Đọc truyện Hoàng Hậu Margot – Chương 4
Chiều tối ngày 24 tháng Tám năm 1572
Chúng ta chắc chưa quên trong những chương trước câu chuyện có đả động đến một nhà quý tộc tên là de Mole được Henri de Navarre sốt ruột đợi chờ. Nhà quý tộc trẻ tuổi đó như đô đốc đã tiên đoán, tới Paris qua cửa ô Saint-Marcel vào xế chiều ngày 21 tháng Tám năm 1572. Vừa liếc mắt nhìn với vẻ khá khinh thị những quán trọ trương đầy hai bên đường những biển hiệu lòe loẹt, chàng vừa để cho con ngựa còn đẫm mồ hôi lao tới tận trung tâm thành phố. Sau khi qua quảng trường Maubert, cầu Nhỏ, cầu Đức Bà, và đi theo dọc bờ sông, chàng dừng lai ở đầu phố Bresec mà nay chúng ta gọi là phố Arbre -sec (để tiện cho độc giả, nên giữ nguyên tên gọi hiện đại này).
Chắc hẳn tên phố làm vừa lòng chàng, vì chàng đi luôn vào phố đó. Phía bên tay trái chàng có một tấm biển tôn lộng lẫy kêu ken két trên cây cột sắt cùng với tiếng chuông hoà nhịp theo khiến chàng chú ý và dừng lại một lần nữa để đọc dòng chữ: “Quán trọ Tinh tú” như để chú thích cho một bức tranh nhằm ve vãn có hiệu quả nhất đối với những du khách đang đói mềm: Một chú gà quay giữa bầu trời đen ngòm, với hình một người mặc măng-tô đỏ chìa tay, túi tiền và những lời nguyện ước của mình về phía “vì sao” kiểu mới đó.
“Một quán trọ có vẻ được ra phết! – Nhà quý tộc tự nhủ – Và thề với linh hồn mình, chủ quán ắt phải là một thằng cha láu cá. Mình vẫn nghe nói rằng phố Arbre – Sec nằm trong khu kế cận cung Louvre, và miễn là quán đáp ững đúng cái biển hiệu của nó phần nào thôi, thì mình ngụ qua đêm ở đây cũng là tốt lắm rồi”.
Trong khi anh chàng mới tới này lẩm bẩm bài độc thoại ấy thì một kỵ sĩ khác đi từ đầu phố kia tới, tức là từ phố Saint-Honoré, cũng dừng lại và đứng ngây ngất trước biển hiệu của quán Tinh tú.
Trong hai người thì một người đã được chúng ta biết, ít ra là tên. Chàng cưỡi một con ngựa trắng giống Tây Ban Nha, mặc chiếc áo màu đen điểm hạt huyền. Chàng khoác ngoài một chiếc áo măng-tô bằng nhung tím thẫm, mang ủng da đen, đeo thanh kiếm chuôi bằng thép chạm trổ và con dao găm cũng kiểu như thế. Bây giờ, nếu chúng ta chuyển từ y phục sang dung mạo, chúng ta có thể nói rằng đó là một người khoảng hai bốn, hai lăm tuổi, nước da rám nắng, mắt xanh, ria mép thanh nhã, răng sáng bóng như làm sáng rỡ khuôn mặt khi đôi môi đẹp và quý phái của chàng nở một nụ cười hiền hậu và u sầu.
Người lữ khách thứ hai thì hoàn toàn trái ngược với người thứ nhất. Dưới vành mũ uốn cong để lộ ra những món tóc ngắn, rậm và quăn, màu gần như đỏ quốch hơn là vàng hung. Dưới những món tóc là cặp mắt xám mà bất cứ một sự phật ý nhỏ nào cũng làm cho nó sáng rực lên đến mức lúc đó có thể nói là chúng màu đen. Phần còn lại của gương mặt là nước da hồng hào, cặp môi mỏng dưới bộ ria vàng hoe và hàm răng đẹp. Nói tóm lại, người du khách đó, với nước da trắng trẻo, dáng cao lớn, vai rộng, là một kỵ sĩ rất điển trai theo đúng nghĩa của nó.
Từ một tiếng đồng hồ nay chàng ghếch mũi lên nhìn vào các cửa sổ với cái cớ là tìm những biển hiệu, khiến các bà, các cô phải dõi theo ngắm chàng. Còn về phần các ông thì chắc cũng đã phần nào suýt bật cười khi nhìn thấy chiếc áo choàng chật cứng, chiếc quần chẽn bó lấy người và đôi ủng cổ lỗ của chàng, nhưng họ nén ngay chuỗi cười để bắt đầu bằng một câu êm ái nhất “Chúa giữ cho anh!” khi nhìn thấy nét mặt chàng trong một phút đã thể hiện đến mười vẻ khác nhau, trừ cái vẻ nhân hậu là đặc tính cố hữu của gương mặt người tỉnh lẻ khi lúng túng.
Chàng là người đầu tiên bắt chuyện với nhà quý tộc thứ nhất lúc đó đang mải ngắm quán trọ Tinh tú.
– Mẹ kiếp! Thưa ông – Chàng nói với giọng miền núi đặc sệt khiến cho người ta nhận ra ngay giọng của người vùng Piémontais, có muốn cũng không trộn vào đâu được – Chúng ta đang ở gần cung Louvre phải không? Dù sao tôi cũng tin rằng ông có cùng một sở thích như tôi, thật là thoả mãn cho tôi quá.
– Thưa ông – Chàng kia trả lời với giọng Provençal cũng đặc sệt chẳng kém gì giọng Piémontais của ông bạn – Quả thực tôi cũng nghĩ rằng quán trọ này ở gần Louvre. Tuy nhiên, tôi còn đang tự hỏi không biết liệu tôi có hân hạnh được cùng ý kiến với ông không. Tôi còn nghĩ đã.
– Ông còn chưa quyết ư, thưa ông? Cái quán này nom được ấy chứ. Ngoài ra thì hình như tôi cũng bị quyến rũ vì sự có mặt của ông. Dù sao thì ông cũng nên thừa nhận là bức tranh kia khá hấp dẫn.
– Ồ, hẳn thế, nhưng chính điều ấy lại khiến tôi nghi ngờ sự thực: người ta bảo tôi rằng ở Paris đầy những kẻ lừa bịp. Họ có thể lừa người với một cái biển hiệu cũng như với những thứ khác.
– Mẹ kiếp! Thưa ông – Chàng Piémontais nói – Tôi chẳng lo ngại gì về những trò lừa bịp. Nếu chủ quán dành cho tôi một chú gà kém vàng giòn hơn con gà của y trên biển kia thì tôi sẽ xiên chính y vào que nướng chả và sẽ không rời y cho tới khi y chín vàng một cách thích đáng mới thôi. Ta vào thôi, thưa ông!
– Ông làm cho tôi hết do dự đấy – Chàng Provençal vừa nói vừa cười – Thưa ông, vậy tôi xin đi theo ông.
– Ồ thưa ông, thề có linh hồn tôi, tôi sẽ không đi trước đâu, vì tôi chỉ là kẻ đầy tớ hèn kém của ông, bá tước Anibal de Coconas , mà thôi.
– Còn tôi, thưa ông, tôi là bá tước Joseph Hyacinthe Boniface Lerac de Mole, kẻ luôn luôn sẵn sàng phục vụ ông.
– Vậy thì, thưa ông, chúng ta hãy khoác tay nhau và vào cùng một lúc.
Kết quả của đề nghị dung hoà này là hai chàng trai xuống ngựa, ném dây cương cho một người coi ngựa, khoác tay nhau và vừa chỉnh lại kiếm vừa tiến về phía cửa quán trọ, nơi mà gã chủ quán đang đứng.
Nhưng trái hẳn với những lề thói của loại người này, tay chủ quán đàng hoàng này chẳng mảy may chú ý đến các chàng trai vì y đang bận đàm luận với một gã cao lớn, khô khỏng và vàng vọt quấn mình trong chiếc măng-tô màu nấm amandou, hệt như con cú vùi mình trong đám lông vậy.
Hai nhà quý tộc đến gần chủ quán và người mang măng-tô màu nấm amandou đang nói chuyện với y, Coconas bực mình vì thấy người ta dám coi thường mình và ông bạn đến thế liền kéo tay áo chủ quán. Gã này giật mình như tỉnh cơn mơ và lật đật chia tay người đối thoại bằng một câu:
– Xin tạm biệt ông, ông đến nhé. Và nhất là phải cho tôi biết giờ đấy
– Này, lão quỷ quái kia – Coconas nói – Anh không thấy là bọn ta đang cần nói chuyện với anh à?
– À xin lỗi, thưa các ông – Chủ quán nói – Vừa rồi tôi không nhìn thấy các ông.
– Mẹ kiếp, nhẽ ra anh phải nhìn thấy. Giờ đã nhìn thấy rồi thì thay cho chữ “thưa ông”, thì anh làm ơn xưng hô là “thưa bá tước”, nghe chưa?
De Mole đứng phía sau, để mặc Coconas tự mình giải quyết công chuyện.
Tuy nhiên thật dễ nhận thấy qua cặp lông mày nhíu lại của chàng là chàng sẵn sàng tiếp tay cho Coconas khi có dịp.
– Vậy thì, thưa bá tước, ngài cần gì? – Chủ quán hỏi với giọng bình thản nhất đời.
– Được. Khá hơn rồi đấy phải không?
Coconas vừa nói vừa quay về phía De Mole đang gật đầu biểu đồng tình – Bọn ta, ngài bá tước đây và ta, thấy biển hàng của anh hấp dẫn, chúng ta muốn có nơi ăn chốn ở trong quán trọ của anh.
– Thưa quý ngài – Chủ quán đáp – Tôi lấy làm thất vọng. Chúng tôi chỉ có một phòng và tôi e rằng điều đó không thích hợp với quý ngài.
– Thế chứ, thế càng tốt – De Mole nói – Chúng ta sẽ đi trọ chỗ khác.
– A! Không, không, tôi ở lại – Coconas nói – Ngựa tôi mệt lừ rồi. Tôi sẽ lấy phòng đó vì ông không thích.
– À, nếu thế thì lại khác – Chủ quán trả lời với một giọng tỉnh bơ láo xược – Nếu các ngài chỉ có một người, thì tôi không thể nào cho quý ngài trọ được.
– Mẹ kiếp – Coconas kêu lên – Thế chứ, tên này quả là quân súc sinh dở hơi. Mới rồi chúng ta hai người là thừa, giờ một người lại thành thiếu. Mi không muốn cho chúng ta trọ hả, tên súc sinh kia?
– Thưa quý ngài, nếu quý ngài thấy như vậy thì tôi xin trả lời thẳng thắn.
– Trả lời đi, và nhanh lên.
– Thế thì, thà là tôi muốn không có cái hân hạnh được cho quý ngài trọ thì hơn.
– Bởi vì sao?… Coconas mặt tái đi vì giận, hỏi.
– Vì rằng quý ngài không có đầy tớ, và được một phòng chủ đủ người, thì hoá ra tôi lại có hai phòng đầy tớ không có người. Vậy nếu tôi giao cho các ngài phòng của chủ thì chắc hẳn là tôi không thể cho thuê các phòng kia.
– Thưa ông de La Mole – Coconas vừa nói vừa quay lại phía sau – Có phải ông cũng có ý định như tôi là chúng ta sẽ giết quách cái thằng cha kia đi không?
– Điều đó dễ thôi – De Mole vừa nói vừa cùng với bạn chàng sửa soạn nện cho chủ quán một trận đòn roi.
Nhưng mặc dù có dấu hiệu chẳng lành từ phía hai nhà quý tộc kia, chủ quán vẫn không tỏ vẻ ngạc nhiên. Y lùi lại một bước để đứng hẳn vào nhà và nói với giọng giễu cợt:
– Rõ là quý ngài đây mới ở tỉnh lên cũng phải. Ở Paris, chuyện giết các chủ quán trọ không chịu cho thuê phòng đã hết kiểu cách này rồi. Bây giờ người ta giết các đại lãnh chúa chứ không giết các anh thị dân. Nếu các ngài gào to quá, tôi sẽ gọi hàng xóm của tôi .Và thế là chính các ngài sẽ bị nện roi. Điều đó quả không xứng chút nào với lước hiệu của nhị vị.
– Ấy thế mà nó lại còn chế nhạo chúng ta – Coconas tức tối kêu lên – Mẹ kiếp!
– Grégoire, đem khẩu hoả mai lại đây! – Chủ quán gọi đầy tớ và cái giọng cứ như thể gọi “Đem ghế lại cho các quý ngài đây”.
– Trippe del papa!(1) – Coconas vừa thét vừa rút kiếm ra – Cựa quậy đi cho nóng người lên, ông de Mole!
– Thôi thôi, xin ông, trong lúc chúng ta cựa quậy cho ấm thì món súp nguội mất.
– Thế nào? Ông bảo sao? – Coconas kêu lên.
– Tôi thấy rằng cái nhà ông Tinh tú này có lý đấy. Duy có điều ông ấy không biết cách xử sự với lữ khách đó thôi, nhất là khi các lữ khách đó lại là những nhà quý tộc. Thay vì nói năng bỗ bã với chúng ta là “Quý ông, tôi không muốn chứa quý ông” thì lẽ ra ông ta phải nói rất lịch sự rằng: “Thưa quí ông, xin mời vào”, rồi sau đó mới ghi rõ: Phòng của chủ ngần này, phòng của tớ ngần này. Nếu chúng ta không có đầy tớ thì rồi chúng ta sẽ lấy đầy tớ vào.
Vừa nói, De Mole vừa nhẹ nhàng gạt chủ quán đang với tay lấy súng sang một bên, đẩy Coconas vào nhà và cũng vào theo sau chàng ta.
– Mặc kệ – Coconas nói – Tôi khó lòng tra được kiếm vào vỏ trước khi tin chắc rằng nó xỉa cũng khéo như những cái que xiên mỡ của thằng cha kia vậy.
Bình tĩnh nào, ông bạn thân mến – De Mole nói – Tất cả mọi quán trọ đều đầy những quý tộc bị thu hút về Paris để dự hội hè nhân đám cưới hoặc để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới ở Flandre. Chúng ta chẳng còn tìm thấy quán khác nữa đâu. Vả lại, có lẽ ở Paris người ta có thói tiếp đón những người khách lạ như vậy đấy.
– Mẹ kiếp! Ông mới kiên nhẫn chứ! – Coconas vừa lẩm bẩm, vừa tức giận xoắn bộ ria mép hung đỏ và lườm chủ quán .
– Cái thằng khốn này hãy cẩn thận đấy: Nếu bếp núc nấu không ngon, nếu đệm giường không ấm, nếu rượu nhà mi vào chai không đủ ba năm, nếu đầy tớ nhà mi không nhanh chân nhẹn cẳng…
– Thôi, thôi, thôi, thưa ông quý tộc – Chủ quán vừa nói vừa liếc con dao đeo trên thắt lưng – Ông có thể yên tâm đi, ông lạc vào xứ tiên đấy.
Rồi y vừa khẽ nói, vừa lắc đầu:
– Lại mấy thằng Tân giáo đây! Cái quân phản phúc ấy, từ dạo có đám cưới cái thằng Bearn nhà chúng nó với lệnh bà Margot, đứa nào cũng trở nên láo xược hẳn.
Và với một nụ cười có thể khiến cho khách trọ của y rợn tóc gáy nếu họ nhìn thấy, y nói thêm:
– Và thật là khoái tỉ, mình lại có mấy thằng Tân giáo rơi vào tay, và rồi…
– Bớ chủ quán! Chúng ta có được ăn hay không đây? – Coconas xoe xóe hỏi, cắt ngang dòng độc thoại của chủ quán.
– Vâng, xin hầu đúng ý ông, thưa ông – chủ quán trả lời.
– Thế thì chúng ta ban ý rồi đấy, nhanh lên! – Coconas đáp.
Rồi chàng quay về phía De Mole:
– Này bá tước, trong lúc người ta dọn phòng cho chúng ta, xin ông hãy nói cho tôi hay: ông có tình cờ mà lại thấy Paris vẫn là một thành phố vui tươi không, thưa ông?
– Thế chứ, không – De Mole nói – Dường như tôi chỉ mới gặp ở đây những gương mặt hoặc là hoảng hốt, hoặc là dữ tợn. Có lẽ là vì những người Paris sợ giông chăng. Ông có thấy là trời tối sầm và không khí oi lắm không?
– Bá tước này, ông đang tìm cung Louvre phải không?
– Hình như ông cũng thế thì phải, thưa ông de Coconas.
– Vậy thì nếu ông muốn, chúng ta cũng sẽ cùng tìm đến đó.
– Cái gì cơ. Ra phố bây giờ thì có hơi muộn quá không?
– Muộn hay không, tôi cũng phải đi. Mệnh lệnh giao cho tôi rất rõ ràng. Đến Paris càng sớm càng tốt, và đến lúc nào, phải liên lạc ngay với quận công de Guise.
Nghe đến tên quận công de Guise, chủ quán nhích lại gần, chăm chú nghe.
– Hình như cái thằng ba que kia muốn nghe lỏm chúng ta đấy – Coconas nói. Là người xứ Piémontais, chàng vốn thù dai và không thể bỏ qua cho chủ quán Tinh tú cái tội đã tiếp đón lữ khách một cách kém lịch sự.
– Vâng, thưa quý ông, tôi có nghe quý ông nói chuyện – Chủ quán vừa nói vừa chạm tay vào mũ trùm – Nhưng đó là để hầu quý ông tốt hơn thôi ạ. Tôi nghe đến tên quận công De Guise vĩ đại là tôi chạy lại ngay. Tôi có thể giúp gì cho quý ông không?
– A! A! Cái từ ấy có phép mầu hay sao đây. Lúc nãy mi xấc láo thế sao bây giờ lại ngọt thế. Mẹ kiếp, này chủ quán, chủ quán… tên mi là gì ấy nhỉ?
– Chủ quán La Hurière – Chủ quán vừa trả lời vừa nghiêng mình.
– Thế này chủ quán La Hurière ạ, mi tưởng rằng tay ta không nặng bằng tay quận công de Guise hay sao mà cái tên ông ta lại khiến mi trở nên nhã nhặn thế?
– Không ạ, thưa bá tước, nhưng tay ông ta dài hơn – Chủ quán đối đáp lại và nói thêm – Vả chăng, cần phải nói với ngài rằng Henri vĩ đại là thần tượng của dân Paris chúng tôi.
– Henri nào? – De Mole hỏi.
– Tôi thấy hình như chỉ có một thôi, – Chủ quán nói.
– Xin lỗi, ông bạn, còn có cả Henri de Navarre ta xin anh đừng có nói xấu, ấy là không kể Henri de Condé là người cũng có giá trị.
– Những ông ấy tôi không được biết – Chủ quán đáp.
– Vâng, nhưng ta biết họ – De Mole nói – Và vì ta được gửi gắm cho đức vua Henri de Navarre. Ta xin anh đừng có nói xấu về Người trước mặt ta.
Chủ quán không trả lời de Mole, chỉ khẽ chạm tay vào mũ trùm và tiếp tục săn đón Coconas:
– Vậy là đức ông sắp được hầu chuyện quận công de Guise vĩ đại. Đức ông thật là một nhà quý tộc sung sướng. Hẳn là đức ông đến để…
– Để làm gì? – Coconas hỏi.
– Để dự hội – Chủ quán trả lời với một nụ cười kỳ quặc.
– Có lẽ anh phải nói là dự các hội hè thì hơn, vì ta nghe nói là Paris ngập ứ những hội với hè. Ít ra thì người ta cũng chỉ nói về vũ hội, tiệc tùng với đua ngựa mà thôi. Ở Paris mọi người vui chơi khá đấy chứ nhỉ?
– Thưa ông, vẫn còn từ tốn thôi, Ít ra là tới lúc này. – Chủ quán đáp – Nhưng mà ta sắp được vui chơi đấy, tôi mong là thế.
– Đám cưới của đức vua Navarre thu hút nhiều người tới thành phố này đấy chứ – De Mole nói.
– Thưa ông vâng, nhiều kẻ Tân giáo – La Hurière trả lời vỗ mặt luôn. Rồi y tĩnh trí lại, nói:
– À xin lỗi, có lẽ quý ngài theo Tân giáo chăng?
– Ta mà theo Tân giáo à – Coconas kêu lên – Thôi đi! Ta là người Giatô giáo cũng giống như đức cha giáo hoàng vậy.
La Hurière quay về phía De Mole tựa như muốn hỏi dò, nhưng hoặc là vì De Mole không hiểu cái nhìn của chủ quán, hoặc là vì chàng thấy nên trả lời bằng một câu hỏi khác thì tiện hơn.
– Nếu anh không biết về đức vua Navarre, chủ quán La Hurière, có lẽ anh biết tí gì về đô đốc chăng? Ta nghe nói đô đốc có được hưởng một ân sủng nào đó ở triều đình. Vì ta được gửi gắm đến chỗ ông ta nên ta muốn biết ông ta ngụ tại đâu, nếu như nói ra cái địa chỉ ấy không làm sướt lưỡi anh.
– Ông ta đã từng ở tại phố Béthisy, thưa ông, từ đây đi rẽ phải – Chủ quán nói với vẻ hài lòng không che đậy nổi.
– Thế nào? Ông ta đã từng ở… – De Mole hỏi – Ông ta chuyển nhà rồi à?
– Vâng, có lẽ là chuyển khỏi thế giới này.
– Thế là thế nào? – Cả hai nhà quý tộc cùng kêu lên – Đô đốc chuyển khỏi thế giới này à!
– Sao ạ? Ông de Coconas – Chủ quán tiếp với một nụ cười láu lỉnh – Ông thuộc về phe de Guise mà ông không biết gì cả ư?
– Gì mới được chứ?
– Hôm qua, khi đô đốc đi ngang quảng trường Saint-Germain l Auxerrois, trước nhà cha Pierre Piles, đô đốc bị trúng một phát đạn hoả mai.
– Ông ta bị giết rồi! – De Mole kêu lên.
– Không, viên đạn chỉ làm gãy cánh tay và cụt hai ngón tay, nhưng người ta hy vọng rằng đạn được tẩm thuốc độc.
– Sao, đồ khốn nạn! – De Mole kêu lên – Chúng bay hy vọng rằng…
– Tôi muốn nói “người ta cho rằng” – Chủ quán chữa lại – Chúng ta không nên xích mích nhau về câu chữ, lưỡi tôi bị nhíu đấy.
Và chủ quán La Hurière vừa quay lưng về phía De Mole, vừa thè lưỡi ra với Coconas vẻ giễu cợt và kèm theo cử chỉ đó là một cái liếc nhìn đầy vẻ thông đồng.
– Thật à! – Coconas mặt tươi hơn hớn nói.
– Thật thế ư! – De Mole lẩm bẩm với vẻ ngạc nhiên đau đớn.
– Thật đúng như tôi vừa được hầu chuyện quý ngài đây – Chủ quán trả lời.
– Vậy thì tôi đến cung Louvre ngay đây – De Mole nói – Liệu tôi có gặp đức vua Henri ở đấy không nhỉ?
– Có thể lắm, vì ông ta ở luôn đấy.
– Và tôi cũng đến Louvre đây – Coconas nói – Liệu tôi có gặp được quận công de Guise không?
– Hẳn thế, vì tôi mới thấy ngài đi cùng với hai trăm vị quý tộc qua đây một lát thôi.
– Vậy thì đi nào, ông de Coconas – De Mole nói.
– Tôi xin theo ông – Coconas đáp.
– Nhưng còn bữa tối thì sao, thưa quý vị? – Chủ quán hỏi.
– À – De Mole đáp – Có lẽ ta sẽ ăn tối ở chỗ đức vua Navarre.
– Còn ta thì ở chỗ quận công de Guise – Coconas tiếp.
– Còn ta – Chủ quán nói sau khi nhìn dõi theo hai nhà quý tộc đang đi về phía Louvre – Ta sẽ đánh bóng cái mũ sắt của ta, tra ngòi cho khẩu hoả mai và mài mác. Ai mà biết được sẽ xảy ra chuyện gì?
Chú thích:
(1) Một lời rủa ý như “Tiên sư cha cái thằng”