Đọc truyện Giống Rồng – Chương 76: Lạc lối ở châu Bình Nguyên
Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười sáu
Huyện Thái Bình, Cao Văn Trác giương uy
Châu La Phục, gái họ Thôi lỡ bước
Chương 16.1 Lạc lối ở châu Bình Nguyên
Bình Nguyên châu – đám quan lại người Hoa Hạ vẫn gọi là châu Quảng Nguyên gồm huyện Bảo Lạc và sáu động Túc Tang gồm Để Định, Vĩnh Điện, Bảo Lạc, Vị Xuyên và hai động nhỏ vắt vẻo cạnh dãy Hoàng Liên, vùng đất khỉ ho cò gáy, nước độc rừng thiêng, cheo leo vách núi cạnh dòng sông dữ Lô Giang, quanh năm khí hậu khắc nghiệt, trong rừng nhiều hổ báo, rắn chuông. Đất này lại ám nhiều lam chướng nên dân cư thưa thớt, chủ yếu là dân mán và các bộ lạc người Man hầu hết lệ vẫn theo những phong tục cổ xưa, không chịu khuất phục thế lực của triều đình phương bắc, cũng như nước Nam Chiếu mới nổi lên ở phía tây châu Bình Nguyên.
Biết bao nhiều lần triều đình phương bắc đã tăng cường khí giới binh mã, cho đắp lũy, dựng thành, đặt trị sở cai quản nhưng đều bị đám dân hoang dã ở vùng ấy không tuân, đánh đuổi quan huyện, xua quân lính của chính quyền phương bắc ra khỏi đất châu Bình Nguyên.
Thành quách cheo leo, đường vào châu đều là đường núi hiểm trở, hoặc không thì phải kết bè theo dòng ba dòng sông bao quanh đất Bình Nguyên là sông Côn, Sông Lô và Sông Gâm. Có lần Đỗ Sĩ Giao từng nói với Dương Thanh và Triệu Cường:
“Đất này dễ thủ khó công từng chôn vùi quân lính triều đình phương bắc suốt từ thời kỳ Trần Vũ Đế – Trần Bá Tiên. Chỗ đấy ấy lại là đường qua lại ngắn nhất giữa các châu phía tây nam và Giao Chỉ, Ung Châu, Quỳnh Châu, Quảng Châu. Nếu vào tay quân Nam Chiếu thì ắt sẽ là hiểm họa cho triều đình phương Bắc và trị sở An Nam ở Tống Bình. Nếu châu Phong quản được đất ấy thì sẽ chẳng sợ bọn Nam Chiếu, hay châu Ung, châu Quảng.”
Nhớ lại năm trước, Bá Tiên đánh nhau với Lý đế của nước Nam Việt, Lý Đế thua trận phải rút về thủ ở thành Gia Ninh. Nghe tin Lý Nam Đế thua quân Lương nên Đội quân người Mán từ Bình Nguyên Châu mang quân xuống. Nhưng ngờ đâu lúc quân Mán mang binh mã tiếp tế cho Lý Nam Đế, Lý Đế đã bị một viên tù trưởng người Mán ở động Khuất Lão thuộc Tư Nông Châu giết chết.
Viên tù trưởng ấy dâng công trạng cho họ Trần, Bá Tiên khi ấy là đại tướng của quân Lương trở mặt với viên tù trưởng ấy giết sạch đám người Mán đi theo. Từ bấy giờ người Mán xứ ấy luôn giữ hận với đám quan tướng người Hoa Hạ.
Khi Trần Bá Tiên lập ra triều Trần ở Trung Nguyên, người Mán tập hợp lại cả vùng đất rộng lớn từ ranh giới châu Phong đến núi Tụ Long, vượt qua dải núi Tây Côn Lĩnh nổi dậy giành lại quyền tự chủ, không lệ thuộc vào chính quyền phương Bắc nữa. Sau này, các quan đô hộ An Nam thời Tùy – Đường đều không tài nào quy phục nổi vùng đất ấy nên đất ấy được liệt vào hàng Cương Thổ.
Dựa vào địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng đất châu Bình Nguyên, gia đình họ Vương ở châu Phong đã nhiều năm được hưởng lợi từ những chính sách mềm dẻo với đám người man di xứ ấy. Bọn Nam Chiếu đã mấy lần nhăm nhe nhưng đều bị cản bước bởi sự hung hãn của đám người châu ấy.
Quân lính triều đình thời quan đô hộ Bùi Hành Lập sau khi chùn chân ở xứ Man Hoàng, rút binh về châu Ung đi qua châu Bình Nguyên bị bọn tù trưởng người Mán xỏ xiên lừa thu hết khí giới quân lương. Họ Bùi trở về Châu Ung với vỏn vẹn mười binh mã.
Thế mới thấy cha con họ Vương trước giờ bình yên vô sự ở dải đất châu Phong hẳn không phải là chuyện giản đơn như đám quan lại ở Tống Bình vẫn nghĩ.
Hàn Ước tới An Nam mang theo những dự định mà quan sứ trước là Lý Nguyên Gia vẫn còn đang dang dở là thu phục lòng dân xứ An Nam. Hàn Ước cho mở rộng thông thương với các nước vùng biên ải và ngoài biển Đông, đồng thời vỗ về đám quan lại địa phương, khuyến khích các cánh tay nối dài cho họ Hàn. Việc ấy không ngoại trừ với đám dân người Mán châu Bình Nguyên.
Tuy rằng dẫu hao tâm tổn sức, họ Hàn vẫn không thể tạo tầm ảnh hưởng tới vùng đất Cương Thổ chạc ba giữa châu Ung, Nam Chiếu và châu Phong – Giao Chỉ.
Thời gian gần đây, có một đội quân áo đen thường xuyên vào trong các bản làng ăn cơm với dân bản, ngủ cùng nhà với dân. Bọn thuộc hạ của thủ lĩnh áo đen vào trong dân không những chẳng nhiễu nhách mà còn biết lắng nghe tâm tình của dân bản, thấu hiểu được nỗi lòng người dân nên thủ lĩnh áo đen bày ra nhiều kế sách trị được đám dân bản ngang ngạnh vùng đất châu Bình Nguyên ấy.
Trong một thời gian ngắn ngủi mới chừng gần một năm, số dân người Mán đi theo đội quân áo đen ở châu Bình Nguyên đã lên đến hơn một vạn người. Dọc theo bờ sông Lô lên đến hơn chục tòa thành lớn nhỏ được đội quân áo đen dựng lên.
Sản vật phong phú có mỏ bạc, mỏ đồng, mỏ sắt nhờ thế mà vũ khí được đúc rèn dễ dàng. Rừng xứ ấy có nhiều gỗ tốt, nào là lim, vàng tâm, gỗ Sam – Ngọc Am phục vụ cho nhu cầu dựng nhà cửa, quân giới.
Đội quân áo đen vào trong núi, vạt rừng, xẻ đất, dẫn nước từ suối tới ruộng cạn, dạy người dân trong châu ấy cách trồng cây lúa, chặt bỏ cây báng ăn chẳng no được cái bụng. Các thứ linh chi, hà thủ ô, sa lê, tuyết lê ngày trước dân châu Bình Nguyên thường xuyên mang đem nấu cho vật nuôi trong nhà, nay đám quân lính áo đen mách cho dân ấy đến các chợ của người Giao Chỉ, người Lão, Lý để bán. Cũng vì thế mà dân bản biết được giá trị của những thứ họ đang có nên họ càng ra sức bảo vệ lấy mảnh đất của họ trước sự nhòm ngó của Nam Chiếu và triều đình phương bắc.
Mùa xuân năm Mậu Thân, bộ tướng của họ Vương là Lý Do Độc nghe theo lệnh của Đỗ Sĩ Giao đánh vào thành trì giành lại đất châu Bình Nguyên rơi vào sự kiểm soát của đoàn binh áo đen nhưng không ngờ được sự phản kháng của đoàn quân áo đen lại dữ dội đến vậy.
Sĩ Giao và Do Độc không hay sự có mặt của đoàn quân áo đen trong dân bản nên đã cố đánh trực diện vào thành phủ châu Bình Nguyên ở huyện Long Đương.
Chỉ trong hai ngày, quân của Lý Do Độc chiếm được hai thành huyện còn lại là Long Thạch và Bình Lâm. Do Độc giành lại châu Bình Nguyên trong ngổn ngang thành quách bị phá, sức người không thể xây dựng lại ngay được, Do Độc đành phải chờ quân tiếp tế và viện lương từ châu Phong nhưng bị đội quân áo đen tập kích ở Đang Sơn không còn tin tức từ bấy giờ nữa.
Lúc Sĩ Giao phải rút khỏi châu Phong cũng là lúc đội quân áo đen bành trướng thế lực xuống các huyện phía nam của châu Bình Nguyên, áp sát với châu Phong. Lại hay tin họ Vương đột ngột qua đời, chính quyền châu Phong bị chia rẽ giữa thế lực cũ của họ Vương họ Kiều và Triệu Cường nên quân đội áo đen lập tức lợi dụng Triệu Cam, em trai của Triệu Cường vốn không có chung chí nguyện với đám người châu Phong.
Triệu Cam mang theo gia quyến chạy tới núi Lịch Sơn thì gặp một đội binh cưỡi ngựa mặc áo đen, dưới đóng khố đen, quấn khăn mỏ quạ màu đen, răng nhuộm đen. Cam mới hỏi đám lính với giọng nói đầy mỉa mai:
– Chẳng hay là giặc cướp nơi nào lại mang áo đen, nhuộm răng đen trông thật nực cười.
Tay đi đầu liền cho ngựa quay lại xông tới dùng song tiễn đánh trúng ngực Triệu Cam. Cam ngã nhào ra đất, tay đó trông thấy Cam ăn mặc lôi thôi, lại mang theo gia quyến già trẻ hơn mười mấy người nhếch nhác nên xuống ngựa tiến lại gần Triệu Cam. Cam sợ hãi, quỳ lạy van xin:
– Xin các anh tha mạng cho. Tại tôi lỡ mồm, các anh không phải là cướp, các anh không phải là cướp.
Tay đi đầu không hiểu lời Cam nói, một tên người Mán tới thủ thỉ vào tai. Một lát sau tay người Mán quay ra nói với Cam:
– Bọn các người là dân chạy nạn, cớ sao lại vào nơi rừng sâu nguy hiểm. Không sợ hổ báo ăn thịt hay chăng?
Cam lắp bắp đáp:
– Chẳng giấu gì các anh. Tôi là em trai của Triệu Công, bởi vì một lẽ Bạch Hạc không dung chứa kẻ mang tội nên anh tôi mới bảo tôi tới đây lánh nhờ viên tù trưởng người Mán tên là Mã Lăng Vi. Nay gặp các anh ở đây không biết phải trái lỡ đắc tội với các anh, mong các anh thứ cho.
Tay đi đầu nghe thấy Cam nhắc đến cái tên Mã Lăng Vi mà sửng sốt nói một tràng. Cam ngơ ngác không hiểu, tay người Mán nói truyền ý lại cho Cam:
– Là chủ tôi hỏi anh là thế nào với Mã Lăng Vi?
Cam đáp:
– Tôi cũng không hay. Triệu Cường nói tôi đi tới Lịch Sơn, trú nhờ ở đó.
Tay dẫn đầu đoàn binh nói với Cam thông qua tay người Mán:
– Ra là khách của Mã đại nhân. Vậy thì mời Cam tướng quân đi theo đám người chúng tôi.
Cam quăng mắt nhìn đám người áo đen, lấy làm điều kỳ lạ, Cam hỏi lại:
– Các anh là ai? Định dẫn chúng tôi đi đâu. Nếu có điều gì không phải. Các anh hãy thứ cho. Tôi có chút bạc nén trong tay nải, các anh hãy cầm lấy. Tha mạng cho chúng tôi.
Tay người Mán cười lớn:
– Triệu tướng quân một thời lên đến chức Binh mã sứ Giao Châu ấy vậy mà gan như con chuột vậy sao. Chúng tôi chính là người của họ Mã đây. Mã đại nhân nói đám tiểu nhân đi tuần núi Lịch Sơn suốt mấy ngày nay chỉ để đón các vị.
Cam nghi ngờ, gạn hỏi:
– Các anh là người của họ Mã đó sao lại ăn mặc trông đám thổ phỉ?
Tay người Mán nói với Cam:
– Trước đây, bọn dân bản chúng tôi mặc áo thổ cẩm nhưng từ khi Mã đại nhân tới đây, dân chúng tôi đều theo đại nhân mặc áo đen, lấy lá cây trên rừng về nhuộm vải, nhuộm răng.
– Là Mã Lăng Vi đó sao?
Anh chàng kia đáp:
– Không phải là Lăng Vi tù trưởng. Mà là Mã đại nhân. Mọi người gọi là Mã đại nhân nên ta cũng chỉ có biết là như vậy.
Cam nghĩ đến những cái tên họ Mã mà Cam từng biết liền hỏi lại:
– Họ Mã đó hiện đang ở đâu? Các anh có biết không?
Tay người mán nhìn tên dẫn đầu đoàn rồi lấm lét nói giọng Giao Chỉ cho Cam nghe:
– Tôi nói, anh không được nói là ta kể đó nghe chưa. Tôi nghe nói họ Mã đó ở huyện Lạc Diệm, Chi Châu. Vừa rồi bắt được hai tên tướng người Man Hoàng…
Đương nói dở câu chuyện, tay cầm đầu đám áo đen cầm song tiễn đánh trúng gáy tên người Mán. Anh chàng lăn đùng ra, sấp mặt trên đám lá cây khô. Rồi từ đâu một đàn rắn hổ tới quấn lấy khắp người anh ta, ra sức phì phò phun nọc độc về phía anh chàng. Hai khắc sau anh ta tím tái rồi tắt thở.
Triệu Cam mặt lấm lét trông theo mà không dám mở lời hỏi thêm câu nào. Suốt đoạn đường núi, bên vách đá cheo leo, bên sông sâu thác dữ khiến Triệu Cam lạnh gáy khi thi thoảng lại có đám rắn hổ chắn đường quấy lấy chân ngựa.
Phải khó khăn lắm, Cam mới thở phào nhẹ nhõm khi tới gặp được viên tù trưởng họ Mã ở trên căn nhà sàn giữa hai con suối róc rách hai bên rặng nứa.
Bước vào trong căn nhà, Triệu Cam trông thấy một đám người Mèo đang nằm ngả nghiêng, miệng cầm ống tre chọc vào cùng một chum đất màu vàng nâu. Người nào người nấy mình trần, đen bóng, đầu quấn khăn đen hớt gọn mái tóc xù xòa của bọn họ.
Cam bẽn lẽn tiến tới cúi chào đám thanh niên, một người tuổi chạc tứ tuần, ria mép dày như con sâu róm, ánh mắt nâu, miệng móm mém cầm chum đất trên tay bước ra. Mình trần trơ khung xương, đôi chân lòng khòng, cánh tay nhỏ nhắn sạm màu, miệng móm mém nhai thứ lá màu đen rồi ông lão ngồi xuống chiếc thảm thổ cẩm. Ông ta hỏi:
– Anh là người nào sao vào đất của ta? Lại mang theo trai gái, trẻ già đi cùng?
Giọng nói của lão khó nghe, Cam lắc đầu không hiểu. Một tay thanh niên cầm chiếc cần rượu đập vào đầu Cam, nước và vỏ chấu từ trong ống tre bắn tung tóe lên mặt Cam, Cam ngửi thoang thoảng có mùi rượu nhưng không dám cất lời. Anh thanh niên đó nói với Cam:
– Già bảo là mày mang theo bọn con gái tới đây làm gì?
Mặt lão hom hem, gật đầu theo lời nói của chàng thanh niên chăm chú nhìn Cam. Cam đáp lời:
– Bẩm lão. Tôi là Triệu Cam, em trai của Triệu Công ở Bạch Hạc. Triệu Công có nói với Cam tới đây để gặp lão trú nhờ. Chẳng hay ý lão thế nào.
Đôi gò má hóp, lão mút một hơi mạnh chiếc ống cắm vào chum kêu lục sục rồi “à” một hơi sảng khoái, lão nói với họ Triệu:
– Lão mang ơn với họ Triệu, khi trước lão ở đất Man Hoàng mang bọn thanh niên trong bản đi đánh tù tưởng tộc Mường tên là Lò Sí Đoi chẳng may bị ngã xuống hố nước, gặp Triệu Công khi ấy cùng đám lính đi qua. Triệu Công cứu lão nên lão và bọn thanh niên bản mới về được núi Lịch Sơn. Nay Triệu Công có lời, lão sẽ cưu mang anh và người nhà anh. Chỉ có điều nhà ta nhỏ, bọn thanh niên trong bản lại hay tới đây uống rượu, có con gái ở đây bọn nó lại thích làm cái trò trai gái, chỉ e là không tiện. Bây giờ bọn nó cũng ngà ngà say, không có sức để chặt gỗ dựng nhà. Phiền lão đệ của Triệu Công mang theo dao quắm ra bìa rừng chặt gỗ, chặt tre bện thành nhà để trú tạm. Lá cọ, lá tranh ở đồi bên có rất nhiều lấy về mà dựng mái.
Triệu Cam phấn khởi liền cho đám người nhà cất gọn hành lý, nói với hai thằng gia nô cùng phụ nữ đi chặt gỗ, chặt tre bện thành hai túp nhà nhỏ. Mã Lăng Vi nói ở chỗ này có nhiều rắn rết nên Cam phải chằng thêm nhiều tre nứa đẩy sàn nhà cao hơn cổ thì mới yên tâm.
Triệu Cam trú nhờ được mấy ngày ở nhà lão họ Mã thường xuyên trông thấy có toán người áo đen qua lại. Thường thì bọn chúng ghé nhờ buổi tối, sáng ngày sau lại mang gậy gộc, gươm giáo đi.
Cam tò mò, có một buổi sáng đi theo bọn ấy đến bờ suối dưới chân núi Lịch Sơn thì gặp một toán khoảng năm mươi người tụ họp ở đấy. Bọn chúng nói tiếng Ung châu, Triệu Cam nghe rất rõ bọn chúng đang bàn bạc việc giành đất châu Phong, kế hoạch do họ Mã bày ra.
Cam lầm lũi trở về trên núi, bỗng có hai tên xông tới chùm kín đầu Cam rồi đánh Cam ngất đi. Hai tên đó mang Cam tới một cái hang núi trông như hàm cá sấu, nhìn xuống sông Lô chảy cuồn cuộn.
Cam hé mắt trông thấy một tay dáng người thấp nhỏ, toàn thân kín mít một màu đen. Tóc búi củ hành, tay chắp phía sau trông về phía nam mặt trời đang lấp lánh hắt từ dưới mặt sông lên. Cam cố giẫy giụa ư ử trong cổ họng. Hai tên áo đen khác trông thấy Cam tỉnh lại liền chạy tới thít chặt thừng trói họ Triệu.
Nghe tiếng giẫy giụa của Triệu Cam, chàng trai kia quay lại, ánh mắt sắc lẹm nhìn Cam. Giọng nói người Mường xứ Lâm Tây, anh chàng hỏi:
– Ta nghe nói ở Phong Châu, họ Triệu các ngươi đang nắm quyền có phải không?
Cam phồng má trợn mắt, mặt đỏ ửng như quả gấc chỉ gừ gừ trong cổ họng. Chàng rút miếng vải ra khỏi miệng Triệu Cam, Triệu Cam hít một hơi rồi “phun châu nhả ngọc”:
– Cha mẹ cái bọn điên dại khốn kiếp. Chúng mày đánh nén ông rồi lại bắt ông đi đến cái chỗ hoang vắng này hỏi chuyện luyên thuyên gì vậy. Bọn mày chán sống rồi sao mà dám bắt Cam tao.