hết cái áo lụa màu tím của bà Flamingo. Cái thằng vụng về quá. Mấy cô chị cũng chẳng khéo léo hơn mấy tý. Bà Dobbin hôm qua cũng đến Highbury chơi cùng ba cô con gái. Gớm, mặt với mũi.
Osborne láu lỉnh hỏi:
-Nhà ông cố vấn giàu lắm phải không, bà? Bà xem liệu mấy cô con gái, có cô nào con lấy làm vợ được không?
– Chỉ nói bậy thôi nào. Ai thèm rước cái mặt vàng khè của anh về làm của nợ, anh nói tôi xem?
– Mặt con mà vàng khè? Bà hãy chờ xem mặt Dobbin đã. Anh ta đã ba lần bị bệnh sốt rét, hai lần ở Nassau, một lần ở St. Kitts.
Bà Sedley đáp:
– Được được? Đối với chúng tôi, mặt anh thế là đủ vàng lắm rồi, có phải không, Emmy?
Amelia nghe mẹ nói chỉ đỏ mặt lên mỉm cười; vừa liếc nhìn bộ mặt tai tái xinh trai của Osborne, có điểm một hàng ria mép rất đẹp, đen nhánh, xoăn xoăn và bóng (anh chàng trẻ tuổi vẫn lấy làm hãnh diện vô cùng về bộ ria của mình), cô vừa nghĩ thêm rằng trong quân đội của đức Hoàng đế, và khắp cả thế giới nữa, đố tìm đâu ra một bộ mặt điển trai, hoặc một con người anh hùng như chàng Osborne của cô. Cô nói:
– Tôi chả để ý đến đại úy Dobbin da mặt thế nào, hoặc tính tình vụng về ra sao, có điều chắc là bao giờ tôi cũng quý anh ấy…Đấy là bởi Dobbin là bạn của Giorgiơ và đã bênh vực anh chàng. Osborne nói:
– Trong quân đội, không có người nào tốt hơn, không có sĩ quan nào giỏi hơn, mặc dầu anh ta không phải là một Adonis ().
Đoạn, anh chàng liếc nhìn bóng mình trong gương rất tự nhiên, nhưng thấy đôi mắt của Rebecca cũng đang chăm chú ngó mình, anh ta hơi đỏ mặt. Rebecca thầm nghĩ: “A, ông bạn xinh trai của tôi ơi (), tôi nắm được đúng tẩy của ngài rồi”. Gớm, con bé đến láu cá!
Tối hôm ấy: Amelia vừa đi vừa nhảy nhót bước vào phòng khách; cô mặc một chiếc áo voan trắng, sửa soạn đi chơi Vauxhall, miệng líu lo hát như một con sơn ca, trông tươi tắn như một đóa hồng… bỗng cô thấy một người đàn ông tiến về phía mình và cúi xuống chào một cách vụng về không thể tả được; anh ta người cao lớn, thô kệch, tay chân to tướng, tai rộng bè, bộ tóc đen hớt rất ngắn nên hai tai trông càng to; anh ta mặc bộ binh phục gớm ghiếc, và đội một chiếc mũ vành bẻ tam giác kiểu thời bấy giờ.
Chính là đại úy William Dobbin, thuộc trung đoàn bộ binh thứ…của Hoàng gia; trung đoàn của anh ta đóng ở vùng tây Âu. Vì bị sốt rét vàng da nên anh ta được về nước nghỉ, trong khi các bạn đồng ngũ vẫn còn ở lại để lập công.
Lúc đến, Dobbin đã gõ cửa, nhưng vì nhút nhát nên gõ khẽ quá, trên gác không ai nghe tiếng; nếu không, chắc chắn Amelia chẳng dám bạo dạn vừa đi vừa hát trong phòng. Cho nên cái giọng hát thanh thanh, ngọt ngào mới đi thẳng vào tâm hồn chàng đại úy và nằm lỳ tại đó. Lúc Amelia đưa bàn tay cho anh ta bắt, trước khi nắm lấy, anh ta ngừng lại, nghĩ thầm; “Hừ, có lẽ nào… thì ra cô chính là cô bé mặc áo hồng, tôi còn nhớ gặp mới hồi nào… cái bữa tôi đánh đổ bình rượu, vừa sau khi tôi được đề bạt? Cô chính là người mà Osborne nói chuyện định cưới làm vợ? Trông cô có vẻ tươi tắn lắm nhỉ; cái thằng láo lếu ấy thế mà may mắn ghê?” Những ý nghĩ trên vụt qua óc Dobbin trước khi anh đánh rơi chiếc mũ xuống đất vì vội cầm lấy bàn tay cô thiếu nữ.
Lai lịch anh chàng Dobbin từ khi rời bỏ nhà trường cho đến lúc chúng ta có cái may mắn gặp lại anh ta một lần nữa, nếu các bạn tinh ý thì cứ coi qua mấy trang trên cũng tạm rõ, mặc dầu chưa thật đầy đủ. Ông Dobbin, người bán thực phẩm bị khinh rẻ, đã thành ông cố vấn hành chính Dobbin…rồi cố vấn Dobbin lại trở thành đại tá Dobbin trong đội quân kinh kỵ của kinh đô, lúc này đang nóng lòng thèm được chiến đấu chống bọn Pháp xâm lược.
Đội quân của Dobbin đã được đức Hoàng đế và công tước York duyệt binh; trong đội quân này, ông bố Osborne mới chỉ là một bác hạ sĩ tầm thường; còn ông đại tá kiêm cố vấn hành chính thì đã được ban tước “Hiệp sĩ”. Con trai ông cũng tòng quân và chính Osborne cũng gia nhập cùng vào một trung đoàn đó. Họ đã chiến đấu ở vùng Tây Ấn() và Gia-nã-đại. Trung đoàn của họ vừa trở về nước, bây giờ Dobbin vẫn yêu quý Osborne như xưa, hồi cả hai còn là những cậu học sinh.
Mọi người cùng ngồi xuống dùng bữa. Họ nói với nhau về chuyện chiến tranh, chuyện chiến thắng, về Boney, về công tước Wellington, và về số tạp chí vừa ra. Đang thời buổi huy hoàng đó, cứ mỗi số tạp chí xuất bản lại có đăng một chiến công mới; hai chàng trẻ tuổi dũng cảm vẫn khát khao được thấy tên mình đăng trong bản danh sách vinh quang, và cùng rủa thầm số phận không may đã bắt họ chôn chân trong một trung đoàn đã không có vinh hạnh được mời đến gần trận địa danh dự. Nghe câu chuyện đầy hào hứng ấy cô Sharp thấy sôi nổi hẳn lên, nhưng cô Sedley thì sợ hãi đến gần như khiếp đảm. Joe cũng góp thêm vài câu chuyện săn hổ, anh ta kể nốt câu chuyện về cô Cutler và viên thầy thuốc Lance, tiếp Rebecca đủ mọi món ăn, và chính anh ta cũng vừa ăn lia lịa vừa nốc rượu vô hồi kỳ trận.
Lúc hai cô thiếu nữ rời khỏi phòng, Joe nhảy xổ ra mở cửa, với một dáng điệu vô cùng lịch sự và tình tứ… rồi lại quay vào bàn, tiếp tục rót lấy rượu vang hết cốc này đến cốc khác và nốc lấy nốc để một cách vội vàng. Osborne thì thầm với Dobbin:
– Cu cậu chuẩn bị đấy.
Cuối cùng đến giờ đi chơi Vauxhall, xe ngựa đã sẵn sàng.