Bạn đang đọc Hà Thần – Thủy quái dưới cầu: Chương 11
Một
Về phần ngôi nhà tầng ở ngã tư đường nhà họ Ngụy này, người chủ nhà cuối cùng của nó là một vị hội chủ một hội chợ phiên. Vậy trước tiên tôi sẽ nói về công việc của người hội chủ này. Có câu nói “Cứ có chợ là sẽ có kẻ bán người mua”, chợ hay hội chợ phiên cũng không nằm ngoài quy luật này. Ngày xưa có rất nhiều người lang bạt ngoài xã hội mưu sinh, đừng thấy những người này lận đận bôn ba mà lầm, ai cũng thông thạo một công việc nào đó, khi ra ngoài xã hội tự nhóm lại với nhau. Người có khả năng tập trung toàn bộ những người này lại một chỗ chính là hội chủ. Hội chủ phải là người có thể quan hệ với cả hai phái hắc bạch. Ông ta sẽ kiếm một khu đất trống để mở hội chợ phiên, đầu tiên là bỏ tiền ra thuê lại đất, thuê người dựng rạp thành từng dãy, sau đó kéo toàn bộ những người làm xiếc dạo bán hàng rong ở khắp nơi đến nơi đó. Có đủ loại hình từ bán thuốc dán, xem bói, lên mặt đỉnh, dạy gấu đen, bán đồ lễ, bán kim chỉ, kể chuyện Bình thư, hát tướng thanh (hát hài hước châm biếm), hát kịch, phim đèn chiếu, biểu diễn xiếc. Nói tóm lại, những người mưu sinh ngoài đường đó vào trong khu đất mà vị hội chủ đã thuê để buôn bán. Đến khi buôn bán xong, mỗi người đều phải trả một ít tiền cho vị hội chủ, đây chính là phần thu nhập của vị hội chủ. Nhằm làm cho hội chợ phiên náo nhiệt hơn, vị hội chủ còn phải mời đội cà kheo và đoàn kịch hát nhỏ đến biểu diễn. Trong căn nhà lầu của vị hội chủ này còn nuôi ăn ở một đội cà kheo của riêng mình. Những trang phục và đủ các loại đạo cụ biểu diễn cà kheo bình thường đều gửi lại ở trong nhà ông ta.
Ba người Quách sư phụ quan sát đồ vật bài trí trong phòng, cũng chỉ đơn giản là cái bàn tấm gương giường chiếu bình lớn cắm chổi không khác gì những gia đình bình thường khác. Chỉ có điều, tất cả những đồ vật này đều bị phủ một lớp bụi. Trong phòng vẫn còn dấu vết của trận lũ lụt năm nào, nhìn không thấy một bóng người, tràn đầy không khí ma quái không tài nào miêu tả được.
Lý Đại Lăng cảm thấy trên đầu lạnh buốt từng cơn, bèn ư ử ngâm nga vài câu kịch Nam sai vần lạc điệu để tăng thêm lòng dũng cảm cho bản thân: “Hảo hán mặt đen là Lý Quỳ, Tam quốc cũng có Trương Phi râu ria xồm xoàm, tay cầm roi thép là hắc Kính Đức, Bao Văn Chính ngồi trên điện ai dám đi qua?” Hai câu hát này đều là điển cố ở trong Diễn Võ Trấn. Theo cách nói của dân gian, hát kịch võ trong nhà có ma có thể xuôi đuổi yêu tà. Ngài đừng phản bác, hát hai câu này quả thật là có thể tăng thêm lòng dũng cảm, cho nên Quách sư phụ không hề ngăn cản y. Sau đó, y lại tiếp tục ngâm nga: “Hảo hán mặt trắng là La Thành, Cảnh Dương Cương đánh hổ là Võ Tòng, Nam Hổ là hiệu của Cao Quân Bảo, vượt Trường Bản là Triệu Tử Long. Hảo hán mặt đỏ là Vân Trường, giết người phóng hỏa là Mạnh Lương, cầm trong tay Đại Đao là Vương Quân Khả, Triệu Khuông Dận ngàn dặm tiễn mẹ lên kinh. Mặt xanh hảo hán là Chu Ôn, ngồi trên điện Sơn Tây là Trình Giảo Kim, Hà Nam Bá phủ Đan Hùng Tín, tay cầm đại đao là Cái Tô Văn. . .”
Ba anh em lần từng bước một lên cầu thang bằng gỗ bản dày cộp để đi lên trên tầng hai, lên đến nơi chỉ thấy tầng này có vài cái hòm gỗ to, cạnh tường dựng đầy cà kheo chiêng trống, bên trong hòm gỗ chỉ toàn là trang phục hóa trang, ngoài ra còn không ít đạo cụ. Trong số đó có một cái mặt nạ đầu gấu lông màu đen, dùng để hóa trang thành gấu đen đi cà kheo. Cái gương mặt rất hãi hùng lúc trước mà họ nhìn thấy qua cái cửa sổ hỏng có khả năng chính là vật này. Ba anh em khẩn trương cả buổi, đến khi thấy rõ chỉ là trang phục hóa trang đi cà kheo, ai cũng thở phào một cái.
Trong hội chợ phiên hoặc hội, biểu diễn cà kheo không chỉ đơn thuần chỉ đứng trên hai cái cây cà kheo cao làm bằng gỗ chạy đi chạy lại, mà còn phải biểu diễn các loại động tác khác trong quá trình di chuyển, thậm chí còn hóa trang vào điệu múa chèo thuyền, trông chuối cưỡi lừa, từ con mẹ đốp, cậu cả ngố, cho đến các nhân vật thần tiên yêu ma trong truyền thuyết dân gian. Bởi vậy, trong nhà người hội chủ hội chợ phiên có những vật dụng này cũng không có gì là kỳ quái. Lý Đại Lăng xì một cái, chửi đổng định tiến lên đập phá những cái mặt nạ thần tiên ma quỷ đó: “Tiên sư mười tám đời tổ tông nhà chúng nó! Thiếu chút nữa đã bị mấy cái vật vớ vẩn này dọa mất hồn, chẳng may truyền ra ngoài, thật sự có thể làm sập cái bảng hiệu của ba anh em ta.”
Quách sư phụ nói: “Huynh đệ đừng có chanh chua như mụ đàn bà ghen chồng thế, ai mà chả có lúc nhìn nhầm.” Dứt lời, ông ta tiến lên xem xét mọi nơi, từ tầng trên lẫn tầng dưới, kể cả gác xép, lần mò khắp mọi xó xỉnh. Nhưng bếp núc lạnh tanh không có hơi người, ngay cả chuột cũng không thấy bóng một con, chỉ có vài đồ vật đến trộm cũng không thèm ngó ngàng đến. Xem ra, hai năm qua ngôi nhà tầng này xác thực đã không có người nào ở, chỉ còn có tầng hầm là còn chưa xem xét. Ba người nghĩ thầm, đến nước này thì cũng chỉ còn vài bước chân nữa là xong; Thương lượng với nhau cứ đi xuống xem qua một chút rồi tính sau. Họ kéo cái nắp dưới chân bậc thang ra, bên dưới có một đoạn cầu thang bằng gỗ ngắn, sau khi đi xuống dưới phát hiện ra bên trong rất sâu, cái rét căm căm xuyên qua lỗ chân lông buốt đến tận xương tủy. Bốn vách tường được xây băng gạch xanh. Bề ngoài những viên gạch này trơn mịn bóng loáng, ẩn chứa âm khí giống như bên trong những ngôi mộ cổ. Nhìn kỹ lại thì đúng là gạch trong mộ cổ, không thể nào ngờ bên dưới thực sự lại là một ngôi mộ cổ.
Hai
Năm xưa, khi đào tầng hầm, người ta đã gặp một ngôi mộ cổ, nhưng không một ai biết là cái gì, chỉ biết đó là một cái hủng xây bằng gạch xanh. Mộ phần được xây rất chắc chắn, cho nên họ không động chạm gì đến nó, chỉ trát vữa lên mặt ngoài, biến luôn nó thành một phần của tầng ngầm.
Từ công viên Lý Thiện Nhân đến ngã tư đường khu nhà ngói nhà họ Ngụy, trong mắt người biết xem phong thuỷ mới hiện ra hình thế của nó, được gọi là thế Kim Vĩ Ngô Công, ao sen trong công viên Lý Thiện Nhân là đuôi, ngã tư đường chỗ khu nhà ngói nhà họ Ngụy là đầu. Nếu như phán định ở hai nơi này ẩn dấu mộ cổ có niên đại rất lâu đi chăng nữa thì cũng chẳng có gì là kỳ quái. Nhưng đến lúc này chỉ còn lại di chỉ của một ngôi mộ cổ, năm ngoái lại còn chìm trong nước lũ hơn nửa tháng, lớp vữa trát bên ngoài mặt tróc ra, gạch ở bốn vách tường của ngôi mộ đều đã lỏng lẻo.
Trong khi những ý nghĩ này lướt qua trong đầu, Quách sư phụ thò tay cạy một viên gạch ra, giơ lên trước mặt quan sát.
Lý Đại Lăng hỏi: “Ca ca cầm cục gạch đó có nghĩ ra cái gì hay không?”
Quách sư phụ nói: “Ta thấy đây là kim chuyên, chưa từng nghe đến gạch đánh Lưu Kim Đĩnh trong Hãm Hồn Trận hay sao?”
Lý Đại Lăng nói: “Thật sự là chưa từng nghe thấy chuyện này, có xuất xứ gì không?”
Quách sư phụ trả lời: “Đương nhiên là có xuất xứ. Thời Bắc Tống có một nữ tướng tên là Lưu Kim Đĩnh, từng gặp dị nhân được truyền dạy dị thuật, chỉ cần một con ngựa một thanh đao trong tay và Ngũ Hành Đạo Thuật là có thể lấy đầu thượng tướng giữa trăm vạn quân dễ như lấy đồ trong túi, mỗi khi hai quân giao tranh chưa bao giờ có địch thủ. Mãi cho đến khi quân địch mời được cao nhân bày Hãm Hồn Trận, dùng ba viên kim chuyên đánh chết Lưu Kim Đĩnh. Sau khi bà ta chết trăm ngày mà thi thể vẫn không thối rữa, chính là bởi bà ta có đạo hạnh. Nhưng qua đó có thể thấy được, bất kể là người biết tà pháp yêu thuật gì đi chăng nữa cũng đều sợ cục gạch. Cho dù không phải là kim chuyên, chỉ cần bị một cục gạch tầm thường giáng mạnh vào đầu, có kẻ nào chịu được đây.”
Nghe nói vậy, Lý Đại Lăng cạy một viên gạch trên tường phần mộ nhét vào trong lồng ngực.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o…c.o.m. Nếu như nhìn thấy người trong căn nhà, không cần nói một câu, trước tiên cứ dùng viên gạch này hỏi thăm sức khỏe trước đã.
Quách sư phụ nói như vậy, làm cho lòng dũng cảm của Lý Đại Lăng tăng vọt. Nhưng mục đích chính khi hắn cạy viên gạch cổ trên tường xuống thật ra là muốn xem cho rõ, liệu đó có thật sự là gạch ở trong mộ cổ không. Nếu như vùng Thiên Tân vệ này xác thực có mộ cổ thì năm sáu trăm năm vẫn chưa được coi là cổ, niên đại lâu hơn thế cũng có. Đừng thấy đến thời nhà Minh mới dựng vệ mà lầm, trên thực tế vào thời Bắc Tống nó đã là đầu mối quan trọng của tuyến đường vận chuyển theo đường sông. Những địa danh của nó như sông Tử Nha, Trần Đường Trang, đều xuất phát từ trong điển cố Vũ vương phạt Trụ. Lịch sử của nó phải khởi nguồn từ mấy ngàn năm trước kia. Mặt khác, dưới sâu vùng ven đô Thiên Tân vệ có rất nhiều hầm lò bỏ hoang, do người xưa đào đất để nung gạch tạo thành. Đa phần tên địa danh đều có chữ diêu (hầm lò), ví dụ như Ngô Gia Diêu, Nam Đầu Diêu chẳng hạn. Hễ là nơi nào trong địa danh có chữ Diêu thì đều có mặt bằng trung bình tương đối cao, bởi vì dưới lòng đất hoàn toàn là gạch nung, là gạch hỏng nung quá lửa không dùng được khi xưa, tầng tầng lớp lớp chồng chất lên nhau, không biết đã qua bao nhiêu năm tháng, dần dần đã biến thành mặt đất, so với những nơi khác cao hơn rất nhiều, cho nên mỗi lần xảy ra lũ lụt cũng không thể ngập đến những nơi này được. Nghe nói, phong thuỷ của chúng cũng không tệ, bởi vì phía dưới toàn bộ là gạch nung, không có mồ mả, là nơi ở sạch sẽ. Trong khi đó, trong số cư dân sống ở những nơi này còn có vài gia đình thợ thủ công nung gạch qua nhiều thế hệ, có tay nghề tổ truyền. Quách sư phụ có quen biết vài người như vậy, thường nghe họ nói chuyện về gạch, niên đại ra sao, gạch nung ra ở mỗi lò khác nhau thế nào. Ông ta nghe kể lại nhiều, nên cũng được coi là võ vẽ hiểu biết về phương diện này. Ông ta thấy gạch xanh trong tầng hầm thật sự là gạch để xây mồ mả, hơn nữa còn là loại gạch cổ trong những ngôi mộ thời xưa, mặt dưới có hoa văn hình Ngư Long, thực sự không phải là đồ vật thuộc về thời cận đại.
Bởi vì thời gian trôi qua quá lâu rồi, mặt đất đã biến đổi rất lớn, sửa đường dựng cầu xây nhà cùng với dòng sông ban đầu đã thay đổi dòng chảy, khiến cho thế phong thuỷ phát sinh biến hóa, cho nên Trương Bán Tiên cũng không thể nhìn ra thế phong thuỷ ban đầu ra sao, mà chỉ biết là đại khái là nằm ở khu vực ngã tư. Lúc này, họ tìm được ngôi mộ cổ mấy trăm năm trước, thấy quy cách của gạch dùng để xây mộ không phải loại bình thường, nhất định là một ngôi mộ nằm theo thế. Bởi vậy có thể để xác định, Kim Đầu Ngô Công Huyệt ở ngã tư khu nhà ngói nhà họ Ngụy tám chín phần mười chính là ngôi mộ cổ này.
Không khí trong ngôi mộ không thông thoáng, khiến cho ba người khó thở, cái đèn thủy nguyệt nhỏ trên tay chập chà chập chờn, thấy rõ nơi này ngoài bốn bức vách thì chẳng còn cái gì, là một ngôi mộ rỗng.
Quách sư phụ thầm nhủ trong lòng: “Khu nhà ngói nhà họ Ngụy hoàn toàn không có bóng dáng của Liên Hóa Thanh. Xem ra, không thể hoàn toàn tin vào giấc mộng tại cái miếu thổ địa ở Trần Đường Trang. Chuyến đi này hóa ra thành công cốc, trời mưa tầm tã khiến nước chảy qua lỗ thủng xuống mộ, không nói đến việc bị liên lụy chịu khổ, còn không công mất thời gian, còn gì đen đủi hơn thế này không?”
Ngài thử đánh giá xem sao lại tốn công vô ích như vậy. Ba người không thu hoạch được gì, vừa định quay người đi ra, đột nhiên nghe thấy bên trên ngôi mộ vang lên một loạt tiếng động “loẹt xoẹt~ loẹt xoẹt~” do người nào đó dẫm chân lên sàn nhà phát ra. Quách sư phụ chợt có suy nghĩ: “Trong lầu hoàn toàn không có người ở, ngôi mộ cũng trống không, bên ngoài trời lại đang mưa lớn như vậy, ai đang đi vào vậy?”
Trong lúc đang kinh ngạc, họ chợt thấy một vật lăn nhanh như chớp từ trên bậc thang xuống. Ngọn đèn trong ngôi mộ quá yếu ớt, vật đó lăn đến chân mà ông ta còn chưa thấy rõ là cái gì. Quách sư phụ hạ vừa cái đèn xuống xem cho rõ, giật mình không tự chủ được lùi lại nửa bước. Đó là một cái đầu người đầm đìa máu, mặt và cổ bê bết máu, vẫn đang trợn trừng hai mắt, ngửa mặt lên nhìn trừng trừng vào ba người họ, tròng mắt chuyển động, nhe răng nhếch miệng thực sự không biết là muốn cắn người, hay là muốn nói cái gì nữa.
Ba
Ba anh em giật mình đánh thót, đánh bạo giơ đèn lên trước để chiếu sáng. Họ nhìn thấy rõ ràng, một cái đầu người đầm đìa máu vừa mới bị chặt xuống khỏi cổ, lăn lông lốc từ trên cầu thang xuống hầm mộ. Gương mặt của cái đầu người đó co giật hai cái, đôi mắt trợn lên rồi bất động.
Trong lòng thừa hiểu, nhất định có kẻ vừa mới gây án trên tầng, ba người lập tức rút búa cán gỗ đàn ra, lao vọt lên trên cầu thang để chạy tới phòng khách. Ba người nhìn thấy một thi thể không đầu nằm trên mặt đất, bên cạnh có một người đang ngồi, sắc mặt như tro tàn, còn có một người phụ nữ nữa, ả ta chạy nhanh như một làn khói đen, vèo một cái lao vào trong góc tối tránh ánh đèn chiếu vào người. Đinh Mão nhanh tay lẹ mắt, vội đuổi theo nhưng lại chẳng thấy cái gì, giống y như gặp quỷ.
Ba người quay đầu lại, nhìn kỹ kẻ đang ngồi dưới đất. Hóa ra chẳng phải ai đâu xa lạ, đó là gã thủy tặc Ngư Tứ Nhi đã vớt được xác đứa trẻ ở ngã ba sông. Trong lòng ba người đều thấy khó hiểu, cái tên trộm khó ưa này tại sao lại chạy đến nghĩa trang nhà họ Ngụy? Kẻ bị chặt đầu kia là ai?
Quách sư phụ nói: “Ngư Tứ Nhi, mày thả lưới mắt nhỏ đã đủ lắm rồi, bây giờ lại khơi khơi dám ra tay sát hại người khác, riêng việc này đã đủ cho quan tòa phán mày tội chết.”
Đinh Mão nói tiếp: “Khá lắm, thằng trộm khó ưa thả lưới mắt nhỏ. Hàng năm trên dòng Hải Hà có nhiều người chết đuối như vậy, tại sao lại không đến lượt mày chết đuối vậy, tao ngày nào cũng chờ vớt xác ày đấy.”
Lý Đại Lăng cũng biết Ngư Tứ Nhi, mắng: “Đồ vô lại đến mồ mả cũng không tha, đồ thiếu đạo đức máu lạnh này, đến chỗ này ăn trộm được cái gì rồi?”
Ngư Tứ Nhi đang sợ tới mức hồn vía lên mây, vừa nhìn thấy ba người, lập tức tỏ vẻ ăn năn cầu xin cầu xin tha thứ: “Ba vị đại gia, ba vị đại gia, cả ba vị còn lạ gì bản thân tôi, dù cho thêm hai lá gan nữa tôi cũng không dám giết người đâu. Mọi người có nhìn thấy tôi đã sợ đến mức đái ra quần. . .”
Trong lòng Quách sư phụ thừa hiểu Ngư Tứ Nhi tuyệt đối không có gan giết người, bèn hỏi mọi việc cho rõ ràng rồi mới đánh giá sau. Ông ta hỏi gã vì sao lại chạy đến nghĩa trang nhà họ Ngụy, người bị chặt mất đầu là ai, kẻ nào đã ra tay. Quách sư phụ vừa hỏi vừa dọa Ngư Tứ Nhi, nếu không nói thật sẽ bảo Đinh Mão dùng búa chém chết gã.
Ngư Tứ Nhi không dám giấu diếm, hai năm rõ mười mà khai báo. Thì ra từ lúc thả lưới mắt nhỏ dưới chân cầu cũ vớt được xác đứa bé, gã đã sợ tới mức không dám bén mảng tới bờ sông nữa, trộm gà trộm chó khắp nơi sống qua ngày, sau đó kết bái anh em với một gã du côn có biệt danh là Gà con.
Có câu cửa miệng: “Người có ngay có gian, gỗ có tốt có xấu”, hai gã lưu manh này không có chút phẩm chất gì là tốt đẹp, chuyên rình mò người khác hở ra cái gì là trộm cắp, không bao giờ làm được việc gì tốt.
Thiên Tân vệ gọi trứng gà là gà con, nhưng xét lại cho kỹ, đầu của cái tên du côn Gà con này bóng loáng, còn hơn cả trứng gà. Tên này hành xử ngang ngược, ngạo mạn không coi ai ra cái gì, ăn mặc lố lăng, hai tay xăm trổ, ăn cơm không bao giờ trả tiền. Nếu có ai dám tìm hắn đòi tiền, kẻ này sẽ bẻ gãy ngón tay của người đó. Tuy nhiên hắn chỉ là hạng mềm nắn rắn buông, hạng người chân chính lợi hại, kẻ này không bao giờ dám trêu vào.
Hai ngày trước, Gà con và Ngư Tứ Nhi đang đi dạo trên đường thì nhác thấy một người đẩy một cái xe một bánh bán kẹo bọc đường. Người bán là một người ngoại tỉnh hiền lành, có vẻ như mới vào thành không lâu. Hắn nháy mắt Ngư Tứ Nhi, Ngư Tứ Nhi vội hấp tấp tách ra ngồi phệt xuống bên vệ đường, giả vờ làm một người đang rỗi việc ngồi chơi.
Gà con vừa vuốt cái đầu trọc của mình, vừa tiến lại gần cái xe bán kẹo bọc đường, không hề nói một câu mà chỉ nhìn chằm chằm vào người bán kẹo.
Người bán kẹo nhận ra kẻ này là người không dễ chọc, đi lại nghênh ngang, đầu cạo bóng loáng, trên đầu dán hai miếng cao, đầu nghiêng bên nọ ngả bên kia, mắt liếc ngang liếc dọc, huyệt Thái Dương gồ lên, quai hàm bạnh ra, toàn thân đầy xăm trổ, thấy ngay là du côn, vội vàng trưng ra gương mặt tươi cười hỏi: “Ngài có muốn ăn kẹo bọc đường không?”
Gà con giống như mèo bị dẫm phải đuôi, hung tợn quát ầm lên: “Mày hỏi ngu bỏ con mẹ, không ăn kẹo bọc đường thì đến đây ngó hay sao?”
Người bán bánh không dám đắc tội hắn, vội nói: “Chỗ này có kẹo bọc đường, bánh gạo nếp nhân đậu, bánh táo rắc hạt kê vàng, ngài muốn ăn loại nào? Cần bao nhiêu cái?”
Gà con không thèm hỏi giá mà chỉ hỏi loại kẹo bọc đường nào dẻo. Nghe người bán trả lời gạo nếp là là gạo dẻo, nên loại kẹo này là dẻo nhất, hắn há miệng đòi mua hai cân.
Bán hàng rong phải trung thực, không thể nào gian dối cân lạng, nếu không thì không bán được cho ai, mà cho dù gian dối cân lạng thì cũng không dám gian dối cái hạng trọc đầu này, kẻ này rõ ràng là đến kiếm chuyện. Người bán kẹo bọc đường cẩn thận ứng phó, cắt ra một miếng bánh gạo nếp nhân đậu to, vừa mới hấp chín, vẫn còn nóng hôi hổi, cân lên hai cân ba tươi nhưng chỉ tính hai cân, sau đó lấy lá sen bọc lại kỹ lưỡng rồi mới cẩn thận từng li từng tí đưa cho Gà con .
Gà con cầm lấy, không trả tiền, mà hắn cũng đâu có ý định trả tiền, một tay cầm gói bánh, một tay bóc lá sen, cau mày nói: “Tao bảo này, cái bánh này thiếu nguyên liệu rồi, mày cứ tự nhìn mà xem, tại sao lại chỉ có gạo nếp mà không có nhân đậu? Thế này mà mày còn không biết xấu hổ đòi tiền?”
Người bán bánh kẹo oán thầm, chạy từ bên xe bên kia sang, thanh minh: “Ngài nhìn lại đi, nhân đậu đâu có ít đâu. . .”
Anh ta còn chưa dứt lời, Gà con đã úp cả cái bánh gạo nhân đậu nặng hơn hai cân đang còn nóng hôi hổi vào mặt người bán kẹo, tiện đà giật luôn cái cân trong tay anh ta.
Người bán kẹo không nhịn nổi nữa, đã ăn chùa không trả tiền còn đánh người. Những người đi kiếm sống ngoài đời có kẻ nào là dễ bắt nạt. Anh ta vuốt bánh trên mặt, xông lên định liều mạng. Gà con giật được cái cân là quay đầu bỏ chạy, người bán kẹo đuổi riết phía sau.
Vẫn bàng quan ngồi nhìn, Ngư Tứ Nhi thấy người bán bánh đã chạy đi xa, bèn đứng dậy đẩy chiếc xe chạy một mạch vào trong ngõ nhỏ.
Người bán kẹo đuổi không kịp, đến khi trở về thì đã thấy cả xe bánh lẫn hộp tiền đều không còn bóng dáng.
Thường thường, hai thằng bại hoại Ngư Tứ Nhi và Gà con đều dùng phương thức bẩn thỉu này để trộm cướp. Ngày hôm đó cướp xe bánh bỏ chạy, đợi lúc hội họp lại, được bao nhiêu tiền, hai thằng sẽ chia nhau.
Hôm ấy, chẳng hiểu do ma xui quỷ khiến thế nào, Ngư Tứ Nhi hoảng hốt chạy bừa, dốc sức đẩy chiếc xe chạy một mạch đến cuối một ngõ cụt, thẳng tay vứt nó lại, lấy sạch tiền trong hộp nhét vào trong ngực áo. Nhưng bán kẹo bọc đường thì có được mấy hào chứ, chỉ là một nắm vài đồng tiền xu trinh. Ngư Tứ Nhi không cam lòng, khi đi lộn trở ra thì nhìn thấy một dãy phòng mặt tiền trong ngõ hẻm, trong số đó có một căn phòng khóa cửa nhưng cửa sổ tầng trên cùng lại đóng không chặt. Y là kẻ cắp chuyên nghiệp, chỉ cần nhìn một cái là đã biết có thể lọt vào. Thừa dịp không có người, y cạy cửa sổ tầng trên rồi lẻn vào. Còn chưa kịp ra tay, y chợt nghe bên ngoài phòng vang lên tiếng mở khóa, rõ ràng là chủ nhà đang về nhà. Ngư Tứ Nhi thầm rủa không may. Nhưng gan ăn trộm của y không nhỏ, cũng có một chút lanh trí của kẻ trộm cắp, y thừa hiểu nếu để cho người ta bắt tại trận ít nhất sẽ bị dần ềm xương, không khéo còn phải vào nhà lao ngồi chơi. Trong đầu lóe ra một cách, y lách mình trốn vào trong tủ quần áo, lén lút quan sát tình hình bên ngoài, chỉ chực có cơ hội thuận lợi là chuồn đi. Nhưng y tuyệt đối không thể tưởng tượng được, cảnh tượng mà y nhìn thấy sau khi trời tối thiếu chút nữa đã làm bản thân chết khiếp vì sợ.
Bốn
Những người ở trong căn phòng đó là một cặp vợ chồng son, kết hôn chưa được một năm. Người chồng đi buôn bán ở nước ngoài, để lại cô vợ đang mang bầu ở nhà một mình, bởi không yên tâm nên thuê một người vú già về chăm sóc. Mùa hè tiết trời nóng bức, cửa sổ tầng trên cùng không đóng kỹ. Ngày hôm ấy, cô vợ cùng người vú già đi ra ngoài dạo chợ, mua xong đồ ăn là trở về, đâu có nghĩ đến chỉ trong chốc lát ấy đã có người lẻn vào nhà.
Người được thuê đến chăm sóc cô vợ tên là Vương tẩu, chạy nạn từ Sơn Đông đến, tính cách đáng tin cậy, được giao cho quán xuyến những công việc mua thức ăn nấu cơm, buổi tối ngủ ở gian ngoài, đồng thời làm bạn với cô vợ luôn. Hai người về đến nhà, nấu cơm lên ăn xong, cô vợ đã mang thai tháng thứ bảy thứ tám, bụng nhô cao, thân thể trở nên nặng nề, không chịu được ngồi lâu, ăn xong tắm rửa lên giường nằm. Vương tẩu kéo cái ghế lại ngồi ở bên cạnh giường, trên bàn có một khay đồ đan, bà ta vừa buôn chuyện giải buồn cho cô vợ vừa luôn tay thêu thùa may vá.
Ngư Tứ Nhi suy tính đợi đến khi Vương tẩu và cô vợ đều đã lên giường ngủ, y sẽ rón rén chuồn đi. Nhưng có ngờ đâu được, hai người này buôn chuyện tào lao cho đến lúc trời tối đen mà vẫn còn chưa chịu ngủ, khiến cho y cực kỳ sốt ruột. Trốn trong tủ quần áo lén lút canh chừng bên ngoài, hai chân đều đã cứng đờ lại rồi, khó chịu không sao tả xiết, trong lòng hối hận khỏi phải bàn, hối hận vì đã nổi lên ý nghĩ gian tà, nếu không đã không đến mức bị người ta cầm chân trong phòng không ra được. Hai người phụ nữ chủ nhà và giúp việc này, thực ra y không quan tâm, mà chỉ sợ không may lộ ra, kinh động đến hàng xóm láng giềng. Y trốn trong tủ quần áo không dám thở mạnh đến một cái, chỉ mong chờ hai người phụ nữ này mau chóng đi ngủ, chả hiểu lấy đâu ra lắm chuyện mà buôn đến thế?
Nói chuyện đến tầm giữa canh hai và canh ba, cô vợ đã mệt mỏi, lúc ấy mới nằm xuống ngủ. Vương tẩu vẫn ngồi dưới đèn, cố thêu nốt món đồ đang làm dở. Ở ngay cửa phòng đặt một cái chăn trải sàn, bởi vì phụ nữ có thai hành động không tiện, buổi tối đi tiểu đêm hoặc có chuyện gì, cô ta có thể thức dậy bất cứ lúc nào, có sẵn chăn đệm ở đó nằm ngủ luôn. Ngư Tứ Nhi thừa hiểu lúc ấy vẫn chưa thể đi ra, bởi vì hai người vừa mới nằm xuống, còn chưa ngủ say, đành phải đau khổ chịu đựng. Lại đợi thêm một lúc lâu nữa, nhận thấy Vương tẩu và cô vợ đều đã ngủ sâu rồi, y nắn bóp hai cái đùi đã tê cứng, vừa mới định đẩy cửa tủ quần áo đi ra ngoài thì chợt nghe thấy cửa sổ gian ngoài chợt rít lên một tiếng két rất nhỏ. Ngư Tứ Nhi làm nghề gì chứ, y là kẻ chuyên môn lẻn vào nhà người khác trộm cắp. Y nhận thấy tiếng động đó khác thường, giống như có trộm đang thử thăm dò đẩy cánh cửa sổ đó từ bên ngoài, nhưng sợ đánh thức người đang ngủ trong phòng nên không dám mạnh tay, chỉ từ từ nhẹ nhàng mà đẩy cánh cửa sổ.
Ngư Tứ Nhi thầm than khổ, tự nhủ không may, đen đủi đến thế là cùng, không biết là kẻ trộm từ đâu nhảy ra nữa?
Buổi chiều về đến nhà, lúc nấu cơm Vương tẩu đã phát hiện ra cửa sổ vẫn chưa đóng kín, sợ có trộm lẻn vào nên đã vội vã chốt chặt lại rồi. Ngư Tứ Nhi đã tận mắt nhìn thấy quá trình đó, đến lúc ấy nghe thấy tên trộm ngoài cửa sổ đẩy vài cái. Thấy không đẩy ra được, kẻ đó lập tức lật mái nhà lên, động tác nhẹ nhàng đến mức thần kỳ, Ngư Tứ Nhi phải căng tai lên mới nghe thấy được, còn hai người đang ngủ trong phòng không phát giác ra bất cứ điều gì. Chỉ một chốc sau, một bóng đen nhảy từ trên nóc nhà xuống, rơi xuống mặt sàn nhẹ nhàng như một chiếc lá cây, không phát ra một tiếng động nào.
Ngư Tứ Nhi thầm nhủ trong lòng: “Khinh công tốt con mẹ nó thật! Từ khi xử bắn Hoạt Ly Miêu, chưa từng nghe nói Thiên Tân vệ còn có phi tặc lợi hại như thế, kẻ này ở đâu đến đây vậy?”
Y nín thở, trợn trừng mắt quan sát bên ngoài tủ quần áo, nhưng đèn trong phòng đã tắt, chỉ có thể nhìn thấy một bóng hình đen thui, thể hình rất lớn, hai đầu vai nhô cao, hai cánh tay rất dài còn những chi tiết khác đều không nhìn rõ. Bóng đen đó rón ra rón rén đi đến cạnh giường, nhìn chằm chằm vào người vợ đang nằm ngủ.
Ngư Tứ Nhi cứ tưởng đó là một tên hái hoa dâm tặc. Lúc bấy giờ, trăng chợt ló ra khỏi mây, ánh trăng xuyên qua lỗ thủng trên nóc nhà giúp y nhìn thấy rõ trong phòng có một một người, toàn thân bao bọc kín mít, đầu đội một cái khăn trùm đầu. Khi kẻ đó xoay người lại, lộ ra một gương mặt khỉ giống hệt như Thiên Lôi, đôi mắt rực sáng vẻ ma quái, khiến cho Ngư Tứ Nhi sợ đến mức mặt vàng như đất, bịt kín miệng của mình, cố gắng nhịn lại tiếng thét kinh hãi sắp ra khỏi miệng. Rõ ràng đó là một con khỉ ngựa khổng lồ toàn thân lông lá, ăn mặc giống hệt như một người phụ nữ. Hành tích của nó ma quái, nửa đêm đột nhập vào nhà người ta bằng đường nóc nhà, cởi quần rướn mông phụt ra một làn khói xanh. Ngư Tứ Nhi trốn ở trong tủ quần áo, đù đã bịt kín miệng mũi những vẫn ngửi thấy một mùi tanh tưởi, nồng nặc đến mức váng đầu mắt tối sầm, thiếu chút là hôn mê. Còn hai người đang ngủ trong phòng đều bị bất tỉnh vì ngạt thở, dù sét đánh bên tai cũng không thể tỉnh lại.
Con khỉ ngựa khổng lồ thong dong điềm tĩnh kéo quần lên, lén lén lút lút đi đến bên cạnh giường, vươn bàn tay lông lá ra moi móc ở giữa hai chân của người phụ nữ đang mang thai.