Bạn đang đọc Hà Thần – Thủy quái dưới cầu: Chương 28
Một
Theo dân gian, mười lăm tháng bảy âm lịch là tiết vong linh, Đạo gia gọi là Tết Trung Nguyên, còn Phật giáo lại gọi là “Lễ Vu Lan”. Nhưng trên thực tế, trên thế gian này lấy đâu ra cái bồn theo đúng nghĩa bồn vu lan. Từ này bắt nguồn từ Phật giáo, trong tiếng Phạn đọc là vu lan bồn, nghĩa đen của nó là giải cứu treo ngược, còn hiểu rộng ra thì có nghĩa là giải cứu lũ quỷ đói dưới địa ngục khỏi nỗi thống khổ bị treo ngược. Vào ngày mười lăm tháng bảy âm lịch, các tín đồ mở đàn tràng, thả đèn hoa đăng, tôn vinh tăng chúng thập phương.
Đến thời cận đại (1), tiết vong linh đã bị đơn giản hóa, chỉ còn giữ lại nghi thức hoá vàng mã và thả đèn hoa đăng. Hoá vàng mã có nghĩa là đốt tiền vàng mã cho tổ tiên nhà mình, đồng thời còn đốt thêm một chút tiền giấy cho cô hồn dã quỷ. Còn thả đèn hoa đăng chủ yếu là để giải cứu đám cô hồn dã quỷ, là việc thiện có thể tích âm đức. Người ta gấp giấy thành hình hoa sen, dưới đáy bôi sáp chống thấm nước, bên trên cắm một ngọn nến. Đến đêm ngày mười lăm tháng bảy âm lịch, người ta đốt ngọn nến rồi thả cho đèn trôi xuôi theo dòng sông. Theo tương truyền, toàn bộ vong hồn đều có thể được đèn hoa đăng siêu độ, thoát khỏi bể khổ vô bờ. Tuy nhiên, nếu đèn hoa đăng do chính tay mình làm thì không có tác dụng gì, phải mua những cây đèn do hòa thượng ở trong các chùa miếu làm thì mới được. Khi thiện nam tín nữ bỏ tiền mua đèn hoa đăng cũng không thể nói là mua, mà phải nói là quyên. Không thiếu những người lắm tiền nhiều của cúng thẳng một khoản tiền vào trong chùa chiền, quy đổi thành số đèn hoa đăng nhất định, đến lúc cần thả đèn hoa đăng sẽ do tăng nhân thay mình thực hiện. Có nhiều tiền quyên nhiều, ít tiền quyên ít, bời dẫu sao mỗi một chiếc đèn hoa đăng cũng có thể siêu độ được một con quỷ đói. Bất kể là đèn nhiều hay ít, chỉ cần có lòng làm việc thiện là được, bời vậy dân gian mới có câu “Người giàu vạn ngọn đèn, người nghèo một ngọn đèn”. Thời xưa, mỗi khi đến tiết vong linh, cứ nơi nào trong thành có nước là sẽ có vô số đèn hoa đăng, tạo thành cảnh tượng giống như muôn vì sao sáng. Người ta còn mời tăng ni đạo sĩ tụng kinh niệm chú, ném màn thầu cúng cô hồn, lại còn dựng đài Thí Cô (bố thí cho trẻ mồ côi), mở đủ các loại pháp đàn trên bờ dưới nước, cực kỳ náo nhiệt. Nơi nào không có nước thì chỉ cúng cô hồn hoá tiền vàng mã. Những người nào không phải ra ngoài hoá vàng mã và thả đèn hoa đăng thì phần lớn sẽ về nhà sớm. Trời vừa mới chập choạng tối đã đóng cửa, không bước chân ra khỏi nhà, bởi dù sao vào ngày mười lăm tháng bảy âm lịch cũng chính là ngày cửa địa ngục mở toang. Những gia đình bình thường, nếu không có chuyện gì khẩn cấp không hoãn lại được thì chẳng ai dám ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm.
(1) Từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1919.
Thời trước, cứ đến ngày mười lăm tháng bảy âm lịch, đội tuần sông lại phải đi hóa vàng mã dưới chân từng cây cầu một. Từ năm 1949 trở về sau, phong tục đã thay đổi, hoá vàng mã thả đèn hoa đăng bị liệt vào phong tục cổ hủ mê tín còn rơi rớt lại từ thời phong kiến, người ta cấm tuyệt đối. Thậm chí, Tết âm lịch năm 1945 còn không cho đốt pháo nổ, bảo rằng làm vậy là để phòng ngừa có phần tử phản động lợi dụng tiếng pháo nổ để nổ mìn tiến hành phá hoại, đúng là suy nghĩ thiển cận. Nhưng quan niệm và phong tục đã kéo dài cả trăm ngàn năm thì không thể nào chuyển biến chỉ trong một chốc một lát. Buổi tối ba mươi Tết năm ấy thành ra im lìm vắng lặng, không có lấy một chút không khí mừng năm mới. Nhưng đến mười hai giờ đêm, chẳng biết nhà nào đã mở đầu, đột nhiên tiếng pháo nổ đùng đùng tạch tạch nổi lên. Đã có nhà dám phá vỡ lệnh cấm, những nhà khác lập tức đua nhau đốt theo, sau đó toàn thành đều đốt, không khí của lễ mừng năm mới lập tức sống dậy. Sang năm sau, lệnh cấm đốt pháo đã trở thành thùng rỗng kêu to. Nhưng những tục lệ mê tín như hoá vàng mã, thả đèn hoa đăng, mở đàn tràng, vào thập niên năm mươi sáu mươi quả thật là không thấy diễn ra trong nội thành.
Dù trong nội thành không thể hoá vàng mã, nhưng ở nông thôn và vùng ngoại thành hoang vu thì lại chẳng có mấy ai ngó ngàng tới. Nông thôn vẫn chôn cất theo hình thức thổ táng, cứ đến thanh minh đông chí là người đi tảo mộ hoá vàng vẫn nườm nượp như xưa. Ngay cả những người sống trong nội thành cũng đến vùng ngoại thành hoá vàng mã. Chúng ta đang nói về ngày mười lăm tháng bảy âm lịch năm 1958. Lúc bấy giờ có một chàng trai tên là Vương Khổ Oa(2), tầm hai mươi bảy hai mươi tám tuổi, con nhà cùng khổ. Nông dân không được đặt tên, anh ta họ Vương, tên mụ là Khổ Oa, bởi vậy lúc đăng ký hộ khẩu đã khai đại là Vương Khổ Oa, quê quán ở Quan Trung, trước đó vài năm đã chạy đến Thiên Tân bốc vác than đá kiếm miếng ăn. Khi ấy có không ít người ở nhà tầng, mùa đông phải đốt than đá để sưởi ấm. Những người bán than không những phải kéo xe chở than đá đến tận chân cầu thang, mà còn phải chất than vào giỏ rồi cõng từng giỏ một lên trên tầng. Cõng đến cửa nhà người ta, lại phải xếp gọn vào một chỗ ở ngoài hành lang. Kiếm sống bằng công việc này vừa bẩn vừa cực nhọc, không dễ chịu một chút nào. Mẹ Vương Khổ Oa theo đạo Phật, ăn chay trường, chú trọng tích đức làm việc thiện, bởi vì đi lại không tiện, rằm tháng bảy năm nào cũng sai Vương Khổ Oa thay mặt bà ta đi hoá vàng mã, siêu độ cô hồn dã quỷ, làm như vậy là để tích âm đức. Năm ấy cũng không ngoại lệ, bà ta lại sai Vương Khổ Oa đi hoá vàng mã.
(2)Khổ Oa: đứa trẻ mệnh khổ
Vương Khổ Oa cực kỳ bối rối. Từ khi giải phóng đến bấy giờ, người ta đã không cho hoá vàng mã nữa rồi. Năm ngoái, khi đi hóa vàng mã, thiếu chút nữa là anh ta đã bị tóm sống, năm nay sao còn dám đi tiếp? Nhưng mẹ anh ta là một bà lão nông dân mê tín đến u mê, nhất định bắt anh ta phải đi, tiền vàng đã chuẩn bị sẵn cả rồi. Anh ta không thể nào thoái thác, đến nửa đêm ngày mười lăm tháng bảy âm lịch không thể không ra khỏi nhà đi hoá vàng mã. Anh ta lo canh cánh bị người khác nhìn thấy sẽ đi tố cáo, nên định tìm đến một nơi vắng vẻ. Anh ta sống ở gần khu vực nhà ga phía bắc và Ninh Viên. Lúc bấy giờ, phía bắc Ninh Viên còn có một con kênh phân lũ, là một con kênh nhân tạo được đào vào thời nhà Thanh. Trời khô hạn không có nước, cỏ dại mọc um tùm dưới lòng sông, qua con sông nhân tạo này là đến một vùng đất hoang, xa hơn nữa là đất bị nhiễm mặn và rừng cỏ lau, xét theo địa hình thì chỗ đó là một góc chết. Vào thời Đạo Quang nhà Thanh vẫn còn có mấy hộ gia đình cư trú ở nơi này trồng cao lương. Sau này, họ đã dọn đi hết. Vắng khói thiếu rơm(3), khu vực này thường xuyên có hồ ly và nhím hoạt động, cho dù ban ngày cũng không có lấy một bóng người. Anh ta là một kẻ đầu óc đơn giản sức khỏe có thừa, không biết sợ là cái gì, một mình ôm buộc vàng mã lội qua sông nhân tạo, đi sang vùng đất hoang vu bên bờ bên kia, định hoá vàng mã ở bên đó. Anh ta là người ở nơi khác đến, chỉ nghe nói ở khu vực này có người sinh sống có nhà cửa, nhưng do đất bị nhiễm mặn, không trồng được hoa mầu, nên vào thời Quang Tự, toàn bộ các gia đình đó đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Còn những chuyện khác, anh ta không hay biết gì. Giữa nửa đêm ngày mười lăm, trăng sáng vằng vặc, anh ta chợt thấy một ngôi miếu đổ nát thấp thoáng trong đám cỏ hoang, một bên chái miếu đã bị sập. Gió hiu hiu thổi, cỏ dại mọc trên mái hiên đung đưa dưới ánh trăng. Trên tấm bia đá bên cạnh miếu có ba chữ rất lớn nhưng anh ta chỉ đọc được chữ tam. Sau miếu là một cái hủng, quan tài nằm ngổn ngang lộn xộn khắp nơi.
(3)Ý muốn nói không có người sinh sống và trồng trọt
Hai
Trước mỗi quan tài có một viên gạch cổ được đánh số. Lúc mới giải phóng, nông dân hoàn toàn mù chữ, Vương Khổ Oa chỉ nhận biết được số không biết chữ, nhưng như vậy đã là khá lắm rồi, bởi vì lúc giao than phải xem biển số nhà, không đọc được số sẽ không giao đúng nhà. Anh ta nhìn thấy trong cái miếu đổ nát thờ phụng ba pho tượng thần, nhưng không phải là Tam Tinh Phúc Lộc Thọ, cũng không phải là Tam Thanh Đạo giáo(4). Vị tướng quân ngồi bệ vệ ngay chính giữa có tướng mạo hiền lành, mang khí thế vương giả, lưng đeo song kiếm. Một tướng quân mặt đen và một tướng quân mặt đỏ chia nhau đứng hai bên, vẻ mặt hung dữ rất đáng sợ. Tướng quân mặt đen cầm xà mâu, tướng quân mặt đỏ cầm Yển Nguyệt Đao. Vậy là đã rõ, đây là một ngôi miếu Tam Nghĩa, chuyên thờ phụng ba vị anh hùng kết nghĩa vườn đào Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Mặc dù nông dân mù chữ, nhưng nhắc tới Lưu Quan Trương thì không ai là không biết. Bên dưới cái hủng lớn sau ngôi miếu Tam Nghĩa cỏ hoang mọc um tùm, quan tài nằm bừa bãi khắp mọi nơi.
(4) Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn cũng chính là Thái Thượng Lão Quân.
Dưới cái hủng lớn có rất nhiều huyệt mộ đã bị đào bới, dãy nọ nối tiếp dãy kia. Trong mỗi huyệt mộ đều có một hoặc hai cái quan tài, nhưng chẳng có cái nào thuộc loại tốt, tất cả đều là những chiếc quan tài mỏng sơ sài bằng gỗ bách, thời gian hạ táng cũng không giống nhau, phần lớn đều nhỏ hẹp. Do dãi nắng dầm mưa quá lâu, thành quan tài hầu như đã mục nát, thậm chí còn có cả lỗ thủng, nhở ánh trăng có thể nhìn thấy xương trắng ở bên trong. Còn có hai con chó hoang đang chầu chực ở đằng xa. Vương Khổ Oa đã sợ đến mức không còn thấy sợ nữa, thậm chí trong lòng còn rất bức bối, rõ ràng sau miếu là một khu nghĩa địa, tại sao quan tài lại bị đào bới hết lên rồi bỏ mặc ở nơi này không có ai quan tâm tới? Kỳ quái nhất là trước mộ phần không có bia, chỉ cắm một viên gạch xanh theo chiều thẳng đứng đằng trước quan tài, một nửa viên gạch chôn dưới đất, nửa bên trên được viết số bằng sơn, giống như cố tình đánh số thứ tự cho quan tài vậy.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o…c.o.m. Là người có đầu óc đơn giản, anh ta thấy nơi đó là một nghĩa trang, bèn có ý nghĩ hoá vàng mã mà chẳng là đốt, chẳng bằng đốt luôn cho cô hồn dã quỷ dưới khu mộ trũng này, tranh thủ lúc không có người đốt cho nhanh, đốt xong còn về nhà ngủ.
Vương Khổ Oa không hiểu tại sao dưới khu mộ trũng này lại có rất nhiều quan tài, nhưng tôi thì lại được kể cho nghe rõ ngọn ngành. Muốn biết rõ đầu đuôi, chúng ta phải quay lại thời kỳ trước giải phóng. Trước đây, Thiên Tân vệ có hai Lý, là hai vị có tiền có thế cùng mang họ Lý. Mặc dù cùng một họ, nhưng hai người lại không có bất cứ quan hệ gì, bởi người họ Lý đâu có ít, Trương Vương Lý Triệu nơi đâu mà chẳng có, Lý lại là đệ nhất thế gia vọng tộc. Một trong hai Lý của Thiên Tân vệ là Đốc Quân Lý Thuần, chính là người đã phá vương phủ xây từ đường nhà họ Lý, phần đầu truyện đã đề cập đến chuyện của ông này. Lý còn lại tên là Lý Diên Chương, là nhân vật trong Thanh Bang, trước kia cũng đã từng là một phu khuân vác thuê, giúp người ta khuân đồ lên thuyền kiếm miếng cơm manh áo. Có một lần, có một ông khách người Sơn Tây ra tỉnh ngoài buôn bán, bôn ba vất vả kinh doanh nhiều năm, tích cóp đầy một cặp da vàng bạc đồ quý. Trên đường mang tiền của về nhà, ông khách này đã lên thuyền của Lý Diên Chương, đến lúc xuống thuyền thì không tìm thấy chiếc cặp da đâu nữa. Bởi vì đã nhận ra chiếc cặp da có chứa vàng bạc đồ quý ở bên trong, Lý Diên Chương chẳng khác gì ruồi nhặng ngửi thấy mùi máu. Nhân cơ hội ông khách kia mất cảnh giác, hắn ta đã âm thầm đánh cắp chiêc cặp da rồi giấu biệt. Đến lúc về gần đến nơi, ông khách người Sơn Tây mới phát hiện ra chiếc cặp đã bị mất cắp, lập tức lửa giận công tâm, há mồm phun ra máu tươi. Ông khách đó báo quan không đường, xin giúp đỡ không cửa, nhất thời phẫn uất tìm đến cái chết, nhảy cầu tự vẫn.
Bởi đánh cắp được số vật báu trong cặp da của ông khách Sơn Tây, từ đó về sau Lý Diên Chương phất lên nhanh chóng. Hắn ta mua một giấy phép “Long Phiếu” để hành nghề khuân vác thuê, tiến hành bóc lột sức lao động của phu khuân vác trên sông đào bằng rất nhiều con đường. Bởi hắn có trong tay Long Phiếu là loại giấy phép hành nghề khuân vác thuê do chính quyền phát hành, cũng có nghĩa là được quyền thay mặt triều đình quản lý, bởi vậy không cần phải tranh giành công việc đến đầu rơi máu đổ. Nói theo ngôn ngữ của dân Thanh Bang, như vậy gọi là “Lăn lộn trong nước sạch”. Toàn bộ việc bốc xếp bên bờ bắc của con sông đào đều nằm trong tay quân cửu vạn của hắn ta. Về sau hắn đến huyện Ninh Hà mua danh bán tước, bỏ ra tiền mua chức Huyện thái gia, Ninh Hà là tên một huyện thuộc Thiên Tân. Thời ấy có câu nói “Kim Bảo Để, ngân Võ Thanh, không nhiều bằng một lần năm canh của Ninh Hà”, câu này thật ra không phải muốn ám chỉ vào lúc canh năm tối trời có thể đào được bảo vật ở huyện Ninh Hà, mà có nghĩa là cho dù huyện Bảo Để huyện Võ Thanh có tốt đến mấy, quản lý đến cả trăm ngàn cái thôn, làm quan huyện ở hai nơi này cũng có thể coi là chức vụ béo bở, nhưng vẫn không thể kiếm nhiều tiền bằng làm quan huyện ở huyện Ninh Hà một ngày. Nguyên nhân chính là bởi vì Ninh Hà làm ra muối, khắp nơi nơi đâu cũng là tiền. Làm quan huyện ở Ninh Hà béo đến mức chảy mỡ, chỉ riêng tiền hối lộ của đám thương nhân đã thu mỏi tay. Để thu phục nhân tâm, vị quan tiền nhiệm của Lý Diên Chương đã thắp hương thề trong miếu, tuyên bố nhất định sẽ làm quan thanh liêm, tuyệt không tham ô nhận hối lộ, tay trái nhận tiền sẽ thối rữa tay trái, tay phải nhận tiền sẽ thối rữa tay phải. Nhưng đến khi nhậm chức, kẻ này đã sinh ra hối hận, nhớ tới lời thề độc địa đã phát ra, không thể dùng đưa tay ra nhận tiền, nhưng không có tiền thì còn khó chịu hơn cả bị rữa nát bàn tay. Bởi vậy, kẻ này bèn dùng khay trà để nhận tiền, nếu có thối rữa thì chỉ cái khay trà phải chịu. Thời trước, hắn ta là kẻ nghèo cùng quẫn, loại người này một khi đắc thế sẽ vơ vét tiền của phi nghĩa, quá nửa là sẽ trở nên vi phú bất nhân (làm giàu thì thường không có nhân đức), càng nhiều tiền càng thấy thiếu, dùng hết mọi thủ đoạn để vơ vét của cải, bị người ta đặt cho biệt danh là Quát Địa Hổ(5). Sau khi đến huyện Ninh Hà, hắn ta giàu có đến mức nứt đố đổ vách, có tiền rồi đương nhiên là muốn mua sắm của cải phòng ốc đất đai. Hắn ta nghe nói ở Hà Đông có một nơi gọi là lầu Lý Công(6). Trên thực tế, vị Lý Công đó chẳng có quan hệ dây mơ rễ má gì với hắn ta. Hắn ta bắt đầu lập nghiệp bằng nghề khuân vác thuê, hễ nhắc tới là thấy khó nghe, dù có tiền vẫn bị người khác coi thường, cho nên lúc nào cũng muốn thếp vàng lên mặt chính mình. Hắn ta cảm thấy cách xưng hô Lý Công này rất kêu, coi như thuận thế bò lên trên, cho nên cũng muốn làm Lý Công.
(5)Ý muốn chửi là loài cầm thú ăn tục, không chừa bất cứ cái gì
(6)Người Trung Quốc thêm Công vào sau họ người nào đó để tỏ ý kính trọng
Lý Công được tôn vinh ở lầu Lý Công là một vị quan viên quản lý đường thủy thời nhà Thanh. Ông này có công tìm được một tòa lầu nhỏ có phong thuỷ đẹp, bởi vậy tòa lầu đó mới có tên gọi như vậy, đến nay vẫn được gọi là lầu Lý Công. Vào cuối thời nhà Thanh, những thương gia buôn bán giàu có của Thiên Tân vệ đều xây dựng nhà tứ hợp viện ở khu vực lầu Lý Công để ở. Buôn bán quan trọng nhất là dĩ hòa vi quý phát tài, thường xuyên quyên tặng bố thí, bởi vậy nơi đó đã trở thành vùng đứng đầu về làm việc thiện. Lý Diên Chương cho rằng chỉ cần đến ở khu lầu Lý Công là mình có biến thành Lý Công. Nhà giàu mới nổi nào cũng có tâm lý tự ti như vậy. Hắn ta bỏ tiền mua lại toàn bộ vùng đất đó, những vẫn lo chưa đủ lớn bởi vậy mấy cái thôn cạnh đó cũng bị hắn ta mua luôn. Nói là mua, nhưng thực ra là cướp đoạt bằng mọi thủ đoạn, bởi vậy hắn ta cũng chẳng phải bỏ ra bao nhiêu tiền. Giữa khu vực đó có vài khu nghĩa địa, toàn bộ mộ phần ở những nghĩa địa đó đều là mộ cổ từ mấy trăm năm trước, chủ nhân của những ngôi mộ này đa phần là người nghèo. Bởi vì thời gian đã quá lâu, hầu như không thể xác định được con cháu của họ là ai, mộ phần đã biến thành mộ hoang vô chủ, ngay cả dân trộm mộ cũng không thèm ngó ngàng gì đến, bởi vì trong quan tài chỉ có xương cốt người chết, may mắn lắm thì mới vớ được một hai đồng tiền cổ áp mắt người chết (7), thật sự chẳng có chút béo bổ nào. Theo ý định ban đầu của Lý Diên Chương, cứ vứt bừa quan tài xuống những cái hủng ở nơi hoang vắng là xong chuyện, thế nhưng lại sợ việc đó làm hỏng danh tiếng của mình, khiến cho người ta có cớ chửi bới sau lưng, không thể nào rước lấy tai tiếng đó được. Nhưng hắn lại không muốn tốn nhiều tiền, làm cách nào bây giờ? Con ngươi đảo một vòng, Quát Địa Hổ nảy ra một ý hay. Phía sau miếu Tam Nghĩa là một cái hủng chuyên vứt xác vô chủ, chứa rất nhiều thi thể của những người chết ven đường không ai thu nhặt. Hắn ta sai người di chuyển toàn bộ quan tài dưới những ngôi mộ cổ đến cái hủng ở sau ngôi miếu, rồi dùng gạch có ghi số bên trên để đánh dấu phần mộ của nhà nào ra nhà đấy, tổng cộng có hơn hai trăm chiếc quan tài. Hắn bảo rằng đợi đến khi nào tìm được một nơi có phong thuỷ tốt sẽ chôn lại, nhưng trên thực tế thì cứ bỏ mặc như vậy. Lý Diên Chương làm như vậy đã bị tổn hại rất nhiều âm đức, đương nhiên là sẽ không có kết cục tốt lành. Sau khi di dời mộ không lâu, khi hắn ta đi ngang qua bến tàu kênh đào, trong lúc người ta đang cẩu hàng hóa, một chiếc hòm gỗ đang được cẩu giữa không trung đột nhiên rơi xuống, tức khắc đập Lý Diên Chương nát thành muôn vàn đóa hoa máu đỏ rực, đầu nát bét, dù có mời nghệ nhân đóng giày cao tay đến cũng không thể chắp lại được như cũ. Cuối cùng, đến khi đóng nắp quan tài để hạ táng, bên trong quan tài là một thi thể không đầu, dùng gỗ trầm hương đẽo thành đầu người để thay thế.
(7)Theo quan niệm mê tín của Trung Quốc, người ta đặt hai đồng tiền lên mắt người chết để người này trả tiền cho người chèo đò khi qua sông Nại Hà.
Sau khi Lý Diên Chương chết, cái hủng sau miếu Tam Nghĩa được quan phủ lấp đất qua loa. Nơi này vắng vẻ, hiếm khi có người xuất hiện, mọi người hầu như đã quên bẵng đằng sau miếu Tam Nghĩa còn có một cái hủng chôn người lớn như vậy. Trải qua vài chục năm dầm mưa dãi nắng, đất phủ trên quan tài càng ngày càng lún xuống, khiến cho đám quan tài dưới hố chôn người sau miếu Tam Nghĩa chồi lên mặt đất nằm bừa bãi ngổn ngang.
Ba
Anh chàng giao than Vương Khổ Oa nào có biết hố chôn xác sau miếu Tam Nghĩa đã từng xảy ra chuyện gì. Anh ta chỉ muốn tìm một nơi vắng người để hoá vàng mã. Thời trước, cứ đến ngày rằm tháng bảy là trên đường không có một bóng người, toàn bộ cửa tiệm đóng cửa cài then từ sớm, nghiêm cấm trẻ con ra khỏi nhà, để nhường hẳn đường lại cho cô hồn dã quỷ đến nhận bố thí, toàn bộ những người ra khỏi nhà hoá vàng mã đều là thiện nam tín nữ. Không giống như tiết thanh minh vào đông chí, người ta đốt quần áo rét hóa vàng mã lúc tảo mộ là để gửi cho gia tiên nhà mình, tiết vong linh tương đối mang nặng sắc thái đạo phật. Dù vào thập niên năm mươi sáu mươi không còn nhiều kiêng kỵ như thời trước đó, nhưng đến khi ra ngoài để hoá vàng mã người ta vẫn sợ bị người khác nhìn thấy, phải đợi đến lúc nửa đêm mới ra khỏi nhà. Họ không thể đi tới những ngõ hẻm và đường phố đông đúc người qua lại, cũng không thể tới công viên Bắc Ninh. Bởi mặc dù đến tối là công viên sẽ đóng cửa, nhưng vẫn có một ông lão gác đêm. Do rảnh rỗi đến phát chán, cho nên tính cảnh giác của ông lão này rất cao. Chỉ cần gió khẽ thổi cỏ khẽ lay, ông lão đẫ lập tức bật đèn pin chạy xộc tới xem xét, cho nên anh ta không thể không vượt qua công viên Bắc Ninh tới tận vùng đất hoang phía sau. Bởi chưa từng tới đó bao giờ, anh ta không ngờ nơi đó còn có một ngôi miếu đổ nát, còn cái hố chôn người sau miếu lại đầy rẫy quan tài. Nhưng anh ta không hề thấy sợ, tự đánh giá chưa từng làm ra bất cứ việc gì trái với lương tâm, một thanh niên khỏe như vâm tâm trí đơn giản can đảm thì có gì phải sợ. Anh ta vào trong miếu dập đầu bái lạy Lưu Quan Trương, tìm một chỗ kín gió trong góc tường để hóa sạch số vàng mã mẹ mình đã đưa. Đánh diêm châm lửa, lập tức tro tàn bay lượn lờ. Trước kia do mê tín, người ta cho rằng hiện tượng đó là ma quỷ đến lấy tiền vàng, nhưng thật ra là lúc hoá vàng mã đã làm khí nóng bốc lên cuốn theo tro tàn. Anh ta nhặt một cành cây khô cời đám tro, bởi khi hoá vàng mã người ta kiêng kị đốt còn sót, phải làm mọi cách để giấy cháy hoàn toàn thành tro, hơn nữa miệng còn phải lẩm bẩm khấn vài câu: “Hoá vàng mã hơ lửa tay, đánh bài thắng một đấu; hoá vàng mã hơ lửa chân, ngã sấp mặt nhặt được cục nguyên bảo to; hoá vàng mã hơ lửa mặt, phúc lộc thọ hỉ tất cả đều đến; hoá vàng mã hơ lửa mông, quanh năm suốt tháng không mắc bệnh.”
Ngày xưa, khi đến rằm tháng bảy, dân chúng sẽ rải bánh màn thầu ra đất gọi là cúng cô hồn, tức là tiến hành bố thí cho quỷ đói ở khắp nơi. Nhưng trên thực tế, bánh màn thầu ném khắp mặt đất thì chẳng có ma quỷ nào đến ăn, mà chỉ lát sau đã bị chó hoang tha đi bằng sạch, làm vậy chẳng khác gì là biến tướng cho chó ăn. Đồng thời, cũng không phải ai cũng rải màn thầu loại ngon. Vào thời kỳ đói kém mất mùa, lương thực cho người sống còn không đủ, lấy đâu ra dư thừa mà a quỷ ăn? Bởi vậy có nhiều vùng dùng cách hoá tiền vàng mã để thay thế. Trong một năm có mấy cái tiết vong linh, phong tục vào rằm tháng bảy trong dân gian đã nhiều lại còn hỗn tạp, mỗi nơi một kiểu, ví dụ như “đài Thí Cô, cờ Chiêu Hồn, bày hương án, hoá tiền vàng mã, rải màn thầu, thả đèn hoa đăng”. Nhưng dù làm theo hình thức nào, mục đích cũng chỉ có một, tất cả đều nhằm bố thí cho cô hồn dã quỷ không nơi nương tựa. Hòa thượng đạo sĩ nhân cơ hội đó làm pháp sự bán đèn hoa đăng, tranh thủ kiếm mấy đồng tiền.
Năm nào Vương Khổ Oa cũng đi ra ngoài hoá tiền vàng mã. Bản thân anh ta không thể khẳng định được là mình tín, cũng không dám phủ nhận là mình không tín. Anh ta nghĩ: “Nếu như tích đức làm việc thiện thực sự được báo đáp, tại sao chân mẹ ta không thấy khá hơn, còn ta cũng chỉ có thể cõng than đá kiếm miếng cơm, ngày nào cũng đầm đìa mồ hôi như tắm, lần hồi sống qua ngày, chẳng lẽ là kiếp trước đã không làm được chuyện gì tốt? Nhưng vấn đề là ai có thể nhớ rõ kiếp trước đã làm cái gì, dù có nợ tiền kiếp đi nữa, cũng không nên báo ứng lên đầu ta. . .” Những việc liên quan đến nhân quả, anh ta vừa nghĩ đến đã cảm thấy nhức đầu, không muốn nghĩ ngợi nhiều, mẹ nói lúc nào cũng đúng: “Trong đời mình, người ta chỉ cần sẵn lòng giúp đỡ kẻ khác, không cần biết sau này ra sao, trong lòng không cảm thấy hổ thẹn đã là có phúc rồi.”
Mỗi lần anh ta hoá vàng mã, trong đầu luôn luôn quanh quẩn những ý nghĩ này. Đốt xong tiền giấy đã là tầm mười giờ đêm, anh ta thu dọn sơ qua đám tro tàn trên mặt đất, vừa mới định đi về nhà thì đột nhiên gió nổi trăng lặn, bầu trời tối đen đến mức không còn nhìn thấy đường đi lối lại nữa. Đang lo không biết làm sao về nhà được, anh ta chợt nghe thấy tiếng cót két do nắp một chiếc quan tài ở sau miếu lay động phát ra. Bên đó là một hủng trũng phủ kín cỏ dại, giữa đêm tối nghe thấy ván gỗ phát ra tiếng động, chẳng phải bên trong quan tài xảy ra chuyện gì đó thì còn có thể là cái gì? Tuy rằng bản thân to gan lớn mật, nhưng một mình giữa đêm tối trong ngôi miếu đổ nát không một ánh đèn, chợt nghe thấy nắp quan tài phát ra tiếng động, anh ta cũng không tránh khỏi tóc tai dựng đứng, toàn bộ lỗ chân lông trên người nổi gai.
Lúc ấy trời chợt nổi gió, ánh trăng xuyên qua tầng mây chiếu sáng mờ ảo, anh ta lại có thể nhìn thấy cảnh vật trước mặt, thầm nghĩ: “Trong quan tài chỉ có thi thể xương cốt người chết, làm sao có thể gây ra tiếng động, có lẽ nào là đám chó hoang đang cậy nắp quan tài?”
Thời xưa, ở những vùng hoang vu có rất nhiều chó hoang, thậm chí có cả loại đầu lớn bằng cái đấu. Ban ngày chúng ẩn khuất quanh đâu đó, quan sát người ta chôn cất trong nghĩa địa, đợi đến lúc nửa đêm mới chạy đến đào bới mộ, phá tung nắp quan tài, lôi tử thi ở bên trong ra ăn nội tạng. Vào thời chiến tranh loạn lạc, mộ chôn sơ sài, xác chết được chôn trong quan tài bằng gỗ mỏng, còn nếu là người nghèo thì chỉ được bó bằng chiếu, sau khi chôn xuống tám chín phần mười là làm mồi cho chó hoang, xương thịt bầy nhầy, tình trạng thê thảm khó có thể miêu tả bằng lời. Vương Khổ Oa là người có tâm địa đơn giản, nghĩ đến đó, anh ta bèn nhặt một cây gậy đi ra ngoài, thầm nhủ: “Nếu như là chó hoang bới xác người chết, há có thể khoanh tay đứng nhìn, đến lúc ta xông ra đuổi sạch đám chó hoang, coi như đã làm được một việc tích âm đức.”
Lúc bấy giờ, nắp một chiếc quan tài dưới một cái huyệt đột nhiên mở tung, nhưng không thấy chó hoang đâu cả, mà giống như là người chết trong quan tài đã đẩy ra vậy. Anh ta vội vàng rụt bàn chân đã sắp bước ra ngoài ngôi miếu đổ nát trở về, nấp sau tường mở to mắt quan sát, chợt thấy từ trong quan tài có một bàn tay thò ra, tiếp theo là cái đầu nhô lên. Ánh trăng mờ ảo, đứng cách xa khó nhìn thấy rõ, anh ta chỉ loáng thoáng thấy được một kẻ nửa giống như người nửa giống thú, toàn thể có một lớp lông trắng dài hơn tấc, hai mắt sáng quắc, hai tay giống như vuốt chim ưng, bò từ trong quan tài ra, xoay người cúi lạy. Nói ra kể cũng lạ, nắp quan tài vậy mà tự động khép lại như cũ. Sương đêm mù mịt, con vật kia lắc người một cái, đẩy vẹt đám cỏ dại ra, nhằm về hướng tây mà đi, chỉ trong chốc lát đã biến mất.
Bốn
Trốn ở trong ngôi miếu đổ nát quan sát, Vương Khổ Oa ngây người ra, chẳng khác gì một bức tượng gỗ. Anh ta đã không ít lần được nghe câu chuyện đánh Hạn Bạt ở vùng nông thôn. Con vật chui từ trong quan tài ở miếu Tam Nghĩa ra, nhìn thế nào cũng thấy giống cương thi biến thành Hạn Bạt. Theo tương truyền, tử thi chôn dưới phần mộ hút sạch mây đen, khiến cho cả một vùng phát sinh nạn hạn hán. Thời xưa, tình hình hạn hán rất nghiêm trọng, hoa màu trong phạm vi vài trăm dặm héo rũ. Đến lúc ấy thì phải cúng tế Long vương gia. Tất cả các hộ gia đều phải dán bùa cầu mưa ở cửa chính, sau đó mời thầy phong thủy đến xem khí, tìm ra cái mộ nào sinh ra Hạn Bạt là lập tức đồng loạt khuya chiêng gõ trống, tụ tập dân chúng lại, chạy đến ngôi mộ đó đánh Hạn Bạt. Con nào mới trăm năm thì có thể moi lên quất roi rồi đốt cháy. Nhưng nếu là Hạn Bạt hơn ngàn năm, hơi thở và máu của nó có thể truyền ôn dịch, chém không chết đốt cũng không xong, chỉ có thể trói lại dùng tháp giam giữ. Tục lệ này bắt nguồn từ Quan Trung. Khí hậu Quan Trung khắc nghiệt, dưới lớp đất khô cằn có nhiều xác khô, cứ xuất hiện hạn hán là người ta sẽ đổ cho xác khô đã hút hết mây đen. Quê quán ở Quan Trung nên Vương Khổ Oa đã từng mấy lần được xem đánh Hạn Bạt. Anh ta tin tưởng vào sự việc này không mảy may nghi ngờ. Chẳng trách cả mùa hè năm 1958, Thiên Tân vệ lại không có mưa, rõ ràng là nghĩa địa ở miếu Tam Nghĩa đã sinh ra Hạn Bạt.
Anh ta định đi tìm người giúp, nhưng lại lo ngại mình đã nhìn nhầm, nếu loan tin ra, không may con vật vừa rồi ở miếu Tam Nghĩa không phải là Hạn Bạt, chẳng phải là tự rước lấy phiền toái hay sao? Có lẽ chỉ là dân trộm mộ chuyên ăn cắp tiền áp lên mắt người chết, anh ta nghĩ thầm: “Nếu thật sự là Hạn Bạt, hiển nhiên là nó sẽ quay lại, bởi vì ban ngày quái vật này phải trốn trong quan tài. Trước hết ta sẽ không vội, cứ trốn kỹ ở trong ngôi miếu đổ nát này xem rốt cục là thế nào. Đến khi nhìn thấy hai năm rõ mười, ta mới can dự vào cũng không muộn.” Xưa nay anh ta luôn là người lớn gan tò mò, cho rằng chỉ cần không xuất hiện, nhìn thêm một lần nữa cũng không có vấn đề gì. Nếu chính xác không phải là Hạn Bạt, mà chỉ là kẻ cắp đến trộm mộ thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Bức tường sau miếu Tam Nghĩa đã bị thủng một lỗ lớn, sau khi trốn ra sau bức tường đó, anh ta ngậm tăm không nói một câu, tập trung tinh thần canh gác khu nghĩa địa. Mây mù dày đặc cỏ đẫm sương, khung cảnh vắng lặng không một bóng người. Cành cây khô bị gió đêm lay động, đung đưa dưới ánh trăng mơ hồ giống như là ma quỷ giữa núi rừng đang giương nanh múa vuốt. Dù sao Vương Khổ Oa cũng là kẻ bạo gan lòng dạ đơn giản, nếu đổi thành người nhát gan thì đã kinh sợ bỏ chạy từ lâu. Đợi đến quá nửa đêm, vầng trăng đã lặn về phía tây, nhưng vẫn không thấy có chuyện gì xảy ra, Vương Khổ Oa thầm nghĩ trong lòng: “Chắc là đã nhìn nhầm rồi, đó chỉ là một kẻ nạy quan tài ăn trộm mà thôi, nếu không phải vậy tại sao kẻ đó lại phải cúi lạy quan tài? Làm ta mất công ngồi đợi ở đây cả nửa đêm, đào đâu ra Hạn Bạt cơ chứ? Nhưng mà. . . bên trong đám quan tài mục nát dưới khu mộ hoang, ngoại trừ mấy đồng tiền cổ áp lên mắt người chết thì làm gì có cái quái gì giá trị mà ăn trộm?”
Trong lòng nghĩ ngợi lung tung, anh ta đợi lâu quá, không chống đỡ được bắt đầu ngủ gật. Đột nhiên có một cơn gió lạnh quét qua người, anh ta rùng mình một cái, lập tức cơn buồn ngủ bay đi mất. Anh ta vừa mở bừng mắt ra quan sát thì đã thấy đám cỏ dại trong khu mộ lay động dữ dội, xác chết trong quan tài đã quay trở về. Vương Khổ Oa ngồi lì trong ngôi miếu đổ nát cả nửa đêm, hai chân đã tê rần. Anh ta vừa vịn tay vào tường, thì chạm vào một con vật lạnh như băng di chuyển cực kỳ mau lẹ, trong bóng tối không nhìn rõ là con gì, có khả năng là thạch sùng sống trong hốc tường, đến đêm chui ra ngoài bắt muỗi ăn. Nó đâm sầm vào tay Vương Khổ Oa, dù không cắn người cũng có thể khiến người ta hoảng sợ nhảy dựng lên. Vương Khổ Oa vội vàng rụt tay lại, không may do không khống chế được tay vung quá đà về phía sau, khuỷu tay đập vào bàn thờ trong miếu, nghe đánh chát một tiếng, theo đó trái tim anh ta cũng thót lại. Mặc dù tiếng động không lớn, nhưng giữa đêm hôm khuya khoắt, lại nghe rõ mồn một. Trong lòng thầm than không hay, anh ta vừa ngẩng đầu lên thì đã nhìn thấy cách bức tường đổ nát ngoài một trượng có một con quái vật da thô ráp như cây chết khô, hai mắt như hai ngọn đèn nhỏ, phản chiếu ánh trăng phát ra màu xanh.
Vương Khổ Oa thấy mình đã làm kinh động đến Hạn Bạt, chân tay trở nên luống cuống, thét lên một tiếng sợ hãi, mất thăng bằng rồi ngã nhào xuống đất. Anh ta bò dậy chạy ra chỗ cửa miếu. Có ngờ đâu xác chết biến thành quái vật kia có khả năng đi lại nhanh như gió, đã vòng từ sau bức tường ra trước cửa từ lúc nào, duỗi thẳng hai cánh tay ra chỉ chực vồ. May sao Vương Khổ Oa kịp hãm chân lại, mới không đâm sầm vào xác chết biến thành quái vật, đành phải lui lại phía sau, trốn sau lưng bức tượng thần Lưu Quan Trương. Khi đến trước cửa miếu, con quái vật đột nhiên dừng lại bất động, miệng phát ra tiếng rít chói tai. Vương Khổ Oa cực kỳ khó hiểu, thở hổn hển quan sát xung quanh một lượt, thầm nghĩ: “Hóa ra cái thứ này không dám vào miếu, đích thị là sợ hãi tượng thần ở bên trong, trong số Tam Nghĩa dù sao cũng có Quan Công. . .” Còn chưa kịp dứt ý nghĩ, anh ta chợt nghe thấy chỗ cửa miếu vang lên một tiếng rắc khô khốc. Cửa miếu vốn dĩ đã sập sệ, đến lúc đó lại hứng chịu cú đâm va của Hạn Bạt, lập tức bắn văng lên trời, xé gió rít lên chói tai, va đánh sầm vào đỉnh điện, ván cửa văng ngược trở lại mặt đất, còn đỉnh điện bị nó phá ra một lổ thủng, gạch ngói lập tức đua nhau rơi rụng mất một mảng lớn, tượng Lưu Quan Trương cũng ngập trong bụi đất, ba bức tượng thần phủ đầy bụi đất giống như tượng nặn bằng đất vậy, hoàn toàn không còn nhìn rõ mặt mũi.
Vương Khổ Oa kinh hãi, thầm nghĩ: “Hoàn toàn dựa vào Tam Nghĩa hiển linh bảo hộ, vừa rồi mới may mắn thoát chết, nếu để bụi đất phủ kín thì tượng thần có khác gì là tượng đất tầm thường?” Anh ta vội vàng nhảy lên điện thờ dùng ống tay áo lau tượng. Có ngờ đâu, miếu Tam Nghĩa đã được xây dựng từ mấy trăm năm trước, đã bị hủy hoại do bị bỏ hoang nhiều năm, lâu không được hương khói, lớp sơn son trên mặt tượng đã bị hanh khô trở nên giòn, vừa mới đụng vào đã tróc ra thành từng mảnh. Con quái vật dĩ nhiên là nhảy vào trong miếu, giơ cánh tay ra vồ, một người một quái chạy vòng quanh ba bức tượng phủ đầy bụi đất. Chạy được hai ba vòng, hai chân Vương Khổ Oa gần như đã nhũn ra. Anh ta thở hổn hển như sắp đứt hơi. Khoảng cách giữa hai bên càng lúc càng gần, Vương Khổ Oa thấy rõ mình đã lâm vào đường cùng, chỉ sợ khó mà giữ được tính mạng. Bị ép đến nước này, đến chó cùng cũng phải rứt giậu người ngu cũng phải khôn ra, vừa liếc mắt qua lỗ thủng trên đỉnh điện, anh ta chợt nghĩ ra một cách: “Đến chồn còn biết đánh rắm cứu mạng, cũng chỉ còn cách như vậy mà thôi!”