Đọc truyện Hà Tiên – Cuộc Sống Điền Viên – Chương 134: Gặp được cậu rồi!
Đoạn sông tiếp theo cũng rất cạn, nhưng mặt nước rộng hơn, hai bên bờ là những vũng lầy, là chỗ yêu thích nhất của loài sấu. Đâu đó trong mấy đám bèo trôi, cây bụi là những thân hình xấu xí ẩn dưới nước, chỉ có đôi mắt càng xấu xí hơn lặng lẽ dõi theo đoàn người.
“A, không cần tự nhát mình.” Mai tự trấn an trong dạ.
Họ ngược dòng sông hơn hai canh giờ rồi. Mai quan sát con Vện, nó vẫn im re, nằm sát lòng ghe. Họ vẫn chưa ra khỏi phạm vi nguy hiểm.
– Ghé vào chỗ đất kia.
Chỗ Lâm bá chỉ là một mô đất nhỏ, có mấy cây cổ thụ rất cao. Giống như sáng nay, nhóm bếp nấu ăn xong thì hun khói thành một đụn lớn. Buổi trưa đứng gió, cột khói lan chậm nhưng lâu tan. Lâm bá lại leo lên đứng trên nhánh cây cổ thụ cao vút.
“Bụp, bụp”
Một đàn khỉ từ đâu chuyền cây ra phá. Chúng hái trái bần, trái đước quăng lại đây. Chỉ là không ai có tinh thần để đùa với chúng. Trong khu vực của cọp beo, chỉ có đàn khỉ là vẫn thảnh thơi, chẳng sợ.
– Cha ra coi đáy ghe.
Ăn cơm xong, cha đứng dậy nói. Để lại Hùng huynh, Sinh ca và a Sao trông chừng bốn phía. Cha và Bình ca hợp sức kê nghiêng xem đáy ghe. Đúng là bị nứt một đường, không dùng tay không ghép lại được.
– Chút nữa con qua ghe Lâm bá ngồi.
– Dạ.
Cha dặn Mai khi quay trở vào, vết nứt đó vẫn còn cầm cự thêm một thời gian. Nhưng nếu lại bị tiếp, ván đáy sẽ không chịu nổi.
– Thấy rồi,
Lâm bá trèo xuống gần đến nơi thì nói. Ông nhảy xuống đất, hơi nhăn mày suy đoán.
– Họ đi chậm hơn chúng ta nhiều. Ở đó có việc gì rồi.
Giữa mảng rừng mênh mông này, đốt khói tìm người trợ giúp đã thành cách của những người đi rừng. Hai bên nhận thấy cột khói, sẽ dựa theo hướng đó mà đi. Họp hai nhóm lại, đông người hơn thì an toàn hơn. Nhưng sao họ lại đi chậm vậy? Là đi bộ xuyên rừng, không có ghe hay có chuyện gì cản trở?
Đoàn người cứ nhăn mày suy đoán, nhưng cũng không hề chậm chân mà đều lên ghe đi tiếp.
– Đến một khúc nữa, con sông này sẽ đi về hướng bắc, chúng ta phải băng rừng để đến chỗ họ.
Vậy là phải bỏ ghe lại đây. Trời hôm nay không mưa, lại đứng gió nên bầu trời bớt vẻ âm u. Lòng Mai cứ lo lắng nhìn con Vện. Dưới sông cá sấu, trên bờ cọp beo là cảnh này rồi.
Mọi người lần lượt kéo hai chiếc ghe lên dựa bờ, dùng dây thừng cột chặt vào gốc cây cổ thụ. Khúc rừng nầy nước ngập lúp xúp. Mai muốn tự đi bộ thì cha lắc đầu nói:
– Để cha cõng, cha còn sức. Ở đây có đĩa vắt nhiều đó. Đi nhanh biết đâu gặp cậu hai con trước khi trời tối.
Nghe lời cha nói, Sinh ca bước tới đỡ thêm túi đồ trên vai cha. Ca ấy chắc rất nóng ruột nóng gan.
Đúng là chỗ đất này cứng hơn, bên dưới lớp lá mục là tầng đất cứng. Nhưng con vắt con đĩa cũng rất nhiều. Ai nấy đều bước nhanh để chúng không có cơ hội bu cắn vào chân hút máu.
Khoảng rừng lúc thưa lúc dày, nối tiếp nhau như dài vô tận. Lúc này con Vện không chạy phăng phăng phía trước mà líu ríu theo sát chân Hùng huynh. Lâm bá dẫn đầu, Hùng huynh và Sinh ca đi phía sau. Mọi người đều tập trung quan sát, cố gắng dùng tai mắt lắng nghe động tĩnh xung quanh.
Đi được gần hai canh giờ, Lâm bá ra hiệu nghỉ ngơi, mặt trời đã ngả bóng thật dài. Lâm bá chọn cây cao leo lên tìm kiếm. A Sao đúng là giỏi, hắn nhỏ như vậy mà rất dẻo dai, bước chân vẫn nhanh nhẹn. Dọc đường hắn còn tranh thủ hái mấy loại trái dại, đọt non. Hùng huynh cũng theo thói quen, thấy mấy loại cây lá quen thuộc thì tiện tay bứt bỏ vào gùi phía sau.
– Đi chừng một canh giờ nữa sẽ đến cồn nhỏ, chúng ta ở đó tối nay.
Vậy là không gặp được nhóm người kia, họ đã nhanh hết mức rồi. Trời sắp tối, an toàn của mình quan trọng hơn, không thể liều mạng đi đêm được. Trong rừng sụp tối rất nhanh, mũi mồng bắt đầu được dại ra, vo ve khắp nơi.
Chạng vạng thì đến cồn nhỏ mà Lâm bá nói. Cồn này nẳm giữa một vùng nước nông giữa rừng. Chắc có mạch ngầm chảy ra vào nên nước không tù đọng. Lâm bá quan sát rất kỹ bờ xung quanh trước khi lội nước ra cồn. Mực nước không sâu, đến ngang hông bá ấy. Sinh ca đi sát phía sau. Cả hai qua đến cồn thì đi vòng một khoảng dò xét kỹ lưỡng.
“bập, bựt”
– Cái gì?
– Rắn, xong rồi.
Đợi lâm bá đi về hướng này ra hiệu thì nhóm còn lại mới bắt đầu lội qua. Hùng huynh vẫn đi sau cùng. Lúc nầy con Vện có vẻ vui mừng một chút, nó lõm bõm lội trước, cái mỏ nghếch lên về hướng cồn đất.
Cồn này không lớn, chỉ có mấy cây thấp, cây bụi rồi mấy đám dừa nước, cây đước ven bờ. Sinh ca thảy xác một con rắn bự bị chặt đôi về phía đống lửa. Nước mặn chát, đục ngầu không thể uống. Mai và Bình ca múc hai nồi để lóng cặn và phèn. Nhóm còn lại thì bắt đầu dọn cỏ, kiếm củi và quan sát xung quanh.
Sinh ca chặt mấy quài dừa nước non mang về, chặt trái ra lấy ít nước trong để uống cho đỡ khác. Tối nay không nấu thức ăn nóng được, chỉ nướng thịt khô mang theo ăn đỡ.
– Đốt lửa to, khói nhiều lên.
Lâm bá vẫn đứng ở vị trí quan sát nãy giờ lên tiếng. Đợi khi luồng lửa cháy lớn, khói cuộn thành vòng thì “vù vù” tiếng như huýt gió vang tới. A Sao khều tay Mai hất đầu nói:
– Nhìn kìa!
Ôi trời ơi! Cách chỗ họ đứng cỡ mấy mươi thước một đàn rắn khè khè, le lưỡi bò ra. Rồi sau đó thì, bọn chúng băng băng lướt trên mặt nước nhẹ như không. Cồn cách bờ rừng hơn hai mươi thước chỉ vừa đủ cho bọn chúng trình diễn một màn nhảy múa khởi đầu thôi.
Cha và Sinh ca tranh thủ đốn nhiều bập dừa, xếp dài trên đất làm đệm ngủ cho họ đêm nay.
Màn đêm sụp xuống rất nhanh. Khi người ta mệt mỏi và căng thẳng thì chuyện ăn ít uống ít cũng không sao. Buổi tối hôm nay mọi người chỉ ăn để giữ sức. Sáng mai hai nồi nước lắng cặn rồi hy vọng sẽ có thức ăn nóng.
– Bá, nhìn kìa.
Tiếng a Sao nhỏ, thản nhiên chỉ về hướng bên kia bờ rừng. Trong ánh sáng bập bùng của ánh lửa, hai ánh sáng đỏ rực lập lòa lúc ẩn lúc hiện. Mai nhận thấy a Sao rất nhạy với cá sấu, mà hắn không hề sợ bọn chúng. Có thể lần đó cùng Lý thúc theo dấu vết cá sấu, cộng với mối thù vẫn còn làm cho a Sao không biết sợ cá sấu nữa.
Cũng may là cá sấu thích sống đơn độc, mỗi con chiếm giữ một vùng lãnh thổ. Ngoại trừ khi chúng đánh hơi được mùi thức ăn thì chúng sẽ tiến đến và tranh giành con mồi.
Con sấu chủ nhân của cồn đất nhỏ này đã xuất hiện, cũng không kiên nhẫn lắm!
Đống lửa tạo ra nhiệt, có thể đuổi loài rắn đi, nhưng lại thu hút loài khác đến. Đám thiêu thân hay sinh vật biết bay nào đó cứ lao vào đám lửa.
Trăng hạ tuần vẫn chưa lên, trên trời vài vì sao lấp lánh. Tiếng Hùng huynh làm mọi người tập trung nhìn về hướng bên kia.
– Lâm bá, có ánh đuốc.
Bên hướng đàn rắn “bay” qua lúc nãy, có ánh sáng khi ẩn khi hiện, hình như đang đi về phía này. Mọi người vẫn đứng yên quan sát, chờ đợi. Không biết người đến là ai. Hơn nữa vẫn còn “chủ nhân” chỗ này đang lẩn núp đâu đó, cẩn thận quan sát là cách tốt nhất.
Hơn một khắc sau thì đã thấy rõ ánh đuốc. Thấp thoáng nhóm người, một, hai, … có bốn cây đuốc, khoảng trống ở giữa là mấy người?
Lâm bá ra hiệu Hùng huynh ở lại, ông và cha cầm hai cây đuốc đi dần về phía đó. Đuốc mù u ánh lửa đỏ rực chiếu bóng dáng cha chậm rãi đi. Mai hơi căng thẳng nhìn theo bước chân cha cô. Tuy rằng lúc chiều họ đã đi một vòng quan sát, nhưng đêm tối vẫn rất nguy hiểm.
Nhóm người bên kia đi đến gần bờ thì ba cây đuốc dừng lại, cảnh giác trông chừng hướng rừng rậm, hai bóng người đi đến sát mép nước.
Một người bên đó nói tiếng Chân Lạp, Lâm bá trả lời một tiếng ngắn. Rồi hỏi lại một câu hơi dài. Lâm bá lắng nghe xong thì lên tiếng hỏi bằng tiếng Việt:
– Là Nguyễn huynh ở Trấn Giang?
– Phải, xin hỏi huynh biết ta?
A, là cậu hai. Thật sự tìm được cậu rồi. Mọi người đều hơi nhẹ nhõm. Cha chắc cũng vui mừng. Mai nghe cha lên tiếng:
– Nhị cửu ca, ta và a Bình, còn có a Sinh nữa. Ở bên này.
– Sao lại vô đây?
– Nguyễn huynh, để nói sau. Lúc nãy phát hiện thồ lộ, nhóm huynh tính sao?
Đúng là đêm hôm thế này mà lội qua, trong khi có một con sấu núp đâu đó thật nguy hiểm. Mai nghe loáng thoáng tiếng nói chuyện, rồi cậu hai nói vọng qua.
– Chúng ta ở bên này, sáng mai rồi tính.
– Được, chúng tôi ở chỗ đó.
Dù sao cũng đã gặp rồi, nghe tiếng cậu vẫn dồi dào, không đến nỗi là bị thương hay gì đó. Thon bá cũng vậy, chắc bá ấy nghĩ là nhóm người Chân Lạp đi săn hay gì đó vào đây. Nhóm cậu hai rất nhanh đã nhóm được đống lửa, tắt bớt một cây đuốc rồi cũng chia canh gác đêm.
Giống như hôm qua, mọi người thay phiên nhau canh giữ đống lửa và so kè kiên nhẫn với con sấu. Ai là thợ săn, ai là con mồi lệ thuộc vào điều này. Gánh nặng lo âu trong lòng Mai nhẹ đi, cô ngủ nhiều hơn mấy đêm trước, có lẽ một phần do mỏi mệt.