Hội Chợ Phù Hoa

Chương 20


Đọc truyện Hội Chợ Phù Hoa – Chương 20

ĐẠi ÚY DOBBIN ĐÓNG VAI SỨ GIẢ CỦA ÔNG TƠ HỒNG

Tự nhiên đại úy Dobbin thấy mình trở thành người thu xếp lo liệu việc nhân duyên giữa George Osborne và Amelia. Không có anh ta, mối duyên khó lòng thành tựu. Anh ta mỉm cười chua chát mà nghĩ thầm rằng trên đời này, kẻ duy nhất phải lo lắng việc ấy lại chính là mình. Tuy việc thu xếp sắp đặt cho hai bên trai gái đối với đại úy Dobbin là một việc khổ tâm nhất, nhưng anh vẫn có thói quen không ngần ngại, không phàn nàn, cứ thực hiện bằng được nhiệm vụ của mình. Anh ta lại yên trí rằng, nếu Amelia không lấy được Osborne, thế nào cô cũng đến chết vì thất vọng; anh ta quyết định phải cứu sống cô bằng được.

Tôi không dám đi vào chi tiết tỷ mỉ của cuộc gặp gỡ giữa Amelia và George khi nhờ có anh bạn thực thà Dobbin can thiệp, George lại được dẫn trở về dưới chân (mà sao tôi lại không dám nói là trong cánh tay) của cô ý trung nhân trẻ tuổi. Nhìn thấy bộ mặt xinh đẹp như thế mà bị nỗi lo âu thất vọng tàn phá, giày vò thê thảm, và nghe Amelia kể lại câu chuyện đau lòng bằng những lời giản dị ngọt ngào, kẻ sắt đá hơn George cũng phải cảm động đến phát khóc ấy chứ. Lúc bà mẹ run run dắt Osborne lại gần, Amelia không ngất đi, chỉ làm dịu bớt cơn sầu muộn bằng cách ngả đầu vào vai người yêu, rồi thút thít khóc. Bà già Sedley vừa lòng quá, bà nghĩ rằng bây giờ là lúc nên để cho đôi trẻ được tự do. Emmy hôn tay người yêu, nước mắt rỏ xuống ướt đầm, dường như George là ông chúa, còn chính cô thì đang cầu xin người yêu tha thứ ban ơn vì cô đã phạm tội gì ghê gớm.

George Osborne lấy làm cảm động và cũng thấy thinh thích trước cử chỉ phục tùng tuyệt đối của người yêu. Anh ta cảm thấy người con gái trung thành, dịu hiền, giản dị này đã là kẻ nô lệ của mình; biết mình có quyền lực, George ta cũng thấy tâm hồn mình rung động. Như một ông chúa ở các nước phương đông, anh ta cảm thấy mình rộng lượng, rất có thể cúi xuống nhấc cô Esther() này đang phủ phục dưới chân mình dậy, đặt lên ngai vàng phong làm hoàng hậu. Không những thế, sắc đẹp ủ dột của cô càng khiến George cảm động nhiều hơn. Cho nên anh ta nâng người yêu dậy và tha thứ cho cô, tạm gọi như thế. Mọi niềm hy vọng và tình cảm của Amelia thì như một bông hoa thiếu ánh sáng, sắc tàn, hương phai, cánh héo, giờ được mặt trời soi đến, lại tươi mơn mởn đầy nhựa sống. Trên nét mặt rạng rỡ của cô hôm nay, không còn nhận được ra vết tích của khuôn mặt nhợt nhạt, âu sầu trằn trọc trên gối đêm qua, khi Amelia không hề chú ý đến bất cứ vật gì xung quanh. Chị hầu gái người Ai len thấy cô thay đổi như vậy cũng vui lây, xin được hôn một cái vào đôi má đột nhiên trở lại hồng hào như xưa. Amelia vòng tay ôm lấy cổ chị ta và như một đứa trẻ, cô hôn chị hầu gái một cái thật nồng nàn ; Amelia vẫn trẻ con lắm. Đêm hôm ấy, cô thiếu nữ ngủ một giấc êm đềm lại sức. Hôm sau, trong ánh nắng sớm, cô thức dậy, khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc. Cô nghĩ thầm: – Hôm nay, thế nào anh ấy cũng đến. Trong đời, không có ai cao quý được bằng anh ấy.

Thì chính George cũng đang nghĩ rằng mình là con người rộng lượng nhất thiên hạ, và nếu mình cưới cô thiếu nữ này làm vợ, tức là đã chịu một sự hy sinh ghê gớm lắm.

Trong lúc Amelia và Osborne đang tỷ tê trò chuyện tay đôi với nhau ở trên gác, thì ở dưới nhà bà cụ Sedley cũng đang cùng đại úy Dobbin bàn tán về câu chuyện của hai người, xem nên thu xếp việc hôn nhân của đôi trẻ thế nào cho tiện. Quả là một người đàn bà thực sự, sau khi cho đôi trẻ gặp nhau, bà Sedley đích thân cho phép hai người thả sức hôn nhau đằm thắm; nhưng bà hiểu tính chồng, biết rằng không khi nào ông Sedley chịu gả con gái cho con trai kẻ đã đối xử với ông một cách hèn hạ đê tiện, đáng khinh như thế. Bà cụ kể lại tỷ mỉ những câu chuyện cũ, hồi gia đình bà làm ăn còn phát đạt… trong khi ông Osborne vẫn sống rất khổ cực trong một căn nhà ở Phố Mới. Một lần bà Osborne sinh con, bà Sedley gửi cho những quần áo của Joe mặc thừa; bà bạn nhận món quà mà sung sướng quá. Bà tin rằng chồng mình rất đau khổ trước thái độ vô ơn quái gở của con người kia, hẳn không khi nào ông ưng thuận cho hai trẻ lấy nhau, chắc chắn không khi nào. Dobbin cười nói:

– Thưa bà, vậy thì họ chỉ có một cách là đi trốn, bắt chước đại úy Rawdon Crawley và cô giáo dạy trẻ bạn của Emmy vậy.

– Cái gì? Có thể nào như thế được? Không bao giờ.

Bà cụ Sedley nghe nói bối rối quá. Ước gì bà Blenkinsop có mặt ở đây mà nghe chuyện nhỉ. Bà Blenkinsop vẫn không ưa gì cô Sharp… May quá, Joe không rơi vào tay cô ta; và bà kể lại câu chuyện tình duyên mới bén giữa Rebecca và anh chàng ủy viên tài phán quận Boggley Wollah.

Dobbin không sợ ông cụ Sedley giận dữ bằng ông bố của George. Anh ta công nhận rằng mình rất nghi ngại về thái độ của vị sa hoàng lông mày rậm tức là nhà đại thương gia ở khu phố Russell. Dobbin nghĩ thầm: “Ông lão đã dứt khoát phản đối cuộc hôn nhân rồi”. Anh ta biết tính Osborne rất cương quyết, đã định là làm. Anh suy tính: “George chỉ còn một hy vọng duy nhất là sẽ lập nên chiến công trong cuộc chiến tranh sắp nổ ra để cha tha thứ. Nếu anh ta chết, cô ấy cũng không sống được! Nghe nói anh ta có một ít tiền mẹ chết để lại cho… có thể mua được một chân thiếu tá, cũng có thể bán lại cái lon đại úy, di cư sang Canada làm ăn, hoặc yên trí về quê sống trong một túp lều tranh mà làm ruộng cũng ổn. Dobbin thầm nghĩ có cô vợ như thế thì đến cùng trời cuối biển cũng không sao; giá có phải đi Siberia cũng cứ vui như thường. Có điều lạ là anh chàng mộc mạc, dại dột này không hề nghĩ rằng nếu thiếu điều kiện để cưỡi một chiếc xe ngựa đẹp, hoặc kém số thu hoạch không thết đãi được bạn bè cho sang trọng, thì cuộc hôn nhân giữa Giorbgiơ và cô Sedley cũng rất có thể bị gàn quải.

Chính vì suy tính như thế, nên Dobbin thấy cần mau chóng thu xếp cuộc nhân duyên cho xong, càng sớm càng hay. Không biết có phải anh ta muốn công việc kết thúc nhanh cũng như người ta thường muốn lo liệu việc tang ma cho sớm chu tất khi trong nhà có người chết, hoặc khi bắt buộc phải chia ly với ai thì mong cho giờ chia tay mau tới? Chỉ biết rằng Dobbin hết sức quan tâm săn sóc đến việc hôn nhân của bạn. Anh khuyên bạn nên hành động ngay, lại gợi ý cho bạn rằng, nếu trên mặt báo có đăng tin George được thăng thưởng, sẽ có nhiều hy vọng là được ông bố tha thứ chuyện cũ. Nếu cần, Dobbin tình nguyện đích thân đến giáp mặt cả hai bên cha mẹ để lo liệu công việc. Tóm lại, Dobbin khuyên bạn nên giải quyết mọi việc trước khi lệnh xuất phát ban hành, vì ai cũng thấy rõ trung đoàn thế nào cũng được lệnh rời nước Anh ra chiến đấu ở ngoại quốc.

Bà Sedley rất tán thành ý kiến của Dobbin; bà cũng không ngại vì vậy mà xích mích với ông chồng. Tính toán đâu vào đấy, Dobbin tìm đến gặp ông John Sedley tại quán cà-phê Tapioca; từ khi những văn phòng riêng bị đóng cửa, ông lão vẫn lấy nơi này làm chỗ viết và nhận mọi thứ giấy tờ, ông cụ thường gói tất cả giấy tờ lại thành những bọc bí mật, thu thu trong vạt áo choàng mang đi. Không có cái gì bi đát hơn là những cuộc vận động, những sự thu xếp đầy bí ẩn của một kẻ bị phá sản. Những lá thư ký tên những người giầu có, những tờ giấy dính nhờn mồ hôi toàn những lời an ủi, hoặc hứa hẹn giúp đỡ mà ông lão đặt biết bao hy vọng vào đó. Trong cuộc sống, bạn đọc thân mến hẳn đã có lần gặp một người bạn không may như thế. Anh ta kéo bạn ra một góc nhà, lôi trong túi áo một bọc giấy má, cởi nút buộc, răng vẫn còn cắn một đầu dây vội vã giơ cho bạn xem một lá thư chờ đợi đã bao lâu nay vừa nhận được; và bạn quên sao được đôi mắt tha thiết buồn rầu tuyệt vọng của anh ta chăm chú nhìn bạn?


Dobbin đã nhìn thấy ông John Sedley, con người giầu có vui vẻ yêu đời xưa kia, bây giờ trở thành như vậy đấy. Bộ áo trước kia lúc nào cũng mới nguyên, bây giờ bạc phếch, sờn rách, trơ các khuy bằng đồng ra. Bộ mặt già xọm đi, râu ria mọc tua tủa. Chiếc cổ áo và chiếc cà vạt nhầu nát rũ rượi rủ xuống chiếc gi-lê đã trở thành quá rộng. Ngày trước, mỗi khi thết đãi George và Dobbin ở tiệm cà phê, ông lão thường vui vẻ cười nói ầm ĩ hơn tất cả mọi người; bọn hầu bàn hay xúm xít quanh ông. Bây giờ trông ông lão ngồi thu mình một cách tối tăm trong quán Tapiôca mà thảm quá. Một bác hầu bàn có tuổi mắt lờ đờ đứng cạnh; bác ta đi đôi tất bẩn thỉu, xỏ vào một đôi giầy há mõm, công việc của bác ta là đưa xi gắn thư, đưa mực đựng trong cái lọ bằng chì, và giấy cho khách. Trong quán nước tiêu điều này, hình như khách chỉ dùng có ngần ấy thứ. Hồi Dobbin còn nhỏ, ông già Sedley vẫn thường cho tiền ăn quà, sau này nhiều khi ông vẫn ưa đem anh ta ra giễu cợt cho vui; nhưng bây giờ gặp lại, ông già dè dặt chìa tay ra bắt, có vẻ hơi khúm núm, và gọi anh ta bằng “ngài”. Thấy ông lão tiếp đãi và xưng hô như thế, William Dobbin cảm thấy ngường ngượng và hối hận, y như chính mình có tội trong việc ông Sedley phải hạ mình vì bị phá sản như vậy.

– Thưa ngài đại úy Dobbin, rất vui mừng được gặp ngài.

Ông lão buồn rầu nhìn anh nói vậy. Vóc dáng gày gò và bộ quân phục của Dobbin khiến cho đôi mắt lờ đờ của bác hầu bàn sáng lên vì tò mò, và người đàn bà mặc áo đen đang ngồi ngủ gật giữa đống chai cốc cũng như choàng tỉnh dậy.

– Cụ cố vấn nhà ta và phu nhân sinh ra ngài có được mạnh khỏe không?

Vừa nói tiếng “phu nhân”, ông lão vừa quay ra nhìn bác hầu bàn như muốn thanh minh rằng “John, anh thấy không, tôi vẫn còn có bè bạn trong giới thượng lưu đấy”.

– Ngài định yêu cầu tôi việc gì hẳn? Hai ông bạn trẻ của tôi, ông Dale và ông Spiggot bây giờ thay mặt tôi điều khiển mọi công việc cho tới khi nào tôi thiết lập văn phòng mới. Thưa đại úy, ngài hiểu cho rằng tôi chỉ làm việc tại đây tạm thời. Tôi có thể giúp ngài điều gì nhỉ? Ngài dùng chút gì chăng?

Dobbin ngần ngại đáp rằng mình không thấy đói, không khát, cũng không có việc làm ăn gì cần điều đình, chỉ muốn đến hỏi thăm sức khỏe của ông Sedley và bắt tay với ông bạn già, thế thôi. Anh ta nói tiếp, hoàn toàn không đúng sự thật:

– Bà cụ tôi vẫn mạnh… nghĩa là vừa ốm khỏi. Mẹ tôi định hôm nào đẹp trời thì sang thăm cụ bà Sedley bên nhà. Cụ bà hồi này thế nào, vẫn khỏe mạnh chứ thưa cụ?

Anh ta ngừng lại, ngẫm nghĩ về câu nói giả dối của mình, bởi vì chính ngày hôm ấy trời đang rất đẹp, nắng chan hòa rực rỡ. Dobbin nhớ rằng mới cách đây một tiếng đồng hồ, anh ta vừa gặp bà Sedley xong, vì anh ta đánh xe đưa Osborne đến phố Fullham rồi về trước để bạn lại ở trò chuyện với Amelia. Ông Sedley rút bọc giấy má ra, đáp:

– Bà nhà tôi rất sung sướng được gặp phu nhân nhà ta. Tôi vừa tiếp được lá thư của cụ thân sinh ra ngài, chúc cụ luôn vui mạnh. Dobbin phu nhân sẽ thấy bây giờ nhà của chúng tôi chật chội lắm, không được như xưa đâu, nhưng cũng ấm cúng; kể thay đổi không khí một chút thì sức khỏe của con gái tôi cũng khá hơn; nó ở thành phố không hợp lắm… ngài còn nhớ con bé Emmy không nhỉ?…Vâng, dạo này nó yếu lắm.

Ông lão vừa nói vừa nhìn quanh quất, có vẻ lơ đãng, mấy ngón tay gõ nhịp trên tập giấy, loay hoay với sợi dây đỏ buộc gói giấy má. Ông tiếp:

– Ngài là một nhà quân sự. Vậy xin hỏi ngài có ai ngờ rằng cái thằng dân đảo Corse chó đẻ kia lại trốn khỏi đảo Elba mà về được không? Ngài nghĩ xem, năm ngoái, khi các vị hoàng đế châu Âu họp mặt ở đây, cái hồi chúng ta có thết tiệc các vị ở khu City ấy, rồi xem tòa kỷ niệm Đoàn kết, xem đốt pháo bông, xem chiếc cầu xây theo lối Trung Quốc ở công viên St.James, thì có ai điên rồ mà không tin rằng chiến tranh đã thực sự chấm dứt? Mà chúng ta đã hát bài “Te Deum” cầu nguyện rồi kia mà? William, tôi xin hỏi ngài rằng có ai ngờ hoàng đế nước Áo lại là một tên phản bội… một tên phản bội không hơn không kém? Tôi cứ gọi đúng tên, hắn chỉ là một thằng phản bội, sấp mặt, xảo quyệt. Tôi tin rằng việc Bonaparte trốn thoát khỏi đảo Elba là do một âm mưu khốn nạn; và một nửa số cường quốc ở Âu Châu đã nhúng tay vào, cốt để hạ giá thực lợi và làm cho nước ta phá sản. Chính vì vậy mà tên tôi bị bêu trên mặt báo “Tin tức”. Ngài xem… chính vì tôi tin tưởng vào hoàng đế nước Nga, và Hoàng tử nhiếp chính của ta. Ngài nhìn xem giấy má của tôi đây. Ngày mùng một tháng ba, giá cổ phiếu là ngần này… lúc ấy tôi mua cổ phiếu của Pháp chịu lãi năm phần trăm. Bây giờ mất sạch. Thưa ngài, nhất định phải có âm mưu, nếu không thằng khốn nạn ấy trốn về sao được. Viên cao ủy người Anh đã để nó trốn thoát đâu rồi. Phải bắn lão ta mới được… phải đem ra tòa án binh xử, và bắn; lạy Chúa.


– Thưa cụ, chúng ta sắp săn được Bonaparte rồi…

Dobbin thấy ông lão giận dữ cũng hơi hoảng. Những mạch máu trên trán ông già nổi lên chằn chặn; ông lão đấm tay thình thình xuống bó giấy.

– Chúng ta sắp đuổi cổ được hắn. Đạo quân của Quận công hiện đã sang Bỉ. Chúng tôi cũng đang đợi lệnh xuất phát.

Ông Sedley gầm lên:

– Đừng cho nó đầu hàng. Phải chém đầu nó mang về, thưa ngài. Bắn cho nó chết, thưa ngài. Tôi cũng muốn tình nguyện ra trận…nhưng tôi già yếu quá rồi…tôi bị phá sản vì cái thằng chó má ấy…và vì cả một bọn lừa đảo đang nghênh ngang xe ngựa mà chính tôi đã giúp chúng mở mày mở mặt.

Giọng nói của ông lão nghẹn ngào. Thấy ông già gần như phát điên vì cơn tai họa giận dữ gào thét. Dobbin không khỏi mủi lòng. Ôi, xin các bạn hãy thương lấy con người sang trọng bị sa sút kia, vì trong Hội chợ phù hoa này, bạn cũng như họ, cũng chỉ có tiền bạc và tiếng tăm là của cải duy nhất. Ông lão tiếp:

– Đúng lắm, tôi đã ấp ủ những con rắn độc để chúng quay lại cắn tôi. Tôi đã đặt mấy thằng ăn mày lên lưng ngựa để chúng xô ngã chính tôi xuống đường. William Dobbin, chắc ông biết tôi định nói ai chứ. Tức là cái thằng trọc phú khốn nạn ở khu phố Russell ấy; hồi tôi biết nó, nó không có lấy một xu dính túi. Bây giờ tôi chỉ cầu mong cho nó lại nghèo đi như một thằng ăn mày giống như cái hồi tôi mới dám đánh bạn với nó.

Dobbin lo lắng đi ngay vào vấn đề:

– Thưa cụ, tôi cũng đã nghe anh George bạn tôi nói qua về chuyện ấy. Việc xích mích giữa cụ và ông thân sinh ra George khiến anh ấy rất khổ tâm. George nhờ tôi đến thưa cùng cụ một câu chuyện.

Ông già đứng phắt dậy, kêu lên:

– Ồ ông đến nói hộ nó? Thế nào, nó gửi lời hỏi thăm tôi thật à? Thế thì nó tốt quá đấy, cái thằng kiêu ngạo khệnh khạng, cái thằng công tử bột, cái thằng ba hoa ở West End. Nó còn định lảng vảng đến nhà tôi phỏng. Thằng con trai tôi nếu xứng đáng là người thì phải cho nó một phát đạn. Bố con nó khốn nạn không kém gì nhau. Không bao giờ tôi còn muốn nghe nhắc đến tên nó trong gia đình tôi. Tôi nguyền rủa cái ngày tôi để cho nó bước chân vào trong nhà. Thà con tôi chết ngay trước mặt tôi còn hơn lấy nó làm chồng.


– Thưa cụ, cha George xử tệ, đâu có phải lỗi tại anh ta? Cô Amelia yêu anh ấy cũng là do cụ một phần. Sao cụ nỡ chơi đùa với tình cảm của họ, và tự ý đang tay phá vỡ hạnh phúc của họ?

Ông Sedley kêu lên:

– Ông hãy nhớ cho rằng không phải là bố nó cắt đứt cuộc nhân duyên này đâu nhé. Chính tôi cấm chúng nó lấy nhau đấy. Gia đình tôi và nhà ấy vĩnh viễn không nhìn thấy mặt nhau nữa đâu. Tôi bị sa sút thật… nhưng không đến nỗi hèn hạ quá như thế… Nhờ ông bảo vào mặt cả bọn chúng…cả bố con chị em nhà chúng nó như thế hộ.

Dobbin đáp khẽ:

– Thưa cụ, theo tôi nghĩ thì cụ không thể, cũng không có quyền chia rẽ họ. Nếu cụ không cho phép, tôi thấy Amelia có nhiệm vụ lập gia đình không cần có sự đồng ý của cụ. Không có lý gì vì cụ nghĩ quẩn mà cô ấy phải chết, hoặc có sống cũng khổ sở cực nhục. Theo ý tôi, như vậy cô ấy cũng coi được như đã cưới xin đầy đủ rồi. Vả chăng đối với những lời ông Osborne nhục mạ cụ, còn có câu trả lời nào hay hơn là chính con trai ông ấy lấy việc được làm rể cụ là một vinh dự?

Nghe lý luận như vậy, trong mắt ông già Sedley thấy thoáng hiện cái gì như một sự hài lòng. Song ông lão vẫn cứ khăng khăng một mực không thuận cho George và Amelia lấy nhau.

Dobbin mỉm cười nói:

– Vậy thì chúng tôi xin cứ tự tiện làm, dù không có sự ưng thuận của cụ.

Và anh ta kể lại chuyện Rebecca đi trốn cùng đại úy Crawley cho ông lão nghe, như đã kể cho bà Sedley nghe ngày hôm trước. Ông già có vẻ thú vị. Ông ta buộc lại gói giấy, đáp: “Mấy ông đại úy, các ông ghê gớm thật”. Trên môi ông già thoáng nở một nụ cười. Bác hầu bàn mắt lờ đờ vừa bước vào thấy thế rất kinh ngạc, vì từ trước đến giờ, bác chưa hề thấy ông Sedley vui vẻ như thế trong cái tiệm rượu lúi xùi này. Có lẽ ông già được an ủi đôi chút, khi nghĩ rằng mình có thể trả miếng kẻ thù một vố. Ông ta và Dobbin nói chuyện xong, chia tay nhau như một đôi bạn thân thiết lắm.

*

George vừa cười vừa nói:

– Chị anh và em anh bảo rằng cô ta đeo những viên kim cương to bằng quả trứng chim bồ câu một Đeo như thế chắc tôn thêm màu da lắm nhỉ. Quàng thứ trang sức ấy vào cổ trông tha hồ mà lộng lẫy. Bộ tóc huyền của cô ta xoăn tít như tóc Sambo. Anh dám cam đoan rằng khi vào Hoàng cung, cô ta đeo cả vòng mũi đấy; giá cắm thêm mấy cái lông chim vào búi tóc thì đích thị là một “Mỹ nhân man rợ”().

George đang chuyện trò với Amelia, anh ta giễu cợt một cô thiếu nữ mà cha và hai chị em gái của anh ta mới làm quen, và tỏ vẻ rất kính nể. Người ta đồn cô gái này có không biết bao nhiêu là đồn điền tại Tây Ấn, rất nhiều vốn liếng gửi ngân hàng, và một số tiền lớn góp vào cổ phần của Công ty Đông Ấn Độ. Cô ta có một tòa nhà lộng lẫy ở Surrey, một biệt thự ở quảng trường Portland.


Báo “Tin tức buổi sáng” đăng tên người con gái triệu phú này và không ngớt lời tán tụng. Bà Haggistoun, vợ đại tá Haggistoun đã quá cố, giữ vai trò “bạn tâm tình” của cô này; bà ta quản lý tòa biệt thự. Cô thiếu nữ vừa rời khỏi nhà trường; George cùng hai em vừa gặp cô ta tại một buổi dạ hội tổ chức tại nhà ông già Hulker tại quảng trường Devonshire (Công ty Hulker và Bullock từ lâu vẫn có quan hệ thư từ với gia đình cô ta ở Tây Ấn). Hai cô thiếu nữ săn đón làm quen ngay.

Cô gái triệu phú cũng tỏ ra rất có cảm tình với họ. Hai cô thiếu nữ nhà Osborne thấy rằng một người con gái mồ côi ở cương vị như cô ta…nhất là lại rất giầu…thật đáng chú ý lắm lắm. Dự buổi dạ hội nhà Hulker về, hai cô chỉ luôn mồm nói chuyện về người bạn mới quen với bà Wirt, người hầu cận. Hai chị em dự định tiếp tục đi lại, ngay hôm sau cho đánh xe đến thăm cô bạn mới. Bà đại tá quả phụ Haggistoun có họ với bá tước Binkie. Bà luôn mồm nhắc đến tên ông này, và cho là hai cô gái dại dột này chơi trèo cứ hay nói đến những nhà tai mắt bà ta quen biết. Nhưng cô Rhoda thì cũng là người đáng quý, rất thẳng thắn, ngọt ngào, dịu dàng…tuy có kém phần lịch thiệp nhưng thật là tốt bụng. Mấy cô thiếu nữ xưng hô thân mật với nhau ngay lập tức; Osborne cười, nói:

– Emmy, giá em được trông thấy cô ta ăn mặc thế nào khi vào triều. Cô ta đến thăm chị gái và em gái anh để khoe bộ áo, trước khi theo Binkie bá tước phu nhân, người có bạn họ với bà Haggistoun, vào triều. Cô ta đeo kim cương sáng rực lên như đèn hội ở Vauxhall trong cái đêm chúng mình đến chơi ấy. Em có nhớ cái đêm ở Vauxhall anh Joe hát cho “cô em be bé xinh xinh” nghe không? Kim cương chọi với gỗ đào-hoa-tâm (), em thử xem có nổi không. Lại còn mớ lông trắng gài trên mái tóc đen nhánh nữa cơ chứ…Anh muốn nói là gài trên mớ len của ta ấy. Đôi hoa tai thì to như hai cây đèn; có thể thắp lên được, lạy Chúa… và cái đuôi áo sa tanh vàng quét lướt thướt sau lưng như cái đuôi sao chổi.

– Cô ấy bao nhiêu tuổi, hả anh?

Emmy hỏi George; cái buổi sáng ngày tái ngộ đầu tiên ấy anh chàng cứ liến thoắng kể chuyện về cô thiếu nữ da không trắng này liến thoắng không ai theo kịp được.

– À, tuy vừa rời khỏi nhà trường, nhưng cô công chúa đen ấy cũng phải ngót nghét hai mươi hai, hai mươi ba rồi. Gớm, chữ cô ta viết mới tởm chứ! Thường thì bà đại tá Haggistoun vẫn viết thư hộ, song trong những lúc thân mật cô ta cũng đích thân viết thư cho Jane và Maria. Sa-tanh, cô ta viết là “sát-tin”, thánh James thì viết thành thánh “Jam”!

– Thế thì đúng là cô Swartz, cô bạn học nội trú của em rồi. Emmy nhớ ngay đến cô gái lai da đen rất tốt bụng kia; khi Emmy từ biệt trường học của bà Pinkerton, cô này rất xúc động, George đáp:

– Chính tên cô ta đấy. Bố cô ta là một người Đức lai Do thái… Họ đồn rằng làm nghề buôn nô lệ… giao du mật thiết với bọn mọi ăn thịt người. Ông bố chết năm ngoái, bà Pinkerton hoàn thành việc giáo dục cho cô ta. Cô ấy chơi đàn dương cầm được hai bài, biết hát ba bài; cũng có thể viết thư được, nếu có bà Haggistoun ngồi cạnh đánh vần hộ; thế mà Jane và Maria đã quý cô ta như chị em ruột rồi đấy.

Emmy buồn rầu đáp:

– Ứớc gì họ cũng quý em như vậy? Họ đối với em lạnh nhạt quá.

George đáp:

– Em ơi, nếu em có hai mươi vạn đồng hồi môn thì họ vồ vập em ngay. Họ vẫn quen được giáo dục như vậy đấy. Gia đình anh quen sống trong một xã hội tiền trao cháo múc, giữa những ông chủ ngân hàng, những nhà tài phiệt lớn ở khu City: bất cứ người nào trong bọn họ nói chuyện với ai cũng phải xóc xóc cái túi cho tiền kêu sủng xoảng. Trong đám này có một thằng đần độn tên là Fred Bullock sắp lấy Maria… có lão Goldmore, giám đốc công ty Đông Ấn, có lão Dipley buôn sáp, nghề của gia đình anh đấy- George đỏ mặt cười có vẻ hơi ngượng – Trời vật tất cả cái bọn chỉ biết có tiền ấy đi! Ngồi ăn tiệc với chúng nó mà anh chỉ muốn ngáp ngủ. Phải dự những buổi tiếp cái bọn khách ngu đần của cha anh mà anh phát ngượng lên. Emmy ạ, anh đã quen sống với những người quý phái, những người lịch sự, anh thích thế nào được cái bọn con buôn rửng của ấy. Người vợ yêu quý của anh ơi, em là người đàn bà duy nhất trong cái giai cấp của chúng ta mà biết suy nghĩ, nói năng và có dáng điệu của một bậc mệnh phụ, mà hết sức tự nhiên, vì em là một thiên thần, không thể có các cử chỉ khác. Em đừng cãi; đích thực em là một mệnh phụ duy nhất. Thì chính bà Crawley vẫn đi lại trong giới quý tộc Âu châu cũng phải nhận thế cơ mà? Còn cái thằng Crawley trong đội Ngự lâm quân…quả đáng tội, thằng ấy khá lắm. Anh rất phục nó dám lấy người con gái mà nó tự chọn đấy. Amelia cũng rất kính phục Crawley vì chuyện ấy; cô tin rằng Rebecca sẽ có hạnh phúc; cô vừa cười vừa tỏ ý hy vọng Joe sẽ quên mối tình cũ. Đôi tình nhân cứ thế trò chuyện mặn mà với nhau, y như “ngày xưa” vậy. Bây giờ Amelia rất yên tâm, mặc dù ngoài miệng cô tỏ ý ghen với cô Swartz; cô nói rằng chỉ sợ George bỏ mình mà đi theo cô gái triệu phú với số vốn và cái gia sản ở Saint Kitt ấy – cô bé chả thật thà tý nào – Nhưng thực ra cô đang sung sướng quá, chẳng kịp lo lắng, ngờ vực, hiểu lầm gì hết. Lại được có George bên cạnh mình, cô thiếu nữ cảm thấy không sợ bất cứ nỗi nguy hiểm gì, bất chấp, cả những cô gái triệu phú hoặc những cô gái mỹ miều.

Buổi chiều, khi đại úy Dobbin trở lại thăm họ – anh rất mến đôi tình nhân này – thấy Amelia như trẻ lại anh ta cũng thấy lòng phấn khởi. Cô thiếu nữ lại nhí nhảnh vui cười, lại chơi dương cầm và hát những bài hát cũ, bỗng nghe có tiếng chuông reo bên ngoài báo ông Sedley đã ở khu City trở về. Amelia thôi hát và George nhận được hiệu cũng vội lủi mất.

Sau khi mỉm cười chào Dobbin – một nụ cười gần như giả dối, vì cô cho rằng anh chàng đến chơi không đúng lúc – cô Sedley suốt buổi chẳng buồn nhớ rằng anh chàng có mặt hay không nữa; nhưng Dobbin cũng rất vui lòng vì thấy Amelia sung sướng, càng bằng lòng hơn vì thấy sự sung sướng ấy là do chính mình đem lại.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.