Đọc truyện Hồ Sinh Tử – Chương 24
Năm 2007, Tư Vọng được vào trường trung học Mùng 1 tháng 5.
Năm đó, Hà Thanh Ảnh có dự cảm không hay, có lẽ là do là năm bản mệnh của con trai, nên cô quyết tâm dành nhiều thời gian cạnh con. Cách tốt nhất là tự mở một cửa hàng nhỏ, để Tư Vọng thường xuyên đến quán. Tài khoản ngân hàng của cô còn khoảng mười vạn tệ, là khoản thừa lại từ năm nhà họ Cốc đền bù nuôi Vọng Nhi.
Nghỉ hè, với sự giúp đỡ của cảnh sát Hoàng Hải, Hà Thanh Ảnh thuê được nhà mở một hiệu sách nhỏ, địa điểm là ở đối diện với trường cấp 2 Mùng 1 tháng 5.
Tư Vọng đặt tên cho hiệu sách là: Hiệu sách Hoang thôn.
Hà Thanh Ảnh và con trai trải qua mùa hè nóng nực, dưới cái nóng 38 độ C, đi nhập hàng ở chợ đầu mối sách, hai người đều phơi sạm da. Ngoài sách văn học và lịch sử mà Tư Vọng thích ra, còn chọn rất nhiều giáo trình tham khảo, đây là con đường duy nhất để hiệu sách nhỏ tồn tại. Cô cố ý đặt “Bi thương chảy ngược thành sông” của Quách Kính Minh và “Thành phố trong mơ” của Hàn Hàn ở cùng nhau, thêm các loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị, ngày nay học sinh trung học đều thích những thể loại này, chẳng phải thế sao?
Ngày khai giảng là ngày cửa hàng khai trương, cảnh sát Hoàng Hải dẫn một đoàn cảnh sát đến tặng hoa, ai không biết chắc tưởng hiệu sách xảy ra án mạng.
Tám giờ sáng, hoàn thành lễ đốt pháo xong, Hà Thanh Ảnh đưa con đến trường báo danh. Tư Vọng đeo khăn quàng đỏ, giục mẹ về trông cửa hàng. Lúc chào, trông mẹ cậu có vẻ đau lòng, nhưng đứa trẻ đã không còn ở độ tuổi thích chào mẹ ở trường nữa.
Trường trung học Mùng 1 tháng 5 nằm trên đường Trường Thọ, bên cạnh có một hộp đêm cao cấp, tối nào cũng có hàng dài xế hộp sang trọng và các cô gái trang điểm lộng lẫy đi vào. Trường học có sân vận động nhỏ, hai bên trồng rất nhiều cây trúc đào. Các tầng lớp học tạo thành hình chữ U nối với nhau, ở giữa có giếng trời nhỏ. Đối diện với sân vận động có một tòa nhà hai tầng, giống như hòn đảo dài, phòng y tế và phòng học nhạc nằm ở trong đó.
Tư Vọng thích ứng với môi trường mới nhanh hơn các bạn khác, nếu không cố ý bỏ bê thì nhất định sẽ trở thành học sinh có thành tích cao nhất lớp.
Tư Vọng vẫn ít tiếp xúc với người khác, trong mắt thầy cô nó là đứa trẻ rất tự kỉ, cũng không ai biết quá khứ năm lớp 3, 4 của nó. Tấm ảnh làm đại diện cho Tập đoàn Giáo dục Nhĩ Nhã cũng bị ném vào sọt rác lâu rồi. Nó chỉ nói nhiều khi ở hiệu sách Hoang thôn, vì phải kéo các bạn học sinh vào xem, giới thiệu các loại sách bán chạy và tạp chí “Tiểu thuyết hay nhất”, với cả sách tham khảo bán rẻ hơn trong trường nữa. Hà Thanh Ảnh giảm giá 20% cho bạn học của con trai.
Mùa xuân năm sau.
Trên mạng thịnh hành những tấm ảnh của Trần Quán Hy, nghe nói các bạn nhỏ đều xem trộm trên máy tính, Hà Thanh Ảnh rất lo lắng chuyện này, nhưng lại không thể mở lời với con, chỉ kệ nó.
Cái răng sữa cuối cùng của Tư Vọng cũng nhổ rồi, hàm răng bây giờ rất đều và chắc khỏe. Nó không giống các bạn nhỏ khác, răng hàm trên vứt xuống đất, răng hàm dưới vứt lên trời, mà nó đưa hết cho mẹ.
“Vọng Nhi, mỗi sợi tóc, mỗi chiếc răng của con đều đáng quý, là mẹ mang nặng đẻ đau vất vả lắm mới mang lại cho con được, mẹ phải giữ gìn và trân trọng nó.”
Hà Thanh Ảnh cất răng của con vào ngăn trong cùng trong bàn trang điểm.
Mùa thu, Tư Vọng chính thức thành học sinh cấp 2, lớp 7B trường trung học Mùng 1 tháng 5.
Tính từ lớp 1, bố nó mất tích đã sáu năm, hai mẹ con đã quen với cuộc sống không có ông ấy, dường như chỉ là người đàn ông trong ký ức ở kiếp trước, mặc dù bên cạnh giường vẫn để tấm ảnh cả gia đình.
Việc kinh doanh của cửa hàng sách cũng thuận lợi, Hà Thanh Ảnh và con trai như bạn đối tác của cửa hàng, hơn một năm thu chi đã cân bằng, dần dần đã có lợi nhuận nhỏ, đủ sinh hoạt mỗi tháng. Vì có cảnh sát Hoàng Hải giúp đỡ, cửa hàng không gặp phiền phức gì từ sở công thương, thuế, hay cảnh sát. Hàng ngày, cô ngồi trong cửa hàng, gần như không có ngày nghỉ, có chuyện gì gấp mới nhờ người trông hộ.
Có lúc, đêm khó ngủ, Hà Thanh Ảnh hay vuốt ve lưng con trai, Vọng Nhi nói nó không muốn lớn, yết hầu đừng nhô ra, tiếng nói đừng khàn khàn, muốn cứ ôm mẹ ngủ mãi. Ánh đèn bên ngoài cửa sổ chiếu qua rèm cửa, hắt vào khuôn mặt vẫn trẻ trung của cô, Lâm Chí Linh cũng chỉ nhỏ hơn cô bốn tuổi, chắc chắn vẫn còn người đàn ông khác thích cô ấy.
Ngày 19 tháng 12 năm 2008, Tư Vọng sinh nhật 13 tuổi.
Nó chưa từng tổ chức sinh nhật ngoài cửa hàng bao giờ, năm nào mẹ nó cũng mua bánh sinh nhật về nhà, hai mẹ con cùng nghe bài chúc mừng sinh nhật. Lần này, cảnh sát Hoàng Hải cũng xách túi to túi nhỏ đến. Nói thật, anh không biết tặng quà tí nào, ai lại toàn là cá mắm với thịt nguội, lại còn tặng một bộ đồ học tập xấu nhất nữa. Anh giúp Hà Thanh Ảnh làm cơm trong bếp, thỉnh thoảng lại vụng về làm đổ chai dầu hoặc lọ giấm. Người đàn ông trầm tính vụng về này bỗng nhiên lảm nhảm linh tinh khác thường, Hà Thanh Ảnh không nhịn nổi cười, khó khăn lắm mới đùa vài câu với anh, quay đầu lại nhìn thấy mắt Tư Vọng.
Thằng con đang nhìn mẹ một cách lạnh lùng.
Trước khi thổi tắt 13 ngọn nến, cảnh sát Hoàng Hải vội nói: “Đợi đã, cho tôi cầu nguyện trước.”
Hà Thanh Ảnh dường như có thể đoán được ước nguyện của anh, Tư Vọng tranh trước, thổi phù hết chỗ nến. Hà Thanh Ảnh nấp ở góc tối, quan sát khuôn mặt của thiếu niên – nó đang ước điều gì vậy?
Tổ chức sinh nhật xong, Hà Thanh Ảnh để tỏ lòng cảm ơn, tiễn Hoàng Hải rất lâu. Khi cô quay vào nhà, phát hiện Tư Vọng đang xem phim kinh dị, ánh mắt có chút lạc lõng vô hồn. Sinh nhật này không vui lắm, cho dù nó có khuôn mặt biết giấu nỗi niềm, nhưng dù sao cũng không giấu được mẹ nó.
Ba ngày sau, Đông chí.
Hà Thanh Ảnh đem con ra ngoại ô tảo mộ. Xe đi qua đường Nam Minh, mưa nhỏ làm mờ tầm nhìn qua cửa xe, Tư Vọng nhắm mắt, đi xa rồi mới mở ra.
Đây là mộ của ông nội, có con sông uốn quanh, tùng bách rậm rạp. Trên mộ ghi tên bằng mực đen, và một loạt tên người ghi bằng mực đỏ, thể hiện những người này vẫn còn sống, trong đó có Tư Vọng. Tư Vọng là con trai cả của họ, tên được ghi đầu tiên. Hà Thanh Ảnh mang cơm đến, đặt trước mộ mẹ chồng, kéo con trai tới quỳ xuống. Thời gian ba tuần hương là để tổ tiên dùng bữa trưa.
Một tiếng sau, Hà Thanh Ảnh tới một ngôi mộ khác. Cô mua vài tập tiền vàng, bảo Tư Vọng cầm một bó hoa tươi. Trong những hàng mộ sin sít nhau, tìm thấy một ngôi mộ vẫn mới, trên đó có ảnh đôi vợ chồng già. “Vọng Nhi, cúi đầu lạy ông bà ngoại đi con.”
Đối diện với ông bà ngoại chưa bao giờ gặp, Tư Vọng rất ngoan quỳ xuống, cung kính vái ba vái. Hai mẹ con cùng đốt tiền vàng, khói bay cả vào mắt, nước mắt cứ thế mà chảy ra, Hà Thanh Ảnh nửa ngồi nửa quỳ ôm chặt con.
Trên đường về nhà, có vài bông tuyết rơi, cậu con trai bất chợt hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ biết bố đi đâu không?”
“Mẹ không biết.”
Câu trả lời của cô thật lạnh lùng, cứ như đang nói về người chết không liên quan gì đến mình