Bạn đang đọc Họa Quốc – Tập 1: Quyển 1 – Chương 25
Khương Trầm Ngư dẫn mọi người đến dịch quán, sửa soạn hành trang phân chia phòng ở, đợi khi mọi thứ đều được bố trí ổn thỏa đã là giờ Thân, Lý quản gia báo cáo, hầu gia và tướng quân đều đã trở về.
Nàng vội vã ra đón, vừa mới vén rèm đã nhìn thấy Giang Vãn Y cùng Phan Phương từ bên ngoài bước vào, sắc mặt Phan Phương vẫn bình tĩnh, không có gì khác biệt so với bình thường, còn Giang Vãn Y lại khá nhếch nhác, toàn thân thanh y nhau nhúm, cổ áo cũng bị kéo rách trên lớp áo trong còn in dấu môi son…
Khương Trầm Ngư che miệng, trêu: “Sư huynh thật có diễm phúc…”.
Giang Vãn Y thở dài, bất lực nói: “Muội đừng có giậu đổ bìm leo nữa đi, vừa rồi quả là một phen hãi hùng nhất trong đời hành y của ta, nếu không nhờ Phan tướng quân, e rằng bây giờ ta đã bị các cô nương đó ăn sống nuốt tươi rồi…”.
Khương Trầm Ngư nhớ lại dáng vẻ bị ép buộc lên xe của hắn lúc trước, không khỏi bật cười, thấy Giang Vãn Y bối rối, liền vội vàng ho một tiếng, lấy lại vẻ nghiêm túc: “Các huynh làm sao thoát được ra? Muội còn tưởng các huynh sẽ ăn cơm tối ở phủ tam hoàng tử chứ?”.
Hai thị nữ đưa Phan Phương về phòng y, Giang Vãn Y nhìn theo bóng Phan Phương, lúc này mới thuật lại chuyện đã xảy ra. Thì ra sau khi hắn và Phan Phương lên xe, liền bị đưa tới yến tiệc khoản đãi ở phủ tam hoàng tử.
Trong bữa tiệc, đám thiếu nữ đó cũng không rời đi, vây quanh hỏi này hỏi nọ, da mặt y mỏng, trước những câu hỏi về bệnh tình của đối phương, đều trả lời nghiêm túc, kết quả không ngờ những thiếu nữ đó nhận ra điều này, còn mượn cớ mình đau chỗ này chỗ kia, tóm tay hắn sờ vào người họ… Các nàng, kiều diễm như thế, y như ngồi trên thảm đinh; còn Nghi vương hai tay ôm hai người, cực kỳ thích thú; duy chỉ có Phan Phương, dù thiếu nữ nào sán lại gần y, trêu chọc y, y cũng đều không cất lời, ngồi im phăng phắc, cuối cùng đột nhiên mở miệng: “Bây giờ mấy giờ rồi?”.
Một thiếu nữ thấy y lên tiếng, vui mừng đáp: “A, giờ Mùi ba khắc, sắp tới giờ Thân rồi”.
Phan Phương lập tức đứng dậy, khiến thiếu nữ ngồi trên đùi y suýt chút nữa thì ngã lăn ra đất, còn y vẫn lạnh lùng, chỉ nói một câu: “Ta phải đi thắp nhang cho vong thê”.
Hoàn toàn không bận tâm đến đám quan viên Trình quốc bồi tiếp ở đó, dứt khoát rời đi.
Giang Vãn Y thấy y đi, cũng cuống quýt tìm cớ chuồn mới có thể về dịch quán.
Khương Trầm Ngư “à” một tiếng, nhớ ra Phan Phương đúng là có mang theo bài vị của Tần nương lên thuyền, giờ Thân mỗi ngày đều thắp ba nén hương, chưa từng gián đoạn.
Nàng dường như lại quay về cái ngày Hy Hòa thổ huyết, ngày đó trong cung hoàng hậu lâm nạn, ngoài cung Tần nương vong mạng, còn trong nhà canh thiếp bốc cháy…
Bây giờ nhớ lại, tất cả những chuyện chẳng lành dường như đều bắt đầu từ ngày hôm đó…
Giang Vãn Y đảo mắt, chuyển chủ đề: “Nói ra, muội không cùng lên xe, thật làm ta bất ngờ”.
Khương Trầm Ngư mỉm cười: “Chốn ôn nhu, nơi tiêu hồn(*), muội đi há chẳng phải bất tiện sao?”.
“Nếu muội đến, những cô nương đó có lẽ sẽ không ngang ngược đến vậy”.
Khương Trầm Ngư cười, lại nghiêm trang nói: “Kỳ thực muội không lên xe, ngoài lý do không tiện ra, còn vì hai nguyên nhân”.
“Hử?”.
“Trình vương bệnh nặng, đang là lúc tranh quyền đoạt vị, ba vị hoàng tử không ai nhường ai, tranh giành trong tối ngoài sáng. Hôm nay tiếp giá, rõ ràng là Hàm Kỳ đến trước, bọn huynh lại lên xe ngựa của Di Phi cùng Nghi vương, truyền đến tai người ngoài, chẳng phải tuyên bố Nghi quốc và Bích quốc đều đứng về phía Di Phi sao? Thế cục chưa rõ, không nên xác định lập trường quá sớm, cho nên, muội dẫn mọi người đi theo Hàm Kỳ, như thế, người ta sẽ không hiểu chúng ta rốt cuộc giúp vị hoàng tử nào, đó là nguyên nhân thứ nhất”.
Giang Vãn Y mắt sáng lên, biểu tình lộ rõ vẻ trang nghiêm.
“Muội tuy là quân cờ ngầm của hoàng thượng, nhưng, nếu như hành sự quá kín đáo, thì sẽ không có địa vị, có những chuyện muội sẽ không được tham dự, ví như…”. Khương Trầm Ngư nói đến đây, ngừng lại, mắt nhìn cửa phòng.
Giang Vãn Y quay người, thấy một tên tùy tùng tay bưng thư tín vội vã bước tới quỳ xuống, trình thư lên rằng: “Đây là thiếp mời gửi tới từ hoàng cung, nói tối nay Trình vương thiết yến trong Tú Minh cung, mời hầu gia tới dự”.
Giang Vãn Y tiễn đón lấy, mở ra xem, thấy trên phần tên khách mời viết tên ba người: Phan Phương, Giang Vãn Y và Ngu thị.
Hắn quay đầu, nhìn thấy ánh mắt đầy thâm ý của Khương Trầm Ngư, đột nhiên hiểu ra ý nàng. Quả nhiên, nếu chỉ là sư muội của hắn, một dược nữ, thân phận này không đủ tư cách cùng hắn vào hoàng cung dự tiệc, phải để người khác biết rằng, nàng không chỉ là sư muội của Đông Bích hầu, hơn nữa còn là một sư muội rất xuất sắc.
Trước đó nàng dẫn theo các sứ thần còn lại lựa chọn nhị hoàng tử, từ góc độ nào đó tỏ rõ với người ngoài, nhìn bề ngoài đoàn sứ thần Bích quốc là do Đông Bích hầu và Phan tướng quân đứng đầu, nhưng thực ra thực quyền lại nằm trong tay Ngu thị. Vì thế, trong thư mời của Trình vương gửi tới mới có tên nàng.
Đi một bước nhìn trước ba bước, khống chế toàn cục.
Tâm cơ như thế, mưu trí như thế đều giấu trong đôi mắt thu trong veo, không sắc nhọn, dịu dàng mà lại cứng cỏi ấy…
Giang Vãn Y khẽ thở dài trong lòng, không nhận ra được mình rốt cuộc là khâm phục nhiều hơn một chút, hay là thương xót nhiều hơn một chút, hoặc là còn xen lẫn một sự bi ai kỳ lạ, giống như nhìn thấy một cây hoa khuynh quốc bị buộc phải rời đất mẹ, đem trồng vào mảnh đất cằn cỗi không thích hợp, nhưng dù hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, nó vẫn bừng nở diễm lệ như xưa.
Lúc này Hoài Cẩn bưng một chiếc khay tiến vào, khom người thưa: “Tiểu thư, y phục tiểu thư cần”.
Khương Trầm Ngư gật đầu, nhấc mảnh lụa trên chiếc khay ra, bảo Hoài Cẩn đưa khay đến trước mặt Giang Vãn Y, nói: “Còn một canh giờ nữa là đến giờ dự yến, huynh mau thay áo, sau một tuần hương, chúng ta tập hợp ở đây, cùng nhau xuất phát”.
Giang Vãn Y ngó y phục trong khay, sững người: “Muội… chuẩn bị y phục cho ta?”.
Hoài Cẩn cười nói: “Tiểu thư nói hầu gia có lẽ thích màu xanh, cho nên chỉ mặc áo xanh, vốn cực kỳ trang nhã, nhưng hôm nay là cung yến, lại là đến chúc thọ chủ nhà, mặc quá nhã e là thất lễ, cho nên đã chuẩn bị một chiếc áo khác cho hầu gia. Hầu gia xem xem có ưng không ạ?”.
Trên chiếc khay bằng gỗ mun, trường bào màu tím thẫm loang loáng như nước, vạt áo và tay áo đều dùng chỉ bạc cực kỳ tinh xảo thêu hình hạc tiên tung cánh trên biển mây, phối cùng chiếc thắt lưng chạm rồng hình rồng cuộn được dệt bằng ngân tơ, đeo thêm ngọc bội Noãn Ngọc Trúc Tiết màu đỏ tươi.
Chưa mặc lên người, Giang Vãn Y đã biết chiếc áo này rất hợp với mình. Khương Trầm Ngư nói: “A Ngu vượt phận rồi”.
“Đâu có, là ta suy nghĩ còn thiếu chu đáo, phải cảm ơn muội đã nhắc nhở”.
“Đã vậy thì A Ngu xin được cáo từ trước”. Khương Trầm Ngư nói đoạn cùng Hoài Cẩn quay người bước ra khỏi hoa sảnh đi qua một gian phòng, thấy một thị nữ đang đứng ngoài cửa cắn môi lưỡng lự, vẻ mặt khó xử, liền hỏi: “Sao thế?”.
Thị nữ này quay đầu lại thấy nàng, như thấy cứu tinh: “A Ngu cô nương, cô nương tới thật đúng lúc, tướng quân không chịu thay áo…”.
Trầm Ngư nhìn chiếc áo trên tay nàng ta, lại nhìn cửa phòng khép chặt, nói: “Đưa ta”.
Thị nữ đưa chiếc áo cho nàng, Hoài Cẩn đang định nói, Trầm Ngư “suỵt” một tiếng, gõ cửa, không có tiếng đáp lại, nàng bèn mở cửa bước vào.
Trong căn phòng bài trí tinh xảo đẹp mắt, Phan Phương đang ngồi khoanh chân, ngắm nhìn bức tranh trên tường, tựa như lão tăng thiền định.
Mà người trong bức họa chính là Tần nương.
Trầm Ngư mím môi, bước tới đặt y phục lên mặt bàn, rồi nhìn bức họa đó, trầm giọng nói: “Không giống”.
Gương mặt vốn không chút cảm xúc của Phan Phương bị hai tiếng giản đơn này của nàng làm dậy sóng, y ngước mắt nhìn nàng.
Trầm Ngư cười với y: “Bức họa này vẽ không giống chút nào. Ta nhớ cằm của Tần tiên sinh phải nhọn hơn một chút, dưới đuôi mắt trái còn có một nốt ruồi nhỏ”.
Ánh mắt Phan Phương lóe lên vẻ kinh ngạc.
Trầm Ngư nói tiếp: “Đó là lần nghe kể chuyện hay nhất trong cuộc đời ta, chỉ là khi ấy không biết đó lại là lần duy nhất. Vẻ tao nhã tuyệt thế đó như còn rõ ràng trước mắt, dư âm vang vọng như còn bên tai”.
Ánh mắt Phan Phương ảm đạm trở lại, bị gợi đến chuyện đau lòng, trông y càng u uất.
Khương Trầm Ngư nói: “Bức họa này… tướng quân tìm người vẽ đúng không?”.
Phan Phương “ừ” một tiếng.
“Mực thô bút nhạt, tranh vẽ ra chẳng bằng một phần vạn của người thật. Nếu tướng quân không chê, A Ngu xin vẽ một bức họa Tần tiên sinh, tuy không dám tự khen là Đai Ngô áo Tào(**), nhưng cũng giống hơn bức này đến vài phần”.
Mi mắt Phan Phương run run, y kích động đứng dậy, nói: “Thật chứ?”
Khương Trầm Ngư mỉm cười: “A Ngu sao dám lừa tướng quân? Chỉ có điều, bây giờ phải nhờ tướng quân giúp cho một việc nhỏ thay bộ y phục này vào, đừng để người bên cạnh khó xử”. Nói đoạn đưa y phục đến trước mặt y.
Phan Phương liếc bộ y phục đó một cái, rồi lại nhìn nàng, không nói gì cầm lấy rồi vào phòng trong thay áo. Khương Trầm Ngư thở phào nhẹ nhõm, quay người bước ra ngoài, Hoài Cẩn đang đợi ở ngoài, thấy vậy bèn hỏi: “Thế nào rồi?”.
Khương Trầm Ngư nói với thị nữ kia: “Tướng quân thay áo xong, ngươi giục ngài đến tiền sảnh, đừng để lỡ giờ”.
“Vâng”.
Nàng quay người đi tiếp về phía trước, Hoài Cẩn vội đi theo, vừa đi vừa hỏi: “Tiểu thư, bây giờ chúng ta về phòng à?”.
“Về phòng làm gì?”.
“Hầu gia và tướng quân đều thay áo chải đầu rồi, lẽ nào tiểu thư không trang điểm một chút?”.
“Cái đó không cần. Thứ nhất, vì ta không phải nhân vật chính, cũng không dám trở thành nhân vật chính của đêm nay, thứ hai…”, nói đến đây, nàng dừng bước, quay đầu lại chớp mắt nhìn Hoài Cẩn, mỉm cười nói: “trên mặt có vết bớt to thế này, nếu lại phí công quan tâm xiêm y trang sức, vậy chẳng phải đã xấu xí lại còn gây chú ý sao?”.
Những tia nắng cuối chiều hắt lên gương mặt nàng, vết bớt màu đỏ sậm càng nổi rõ hơn, điểm khác biệt so với khi dùng lan tâm thảo làm vết bớt chỗ đậm chỗ nhạt, hơn nữa còn ẩn hiện mấy đường gân xanh, rõ ràng tự nhiên hơn rất nhiều.
“Thuốc của Đông Bích hầu quả nhiên thần kỳ…”, Khương Trầm Ngư không khỏi khen ngợi. Điều thần kỳ nhất là loại thuốc nước đó hễ bôi lên da, liền lập tức có hiệu nghiệm, nước rửa cũng không trôi, đợi ba ngày sau thuốc hết công hiệu mới nhạt dần sau khi bay hết làn da còn trắng mịn hơn cả lúc trước. Dùng sự xấu xí ba ngày đổi lấy vẻ đẹp dài lâu, loại thuốc này nếu truyền ra ngoài, không biết các quý phụ danh khuê sẽ tranh giành đến mức nào…
Nàng mải miết nghĩ không hiểu vì sao một ý tưởng bỗng bật ra – Ấy? Có lẽ…loại thuốc nước này Hy Hòa cũng từng dùng qua?
Màn đêm chớm buông, đèn hoa đã khêu.
Hơn ngàn ngọn đuốc chiếu sáng cả quảng trường lộ thiên rộng lớn, ở giữa trải một tấm thảm cực kỳ lớn, trên thảm thêu đồ đằng kim xà và hoa văn hình mây, ngoài chủ tọa ở hướng Bắc ra, ba bàn tiệc của khách đặt ở các hướng Đông Tây, ngồi ghế trên ở bàn tiệc hướng Đông là Giang Vãn Y, thứ đến Phan Phương, ghế dưới là Khương Trầm Ngư, còn ngồi ở ghế trên ở bàn tiệc hướng Tây là Nghi vương, hai vị trí còn lại đều để trống.
Nghe nói sứ giả của Yên quốc vẫn chưa đến, hai vị trí trống đó là dành cho ai?
Nhìn vị trí chủ tọa, cũng chỉ có hai hoàng tử, không những Trình vương không xuất hiện, thái tử cũng không tới.
Khương Trầm Ngư nhìn cảnh này, trầm ngâm im lặng.
Ngược lại Di Phi vẫn nhiệt tình nói với mọi người: “Nào nào, thời giờ không còn sớm, chúng ta đều đói cả rồi cứ vừa ăn vừa đợi đi, không cần khách sáo. Đây đều là sơn hào hải vị mà tiểu vương đặc biệt chọn để tiếp đãi các vị khách quý, cái khác không nói, chỉ riêng Xà vương ngũ sắc trong tô canh Long Phượng này đã tốn không biết bao nhiêu công phu, ăn ngay lúc nóng, ăn ngay lúc nóng…”, vừa nói vừa đích thân múc một bát nhỏ, sai cung nữ đưa đến cho mọi người.
Khương Trầm Ngư thầm nghĩ điều này thật thú vị, Trình quốc coi rắn là loài vật tôn quý nhất, coi như quốc thú, lại thích ăn thịt rắn, vừa thờ vừa ăn như thế, chuyện mâu thuẫn như vậy cũng chỉ có quốc gia vốn nổi tiếng là ít phép tắc, thiếu liêm sỉ này mới làm được.
Đương nghĩ tới đây, chỉ nghe cung nhân từ xa hô lớn: “La quý phi giá đáo – Di Thù công chúa giá đáo”.
Khương Trầm Ngư lập tức phấn chấn tinh thần, biết nhân vật quan trọng nhất đã ra sân khấu rồi, nàng quay đầu lại nhìn, chỉ thấy đầu hành lang dài dằng dặc đó, đèn đỏ nối nhau, giữa vòng vây của đám cung nhân, hai nữ tử đang thướt tha đi tới.
Nữ tử đi trước mái tóc bới cao, cài mười đôi Thái Vân trâm, nghi dung đoan trang diễm lệ, hẳn là La quý phi, nghe nói nàng là phi tử được sủng ái nhất của Minh Cung.
Nhưng khi người phía sau nàng xuất hiện, hết thảy hành lang, đèn đỏ, mọi thứ xung quanh và cả nàng dường như đều trở thành vô hình.
Khương Trầm Ngư thoáng biến sắc, kinh ngạc đến mức suýt nữa đứng bật dậy.
Người đó rõ ràng xa xôi biết bao, nhưng gương mặt lại cực kỳ rõ ràng, sáng trong tinh khiết đến mức dường như hết thảy bụi trần của thế gian này đều tự thấy xấu hổ trước nàng, cho dù ở cạnh cũng lập tức tự động rớt xuống.
Người đó rõ ràng nhìn thẳng về phía trước, sắc mặt bình tĩnh, nhưng trên vầng trán vẫn phảng phất sầu ưu vô hạn, tựa như đang nói, tựa như mỉm cười, lại tựa như đang ân cần căn dặn điều gì.
Người đó mặc một bộ cung y màu lụa đào, vừa mang vẻ tươi sáng của hoa đào nhưng không hề thế tục như hoa đào, từng cử chỉ hành động đều toát lên linh khí bức người…
Điều quan trọng nhất là nàng ta mi dài rợp bóng, môi mềm như hoa, dung mạo ngũ quan giống Tần nương đến năm phần. Đặc biệt là dưới đuôi mắt trái cũng có một nốt ruồi giọt lệ nho nhỏ.
Sau cơn kinh ngạc, Khương Trầm Ngư lập tức nhìn về phía Phan Phương, quả nhiên, Phan Phương sắc mặt trắng bệch, bờ môi run run, rõ ràng là chấn động, sửng sốt đến cực điểm.
Di Phi nhướn mày, nói: “Muội thật biết chọn lúc xuất hiện, sớm không đến muộn không đến, lại chọn đúng lúc canh Long Phượng được bưng lên!”.
Di Thù đáp: “Có việc trì hoãn nên đến muộn. Người đâu, dâng rượu, ta tự phạt ba chén để tạ tội với chư vị khách quý”.
Cung nhân bên cạnh dâng khay, nàng ta lần lượt uống cạn ba ly rượu, quả quyết lạ thường, sau đó mới nhìn mọi người trên bàn tiệc một lượt, cười nói: “Phụ hoàng mang bệnh đã lâu không thể tham dự, vì thế lệnh cho ta và quý phi đến khoản đãi chư vị, mong được lượng thứ”. Nói rồi, giơ bình rượu lên rót đầy chén, quay sang nói với Hách Dịch: “Từ độ cáo biệt ở Hồng Sơn, bệ hạ vẫn phong độ như xưa”.
Hách Dịch cười ha hả, đứng dậy đáp lễ: “Đâu có đâu có, ba năm không gặp, công chúa lại trở nên xinh đẹp thế này mới đúng là khiến người ta phải kinh ngạc”.
“Đôi bên khen ngợi thật khiến người ta mát lòng, vì điều đó cũng xin cạn ba chén”. Di Thù nâng chén, lại một hơi cạn sạch.
Hách Dịch tươi cười: “Hay, tửu lượng cao, ta thích nhất là uống rượu với người sành uống!”. Nói đoạn cũng cạn ba chén.
Di Thù chúc rượu y xong, bước về phía Giang Vãn Y. “Vị này là Đông Bích hầu? Nghe nói hầu gia y thuật cao minh, phụ hoàng đương mong ngài tới!”.
Giang Vãn Y lập tức đứng dậy, đáp: “Vậy phiền công chúa sắp xếp thời gian, để ta chẩn trị cho Trình vương”.
Di Thù cười ngọt ngào, nói: “Chỉ đợi hầu gia nói câu này, thôi vậy ta sẽ sắp xếp sau dạ yến hôm nay, hầu gia chớ ngại vất vả nhé.” Nói đoạn, lại đi rót rượu.
Giang Vãn Y lộ vẻ do dự, nhưng thấy Di Thù chỉ rót nửa ly rượu, hai tay bưng đến trước mặt hắn, nói: “Hầu gia lát nữa phải khám bệnh cho phụ hoàng, giờ ta không thể chuốc ngài say được, cho nên, uống một ngụm cho vui là được, ngài thấy thế nào?”.
Giang Vãn Y thở phào, hắn không giỏi uống rượu, đang lo nàng ta sẽ chúc mình liền ba chén giống như Hách Dịch, lập tức vội vàng đón ly rượu: “Đa tạ công chúa ban rượu”.
Di Thù mỉm cười, nàng chỉ mời Giang Vãn Y uống một ngụm, còn mình thì vẫn uống liền ba chén, sau đó đi đến trước mặt Phan Phương, cười nói: “Đại danh của Phan tướng quân, Thù ngưỡng mộ đã lâu, nghe nói…”, nói đến đây, giọng nói đột ngột ngưng bặt.
Thực ra không chỉ có nàng, mà mọi người có mặt đều sửng sốt.
Lửa đuốc cháy bập bùng, hắt lên mặt Phan Phương lúc sáng lúc tối, trong đôi đồng tử đen như màn đêm chất chứa kinh ngạc, chất chứa bi thương, cứ thế nhìn Di Thù đăm đắm, sau đó rơi lệ.
Di Thù sau phút ngẩn người, quay đầu lại nhìn Giang Vãn Y: “Là ta nói sai gì sao?”.
Mặt Giang Vãn Y cũng đầy vẻ hoang mang, hắn chưa từng gặp Tần nương, đương nhiên không biết vì sao Phan Phương lại luống cuống như thế. Mà ngoài Phan Phương ra, người duy nhất rõ sự tình – Khương Trầm Ngư lại không biết mình phải làm thế nào.
Đây là lần đầu tiên nàng thấy nam nhân khóc.
Không hề e ngại, gương mặt đẫm lệ, khóc trước mặt mọi người.
Nam tử này trên sa trường nếu có hắn trấn giữ, vạn người không qua nổi, có sự anh dũng không ai sánh kịp; nhưng chỉ dám đứng đội mưa đội gió bên ngoài quán trà của ý trung nhân biết bao năm, rõ ràng yêu sâu đậm, nhưng thế nào cũng không chịu nói ra lời.
Nam tử này dưới sự cổ vũ của Cơ Anh khó khăn lắm mới dũng cảm bước thêm một bước về phía ý trung nhân, vốn tưởng là khổ tận cam lai, lương duyên vui vầy, ai ngờ chỉ trong nháy mắt lại thành tử biệt.
Nam tử này vì báo thù cho người vợ chưa cưới, từng liều chết, giận dữ xông vào Tiết phủ, cũng từng ẩn nhẫn chờ thời cơ thân đầy thương tích quỳ suốt một đêm ngoài cửa phủ của Cơ Anh dưới trời tuyết rơi, cuối cùng không chút sợ hãi đối đầu với đệ nhất danh tướng Bích quốc, giành được thắng lợi.
Nam tử này sau khi cởi bỏ khôi giáp, việc đầu tiên y làm là đến thủ lĩnh trước mộ vong thê.
Nam tử này bình thường luôn trầm mặc ít nói, cô độc uống rượu, tựa như linh hồn đã chết cùng với vong thê…
Không sai, Khương Trầm Ngư nhìn thấy rất nhiều rất nhiều dáng vẻ của Phan Phương, nhưng, giờ đây, nam tử kín đáo cô độc hơn cả sói này lại khóc ngay cạnh nàng.
Trong lòng dường như có thứ gì đó bị nén chặt, có chút nghẹt thở.
Nàng thì thương xót, còn Di Thù lại hoảng loạn: “Phan tướng quân? Phan tướng quân? Ngài… không sao chứ?”.
Phan Phương đột nhiên đứng bật dậy, chúng nhân cả kinh, cho rằng y sẽ làm gì đó khiến người khác kinh ngạc, ai ngờ y không nói một lời, chỉ khom mình hành lễ, rảo bước rời đi.
Cho đến khi bóng Phan Phương hoàn toàn khuất dạng, mọi người mới bình tĩnh lại, đưa mắt nhìn nhau, vẻ nghi hoặc ánh lên trong đáy mắt.
Giang Vãn Y cười lớn, nói: “Cái này… thực ra công chúa không biết, Phan tướng quân không khỏe trong người, hôm nay dự tiệc đã là gắng gượng, cho nên đành rời tiệc sớm, có gì thất lễ mong được lượng thứ, ta thấy y tạ tội với chư vị”.
Di Thù nghe xong nét mặt nhẹ nhõm hẳn nói: “Hóa ra là thế. Chẳng trách ta thấy khí sắc Phan tướng quân không tốt các ngài từ xa tới, vất vả trên biển lâu ngày, đêm nay vốn phải nghỉ ngơi trước mới đúng, là chúng ta suy nghĩ chưa chu đáo rồi”.
Nàng vừa cười vừa nói như thế, bầu không khí cũng bình thường trở lại, Khương Trầm Ngư vốn định giải thích, nhưng trong đầu chợt nảy ra một ý nghĩ nên nàng chọn lựa giữ im lặng.
Bấy giờ, La quý phi rõ ràng thân phận tôn quý hơn Di Thù nhưng lại bị Di Thù xuất hiện sau hoàn toàn áp đảo, bỗng rót ba ly rượu, đặt lên khay gỗ, đích thân bưng xuống bàn tiệc.
Mọi người bị hành động này của nàng thu hút, chợt quên sạch việc Phan Phương luống cuống rời yến tiệc ban nãy.
Chỉ thấy La quý phi từng bước từng bước đi đến trước mặt Giag Vãn Y. Giang Vãn Y vội vã đứng dậy nghênh đón, mặt thoảng nét kinh ngạc.
La quý phi mỉm môi cười với hắn: “Ngọc Quan, còn nhớ ta không?”.
Biểu cảm của Giang Vãn Y biến đổi một loạt, từ kinh ngạc chuyển thành hoảng hốt, lại từ hoảng hốt chuyển thành không dám tin, cuối cùng run giọng nói: “Là… Tiểu Tử?”.
La quý phi cười kiều diễm, nói: “Ngọc Quan trí nhớ tốt, từ biệt mười năm, nhưng vẫn còn nhớ ta”.
Khương Trầm Ngư không ngờ hai người là chốn quen biết cũ, vốn cho rằng Trình vương không thể đích thân dự tiệc, cho nên phái phi tử được sủng ái nhất tham dự, nhưng bây giờ xem ra, sắp xếp như vậy dường như có đến vài phần cố ý.
Còn Giang Vãn Y tái ngộ cố nhân, vô cùng mừng rỡ: “Đúng là nàng ư? Không ngờ lại gặp nhau ở hoàng cung Trình quốc…”.
“Ngọc Quan trưởng thành rồi…”. Khi La quý phi nói câu này, ánh mắt lưu luyến trên người hắn, bùi ngùi nói: “Năm đó ta còn là một a đầu trong phủ, cùng các tỉ tỉ hầu hạ Ngọc Quan, ngài còn nhớ chứ?”.
“Đương nhiên vẫn nhớ, khi ấy nàng là người đá cầu giỏi nhất”.
La quý phi bật cười: “Đúng thế, năm ấy nghịch ngợm mà, chẳng ngờ sau lại được thúc thúc có họ xa tìm được, giúp ta chuộc thân. Ta theo ông ta đi buôn bán đến Trình quốc, rồi định cư ở đây, lại có cơ duyên tình cờ được tuyển làm tú nữ… Nghe nói trong đoàn sứ thần của Bích quốc lần này có ngài, Ngọc Quan, ta thực sự rất vui.”
Mọi người thấy hai người mải ôn lại chuyện cũ, đều biết ý quay về chỗ ngồi dùng bữa, một bữa cơm tuy phát sinh không ít biến cố, nhưng vẫn được coi là chủ khách đều vui.
Sau khi tan tiệc, Giang Vãn Y đi xem bệnh cho Trình vương, Khương Trầm Ngư tự ngồi kiệu về dịch trạm.
Việc đầu tiên nàng làm khi về tới dịch trạm là nói với thị nữ ra đón: “Có thấy Phan tướng quân không?”.
Thị nữ ra hiệu cho nàng một hướng.
Khương Trầm Ngư ngẩng đầu, liền thấy Phan Phương nằm trên mái hiên, lặng lẽ ngắm trăng, hôm nay lại là mùng một, trăng khuyết cong cong, treo lơ lửng trên bầu trời đêm đen như mực, càng đượm vẻ thê lương, mà ánh trăng lạnh lẽo chiếu trên người Phan Phương, giống như bị chiếc áo đen của y hút hết, không thể xóa bỏ, cũng không thể tan đi.
Khương Trầm Ngư mím môi, đến nhà bếp lấy một bình rượu, lại tìm một chiếc thang chắc chắn, trèo lên dựa người vào mái hiên, giơ bình rượu nói với Phan Phương: “Uống không?”.
Phan Phương im lặng nhìn nàng một lát, ngồi dậy, đưa tay đón lấy.
Khương Trầm Ngư cười, đang định xuống thang, Phan Phương bỗng cất tiếng: “Nàng… có biết đàn khúc “Ức cố nhân” không?”.
“Tướng quân muốn nghe đàn?”. Nàng hơi ngạc nhiên. Phan Phương “ừ” một tiếng.
Khương Trầm Ngư cười đáp: “Được”. Rồi lập tức về phòng đem cây cổ cầm ra, đặt lên chiếc bàn đá trong sân, vừa ngồi xuống vừa chỉnh dây đàn, bắt đầu gảy đàn.
Nhà tranh ráng chiều buông phủ, cảm hứng dào dạt biết bao, cội mai già nhìn hoa nở, hoa rụng, núi sâu bỗng dưng tiếc thương cảnh xuân. Trăng sáng đêm lành ấy, xa nhớ cố nhân nay nơi đâu.
Núi xanh chẳng đổi, tóc bạc vô cớ, trăng khuyết hoa tàn. Những ngóng người trong mộng, nhớ khi còn vui đùa bên nhau, giờ muốn gặp lại sao khó đến vậy. Núi non trùng điệp tầng tầng, hổ ẩn rồng cuộn, kìm nén lòng mình nhớ về Trường An. Đường xa thăm thẳm, cây cao xa vời, đất trời mênh mang.
Ngậm ngùi sâm thương, đường xa ngàn dặm, trời lìa mỗi phương, có lòng mà bất lực. Tin thư vô tình, níu giữ thiều quang, nước chảy nuốt tà dương…
Tiếng đàn trong trẻo thong thả, tựa như nước suối trong đêm trăng núi vắng, chảy róc rách, khiến bóng người trên bờ nhòa đi thành hai đường sóng lăn tăn, bước bước nối nhau, lưu luyến không rời.
Liền sau đó là hoạt âm, đổi thành cao vút, từ gấp đến chậm, từ thưa đến dày, từ lên đến xuống.
Trăng sáng suối trong vẫn như xưa, nhưng người nắm tay cùng dạo chơi nay đã hóa thành cát bụi, gió nổi, cát bay, liệu có người rưới rượu trước mộ, có người thắp hương tiết Thanh Minh không? Lá úa còn biết chiều muộn, xương lạnh có biết đông hàn?
Ngàn lời tâm tình, muốn nói lại thôi, dùng đàn bày tỏ, bâng khuâng bất tận.
Trong sân, Khương Trầm Ngư dùng tâm để đàn. Trên mái nhà, Phan Phương chăm chú lắng nghe.
Sắc đêm dần nhạt bớt, chân trời hé lộ bình minh.
Trong tiếng đàn liên miên không dứt, một đêm đã trôi qua. Còn Giang Vãng Y suốt đêm không về.
(*) Chỉ nơi mỹ sắc làm con người mê đắm, thần hồn điên đảo.
(**) Đai Ngô áo Tào thường có hai thuyết. Thuyết thứ nhất nói, trong nghệ thuật vẽ nhân vật cổ đại của Trung Quốc có hai phương thức thể hiện đường nếp ở y phục đối lập với nhau. Tương truyền khi Ngô Đạo Tử đời Đường vẽ người, vận bút cứng cỏi thẳng thắn, bút thế tròn trĩnh chuyển vòng, y phục bay bướm, sống động sắc nét, còn Tao Trọng Đạt người nước Tề thời Bắc Triều có bút pháp tỉ mỉ, y phục chặt chẽ, người đời sau vì thế mà gọi là “đai Ngô làm gió, áo Tào gợn nước”. Hai phong cách này cũng lưu hành trên tượng điêu khắc, tượng đúc cổ đại. Còn có một thuyết khác, Tào chỉ Tào Bất Hứng nước Ngô thới Tam Quốc, Ngô chỉ Ngô Gián nước Tống thời Nam Triều. Đai Ngô áo Tào tức chỉ trình độ vẽ cao siêu.