Đọc truyện Hà Tiên – Cuộc Sống Điền Viên – Chương 23: Làm ông bà nội lo lắng
Ăn trưa xong, nương
lấy một đòn đường, đội nón qua nhà Lưu bá, cũng nói chuyện nhà mình làm
đường thốt nốt bán nhưng sẽ không nói rõ cách lấy nước thốt nốt.
Hai ngày kế đó còn bận hơn mấy ngày trước, biết kiếm được tiền nên đứa nhỏ a Phúc cũng chăm chỉ làm việc hơn. Người ta hay nói nông nhàn, không biết khi nào đến lúc nhà Mai được nông nhàn đây.
Hôm nay Bình ca, An
ca đi bộ ra nhà nội mang theo túi lớn, rổ nhỏ quấn trong lá chuối rất
kỹ. Biết việc nhà bận rộn hai anh em nói sẽ về ngay trong ngày. Nương
đau lòng nói không về được không sao, ngày mai quá giang ghe về cũng
được.
Nhờ Lưu bá mẫu hỏi giúp nên đã mua được lúa giống từ trong
làng, có một ít là lúa nếp, cha khoanh riêng nửa mẫu trồng lúa nếp, mấy
ngày Tết đều dùng gạo nếp cúng nên nhà nào cũng trồng. Cha để hai thùng
lúa giống chỗ khô ráo trong nhà trên.
Ăn xong cơm chiều, thì hai
bếp đều đỏ lửa nấu đường, thêm mấy cây thốt nốt ở bìa rừng nên mỗi ngày
nấu mười mấy đòn. Hai ngày sau họp chợ Mai sợ không bán hết, dù sao mỗi
nhà cũng mua một hai đòn thôi. Mấy ngày sau đó không bán được nữa, phải
đi ra chợ Sông Lớn bán mới tốt.
Trời sẩm tối, nương trông ra cổng ngoài lẩm bẩm:
– Chắc ông bà nội không cho hai đứa về, trời tối đi không an toàn.
– Nương, ao sen trên đường đi là của ai vây?
Mai đột ngột hỏi làm nương ngẩn ra mới trả lời.
– Không biết,gần đó không có nhà ai, chắc là người ta bỏ đi rồi.
Lúc sáng đi không thấy, khi về Mai thấy có một cái ao lớn đầy sen, sen đã
nở hết, chỉ còn vài bông nở muộn. Nếu không có chủ vậy mình hái được
không? Từ xa nhìn không thấy đài sen to nhỏ thế nào, khi rãnh việc mình
qua đó xem sao, hạt sen, củ sen, ngó sen đều ăn ngon và bổ dưỡng.
Trước khi đi ngủ nương còn ra trước nhà nhìn về hướng đường đất:
– A Bình về?
Tiếng nương nói lớn, có vẻ ngạc nhiên làm mọi người trong nhà chạy ra. Phía
xa có bóng dáng thấp thoáng di chuyển.Trời tối chỉ có mấy ngôi sao nhấp
nháy, mặt nước phản chiếu ánh sáng nhoà nhoẹt. Mấy bóng đen ẩn hiện giữa các bóng cây.
Cha cầm cây đuốc đi ra ngoài, nương cũng mang đuốc chưa châm đi theo. Ở mỗi nhà có làm sắn mấy cây đuốc làm từ vỏ cây,
rơm, lá để dùng khi hữu sự. Cha đi không nhanh, cây đuốc chập chờn trong gió. Hơn một khắc thì cha nương gặp nhóm người đó rồi cùng đi về, đợt
về là dùng đuốc của nương.
Gần đến nhà mới nhận ra là ai: đi về
cùng Bình ca, An ca là bà nội, lục cô và thất thúc. A An mệt mỏi ngã lên giường rên rỉ, một đứa bé mười hai tuổi đi đường cả ngày đúng là mệt,
hắn chịu đựng cũng giỏi. Cúc tỷ vội pha nước mật ong gừng cho mọi người. Trên gương mặt bà nội có lo lắng có mệt mỏi. Đợi nội uống mấy hớp nước, cha hỏi:
– Sao nương vô đây, trễ như vậy, sao không đợi sáng mai?
– Còn không phải lo cho con.
Trưa nay thấy a Bình ra, bà rất vui mừng hỏi thăm chuyện trong này. Đến lúc
thấy đường nhà con làm bà hoảng hồn hỏi a Bình sao dám leo cây lấy nước, rất nguy hiểm, nhà nghèo túng nhưng ráng một chút sẽ qua, không đến nỗi chết đói, sao liều mạng vậy?
Mặc dù a Bình nói cho bà biết cách
lấy nước an toàn, bà vẫn không yên tâm. Lúc con trai dựng nhà, bà rất
muốn vào nhưng không thể bỏ nhà làng chài. Bà định chờ đến mùa bão,
trong nhà không đi biển sẽ vô đây mấy ngày. Mới nghe tin xong bà vội bàn với ông nội, dẫn theo hai đứa út theo xem có thể phụ giúp gì.
A
Tấn ít khi đi biển do còn nhỏ, chủ yếu ở nhà phụ lựa cá, bán cá, phơi
khô khi ghe chài về. A Hạnh thì vá lưới, nấu nướng ở nhà. Bà và hai đứa
nhỏ vô trong này thì có thể giúp một tay làm cỏ, cuốc đất cho mùa lúa
này.
Tính toán xong thì vội vã đi cho kịp trước khi trời tối.
Trên đường bà còn nghĩ trách con dâu sao không ngăn Lê tứ liều mạng kiếm tiền.
Vô nhà nhìn thấy nhà cửa tươm tất, sạch sẽ, hơi nhỏ nhưng
đủ vợ chồng con cái ở mấy năm, thấy con trai gầy, đen hơn nhưng khoẻ
khoắn cũng nhẹ lòng.
– Bà nội, sáng mai bà nội theo cha, Bình ca đi lấy nước sẽ biết mà.
Mai đoán bà lo cái gì, nên nói.
– Phải đó, mai nội đi với tụi con xem lấy nước thốt nốt, nhiều lắm.
A Phúc cũng chen miệng, chạy đến ôm bà nội nhõng nhẻo.
– Nương, con nấu cháo cá. Nương đi tắm, ăn cháo ngủ sớm kẻo mệt.
Đến chỗ ngủ mới khó, thất thúc ngủ chung đám con trai hơi chật nhưng cũng
được. Bà nội và lục cô không thể nằm chung giường Mai được, giường nhỏ
quá. Tính qua lại thì cha nương đổi chỗ, hai người qua phòng Mai, bốn
người ngủ trên giường nương, đỡ chật hơn một chút.
Trời nóng nên
bà nội và lục cô tắm luôn nước lạnh, ba đứa con trai thì ra múc nước
trong lu dội ào ào cho mát rồi thay đồ. Cháo cá lóc vừa chín thơm thơm,
Cúc tỷ làm chén nước mắm gừng, múc hai con cá lớn trong nồi ra, thịt cá
trắng tươi, mùi thơm thật kích thích người ta.
Đêm này Mai ngủ
không ngon, bốn người nằm chung giường chật quá. cô không dám xoay ngang dọc như mọi hôm sợ làm bà nội thức giấc.
Từ hôm lấy thêm nước từ mấy cây ở bìa rừng, Bình ca và cha chia nhau đi lấy nhanh hơn. Sáng hôm nay, ba người nhà nội theo đi lấy nước. Lúc nhóm người trở về xách theo hai bình lớn nước, ai cũng vui vẻ. Lục cô và thất thúc còn trẻ nên
tranh nhau nói nào là lần đầu thấy lấy nước bằng cách kỳ lạ vậy. Còn
cười hỏi ai nghĩ cách làm ‘dây thừng phòng hộ’ như cách Mai gọi nữa. Bà
nội yên tâm thả lòng tinh thần, theo cha tính thì mỗi ngày cũng kiếm
được mấy chục văn, bằng với đánh cá cả đêm rồi.
Mai đang nghĩ đến việc đi chợ Sông Lớn bán, tự hỏi không biết bà nội ở lại mấy ngày. Cô
kéo Bình ca ra ngoài nói, thất thúc đi theo hỏi chuyện gì. Có thêm thất
thúc biết càng tốt. Ba đứa nhỏ rù rì một lát thì vào nhà ăn sáng chuẩn
bị ra ruộng.
– Tứ ca, nhà Lưu ca bên kia cuốc đất sắp xong rồi,
đệ mượn cuốc phụ mấy ngày. Cũng sắp qua tháng mưa, phải tranh thủ cuốc
hết ba mẫu này. (1 mẫu = 10 sào = 3600 m2)
Bà nội nhìn ra ruộng mới cuốc gần một mẫu, còn lại cỏ, lát mênh mông.
– Ta ở lại mấy ngày phụ con, có a Tấn, a Hạnh nữa cũng thêm sức.
– Nương làm cơm nước là được, để a Cúc ra làm.
Mọi người đều gật đầu theo ý cha, bà nội đã lớn tuổi, ra đồng rất vất vả
làm sao chịu được. Việc nhà cũng không ít nhưng làm từ từ lại không cần
phơi nắng gió.
– Ca, mỗi ngày nhiều đường như vậy, chợ trong làng bán hết không?
Theo nháy mắt của Mai, thất thúc lại nói tiếp.
– Cha, hay cha nương đi bán ở chợ Sông Lớn, con và thất thúc cuốc đất cũng kịp.
Bình ca nói theo, rồi kể cho bà nội và lục cô chuyện đi bán chợ Sông Lớn.
Trong lòng cha nương và mấy người lớn thì lương thực, trồng lúa quan
trọng hơn. Họ nghĩ đường bán lúc nào cũng được, không bán được cũng
không sao Có lúa gạo no bụng là tốt lắm rồi. Mai vẫn chưa thích ứng ở
đây, cô luôn cảm thấy có tiền trong tay mới yên tâm.
– Để một mình ta đi chợ lớn bán, chàng ở nhà lo ruộng, chợ làng thì,..
Nương nhìn a Cúc một chút cũng chưa nói. Cúc tỷ ít đi ra ngoài hơn Bình ca nên mặc dù lớn tuổi hơn nhưng không dạn dĩ bằng.
– Vĩnh ca và con đi bán chợ làng được, cũng không nhiều. Nương dẫn An ca theo phụ nương đi.
Mai đương nhiên biết mình tự đi bán được, chỉ là ai cũng thấy Mai mới tám tuổi mà không biết cô đã ‘già’ lắm rồi.
Tác giả: VRSS