Hạt Ngọc Ẩn Mình

Chương 3


Đọc truyện Hạt Ngọc Ẩn Mình – Chương 3

PETER HOUGHTON đang phân loại thư từ của công tước Ridgeway và đặt sang một bên những bức mà anh nghĩ đức ngài sẽ muốn hồi đáp. Công tước có vẻ cáu kỉnh lúc vào nhà, thậm chí trước cả khi bước vào phòng làm việc. Giọng nói của công tước, dù không rõ lời, cũng đủ tố cáo tâm trạng của ngài.

Vừa trông thấy đức ngài khập khiễng bước vào phòng, viên thư ký liền đứng bật dậy rồi lại ngồi xuống ghế sau cái khoát tay thiếu kiên nhẫn. Thường thì công tước chỉ đi khập khiễng những lúc rất đau.

“Có gì quan trọng không?” Công tước gật đầu về phía chồng thư từ.

“Một lời mời ăn tối với Bệ hạ,” Houghton báo cáo.

“Hoàng thân nhiếp chính à? Thảo lời cáo lỗi.”

“Đó là một bữa tiệc hoàng gia và chơi bài thôi,” viên thư ký húng hắng ho.

“Đúng. Ta biết. Thảo thư cáo lỗi đi. Có tin gì của vợ ta không?”

“Không có gì, thưa đức ngài,” Houghton nhìn xuống chỗ thư từ.

“Chúng ta sẽ về Willoughby,” đức ngài xẵng giọng. “Để ta xem nào. Tối mai ta hứa đi cùng nhà Dennington đến rạp hát để hộ tống cô cháu gái. Chẳng có gì không thể hủy đúng không? Ngày kia chúng ta sẽ khởi hành.”

“Vâng, thưa đức ngài.” Peter Houghton cười khi ông chủ ra khỏi phòng. Đã hai tuần trôi qua kể từ khi cô gái đó lên đường. Công tước đã thể hiện một sự kiên nhẫn tuyệt vời vì đợi lâu đến thế mới tìm ra một lý do chính đáng để về lâu đài.

***

Công tước Ridgeway bước hai bậc một như mọi khi, mặc dù chân và hông anh đau nhức. Anh lơ đãng liếc mắt trái xuống kiểm tra. Thời tiết quái quỷ. Cứ trở trời là mấy vết thương cũ lại hành hạ anh.

Quỷ tha ma bắt Sybil! Kể từ bốn năm trước, cô ta luôn từ chối đi cùng anh đến London, sau khi anh buộc phải đe dọa và chấm dứt chuỗi ngày chơi bời trác táng công khai của cô ta. Từ đó, gần như mỗi khi anh lên London một mình để có vài tháng yên ổn thì cô ta lại tổ chức những bữa tiệc thôn trang hoành tráng, mời tất cả những kẻ ăn chơi trác táng nhất xã hội thượng lưu, cả đàn ông và phụ nữ, từ London về Dorsetshire.

Cô ta rất hiếm khi nghĩ tới việc cần thông báo cho anh những kế hoạch đó. Anh chỉ toàn vô tình biết. Hai năm trước, có một lần anh chẳng biết gì cho đến khi về đến nhà và biết được tất cả khách khứa đến đây đã đi hết ngoại trừ một gã. Và gà này tốt bụng đến nỗi cho phép một cô hầu gái sử dụng cái giường khách bỏ trống lúc gã ngủ cùng nữ công tước.

Công tước đã ra lệnh cho vị khách đặc biệt này trong vòng một tiếng phải lên đường, và dường như hắn ta khắc ghi tới tận tâm can lời khuyên sẽ không ló mặt đến Willoughby hoặc London ít nhất trong mười năm tới.

Và anh đã cho nữ công tước một bài giáo huấn ra trò về những phép tắc trước mặt người hầu khiến cô ta chuyển từ tái mét sang khóc như mưa. Lúc khóc trông Sybil luôn xinh đẹp hơn bình thường. Và cô ta lại buộc tội anh lòng dạ sắt đá, hờ hững, chuyên quyền – như mọi khi.

Lần này công tước biết được bữa tiệc của Sybil qua ngài Hector Chesterton ở câu lạc bộ White. Ông ta hình như rất hài lòng với lời mời nên đứng ngồi không yên và thở khò khè.

“Mấy ngày này chẳng có gì để làm ở thành phố cả, ông bạn già ạ, ngoài việc liếc mắt đưa tình với mấy em non tơ. Và mấy bà mẹ thì quản chặt đến nỗi không thể làm gì ngoài liếc mắt. Sybil thật tử tế vì đã mời tôi.”

“Đúng.” Công tước cười lạnh tanh. “Cô ấy thích bạn bẻ ở xung quanh.”

Và vì vậy anh buộc phải quay về Willoughby, sớm hơn nhiều tuần so với kế hoạch. Anh kéo dây chuông trong phòng thay đồ và cởi áo khoác trong lúc đợi người hầu lên. Anh phải quay về vì gia nhân và Pamela. Họ không đáng phải chứng kiến cảnh ăn chơi trác táng của Sybil và bạn bè cô ta.

Lạy Chúa! Anh tháo cà vạt và ném nó qua một bên. Anh đã từng yêu cô ta. Ngày xửa ngày xưa, cách đây rất lâu, anh đã yêu cô ta. Nàng Sybil tóc vàng ngọt ngào, yếu đuối và xinh đẹp. Anh đã mơ mộng về cô, nhức nhối vì cô suốt thời gian ở Bỉ chờ trận chiến mà sau này đã trở thành Trận Waterloo huyền thoại. Anh đã sống bằng hình ảnh nụ cười sáng bừng, lời hứa ngọt ngào và vẻ e thẹn lúc cô chấp nhận lời cầu hôn của anh, nụ hôn đầu ấm áp của cô.

Lạy Chúa! Anh giật khuy áo sơ mi trên cùng và nhìn nó văng sang đầu kia phòng, nảy lên đụng vào giá kê chậu rửa.

“Bảo ai đó may mấy cái cúc chết tiệt này chắc hơn đi,” anh quát gã người hầu không may xuất hiện ngay lúc đó.

Nhưng gã người hầu này đã phục vụ anh từ thời niên thiếu, đi cùng anh ra chiến trường và là đầy tớ riêng của anh ở Tây Ban Nha cũng như ở Bỉ. Mặt gã thản nhiên như không.

“Chân và hông ngài lại đau nhức phải không đức ngài? Tôi nghĩ là do thời tiết. Ngài nằm xuống để tôi xoa bóp cho.”

“Sao mà giữ mấy cái cúc trên áo ta đây, thằng trời đánh kia?”

“Tôi sẽ làm, thưa ngài, tôi hứa. Giờ thì ngài nằm xuống đi.”

“Ta muốn thay quần áo cưỡi ngựa. Ta sẽ phi ngựa trong công viên.”


“Sau khi tôi xoa bóp cho ngài nhé,” gã hầu nói như bảo mẫu dỗ em bé. “Chúng ta sẽ về Willoughby phải không đức ngài?”

“Houghton đã lan truyền tin vui này rồi à?” Công tước nằm duỗi người trên đi văng trong phòng thay trang phục, để người hầu cởi quần áo, cho phép đôi tay mạnh mẽ và thành thạo làm dịu cơn đau xuống. “Ngươi có vui khi về nhà không, Sidney?”

“Vui chứ,” gã hầu khẳng định “Và ngài cũng vậy nếu ngài chịu thừa nhận. Willoughby luôn là nơi ngài yêu thương nhất trên đời.”

Đúng. Đã từng. Anh lớn lên với nhận thức một ngày nào đó tất cả sẽ là của mình. Tình yêu Willoughby đã khắc sâu trong trái tim anh. Tình yêu đó luôn ở trong anh suốt những năm tháng anh đến trường, học đại học và ra chiến trường. Anh khăng khăng gia nhập trung đoàn bộ binh, dù mình là con trai cả, là người thừa kế, bất chấp sự phản đối của cha và những người quen.

Nhưng Willoughby đã ăn vào máu anh. Nó là mục tiêu để anh chiến đấu – Willoughby, quê hương anh, nước Anh thu nhỏ.

Và giờ anh ghét trở về đó. Vì Sybil ở đấy. Vì cuộc đời có thể không giống như những gì anh mơ mộng.

Và lúc này anh phải về. Nơi nào đó tận sâu trong anh vui mừng vì bắt buộc thế. Willoughby vào cuối xuân và suốt hè – anh nhắm mắt, cảm nhận khao khát trào dâng như mỗi khi anh xa nhà và cho phép mình nhung nhớ.

Và nơi đó có Pamela. Sybil không quan tâm đến con dù luôn tỏ vẻ che chở, và trên thực tế cô ta không muốn cho anh gần con. Cô ta gần như chẳng dành thời gian cho con bé. Pamela cần anh. Nó cần nhiều hơn một bảo mẫu.

Con bé không chỉ có một bảo mẫu. Nó có một gia sư.

Fleur.

Anh đã quên mất cô ta sau khi xoa dịu lương tâm bằng việc cho cô ta một công việc. Và Houghton đã khẳng định với anh là cô ta dường như có đủ tư chất của một gia sư. Houghton đã phỏng vấn cô ta rất kỹ.

Anh không muốn nghĩ tới cô ta. Anh không muốn gặp lại cô ta. Anh không muốn nhớ lại. Anh chỉ phản bội Sybil một lần duy nhất đó, dù khó mà gọi thế là ngoại tình.

Sao anh lại gửi Fleur về Willoughby? Anh có những điền trang khác. Anh có thể để cô làm người hầu ở một trong các điền trang đó.

Tại sao lại là Willoughby chứ? Cùng một mái nhà với vợ mình. Với mình. Và dạy dỗ con gái.

Một ả điếm dạy dỗ Pamela.

“Đủ rồi, đồ chết tiệt,” anh mở mắt. “Cậu định làm tôi ngủ gật luôn à?”

“Tôi định làm thế, thưa ngài,” Sidney cười phấn khởi. “Khi ngủ thì tâm trạng của ngài ít khó chịu hơn, thưa đức ngài.”

“Đồ láo xược,” công tước ngồi dậy và lại dụi mắt. “Mặc đồ cưỡi ngựa cho ta.”

***

Fleur chẳng gặp học trò mới lẫn nữ công tước trong ngày cô đến lâu đài Willoughby. Hình như họ ra ngoài thăm viếng suốt chiều, mang theo cả bà bảo mẫu.

“Bà Clement là bảo mẫu của tiểu thư từ bé,” bà Laycock giải thích. “Họ rất gần gũi. Tôi e là bà ấy cũng sẽ khó chịu với cô như bà chủ. Cô phải ghi nhớ trong đầu rằng đức ngài mới là người trả lương cho mình.” Bà nhấn mạnh, vì vậy Fleur có ấn tượng rằng cô không phải gia nhân duy nhất phải khắc ghi điều ấy.

Đức ngài, hình như, không có ở nhà. Có vẻ công tước ở London trong Mùa Lễ Hội nếu ngài Houghton đã phỏng vấn cô là thư ký riêng của ngài ấy. Bà Laycock không biết khi nào đức ngài về.

“Thế nhưng đức ngài sẽ về ngay thôi, chắc chắn đấy, chỉ cần nghe phong thanh được rằng bà chủ sắp tổ chức tiệc, một bữa tiệc khiêu vũ hoành tráng.” Giọng bà quản gia có vẻ không tán thành, dù bà chẳng nói thêm lời nào về chủ đề đó. Nhân tiện nữ công tước đi vắng nên bà quản gia dẫn Fleur đi một vòng xem các tầng trên.

Tòa nhà tráng lệ và đồ sộ khiến Fleur chỉ biết đi theo sau lưng bà Laycock, nhìn với vẻ kính sợ và chẳng thốt nên lời nào. Các phòng sinh hoạt chung, phòng riêng của gia đình và phòng làm việc nằm ở tầng piano nobile, phòng học, phòng bảo mẫu và khu gia nhân ở tầng trên. Fleur đã thấy phòng mình, nhỏ, gọn gàng, sáng sủa và thoáng mát, ngay sát phòng học. Nó trông ra bãi cỏ và rặng cây, và giống như một thiên đường nếu so với căn phòng của cô ở London.

Chuyến tham quan lâu đài bắt đầu từ phòng vũ hội lớn có mái vòm ở mặt trước nhà với những cửa thông gió và lấy sáng ở trên cao, ngay phía dưới mái vòm được vẽ những thiên thần đang bay vút lên. Tranh được treo thành hình tròn phía dưới các cửa thông gió.

“Trong những bữa tiệc lớn thì ban nhạc ngồi đằng kia,” bà quản gia giải thích. “Mỗi khi có vũ hội thì cửa phòng tranh và phòng khách được mở thông để làm phòng khiêu vũ và dạo chơi. Cô sẽ thấy tận mắt nếu đúng hôm tổ chức tiệc của bà chủ trời mưa. Bữa tiệc tổ chức ngoài trời gần hồ nước và chúng ta sẽ được mời, cô Hamilton. Nhưng tất nhiên sẽ vào trong nhà nếu thời tiết không cho phép.”

Fleur nhìn lên và cố mường tượng chỗ ban nhạc ngồi và âm nhạc vang khắp gian phòng. Cô tưởng tượng đám đông mặc trang phục đẹp đẽ, vui vẻ, tươi cười và khiêu vũ. Và cô chợt mỉm cười. Ôi, cô sẽ rất hạnh phúc. Dù bà Laycock đã ám chỉ về nữ công tước và bà bảo mẫu, nhưng cô sẽ hạnh phúc. Sao lại không chứ? Cô đã đứng bên bờ vực, nhưng mọi chuyện đã qua rồi.

Gian phòng tranh chạy dài nguyên một chái, dọc mặt trước nhà, phía bên kia là những cửa sổ dài, cùng tượng bán thân La Mã cổ đại đặt trong các hốc tường. Khung tò vò thạch cao và trần nhà tạo một ấn tượng vô cùng tráng lệ. Bức tường dài đối diện cửa sổ treo những bức chân dung có khung mạ vàng.


“Ông bà tổ tiên của đức ngài đấy. Chỉ có ông chủ mới biết hết tất cả. Chẳng có gì ở Willoughby mà ngài ấy không biết.”

Fleur nhận ra một bức tranh của Holbein, một bức của Van Dyck, một bức của Reynold. Cô nghĩ thật tuyệt khi có hình ảnh của ông bà tổ tiên từ đời này sang đời khác. Bà Laycock nói rằng công tước Ridgeway thuộc đời thứ tám.

“Tất cả chúng tôi đều chờ đợi người thừa kế,” bà ta nói, giọng không mấy tự nhiên, “nhưng mãi mà chỉ có mỗi tiểu thư Pamela.”

Phòng làm việc và hầu hết phòng dành cho khách nằm ở phía bên kia phòng tranh, nhưng Fleur không được dẫn qua đó.

Phòng khiêu vũ khổng lồ nằm ngay trục trung tâm phía sau sảnh, cao hai tầng với những tấm nhung đỏ thẫm treo trên tường, bàn ghế xếp gọn quanh rìa phòng được phủ lại. Cạnh cửa, gờ và mặt lò sưởi được mạ vàng, trần nhà được vẽ những trận chiến thiên thần mà bà Laycock không hề biết. Các tấm tranh phong cảnh lớn lồng trong khung kính treo trên tường.

Phòng ăn, phòng khách, thư viện, các phòng khác và khu vực riêng của gia đình nằm ở chái bên kia, đối xứng với khu trưng bày tranh.

Fleur bị tất cả làm choáng ngợp. Cô lớn lên trong một tòa nhà uy nghi. Cha cô thật sự là chủ sở hữu cho đến khi cả cha và mẹ bị chết cháy trong một quán trọ nhỏ khi cô lên tám. Cả tòa nhà và tước hiệu được chuyển sang cho em họ ông, cha Matthew – người bảo trợ của cô. Cô được ông đối xử tuy tử tế nhưng thờ ơ, bị vợ và con gái ông căm ghét, còn Matthew thì lờ đi mãi cho đến vài năm gần đây.

Nhưng Heron là một trong rất nhiều điền trang nhỏ của nước Anh. Lâu đài Willoughby rõ ràng là khác hoàn toàn. Và dù nuối tiếc vì phải từ bỏ giấc mơ trang viên ấm cúng với gia đình nhỏ, cô vẫn cảm thấy vô cùng hào hứng. Cô sắp sống trong một lâu đài nguy nga lộng lẫy. Cô sẽ là một phần của lối sống tất bật, chịu trách nhiệm dạy dỗ cô con gái nhỏ của vợ chồng công tước.

Nói cho cùng thì dường như cô thật may mắn. Có lẽ cô sắp được liếc qua thiên đường để cân bằng với tất cả những gì đã trải qua.

“Tôi định dẫn cô đi dạo vườn hoa, nhưng có vẻ cô mệt lử rồi, cô Hamilton. Cô phải lên lầu và nghỉ một lát đi. Có lẽ nữ công tước sẽ gặp cô sau và có khi cô sẽ đợi để làm quen với tiểu thư Pamela.”

Fleur vui mừng lánh về phòng mình. Cô đang bị tất cả làm cho choáng ngợp – bởi những sự cố hai tháng trước đây, bởi công việc cực kỳ may mắn này sau cả tuần không đến trung tâm môi giới, và cũng bởi đột nhiên khám phá ra công việc không đơn giản như mình nghĩ. Chuyến đi thật dài và mệt mỏi.

Và sáng hôm đó cô cất được một mối lo nặng nề – cô không có thai.

Lúc ngồi trên cửa sổ phòng mình tận hưởng khung cảnh yên bình ở bên ngoài và cơn gió nhẹ khẽ đung đưa rèm cửa vờn qua má, cô nghĩ mình hạnh phúc hơn những gì cô đã tưởng tại thời điểm hai tháng trước nhiều.

Cô có thể bị treo cổ. Cô vẫn có khả năng bị treo cổ. Nhưng cô sẽ không nghĩ đến nó. Hôm nay là khởi đầu cho cuộc đời mới, và cô sẽ hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào trong đời – kể từ năm lên tám.

Cô thay đồ, vắt gọn qua lưng ghế, chỉ mặc mỗi áo lót và nằm xuống giường. Thật khác xa căn phòng trọ ở London, cô lại nghĩ lúc nhìn lên tấm ri đô bằng lụa treo ở trên cao, nhìn sự sạch sẽ, ngăn nắp và yên tĩnh xung quanh mình. Cô chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng chim kêu chiêm chiếp ở xa xa.

Cô nhắm mắt và lơ mơ ngủ trên chiếc bè hạnh phúc. Và lại thấy anh ta – khuôn mặt ngăm ngăm, góc cạnh và khắc nghiệt, vết sẹo lồi kéo dài từ khóe mắt xuống cằm, đang cúi xuống cô, đôi mắt đen nhìn thẳng vào cô.

Tay anh ta đặt trên người cô, đầu tiên là giữa đùi và nơi sâu kín nhất, rồi dưới mông cô. Một phần cơ thể nóng – đỏ của anh ta dò dẫm và tàn nhẫn vào sâu trong cô. Cô có thể cảm thấy nó như xé cô ra thành từng mảnh nhỏ.

“Điếm,” anh ta nói với cô. “Đừng bao giờ nghĩ đến việc rũ bỏ tên gọi đó. Giờ cô là điếm và sẽ là thế suốt phần đời còn lại, dù cô có chạy xa và nhanh cỡ nào.”

“Không.” Cô lắc đầu từ phía bên này sang bên kia giường, chân bám sàn nhà chắc hơn, cố thoát khỏi đôi tay chắc khỏe của anh ta để ngăn anh ta đẩy sâu vào trong. “Không.”

“Đây không phải là cưỡng bức. Cô tự nguyện bán thân cho ta. Và cô sẽ nhận tiền của ta.”

“Vì tôi sắp chết đói,” cô nài xin anh ta. “Vì tôi chẳng ăn gì hai ngày nay. Vì tôi phải tiếp tục sống.”

“Điếm,” anh ta khẽ nói. “Là vì cô thích thế. Cô thích đúng không?”

“Không.” Cô quằn quại để thoát khỏi đôi tay chắc khỏe đang giữ lấy cô trong khi anh ta tìm kiếm lạc thú trên cơ thể cô. “Không.”

Không. Không. Cô chẳng còn lại gì. Không phẩm giá. Không riêng tư. Không nhân dạng. Không có quần áo. Đầu gối anh ta giữ cô rộng ra và bắp đùi anh ta đầy cơ bắp. Xâm chiếm nơi nữ tính của cô. Không.

Không. Không. Không.

Cô đang ngồi trên giường, đầm đìa mồ hôi, run rẩy. Giấc mơ quen thuộc. Giấc mơ ám ảnh cô hằng đêm. Cô đã nghĩ khuôn mặt chết chóc của Hobson sẽ xuất hiện khi cô rơi vào trạng thái vô thức, nhưng không phải vậy. Chính người đàn ông có vết sẹo gớm ghiếc mới ám ảnh cô, lấy đi tài sản duy nhất mà cô đã trao – hay bán.


Fleur mệt mỏi rời khỏi giường và đứng trước cửa sổ để tỉnh táo. Cô sẽ không bao giờ quên anh ta sao? Hình ảnh anh ta ư? Cảm giác về anh ta chăng?

Anh ta đã thực sự nói những lời đó với cô sao? Cô không nhớ nữa. Nhưng nét mặt và cơ thể anh ta đã thể hiện ngay cả khi anh ta không thốt ra lời nào.

Cô nghĩ chắc trên đời chẳng còn có người đàn ông nào xấu xí và xấu xa hơn. Và ký ức nhắc nhở cô rằng anh ta đã mua đồ ăn và khăng khăng bắt cô ăn. Anh ta đã trả cho cô gấp ba lần số tiền cô đề nghị bên ngoài nhà hát. Anh ta chỉ làm những gì mà cô tự nguyện chấp thuận.

Và anh ta đã đưa cho cô chiếc khăn để lau sạch chỗ máu và giảm đau.

Cô úp tay lên mặt. Cô phải quên đi. Cô phải chấp nhận món quà cuộc sống mới mà lòng nhân từ đã đem đến.

***

“Đẹp lắm, con yêu,” nữ công tước Ridgeway cúi xuống hôn lên má con gái và vui vẻ nhìn lướt qua bức tranh mà đứa trẻ đang giữ để cô ngắm. “Vú à, chắc chắn ta sẽ gặp cô ta. Phải cho cô ta biết rõ là cô ta phải nghe lời vú và không được ép Pamela làm việc con bé không thích.”

“Thưa phu nhân, sáng nay cô ta mong được gặp tiểu thư,” bà bảo mẫu lên tiếng. “Tôi đã giải thích với cô ta là tiểu thư Pamela muốn được yên tĩnh trong phòng trẻ suốt buổi sáng.”

“Hôm nay con phải gặp gia sư sao Mama?” Đứa trẻ hỏi ngay. “Papa gửi cô ta đến phải không?”

“Anh ta làm thế để chọc tức ta đúng không?” nữ công tước nói với bảo mẫu. “Ắt hẳn anh ta đã nghe được kế hoạch của ta và trả thù bằng cách gửi cho con gái ả gia sư nhạt nhẽo. Nhưng ta có quyền có bạn bè đúng không? Cũng như anh ta. Anh ta tận hưởng Mùa Lễ Hội ở London. Anh ta nghĩ ta sẽ sống cô độc và buồn tẻ ở đây sao? Anh ta không nghĩ là ta cũng cần bạn để xua đi nổi buồn chán vô tận này sao?” Nữ công tước ho khan và với lấy khăn tay.

“Hôm qua tôi đã bảo cô mặc áo choàng lông rồi, cưng,” bảo mẫu rầy, “dù trời nắng nhưng mới là đầu xuân thôi. Cô sẽ không hết cảm lạnh đâu nếu không chăm sóc mình.”

“Không cần quan trọng hóa lên đâu vú,” nữ công tước gắt gỏng. “Ta bị ho từ mùa đông dù đã luôn mặc ấm như lời vú. Vú có nghĩ anh ta sẽ quay về nhà nếu biết kế hoạch của ta không?”

“Tôi chắc chắn anh ta sẽ về, cưng ạ. Lúc nào chẳng thế.”

“Anh ta không thích ta có bạn bè hay vui vẻ. Ta ghét anh ta, vú ơi. Ghét cay ghét đắng.”

“Suỵt. Nào cưng, không nói thế trước mặt tiểu thư Pamela.”

Nữ công tước nhìn đứa trẻ và chạm vào lọn tóc đen xoăn mềm mại. “Vậy thì dẫn cô Hamilton đó đến phòng khách cho ta. Vú, Adam có thể là người thuê cô ta, nhưng cô ta phải hiểu rõ là cô ta sẽ phải nghe lời ta. Rốt cuộc, Adam…”

“Im nào cưng,” Bà bảo mẫu kiên quyết.

Nữ công tước lại hôn lên má đứa trẻ và ra khỏi phòng, áo choàng mặc buổi sáng bay phất phơ phía sau.

Cô bé buồn bã nhìn theo dáng mẹ. “Vú có nghĩ mẹ thích bức tranh của con không?”

“Ta chắc là có, con yêu.” Bảo mẫu cúi xuống ôm cô bé. “Mama yêu con và mọi thứ con làm.”

“Và Papa sẽ thích nó chứ? Papa sắp về rồi phải không?”

“Chúng ta sẽ cất giữ bức tranh cẩn thận cho đến khi cha con về,” bà Clement trả lời.

***

Khi Fleur được dẫn vào phòng khách của nữ công tước, vẫn chưa có ai ở đó. Cô đứng yên phía trong cửa và chờ đợi, hai tay đan ra trước. Đó là một căn phòng nhỏ nhưng cực kỳ thanh nhã. Căn phòng hình ovan, trần nhà hình mái vòm được vẽ tranh và các cột trụ kiểu thành Corinth được mạ vàng.

Những pano trang trí phía trên nền nhà màu ngà được sơn đỏ thẫm, xanh lục, hồng và vàng lá làm tường trông thật thanh nhã và nữ tính.

Cô không phải chờ lâu. Cánh cửa ở phía bên kia phòng mở ra và một phu nhân nhỏ nhắn, xinh đẹp trong chiếc váy muslin màu xanh dương thanh nhã, mái tóc xoăn vàng được buộc lại, lòa xòa vài lọn trước mặt bước vào. Nữ công tước đẹp tuyệt trần và trông trẻ hơn tuổi hai ba.

“Cô là Hamilton?”

Fleur khẽ nhún gối chào. “Chào phu nhân.”

Cô thấy mình bị đôi mắt xanh của nữ công tước quan sát từ đầu đến chân.

“Chồng ta gửi cô đến đây làm gia sư cho con gái ta à?” Giọng nói ngọt ngào, lạnh lẽo.

Fleur gật đầu.

“Cô có thấy là mới năm tuổi thì con bé chưa cần phải học hành gì không?”


“Nhưng có rất nhiều điều một đứa trẻ nhỏ có thể học được mà không cần phải ôm sách suốt cả ngày, thưa phu nhân.”

Nữ công tước hất cằm lên “Cô dám cãi lời ta sao?” Cả giọng nói và vẻ mặt bà chủ đều lịch sự, nhưng lời nói thì không phải vậy.

Fleur im lặng.

“Chồng ta gửi cô về đây. Mối quan hệ giữa cô với chồng ta là gì?”

Fleur đỏ mặt. “Tôi chưa gặp đức ngài. Ngài Houghton phỏng vấn tôi tại một trung tâm môi giới việc làm.”

Nữ công tước lại nhìn từ đầu xuống chân cô lần nữa. “Ngươi sẽ biết là ta và chồng bất đồng trong vấn đề học hành của con gái. Nó còn bé và đứa trẻ nhạy cảm ấy chỉ cần tình yêu của mẹ và sự chăm sóc của bảo mẫu. Cô Hamilton, cô sẽ không được phép nhồi nhét vào đầu nó những thứ không cần thiết, và cô phải tuân lệnh bà Clement, bảo mẫu của Pamela. Cô sẽ chỉ là một người hầu của ngôi nhà này và ở trong phòng mình hoặc khu gia nhân những lúc không đến phòng học. Ta không muốn nhìn thấy cô trong khu vực này của lâu đài trừ khi ta gọi đến. Cô hiểu rõ rồi chứ?”

Những lời đó được thốt ra bằng giọng thân thiện, rõ ràng trong khi đôi mắt xanh trên khuôn mặt xinh đẹp, yếu đuối mở to nhìn cô. Một người mẹ lo sợ con mình bị cướp mất tuổi thơ, Fleur nghĩ với sự thông cảm dù từ ngữ thật hống hách, độc đoán.

“Vâng, thưa phu nhân.”

“Giờ cô có thể lui và dành nửa tiếng với con gái ta dưới sự giám sát của bà Clement.”

Nhưng khi Fleur quay người định đi, bà chủ lại nói tiếp.

“Cô Hamilton, ta hài lòng với trang phục và kiểu tóc của cô sáng nay. Ta tin rằng cô sẽ luôn ăn mặc theo kiểu mà ta đã ưng thuận.”

Fleur lại gật đầu và ra khỏi phòng. Cô đang mặc bộ váy bằng sợi màu xám giản dị cổ viền đăng ten màu trắng mà cô mới mua, tóc được chải ra sau và búi gọn sau gáy. Cô nghĩ mình đã hoàn toàn làm nữ công tước hài lòng.

Liệu công tước có phải là loại người đi quấy rối người hầu trẻ không? Tại sao phu nhân lại hỏi về mối quan hệ ở London của cô với ông chủ? Cô rất mong công tước sẽ ở thành phố thật lâu.

Cô nghĩ lại, với chút ớn lạnh, về những từ ngữ và thái độ cảnh cáo của nữ công tước, biết rằng cả cô ấy lẫn bà Clement đều không thích sự hiện diện của cô. Và cô không oán trách. Cả hai sẽ công khai thể hiện thái độ thù địch với cô. Chắc chắn họ sẽ lảng vảng xung quanh khi nhận ra cô không định đứng bên tiểu thư Pamela với cây gậy suốt ngày trong phòng học ngột ngạt.

***

Snedburg kết thúc một ngày làm việc dài. Gã ta ngồi thoải mái trong một phòng khách trên đường St. Jame, thậm chí còn nhận một cốc rượu poocto.

“Cảm ơn ngài,” gã nhận ly rượu từ tay khách hàng. “Chân nhức vì đi nhiều, còn họng thì khô khốc bởi phải hỏi quá nhiều câu. Đúng, quả đúng là Fleur Hamilton. Ngài sẽ không nói là quá nhiều sự trùng hợp với quý cô đó chứ? Và diện mạo vừa khớp.”

Sneburg không nói thêm về hai người cung cấp tin, cô Fleming và bà chủ nhà trọ, đã mô tả Fleur Hamilton trông rất bình thường với mái tóc đỏ cũng hết sức bình thường. Gã biết khách hàng của mình say mê cô chị họ dù cô ta là kẻ giết người và trộm cắp. Chẳng nên trách đàn ông khi đã chết mê chết mệt thì thường thi vị hóa lên. Nắng và hoàng hôn pha quyện với nhau, vậy sao? Chừng đó thôi cũng đủ khiến gã muốn nốc hết chỗ rượu này.

“Sao nữa?” Lord Brocklehurst vừa đưa ly rượu poocto lên miệng vừa quan sát gã. Dù khá có tiếng tăm trong nghề, nhưng gã phải mất cả tuần mới có được thông tin đầu tiên.

“Và cô ta được thuê làm gia sư cho con gái của ngài Kent ở Dorsetshire, bởi…” – gã thám tử dừng lại để tăng thêm tác động – “một quý ông đã đợi suốt bốn ngày trời tại trung tâm môi giới chỉ để tìm cô ta, cô Fleur tóc đỏ. Cô ta đã đi đến đó rồi.”

Lord Brocklehurst cau mày. Ly rượu chưa đưa đến miệng dừng lại giữa chừng.

“Không thể có nhiều ngài Kent ở Dorsetshire,” gà thám tử nói tiếp. “Tôi sẽ tập trung vào điểm này và xem xem liệu chúng ta có thể tìm được bóng dáng người này trên bản đồ không, thưa ngài.”

Lord Brocklehurst vừa nhấp một hớp rượu, vừa suy tư, “Kent à? Chắc không phải là Ridgeway Kent chứ?”

“Có phải là gã liều mạng của Ridgeway không?” Gã thám tử đưa một tay lên xoa gáy. “Anh ta họ Kent à?”

“Tôi biết anh cùng cha khác mẹ của anh ta,” Lord Brocklehurst giải thích. “Họ sống ở Dorset. Lâu đài Willoughby.”

Snedburg ngoáy tay bằng ngón út. “Tôi sẽ xem mình có thể tìm được gì với thông tin này thưa ngài. Tôi hứa sẽ đuổi theo dù cô ta có đi đến chân trời góc bể.”

“Fleur,” Brocklehurst nhìn chằm chằm vào chỗ rượu đang xoáy lại trong ly. “Lúc nhỏ cô ta thường nổi điên lên vì cha mẹ tôi không gọi thế. Hình như đó là tên cha mẹ cô ta thường gọi cho đến khi họ mất. Tôi đã quên mất.”

“Đúng, được rồi, ngài nói đúng,” gã thám tử uống hết chỗ rượu trong ly và đứng dậy. “Tôi sẽ xem mình có thể tìm được gì về người chủ và cô gia sư.”

“Tôi muốn tìm ra cô ta sớm.” Lord Brocklehurst nói.

“Sớm thôi, hoặc sớm hơn. Tôi hứa, thưa ngài.”

“Ừm, ngài vốn được giới thiệu là người giỏi nhất. Dù phải mất rất nhiều thời gian ngài mới tìm ra manh mối.”

Người kia chọn không trả lời cả lời khen lẫn chê trách. Gã chào theo kiểu nhà binh và nhanh chóng ra khỏi phòng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.