Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 136: Rốn của rừng


Đọc truyện Hà Tiên – Cuộc Sống Điền Viên – Chương 136: Rốn của rừng

Cả ngày hôm nay trời lúc nắng lúc không, chắc sẽ có mưa vào chập tối. Cho nên vừa đến nơi gò đất hôm qua, mọi người đã bắt đầu dựng chòi lá tạm. Cha, Bình ca và Sinh ca nhanh chóng dựng cột, lợp mái lá. A Sao thì chạy ra bãi bồi bắt về một dây cua lớn nhỏ và hai con ba ba. Thon bá thấy vậy thì góp thêm một mớ rau rừng và mấy trái bần sắp chín.

Có được hơn một canh giờ chuẩn bị, bữa cơm có thêm nồi canh cua rau rừng với bần chua. Hai con ba ba thì hấp muối. Lần đầu tiên Mai ăn canh chua bần, hơi mặn vì nấu bằng nước sông lóng phèn nhưng mà vị bần chua khác hẳn với me. Mấy con cua mập mạp, có gạch bùi bùi. Nếu có thêm chút bún tươi ăn chắc sẽ ngon hơn. Ăn với cơm hơi khô khô.

Rừng ngập mặn là nguồn thức ăn cho tất cả các loài trong chuỗi sinh thái, bao gồm cả con người. Đang ăn cơm thì trời bắt đầu mưa, lâm râm rồi nặng hạt dần. Vừa ngồi trong chòi lá, vừa ăn canh cua nóng, không phải là cảnh cắm trại thú vị sao? Trừ chuyện là họ thật sự ở rừng rậm, nguy hiểm cận kề. Nhờ có cái áo da trâu của a Báo mà Mai chịu đựng được cái lạnh đặc trưng của rừng. Vừa lạnh, vừa ẩm, lại thêm gió lùa từng cơn. Người nào thể chất yếu ớt sẽ không chịu nổi. Người khỏe mạnh mà ở trong rừng lâu quá cũng sẽ nhiễm bệnh, mài mòn sức khỏe.

Mai nhìn thoáng qua Trần gia, ông ấy chỉ ăn một chén cơm, một ít thịt ba ba muối thì buông đũa, lui lại trong góc, nhắm mắt định tâm, gương mặt vì sốt mà hơi ửng đỏ. Bất kỳ ai nhìn qua cũng biết được ông ấy có công phu, mà còn rất thâm hậu. Hai người hộ vệ vẫn trước sau bảo vệ ông, nhiệm vụ chính của họ. Nhóm người cùng nhau chụm lại trong chòi lá tạm bợ trong rừng rậm này, ai cũng có mục đích chính của mình.

Mai tưởng rằng hôm nay là đủ vất vả mệt mỏi rồi nhưng mà cô đã lầm. Đối với một số loài mưa là lúc nghỉ ngơi, tránh đục. Nhưng mà một số loài khác thì mưa là lúc thích hợp nhất kiếm ăn hoặc chơi đùa giỡn nước, đặc biệt lúc chạng vạng tối như vầy thật “thích hợp”.

Đoàn người đang nhìn hai con trăn lớn đang “quần” nhau trên khoảng rừng thưa xăm xấp nước. Lâm bá vội tạt bếp lửa, chỉ chừa lại mấy cục than nhỏ và làn khói mỏng. Ánh chiều nhập nhọang không nhìn rõ lắm, nhưng chắc chắn là hai con trăn này rất lớn. Mấy thân cây bị đuôi nó đập trúng cứ rung rinh, lá già rụng xuống. Mai hơi lo lắng, sức mạnh của nó tới cỡ nào đây? Điểm yếu của nó là gì?

Còn chưa nghĩ ra cách gì, a Sao đã khều tay cô chỉ về hướng cành cậy rậm. Ôi trời, mấy con rắn to nhỏ khác nhau đang quấn trên nhành cây ven sông. Người ta hay nói quấn “xà nẹo”, chữ xà này là ý chỉ rắn sao? Vì đúng là bọn chúng đang quấn nhau thiệt chặt, không biết đầu con nào là đuôi con nào? Sau này chắc Mai bị ám ảnh chữ “xà nẹo” này quá! Cô nổi da gà da vịt khắp người.


Rất nhanh, có tiếng lao xao lan đến. Là một đàn vịt ùa về theo con nước. Hai con trăn ngừng đùa giỡn mà lặng lẽ trườn về bờ sông. Thật mai Lâm bá có kinh nghiệm chọn chỗ làm chòi, lỡ như chọn đúng chỗ bọn nó muốn bò qua thì không khỏi phải đánh nhau rồi.

Đàn vịt có lẫn mấy nhóm chim nước, le le nữa, hơn trăm con tràn lội ồn ào lội qua khúc sông. Sau đó là cảnh săn mồi – chạy trốn hỗn độn và ầm ĩ. Một con sấu núp phía bên kia bờ cũng không bỏ lỡ cơ hội, ào ra đớp con mồi.

Mai ngồi sát gần cha, cô không dám nhìn cảnh săn mồi hoang sơ, nguyên thủy này. Đúng là lý thuyết về chuỗi thức ăn trong tự nhiên rất dễ hiểu. Nhưng mà chứng kiến cảnh đàn vịt, chim cò đang tung tăng vui vẻ sau một ngày kiếm ăn, giờ lại thành thức ăn của loài khác thật tàn nhẫn. Cô bịt tai không muốn nghe, dấu đầu trong hai gối chờ cho qua. Tưởng là rất lâu, nhưng mà rất nhanh đã xong. Đàn vịt vẫn tiến về phía trước, số lượng có ít đi, nhưng rất nhanh sẽ được bổ sung. Mai tự an ủi mình.

Một lát sau Lâm bá nói:

– Ngày mai chúng ta làm thêm cái bè. Từ chỗ dòng xoáy a Thon sẽ dẫn đường dọc theo sông nhỏ quanh lại Bàu Sen. Sau đó ta và Lê đệ quay lại lấy ghe lớn.

Mọi người gật đầu đồng ý, thay phiên nhau canh gác và nghỉ ngơi. Mai bắt đầu mong được về nhà rồi, càng nhanh càng tốt.

Hình như khúc sông, chỗ đất này là nơi “hội tụ” của các loài trong rừng này vậy? Người ta hay nói cái rốn của rừng thì phải.


Nửa đêm, tiếng cú rúc, tiếng đàn dơi hay chim gì đó ào ào bay qua. Rồi có cả tiếng trầm trầm gì đó rất lạ, tiếng khịt khịt nho nhỏ như sát bên tai. Con Vện lại rút sát vào người Mai. Chẳng lẽ tới nữa rồi?

Lần này mọi người nhanh chóng bị đánh thức, đốt hết các ngọn đuốc trong tay, đứng quanh tám hướng quan sát. Con Vện rất cảnh giác nên đã phát hiện ra. Gần gốc cổ thụ lớn là đôi mắt xanh rực đang nhìn về hướng này. Bóng tối che hết thân hình nó, chỉ có đôi mắt là không thể giấu được.

Bỗng đâu có tiếng gầm thật lớn vang vọng khắp nơi. Lần này mấy con chim cú cũng bị dọa. Ngay trong một góc khuất, con heo rừng nhỏ chạy ào đi, còn không thấy đường va vào gốc cây gần đó. Con cọp phóng tới, định vồ con heo thì có tiếng gầm như cảnh cáo, rồi “đại ca” xuất hiện.

Đúng là có tới hai con cọp trong khu rừng này. Mà bọn chúng cũng không thân thiện với nhau. Có vẻ con nhỏ hơn từ nơi khác đến. Là cuộc chiến tranh giành địa bàn sao?

Con heo rừng nhỏ thật lanh, nó cong đuôi chạy biến vào bóng tối, bỏ lại chiến trường sau lưng với hai đối thủ đang vờn nhau. Con lớn hơn gầm vang hai tiếng, rồi từ từ tiến tới. Mọi người khẩn trương, ai cũng lăm lăm vũ khí trong tay, nó muốn dồn con nhỏ về hướng này? Bây giờ chạy là không kịp, hơn nữa gây ra sự chú ý bị cả hai con dồn lại tấn công càng khó khăn hơn. Nhưng mà đứng yên, càng bị động hơn.

– Bắn bị thương con nhỏ đi. Tiếng Trần gia trầm trầm, nhưng mọi người đều nghe thấy rõ ràng. Mọi người không kịp suy nghĩ thì hai hộ vệ đã đưa súng lên, tiếng “kịch” của cò súng lên nòng nghe rất rõ. Cả hai con đều quay nhìn hướng này.


“Đùng”

Tiếng nổ đầu tiên vang lên, chính xác vào phần bụng con cọp nhỏ. Nó rống lên phóng về hướng này. Hộ vệ thứ hai bồi thêm một viên pháo nữa vào bụng, làm giảm tốc độ đang rướn tới của nó, máu đã tuôn ra. Nó có vẻ hoảng sợ, nhìn một đám lửa đỏ phía trước.

Con cọp lớn gầm lên góp thêm phần làm nó dừng chân rồi quay lưng rất nhanh phóng đi. Con lớn hơn nhanh như chớp phóng theo.

Vậy là vượt qua nguy hiểm rồi? Mọi người vẫn căng thẳng nghe ngóng xung quanh. Bọn chúng to lớn như vậy mà phóng đi không hề nghe chút âm thanh gì. Chẳng bù cho con heo rừng lúc nãy, đã nhỏ người mà còn quá ồn ào.

Từ lúc đó đến gần sáng thì mọi người vẫn cảnh giác quan sát. Trời vừa rựng sáng thì Lâm bá đổi kế hoạch, mọi người kết nhanh một cái bè tạm, dùng hai ghe nhỏ vừa kéo, vừa chống vừa đẩy tránh xa khỏi chỗ là rốn của rừng hôm qua.

Cách khoảng vòng xoáy hơn trăm thước thì cả nhóm cập vào bờ.

– Làm kịp đi trong đêm không?

Lâm bá vừa hỏi cha vừa hỏi Thon bá. Có thêm nhóm năm người lớn và một ít đồ đạc thì chiếc bè phải lớn. Nhưng Thon bá dặn không thể quá lớn không luồn vào trong con sông nhỏ được, rất dễ vướng vào đám bèo hoặc rễ cây vươn ra. Còn chuyện đi đêm trên sông thì phải thật sự thuộc lòng dòng sông mới được. Hơn nữa, buổi đêm thì dễ làm mồi cho thồ lộ, bọn chúng thích săn đêm và có lợi thế hơn nhiều.


Sau chuyện tối qua thì nên chọn làm sao đây, cá sấu hay cọp!

– Mấy đêm này trăng khuyết, đêm dài, bọn chúng đều muốn tìm thức ăn.

A, có chuyện này sao? Mọi người nghe Lâm bá nói thì còn nhăn mặt hơn. Rồi cùng nhìn về chỗ Trần gia. Tối qua ông đã quyết định rất nhanh, và là cách tốt nhất trong tình huống đó. Khiến cho đoàn người đều thêm phần tin tưởng ông hơn. Thấy mọi người có ý chờ mình, ông nói:

– Qua được vòng xoáy nước trước trời tối không? Càng xa cuộc đất hôm qua càng tốt. Nhưng cũng không thể đi đêm. Con chó này không phát hiện ra con sấu ở xa được.

Trần gia rất nhanh đã tổng kết tình cảnh của đoàn người. Chỗ hôm qua rõ ràng là “trọng địa” của thú rừng. Có thể nơi đó có điều kiện thuận lợi, nước chảy không xiết, sinh vật phát triển tốt hơn, nên các loài thú ăn thịt hay tìm tới.

Giác quan của con Vện là một lợi thế với họ. Phát hiện ra kẻ thù càng sớm càng tốt. Nếu đi ghe đêm, mắt người không thể nhìn ra con sấu đang ẩn mình được.

– Được, theo ý Trần gia.

Lâm bá cân nhắc một lát rồi lên tiếng. Cả nhóm theo sắp xếp khẩn trương làm việc.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.