Đọc truyện Giống Rồng – Chương 54: Điềm báo dữ, phó thứ sử buồn lòng
Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười một:
Phá đồi cọ, Gã Quỷ chém rắn hổ.
Vượt ải tử, Thứ sử khóc tôi hiền.
Chương 11.4 Điềm báo dữ, phó thứ sử buồn lòng
Lão Mại nhíu mày, gõ đũa vào hai chiếc bát sành, âm thanh tanh tách vui tai khiến Chung Đạt tỏ mặt khó chịu. Chung Đạt hỏi:
– Lão chừng ấy tuổi, không biết gõ đũa vào bát là điều tối kỵ trong bữa hay sao?
Lão cười:
– Đại nhân nghe cho kỹ, cùng là hai chiếc bát, giống y hệt nhau âm thanh phát ra lại thật khác.
Chung Đạt cởi chiếc áo choàng bông ném xuống chiếc chõng tre, người nóng phừng phừng sau hai bát rượu, giọng nói lạc đi:
– Chẳng phải hai chiếc bát đó rượu ít đầy khác nhau nên âm thanh phát ra sẽ khác. Có điều chi làm lạ.
– Đại nhân xem cho thật kỹ. Hai chiếc bát giống hệt nhau, không cái nào nặng hơn cái nào, khuôn vành miệng loe cùng kích cỡ ấy vậy mà âm tiếng rất khác. Đại nhân biết không, hai chiếc bát này cùng được làm từ cùng một lò gốm, nhưng do hai người thợ khác nhau cùng làm. Cùng nguyên liệu, cùng nung chung một lò, rõ ràng giống hệt nhau, nhưng chỉ khác đó chính là thứ này. Ngài hãy chạm vào xem, chiếc bát này nhìn thật kỹ sẽ thấy một rãnh nhỏ bên trong lòng bát, đó chính là cái bất cẩn của người làm thợ gốm nên dù nhìn trông rất giống nhau nhưng kỳ thực hoàn toàn khác biệt.
Chung Đạt nhìn hai chiếc bát thật lâu mà không hiểu ra dụng ý của Lão Mại. Chung Đạt nhìn thẳng ánh mắt hiền hậu của lão, miệng cười hỏi lại:
– Lão nói như vậy ta vẫn chưa thật thấu đáo.
Lão gõ chiếc gậy chống xuống nền đất hai tiếng thật mạnh, có chàng thanh niên mặt mày nhỏ nhắn, ánh mắt tinh khôi, đôi môi mỏng như lá tre, miệng rộng tới mang tai, khúm núm cúi chào hai người. Lão Mại giới thiệu với Chung Đạt:
“Đây là hiền tế của lão đệ Tô Hiền tên là Trương Tính, anh ta chính là người nấu bữa cơm cuối cùng cho hai vị công tử châu Phong. Người mà đã khiến lão đệ Tô Hiền của ta bị oan uổng chết thay. Mà nghe qua, chắc chắn người mà Chung Đạt đại nhân muốn bắt giết sau Lý Nguyên Hỷ và Long Trạch chính là hắn.
Nhưng hãy khoan, xin đại nhân hãy bình tĩnh nghe lão nói. Trương Tính là người hiền lành chất phác, chạy mua chạy bán giúp ta lại hay giúp đỡ người khác nên được lòng lão đệ của ta, lão đệ biết ý con gái út Tô Thị thầm thương hắn từ lâu nên gả cho hắn. Nhờ có hai người anh em cột chèo làm sai nha trong phủ huyện Tống Bình nên được xung làm quản bếp cho đám phạm nhân.
Bữa có hai vị công tử châu Phong bị bắt nhốt, Từ Hãn Xương ra lệnh chăm lo chu đáo cho hai người đó. Vốn tính hay nghe lời nên Trương Tính nghe theo, mang hết số bạc mà Hãn Xương giao cho mua thịt rượu đủ đầy cho hai người đó, không thừa ra lấy một cắc.”
Nói đến đây, anh chàng lúi húi cúi lậy Chung Đạt:
– Mong Kiều đại nhân minh xét. Bữa cơm hôm đó, tiểu nhân không cố tình làm ra như vậy. Câu chuyện không phải như Từ Hãn Xương nói với đám quan trên vậy đâu ạ. Từ trước tới giờ nhạc phụ và tiểu nhân chưa từng có ý hãm hại ai bao giờ. Vả lại cái chết của nhạc phụ, hai người anh rể, chị gái và cả vợ tiểu nhân nữa là ngụy tạo dựng lên hòng xoa dịu cơn giận của các ngài ở châu Phong, muốn mọi chuyện êm xuôi để người châu Phong được yên dạ mà không mang quân đánh Tống Bình.
Chung Đạt mày dựng, mắt trợn, uống cạn hũ rượu, nghiến răng ken két hỏi:
“Không phải là các ngươi thì còn là kẻ nào nữa. Ta còn nghe các ngươi nhận lệnh của tên Lý Nguyên Hỷ đó mà lấy lá trúc đào nấu canh mang cho hai đứa trẻ đó giết chết chúng, hòng lấy uy để hiếp đáp bọn ta hay sao. Nếu không phải mấy lời múa mép của Hãn Xương đó thì Tống Bình đã bị dẹp từ lâu, chứ đâu phải chờ tới ngày nay.
Bọn chúng mày được lắm, dám cả gan bắt nhốt con trai ta, lại giết người không dao, đánh trống bỏ dùi, vừa muốn đe nẹt đám người ở các châu quận khác, lại mềm dẻo muốn châu Phong ta nghị hòa với lũ khốn nạn đó sao.
Đừng hòng. Kiếp này, quý tử ta đã không còn, ta cũng chẳng thiết gì công danh, chỉ muốn cho bọn chó má đô hộ đó biết rằng, người nam ta không sợ gì bọn chúng. Còn ngươi, ngươi cũng chỉ là kẻ khua khoang miệng lưỡi, đừng hòng thoát khỏi tội chết.”
Lão Mại từ tốn vuốt râu, tay đặt nhẹ lên tay nắm chuôi kiếm của Chung Đạt, mặt không đổi sắc, giọng nói vang vang:
– Tướng quân xin hãy bình tâm mà suy xét. Nếu cháu tôi muốn chết thì cũng sẽ tìm cách chết đường hoàng hơn chứ chẳng phải tới đây cầu xin đại nhân để chết dấm dúi ở chỗ này. Là người duy nhất biết được sự tình bên trong nên từ khi đại nhân tới nhà lão, lão đã định bụng rằng sẽ phơi bày hết sự thật cho đại nhân. Nay ý tốt của lão lại bị đại nhân nghi ngờ, nếu cháu ta phải chết, ta xin chết thay nó. Đại nhân hết sức bình tâm nghe cháu ta kể tiếp.
Nói đoạn, Chung Đạt dịu cơn giận, thu kiếm về, nghe chàng trai đó kể hết sự tình. Trương Tính nói rằng trong bữa cơm cuối cùng trước khi hai vị công tử đó về với ngàn thu, Trương Tính bị Long Trạch sai mang cơm cho đám binh lính canh gác ở cửa nam La Thành. Lúc chưa nấu xong, lính của Long Trạch tiếp tục sai tới đốc thúc nên Tính đành phải vội vàng gói ghém mang cho đám lính đó bữa cơm trưa.
Lão Tô Hiền hôm đó vào thăm ba người con rể thấy Trương Tính có việc phải đi nên mắt mũi kèm nhèm vào bếp nấu cơm giúp con rể. Có hai suất đặc biệt dành cho hai người nên lão chăm chút từng ly, nhưng lão không hay đám rau tươi đã bị thay bằng là trúc đào từ khi nào.
Đến khi mọi sự đã rồi, lão kể lại cho Trương Tính rằng ngày hôm đó chỉ có một người nói là người của Từ huyện lệnh tới để thăm dò xem cơm nước cho hai vị công tử đó có chu đáo hay không nên lão chẳng nghi ngờ. Hỏi ra thì không một ai biết người mà hai cha con lão Tô Hiền tả lại. Vậy nên mọi tội lỗi quy hết lên đầu cha con họ Tô ấy.
Chung Đạt vẫn còn bán tín bán nghi nhưng không còn tâm trí để xử tội Trương Tính đành cho Trương Tính lui ra. Lão Mại mang thêm hai hũ rượu thơm lừng đãi viên phó thứ sử châu Phong.
Đến khi ngà ngà say, Lão nhắc lại chuyện ông thầy tướng số. Chung Đạt hỏi ý lão xem người đó ở chỗ nào hay không thì tới hầu chuyện Vương Thăng Triều ở La Thành. Lão Mại vẽ đường cho Chung Đạt đi theo, tới núi Thiên Thai, đi qua ba bậc thang lớn, gặp một người huynh đệ tên là Doãn Xanh sẽ tìm được người.
Chung Đạt rượu say trở về phủ, ngủ một mạch tới ban trưa. Chung Đạt choáng váng đầu, kiếm vội miếng trầu nhai rồi sai người mang canh hến rau ngót tới. Chung Đạt thưởng thức xong món canh, lập tức cùng năm người tùy tùng đi theo sông Thiên Đức tìm tới viên thầy tướng họ Đàm.
Y lời Lão Mại nói, Chung Đạt gặp được Doãn Xanh, Doãn Xanh chỉ hai ngón tay hướng về tây bắc và tây nam dặn rằng Chung Đạt hãy đi về hai phía đó, nếu có duyên ắt sẽ gặp được thầy.
Chung Đạt dùng kiếm chĩa thẳng vào mặt Doãn Xanh, Xanh không chống cự mà chỉ cúi đầu bái lạy mấy người cùng Chung Đạt. Chung Đạt lấy làm giận lắm, nhưng không làm gì được, Chung Đạt hào phóng tặng ngựa cho Xanh, rồi đi theo hướng tây bắc.
Trời đổ bóng xế, Chung Đạt thở dài than vãn với đám tùy tùng. Người nào người ấy mệt mỏi chỉ đáp lại đôi ba câu rồi thúc ngựa chạy không biết đâu là đích đến.
Tới một khúc sông, có cây gạo hiên ngang rủ xuống mặt sông những cành khẳng khiu trụi lá, Chung Đạt trông thấy một người đàn ông mặt gẫy, chán rô, mái tóc xù xòa, chân tay như những cành mục trên cây gạo mà người đó đang dựa vào.
Thoảng qua, Chung Đạt nghĩ đó chỉ là kẻ khách tầm thường như bao kẻ khác nên quất ngựa chạy đi. Đi quá cây gạo chừng ba mươi chín bước chân ngựa, giọng người đó cất lên, nghe inh ỏi văng vẳng như tiếng ve kêu mùa hè:
– Đã có duyên tương ngộ giữa dòng đời tấp nập, vậy mà kẻ hùng tâm sao vội lướt qua mà không hỏi han kẻ sĩ. Thật tiếc lắm thay. Chỉ còn chừng ấy nữa thôi, sẽ chẳng còn có thể hạnh ngộ.
Chung Đạt quay đầu lại, kéo cương ngựa tiến tới chỗ người đàn ông đó. Nhìn chăm chăm một lượt, đôi mắt đục mờ, bàn tay thô rạm, người gầy gò kham khổ, lại có vết bớp lớn phía sau gáy hiện rõ hai chữ “nhân tướng” (人相). Tướng mạo không có gì khác thường, Chung Đạt hỏi:
– Cớ gì anh lại nói duyên tương ngộ với ta. Anh có ý gì hay chăng?
– Là ta thật có duyên phúc mới gặp được kẻ anh hùng như ngài. Tận mắt trong thấy tướng mạo phi phàm, da đỏ hồng tí di. Ở cái tuổi của ngài được như vậy quả là xưa nay hiếm.
Chung Đạt lầm nhẩm, nhớ lại trong đầu ký ức nào đó vừa mới chợt quên. Chung Đạt mừng rỡ:
– Đúng rồi, vết bớp hình nhân tướng phía sau gáy, nốt ruồi to chèn dưới bọng mắt phải. Là Tiên Thố tiên sinh. Có phải hay chăng? Gặp đây quả nhiên trời xanh có mắt, hữu duyên muôn lần.
Người đàn ông cúi thấp mình chào viên phó thứ sử châu Phong:
– Gặp được tướng quân thật là mừng thay. Ta cũng đang đi tìm một vị tướng quân mong được người đó dẫn tới gặp Vương thứ sử để bàn với ngài ấy về…
– Có phải là việc trấn yểm đất Long Đỗ hay chăng?
Thầy tướng họ Đàm vâng lời xin đi theo Chung Đạt về tới Tống Bình. Đàm Tiên Thố kể lại những điềm tích đã xảy ra ở đất Tống Bình cho Chung Đạt nghe.
Suốt dọc đường đi Chung Đạt cố gắng gặng hỏi về tướng số con người. Lời họ Đàm nói như mưa rào đổ xuống đất khô cằn, bao nhiều câu chữ Chung Đạt nắm lấy nằm lòng. Như thể gặp được tiên thần, ánh mắt Chung Đạt toát lên sự rạng rỡ, phấn khởi biết nhường nào.
Những câu chuyện kinh bang tế thế đều được Chung Đạt hỏi ý vị thầy tướng đó, Đàm Tiên Thố cũng không ngần ngại bày tỏ hết tâm can của mình đối với những việc của tầm cao nhân trị đó.
Cả quãng đường dài mới chừng năm mươi dặm không sao kể cho hết những tâm tư của Chung Đạt bấy lâu.
Trời sầm tối, Chung Đạt thiết đãi Tiên Thố một bữa thịt rượu đầy ắp, vũ nữ múa lụa trong cả trăm điệu nhạc hay. Ánh trăng mờ mịt ẩn trong làn mây mỏng, gió se se khiến hai người đó rượu say nằm lăn ra sàn phủ đầy lụa là, gấm vóc sang trọng chốn điện phủ.
Có tiếng mèo gầm gào trong đêm khiến vị thầy tướng số tỉnh giấc. Một con mèo đen, mắt sáng quắc dưới ánh trăng mờ nhìn vào phía trong điện phủ, Tiên Thố xua xua đuổi mèo đó đi thì nó tiến lại gần, nhảy qua đầu họ Kiều xông vào liếm ly rượu còn vương trên bàn.
Tiên Thố mím chặt môi giậm giậm đuổi mèo đó đi nhưng nó vẫn đứng trơ trơ ở đó. Nghe tiếng thậm thịch bên tai, Kiều Chung đạt mở mắt, giật mình Chung Đạt cầm kiếm chém chết con mèo đen. Tiên Thố mặt mày kinh hãi, lắp bắp nói với Chung Đạt:
– Hắc Miêu vốn tính âm rất mạnh. Nhỡ may nó nhảy qua người khác nằm ngủ sẽ rước theo linh hồn người ấy. Nãy giờ nó ngồi đó nhìn chăm chú vào tướng quân, khiến ta thật không thể yên giấc nên mới khua đuổi nó đi.
Chung Đạt cười:
– Chỉ là một con mèo. Tiên sinh chớ nên lo lắng như vậy. Ta đây đã trải qua cả trăm trận đánh lớn bé. Quạ kêu, éc chết đã chứng kiến bao lần. Chưa hề có chuyện gì xảy đến với ta.
Tiên Thố nhìn thẳng vào đôi mắt Chung Đạt, ánh mắt bỗng đờ đẫn, con ngươi nhạt màu, râu tóc mới có mấy canh giờ mà đã rũ xuống, rụng dưới sàn cả nắm. Chung Đạt khép tay xoa bụng, Tiên Thố nói với Chung Đạt:
– Thần thái đại nhân thật khác so với khi tối. Người xoa bụng là có ý gì hay chăng.
– Ta thấy nhâm nhẩm đau. Chắc là do khi qua uống nhiều rượu nên mới vậy.
– Bụng trướng, môi thâm xì, râu tóc rụng nhiều. Đại nhân thấy trong người thế nào.
Chung Đạt giương đôi tay khỏe khoắn, cười hả hê:
– Sức như voi cọp, đâu có điều chi đáng ngại. Những thứ đó khi mới ngủ dậy ai mà chẳng vậy.
Nhìn ấn đường Chung Đạt, Tiên Thố lắc đầu. Chung Đạt gặng hỏi mà Thố không trả lời. Chung Đạt liền kè dao vào cổ ép Thố đáp lời. Thố gạt tay, ánh mắt dịu xuống, thấp thỏm lo âu, âm thanh từ lồng ngực thình thịch mỗi lúc thêm dữ dội càng khiến Chung Đạt nghi ngờ. Thố đành buông lời:
– Nói ra thì đại nhân hãy xá cho.
– Có điều chi mà phải giấu giếm.
Đàm Tiên Thố chìa những ngón tay bấm bấm nhẩm tính điều gì rất thần bí. Đi đi lại lại chừng bảy bước chân, Tiên Thố quay ra nói với Chung Đạt:
– Ta thấy toàn thân đại nhân âm khí đang vượng, e là sẽ chẳng thể qua nổi được một trăm lẻ tám ngày nữa.
Chung Đạt sửng sốt:
– Nhà anh nói sao? Ý nhà anh nói ta sẽ chết hay sao.
Tiên Thố răng môi lập bập vấp vào nhau:
– Tại hạ không có ý đó. Mà xin đại nhân trong vòng hơn ba tháng tới, hãy giữ gìn thân thể. Mùa đông giá rét, đại nhân hãy cẩn trọng.
Cơn say chưa dứt, gió lạnh thổi vào trong gian phòng khiến đầu óc Chung Đạt choáng váng nằm ra sàn ngủ thiếp đi. Tiên Thố thu dọn xác mèo đen, lau sạch vết máu rồi dìu Chung Đạt nằm lên trên chiếc sập gụ chễm chệ giữa điện. Tiên Thố ngồi canh giấc ngủ mà giật mình thon thót, rồi thở phào nhẹ nhõm khi buổi sớm Chung Đạt tỉnh giấc rủ Thố luyện võ nơi hậu viên.
Bữa sáng soạn dùng đã xong, Chung Đạt dẫn Tiên Thố tới gặp Vương thứ sử.
Thăng Triều nhìn tướng người chất phác, dân dã nên cũng hỏi qua loa Tiên Thố một vài lời. Tiên Thố thấy Thăng Triều tỏ mặt không thích nên có ý lui ra. Chung Đạt hỏi ý Tiên Thố sao không bàn chuyện Long mạch với họ Vương. Tiên Thố chỉ lẳng lặng bước đi mà không nói lời nào.
Đến canh ngọ, Tiên Thố cúi chào Chung Đạt rồi quất ngựa rời khỏi La Thành. Chung Đạt giữ ngựa hỏi họ Đàm:
– Cớ sao lại vội vã đi mau mà không nói lời nào như vậy?
– Chủ tướng của đại nhân không phải duyên nên dẫu ta có nói ngài ấy cũng chẳng chịu nghe lời. Nếu chủ tướng ngài có hỏi thì hãy trả lời cho thật khéo kẻo gây chia rẽ mối thâm tình. Mong có ngày tái ngộ.
Chung Đạt nhìn theo dáng người gầy gò khắc khổ mà lắc đầu chán nản. Đi một đoạn, có tiếng ngựa quay lại. Chung Đạt mừng rỡ chạy ra đón. Tiên Thố nhoen miệng cười, ánh mắt vô hồn, giọng nói buồn bực:
“Lời cuối chia ly mong đại nhân hãy bảo trọng. Hãy luôn giữ cho khí dương sung vượng tránh âm khí lấn át sẽ tránh được tai họa.
Kẻ làm chủ đất này dẫu có sức muôn vạn người cũng chẳng thể khiến thiên mệnh đổi rời. Nếu được thì ngài hãy khuyên họ Vương đó trở về đất châu Phong, lấy gương của của Thục Phán xưa, tự ý rời kinh đô của tổ họ Hùng về tới Loa Thành khí chất xung khắc với bản tính của họ Thục mà đất nước lâm nguy.
Nay họ Vương cũng theo vậy mà sẽ rước họa sát thân, nếu có lòng đổi ý, thuận theo ý trời thì được an lạc, bằng không chẳng thể tránh được số mệnh đã định sẵn từ trước.”
– Vậy tiên sinh sẽ đi về đâu?
– Tại hạ không hợp với chốn xô bồ, chỉ ưa thanh nhàn, vui thú điền viên. Nơi nào có cây cỏ, chim thú nơi ấy sẽ thấy tại hạ. Xin đại nhân hãy bảo trọng.
Nói rồi, ngựa lồng lên chạy về phía nam. Chung Đạt quay lại La Thanh mà lời nói của Đàm Tiên Thố văng vẳng mãi bên tai. Chung Đạt đem lời đó tấu lên Thăng Triều, Thăng Triều giận dữ ra lệnh bắt giết Tiên Thố đó, lại mắng Chung Đạt một trận té tát:
“Là bậc quân chủ lại đi nghe những lời sằng bậy của đám đạo sĩ giả thần, giả nhân đó. Ta nghe trong dân gian mà lòng đã ngờ ngợ bấy lâu. Nay gặp ở chính điện, ta thấy kẻ đó khí chất tầm thường, đôi mắt gian xảo, không phải là người tốt. Kẻ tà đạo, những lời đó có gì đáng làm tin cậy.
Hão huyền mê hoặc chúng dân như bọn giặc Hoàng Cân thời Tam Quốc bên nước Hán, lại có những tên đạo sĩ lấy đạo pháp làm ngu muội lòng người như Vu Cát nước Đông Ngô, thời nào chẳng có.
Chung Đạt ơi, Chung Đạt. Lão cùng ta suốt mấy mươi năm há lại chỉ vì lời của kẻ xa lạ mà thay đổi ý nguyện của chúng ta. Mà chẳng phải chính Chung Đạt nói quyết dẹp bọn gian ác, trước báo ân tiền nhân, sau trả mối gia thù.”
Lời nói Thăng Triều như nước lã lạnh lẽo hắt vào mặt tiết trời đông giá rét. Hụt hẫng, Chung Đạt lủi thủi bước ra về.
Đường đi qua thành cũ, Chung Đạt ghé qua đoạn sông chỗ con trai Chung Tiềm chút hơi thở cuối cùng, lắng lòng nghĩ về những chuyện đã xảy ra. Chung Đạt nhìn về phía mặt trời đang ngả bóng phía tây nam bụng chợt nghĩ “Mặt trời hướng tây nam, gió đông bắc tràn về. Rõ là mùa đông giá buốt.”
Toán Hoa Tài dẫn binh đi tuần phía ngoài thành trông thấy Chung Tiềm đang ngồi lơ đễnh bên bờ sông đi tới gọi Chung Tiềm. Toán Hoa Tài nói với họ Kiều rằng Dương tù trưởng ở Trường Châu đó chính là Dương Thanh. Quân lính Man Hoàng mà châu Phong vun đắp bấy lâu là một tay Dương Thanh dựng lấy.
Nay Chí Liệt ở cánh phía tây bắc Tống Bình, họ Dương lại ở đất tây nam, đội quân Man Hoàng do man tộc trưởng trẻ tuổi là Ma Cao Dực nắm giữ như thể cánh cung đang kéo căng, chỉ trực ngày nhả dây phóng mũi tên là đội quân Tống Bình về phía bắc. Chung Đạt nhìn theo ánh mặt trời, cố gắng xâu lại những ký ức trong đầu, có điều gì đó khiến họ Kiều bất an.