Giống Rồng

Chương 94: Đỗ Động binh biến


Đọc truyện Giống Rồng – Chương 94: Đỗ Động binh biến

Anh chàng chủ quán vừa đặt lưng xuống chõng, nghe tiếng gọi của quan nhân lại ngồi dậy nghe ngóng. Bọn nô gia trong quán thì thào với viên khách. Cao Sâm đập bàn đập ghế quát tháo giữa đêm thanh:

– Tổ cha đứa nào dám bắt ông. Có giỏi thì xông hết vào trong này.

Đám sai nha khi nãy vẫn còn đứng ở góc phố cách quán chừng năm mươi thước chia chác số bạc vụn trong túi. Nghe tiếng hét bọn chúng liền quay lại. Ánh đèn phụng lại thắp sáng trong quán.

Tay cầm đầu đám sai nha hống hách:

– Thằng nào vừa quát lớn ra đây? Bọn này chưa đi khỏi được mấy bước mà đã sau lưng thách thức bọn này.

Một vò rượu từ đâu bay tới, vỡ tan nát trên đầu tên lính lệ. Máu chảy ròng từ đỉnh đầu xuống mặt, lăn qua cổ rồi thấm hết hai vai. Tên sai nha rút gươm trợn trừng mắt:

– Thằng ôn nào có giỏi thì bước ra.

Cao Sâm nói giọng ngà ngà:

– Cái lũ chó các ngươi. Không nhận ra bổn tướng là ai hả?

Một tên lính lệ mặt lấm lét từ phía sau bước tới thì thầm với tên sai nha:

– Hai người này là tướng dưới trướng của Hàn Lâm.

Tên sai nha nhếch mép cười:

– Ra là bọn bại tướng ở Thái Bình. Có giỏi thì mấy thằng bại tướng chúng mày làm gì tao đi!

Ánh sáng chói lòa hắt từ thanh kiếm sắc rút ra bao kiếm giắt hông Trung Hùng, Cao Sâm đâm trúng tim tên sai nha. Tên sai nha chẳng kịp phản ứng, mắt trợn ngược, miệng ngậm chặt chỉ tay về phía Sâm. Tên ấy lăn ra chết trước mặt toàn thể bọn lính lệ và đám nô tài trong quán.

Trung Hùng mặt tái nhợt, lắp bắp nói:

– Anh vừa giết người đấy!

– Giặc ngoài phải giết, giặc trong cũng chẳng thể tha. Kẻ làm tướng để cho mấy thằng mặt giặc trong thành chỉ biết đi ăn tiền bẩn lên mặt hống hách, há anh có thấy đáng mặt làm tướng hay không?

Hai người đó kẻ chân chữ bát, người ngả nghiêng lảo đảo khuôn mặt nhớp nháp đầy máu như vừa đánh trận bước ra khỏi quán rượu. Hạ Trung Hùng hát câu hát vùng Giang Hạ đỏng đảnh như đứa con gái tuổi mới lớn. Cao Sâm thì ngâm mấy khúc hành ca của quân đội đất Trường Sa chẳng ăn nhập giữa màn đêm tĩnh lặng của La Thành. Tiếng chí chóe, cãi cọ về mấy câu hát của hai kẻ người Hoa Hạ càng khiến cho người ta nhức tai.

Nói vậy thôi chứ chẳng có lấy kẻ nào to gan lớn mật ra khỏi nhà mà tò mò hai kẻ đang nhí nhỏe ngoài kia bởi ai cũng sợ. Giọng tứ xứ là cái chuyện quá đỗi quen thuộc ở cái đất này rồi, toàn kẻ chẳng ra gì đất Bắc mới lánh nhờ đất Giao Châu này làm “bọn cướp ngày”. Mà nào có phải cướp mỗi ngày đâu, cả cướp bất cứ lúc nào chúng còn thức.


Nghe kể đêm nọ, ở căn nhà tranh nào đó trong thành, giữa cái trăng thanh gió mát phát ra cái thứ âm thanh luyến ái cũng bị chúng xông vào bắt bớ. Thằng thì dọa cho rũ tù, thằng thì kéo ả đàn bà trong cơn hoan lạc kia chơi cái trò cưỡng bức, bêu giếu chẳng phải của con người.

Ai ở La Thành này thoạt đầu còn chưa quen chứ ở dăm bữa nửa tháng đều thuộc làu làu mấy cái giọng Hoa Hạ của tên sai nha, cái giọng sầu bi não ruột của tên lính lệ. Trẻ con nhà nào cũng phải cho đi ngủ từ sớm, nhà nào có người ngủ ngáy thì phải nhét cả củ khoai ngậm suốt đêm cho khỏi bị chúng để ý. 

Dân La Thành tiếng là thủ phủ của xứ An Nam mà đi thì nào dám ngẩng đầu, ăn đâu dám mạnh, thở ra khẽ tiếng, ngủ thì ngậm khoai, lắc đầu ngao ngán đến tận cùng. Mà nghĩ ra ngoài kia giặc cướp hoành hành, chiến tranh giành giật còn khổ ải hơn. Thôi thì cứ “ngậm bồ hòn làm ngọt”, “nhai ớt hạt không cay” ở lại cái đất này.

Tiếng chó sủa vọng xa nơi cửa Bắc La Thành, tiếng hò tiếng réo của hai viên tướng người Hoa Hạ cũng dần loãng. Bọn nô tài trong quán rượu túm tụm xì xào bàn tán. Máu vẫn còn nguyên trên mấy khuôn mặt tội nghiệp của bọn chúng, thằng nô tài mặt già nhất trong đám run run bẩm với mấy tên lính lệ:

– Xin các ngài tha cho tội chết.

Một tên lính lệ đay nghiến nói:

– Mẹ cha cái lũ khốn nạn. Giết người phải đền tội! Thằng chủ quán đâu? Mày còn trốn trong đấy hả?

Hai tên lính lệ xông thẳng vào gian phía sau của quán, đập vỡ mấy cái chum lớn đầy rượu nồng nặc. Đập đến chum thứ chín thì thấy cái anh chàng đó đang khúm núm che mặt. Hai tên lính lệ bắt tội anh chàng chủ quán tội nghiệp ấy ép quán phải đền tội cho hai kẻ đã giết người của bọn chúng ở quán rượu.

Tranh cãi một hồi, một tên sai nha cầm kiếm lên dọa. Từ gian bên phải, Trần Khôn mắt nhắm mắt mở, miệng ngáp, tay duỗi được một tên nô tài miệng rộng đến mang tai, đôi môi mỏng luôn miệng nói “Chính là hai người đó! Chính là hai người đó”.

Họ Trần răn từng đứa một trong quán cả bọn sai dịch chẳng một thằng nào dám hé răng. Tên chủ quán thuật lại hết chuyện cho Khôn nghe. Lại được cái anh chàng đứng bên cạnh mỏng môi hót luyến thoắng càng khiến Khôn thêm giận.

Khôn giận lắm, sai người bắt họ Hạ và họ Cao tới ngục ngay tức khắc. Hai người đó người mềm nhũn vì rượu bị bọn lính tráng dưới quyền Trần Khôn, bọn này chẳng sợ kẻ nào ở Tống Bình mà dễ dàng ép hai kẻ ấy nhận tội.

Sáng ngày sau, Hàn Lâm cho người báo quân tình nguy cấp cần tiếp viện từ Hạ Trung Hùng và Cao Sâm. Trần Khôn nhất quyết không thả người còn viết cáo trạng luận tội hai người đó sai tên báo tin truyền lại ý cho Lâm.

Hàn Ước biết chuyện nhưng cho rằng Khôn có lý nên khuyên giải cháu mình. Hàn Ước lập tức trở về La Thành để điều động thêm binh mã đối phó với nghĩa quân người Nam. 

Trên đường đi tới phủ điện, Ước có đi qua quán rượu đêm qua hai viên tướng dưới quyền lộng hành giết sai nha. Họ Hàn không khỏi ngạc nhiên, quán vẫn cứ đông đúc như thường.

Hỏi ra mới biết ở quán này có người tên là Trương Tính, vốn là người nấu cơm cho tội nhân năm xưa dưới thời Lý Nguyên Gia. Người này bị vấy tội lên đầu giết Vương Thăng Đức và Kiều Chung Tiềm mà trốn ở quán rượu này. Sau này họ Hàn tới mới được minh oan, nhờ thế mà nức tiếng, quán chẳng bao giờ thiếu khách dù cho trời có sập xuống.

Vào gian quán, thấy một ông lão hơn bảy mươi, da dẻ hồng hào, miệng cười phúc hậu đang thư thái thưởng thức hương Mộc lan. Họ Hàn cúi đầu chào hỏi:

– Lão là thần tiên chốn nào?

– Lão Trực Hiến cúi chào đại nhân. Lão dân đen nào có phải tiên thần. Mời đại nhân ghé quán xem hoa, ăn món đặc biệt của cháu ta.

Hàn Ước tự nhiên cảm thấy lòng bùi ngùi đến lạ. Ước đi vào chọn lấy chỗ ngồi hôm qua ba người kia ngồi. Ngậm chút canh riêu, Ước thấy lọng nhẹ tênh, khoan khoái, ấm áp cả cơ thể dẫu cho ngoài kia buốt giá.


Anh chàng khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt tinh khôi họ Trương tên Tính cúi chào Ước. Họ Hàn cho phép anh ta ngồi thưa chuyện. Bấy giờ Tính mới kể lại chuyện đêm qua ở quán.

Đoạn kể đến Trần Khôn lộng quyền tự ý xử hai viên tướng dưới trướng của Hàn Lâm, Ước rùng mình phun hết gạch cua vào mặt Tính. Ước giận dữ đập bàn quát tháo:

– Ta tin tưởng họ Trần kia giao cho Tống Bình. Cứ ngỡ là hắn vẫn trọng lời của ta mà nào ngờ hắn lại tỏ ra tiểu nhân, ích kỷ đến vậy. Xưa lời nói của lão già họ Đặng ta nghe thấy chướng tai nhưng ôi sao mà chua chát thế! Giờ nó nghiệm vào đúng lúc nguy nan! Trời không thương ta, người không dung ta nữa hay sao!

Hàn Ước nổi cơn tam bành, bắt Trần Khôn nhốt vào ngục tối. Trần Khôn phân trần mỏi miệng mà họ Hàn bỏ hết ngoài tai. Ước cắn răng giam kẻ mà Ước vẫn cho là kẻ sẵn sàng chết vì mình. Trần Khôn nói hết ruột gan cũng không cứu vãn được ý đã quyết của họ Hàn.

Ước sai người ổn định lại Giao Châu, một tuần sau mới sai Trung Hùng và Cao Sâm mang viện binh tới Đỗ Động. Họ Trần trong ngục tối u uất, giờ Sửu ngày Tuất, Khôn treo cổ chết trong ngục.

Bấy giờ, Dương Chí Liệt sau nhiều ngày chống cự quân của Hàn Lâm, nghe lời Sĩ Giao dụng kế đã bắt được bộ tướng của Hàn Lâm là Trịnh Đồ. Họ Trịnh kiên quyết không ăn uống, cũng không hé răng khai lấy một lời, không phục cái mưu mẹo của Bá Nam quân sư. Quyết sống mái với nghĩa quân đến cùng.

Tướng họ Đỗ là Phụng Quán huyện Vô Công đã ngỏ ý với Chí Liệt rằng:

– Tôi làm tướng cũng đã chục năm nay, trước đó theo Đỗ huyện úy làm dân chài cũng lăn lộn, kinh qua nhiều phen sống chết cũng như họ Hàn và Đồ kia. E là giữ chẳng thể giúp ích cho ta. Chi bằng cho hắn toại lòng, Bình Nam thiện tướng anh hãy đãi hắn một bữa no nê. Rồi khích hắn đánh với tôi một trận. Cái tính háo thắng của người này không dễ nào chịu khuất phục. Cứ để tôi chém chết hắn thị uy cũng là lời khẳng định sức mạnh của nghĩa quân, không chỉ có mưu lược mà có cả dũng uy.

Bình Nam thiện tướng nheo mắt, rồi nhìn Phụng Quán gật đầu đồng ý.

Hai ngày sau, sức lực đã phục hồi, Trịnh Đồ được Bình Nam trao trả ngựa chiến cùng cây Việt (rìu lớn có lưỡi nhỏ ở lưng rìu). Bình Nam khéo khích được Đồ chạy tới bờ suối Yến gặp Phụng Quán đang luyện binh bên bến sông Đáy thì hò hét thách chiến với họ Đỗ.

Phụng Quán vung huyền đao chống đất, vuốt râu dài, mặt tựa cọp hung dữ:

– Huyền đao này họ Trịnh ngươi chịu được mấy chiêu? Phụng Quán sẽ nhường ngươi ba hiệp.

Nói rồi, Quán cười vang vang, huyền đao bay vèo vèo trong gió, nhanh như tia chớp mùa hạ, từng đòn ra nặng tựa nghìn núi đổ, tiếng đao thanh sắc khiến ba quân nghe thấy đã dựng tóc gáy, khắp toàn thân gai lạnh. Lá khẽ rơi lướt chạm lưỡi đao, ôi thân lá đã chia nửa làm hai. 

Quân lính hò hét ầm vang, Trịnh Đồ lao ngựa tới chỗ của Phụng Quán, dùng cây Việt bung hết sức hòng cướp lấy mạng của viên tướng người nam. Ba hiệp đầu, kình tướng dùng đòn đao chống trả lại sức mạnh cây Việt lớn. Hất tung Việt, Phụng Quán kéo cương ngựa lui lại, mày dựng lên, miệng khẽ nở nụ cười:

– Sức cùn như lợn ốm mà cũng muốn đọ tài. Ta cho ngươi thêm năm hiệp nữa ta chỉ dùng đòn đao chống cự. Xem tài nghệ của đám người Hoa Hạ các người!

Một chiêu cho đến năm chiêu, đến cả hai mươi hiệp, Phụng Quán vẫn chỉ dùng đòn đao chống cự. Rồi đột nhiên Phụng Quán vung lưỡi đao trúng cây Việt khiến Trịnh Đồ lảo đảo. Phụng Quán xuống ngựa, kéo lưỡi đao trên đất thành rãnh lớn xông tới lia một đường ngang ngực ngựa. Trịnh kéo ngựa tránh đường đao, kình tướng thoăn thoắt quay lưỡi đao hướng dọc lên, không cần đà đao xẻ ngựa làm hai.

Trịnh Đồ ngã ngựa chạy tới ngựa lấy ngựa của họ Đỗ vượt suối Yến chạy về phía bắc. Đỗ Phụng Quán lấy một con ngựa khác đuổi theo, ba quân cũng reo hò rượt họ Trịnh.

Trịnh Đồ giữa đường tháo lui gặp Cao Sâm dẫn binh về phía nam liền bảo Sâm quay đầu. Đoạn tới chân thành Đỗ Động, Hạ Trung Hùng trấn cửa phía nam trông thấy đoàn quân của Sâm quay lại cùng họ Trịnh mà sinh lòng nghi ngờ hỏi Cao Sâm. Sâm nói quân nam thế mạnh, chưa phải lúc để tiến công. Trông thấy trong quân có Trịnh Đồ, Trung Hùng nói vọng xuống:


– Trịnh Đồ. Tôi nghe anh bị họ Dương kia bắt được. Làm thế nào anh lại thoát được khỏi tay của bọn chúng?

Trịnh Đồ nói lời khoác lác:

– Cái tên đầu tôm đuôi tép họ Dương ấy hắn khinh thường tôi, cho tôi giao đấu với một thằng mặt dữ như gấu cọp nhưng kỳ thực chẳng có sức lực gì ghê gớm. Tôi đánh thắng được nó chạy thoát khỏi bọn chúng. Xem ra bọn giặc nam ấy chỉ được cái mẽ hô hào thôi.

Cao Sâm quay ra nhìn Trịnh Đồ với vẻ mặt hoài nghi, Sâm hỏi nhỏ Trịnh Đồ:

– Anh vừa nói quân giặc thế mạnh, sao giờ lại nói vậy.

– Thì thế giặc nó mạnh nhưng tướng nó ngu đần. Để rồi xem quân mạnh, tướng kém thì có trời cũng không cứu được chúng. Cứ vào trong thành cho an toàn cái đã.

Hạ Trung Hùng vẫn còn chưa tin lời họ Trịnh, nhìn thấy ngựa của Đồ liền hỏi:

– Này anh Đồ. Ngựa kia là ngựa của địch, ngựa của anh đâu?

– Ta cướp được của bọn chúng đấy. Ngựa của ta bị bọn chúng giết lấy thịt rồi.

– Thịt ngựa á? Bọn chúng hết lương rồi sao mà phải thịt ngựa ăn? – Hạ Trung Hùng đắc trí cười lớn ở trên thành. Trình Đồ cùng nhe răng gật gù cười.

Tiếng quân ầm ầm từ phía nam hắt lại rung cả mặt đất. Hạ Trung Hùng trên thành cao nhìn thấy từ xa hô hào:

– Có giặc phía sau. Không kịp mở cổng thành rồi. Hai anh hãy cho quân lui đi vòng qua quả đồi phía đông đằng kia.

Quân lính đứa nào đứa nấy nháo nhác tháo chạy, Cao Sâm rút kiếm quay ra chém lìa cổ một tên lính thị uy. Họ Cao lớn giọng nói:

– Quân địch trước mắt, chạy là thua! Như anh Đồ có nói, bọn này thế quân mạnh nhưng thằng tướng kém cỏi. Không phải bây giờ giết chúng thì khi nào trận chiến này mới kết thúc được. Quân đâu tạo đội hình nghênh địch!

Hạ Trung Hùng thấy ý chí của họ Cao mà thấy mừng liền sai quân lính mở cửa thành xông ra tiếp ứng.

Phụng Quán dẫn đoàn binh người Nam đi đầu cầm huyền đao xông lên phía trước. Thấy vậy, Trịnh Đồ nói với Cao Sâm:

– Ở đây Hùng là kẻ biết văn mà kém võ, tên này không phải đối thủ của ta nhưng khi nãy ta thoát khỏi vòng vây của bọn chúng mà thấm mệt. Cao Sâm giúp ta giết chết tên đi đầu. Võ nghệ của hắn còn kém xa ta, huống chi là anh Sâm.

Cao Sâm cười ngắt nghẽo, Sâm cầm giáo dài thúc ngựa hô quân quyết chiến với Phụng Quán.

Ngựa vừa mới xông lên, tiếng ngựa hý vang ngã dúi dụi dưới mặt đất. Đầu của họ Cao đã lăn lóc dưới mặt đất bụi đỏ.

Cửa thành mở, Trịnh Đồ len lén chạy vào trong thành sai quân lính vội đóng chặt cửa thành. Hạ Trung Hùng còn đang chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra với Cao Sâm bất thần rối loạn sai lính hết mở cửa rồi lại đóng cửa, thế quân hỗn loạn nắm chắc phần thất bại.

Hàn Lâm bấy giờ đang chống nghĩa quân ở núi Tượng Sơn đất Hoài An ngoài thành Đỗ Động, Đặng Hoài và một cánh quân do Hà Bình Xuyên từ phía bắc đi tới chưng bảy tám nghìn người không cho quân họ Hàn có thể ngưng nghỉ. Đánh nhau suốt gần hai canh giờ, thắng bại chưa phân, Lâm cho quân lui về thành Đỗ Động khi thấy Đặng Hoài bỗng nhiên cũng rút binh về phía đông bắc.

Hàn Lâm tức tốc cho toàn quân trở về Đỗ Động gặp quân của Đỗ Phụng Quán chặn ở cổng nam liền hò hét Hạ Trung Hùng mở cửa thành. Từ phía đông, một cánh quân đến tám chín nghìn người do Dương Chí Liệt tay cầm thương, tay cầm cung tên bắt hạ cờ trên cửa đông thành Đỗ Động.


Phía tây bắc tràn xuống là cánh quân của Cao Văn Trác và Hà Bình Xuyên đã ập tới vây chặt các lối thoát của Đỗ Động. Hàn Lâm nhắm mắt, xông ra khỏi cửa phía đông thành bị Dương Chí Liệt dùng thương đâm trúng mái tóc ghẹm cao. Hàn Lâm sờ lên đầu vẫn còn nở một nụ cười ngoái lại phía sau:

– Đừng hòng giết được Lâm ta.

Đỗ Động bị tàn phá, quân Tống Bình đầu hàng hết loạt. Các tướng quyết đánh với nghĩa quân đều bị giáo mác đâm chết, không người nào toàn thây. Cao Trung Hùng nhảy từ trên vọng gác xuống cửa nam thành chết không nhắm mắt. Trịnh Đồ bị Hà Bình Xuyên dùng kiếm lấy đầu treo trước cửa phía đông giương uy võ.

Dân chúng huyện Vũ Bình nghe tin nghĩa quân phá được thành Đỗ Động nên nhiều người quay về huyện lấy lại mảnh đất tổ tông dựng lại gia nghiệp. Những kẻ bần nông tứ cố được Dương Chí Liệt cấp ruộng khắp dọc bờ sông Đáy. Liêu Đức Thinh nghe tin thắng trận liền báo với Lý Toàn trở về huyện cũ lòng đầy xúc động, hai người kẻ thổi sáo, người cầm tiêu thay nhau cùng tấu bài ca:

“Nhớ thời thơ ấu thanh bình

Liêu công nức tiếng quên mình vì dân

Bao nhiêu trí sĩ xa gần

Võ uy rèn chí kinh văn luyện tài

Tham quan giặc cướp ương tai

Vét từng đấu thóc nhặt vài đồng xu

Bấy nhiêu ngày tháng âm u

Ánh dương xóa lối mịt mù tối tăm

Vừa qua tháng chạp ngày rằm

Bồ không cân gào, nong tằm đẫy tơ

Vũ Bình Đỗ Động xác xơ

Lòng quân một hướng mà thờ chủ khôn

Chiều đông, giặc hãi kinh hồn

Tướng kình Phụng Quán vùi chôn quân thù

Đánh cho tướng địch phiền ưu

Đánh cho muôn thuở còn lưu danh hùng

Kìa con đò lướt sang sông

Đi rồi có nhớ người trông bên bờ…”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.