Bạn đang đọc Hoa Vàng Mấy Độ: Chương 12
– Sướng gì mà sướng. Cứ ngồi không một mình trong phòng, chẳng có ai nói chuyện cũng chẳng có việc để làm, cháu thấy giống bị biệt giam thấy mồ. Mà chắc dì Mai giam cháu vào đây thật chớ gì nữa.
– Sao lại nói vậy. Tôi nghĩ bà Mai không muốn cô cực khổ thì đúng hơn.
Lam Uyên nhếch miệng cười:
– Ở công ty nầy chắc ai cũng nghĩ như dì, có điều họ nói với nhau bằng tiếng của họ, cháu không nghe, không hiểu thôi.
Giọng bà Kim Anh có vẻ tò mò:
– Dường như cô không thích công việc nầy?
Chỉ vào máy tính, Uyên đáp:
– Việc nầy thì cháu thích, nhưng làm việc tại đây thì….
Lam Uyên nhún vai nói tiếp:
– Đúng là cực hình.
– Vậy sao không ở nhà, gia đình cô giàu có, đi làm chi cho khổ.
Chống tay dưới cằm, Uyên thở ra:
– Ăn ở không núi cũng phải lở, gia đình cháu ngoài cái khách sạn cổ lỗ nầy ra còn có gì nữa đâu. Tất cả chỉ là cái vỏ rỗng thôi! Vả lại cháu cũng thích làm việc, có điều ở đây chán quá, chẳng ai là đồng nghiệp hết. Họ cứ lén lén lút lút, nhấp nha nhấp nhỏm mỗi khi đang làm việc, đang tiếp khách mà cháu xuất hiện. Chắc họ nghi cháu theo dõi họ để báo cáo tâng công với dì Mai hay sao ấy.
Nhìn vẻ mặt tư lự của Lam Uyên, bà Kim Anh buột miệng:
– Ngược lại thì có.
Rồi như biết mình lỡ lời, bà cắm cúi lau vội lau vàng khoảng gạch gần cửa sổ trông xuống đường. Lam Uyên nhíu mầy hỏi:
– Ý dì muốn nói là họ theo dõi cháu à?
Bà vội lắc đầu:
– Tôi lẩm cẩm nên nghĩ bậy, không phải vậy đâu.
Lam Uyên tắt máy đứng dậy, cô cho tay vào túi theo thói quen, rồi đi lên đi xuống, lòng ngập tràn thắc mắc.
Có đúng là họ cô lập và theo dõi mình không? Hình như mọi người không muốn có quan hệ giao tiếp với khách hàng, từ những khách thông thường tới liên hệ thuê xe hơi, hoặc hợp đồng tham quan trong nước, đến những người tới đăng ký đi lao động ở nước ngoài hoặc những dịch vụ linh tinh khác. Tại sao vậy?
Đứng trước mặt bà Kim Anh, Lam Uyên nhỏ nhẹ:
– Nói cho cháu nghe đi dì Anh. Cháu có làm gì sai đâu mà người ta lại theo dõi cháu?
Bà Kim Anh khổ sở:
– Tôi đã nói không có mà! Thôi cô làm việc đi.
Nói dứt lời bà lại tiếp tục lau nhà, Lam Uyên đứng khoanh tay ngay cửa sổ nhìn xuống phố đến khi nghe một tràng xí xố, xí xào cô mới giật mình quay vô.
Giám đốc Đài Loan Ngô Vĩnh Kỳ đứng giữa phòng xỉ xỉ tay về phía Lam Uyên, miệng tuôn một tràng liên tu bất tận khiến cô ngớ ra.
Bực mình trước thái độ phách lối của ông ta, Uyên không nhịn được bèn hỏi:
– Lão ấy nói gì vậy dì Anh?
Bà Kim Anh lặng lẽ đứng im, mặc Ngô Vĩnh Kỳ xí xố, xí xào mà không trả lời Uyên. Cô lại phải nghe bà Anh…. líu lo với…. giám đốc trước khi ông ta bước ra và đóng sầm cửa lại như thị uy.
Lam Uyên nóng nảy nói với theo:
– Đồ bất lịch sự… đồ…..
– Trời ơi lỡ ổng nghe thì sao?
– Thì như vịt nghe sấm chớ sao. Lão mập ấy có biết tiếng Việt đâu mà dì sợ. Hừ! muốn thể hiện vai trò ông chủ lớn nước ngoài à? Thật là…. là… thô bỉ.
Bà Kim Anh kêu lên:
– Đừng nói nữa, ổng nghe được phiền lắm.
Rồi bà thấp giọng:
– Hắn ta từng lớn lên ở đây mà, hắn vờ không nói, không nghe được tiếng Việt đó thôi.
Lam Uyên trợn mắt:
– Cái gì? Lão ta biết nói tiếng Việt à? Vậy mà mọi lần làm ăn với người mình, lão nói tiếng Hoa hoặc tiếng Anh, rồi bắt thông dịch viên dịch lại. Thật là hợm hĩnh.
Quay sang phía bà Anh, Lam Uyên hỏi:
– Nhưng sao dì biết lão mập nầy biết nghe, thậm chí biết nói tiếng của mình? Ở đây cháu chưa bao giờ thấy lão ta có biểu hiện gì chứng tỏ lão nghe được tiếng Việt hết.
Bà Kim Anh chép miệng:
– Nói ra chắc cô không tin, nhưng xưa kia tôi và Vĩnh Kỳ từng học chung Đại Học tại Sài Gòn.
Không ngăn được ngạc nhiên, Lam Uyên gặn lại:
– Từng học chung Đ… ạ…. i…học với dì à? Đại học nào thế?
Bà Kim Anh bùi ngùi:
– Khoa Hán Nôm Đại Học Văn Khoa. Tôi và ông ta học chung cách đây hai mươi mấy ba chục năm rồi, và Vĩnh Kỳ không hề nhận ra tôi.
Lam Uyên nghi ngờ:
– Dì có nhìn lầm người không?
Bà Kim Anh khe khẽ lắc đầu:
– Làm sao lầm được khi mỗi ngày tôi mỗi gặp Vĩnh Kỳ. Lần đầu gặp anh ta, tôi đã ngờ ngợ, nhưng chưa dám nhìn vì anh ta và cả tôi bây giờ khác xưa quá! Trong khi Vĩnh Kỳ đang giấu cái gốc của mình, tôi là nhân viên quèn, mọi chuyện xưa cùng học chung ra để làm gì, biết đâu người ta vừa không nhìn, lại vừa ình thôi việc thì càng khổ.
Nhớ lại thái độ của Vĩnh Kỳ mỗi khi nghe những người khách đến quan hệ làm ăn nói với nhau bằng tiếng Việt, hoặc khi nghe cô và bà Kiều Mai nói chuyện với nhau, mà Lam Uyên nửa tin, nửa ngờ…. Mặt Vĩnh Kỳ lúc nào cũng trơ ra như điếc. Lẽ nào lão ta lại đóng kịch tài như vậy?
Lam Uyên vụt hỏi:
– Ông ta giấu cái gốc ngày xưa để làm gì hả dì Anh?
– Để làm ăn. Biết người, người không hề biết thì cũng trăm trận trăm thắng.
Rồi bà Anh nghiêm giọng:
– Trong công ty nầy ai cũng sợ Vĩnh Kỳ hết, trừ cô, người ăn nói bạt mạng như con trai. Chính vì vậy tôi mới nói cho cô biết chuyện nầy để giữ mồm giữ miệng. Tôi nghĩ rằng cô không bép xép với bà Kiều Mai để hại tôi.
Lam Uyên cười gượng:
– Sao dì lại nói vậy? Bộ cháu nhiều chuyện lắm hả?
– Ít chuyện chưa hay bằng không biết chuyện. Dặn hờ cô vậy thôi, nếu có tới tai Vĩnh Kỳ cũng chả nhằm nhò gì tôi, vì chuyện nầy là thật một trăm phần trăm.
Lam Uyên nghiêng nghiêng đầu:
– Có bao giờ ông ta nhận ra dì mà không nhìn không?
– Có chứ! Chuyện đời mà, việc gì lại không thể?
– Vậy dì Mai có biết…. cái gốc của ông Kỳ không?
Bà Kim Anh nhún vai:
– Điều nầy chắc chỉ hai người đó biết thôi. Bà Kiều Mai khôn ngoan, lanh lợi, bà ta đâu dễ bị người khác qua mặt.
Giọng Lam Uyên đầy vẻ thắc mắc:
– Dì có ăn học, sao lại phải vào đây làm tạp vụ hả dì Anh?
Thấy Lam Uyên quan tâm đến mình, bà Anh nói tiếp:
– Trước kia tôi có đi làm chớ! Nhưng đã ra hội đồng nghỉ mất sức rồi. Ở nhà cũng hơn hai năm , cứ đi ra đi vào buồn quá chịu không nổi, tôi mới xin vô đây làm việc theo giờ. Vừa có hoạt động, vừa thấy mình không vô dụng với con cháu.
Lam Uyên như sực nhớ ra:
– À, lúc nãy ông Kỳ nói gì, mà cứ dí dí tay về phía cháu vậy.
– Ông ta bảo cô phải làm xong việc trong ngày nay, nếu không sẽ mách bà Kiều Mai.
Lam Uyên bĩu môi:
– Hăm he. Thật buồn cười! Mặt lão ta trông hãm tài thế kia, nhưng công ty dịch vụ … bá vơ nầy lại gặp thời mới kỳ. Người ta ra vào cứ nườm nượp như đi chợ. Thời buổi nầy xuất khẩu….lao động xem ra có ăn.
Bà Kim Anh:
– Đơn nộp vào cộng với tiền lệ phí nầy nó cho công ty thì nhiều, nhưng đã thấy… xuất được ai đâu. Trong khi hoạt động giới thiệu hôn nhân với người Đại Loan dường như…. khấm khá hơn.
– Ủa, vậy sao? Ở đây chỉ có đơn xin được đi hợp tác lao động không mà.
– Nhưng hồ sơ kia ai lại đưa cho cô.
Lam Uyên hơi tự ái:
– Dì nói vậy là sao? Bộ những thứ đó cháu làm không được à?
Bà Kim Anh lắc đầu thương hại:
– Đâu phải vậy, chẳng qua bà Mai không muốn cô biết những việc nầy, vì cô đâu có tuyên thệ “phải chấp hành nội quy của công ty, không được tiết lộ bí mật của công ty” như những nhân viên ở đây.
Mặt Lam Uyên ngờ ra:
– Làm ở đây phải tuyên thệ à? Vậy dì có tuyên thệ không?
– Tôi làm công nhận, đâu phải nhân viên chính thức của công ty, nên chẳng phải thề thốt giữ bí mật gì hết.
– Những bí mật đó là bí mật gì?
Bà Kim Anh nói:
– Nói là bí mật cũng không đúng, vì việc nầy cũng nhiều người biết rồi.
Lam Uyên chưa kịp hỏi thêm, thì bà Kiều Mai bước vào với vẻ mặt cau có:
– Lau có mỗi cái phòng mà cả tiếng đồng hồ. Tôi tưởng chị ngủ luôn trong đây rồi chớ! Còn Lam Uyên! Con đã làm tới đâu? Được phân nửa danh sách chưa?
Thay vì trả lời, Lam Uyên chỉ lắc đầu. Bà Mai trợn mắt định mắng, nhưng thấy bà Anh còn đứng sớ rớ nên quay lại hỏi:
– Con A Lìn nghỉ gì lâu vậy? Không có nó, chả ai chạy hồ sơ giấy tờ cho tôi hết.
Bà Kim Anh nhỏ nhẹ:
– Nó bệnh mà! Chẳng ai muốn bệnh để được nghỉ việc hết.
Bà Kiều Mai lạnh lùng:
– Về bảo nó ngày mai đi làm, không thì tôi coi như nó xin nghỉ luôn, Lam Uyên nhanh lên, cứ rị mọ như con chắc dì giải tán công ty nầy luôn cho khỏi làm ăn nữa.
Nhìn bà Mai ngoe nguẩy bước ra, Uyên cố dằn sự căm ghét xuống bằng một câu hỏi:
– Chị Cẩm Lìn là gì của dì vậy?
– Con gái lớn của tôi.
– Ủa, vậy mà con đâu có biết. Chị bị bệnh à?
Bà Kim Anh thở dài :
– Tối ngày nó cứ chạy tới chạy lui lo ba mớ giấy tờ xuất cảnh cho khách hàng nên cảm nắng. Mới nghỉ hai ngày bà ta đã la lối. Nghĩ chán thật, ai cũng nhắm cái lợi ình, còn người khác sống chết mặc kệ.
Lam Uyên nhún vai:
– Dì than phiền với con vô ích. Trong xí nghiệp nầy con cũng chỉ làm công như mọi người thôi. Họ cũng sẵn sàng sa thải con nếu thích.
– Tôi biết chớ! Nếu không, tôi đâu dám nói những chuyện như nãy giờ. Thôi tôi sang phòng kế bên đây.
Lam Uyên chưa kịp hỏi tiếp chuyện…. bí mật đang nói dang dở lúc nãy, thì bà Anh đã đi rồi. Cô thở ra bực dọc và bật màn hình tiếp tục nhập tin.
Công ty dịch vụ Hoa Lan nầy thế nào ấy. Cô làm trong công ty, nhưng vẫn chưa hiểu hết được những chức năng của nó. Nhất là hiểu về bà mẹ kế và lão Giám đốc Đài Loan từng lớn lên, sinh sống, ăn học ở thành phố nầy, nhưng lại cố tình phủ nhận quá khứ của mình.
Ba cô chỉ bước được vài ba bước quanh quẩn trong căn phòng của mình, ông có biết những bí mật gì đó của công ty mà dì Mai bắt nhân viên phải giữ kín không nhỉ?
Nhất định Uyên phải hỏi cho ra, nhưng cô sẽ hỏi như thế nào, để ba cô không làm ầm ĩ lên vì nghĩ rằng cô nghi ngờ bà vợ trẻ của ông làm chuyện phi pháp.
Lam Uyên buồn bã thở dài. Phải chi mẹ mình còn sống. Phải chi ba vẫn còn thương anh em cô như ngày nào thì cô đâu tủi thân với mọi người khi nghĩ tới thân phận mình.
Gió đêm ở ven sông thổi mạnh mang theo cả hơi nước làm Lam Uyên chợt thấy lạnh, cô khoanh tay trước ngực nhìn khoảng không tối đen trước mặt và suy nghĩ mông lung.
Duy bỏ tách café xuống bàn dang tay kéo cô sát vào ngực, giọng âu yếm :
– Mơ mộng gì đó bé con ?
– Em đang đếm sao, ở thành phố đèn điện sáng choang nầy chỉ có ra bờ sông tối như vầy mới thấy sao mà đếm.
Duy hôn nhẹ lên má cô và thì thầm:
– Đếm được bao nhiêu ngôi rồi ?
Lam Uyên cười nhẹ :
– Đang đếm anh hỏi làm em quên mất tiêu. Đáng lẽ bắt đền anh mới phải.
Nâng cằm Lam Uyên lên, Duy tình tự :
– Vậy để anh đền nghen. Một trăm cái cũng được.
Nhẹ đẩy anh ra, Lam Uyên bảo :
– Thấy ghét ! Tội anh …. biến cả tuần nay, em chưa hỏi đến, đừng thấy … người ta hiền rồi lấn tới.
– Trời ơi ! Anh có đi chơi đâu ! Không tin em hỏi thằng Hưng, nó biết hết mọi chuyện làm của anh đó.
Lam Uyên ấm ức:
– Anh Hưng chỉ biết có Vi Lan thôi. Ảnh có để ý gì tới ai khác. Em hỏi anh đi đâu, đi với ai, ảnh lắc đầu. Ảnh còn nói là anh trở về nhà ở luôn rồi nữa chứ.
Duy nhăn nhó :
– Hưng nói đùa mà em cũng tin.
– Nhưng chắc chắn là anh có về nhà, và hổm rày ở đó. Anh muốn trở lại với Tố Nga chớ gì ?
Duy ngập ngừng :
– Sao em lại nghĩ kỳ vậy. Anh có về nhà, có ở lại đó thật nhưng chẳng qua vì công việc.
Tim Lam Uyên se thắt lại :
– Chắc bác trai đã bằng lòng xuất vốn cho anh ….
– Không phải ba, mà người khác đề nghị.
Định hỏi ai, nhưng Lam Uyên đã kềm lại được, tự dưng cô thấy giữa cô và Duy có một khoảng cách, chính khoảng cách ấy khiến Uyên dè dặt hơn. Từ khi thú nhận yêu anh, và thề hẹn với nhau, lần đầu cô biết dằn lòng, biết giấu cảm xúc của mình. Vì sao vậy ? Có phải vì cô mặc cảm không ?
Dường như hiểu được Lam Uyên, Duy siết chặt bàn tay nhỏ nhắn của cô và nói :
– Sao không hỏi xem người định giúp vốn anh là ai hở bé con ? Em đang nghĩ lộn xộn phải không ?
Lam Uyên cố giữ vẻ thản nhiên :
– Em chỉ ngại rằng người giúp vốn cho anh là người em đang nghĩ tới, nên không dám hỏi vì sợ thất vọng.
Duy cười nhẹ :
– Người nầy em không biết đâu. Ngay cả anh cũng mới tiếp xúc, nên đừng lo gì cả. Bao giờ trong tim anh cũng là em. Yên tâm chưa ?
– Vậy là ai ? Đàn ông hay đàn bà ?
Duy lắc đầu trước câu hỏi đầy … ghen tuông, ngờ vực của cô. Anh véo mũi Lam Uyên rồi bảo :
– Mợ của anh. Bà vừa ở Canada về một lượt với HL và mẹ. Bà sẽ tài trợ vốn cho …. mình. Rồi em sẽ về làm việc với anh bé con à ! Em phải ở kế bên, anh mới an tâm.
Giọng Lam Uyên hoang mang :
– Nhưng tại sao bà ấy lại chịu giúp vốn khi thừa biết ba mẹ anh không đồng ý việc nầy từ lâu ?
Duy từ tốn giải thích :
– Cậu anh mất rồi. Hai vợ chồng lại không có con. Hiện tại chỉ mình mợ Thanh quản lý một công ty điện tử chuyên sản xuất phần mềm ở Canada. Lần nầy về Việt Nam tìm hiểu thị trường để tính chuyện làm ăn lâu dài, thay vì đầu tư cho người lạ mợ Thanh muốn hợp tác với con cháu.
Lam Uyên hỏi tới :
– Thế hai bác nói sao về chuyện nầy ?
Trầm ngâm một hồi Duy mới nói :
– Anh và mợ Thanh vẫn chưa cho ba mẹ biết vì chắc chắn hai người sẽ cản. Có bao giờ ba tin vào khả năng của anh đâu. Điều nầy thì cũng không quan trọng vì anh đã nhất định làm theo ý mình. Bây giờ có người hỗ trợ còn gì tốt hơn nữa. Nhưng chắc anh và mợ Thanh phải âm thầm tiến hành công việc, bao giờ xong mới ọi người hay.
Giọng Lam Uyên hơi khó chịu :
– Vậy là anh và bà Thanh có chung một bí mật hệ trọng, mà lẽ ra em cũng không nên tò mò hỏi đến.
Không để ý tới cách nói ganh tỵ của Lam Uyên, Duy khen hết sức thật lòng :
– Mợ Thanh tốt, tính tình lại dễ thương nữa, chỉ tội là cậu anh vắn số quá.
– Mợ ấy vẫn ở vậy đến giờ à ?
Duy gật đầu, rồi trầm giọng kể :
– Nghe mợ Thanh tâm sự mới thấm thía thế nào là cô đơn nơi đất khách quê người. Hình như mợ ấy có nỗi khổ riêng không thố lộ được với người khác hay sao ấy. Suốt tuần qua, anh đưa mợ Thanh ra Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng cho khuây khỏa, nhưng hình như càng đi mợ càng buồn hơn. Đến Đà Nẵng mợ ấy bệnh làm anh lo muốn chết, chưa kịp đi hết vòng thành phố đã vội lên máy bay trở về.
Lam Uyên không dằn được sự bất bình :
– Té ra suốt tuần nay anh đi chơi.
– Không phải đi chơi. Mẹ anh nhờ đưa mợ Thanh về thăm quê mà.
– Và anh đồng ý ngay, vì thấy việc nầy có lợi ? Anh xem việc nầy quan trọng hơn em rồi.
Duy ngỡ ngàng :
– Lam Uyên ! Em làm sao vậy ? Tự nhiên lại mai mỉa anh ? Dưới mắt nhìn của em, chắc anh là kẻ hám lợi.
Biết mình hơi quá lố, Lam Uyên vội nói :
– Ý em không phải như vậy.
– Anh hiểu ! Em muốn nói rằng vì nể tình mợ Thanh đã đưa ra đề nghị hợp tác làm ăn béo bở nên khi nghe mẹ nhờ, anh đồng ý ngay. Phải không ? Hừ ! Em xem thường anh quá đấy Uyên. Nếu anh là kẻ hám lợi, anh đã ưng lấy Tố Nga để sẽ có được những gì anh ao ước, chớ đâu phải lận đận lao đao vì yêu em như thế nầy ?
Lam Uyên đùng đùng tự ái :
– Bây giờ anh vẫn thừa thời gian để cưới cô ta và xây dựng sự nghiệp cơ mà ! Em không ngăn đâu. Anh khỏi lo lận đận lao đao vì em.
Dứt lời cô chụp cái ví trên bàn ngoe nguẩy bỏ đi. Duy vội vàng đến quầy trả tiền café rồi chạy theo Uyên về hướng bờ sông.
Nắm vai cô xoay mạnh lại, Duy gằn giọng :
– Mới chạm nhẹ vào em, em đã giận, vậy khi nói về anh, em không lựa lời hả Uyên ? Anh không có tự ái hay sao chớ ?
Lam Uyên bướng bỉnh :
– Em chả nói gì anh hết. Tự anh suy diễn ra rồi đổ cho em. Tự anh cho rằng mình là kẻ hám lợi, chớ em có biết gì chuyện của anh và mợ Thanh đâu mà nói.
Duy giận tái người :
– Em … em ngang ngược vừa thôi. Anh yêu em thật, nhưng nếu em coi mình hơn người khác, anh sẽ … sẽ …
Thấy Duy ngập ngừng, Uyên uất ức :
– Anh sẽ bỏ em như đã bỏ Tố Nga chớ gì ? Thật ra chính anh mới coi mình hơn người khác. Anh đi với bà ta cả tuần mà không hề nhắn cho em biết, anh có xem em ra gì đâu, có cần biết em ra sao đâu ? Đã vậy bây giờ lại trách ngược tại em nên mới lao đao lận đận. Nếu tại em thì anh đừng thương em nữa, em không làm vướng chân anh đâu.
Dứt lời Lam Uyên chạy như bay về phía bờ sông. Duy hoảng kinh hồn vía khi nhớ tới nước liều mạng, ngông cuồng từng nằm đo đường trước bánh xe tải của cô.
Anh chạy bổ theo, miệng hét to :
– Lam Uyên, đứng lại !
Mặc cho Duy gọi, Uyên cắm đầu chạy, nước mắt cô ứa nhòa cả khoảng đen trước mặt. Cô chịu không nổi khi Duy nói cô như thế. Dầu biết anh nói đúng, Uyên vẫn giận vì cô vốn nhiều tự ái. Lam Uyên sẵn sàng làm một hành động ngông cuồng cho hả tự ái kia mà ! Trước mặt cô là dòng sông tăm tối lạnh lùng. Nếu Uyên nhảy đại xuống đó, nước có làm cô dịu cơn nóng giận nầy không ? Chắc là có đó.
Mắt nhắm mắt mở, tâm hồn hỗn loạn, Lam Uyên vấp cái rễ cây té nhào về phía trước.
Duy lao tới kéo cô lại, cả hai nằm lăn ra đất. Lôi Lam Uyên đứng dậy, mắt tóe lửa, miệng nghiến lại, Duy vung tay tát mạnh một cái làm cô siểng niểng.
Anh hầm hừ giữ chặt hai vai Uyên :
– Đồ ngốc! Em định nhảy xuống để dọa anh đó à ? Lần thấy em ngã sóng soài trước đầu xe tải, anh sợ điếng người vì hành động bộc phát ngu ngốc của em. Hừ ! Lần nầy anh thấy giận và ghét. Người ta nói “sự bất quá tam”. Riêng anh thì không. Sẽ không có lần thứ ba đâu. Anh đã lầm khi yêu một cô gái kiêu căng, tự cao và ích kỷ như em.
Không để Lam Uyên nói một lời, Duy lầm lì kéo cô về phía chiếc Win. Anh hất hàm ra lệnh :
– Lên xe anh chở về. Đoạn đường nầy lắm quỷ nhiều ma và không có xích lô. Anh vốn là người có trách nhiệm nên đâu muốn em bị phiền bởi chúng.
Nghe giọng nói của Duy, Lam Uyên tức cành hông. Cô mím môi leo lên ngồi phía sau và nhất định không nói một lời.
Lần đầu tiên trong đời cô bị đòn, bị đánh bởi người mình yêu, nỗi đau mới nhân lên gấp bội chớ ! Nhưng cái tát vừa rồi có thấm gì với những lời Duy nói. Anh mắng Lam Uyên như vậy, sao cô lại im lặng.
Lam Uyên mà cũng biết sợ à ? Cô hít vào một hơi dài để ngăn nỗi nghẹn ngào đã ứ lên tới cổ. Duy không hé môi nói một lời. Anh phóng xe như điên, cô không ôm anh cũng không vịn vào yên nhưng Duy cũng chả thèm nhắc nhở …
Lòng Uyên tan nát khi nghĩ tới … có lẽ Duy đã hết yêu cô thật rồi. Uyên muốn ngã đầu vào lưng anh khóc thật to, và dịu dàng nói lời xin lỗi, nhưng “bản chất” ngang ngược, tự cao trong cô ngăn lại …. Cô có lỗi gì mà phải xin ? … Duy xin lỗi cô thì đúng hơn. Thế nào khi xe ngừng trước nhà, anh cũng sẽ ôm lấy Uyên vuốt nhẹ bên má vẫn còn rát bỏng, rồi tha thiết xin lỗi trước khi hôn cô, vì Uyên biết Duy rất yêu và không thể thiếu cô. Đến lúc ấy Uyên sẽ xin lỗi anh vẫn chưa muộn cơ mà.
Duy thắng gấp xe trước cửa. Lam Uyên bước xuống, Duy giữ tay cô lại đúng như Lam Uyên nghĩ.
Trái tim lì của cô mềm ra. Uyên tưởng chừng mình sắp gục đầu vào vai anh để khóc cho hả. Nhưng cô chưa làm được việc đó thì đã nghe giọng anh rành rọt không chút xúc cảm :
– Lam Uyên ! Anh xin lỗi đã mạnh tay với em. Tính anh cộc cằn quá, chúng ta không hợp nhau đâu. Anh rất tiếc. Nhưng từ giờ trở đi em đừng nghĩ tới anh nữa. Hãy quên tất cả đi.
Để mặc Uyên đứng như trời trồng, Duy rú ga phóng xe đi. Âm thanh buốt óc ấy xoáy nhói hồn cô. Uyên đứng chết trân như thế chả biết bao lâu, mãi tới khi nghe giọng dì Mười hốt hoảng kêu lên.
– Tại sao con đứng đây vậy ?
Lam Uyên mới giật mình lơ ngơ bước vào nhà. Mặc bà Mười chạy theo hỏi đủ thứ, cô cắn chặt môi bước vô phòng đóng cửa lại. Uyên muốn khóc nhưng không còn nước mắt nữa. Đứng trước gương, cô thấy một khuôn mặt lạ, khuôn mặt lơ láo, thất thần của kẻ vừa làm mất vật quý nhất đời.
o 0 o
Lam Uyên thơ thẫn đi dọc con phố được bày la liệt hàng hóa. Thỉnh thoảng một vài người bán hàng lại xí xô xí xào mời cô …. Uyên có cảm giác mình đang ở xứ khác chớ không phải đang ở Việt Nam.
Đúng như lời Vi Lan quảng cáo, bách bộ trên các phố ở Chợ Lớn thật vui ! Con bé từng đi với Hưng vào Nguyễn Tri Phương ăn há cảo, rồi từng lang thang khắp nơi với anh, nên cứ luôn mồm khoe …. Mặc cho Lam Uyên đang chết dần chết mòn vì buồn tình. Vi Lan xúi “Đi vòng vòng một mình còn khuây khỏa hơn nằm ôm khối sầu trong nhà”.
Uyên đã nghe lời Vi Lan. Chiều nay thay vì về ngay khi hết giờ làm việc, cô đã leo lên xe buýt đánh một vòng Chợ Lớn.
Lang thang hết phố nầy, tới phố nọ, rồi đâu cũng vào đấy. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?” câu thơ xưa chẳng sai chút nào. Làm sao Uyên vui được khi Duy đã thật sự bỏ rơi cô. Anh để Hưng ở một mình và trở về nhà cha mẹ đã hơn nửa tháng. Lam Uyên hoàn toàn không biết tin tức gì của Duy hết. Muốn hỏi thăm, nhưng nhìn nét mặt đăm chiêu, khó chịu của Hưng, cô không dám hé môi. Cô đành hỏi vọng qua Vi Lan và được biết Duy chẳng nói năng gì chuyện “ hai đứa giận nhau” với Hưng hết. Anh chỉ bảo ngắn gọn rằng “phải về nhà vì chuyện riêng”.
Mà chuyện riêng gì cơ chứ ? Chẳng lẽ vì lời thách thức lúc nóng giận của Uyên, Duy đã trở lại với Tố Nga và sẽ cưới cô ta ?
Nếu Duy tầm thường như vậy thì có gì Uyên phải tiếc, phải khổ như bây giờ. Bất giác cô thở dài và cắm đầu bước tới.
– Lam Uyên ! Lam Uyên !
Cô giật mình khi nghe giọng đàn ông gọi tên mình thảng thốt.
Quay lại, Uyên ngỡ ngàng nhìn Quang từ trong quán ăn khá sang chạy ra.
Quang cười thật tươi.
– Không ngờ gặp em ở đây. Anh gọi mà cứ lo không phải là em.
Hơi xúc động trước nét mừng vui chân thật của Quang, Lam Uyên hỏi :
– Bây giờ đúng là em rồi thì sao ?
– Thì mời em vào quán với anh chớ sao nữa. Anh mời thật tình đó.
Cô chớp mắt :
– Em cũng thật tình muốn ăn cơm Tàu cho biết. Vào thì vào chớ sợ gì.
Kéo ghế mời Lam Uyên ngồi, Quang tò mò :
– Em đi đâu vậy ?
– Buồn tình lang thang không chủ đích. Còn anh ? Chắc hẹn hò với ai đó ?
Quang cười xòa :
– Đúng là anh có hẹn. Nhưng chưa tới giờ đâu. À ! Em dùng gì ? Tiếc rằng đây là quán café chớ không phải quán cơm. Nhất định anh sẽ đãi em một bữa cơm Tàu đặc biệt vào dịp khác. Bây giờ ăn kem bốn mùa đỡ vậy.
Lam Uyên lém lĩnh :
– Em chưa khi nào tin lời hứa hẹn của bất cứ ai. Hôm nay không được ăn cơm Tàu với anh là cầm chắc chúng mình “vô duyên đối diện bất tương phùng” rồi.