Đọc truyện Hạ đỏ – Chương 16
Chương 16
Tôi gặp lại Út Thêm vào sáng hôm sau.
Ăn cơm sáng xong, chờ cho Nhạn và Dế đi ra đồng, tôi liền tót ra trước cổng nhà ông Hai Đởm, tha thẩn dạo tới dạo lui. Tôi vừa ngóng về phía cầu tre trông chừng Út Thêm, vừa lấm lét nhìn quanh, sợ anh Thoảng hoặc thằng Thể thình lình bắt gặp.
Một lát sau, Út Thêm xách giỏ đi ngang. Hôm nay không có thúng thóc đội trên đầu, trông nó duyên dáng và mềm mại hơn. Nhác thấy tôi, nó mỉm cười hỏi ngay:
– Xoài của Út đâu ?
Trời đất, sáng sớm gặp tôi, nó không thèm chào hỏi mà nhắc ngay đến chuyện ăn uống! Con nhỏ này… tham ăn dễ sợ! Tôi than thầm trong bụng và bối rối xòe tay ra:
– Đâu có đây! Tôi cất trong nhà. Lát nữa, đợi Út Thêm đi chợ về, tôi mới đưa.
Út Thêm không nói gì. Nó cười với tôi thêm một cái nữa và tiếp tục… đi thẳng.
Tôi đứng nhìn theo Út Thêm một hồi lâu. Cho đến khi nó rẽ ngoặt sau một khúc quanh, tôi mới lững thững bỏ vào nhà.
Tôi lục chồng tập của Nhạn, xé một tờ giấy và nắn nót viết một dòng chữ to tướng “Hôm nào tôi ghé nhà Út Thêm chơi nghen!” Xong, tôi gấp tờ giấy lại bỏ vào túi áo. Rồi tôi trèo lên đầu tủ, lấy trái xoài giấu trên đó, cho vào túi quần. Trước khi đến chỗ hẹn, tôi còn đi vòng ra sau bếp, rút cái cần câu Nhạn nhét trên mái lá, cầm theo.
Trang bị đâu đó xong xuôi, tôi thả bộ xuống cầu tre. Ngồi bên chân cầu, tôi ngoan ngoãn đóng vai Lã Vọng. Xưa, ông Lã Vọng câu cá bằng lưỡi câu thẳng đuột. Nay tôi câu cá chẳng có lấy một con giun. Nhưng tôi khác ông. Ông chờ sự nghiệp. Còn tôi, tôi đợi… tình yêu.
Tình yêu đi chợ đến trưa trờ trưa trật. Mặt trời gần đứng bóng, nó mới đủnh đỉnh về ngang.
So với lần trước, lần này tôi đã bớt đần độn hơn. Vừa thấy bóng Út Thêm từ xa, tôi đã đứng bật ngay dậy, miệng cười toe toét.
Út Thêm thong thả tiến lại. Nó nhìn cái cần câu đang vung vẩy trên tay tôi, mỉm cười:
– Anh đang câu cá hả ?
– Ừ.
– Câu được mấy con rồi ?
– Chẳng được con nào hết.
– Chẳng được con nào ? – Út Thêm tròn mắt.
Tôi gật đầu và vung cần trúc lên. Tôi đưa qua đưa lại cái lưỡi câu sáng loáng trước đôi mắt mở to của nó, hắng giọng nói:
– Tôi đâu có móc mồi.
– Không móc mồi làm sao câu cá được? – Giọng Út Thêm kinh ngạc.
Tôi cười:
– Tôi đâu có câu cá.
Tôi nói thật nhưng Út Thêm coi bộ không tin. Nó tưởng tôi thích giễu hề. Vì vậy, nó cười:
– Anh chỉ đùa!
Tôi liếm môi:
– Tôi nói thật mà. Tôi chỉ giả bộ câu cá thôi. Tôi ngồi đây chính là để… đợi Út Thêm.
Những tiếng cuối cùng, tôi nói một cách khó khăn. Dường như nỗi xúc động đã khiến tôi đánh mất tự nhiên. Nhưng Út Thêm chẳng để ý đến vẻ lúng túng của tôi. Đối với nó, thế giới chẳng có gì thay đổi sau câu nói “tình tứ” của tôi. Hẳn nó xem việc tôi ngồi đợi nó ở chân cầu hay thằng Dư ngồi đợi nó ở nhà cũng chẳng khác gì nhau. Nó reo lên một cách hồn nhiên:
– A, anh đợi Út để đưa xoài phải không?
Út Thêm làm tôi buồn quá chừng. Tôi uể oải móc trái xoài trong túi quần ra đưa cho nó:
– Nè!
Út Thêm cầm lấy trái xoài. Nó mân mê một hồi rồi bỏ vào giỏ:
– Thôi Út về nghen! Trưa rồi!
Giọng Út Thêm hờ hững. Nó từ giã tôi, cũng vội vã như những lần tôi từ giã nhỏ Thơm. Ý nghĩ đó khiến tôi ai oán:
– Trưa đâu mà trưa!
Út Thêm không buồn cãi nhau với tôi. Nó chỉ nói:
– Út phải về nấu cơm!
Lý do của Út Thêm chính đáng đến mức tôi không dám giở giọng nài nỉ. Tôi chỉ lẽo đẽo đi theo nó và chờ lúc nó không để ý, tôi nhanh tay móc tờ giấy trong túi áo ra tuồn vào chiếc giỏ trên tay nó.
Út Thêm chẳng hay biết gì. Nó vẫn vô tình rảo bước, không hay trái tim tôi đang nằm trong giỏ đồ chợ của nó, đang cựa quậy không ngừng giữa mớ rau, mớ cá tanh nồng.