Đọc truyện Giống Rồng – Chương 33: Trông thấy rồng mây gặp kình tướng
Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ bảy:
Hội Phong Châu, Quỷ động Man rơi lệ.
Phủ Trường Châu, Đầm long tướng hàng Dương.
Chương 7.3 Trông thấy rồng mây gặp kình tướng
Quân lính Man Hoàng do tù trưởng họ Dương đi theo đường núi mang hai vạn hộc lương vượt đèo, lội suối mất hơn ba ngày mới ra khỏi đất hiểm trở. Hết dải núi cao là vùng trũng thấp, xung quanh bãi lầy lội liên tiếp dài đến cả vạn dặm. Xung quanh đến mấy mươi dặm đều là nước rêu xanh bèo tấm ngập tràn không có lối ra, không có lấy một bóng người.
Triệu Cường sai lính đi dò dẫm đường ra, hai tên cưỡi ngựa đi mãi không sao thoát ra được đành ngậm ngùi quay về. Thiên thanh tù trưởng cho gọi đám người thông thuộc địa hình đi về phía đông chỉ thấy nước ngập mênh mông, không thấy bờ. Triệu Cường bàn với Tù trưởng:
– Lẽ nào chúng ta đã đi tới Đông Hải. Trước nghe bọn người Ma Cao Dực đi về phía nam đến núi Tượng Sơn thì đi thẳng theo hướng mặt trời mọc sẽ đến đất người Giao Chỉ, Trường Châu mất độ hai ngày đường. Nay chúng ta đi đã quá ba ngày. Không một bóng người đi qua, chỉ có đám dân trên lưng núi đốt nương.
Viên tù trưởng lấy trong túi vải lớn lấy ra một chiếc áo. Chiếc áo cũ kỹ đã lâu, những đường chỉ đã sờn hết chỉ còn vài nét mực nguệch ngoạc. Hiện lên dưới ánh đèn dầu, ám khí nặng nề cháy bùng lên. Chiếc áo dưới ánh sáng rực rỡ, tấm bản đồ chi tiết thành trì, núi sông bày ra trước mắt tù trưởng. Vị tù trưởng lấy cây bút quệt lên chiếc áo bỗng lửa tắt phụt. Đám lính nháo nhác tìm mồi lửa châm lại đèn đuốc cho Tù trưởng.
Vị tù trưởng đã nằm ra sàn từ khi nào, mắt nhắm, miệng cọp ngáy tiếng lớn, chiếc áo khi nãy chùm lên người che lấp đi chiếc áo đỏ thường ngày tù trưởng vẫn thường mặc. Đêm xuống, sương giáng mịt mùng, tù trưởng choàng tỉnh, nhấp một ngụm trà rồi cưỡi ngựa ra phía bờ bãi đất lầy. Phía bắc có đám mây hồng lửng lơ trên đỉnh núi, vị tù trưởng cởi chiếc áo trên người, lấy ánh trăng cuối tháng rọi lên mà lẩm nhẩm đọc.
Vị tù trưởng cho ngựa đi mười vòng quanh bờ đất từ phía chân núi có dãy mây hồng đến dải bờ sông dựa vào núi cao phía nam. Tù trưởng đếm khoảng thời gian, dùng ba cây gậy cắm thẳng hàng từ một điểm phía nam, gióng thẳng hướng tây bắc, dùng thừng đo từ cây gậy cạnh bờ đầm phía nam đến bờ đầm, nhẩm tính trong đầu độ dài của đầm nước. Xét kỹ lại, tù trưởng chắc bẩm trong đầu đây chính là đầm nước phía sau huyện Câu Lậu quận Giao Chỉ xưa. Phía trước đầm dưới chân núi phía nam là đất Hoa Lư, Trường Châu.
Tù trưởng dắt ngựa đi về doanh trại, phía đầm nước có đám mây trắng uốn mình sà xuống mặt đầm. Mặt trời ló rạng, chiếu xiên qua màn sương mờ lóe sáng, mây hóa màu vàng, bồng bềnh trên năm đài sen giữa mênh mông đầm nước. Có phiến núi đá vôi tựa đầu rồng từ mặt nước dựng lên. Quanh cảnh hiện lên như chốn bồng lai tiên cảnh, vị tù trưởng thất kinh bái vọng:
– Nếu tiên thần có linh. Xin ứng vào rồng mây.
Bỗng nổi lên trận gió lớn, nước đầm dội sóng ầm ầm vào phía chân vị tù trưởng. Dải mây vàng, uốn lượn hóa thành rồng lớn, ngũ móng bám lấy mặt nước đầm. Đảo đá giữa đầm nhiều những cây lớn như râu mào của rồng thiêng sáng rực ánh hào quang. Tù trưởng quan sát, phía núi đá giữa đầm có chữ lớn hiện lên “Nam thiên đệ nhất trạch”.
Tù trưởng cho người soạn lễ mà dâng lên bãi đất phía tây đầm nước. Sai thầy cúng trong quân khấn vái suốt buổi sáng cho đến khi mặt trời đứng bóng. Tù trưởng lệnh Triệu Cường chặt gỗ trên núi kết làm bè xẻ mây bơi đến đảo đá giữa đầm. Năm lính mạnh khỏe cầm theo lưỡi sắt đục lên đá đó hai chữ lớn “Vân Long”.
Khắc xong chữ, mây nước bỗng nhiên xua tan đi, nhìn thấy cây cối mọc mọc um tùm phía đông đầm nước. Từ phía đó đàn cò trắng bay tới rợp trời, đậu trắng bờ đầm. Tù trưởng sai đám lính rắc quanh đầm một thạch quân lương, chỉ trong chốc lát cò bay đi chỉ còn tan tác bụi nước mù trời.
Bấy giờ toán lính đi tuần chạy đến báo tin thấy có lính đi từ hẻm núi phía đông, men theo con đầm nước đi đường núi lên mạn đường phía bắc. Triệu Cường mang hai trăm lính chạy vòng theo dò xét. Một người hàm én mày ngài, dáng người nhanh nhẹn đốc quân chở lương đi từ phía đông nam đi về bắc. Cường rút gươm lệnh cho lính xuống chặn đường toán người đó. Người đi đầu giương giáo hỏi lớn:
– Chẳng hay các người là lính từ đâu tới.
Triệu Cường quan sát trước sau, đoàn người ngựa xếp hàng thẳng lối, tiến cùng tiến, dừng cùng dừng theo lệnh răm rắp. Quan sát có cờ thêu chữ Dương, Triệu Cường hỏi lại:
– Ta nghe lệnh Dương tướng quân đi theo đường núi để dò xét, hễ có đám người chở lương thì xông ra cướp về.
– Ra là anh em. Nhưng trông các người trông thật kỳ quái. Thằng mặc quần thổ cẩm, kẻ quấn tóc như đàn bà. Cờ thêu chữ lạ, đó là chữ chi. Ta chưa trông thấy bao giờ. Phải chăng là cướp Man Hoàng lạc tới chỗ này.
Triệu Cường nhủ lòng đã bị phát hiện, lệnh đám quân xông lên đánh giết, chém vào tải quân lương, quất ngựa lồng đi. Hai bên giao chiến hồi lâu, trời ngả bóng xế chiều, quân lương vung vãi phân nửa. Tay cầm đầu bọn lính dẫn quân lương dùng cây đòn tre to bằng ống đồng người lớn đấu với Triệu Cường hơn bảy mươi hiệp không phân thắng bại. Cường cho quân tháo chạy lên mỏm núi phía nam. Cường gặp một đoàn quân cờ xí ngập trời, dũng khí cao vút từ miền đất bằng phía đông nam đi tới. Viên tướng râu dài, mặt gấu, da đen, cầm xích đao đỏ chót, thúc ngựa trắng chạy tới. Giọng rền vang hô hào:
– Giết chết bọn cướp lương. Không để kẻ nào thoát.
Triệu Cường nghĩ trong bụng không thể chống lại hai toán quân nhiều hơn hẳn về binh lực đành rút chạy đến đầm nước sai lính cởi bỏ mũ giáp nhảy xuống đầm bơi về bờ phía tây. Tay cầm đầu đám người cướp lương thúc mã chạy thẳng phía bắc, không ngoái đầu nhìn lại. Cờ xí quân lương vứt ngổn ngang. Viên tướng uy dũng vuốt râu, giương đao cười lớn:
– Một lũ thỏ đế. Không đáng để lãnh xích đao của ta giương võ.
Triệu Cường ngoi ngóp đến tối mịt mới trở về đến quân doanh. Tù trưởng Thiên thanh trông thấy bộ dạng Cường mà không thể trách phạt hắn. Cường kể lại mọi chuyện cho tù trưởng nghe, tù trưởng bàn với Cường cho quân lính đóng bè, Cường dẫn năm nghìn lính vượt đầm trong đêm. Viên tù trưởng dẫn quân bản bộ vượt khe núi phía nam nhìn xuống đất Hoa Lư. Hễ khi rừng có cháy lớn thì hai bên xông ra cướp thành. Kế hoạch định sẵn, Triệu Cường lập tức cho lính ăn bữa tối, phát thêm quân lương thức trắng đêm để đóng bè, chở người vượt đầm.
Canh ba, gà rừng gáy vang, hai nghìn lính đã vượt đầm hạ trại bờ phía đông. Gã Quỷ cùng năm mươi lính đi từ phía bắc trở về, báo lại cho Tù trưởng:
– Bẩm Dương tù trưởng. Quân ta đi hết núi này về phía bắc có một thung lũng nhỏ, đất bằng phẳng dễ đi có thể đi thẳng được tới đất Vũ Bình. Dân ở đó nói với tiểu nhân rằng chỗ đó có khe nước chảy ra dòng Đáy, có động lớn có thể chứa được một vạn binh. Trên núi lại có nhiều hoa quả thú rừng, có thể săn bắt hái lượm.
– Chỗ đó có người hay chưa.
– Dân vùng đó nói cách đây chừng hai tháng có một toán quân đi từ đất châu thổ đến chỗ đó đóng trại, sau đó thành Đỗ Động bị vây khốn, đám người đó cũng rời đi. Tiểu nhân đã cho người giả làm tiều phu lên núi vào đến cửa động có một đám lính mặc giáp giấy, có rất nhiều cờ thêu chữ Đỗ hoặc chữ Dương. Bên trong có rất nhiều tải lớn nhỏ. Bọn giả làm tiều phu không được cho vào động nhưng thấy cửa động rất lớn, tiếng người trong đó ồn ào vang vang nghe rất rõ.
– Quả nhiên trời giúp ta. Vậy ta sai ngươi mang ba nghìn lính. Mà không, năm nghìn lính đi theo đường đó đi lên phía Bắc. Ta lập tức sai Triệu Hoàng rút quân lại, hướng quân về phía bắc. Chiếm đất chỗ đó thẳng đến Đỗ Động, thay vì đánh đất Hoa Lư, có chiếm được cũng bị bại lộ, phần quân cũng sẽ mất đi rất nhiều.
Gã Quỷ mang năm nghìn quân bản bộ đi trước, hạ trại tại chân núi đó trước khi mặt trời lên. Dương tù trưởng cùng Triệu Cường dẫn số quân còn lại vượt đầm đi theo bờ sông Đáy đến chỗ có khe nước chảy ra từ chân núi thì hạ trại chỗ đất bằng giao giữa khe suối chảy ra dòng sông Đáy.
Giờ Thìn hai khắc, có một đạo tám chiếc thuyền nhỏ đi ra từ phía chân núi. Dương tù trưởng thắp nén nhang thơm khấn vái trời đất, trông thấy đoàn thuyền liền sai lính trên bờ giương giáo gươm nạt nộ. Trên đầu thuyền là người trai tráng khi chiều ngày qua Triệu Cường đã giao chiến. Cường bẩm với Dương tù trưởng, Dương tù trưởng nói lớn:
– Này các anh trai trẻ. Cho bọn ta mượn mấy thuyền vượt sông.
Tên lính bé họng hét lên mấy tiếng nhưng phía bờ không nghe rõ. Tay đi đầu nhìn thấy Triệu Cường cùng đám dân man di, dị hợm, cười lớn:
– Bọn man di, dị hợm. Nhìn tên cầm đầu có khác chi con gà trống. Lại cả đám lâu nhâu phía sau trông thật giống bọn khỉ đột trên núi.
Vị tù trưởng mặc lời nói của chàng trai, nhìn thấy cờ xí mà tên lính dựng đứng trên thuyền liền nhận đám quân lính. Tù trưởng nói:
– Hỡi chàng trai trẻ. Tộc ta trên rừng núi hiểm độc, quanh năm sống chung với loài rắn độc, hùm beo, cú quạ nên mới phải theo bọn đó mà mang trang sức, tô vẽ mặt mày giống bọn chúng để cho chúng khỏi để ý đến bọn ta. Nay nghe An Nam đô hộ điều động về đất đồng bằng đánh dẹp bọn cướp đất ở huyện Vũ Bình. Bọn ta chỉ muốn mượn thuyền qua sông để đến thành Đỗ Động dẹp giặc. Chẳng hay tên họ người anh em là gì. Khi báo công, ta sẽ nhắc người ghi công cho anh em.
– Ta đi không đổi tên, ngồi không đổi họ. Họ Phạm tên Đan. Mọi người vẫn gọi ta là Nô Đan, người huyện Chu Diên, Ngọc Đường trang.
– Là người huyện Chu Diên sao. Trước ta đã từng nghe nói huyện lịnh Đỗ Đại ở huyện đó phản lại quân triều đình mà bị chết thảm thê. Chẳng hay anh em là lính châu huyện nào mà đóng quân trên núi đó.
– Tên quạ không ra quạ, gà không ra gà nhà ngươi chớ có hỏi nhiều. Bọn ta là quân của Đỗ Phụng Quán tướng quân. Nghe lệnh triều đình, dẫn quân Trường Châu để dẹp phản loạn đất Vũ Bình. Nếu cần thuyền vượt sông thì ta sẽ sai người mang thêm thuyền cho các ngươi. Các người hãy ở đây chờ thêm nửa canh giờ nữa ta sẽ quay lại.
Triệu Cường hỏi Dương tù trưởng:
– Ngày hôm qua, người mà tiểu nhân đánh nhau chính là y. Chính y là kẻ đi cướp lương thảo đất Trường Châu bị viên tướng cầm xích đao đuổi đánh phải bỏ lại quân lương.
Dương tù trưởng cuốn cao lọn tóc, lấy nước rửa mặt mũi, tháo sợi chỉ rát vàng xâu qua sống mũi. Vị tù trưởng cởi bỏ chiếc áo, lấy trong tay nải chiếc áo giáp sắt mang trên người. Mũ sắt lông vàng đội lên uy nghiêm cưỡi lên lưng hắc mã Càn Phong. Tay câm thương lớn, uy dũng khác thường. Dương tù trưởng hỏi Cường:
– Nhà ngươi thấy ta có giống một vị tướng oai phong chăng.
Triệu Cường quỳ sụp gối, tay chắp trước ngực dập đầu bái lạy:
– Mong chủ tướng xem lại. Chỗ này nhiều tai mắt kẻ thù.
– Chẳng phải thời cơ đã đến rồi hay sao. Cớ sao lại sợ kẻ thù nhìn thấy.
– Bẩm tướng chủ. Mong người suy nghĩ lại. Phía trước là địch, phía sau là địch. Đề phòng thì vẫn hơn.
Dương tù trưởng cười lớn:
– Là địch hay là thù hồi sau sẽ rõ. Nay ngươi theo lệnh ta, không được chống cự đám người từ động đi ra. Anh ta sai gì thì hãy nghe lời anh chàng đó, không được manh động. Kẻ nào chống cự sẽ xử theo quân pháp.
Dương tù trưởng cho Triệu Cường dẫn hai nghìn lính áp sát chỗ khe suối chảy từ núi ra. Dương lệnh ba nghìn lính chuẩn bị quân lương, thu trại chuẩn bị vượt sông. Nửa canh giờ sau, có đoàn thuyền đến hơn ba mươi chiếc lớn nhỏ đi từ khe núi đi ra. Dương tù trưởng đội chiếc mũ được làm từ lông đại bàng, cho người vẽ lại nét hoa văn trên mặt. Phạm Đan cầm gậy lớn đứng trên mũi thuyền đi đầu, nhìn chằm chằm viên tù trưởng cho thuyền sát vào bờ. Đan nói:
– Thuyền chúng ta nhỏ, mỗi thuyền chỉ chở được hai chục người. Có ba chục thuyền ở đây. Chắc sẽ phải mất chục lượt mới chở hết. Tên đầu quạ kia đi sang trước.
Dương tù trưởng nói lớn:
– Chi bằng cho một nửa số quân sang trước, ta ở lại chỉnh tề quân ngũ. Sang sau cũng chưa muộn.
– Không được. Ngươi sang đó trước. Đám lính sang sau. Không chịu thì các ngươi tự đóng bè mà vượt sông.
– Người anh em bớt giận. Vậy ta sẽ sang bên đó trước.
Tù trưởng nhảy lên thuyền, thuyền nghiêng ngả khiến bọn cầm chèo chống chếnh. Đan quát mắng:
– Lên thuyền nhẹ nhàng, từng người bước lên một.
Dương tù trưởng đứng trước, Phạm Đan đứng phía sau, tay nắm chắc dao găm cùng đòn gậy đề phòng bất trắc. Dương tù trưởng đứng oai phong, tay cầm chắc mũi thương dài, nhìn về phía đông mà thở dài. Bỗng thuyền lắc mạnh, Dương tù trưởng chống thương cắm xuống thuyền. Dao găm kè cổ, Dương tù trưởng đưa hai tay về phía sau, thảo bỏ cung tên, thương nhọn xuống khoang thuyền để cho Phạm Đan trói. Đan quát lớn đám lính còn đứng trên bờ:
– Bọn lính man di. Hạ hết vũ khí xuống.
Bọn lính do dự chưa buông vũ khí xuống. Phạm Đan túm lấy râu của Dương tù trưởng mà xén một đoạn dài. Khi đó họ Dương mới ra lệnh cho bọn lính hạ vũ khí xuống. Từ phía nam đi tới một đoàn người cầm đao kiếm chạy tới hô hào vũ bão. Bọn lính tráng giơ tay chịu trói cả nghìn người.
Phạm Đan bắt trói đám tù binh đi theo đường khe suối lên tới chân núi. Đan sai người trói đám lính hai người một chung một sợi thừng, quay lưng về phía nhau. Triệu Cường dẫn hai nghìn lính rình rập từ bấy lâu xông ra đánh quân Phạm Đan, người trên bờ kẻ dưới cạn cầm giáo gươm, mái chèo xông thẳng về phía nhau.
Triệu Cường nhảy lên thuyền hòng cứu thoát Dương tù trưởng đang bị trói. Phạm Đan lắc thuyền nghiềng về một bên, Cường lấy cây sào chống cho thuyền đứng vững, một tay cầm đoản đao như muốn chém Phạm Đan. Đan nhảy xuống suối, lặn một hồi không thấy sủi bọt tăm.
Cường vội cởi trói cho Dương tù trưởng thì cây sào chống bị gãy. Cường đành phải giữ thăng bằng cho thuyền mà chưa kịp cắt đứt sợi thừng. Thuyền bị đục một lỗ lớn phía mạn phải, bỗng thuyền lật nhào. Cường ném hết đao kiếm mà nhảy xuống dưới suối nước sâu, ngoi ngóp bơi vào bờ, đám quân đứng sẵn trên bờ bắt được liền trói dẫn vào động lớn phía trên núi. Phạm Đan kéo họ Dương vào bờ, mặt mũi nhợt nhạt, chân tay tím tái, khuôn mặt vô hồn, tù trưởng ngồi trên mỏm đá nhìn mây trời. Phạm Đan giục giã tù trưởng vào động chịu trói. Dương tù trưởng bước từng bước chậm rãi, mất đến nửa canh giờ mới bước tới cửa động. Dương tù trưởng hỏi Đan:
– Núi này là núi gì? Suối dưới kia là suối gì mà dòng nước chảy cuộn như thác đổ.
– Ngươi sắp chết rồi còn muốn hỏi những điều đó làm chi.
– Chỉ là ta muốn biết nơi ta chết. Sau này báo mộng cho con cháu ta có biết mà khấn.
Phạm Đan cười lớn:
– Núi này không có tên. Suối đó là suối Yến. Lên tới lưng núi có động lớn, không có tên. Đỗ quân sư tìm được động đó nên bọn ta tạm gọi là Động Đỗ. Đất nam Vũ Bình. Hết núi này về phía nam là một đầm nước lớn, mây phủ quanh năm. Nhà ngươi được chết chỗ này cũng là diễm phúc của nhà ngươi.
– Động Đỗ hay Đỗ Động? Chẳng phải Đỗ Động là thành huyện Vũ Bình?
– Nhà ngươi cũng biết nhiều đó. Đúng huyện thành Vũ Bình đã bị chủ ta cướp. Ta ở đây trông giữ kho lương. Các ngươi nghe lệnh Tống Bình mang có từng ấy binh hòng phá quân ta hay sao. Thật đúng một đám dị hợm không biết lượng sức.
Phạm Đan sai người mang cá mang lên động phía trên núi chuẩn bị cho bữa tiệc linh đình. Một tên lính dắt Thiên thanh động chủ lên trên động lớn phía trên. Mỗi bước lên núi, họ Dương như bị siêu lòng trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà nên thơ biết chừng nào.
Dương đứng lại chiêm ngưỡng kỳ quan thế gian. Cửa động hiện ra trước mắt như rồng chúa há miệng vờn ngọc. Miệng hang hàm rồng rộng lớn, thênh thang hun hút. Trái trái, phải phải, trên trên, dưới dưới từ cửa động bước vào bên nào bên ấy bằng bặn cân xứng nhau như thể bàn tay con người dựng lên. Giữa lối đi vào có nhũ đá như hạt gạo nhô lên, trông như lưỡi rồng nhô lên.
Từng bước vào động, họ Dương ngỡ lạc vào cõi mơ, họng rồng mọc lên những nhũ đá tinh khôi, mọc khắp trần hang, vách hang nhiều hình dạng kỳ quái khác nhau. Dưới mặt đất trồi lên những hình thù những lợn, trâu, gà chó, đụn rơm, đụn gạo, trái bưởi, quả cau, cây vàng, cây bạc, lại có cả khánh đá, cà sa nhũ phật… Tất cả như thể một xã hội loài người thu nhỏ bằng đá nhũ kỳ ảo vô cùng.
Bước sâu vào động, Dương thấy lạnh người, tiếng tí tách những giọt nước len qua kẽ đá từ đỉnh núi rơi xuống dòng suối nhỏ như dòng sữa mẹ. Dòng sữa Đất mẹ nuôi dưỡng những rêu phong, cây cỏ xanh mượt lối đi vào. Dương tù trưởng đứng ngẩn ngơ mà không hay biết mình đang bước những bậc thang đi xuống âm phủ. Phạm Đan nhìn tù trưởng mà đùa rằng:
– Nhà ngươi đi đường đó dẫn thẳng đến âm ti. Muốn lên trời cao thì lối này dẫn tới.
Dương tù trưởng trầm trồ:
– Quả là kỳ quan, tuyệt động. Không thể tin nổi vào mắt ta nữa.
Dương tù trưởng bước từng bước nặng trĩu lên từng bậc mà lòng như muốn ở lại, đôi chân chẳng muốn rời đi. Phạm Đan chỉ tay về phiến đá dưới sâu trong lòng động:
– Bọn tù binh tạm thời ở chỗ đó. Chiều nay, Quân sư phá thành xông trở về sẽ xử trí bọn này.