Học Sinh Chuyển Lớp (Phần 2)

Chương 28


Bạn đang đọc Học Sinh Chuyển Lớp (Phần 2) – Chương 28


Kế hoạch tôi và thằng Hà hí hứng vạch ra, phần nhiều đều là vì tình cảm dành cho các bạn nữ trong lớp. Riêng cá nhân tôi, còn không biết thằng Hà nghĩ sao, tôi cảm thấy đây là cơ hội cho tôi chứng minh năng lực, chứ không phải chỉ là một Uỷ viên được anh em vận động hành lang cử lên, với một mục đích cài tay trong vào nội bộ ban cán sự.
Hai thằng xì xào một hồi lâu, đi đến quyết định nhanh chóng bắt tay vào kế hoạch. 20-10 thì chỉ còn đúng hơn hai tuần, bao nhiêu việc phải lo, bao nhiêu bài vở phải ôn thi, bởi thế thời gian đấy là thích hợp, đồng thời chuẩn bị kĩ càng công phu.
Dung bị gạt ra ngoài vòng chiến cùng với hai lớp phó, bốn tổ trưởng. Chẳng hiểu lớp tôi con trai làm sao mà ngoài tôi thằng Hà, thằng Hải thì hầu như chẳng có đứa nào ngoi lên được nắm quyền hành cả. Một phần vì nữ lớp tôi” đàn áp” quá tốt, một phần vì :
-Thôi, mày đi làm một mình đi!
-Thôi, gương mẫu tao không hợp!
Bởi thế dù muốn dù không, tôi và thằng Hà cũng phải gặp thằng Hải vào lúc lớp tan học.
-Thế kế hoạch mấy bạn ra sao?
Hiển nhiên thằng Hải là lớp trưởng, là cánh chim đầu đàn của lớp. Bởi thế dù muốn dù không, cũng phải bỏ qua tư thù cá nhân mà bắt tay hợp tác. Thù oán có cơ hội phải trả, nhưng để chị em phụ nữ cười vào đám con trai thì quả thật là nhục nhã lắm.
-Sao không làm như năm ngoái, cũng hay mà?
-Thôi, năm ngoái làm rồi, năm nay làm theo như vậy, nhàm lắm!
-Ờ, cũng được, vậy bây giờ chuyện giữ kín và truyền miệng cho từng người đúng không!-Nó tỏ ra là người cũng biết hợp tác đấy chứ.
Ba thằng tôi vạch ra danh sách đen, nghiêm cấm tiết lộ nội dung chương trình. Sau đó tiếp tục vạch ra phương án thực thi:
-Giờ chuẩn bị món quà!
-Rồi, cái này ổn thôi!
-Sau đó hình thức tặng như năm ngoái!
-Ơ, thế vừa nãy bảo….!-thằng Hải phản ứng ngay.
– Không, các món quà này là giống nhau, đồng thời, không ai tặng riêng, mà sẽ xếp món quà ngay giữa. Đến tên ai thì nhận. Chỉ có thiệp là chuẩn bị riêng thôi.
Thằng Hải dần hiểu ra vấn đề của tôi và thằng Hà muốn thực hiện. Hai chúng tôi muốn có một món quà chỉ có riêng con gái lớp tôi mới có, và khi nó đã thành đặc trưng, một nét riêng biệt thì đi đâu, chỉ cần con trai lớp khác có ý định nhìn vào là biết bạn gái mà chúng nó đang tăm tia học lớp nào ngay thôi.
-Rồi, còn gì nữa không?
-Năm ngoái chỉ có tặng và chúc, thì năm nay đã có thiệp, vì thế thay câu chúc bằng một cái gì đặc sắc hơn đi, cái này tạm thời chưa nghĩ ra!
Tôi vẽ dấu hỏi, rồi dùng bút bi tô vòng tròn xung quanh, thể hiện sự bí ý tưởng của mình. Thằng Hà trầm ngâm rồi vỗ tay cái đét:
-Chẳng phải thằng Bình đàn hay sao?

-Chẳng lẽ chỉ kêu nó đàn?-Thằng Hải đối đáp lại.
-Không, nó đàn và anh em mình phụ hoạ!
-Hát đúng không, trời ơi, cái thằng này mà thông minh dữ ta! Tôi cầm bút điền vào cạnh dấu hỏi chữ Hát.
Nhưng Hát cũng có năm ba loại hát, đơn ca, song ca, tam ca, rồi tăng theo cấp số cộng sẽ có đồng ca, hoặc thảm hại là loạn ca. Tránh mất thời gian, chú trọng ngắn gọn xúc tích, ba thằng tôi quyết định:
-Cho các bạn nam nào muốn Hát thì đăng kí trước!
Hiển nhiên, với việc được đứng trên công chúng mà hát là một điều không mấy ai dũng cảm làm được, bởi thế tôi tin là số lượng này rất ít. Ngoài ra, một bài do con trai lớp thực hiện, và một ca khúc do cả lớp cùng đồng thanh. Sẽ dành tặng “mắt cười” cho các chị em đáng yêu trong lớp, và “sát cánh bên nhau” sẽ là ca khúc bế mạc.
-Xong nhé, vậy chia công việc ra, Hải thông báo từng anh em, kín tiếng!
-Ok!
-Hà in lời ca khúc đưa ọi người!-Thằng Hà gật đầu nhận nhiệm vụ.
-Còn mày thì nhớ nhắc thằng Bình mang đàn và tập dợt, khảo sát rồi thu thập xem món quà nào hợp lý.
-Rồi, vậy là xong, còn hơn nửa tháng cho chúng ta chạy chương trình!
-Khoan đã!-Thằng Hải cắt ngang lời tôi.
-……..?
-Thế còn Cô!
-Thì bữa đó có hai môn là Cô Giáo dạy, đã nói là trích tiền mua hoa rồi còn gì?
-Không ý nói là Vợ của Thầy ấy!
Tôi và thằng Hà ngơ ngác nhìn nhau. Cả hai đứa cũng quên đi mất người không nên quên này. Có vẻ về tính chu đáo và cầu toàn, hai chúng tôi không bằng thằng Hải. Và tôi cũng cảm phục Thầy tôi về việc chọn mặt gửi vàng trong thời gian qua.
-Vậy thì thêm một món quà cho Cô nữa!
-Món quà là gì?
……..!
Ba thằng con trai bí nước, xét về kinh nghiệm tặng quà cho bạn bè xấp xỉ tuổi thì phong phú lắm. Nhưng thế hệ của Thầy khác xa thế hệ chúng tôi, muốn mua một món quà ưng ý có lẽ là khó. Bởi thế, chuyện này được gác lại, khi nào có ý tưởng sẽ được thông báo thực thi.
Chiều hôm đó, ngày lẻ, theo lịch học bình thường, tôi đến lớp học thêm Toán. Khi vừa đạp cái chân chống xe thì đã cảm thấy khó xử. Ngữ Yên ngồi một mình lặng lẽ cắm cúi vào bài tập như thường lệ. Dung ngồi trong lớp với mấy bạn nữ đang tán chuyện gì rôm rả lắm. Biết nói chuyện với ai trước đây.

-Đi vào lớp thôi Tín!-Nguyệt nhỏ nhẹ kéo tay áo tôi, tôi ngậm ngùi nhìn Ngữ Yên rồi cất bước vào lớp.
-Gì mà đăm chiêu lắm vậy, già đấy!-Nguyệt đi cạnh tôi khúc khích cười.
-Ờ, không có gì đâu, chỉ là..?
-Đừng nói đang suy nghĩ mua quà gì tặng hai người đó nhé!
Tôi và Nguyệt đã thân nhau từ bé, nên hầu như hai người nói chuyện rất thoải mái vui vẻ. Chẳng bao giờ có chuyện giấu diếm hay ngại ngùng cả.
-Làm gì có, thì……!
-Thôi, đi vào lớp cất cặp rồi ra ngồi với Yên đi!-Nguyệt lại cười!
-Ơ, sao lại…..!
-Thì Dung có bạn rồi, Tín có dám lại đó không?
Tôi đưa mắt về phía Dung, quả thật xung quanh toàn là những người ở lớp mà tôi hơi ngán. Hằng bán chanh, Quỳnh tưng tửng, rồi thêm một số cơ man các bà tám chuyện nữa. Theo lời Nguyệt, tôi cất balo rồi đi ra ghế đá trước nhà thầy.
-Làm gì mà chăm chú vậy?-Tôi ngồi xuống cái ghế đá đối diện.
-Đâu có, tại cái bài này khó quá!
-Đâu Tín xem!
Tôi theo một cách tự nhiên nhất, đi vòng qua chiếc bàn đá tròn, rồi ngồi xuống cạnh Ngữ Yên và đón cái đề ôn thi. Hai đứa ngồi sát nhau, cùng bắt tay giải bài.
-Cái bài cuối cùng ấy!
Cái bài này là chứng minh theo cách triển khai nhị thức Newton. Toán chứng minh đẳng thức hay bất đằng thức thường khó, lại đi kèm với này thì càng hóc búa hơn. Hai đứa tôi trầm ngâm suy nghĩ. Thỉnh thoảng tôi viết viết ra hướng làm trên tờ nháp Ngữ Yên vừa đưa, viết lấy viết để, cuối cùng cũng đi vào hướng cụt.
-Dạng này khó quá vậy?-Tôi gãi đầu gãi tai và quên mất luôn mình đang ở đâu.
-Đưa dùm Tín cái máy tính đi Yên!
Tôi cầm cái máy tính rồi ấn ấn thử xem kết quả ráp ngược, một cách làm liều lĩnh trong toán chứng minh, mong tìm ra con đường hi vọng trong giao lộ tuyệt vọng. Cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy, đáp số vẫn là cái đích quá xa vời.
Nản chí, tôi thả người dựa vào sau cái ghế đá, quay sang nhìn Ngữ Yên xem cô nàng có hướng giải quyết nào chưa. Nhưng mà cũng tuyệt vọng nốt, từ nãy tới giờ cái tờ nháp của Ngữ Yên chỉ được thêm một hai dòng. Cô bạn ấy đang chống cằm nhìn tôi.

-Gì mà nhìn Tín dữ vậy?-Tôi có chút bối rối.
-Tại Tín say mê quá, cái bộ dạng này Yên chưa thấy bao giờ.
-Say mê mà chưa giải ra nè!
-Thì sẽ giải ra thôi mà.
Anh hùng khó qua ải mỹ nhân, câu nói của Yên như tiếp thêm “do-ping” cho tôi lao vào cắm cúi giải bài tiếp. Nhưng với Toán học, cái quan trọng là bạn phải tìm ra hướng giải quyết, còn cách làm vô bờ bến trong tuyệt vọng của tôi thì chỉ là phí công vô sức.
Ngữ Yên chống cắm, lần này không nhìn tôi nữa, mà nhìn vào tờ nháp tôi đang giải. Hình như đôi vai tôi chạm vào vai Ngữ Yên, vài cọng tóc đang bị gió đùa giỡn khẽ đậu trên vai tôi mơ màng.
-Cái tính chất của phép cộng đặc trưng nhất là gì hả Tín?
Hai đứa tôi giật mình quay lại, Thầy chủ nhiệm chẳng biết đã đứng từ sau lúc nào, thầy nhìn hai đứa có vẻ hài lòng lắm.
-Dạ, là phép giao hoán!
-Thế còn Nhân!
Lần này tôi chẳng kịp trả lời thầy nữa, cắm cúi cầm bút ghi ghi chép chép.
-(X+1) 2n sẽ bằng (X+1)n (1+X)n…-Tôi lẩm nhẩm trong miệng.
-Rồi triển khai ra và nhân lại, lấy theo cấp biến thì ta sẽ có kết quả!
Tôi quay lại nhìn Ngữ Yên mặt hớn hở, cái đáp số trọn vẹn, và điều phải chứng minh là đây rồi. Thầy tôi chẳng hiểu đã đi vào nhà lại từ lúc nào.
-Tín giỏi quá đi!
-Không, do Thầy gợi ý đó, nếu không Tín giải không ra đâu!
Tính cách tôi vốn ngựa non háu đá, thích nếm trải cảm giác chiến thắng một cách thuyết phục, vì thế Mẹ tôi thường bảo tôi cứng đầu. Nhưng dù có cứng đầu đến đâu, cũng đến tuổi trưởng thành, tôi không mù quáng nhận những gì mình không làm được. Điều đó sẽ sớm con người u mê trên chiến thắng. Dù cho Ngữ Yên khen tôi, thì tôi coi như đó là một lời cảm ơn hoặc động viên thôi.
-Toán học mênh mông mà Tín!
-Ừ, Tín biết rồi..!-giọng tôi buồn vì mình thất bại.
-Dù gì Yên vẫn thấy Tín giỏi mà!
-Tín giải không ra đó Yên-Tôi ngạc nhiên.
-Không giải ra thì có sao, cái Yên thấy Tín giỏi là không bỏ cuộc đó, chứ Yên thì nãy giờ đã đầu hàng lâu rồi.
Ngữ Yên lại động viên tôi, tôi cũng chẳng có lí do gì để buồn. Coi như mình đã cố gắng hết sức rồi, không được thì rèn luyện thêm, còn đỡ hơn mất thời gian trách trời đất vì sao mình kém cỏi.
Hai đứa tôi bước vào lớp thì lớp học nhỏ cũng đã bắt đầu những bài tập đầu tiên. Ngữ Yên không muốn ngồi bàn đầu, vì ở đó, hầu như ít ai ngồi. Không phải vì sợ lên bảng mà bởi vì ranh giới rạch ròi giữa hai lớp ganh đua. Tôi ngồi bàn cuối, Ngữ Yên ngồi trên tôi, hai đứa cứ như thế mà im lặng làm bài. Dung ngồi ở bàn trên dãy bên kia, thỉnh thoảng quay xuống nhìn tôi, cười rồi lại quay lên. Và lúc đó, tôi biết, Ngữ Yên cũng sẽ thấy nụ cười đó của Dung là giành cho ai.
-Các em về nhà cố gắng ôn kĩ càng lại dạng này, không khó nhưng nó quan trọng!
-Dạ!

Ngữ Yên im lặng ngồi trên, thu dọn sách vở. Bỗng nhiên quay xuống, chìa cái tập đề cho tôi:
-Cho Tín mượn này!
-Ơ!-Tôi nhận trong sợ ngơ ngác!
-………!
-Thế Ngữ Yên ôn bằng cái gì?
-Yên còn nè, ôn không hết nên cho Tín mượn đó!-Vừa nói Ngữ Yên giơ xấp đề thi được in vào những trang A4 để cho tôi khỏi phải lo.
-Hì hì, vậy bữa nào Tín giải xong Yên ượn tiếp nhé!
-Thì Tín cứ thong thả đi, Yên không đòi đâu.
Nói rồi Yên nhẹ nhàng xách cặp lướt qua thôi. Nhẹ nhàng, khẽ khàng như một làn gió. Vài sợi tóc tinh nghịch vương qua vai tôi. Một mùi hương dịu nhẹ phảng phất.
-Gì mà mặt Tín trông mê muội vậy!-Giọng Dung vang lên ngay sau đó ít lâu.
-Nào có, có gì đâu?-Mặt tôi đỏ bừng chống chế.
May cho tôi là Dung mải chăm chú vào ba cái tờ đề Toán, Lý, Hoá ở trên bàn chứ nếu không thể nào Nàng cũng nhận thấy sự khác thường trên khuôn mặt.
-Ý, đề thi kìa, cho Dung mượn đi!
-Không, ………cái này Tín..!
-Keo kiệt với cả Dung à?
-Không, Tín….. in dùm mà.!
-…..In dùm cho ai, mà không in dùm Dung?
-Thì Tín in dùm thôi, của người ta, để hỏi rồi photo cho Dung được chưa?
-Xí, keo kiệt bủn xỉn nhé!
Dung giả bộ hờn dỗi, rồi nhìn tôi cười nhí nhảnh vẫy tay tôi ra về trước. Tôi cũng cố cười, đồng thời thở phào nhẹ nhõm tiễn Nàng ra về.
Cầm xấp đề trên tay, tôi chỉ biết cười. Cất nó vào Ba-lo gọn gàng, cố tránh cho nó bị gập gãy, tôi đi ra khỏi lớp trong tiếng chửi vì cái tội lề mề của thằng Hoàng.
-“Học thì không bao giờ thừa cả?”
Đó là cái lý do nguỵ biện cho hành động không thể chối từ tập đề thi Yên cho tôi mượn. Bao nhiêu đề thi, bao nhiêu sách vở được sưu tầm từ thời chị Thanh thôi cho đến ông anh trời đánh đổ dồn về tôi. Cái tôi cần là thời gian để ôn luyện cho hết, chứ chưa bao giờ sợ thiếu đề để ôn luyện. Thậm chí trong nhà tôi, những đề thi của những năm 93,94 cũng đầy ắp. Tôi, phận em út, được kế thừa tinh hoa bao cuốn sách hay của anh chị, kế thừa luôn điều gửi gắm của những người đi trước là học để thành tài.
-“Xin lỗi anh chị, tối nay em giải bộ đề này”.
Tôi vừa đạp xe vừa nhìn ra sau, cái bô lô đeo bên hông, vẫn leng keng cái móc khoá hình đồng xu Dung tặng, và bộ đề Ngữ Yên ượn ở bên trong.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.