Hai Tờ Di Chúc

Chương 42


Bạn đang đọc Hai Tờ Di Chúc: Chương 42

gượng ngồi lên đã nghe tiếng chìa khóa lách cách xoay trong ổ. Lại thêm tiếng chốt bằng sắt phía bên ngoài cánh cửa hầm ken két rít lên rồi lọt lỗ hãm kêu “xoạch” một tiếng.
Tên thủ lĩnh vừa nói vừa cười sằng sặc :
– Rồi ! Ngồi trong đó chờ… chết đói nghe con ranh ! Tiếp theo đó là tiếng đế giày đinh nện cồm cộp trên nền gạch bông, mới đầu còn rõ rệt, chưa đầy phút sau, đã nhỏ dần, nhỏ dần rồi là … hoàn toàn im lặng.
14 – HẦM TỐI
Khi biết là tụi cướp đã bỏ đi hết và cứ để mặc em bị giam hãm đến chết đói trong hầm cầu thang, Ái Lan sợ hãi thất thần. Em không còn biết làm gì hơn là xô mạnh vai vào cánh cửa khoá trái, hy vọng tông bật ra được. Vô ích ! Cánh cửa tuy cũ kỹ nhưng gỗ dày rất chắc chắn, vẫn không nhúc nhích. Ái Lan hoảng hốt la to kêu cứu, quên bẵng là khu biệt thự tọa lạc tại một nơi hẻo lánh, hàng tháng trời chẳng có ai qua lại.
Thất vọng và vô cùng mệt mỏi, em gục xuống nằm soài ra mặt đất. Trong đầu óc, tuy nhiên vẫn vấn vương một hy vọng mong manh như một làn khói mỏng :

– Phải, biết đâu tụi cướp lại chẳng quay lại mở cửa thả mình ra. Dù tàn bạo, nhưng họ cũng là người như mình, vậy thì mình đói khát khổ sở thế này, chắc họ cũng phải thương hại chứ !
Ngay lúc đó, bên tai em văng vẳng tiếng xe hơi. Quả thật, chiếc xe vận tải chất đầy đồ đang tiến ra ngoài lộ và lăn bánh đều đều. Tiếng máy xa dần rồi tắt hẳn bên tai cô bé đang bị giam trong hầm tối. Ái Lan chép miệng với ý nghĩ “Tụi gian phi này lương tâm tán tận thật. Chúng thản nhiên ra đi, bỏ mặc mình chết đói chết khát ở đây, hừ !”
Sự im lặng trong căn biệt thự rộng mênh mông có vẻ gì rờn rợn như một bãi tha ma mộ địa. Sợ quá, Ái Lan thét lên kêu cứu. Biết rằng không hy vọng gì có người nghe tiếng, nhưng em vẫn không tự kềm chế được. Tiếng la thất thanh của em oang oang trong căn nhà rộng, trống vắng, đập vào những bức tường và trần nhà cao vút, dội lại, vang lên nghe như những lời chế diễu. Mệt mỏi, Ái Lan hai tay ôm đầu ngẫm nghĩ :
– Thật là mình đã tính lầm mà lại đi giấu Diễm Anh việc tới thám thính cái biệt thự này. Chắc cả trại hè Prenn đinh ninh là mình đã về Đà Lạt rồi đấy. Sự thật thì mình đang bị cầm tù ngay tại cái chốn oái ăm này ! Chắc không ai có thể ngờ được !
Nghĩ đến cha, luật sư Minh, mà Ái Lan đã xin phép để đi cắm trại tám ngày liền với bạn, em lại thấy lòng rưng rưng thương nhớ :
– Hà ! Đến khi ba thấy mình lâu về, đâm bổ đi tìm, thì lúc đó đã muộn quá rồi ! Rõ thật… ! Đang yên lành ở nhà nghỉ hè an vui nhàn nhã, bỗng nhiên lại giở chứng lao đầu vào cái việc rắc rối này !

Trí óc Ái Lan làm việc thật hăng để tìm phương cách thoát hiểm, và em cảm thấy một tia hy vọng :
– May ra cái xe vespa mình dựng ở lề đường có thể được người ta phát giác rồi sẽ lần mò vào đây… Nhưng mà nơi đây hẻo lánh thế này, chắc gì có người đi qua. À, còn cái anh gác dan Y-Ba này nữa ! Không biết đã ra sao rồi ?
Càng ngẫm nghĩ, Ái Lan càng thất vọng về tình trạng này. Tên thủ lĩnh chẳng cho biết là y đã “tính toán” về anh người Thượng này xong đó rồi sao ? Và tụi nó tính toán cách nào ? Cứ xét qua hành động của tụi nó vừa qua đối xử với em, em cũng đã đoán biết được phần nào. Càng nghĩ Ái Lan càng lo sợ không để đâu hết ! Em đứng phắt dậy, cương quyết phá phòng giam bằng được. Lao mạnh vai vào cánh cửa ván, giơ chân tay đạp đấm, nghiến răng lay chuyển. Năm phút sau, em đã hổn hển, buông tay, người và tứ chi đau đớn như dần. Ái Lan lại ngồi xụp xuống đất. Nhờ vùng vẫy chân tay phá cửa một hồi không kết quả, giờ đây em thấy bình tĩnh hẳn lại, thanh thản suy nghĩ :
– Mình kỳ quá ! Chỉ phí sức vô ích ! Cánh cửa này dầy thế này phá sao nổi ! Phải bình tĩnh mới được ! Nếu không thì nguy lắm ! Hoảng hốt là hỏng hết !
Một lúc sau, Ái Lan nhớ được có một lần ở nhà, em đã mò mở ống khóa bằng một chiếc kẹp tóc. Lập tức em đưa tay lên đầu, em rút ra một chiếc kẹp bằng thép rất cứng lùa vào ổ khóa. Bóng tối hầm như bưng lấy mắt, khiến em phải đưa hai tay mò mẫm mãi. Có tới mười lăm phút gắng công chọc ngoáy, rốt cuộc Ái Lan thất bại nặng nề.

Ngồi lại xuống đất, em thở một hơi dài, buồn bã. Như một cuốn phim quay chậm, hình ảnh luật sư Minh, Diễm Anh, Mỹ Liên, Mỹ Ngọc, bà cụ Sáu Riệm lần lượt hiện ra. Tia mắt của những người thân yêu như đang nhìn em ái ngại. Và Ái Lan nước mắt tràn mi, muốn oà lên khóc. Nhưng rất nhanh, em vụt thu hết nghị lực còn sót lại, nghiến răng tự nhủ :
– Á, không ! Không khi nào mình lại hèn nhát như thế được ! Nhất định phải làm một cái gì trước khi thua hẳn chứ ! Hừ ! Chắc thế nào cũng phải có cách phá cửa được chứ ! Mình phải tìm cho ra mới được !
Ái Lan đứng vụt lên đưa tay mò mò trên mặt kệ và hy vong vớ được một cái gì có thể phá được ổ khóa. Chán rồi, em lại đưa hai tay lục tìm trong túi những chiếc áo cũ giăng mắc sát tường. Cuộc lục soát chỉ đem lại kết quả chán ngán là làm tung lên đám bụi mù. Đã bị bức sốt trong ô hầm chật hẹp, giờ đây Ái Lan lại bị hít bụi như muốn nghẹt luôn cả hơi thở.
Đột nhiên, giữa giây phút không ngờ nhất, em đụng đầu vào một cái gì đau điếng. Trong bóng tối mịt mù, Ái Lan nào đã trông thấy vật đó là cái gì bao giờ đâu. Đưa lẹ hai tay lên cao, rờ rờ, Ái Lan nhận ra đó là một thanh gỗ to bằng cổ chân chạy suốt từ đầu tường bên này sang đầu bên kia của căn hầm tối. Và em biết ngay thanh gỗ đó có những cái khoen giữ móc sắc của mấy chục cái treo áo. Em khẽ la lên :
– Hà ! Có thế chứ ! Thanh gỗ này tốt quá, được việc lắm đây ! Mà làm sao lấy xuống được chứ ?
Thật may cho em, thanh gỗ chỉ gối sơ sài vào hai cái lỗ đục sâu vào tường, lâu ngày tróc xi măng lỏng lẻo. Và Ái Lan rút mạnh ra, đem xuống không chút khó khăn. Phiền một nỗi, thanh gỗ to cứng đó lại quá dài, không thể cầm và thúc mạnh vào ổ khóa được. Ô hầm quá chật hẹp, không có chỗ cho thanh gỗ lùi lại, làm sao lấy đà mà tông được vào cánh cửa. Sau gần năm phút quay ngang quay dọc, Ái Lan lùa đầu thanh gỗ vào phía dưới cánh cửa, nơi đây có một kẽ hở giữa mép gỗ và sàn xi măng, vừa vặn cho đầu gỗ lọt vào. Em quơ tay giựt đống áo quần liệng vào một xó, gom hết gần hai mươi cái mắc áo bằng gỗ kê xuống dưới đầu thanh gỗ, tạo thành một cái đòn bẩy, và em thầm nghĩ đến một câu nói khôi hài của một nhà vật lý học Arcchimede : “Nếu có chỗ kê đòn bẩy, con người có thể bẩy được cả trái đất”. Ái Lan bật cười khẽ :
– Bẩy trái đất hay gì thì chưa biết, chỉ biết lúc này mình cần phải bẩy bằng được cánh cửa hầm giam này !

Sau khi đè cả thân mình lên cán đòn gỗ lần thứ ba, Ái Lan chợt nghe tiếng rắc rắc. Em tưởng thanh gỗ bị nứt gẫy, nhưng may thay không phải, mà lại chính là một mép cánh cửa, bên đóng bản lề, bị sức đòn bẩy làm cho há ra, tách khỏi khuôn gỗ. Em mừng rú lên :
– Trời ơi ! Tuyệt quá !
Và tiếp tục tăng sức mạnh, trì hết trọng lượng thân mình xuống đầu thanh gỗ. Sau một tiếng “xoạc” như một tiếng reo vui, một chiếc bản lề bung ra. Cánh cửa nặng, hai bản lề chỉ còn một, lệch hẳn đi, hé ra một khe hở bằng nắm tay. Ái Lan hăm hở lách đầu đòn gỗ vào bẩy nốt chiếc bản lề còn lại. Chợt em ngưng phắt tay lại : có tiếng chân người. Chưa kịp tìm hiểu, đã nghe tiếng chân bước thật mạnh của một người nào đó chạy xộc vào nhà, và đang tiến lại cửa hầm cầu thang.
Sự việc xảy ra quá nhanh khiến Ái Lan sững người, chân tay cứng ngắc không còn cử động được nữa. Đầu óc quay cuồng với ý nghĩ : Có lẽ tụi cướp nghe tiếng em đập phá, quay trở lại soát xem em có trốn thoát được chăng ! … À, không đâu ! Tụi nó đâu dám chần chờ tại nơi chúng đã cướp phá. Vả lại, Ái Lan đã chẳng nghe rõ ràng tiếng xe vận tải của tụi chúng mở máy chạy đi rồi đó sao ?…
Sau giây phút ngạc nhiên, em tiếp tục phá cửa đùng đùng. Bỗng một giọng đàn ông e ngại cất lên :


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.