Hai Tờ Di Chúc

Chương 27


Bạn đang đọc Hai Tờ Di Chúc: Chương 27

Nước trong siêu sôi réo như tiếng reo vui. Ái Lan nhanh nhẹn cắt bánh mì, quệt mứt dâu, bưng lên cho người ốm. Và em vui mừng khi thấy bà cụ Sáu Riệm ăn bánh uống nước ngon lành. Thêm nhờ mấy lá thuốc và băng dầu nóng, mắt cá chân đỡ hẳn đau, bà cụ gượng ngồi được ngay ngắn, dựa vào lưng ghế nệm dài. Tia mắt ngó Ái Lan đã có nhiều ánh vui tươi :
– Thật từ xưa đến nay chưa bao giờ tôi gặp một cô bé ngoan ngoãn biết thương người già lão tàn tật như cô đó ! – Cụ Sáu Riệm vừa nói vừa lắc lắc cái đầu tóc bạc trắng như cước, miệng không ngớt chép chép, – Ối chà ! Nếu chú Doanh nó còn sống thì tôi đâu đến nỗi bơ vơ, cô quạnh thế này !
Ái Lan giọng cố làm ra vẻ thản nhiên :
– Vâng ! Kể ra thì cũng lạ là tại sao cụ Doanh lại không ghi tên cụ trên tờ di chúc chứ ?
Có ý giấu nhẹm không muốn để cụ Sáu Riệm biết được mục đích cuộc viếng thăm hôm nay, Ái Lan, ngoài mặt bình thản, nhưng trong lòng đã như lửa đốt. Em băn khoăn tự hỏi : “Chẳng biết cuộc gặp gỡ bà cụ Sáu bữa nay có kết quả gì hay không ? Liệu bà cụ già ốm yếu này có biết tí gì về cái tờ di chúc bí mật của cụ Doanh không ? Hay là lại… ! ” – Ái Lan chỉ cầu mong gợi được cho bà cụ nói chuyện một cách tự nhiên mà không muốn gieo vào trí óc bà cái hy vọng được hưởng gia tài biết đâu lại chẳng là hão huyền.
Đột nhiên tiếng nói của cụ Sáu nghe chắc nịch :

– Tôi dám chắc là chú Doanh nó không quên tôi đâu ! Đã biết bao lần chú dặn đi dặn lại rằng : cứ tin ở chú, đừng lo ngại gì về sau hết, vì chú sẽ ghi tên tôi trước nhất vào tờ di chúc mà… Trời ! Tưởng như tiếng nói của chú ấy còn văng vẳng đâu đây…
Ái Lan không tự kiềm chế được, hỏi nhanh :
– Chắc chắn là như thế chứ, cụ Sáu ?
Tiếng nói hơi thất thanh của em chợt làm bà cụ ngạc nhiên, ngẩng lên nhìn chăm chú. Ái Lan hơi giật mình, nhưng may quá, cụ Sáu đã tiếp :
– Chắc chắn chứ cô ! Cô biết không ? Chính mắt tôi… đã nhìn thấy tờ di chúc đó !
Ái Lan vờ thản nhiên :
– À ! Cụ Sáu đã ngó thấy tờ di chúc đó ? – Giọng nói của em bình tĩnh, nhưng cổ họng lại thấy khô đắng.
Người ốm gật đầu :
– Có, tôi thấy rõ lắm mà ! À…, nhưng mà coi chừng nghe ! Tôi ngó thấy thôi chớ tôi không được đọc nên không hiểu bên trong nói gì cả. Đây, thôi để tôi kể rõ cô em nghe nhé ! Bữa đó, tôi đang ngồi khâu bên cửa sổ, trên cái ghế bành kia kìa, thì chú Doanh lừng lững đi vào. Vừa vào đến nơi, chú ấy đã lôi trong túi ra một cái giấy gì đó. Và chú bảo tôi :
“Chị Sáu, tôi đã viết xong tờ di chúc đây này. Gớm, mấy ông kia cứ làm khó tôi hoài. Họ tưởng tôi không biết cách viết chúc thư ra làm sao đó chắc !”

– Ngày đó tới nay đã được bao lâu rồi, cụ Sáu ?
Bà cụ ngập ngừng :
– Coi nào ! – Vầng trán bà cụ đã nhăn, giờ đây lại nhíu lại thêm nữa, – Kỳ quá, không còn nhớ được là bao giờ nữa chứ ! – Cụ Sáu lại im lặng, đôi mắt đăm đăm suy nghĩ, một lúc sau mới tiếp, – coi… hình như là ít ngày sau khi chú Doanh về ở với gia đình Phàm thì phải ? Cô để tôi nói nốt đã ! Tôi còn nhớ hôm đó chú ấy có vẻ khoan khoái vui vẻ lắm ! Cười nói huyên thuyên, tờ giấy vẫn cầm ở tay. Chú không đưa cho tôi đọc, nhưng cho tôi biết rõ là, khi hạ hút viết, chú đã ghi tên tôi rồi. Ngay lúc đó, chưa hẳn yên tâm tôi đã hỏi chú là viết chúc thư để lại như thế thì liệu có đúng cách không, và liệu có được pháp luật chịu không ? Chú đã trả lời : “Cứ yên trí đi mà, chị Sáu ! Trước khi viết tôi đã đi hỏi thăm cẩn thận lắm rồi. Pháp luật nhất định phải công nhận chứ ! Chỉ còn thiếu chữ ký của hai người làm chứng nữa là xong !”
Ái Lan hỏi nhanh :
– Hai người chứng này là những ai, cụ Sáu biết không ?
– Không ! Tôi không biết ! Bữa đó tôi không hỏi mà chú Doanh cũng không nói gì thêm ! Đoạn chú quay ra bỏ đi ngay, mặt mày tươi vui hớn hở, cứ vừa cười vừa nói lầm thầm cái gì đó. Chú có cái tật hay cười một mình, nói một mình như thế mỗi khi làm xong được một việc gì ưng ý !
– Thế cụ Sáu có ý nghi ngờ gì về chuyện tờ chúc thư đó hiện giờ ở đâu không ?
– Theo tôi nghĩ thì chắc chú Doanh đã cất giấu một nơi nào đó rồi. Tính kỳ cục lắm, chỉ thích cất kỹ đồ vào những nơi thật chắc chắn ! À… và tôi còn nhớ mang máng chú có nói… “Phải cất vào một nơi mà không ai có thể lấy ra được, trừ phi được pháp luật cho phép”. Thế rồi về sau ra sao, tôi cũng chẳng hay nữa ? Có thể là chú ấy đã trao tờ di chúc đó ột phòng chưởng khế hoặc một ông luật sư nào quen biết rồi chớ chẳng không đâu !

Ái Lan dịu dàng đáp :
– Thế cụ Doanh có còn nói gì thêm nữa không, cụ Sáu ? – Lòng em lo ngay ngáy là với tuổi già còm cõi, cụ già không còn sáng suốt minh mẫn, quên khuấy mất nhiều điểm quan trọng đi chăng !
– … À… à, hình như chú ấy còn nói thêm cái gì nữa này… Ừ, hình như chú sẽ đem tờ giấy đó đi đâu này này, quên mất rồi !
Bà cụ lại lắc đầu buồn bã :


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.