Hoa hồng xứ khác

Chương 10


Đọc truyện Hoa hồng xứ khác – Chương 10

Những bài thơ tống tình của Ngu Kha chẳng ép phê tí ti ông cụ nào. Ngữ chẳng hất cẳng nổi Hòa như lời nó quả quyết với tôi, mặc dù lần này nó không buồn ỡm bóng gió. Ngữ lả lơi trắng trợn:
  Đầu năm em vào học
  Lòng anh bỗng bâng khuâng
  Có bao điều muốn nói
  Mà sao vẫn ngại ngần
  Bài thơ như chiếc lá
  Mọc lên từ chồi xanh
  Em là chim xứ lạ
Có hiểu tình anh không?
  Khi bài thơ của Ngữ xuất hiện trên báo tường, lớp học đang yên ả bỗng dậy lên bão táp phong ba. Tụi bạn lại xúm xít bàn tán và thấp thoáng đây đó những ánh mắt nghi ngờ, xoi mói.
Thằng Châu oang oang giữa lớp:
  – Lại thêm một con thiêu thân đòi “thanh khương” nữa! Lớp mình loạn rồi!
Thằng Bá bình luận cay độc:
– Nhà thơ Ngu Kha ngày nay với nhà thơ Thanh Khương trước kia hẳn là một người! Tưởng nó biết điều, nào ngờ “đánh chết cái nết không chừa”!
Họa sĩ Vinh buồn bã:
  – Ngu Kha ơi hỡi Ngu Kha.
Thương mà giấu mặt cũng như là… không thương!
  Trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, Ngữ phớt tỉnh. Không ai biết Ngu Kha là nó, nó chẳng sợ. Nó bình tĩnh ngồi yên nơi cuối lớp, âm thầm quan sát thái độ của Gia Khanh. Ngữ bảo tôi:
  – Thế nào em cũng phát tín hiệu trả lời!
  Nhưng Gia Khanh chẳng động tĩnh gì. Tôi thấy nó cười nói tỉnh khô. Lần trước khi nhà thơ Thanh Khương tấn công nó, nó còn xấu hổ gục mặt xuống bàn. Lần này, không hiểu sao nó trơ trơ. Chắc nó đã quen mùi… trận mạc. Nó không thèm để ý đến những lời tán tỉnh nhăng nhít của Ngữ, tôi sung sướng nhủ bụng.
Trong khi tôi hí hửng trước thất bại của Ngữ thì nó buồn thiu. Tuy nhiên, Ngữ vẫn không chịu thừa nhận thực tế cay đắng đó. Nó phân tích:
  – Tụi con gái đứa nào cũng vậy! Khi yêu, chúng không bao giờ để lộ ra ngoài mặt. Tình cảm của chúng kín đáo hơn tụi mình.
  Khi thất bại trong tình yêu, người ta dễ trở thành… triết gia. Có ai đó đã nói như vậy. Câu nói thiên tài đó hoàn toàn đúng với tình trạng hiện nay của Ngữ. Nó lý luận thì có vẻ sâu sắc nhưng giọng nói lại thiếu dõng dạc khiến tôi ngờ rằng nó không thực sự tin vào những điều nó nói. Nó không tin, làm sao tôi tin được.
Hơn nữa, bài thơ “ngáng cẳng” Ngữ vừa tung ra chỉ làm chấn động những đứa vô can. Còn đối với thằng Hòa, vũ khí của Ngữ chẳng làm rụng của nó lấy một… sợi lông chân, nói gì đến chuyện ngáng cho nó té. Bằng cớ là mối quan hệ giữa Hòa và Gia Khanh càng ngày càng tỏ ra mật thiết, bất chấp lời nhắn hỏi não nùng của Ngữ “Em là chim xứ lạ, có hiểu tình anh không?”. Hẳn là Gia Khanh không hiểu. Cũng có thể nó hiểu nhưng nó chơi cái tình “vờ”. Đằng nào thằng Ngữ cũng chết, tôi khoan khoái nghĩ thầm. Bạn bè thì bạn bè, trong cái vụ “sao chổi Halley” này, “chết” được đứa nào hay đứa đó!
  Ngữ “chết”. Nhưng còn Hòa. Thằng Hòa sống nhăn răng, mà lại sống khỏe, sống… hạnh phúc mới khổ cho thiên hạ chứ. Dạo này, nó đeo dính Gia Khanh như hình với bóng. Trên sân khấu, nó đứng cạnh Gia Khanh đã đành. Đến khi rời sân khấu, bước xuống… cuộc đời, can cớ gì mà nó cứ lẽo đẽo đi theo Gia Khanh hoài. Hòa tham lam hệt như những người xếp hàng giành chỗ mua vé cải lương. Nó không chịu lùi bước nhường cho ai lấy một phút, dù người đó là nhà thơ như Ngữ hay là “kẻ tu hành” như tôi.
  Thấy Hòa độc chiếm người đẹp, Ngữ gai mắt giở giọng cà khịa:
  – Làm gì mà mày cứ bám em Gia Khanh hoài vậy?
  Hòa khinh khỉnh:
– Tụi tao đi tập văn nghệ, việc gì đến mày?
Lối ăn nói trịch thượng của Hòa khiến Ngữ tái mặt. Nhưng biết mình yếu thế, Ngữ đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Sửng cổ cãi lại, Ngữ sợ bị ghép vào tội trạng “ghen tị”. Ghen tị thì chẳng hay ho gì. Vì vậy, Ngữ lầm lũi bỏ đi. Nó đi xa lắc xa lơ mà tôi còn nghe tiếng nó nghiến răng ken két.
  Tôi lặng lẽ chứng kiến cuộc đối thoại ngắn ngủi nhưng đầy kịch tính giữa hai đối thủ. Và tôi bỗng phát hiện ra so với âm nhạc, thơ ca chẳng là cái quái gì. Thơ ca chỉ là tép riu. Nhà thơ Ngu Kha đụng đâu hỏng đó trong khi ca sĩ Hòa lé chẳng cần sử dụng đến đôi mắt lé của mình vẫn chinh phục được người đẹp Halley.
  Tôi vừa ghen ghét Hòa vừa ngưỡng mộ nó. Thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, triết gia rốt lại chẳng bằng cái anh ca sĩ. Ca sĩ được lên sân khấu, được biểu diễn trước hàng ngàn cặp mắt, lại còn được hát… song ca. Từ giờ phút đó, tôi mơ ước trở thành ca sĩ. Tôi thèm địa vị của Hòa. Tôi sẽ tham gia vào ban văn nghệ của lớp.
  Quyết định xong, tôi vội vã đi tìm Bá, thằng bạn thân nhất của tôi. Tôi phải hỏi ý kiến nó, xem tôi có nên trở thành một ngôi sao ca nhạc hay không.
  Bá ngồi xếp bằng trên giường nghe tôi nói. Nghe xong, nó khẽ đẩy cái gọng kính trên sống mũi rồi nhìn tôi chăm chăm:
  – Mày nói thật hay nói chơi đó?
  Tôi rụt rè đáp:
  – Nói thật.
  Bá vẫn dán mắt vào mặt tôi:
  – Mày muốn trở thành ca sĩ?
  – Ừ.
  – Lý do?
  Bá hỏi tôi bằng cái giọng của công an điều tra tội phạm khiến tôi đâm ra lúng túng. Tôi ngập ngừng trả lời:

  – Tại tao thấy tao có… máu văn nghệ.
  Bá cười hô hố:
– Mày có máu văn nghệ?
  – Ừ, tao đoán vậy! – Tôi ấp úng đáp.
  Bá nhún vai:
  – Đoán cái khỉ mốc! Mày đâu có hát được!
– Được! – Tôi quả quyết – Tao hát hoài!
  Bá tỏ vẻ nghi ngờ:
  – Xạo đi mày! Mày hát hoài sao tao không nghe?
  Tôi hừ giọng:
  – Làm sao mày nghe được! Tao thường hát… một mình!
Bá nhướng mắt:
  – Vậy bây giờ mày hát thử tao nghe coi!
Trước đề nghị của Bá, tự dưng tôi đâm lúng túng. Tôi lắc đầu nguầy nguậy:
  – Thôi, kỳ lắm!
  – Hừm, thằng này lạ! Hát trước mặt tao, mày còn mắc cỡ, làm sao mày hát được trước bao nhiêu người được? Vậy mà cũng đòi làm ca sĩ!
Sợ Bá nổi sùng gạt ngang, vả lại nhận thấy nó nói cũng có lý, tôi đành chép miệng:
  – Được rồi, tao sẽ hát.
  Vừa nói, tôi vừa loay hoay nghĩ xem nên hát bài gì. Thực ra tôi chỉ biết vỏn vẹn dăm ba bài nhạc. Mỗi bài tôi lại thuộc lõm bõm vài đoạn, chẳng bài nào thuộc trọn. Trước nay, những khi ngồi câu cá hoặc đi dạo một mình, tôi thường thuận miệng lẩm nhẩm vài câu cho đỡ buồn.
  Vốn liếng âm nhạc của tôi chỉ có thế, nay Bá bắt tôi phải “trình diễn” trước mặt nó để nó “kiểm tra”, làm sao tôi không chột dạ được. Đắng đo một lát, tôi lấy hết can đảm hắng giọng và rụt rè cất tiếng hát. Tôi hát bài “Hạ trắng” của Trịnh Công Sơn.
  Tôi nghe tiếng mình vút lên, đầm ấm lạ thường: “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay, nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say…”. Bản nhạc bảo là hoa bướm say nhưng tôi lại thấy chính tôi say. Tôi ngất ngây theo điệu nhạc. Tôi ngất ngây nghĩ đến Gia Khanh, nghĩ đến ngày tôi thế chỗ thằng Hòa để hát cặp với nó. Càng mơ tưởng đến giây phút huy hoàng đó, giọng tôi càng uốn éo. Lời ca tôi lên thác xuống ghềnh. Tôi có cảm giác tôi hát hay nhất… thế giới. Lúc đang “biểu diễn”, thấy Bá trố mắt dòm, tôi tưởng nó ngạc nhiên và thán phục trước giọng ca vàng của tôi. Tôi tưởng nó sắp xin ảnh tôi để làm kỷ niệm. Thế là tôi lại ngoác mồm, tăng “ga” rống hết cỡ.
Trước nhiệt tình quá đáng của tôi, Bá có vẻ hết chịu đựng nổi. Nó vội vã bịt hai tai lại, năn nỉ:
  – Thôi, thôi, đủ rồi! Hát vậy đủ rồi!
Tôi liền tốp và đưa tay lau mồ hôi trán, ngơ ngác hỏi:
  – Đủ rồi là sao?
Bá thở hắt ra:
  – Đủ rồi có nghĩa là tao đã biết mày hát hay như thế nào rồi!
Bá khen làm tôi sướng phổng mũi. Tôi thấy lòng tôi triệu đóa hoa hồng. Tôi thấy tôi bay tuốt lên chín tầng mây.
  Ngồi trên mây, tôi cúi đầu xuống, thấp thỏm hỏi:
  – Hay hơn thằng Hòa không?
  Bá đúng là một thằng bạn tốt. Nó gật đầu ngay:
  – Hay hơn nhiều!
  – Thật không?
  – Thật! Tao xạo mày làm gì! Giọng thằng Hòa chỉ phục vụ cho người lớn, còn giọng mày phục vụ được cho cả thiếu nhi.
  Tôi không rõ lắm ý nghĩa trong lời tán dương của Bá. Nhưng tôi vẫn khoái. Hễ có người khen là tôi khoái. Tôi nhìn nó bằng ánh mắt trìu mến:
– Giọng ca của tao “ghê gớm” như vậy sao?
  – Chứ gì nữa! Giọng thằng Hòa thì ăn thua gì! Giọng mày tụi con nít mới… sợ! Đang khóc, nghe mày hát, mấy đứa nhỏ nín liền. Có đứa còn tè cả ra quần. Chúng tưởng cọp rống!
  Hóa ra thằng Bá là cái đứa ác nhơn ác đức. Tôi mới khen thầm nó đây, nó đã chơi tôi một vố đau điếng. Nó xô tôi một phát làm tôi té lộn cổ từ trên mây xuống mặt đất, thiếu điều muốn hộc máu mũi. Tôi là con cò ở trong câu ca dao. Tôi đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao. Cành mềm ở đây tức là cái lưỡi không xương của thằng Bá. Nó lắt léo trăm đường.
  Tôi bò lóp ngóp dưới ao, ngẩng đầu lên trách:
  – Bộ hết người “chơi” rồi sao mà mày nỡ “chơi” đến tao!
Bá nghiêm nghị:
– Không phải là tao “chơi” mày! Tao làm vậy là để cho mày bỏ cái ý tưởng viển vông đó đi! Tao không muốn mày làm trò cười cho thiên hạ!

  Tôi tự ái:
  – Mày nói quá! Tao hát cũng đâu đến nỗi nào!
– Nếu không tin lời tao thì hôm nào mày cứ thử giọng hát của mày vào chiếc cassette của thằng Nghị rồi mở ra nghe. Tao đánh cuộc với mày là mày không đủ can đảm ngồi “thưởng thức” giọng ca của mày quá ba mươi giây.
Giọng điệu chắc nịch của Bá khiến niềm tin của tôi bị lung lay dữ dội. Nếu quả thật tôi còn không dám nghe tôi hát thì ma nào mà thèm nghe. Hẳn là Bá nói đúng. Tôi hát dở nhất lớp. Suýt chút nữa tôi đã bộp chộp xin vào ban văn nghệ và bị tụi thằng Châu cười cho thúi đầu. Nhưng còn Gia Khanh? Chẳng lẽ tôi nhục nhã rút lui, bỏ mặc Gia Khanh cho thằng Hòa độc quyền “quản lý”? Thật là tấn thoái lưỡng nan!
  Chợt mắt tôi sáng lên. Tôi nói với Bá:
– Tao sẽ luyện giọng.
Bá tròn xoe mắt:
– Luyện giọng?
  – Ừ. Muốn hát hay phải luyện giọng.
  – Nhưng mày luyện giọng bằng cách nào?
  – Ra biển. Hàng ngày ra trước biển đứng hú. Có người bảo vậy. Đến chừng nào tiếng hú át được tiếng sóng là mình thành tài.
  – Nhưng biển xứ mình xa lắc xa lơ, làm sao mày mò ra đó nổi!
  – Ừ hén.
Tôi thở dài thất vọng. Nhưng tôi sực nhớ ra:
– Tao sẽ luyện giọng cách khác.
– Cách nào nữa?
  Tôi hí hửng khoe:
  – Còn một cách. Tao sẽ thò đầu vô lu nuớc.
  – Chi vậy?
  – Hú.
  Bá giật mình:
  – Lại hú?
– Ừ, muốn hát hay thì phải… hú hay. Người ta bảo vậy. Không hú được ngoài biển thì hú trong lu.
  Bá lừ mắt nhìn tôi:
  – Nhưng mày thì không luyện giọng kiểu đó được.
  Tôi ngạc nhiên:
  – Sao vậy?
– Lu sẽ bể.
  Tôi cười:
  – Tao có trèo hẳn vô lu đâu mà lu bể. Tao đứng bên ngoài, chỉ có cái đầu là thò vô thôi.
– Thì vậy! Tao có nói là mày trèo hẳn vô lu đâu. Chỉ cần mày thò đầu vô hú, cái lu bể tan liền.
  – Sao bể được?
– Sao không được! Giọng mày “êm” như… lựu đạn nổ, lu nào chịu nổi!
Nói xong, Bá cười toe toét. Nó hào hứng khoe đủ ba mươi hai cái răng… đười ươi. Trong khi đó, tôi ngồi chết trân, không thốt được một lời.
  Cười đã, ngoảnh lại thấy mặt tôi ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, Bá có vẻ động lòng. Nó dịu dàng khuyên:
– Thôi đừng buồn nữa! Hát hay không bằng hay hát… một mình!
  Cái thằng! Nó an ủi mà cứ y như nó chọc quê tôi! Nhưng tôi phớt lờ. Đang rầu rĩ, tôi chẳng buồn chửi nhau với nó. Tôi chỉ nói, giọng ngậm ngùi:
  – Tao có buồn gì đâu!
  Bá khăng khăng:
– Có! Dòm mặt mày tao biết mày đang… đứt từng khúc ruột!

  Sợ Bá khám phá ra tâm sự u uẩn của mình, tôi vội nhoẻn miệng cười:
  – Đứt đâu mà đứt! Tao cười nè!
  Bá quan sát tôi một hồi rồi gục gặc đầu:
  – Vậy là tốt! Nhưng mà nè… – Bá bỗng hỏi, mắt vẫn nhìn tôi đăm đăm – Mày thú thật đi, tại sao tự dưng mày lại khoái vào ban văn nghệ?
  Câu chất vấn thình lình của Bá khiến tôi giật nẩy người. Sau khi tằng hắng hai, ba cái để “hoãn binh” nghĩ kế, tôi giả bộ ngây thơ, đáp:
  – Tao hả? Tao thích vào ban văn nghệ bởi vì tao muốn… đóng góp một cái gì đó cho lớp…
  Tôi chưa nói dứt câu, Bá đã ngã lăn ra giường, cười sằng sặc:
  – Ha ha! Đóng góp cho lớp! Mày tưởng tao là con nít hả Khoa?
  Tôi đỏ mặt:
– Tao nói thật mà!
  Bá chỏi tay ngồi dậy và nhếch mép nhìn tôi:
  – Thật cái khỉ mốc! Mày nói kiểu đó có ma mới tin mày! – Rồi Bá nghiêm giọng nói – Chỗ anh em, mày cứ nói thật đi! Tao chứ có phải tụi thằng Nghị đâu mà mày giấu! Sao? Tại sao mày khoái vào ban văn nghệ?
  Bá làm tôi phân vân quá chừng. Thoạt đầu tôi chỉ định hỏi ý kiến nó về chuyện tôi có nên trở thành… ca sĩ hay không. Tôi giấu nhẹm chuyện tôi “thương” Gia Khanh. Tôi sợ nó cười vào mũi tôi. Nhưng đến nước này, tôi chẳng buồn giữ bí mật nữa. Tôi đã không trở thành ca sĩ, coi như hết đường tiếp cận… sao chổi Halley. Nếu không liều mạng bày tỏ nỗi niềm cùng Bá, cứ giữ mãi nỗi nhớ thương trong bụng, sẽ có ngày tôi bị ung thư bao tử. Bá là đứa ma mãnh, thổ lộ tâm sự với nó, biết đâu nó chẳng chỉ được vài “chiêu” đối phó với đời.
Nghĩ lợi nghĩ hại một hồi, tôi đành ngần ngừ thú thật:
  – Tao muốn vào ban văn nghệ bởi vì… bởi vì…
  Thấy tôi ấp a ấp úng lâu lắc, Bá sốt ruột:
  – Bởi vì sao? Làm gì mày cà lăm hoài vậy?
  Tôi nuốt nước bọt:
  – Bởi vì… tao muốn được như thằng Hòa.
  Bá xỏ ngọt:
  – Tức là mày muốn có một… đôi mắt lé?
  – Không phải chuyện mắt mũi! – Tôi liếm môi và nói một cách khó khăn – Tao muốn được hát… song ca!
  Câu trả lời của tôi khiến Bá ngẩn ngơ. Nó giương mắt ếch:
  – Hát song ca? Chi vậy?
  Rồi như sực hiểu, Bá vỗ đùi đánh “độp” một phát và không đợi tôi trả lời, nó sửng sốt kêu lên:
  – Hay là mày cũng mê em Gia Khanh?
  Tôi không dám nhìn Bá. Tôi ngó lơ chỗ khác và bẽn lẽn gật đầu.
  Bá như không tin vào mắt mình. Nó giơ hai tay lên trời, tru tréo:
  – Trời ơi là trời! Tam Tạng mê gái! Loạn rồi!
  Tôi đưa tay lên miệng “suỵt” khẽ:
  – Nhỏ nhỏ chút mày! Coi chừng tụi thằng Nghị nghe thấy, chết tao!
  Bá khịt mũi:
  – Mày khỏi lo! Tụi nó đi chơi billard hết rồi! Nhưng mà nè, mày mết em Gia Khanh thật hả?
  – Thì thật! – Tôi ngượng ngùng đáp.
  Bá tròn xoe mắt:
  – Sao lạ vậy? Trước nay mày ghét tụi con gái lắm mà?
  – Ừ. Nhưng đó là hồi trước. Bây giờ không hiểu sao tao lại… hết ghét.
  – Mà chuyển qua thương? – Giọng Bá tinh quái.
  – Ừ.
  Tôi đáp và cảm thấy mặt mình đỏ lên.
Bá tặc lưỡi:
  – Ngộ quá hén! Không hiểu em Gia Khanh có bùa ngải gì mà tụi mày đứa nào cũng đổ xô vào thương nó!
  Rồi nó gật gù, tự giải thích:
  – Nhưng điều đó cũng dễ hiểu thôi! Xét về nhan sắc lẫn tính tình, Gia Khanh xứng đáng là hoa khôi của lớp. Đệ tử nhà phật như mày mà còn mê nó, huống gì những đứa khác!
Tôi nhìn Bá, hỏi dò:
  – Còn mày?
  – Tao sao?
  – Mày có mê Gia Khanh không?
  Bá nhún vai:

  – Tao là trường hợp đặc biệt! Tao không có máu mê gái như tụi mày! Tao chỉ khoái làm… giáo sư!
  – Muốn làm giáo sư thì phải có… học trò! – Tôi gài bẫy – Tao tình nguyện làm học trò mày!
  – Chi vậy? – Bá nheo mắt, hỏi giọng ngờ vực.
  Tôi cười toe:
  – Để nhờ mày chỉ giáo vài đường đặng đối phó với tụi thằng Ngữ, thằng Hòa chứ chi!
  Tự dưng được tôi tôn làm sư phụ, Bá khoái lắm. Nó gật đầu, hào phóng:
– Được, được! Tưởng chuyện gì chứ chuyện đó thì đâu có khó! Mày yên chí, tao sẽ giúp mày đánh bạt tụi… Anh văn!
  Thấy Bá nổi máu cục bộ “Anh văn” – “Pháp văn”, tôi mừng rơn, liền giở giọng ai oán đế thêm:
  – Tao chỉ sợ Gia Khanh nó học Anh văn, nó chê tụi Pháp văn mình.
  Đúng như tôi nghĩ, nghe đụng đến “tụi Anh văn mình”, Bá sừng sộ liền:
– Sức mấy mà nó dám chê! Tụi con trai Anh văn là cái thá gì! Tụi nó đứa nào đứa nấy mặt mũi trông phát ớn. Chả bù với tụi Pháp văn mình! Tụi mình đứa nào cũng đẹp trai!
Nói xong, tự nhiên Bá nhe răng cười hì hì và đưa tay lên gãi cổ, vẻ lấp liếm. Chắc nó sực nhớ đến thằng Quang sún răng và họa sĩ Vinh mặt rỗ trong phe Pháp văn “tụi mình”.
  Để đỡ lúng túng, Bá vội vã chuyển sang “bươi móc” chuyện học tập:
  – Hơn nữa, tụi Pháp văn mình đứa nào học cũng khá, tụi Anh văn thua xa! Tụi nó suốt ngày cứ rong chơi, píc-níc, có lo học hành gì đâu!
  Lần này thì Bá nói đúng được phân nửa. Phe Pháp văn quả thật học không đến nỗi tệ. Tháng vừa rồi, tôi đứng hạng ba, còn Bá đứng hạng sáu. Nhưng phe Anh văn cũng chẳng kém gì, thậm chí tụi nó còn “siêu” hơn tụi tôi. Hai vị trí nhất và nhì vừa qua đều thuộc quyền sở hữu của phe Anh văn. Vậy mà Bá dám bảo tụi Anh văn thua xa. Nó đúng là chúa khoác lác.
  Thấy Bá bắt đầu cao hứng ba hoa, tôi bỗng đâm lo. Nếu cứ theo cái đà này, lát nữa “tham mưu” cho tôi chuyện tình cảm, dám nó chỉ đâu hỏng đó. Tôi liền vội vã can gián:
– Thôi, thôi, chuyện học tập để đó tính sau! Bây giờ mày chỉ tao cách chống chọi với tụi thằng Hòa, thằng Ngữ đi! Một chống hai, làm sao tao địch lại?
  Bá hừ mũi:
– Mày ngốc quá! Mày đang lâm vào tình huống một chống ba chứ không phải là chống hai!
  – Chống ba? – Tôi chưng hửng.
  – Chứ sao!
– Đứa nào nữa vậy?
  – Thằng Nghị.
  – Nghị? – Tôi kêu lên kinh ngạc.
  Bá thản nhiên:
  – Nó chứ ai!
  Tiết lộ của Bá khiến tôi sững sờ. Tôi ấp úng nói:
  – Tao có thấy nó… làm gì đâu!
  Bá cười khẩy:
– Chính nó không làm gì mới nguy hiểm! Thằng Nghị hơn người là ở chỗ đó. Nó không phơi gan phơi ruột ra ngoài như tụi mày. Tụi mày là lửa. Nó là than. Lửa cháy một hồi rồi tắt. Còn than thì cứ ngun ngún cháy hoài. Chừng nào nó đốt em Gia Khanh thành… tro, nó mới thôi cháy!
  Chuyện tình yêu mà thằng Bá nó nói nghe như chuyện người ta hốt cốt hỏa thiêu. Tôi rùng mình hỏi lại:
  – Nó “đốt” Gia Khanh sao tao không biết?
  Bá nhếch mép:
  – Đần độn như mày làm sao biết nổi! Phải thông minh như tao mới thấy được mưu mô của thằng Nghị. Trong tụi mình, chỉ có nó là có xe Honda. Đó là một lợi thế vô song. Nếu mày tinh ý mày sẽ thấy trong tất cả các cuộc đi chơi của tụi Anh văn, bao giờ thằng Nghị cũng giành chở em Gia Khanh. Mà ông bà mình thì lại nói “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”!
  Thoạt đầu, nghe thằng Bá chửi tôi đần, tôi giận tím ruột. Nhưng sau khi nghe nó “phân tích tình hình” một hồi, tôi quên hết giận hờn. Trong lòng tôi chỉ dậy lên mỗi nỗi lo thằng Nghị. Nghị tẩm ngẩm tầm ngầm, còn nguy hiểm gấp mấy lần Hòa và Ngữ. Vậy mà trước nay tôi không đề phòng nó. Tôi chỉ lo rình rập hai tên thi sĩ và ca sĩ phổi bò kia. Ngu ơi là ngu!
Tôi nói, cố tự trấn an:
  – Nhưng đâu phải thằng Nghị chở Gia Khanh đi một mình! Còn thằng Ngữ, thằng Hòa đi chung nữa chi!
  Bá bĩu môi:
  – Thằng Ngữ, thằng Hòa thì làm được quái gì! Tụi nó đạp xe lếch thếch đằng sau, chỉ tổ hít bụi!
  Bá nói đúng. Xe thô sơ làm sao chọi lại xe cơ giới. Tôi còn tệ hơn Hòa và Ngữ. Tôi không có nổi một chiếc xe đạp. Mỗi lần đi đâu xa, tôi toàn nhờ Bá đèo đi. Còn từ nhà đến trường, tôi lẽo đẽo cuốc bộ. Nếu thằng Nghị nổi hứng chở Gia Khanh lượn qua trước mặt tôi, tôi sẽ hít bụi mệt nghỉ. Phổi tôi sẽ dơ bẩn, vi trùng lúc nhúc. Tôi sẽ ho ra máu. Rồi đến một ngày đẹp trời nào đó, tôi sẽ… lăn đùng ra chết. Người ta sẽ đốt thi hài của tôi ra tro hệt như thằng Nghị lén lút đốt trái tim của Gia Khanh ra tro vậy. Còn Gia Khanh, nó sẽ không bao giờ biết tôi chết chính là vì nó. Vì nó khoái ngồi trên xe thằng Nghị mà không chịu leo xuống đất đi bộ cùng tôi cho… mỏi cẳng chơi.
Những hình ảnh u ám đó cứ lởn vởn trong đầu tôi khiến tôi xụi lơ. Tôi thở dài nói với Bá:
– Vậy bây giờ tao phải làm gì?
Bá cắn môi, trầm ngâm:
– Để tao nghĩ đã!
– Nghĩ lẹ lẹ đi!
Mặc cho tôi nóng nảy thúc giục, Bá chậm rãi lắc đầu:
– Tao không nghĩ ngay được đâu! Đây là chuyện nghiêm túc, đòi hỏi phải có thời gian nghiền ngẫm! Tao hẹn mày ba ngày.
Bá đã nói vậy, tôi không dám giục nó nữa. Giục nó, nó sẽ cho tôi là không “nghiêm túc”, nó sẽ chẳng thèm làm sư phụ tôi nữa. Mà tôi, trong thời điểm này tôi cần có sư phụ biết bao! Tôi đang tầm sư học đạo. Dĩ nhiên, không phải là đạo phật của một thời ghét cay nhan sắc, mặc dù đạo hiệu của tôi bây giờ vẫn được bắt đầu bằng chữ “Thích”. Đệ tử là Thích… Gia Khanh!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.