Bạn đang đọc Học Sinh Chuyển Lớp (Phần 2) – Chương 3: Dự Báo
Mặc dù nói cứng với thằng Hoàng, nhưng tôi đủ thông minh để nhận ra rằng
tình cảm là một thứ cần được vun đắp liên tục bằng cách nào đó. Đã hai tháng rồi tôi chưa hề gặp Dung một lần, trong lòng cũng lo sợ ít nhiều..
-Lo mà gặp Dung đi-Nguyệt nói với tôi khi hai thằng bạn đang khoác vai nhau đi trước một đoạn đủ xa.
-À…ừ..!-Tôi luống cuống khi Nguyệt đọc trúng tâm trạng của mình.
-À, ừ cái gì, ngốc thế, Dung lo lắm đấy-Nguyệt vẫn thản nhiên để mặc mặt tôi gần như nghệt ra..
-…..!
-Sao nữa, có chuyện gì hả?-Nguyệt dừng lại đứng chờ tôi. Tôi đang đứng im như trời trồng suy nghĩ.
-Đừng cho thằng Hoàng biết chuyện giữa Dung và Tín nhé!-Tôi vẫn muốn cho thằng bạn thân bất ngờ đến phút chót..
-Ừ, nhưng đừng có quá đấy, không mất lúc nào không hay đấy nhé-Nguyệt mỉm cười nhưng quả thật lời nói có sức nặng nhất định.
-“Mất lúc nào không hay?”!
-“Mất lúc nào?”
-Thôi về sớm đi, nhớ lời Nguyệt nói đấy!
Tôi vừa đi vừa thả hồn vào màn đêm càng đen đặc. Đầu óc vẫn băn khoăn câu nói của Nguyệt.
-“ Chắc không bao giờ đâu”!.
Tôi hít hơi dài, buồng phổi căng tràn khí, ưỡn ngực tự tin. Cái tự tin của một thằng con trai kiêu ngạo, hay là sự tự tin vào tình cảm của mình với Dung đã vững chắc đến không có gì có thể chia cắt nổi. Dù lý do gì, thì việc tôi đánh mất Dung là chuyện không thể nào xảy ra được.
Mặc dù độc thoại nội tâm một cách cứng cáp như thế, nhưng tôi vẫn phải phòng hờ một số trường hợp. Ví dụ như hôm nay đi học Hoá với Ngữ Yên.
-Hôm nay có đi quá giang Yên nữa không?-Ngữ Yên với tôi vẫn ngồi cái bàn cuối cùng chỉ có hai đứa.
Và trong đầu tôi liên tưởng tới cái cảnh, tôi và Ngữ Yên đang đạp xe tung tăng thì gặp Dung. Và cái giấc mơ hão huyền về cảnh hai người lao vào nhìn nhau toé lửa là điều không thể tránh khỏi.
Não bộ nhanh chóng hoạt động, từ chối cũng phải có chút gì đó “nghệ thuật”:
-À, không….Tín ở lại hỏi cô mấy cái này xíu, Yên về trước đi..!
Nghệ thuật đó chỉ có thể đối đáp để cho đối phương không cảm thấy hụt hẫng, chứ thực ra Ngữ Yên thừa biết tôi đang từ chối cô nàng. Có gì mà hỏi khi bài vở trên lớp tôi hoàn tất một cách nhanh chóng. Vì thế mặt Ngữ Yên thoáng chút gì đó buồn bã, nhưng rất nhanh biến mất như chưa từng xuất hiện.
-Ừ, vậy thôi, Yên về trước..Tín về nhanh kẻo muộn bus nhé..!
Cô nàng nhanh chóng lướt qua tôi, để lại chút hương vị khó tả, hương vị đan xen giữa giận dỗi và quan tâm. Ngữ Yên nhanh chóng khuất sau cánh cổng để lại tôi đứng nghệt mặt ra nhìn theo.
-Chưa về hả em-Cô giáo đứng đằng sau tôi từ lúc nào!
-Dạ, em về ngay bây giờ đây Cô-Tôi tức tốc xách chiếc balo rồi hộc tốc chạy nhanh ra khỏi lớp.
-“Chắc Ngữ Yên không giận mình đâu nhỉ?”.
Ngữ Yên luôn là thế, luôn âm thầm dõi theo tôi, luôn âm thầm quan tâm. Luôn âm thầm chịu tổn thương một mình. Nhưng chưa bao giờ thốt ra một lời trách cứ tôi. Tôi biết rằng Yên có tình cảm với mình, điều đó làm tôi trở nên là một người đặc biệt. Nhưng với tôi, Dung là người chiếm giữ vị trí quan trọng hơn, đặc biệt hơn..Thế nên, theo thời gian, Ngữ Yên hẳn phải chịu nhiều tổn thương hơn, và điều đó đẩy tôi vào tình thế khó xử .
Vậy là phần đầu cho kế hoạch “vun đắp tình cảm” đã được thực hiện bước đầu tiên. Bước thứ hai cũng là bước cuối, gặp lại Dung. Nhưng đây cũng là bước khó nhất.
Chẳng là khoảng cách địa lý nhà Nàng với nhà tôi chẳng phải là dậu mồng tơi xanh rờn mà tận gần tám cây số chứ chẳng chơi. Hầu như lịch học của tôi, mẹ tôi đều nắm cả. Nếu mà có trốn đi đâu trễ giờ cơm, có lẽ tôi còn bị cấm vận mất cả quyền lợi đá banh luôn ấy chứ:
-Năm 12 rồi, không chơi bời gì hết nữa, một tháng trong Sài Gòn chơi đã rồi đấy, lo học đi!
Hoặc, Mẹ tôi lên tiếng:
-Trưa học về thì về nhà, lo cơm nước, trốn đi chơi thì anh biết tay tôi!
Đấy, cứ như thế thì có cho vàng tôi cũng chẳng dám trốn đi đâu quá giờ quy định. Thế nên bước thứ hai, chỉ im lặng và chờ thời cơ. Và thường cái gì càng nung nấu thực hiện, thì khi có cơ hội, người ta sẽ nắm bắt rất nhanh.
-Thứ 5 tuần này, các em nghĩ nhé, thầy có chuyện riêng giải quyết nên sẽ bù vào tuần sau-Thầy chủ nhiệm của tôi thông báo khi buổi học thêm Toán cũng vừa kết thúc.
-Ồ, ồ, hay quá rồi…!- Tôi hét toáng lên khi Thầy vừa dứt lời, có lẽ niềm vui sướng không kịp kiềm chế, khiến cho tôi là đứa đầu tiên, cũng là đứa duy nhất đang không hoãn được sự sung sướng lại.
-Vui lắm hả Tín, thế học bình thường nhé-Thầy tôi nở nụ cười chọc tôi.
-Ấy ấy, lời nói Thầy có sức nặng ngàn cân, không phải chứ Thầy-Tôi bắt đầu xuống nước nịnh với năn nỉ.
-Chịu học trò luôn, vậy nhé các em, thứ 5 nghỉ.-Thầy tôi lần này dứt khoát, tôi thở phào nhẹ nhõm, không dám hào hứng quá như trước.
Thầy vừa đi khuất, Kiên cận đã quay xuống ngay:
-Tính đi đâu hả mày?
-Sao mày biết?-Tôi ngu ngơ mà không biết thằng bạn đang gài bẫy mình.
-Chuyện, tao đi dép lào trong bụng mày mà!-Nó vỗ vai tôi, như một kẻ bề trên vừa nắm đuôi được thằng đệ tử vậy.
-Ê, có thông tin cần bán ày đây-Thằng Phong Mập hào hứng gia nhập.
-Có gì hot, big, big zero..?
-Ra quán nước mía đi-Lại thêm một thằng bạn nắm được yếu điểm của tôi.
Với bộ môn Toán, nhóm của chúng tôi chia đôi. Nhóm tôi theo Linh Vẹo “lên rừng” bao gồm: tôi, Kiên cận, Phong Mập, Hưởng đù và Hà. Còn lại theo Dung “xuống bể” đi học ở thầy khác. Thế nên, hội nghị cấp cao G10 nay chỉ còn G6, tức sáu thằng quây quần bên bàn nước mía.
-Thông tin gì cần bán, giá cả nhiêu?-Tôi hấp tấp hỏi ngay Phong Mập.
-Không gì phải nôn nóng, từ từ khoai mới nhừ.
Thằng Mập như thể hiện mình là nhất đại tông sư, uống nước mía như uống nước trà, khẽ gật gù cả lũ tán đồng. Rõ ràng là chúng nó đang giở trò chơi giờ giây thun với tôi.
-Dẹp ngay cái mía đạo của tụi mày đi, nhanh lên, úp úp mở mở gì thế?- Tôi không chịu nổi, phải nhận thua trước.
-Ờ…!
-….!-Một khoảng lặng.
-Thì…!
-…..!
-Không có gì hết.- Phong mập lại tỉnh ruồi.
Không khí từ im lặng, chuyển qua ào ào như chợ vỡ, tôi vớ ngay cây mía lùa thằng bạn chạy như vịt, trước khi đá đít nó được vài cái. Nó hổn hển thở dốc, trở về chỗ ngồi, uống nước mía như cái hạm, vứt luôn cái kiểu trà đạo của nó qua một bên.
-Thứ 5, Dung học ra trước mình nửa tiếng đồng hồ, tức 9h30, mày canh giờ mà lên con ạ!
-Ừ, còn gì nữa không!
-Không, thỉnh thoảng Dung gọi điện hỏi tao rằng mày đi đâu thôi.
Chợt mặt tôi chuyển sang màu đỏ, chút gì đó ngại ngùng, và chút gì đó hạnh phúc tự hào. Có một “hồng nhan” quan tâm mình như thế thì còn gì bằng cơ chứ.
-Ờ, xong cái tin, giờ mày khao tao nước mía nhé!
-Ờ…chờ tao tí!
Tôi từ từ, với tay chạm cái balo, rồi phóng vút ra trạm xe bus, trước khi lũ bạn đang lớ ngớ chẳng hiểu chuyện gì:
-Thôi, tao về trước, kèo này mày trả nhé Mập, bữa khác đi-Tôi vẫy tay hét to với nó, trước khi thụt đầu vào cái xe bus đang chực lăn bánh.
-Ê, thằng chó con, chơi kì mày!
-Thằng khốn, nhớ mặt ông đấy!
Tôi chỉ kịp nghe thấy tiếng chửi của lũ bạn đằng sau, vẫy tay qua kiếng cuối xe tạm biệt. Vậy là đã có cơ hội, chẳng còn chần chờ gì nữa. Thứ 5 sẽ nhanh đến thôi. Dung ơi, chờ nhé.!
Thời gian cứ chầm chậm trôi, chẳng hiểu sao tôi ngóng chờ mặt trời lặn hơn cả ngày xưa Mẹ đi chợ về nữa. Lâu lâu cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, ngồi nhìn cái kim đồng hồ quay mà chẳng thể tập trung ôn bài được một tí gì.
-Mày bệnh hả con?
Mẹ tôi bất thình lình từ đâu tới sờ trán tôi xem thằng con quý tử đang bị cái gì mà trông cứ như thằng mất hồn. Đúng là con cái hễ có chuyện gì, chẳng thể nào qua mắt được các bậc phụ huynh.
-Không ạ, con bình thường!
-Học hành nhớ giữ sức, đừng có lơ tơ mơ là được!
-Dạ-Tôi dạ ngọt xớt trước lời dặn dò của Mẹ tôi, và cũng có chút gì đó băn khoăn khi ngày mai, tôi lại lơ tơ mơ đi chơi dù trốn học hợp pháp.
Đúng 6h30, giả bộ vươn vai thức dậy để chứng minh cho cả nhà thấy tôi vẫn đang có một lịch sinh hoạt rất bình thường, mặc dù đã dậy từ nửa tiếng trước. Lật đật xuống nhà, lăng xăng phụ mẹ tôi vài thứ:
-Hôm nay mưa lớn ấy nhỉ?-Mẹ tôi vẫn nấu ăn, nói vọng ra đằng sau.
-Chuyện, con trai mẹ mà-Tôi cười trừ và vẫn lăng xăng chạy qua chạy lại.
-“Coi như đoái công chuộc tội”.
7h30, tôi bước ra khỏi nhà, sau khi mất gần mười phút để xoay xoay, chỉnh chỉnh lại cho vừa ý từng milimet bộ đồ tôi đang mặc trên người,trái ngược với kiểu phong cách nhanh ,gọn,lẹ thường ngày. Trong đầu mường tượng ra cái cảnh mà Dung sẽ bất ngờ đến sững sờ khi thấy tôi chờ trước cổng nhà Nàng, và sẽ dành cho tôi những lời trách cứ sau bao thời gian biệt tăm. Rồi sau đó sẽ là những câu hỏi đầy quan tâm, đầy tình cảm:
-Đi đâu biệt tăm mấy tháng nay vậy Tín!
-Có biết rằng Dung nhớ…
Chỉ nghĩ đến thế thôi, bước chân của tôi càng nhanh chóng. Hết con đường gần trường, quẹo phải, rồi quẹo trái qua hàng cây xanh, rồi đi vào một con hẻm. Cái cổng xanh lấp ló hiện ra.
Ngôi nhà của Nàng im lìm, những cánh cửa đóng chặt, khẳng định chủ nhân của nó đang trong thời gian học. Tôi loay hoay đi đi lại lại quanh cánh cổng, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn ra đầu hẻm, mong chờ một cái dáng người nhỏ bé, với mái tóc ngang vai hiện ra. Đồng hồ bắt đầu điểm tới 9h30. Chạm cột mốc đó nó bắt đầu quay nhanh hơn, kim phút chạm số 7, số 8, số 10…Cuối cùng nó chạm con số 12. Đã 10 giờ trưa rồi.
-Dung đi lâu vậy, nhà Thầy gần đây thôi mà-Tôi bắt đầu sốt ruột.
-Lâu vậy?
-Hay Phong mập chơi xỏ mình.
-10h30 rồi, lâu quá đi mất.
Cuối cùng, thời gian chờ đợi cũng đã kết thúc, nhưng không phải Dung xuất hiện mà là tôi bỏ về.
-“Chậc, chậc..hôm nay không có duyên”.
Tôi rảo bước ra về, vừa đi đến đầu hẻm thì chuyện không có duyên lại dính vào người. Một cô bé đang loay hoay với chiếc xe đạp bị tuột sên. Chiếc sên kẹt tuột ở phía sau nên cô bé cứ loay hoay mắc nó lên mắt xích mãi mà không được. Bản tính lương thiện của tôi lại trỗi lên.
-Em làm vậy không được đâu!
-Sao ạ!-Cô bé ngẩng cái trán đầy mồ hôi lên nhìn tôi.
-Để anh làm cho!
Cô bé nhanh chóng lách mình ra, để chừa vị trí cho tôi đối diện với cái sên sau. Tôi mở hộp sên trước, tháo nó ra rồi làm tuần tự từ sau lên trước. Mỡ dầu dính đen cả tay khiến cô bé ấy cảm thấy ái ngại..
-Ấy, dơ tay anh rồi kìa!-Giọng cô bé cực dễ thương!
-Không sao đâu em, không dơ sao gắn nó lại được!
-Dạ!
Cô bé ấy chăm chú, nín thở chờ tôi hoàn thành nốt công đoạn cuối. Quay pê-đan thử kết quả của mình. Tôi đưa tay chuẩn bị đóng hộp sên lại thì có tiếng ai đó cười đùa vang lên ngay sau lưng:
-À, thì ra là thế!
-Ừ, nhờ vậy mới quen nhau từ bé tới giờ đó.
Chiếc xe ấy nhanh chóng lướt qua tôi và cô bé bên cạnh, chắc vì hai đứa tôi đứng ở góc khuất, hoặc cũng có thể hai người vừa lướt qua quá say mê với câu chuyện hiện tại. Tôi sững sờ, và có chút gì đó hụt hẫng, đan xen lẫn cảm giác bị gạt bỏ. Có tiếng đổ vỡ trong lòng, tiếng đổ vỡ của niềm tin.
-Mất lúc nào không hay?