Đọc truyện Hoa hồng xứ khác – Chương 1
Nếu một ngày nào đó, bạn bước vào tuổi mười sáu, lại phải đi trọ học xa nhà, thoát khỏi sự canh gác nghiêm ngặt của ba mẹ bạn, hẳn là bạn cũng được nghe những lời dặn dò kỹ lưỡng và vô vọng của các bậc sinh thành, hệt như trường hợp tôi ngày xưa.
Nhìn chiếc va-li đã được khóa chặt của tôi, mẹ tôi khuyên nhủ bằng một giọng lo lắng chân thành:
– Con ra thành phố ráng lo học, đừng đi chơi lông bông, đừng đua đòi chúng bạn!
Ba tôi cũng nói những lời y hệt mẹ tôi, có vẻ như tối hôm trước hai người cùng soạn chung với nhau những điều răn dành cho tôi. Tuy nhiên, giọng ba tôi nghiêm nghị hơn, có pha một chút đe dọa.
Tôi ngoan ngoãn đứng nghe, đầu gật lia lịa. Vẻ tử tế quá đáng của tôi khiến ba mẹ tôi hài lòng trông thấy. Có lẽ đến giờ phút này, ba mẹ tôi mới nhận ra tôi là một đứa trẻ nết na, dễ bảo mà trước đây vì một lý do nào đó hai người đã không nhìn thấy.
Trong tâm trạng hân hoan tột đỉnh đó, ba tôi ngẫu hứng nói thêm:
– Con cũng nhớ đừng yêu đương nhăng cuội! Còn đang đi học, phải để hết tâm trí vào bài vở, đừng để chuyện tình cảm vớ vẩn làm xao lãng đầu óc nghe chưa!
– Nghe!
Tôi hét lớn, giọng quả quyết. Ba tôi thật buồn cười. Tôi mà thèm vào yêu với đương. Tôi là tôi chúa ghét bọn con gái. Cái bọn về nhà chỉ biết học gạo, đến lớp thì õng a õng ẹo, lúc nào cũng ra vẻ “tiểu thư” thấy mà bắt ngứa con mắt! Suốt những năm học lớp tám, lớp chín, tôi không bao giờ chơi với bọn con gái. Mà bọn chúng hình như cũng chẳng thèm chơi với tôi. Hai bên cứ như chó với mèo, mỗi lần gặp nhau là nhe răng “gừ gừ”.
Tôi cũng không hiểu rõ tại sao tôi lại ghét bọn con gái đến thế. Có thể là do một sự kiện đáng buồn năm lớp bảy. Hồi đó, tôi ngồi ở đầu bàn, gần cửa ra vào. Ngồi kế bên tôi là nhỏ Mỹ Hạnh. Mỹ Hạnh là một con nhỏ láu lỉnh nổi tiếng. Nó là vua phá phách và chọc ghẹo. Suốt năm, nó cà khịa tôi hoài. Nhưng tôi nín nhịn. Dù sao tôi cũng là con trai. Chẳng lẽ tôi đánh nhau với nó. Đánh nó, có thắng cũng chẳng vinh quang gì, còn bị phạt, lại bị tụi bạn chọc cho ê mặt. Nghĩ vậy, tôi gồng mình chịu trận, mặc cho nó làm mưa làm gió.
Nhưng Mỹ Hạnh là một con quỷ. Nó nghĩ ra đủ trò để hại tôi. Còn tôi thì ngu như bò, cứ mắc mưu nó hoài.
Một hôm, sau khi trống đánh vào học, cả lớp đang còn ồn ào trò chuyện thì Mỹ Hạnh bỗng khều tôi:
– Nè, Khoa!
Tôi quay lại:
– Gì vậy?
Mỹ Hạnh chỉ tay ra trước cửa lớp:
– Khoa có thấy sợi dây thun đằng kia không?
Tôi nhướng mắt dòm và gật đầu:
– Thấy! Mà sao?
– Đố Khoa chạy ra nhặt sợi thun đem vào đây!
Tôi lại nhìn ra cửa lớp và rụt cổ:
– Eo ôi, tao không dám đâu!
Lúc đó thầy Luận dạy lớp tôi đang đứng trò chuyện với thầy hiệu trưởng ngay trước cửa. Sợi thun nằm kế bên chân thầy, có cho vàng tôi cũng chẳng dám bỏ chỗ chạy ra nhặt.
Thấy tôi từ chối, Mỹ Hạnh nheo mắt:
– Sao Khoa nhát quá vậy?
Biết nó khích, tôi mặc kệ:
– Ừ, tao vậy đó!
Mỹ Hạnh bĩu môi:
– Con trai gì mà nhát như thỏ đế!
Cái giọng khi dể của nó khiến tôi phát khùng. Tôi nghinh mặt:
– Mày ngon sao mày không chạy ra đi?
Mỹ Hạnh chun mũi:
– Hạnh khác! Hạnh là con gái!
Tôi “xì” một tiếng:
– Mày mà là con gái! Mày là… con quỷ thì có!
Mỹ Hạnh là một đứa có bản lĩnh. Nó phớt lờ sự “xỉ vả” của tôi. Mà dịu dàng nói, giọng ngọt như đường:
– Nếu Khoa chạy ra nhặt được sợi thun, Hạnh cho Khoa cái này!
– Cái gì vậy? – Tôi tò mò.
Mỹ Hạnh thò tay vào cặp. Sau một hồi lục lọi, nó lấy ra một tấm hình lớn bằng hai bao diêm. Tôi ngắm nghía tấm hình vẽ con thỏ trong lòng bàn tay nó, nhún vai nói:
– Tưởng gì! Tấm hình này có gì hay đâu!
– Khoa xem đây nè!
Vừa nói, Mỹ Hạnh vừa từ từ nghiêng bàn tay. Tấm hình chao đi, và con thỏ biến mất. Thay vào đó là một con gấu to tướng, lông xám xịt.
Tôi đang ngẩn ngơ nhìn thì Mỹ Hạnh lật tay lại. Và con thỏ khi nãy lại hiện ra, đột ngột và huyền bí như một phép lạ. Tôi bị tấm hình kỳ ảo kia chinh phục ngay lập tức.
Dòm mặt tôi, biết tôi đang mê tít, Mỹ Hạnh gạ liền:
– Tấm hình đẹp không?
– Đẹp.
– Khoa thích không?
– Thích.
– Vậy Khoa có dám chạy ra nhặt dây thun không?
Câu hỏi của Mỹ Hạnh khiến tôi giật thót. Tôi ngần ngừ nhìn ra cửa. Thầy Luận và thầy hiệu trưởng vẫn còn đứng đó, chạy ra là “chết” liền. Nhưng tấm hình của Mỹ Hạnh quả là tuyệt, nếu bây giờ tôi không chấp nhận lời thách thức của nó thì dễ gì tôi tôi kiếm được một thứ của quý như thế.
– Sao? – Mỹ Hạnh lại giục.
Tôi nhìn tấm hình trên tay nó, liếm môi:
– Mày đưa tao xem tấm hình lại một lần nữa coi!
Mỹ Hạnh tỏ ra rộng rãi. Nó đưa tấm hình cho tôi.
Tôi cầm tấm hình trên tay, lật qua lật lại và thích thú quan sát cảnh con thỏ và con gấu lần lượt đổi chỗ cho nhau.
Trong khi tôi quan sát con thỏ và con gấu thì Mỹ Hạnh im lặng quan sát tôi. Thấy tôi săm soi lâu lắc, nó sốt ruột hắng giọng:
– Trả đây chứ! Làm gì coi hoài vậy!
Tôi đưa trả tấm hình cho Mỹ Hạnh, vẻ tiếc rẻ.
Mỹ Hạnh dòm tôi lom lom:
– Sao? Khoa sẽ chạy ra nhặt sợi dây thun đem vào đây chứ?
Tôi gật đầu:
– Ừ, tao sẽ nhặt.
– Vậy Khoa chạy ra đi!
Tôi nuốt nước bọt:
– Chờ chút xíu! Để tao nghĩ ra cách đã!
Mỹ Hạnh nheo mắt:
– Chờ cho thầy hiệu trưởng đi khỏi hả?
– Không.
Mỹ Hạnh vẫn chưa yên tâm. Nó nói thêm:
– Nếu đợi thầy hiệu trưởng đi khỏi, Khoa mới chạy ra nhặt, Hạnh không đưa tấm hình cho Khoa đâu.
Mặc cho Mỹ Hạnh nhấm nhẳng bên tai, tôi loay hoay nghĩ cách chạy ra nhặt sợi thun sao cho khỏi bị phạt. Nghĩ ngợi một hồi, tôi bỗng sáng mắt lên:
– Tao nghĩ ra rồi!
Rồi không đợi cho Mỹ Hạnh kịp hỏi, tôi hùng hồn khoe:
– Bây giờ tao sẽ ném một cuốn tập ra cửa rồi xin phép chạy ra nhặt. Khi nhặt cuốn tập tao nhặt cả sợi thun.
Mỹ Hạnh tròn mắt nghe tôi trình bày kế hoạch, rồi gật gù:
– Hay đấy!
– Nhưng nếu thầy Luận hỏi tại sao cuốn tập lại văng ra cửa – tôi thận trọng dặn Mỹ Hạnh – tao sẽ nói là tao với mày giành nhau cuốn tập và cuốn tập bị văng ra ngoài. Nếu thầy hỏi mày, mày cũng nói vậy nghe không!
Mỹ Hạnh gật đầu lia:
– Ừ, nếu thầy hỏi Hạnh, Hạnh cũng nói hệt như vậy.
Dàn xếp đâu đó xong xuôi, tôi cầm lấy cuốn tập trên bàn và ném mạnh ra cửa. Cuốn tập bay vù một cái và rớt “xoạch” ngay chân thầy Luận.
Thầy Luận, và cả thầy hiệu trưởng, giật mình cúi nhìn cuốn tập dưới đất và sau đó quay nhìn vào trong lớp như muốn tìm xem chuyện gì đang xảy ra.
Mặc dù đã tính toán sẵn nhưng khi thấy cả hai đồng loạt quay vào và quan sát lớp học bằng ánh mắt nghiêm khắc, đầy đe dọa, tôi bỗng rùng mình sợ hãi. Nhưng lỡ phóng lao đành phải theo lao, tôi liền chậm chạp đứng dậy và rụt rè cất giọng:
– Thưa thầy…
Thầy Luận không đợi tôi nói hết câu. Thầy cắt ngang:
– Cuốn tập này của em hả?
Tôi ấp úng:
– Dạ, của em…
Thầy lại hỏi, giọng nóng nảy:
– Cuốn tập của em sao lại văng ra đây?
Tôi nói, cố trấn tĩnh:
– Thưa thầy, bạn Hạnh muốn mượn cuốn tập của em đễ xem lại bài sinh vật hôm qua, em không cho. Hai bên giằng co và thế là cuốn tập… cuốn tập…
Những tiếng cuối cùng tôi nói lúng búng trong miệng và khẽ liếc thầy. Tôi mừng rỡ khi thấy những nếp nhăn trên trán thầy từ từ dãn ra mặc dù mặt thầy vẫn lạnh như tiền. Không hiểu thầy có tin lời giải thích của tôi hay không mà thầy lừ mắt nhìn Mỹ Hạnh:
– Mỹ Hạnh, bạn Khoa nói có đúng không?
Câu hỏi của thầy Luận khiến tôi nở từng khúc ruột. Thầy hỏi đứa khác tôi còn ớn chứ thầy “điều tra” Mỹ Hạnh, coi như tôi thoát nạn. Tôi đã dặn trước Mỹ Hạnh rồi, hẳn nó sẽ trả lời theo kịch bản của tôi.
Tôi không ngờ Mỹ Hạnh lại “phản” tôi. Câu trả lời của nó khiến tôi sửng sốt:
– Thưa thầy, bạn Khoa nói không đúng ạ!
Tôi giật bắn người khi nghe thầy Luận hỏi tiếp:
– Vậy chứ tại sao cuốn tập của bạn Khoa lại văng ra cửa?
Mỹ Hạnh đáp tỉnh bơ:
– Bạn ấy tự ném ra ạ.
– Ném ra? – Thầy Luận ngạc nhiên – Sao lại tự ném ra?
Mỹ Hạnh đúng là một mụ phù thủy. Trong khi tôi bủn rủn cả tay chân thì nó kể tuốt tuồn tuột mọi ý đồ đen tối của tôi. Nó tố cáo tôi bằng một giọng hào hứng và quỉ quyệt khó tin. Mặt thầy Luận mỗi lúc một sa sầm.
Và dĩ nhiên tôi không tránh khỏi đòn trừng phạt của thầy. Ngày thường thầy phạt một thì hôm đó thầy phạt mười. Thầy muốn chứng minh cho thầy hiệu trưởng sự nghiêm khắc của thầy đối với những đứa học trò nghịch như tôi.
Tôi lãnh ba roi vào mông, đau quắn đít. Sau đó, tôi lại phải quì gối trước bảng đen cho mấy chục cặp mắt soi mói châm chọc, nhục ơi là nhục.
Tôi quì cả tiếng đồng hồ, mãi đến giờ ra chơi. Nhưng tôi không thấy mỏi chân, đầu gối cũng chẳng thấy đau. Trong lòng tôi lúc đó chỉ dậy lên một nỗi căm giận khủng khiếp. Tôi thù Mỹ Hạnh đến tận xương tủy. Tôi ao ước mình tài giỏi như Tôn Ngộ Không. Tôi thèm có bảy mươi hai phép biến hóa. Tôi sẽ không ngại ngần biến Mỹ Hạnh thành con rắn, con dơi, con quạ, con chuột, con gián hoặc bất cứ một loài bò sát ti tiện nào đó.
Kể từ hôm đó, tôi “cạch” Mỹ Hạnh, không bao giờ nói chuyện với nó nữa. Tôi cũng “cạch” cả bọn con gái. Bọn chúng là vậy, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện hãm hại những đứa con trai cả tin như tôi. Mà nếu không vậy, Thượng đế chả sinh chúng ra làm gì.
Lớn lên một chút, tôi tình cờ đọc được một số câu danh ngôn khủng khiếp về bọn đàn bà, con gái. Tôi càng xa lánh họ. Ngạn ngữ Tây Ban Nha bảo tôi: “Tin người đàn bà bằng lời chẳng khác nào nắm đuôi lươn”. Tôi từng nắm đuôi lươn nên tôi biết. Nó cứ trơn tuột. Ngạn ngữ Ấn Độ “hù” tôi chết khiếp: “Nước làm hỏng rượu, xe bò làm hỏng đường lộ và đàn bà làm hỏng đàn ông”. Tôi chả quan tâm đến rượu và đường lộ, chúng hỏng cứ việc hỏng. Tôi không sợ nước và xe bò. Tôi chỉ sợ tôi hư hỏng. Vì vậy, tôi ghét bọn “tiểu thư”.
Không chỉ có ngạn ngữ, phương ngôn chê bai phụ nữ. Ngạn ngữ thuộc về những người bình dân. Ngay cả những người học rộng cũng chế giễu đàn bà. De Molina xác nhận với tôi: “Làm đàn bà và làm thinh là hai việc trái ngược”. Câu nói y như thánh. Bọn họ là chúa lẻo mép. Mỗi lần cãi nhau với bọn con gái, tôi không bao giờ nói lại. Tôi nói một tiếng, bọn chúng nói mười tiếng. Bọn chúng chuyên át giọng lũ con trai chúng tôi.
Bọn chúng nói nhiều nhưng lại thay đổi ý kiến như chong chóng, thật chẳng ra làm sao! Racine thấy rõ điều đó. Ông nói: “Họ lơ mơ, họ lưỡng lự, nói tắt một tiếng họ là đàn bà”. Ông Racine giỏi ghê! Hèn gì ông nổi tiếng khắp thế giới. Ông Voltaire cũng lừng danh không thua gì ông Racine. Ông phát biểu xanh dờn: “Thượng đế chỉ tạo ra đàn bà để nhử đàn ông”. Ông Voltaire nói nghe hãi quá. Nhưng tôi phục ông sát đất. Tôi đoán chắc hồi nhỏ ông cũng có một con nhỏ bạn giống hệt như con nhỏ Mỹ Hạnh ngồi kế bên tôi. Và chắc con nhỏ đó nó hành ông tơi tả nên ông mới ghét đàn bà đến thế. Hồi đó, tôi cứ đinh ninh đã “khi dể” phụ nữ như vậy, hẳn ông sẽ không lấy vợ. Sau này tôi mới biết sự thật không giống như tôi nghĩ. Mắc dù thừa biết Thượng đế tạo ra đàn bà để nhử đàn ông, ông cứ để cho vợ ông nhử ông một cách thoải mái. Không ai nhử ông, chắc ông buồn lắm! Tôi cay đắng nhủ thầm và có cảm giác mình bị phản bội, nhưng không vì vậy mà tôi vội xóa những ý tưởng tuyệt vời của ông trong cuốn sổ tay của tôi. Tôi vẫn tin vào sự đúng đắn và sáng suốt của những lời ông nói mặc dù sau đó ông lại tỏ ra ngốc nghếch như một con lừa.
Hẳn nhiên, tôi khác ông Voltaire. Ông nói, còn tôi thì làm. Gặp con gái, mặt tôi lạnh toát, mắt phủ đầy sương mù Luân Đôn. Suốt mấy năm ròng như vậy. Cho đến khi tôi sắp sửa ra thành phố học tiếp lớp mười.
Vì vậy, hôm nay nghe ba tôi dặn tôi chớ yêu đương nhăng cuội, tôi tức cười ghê. Tôi mà thèm yêu bọn con gái. Tôi chưa nuốt sống bọn chúng là còn may.
Dĩ nhiên, đó là về phía tôi. Còn bọn chúng nghĩ sao, ai mà biết được! Rất có thể bọn chúng xúm vào yêu tôi. Rất có thể bọn chúng sẽ gửi thư nặc danh tống tình tôi, hệt như bọn Mafia thường làm. Nhưng dù gì thì gì, tôi mặc xác. Tôi sẽ không thèm đáp lại tình yêu của bất kỳ một cô gái xinh đẹp nào, mặc cho cô ta khóc sướt mướt cả năm ròng. Tôi sẽ không để cho ai làm hỏng tôi, hỡi nước, xe bò và các mụ phù thủy! Tôi là một người đàn ông đã có quá nhiều kinh nghiệm về đàn bà. Năm lớp bảy, chẳng phải con quỷ Mỹ Hạnh đã “nhử” tôi một trận nhớ đời đó sao?