Đọc truyện Giống Rồng – Chương 17: Lúc hoạn nạn gặp kẻ hiền nhân
Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ tư:
Rời La Thành, tướng họ Dương thoát hiểm.
Đến Đại La, lính Bắc phương giết dân.
Chương 4.2 Lúc hoạn nạn gặp kẻ hiền nhân
Đặng Hoài kể cho Tồn Thăng mọi chuyện. Thì ra đám tăng kia chẳng phải là dạng tầm thường. Đại Đường tự, ngày thắp hương thờ phật qua mắt chúng dân và quan lại, đêm thờ tiết độ sứ mới chết. Ngày luyện khí công, gánh nước trồng rau, đêm rèn binh đao nơi hậu viên, chờ ngày báo thù cho tên tiết độ sứ họ Lý. Ngày trước có ba kẻ Triệu Hoằng sai đi dò la lọt được vào chùa thì hai trong số ba kẻ ấy là người Hoa Hạ, một tên là Tăng thống phủ Tống Bình thời Đô hộ Tượng Cổ tên gọi Hoành Trinh, một tên là Quận châu mục Quản Đồ, một người nữa là đô đốc Thang châu Mã Tước. Đám ấy xưa được Tượng Cổ yêu mến, cất nhắc cho giữ những vị trí hiểm yếu. Sau khi hắn chết, những kẻ ấy thân cô thế cô, bắt buộc phải đầu hàng theo Dương Thanh.
Nghe tin Triệu Hoằng tuyển người dò la Đại Đường tự, chúng liền đến đút lót cho Triệu Hoằng. Vào đấy, chúng vượt qua những thử thách đầu tiên của đám giả tăng kia. Chúng được tin tưởng giao phó về Tống Bình dò la, tập hợp lực lượng để chờ ngày hôm nay, toan giết chết họ Dương cùng những người thân cận.
Đến ngày hôm qua, giữa đêm khuya, có người lấm lét chạy vào phủ bị bọn lính bắt được. Dương tướng quân cho xét hỏi thì Triệu Cường con trai Triệu Hoằng chạy tới bẩm báo người này chính là Mã Tước, một trong ba kẻ đã trà trộn được vào Đại Đường tự. Dương tướng quân hỏi hắn làm gì trong suốt thời gian ở trong tự. Hắn khai hết những gì hắn thấy và được biết cho Dương Thanh nghe. Nghe xong, cả giận Dương thanh toan cho người đến tự ấy mà đốt sạch bọn phản loạn. Mã Tước cản lại mà báo rằng nếu Dương Thanh ra ngoài thành trong đêm là sẽ có kẻ ám sát ngay. Nói vậy, Dương Thanh cẩn thận hơn, sai người mặc áo choàng, cưỡi ngựa đỏ đi ra ngoài phủ. Tiếng ngựa hý cất vang trong đêm, Dương Thanh nhận thấy lời của Tước là thật.
Dương Thanh hỏi Tước:
– Vì đâu nhà ngươi có ý quay lại giúp ta?
– Không phải là vì ngài khảng khái chính trực thì tiểu nhân chẳng nói ra điều này cho ngài. Chẳng giấu gì. Nhà tiểu nhân xưa ở đất Kiến Nghiệp, Giang Nam, ba đời làm quận úy đất Giang Lăng, đến đời ông nội tiểu nhân vì loạn An Lộc Sơn mà chạy về đất này. Đám quan lại ở Tống Bình hay qua lại nhà tiểu nhân, cha tiểu nhân mới giới thiệu tiểu nhân vào phủ, lại được tiết độ sứ yêu mến nên được giữ đất Thang Châu. Tiết độ sứ không được lòng dân chúng và các vị tôn trưởng người Nam như ngài nên bị giết. Thoạt đầu tiểu nhân có chút nghi ngại, nhưng sau những lời nói và hành động của ngài đối với đám quan lại chỉ chăm chăm nịnh trên lừa dưới kia đã thay đổi suy nghĩ của tiểu nhân. Ngài không ghét bỏ đám quan lại cũ còn sót lại mà những người được việc, có khả năng được ngài tận tâm nâng đỡ, gỡ những trói buộc trong đầu. Thật là đấng chủ tốt vậy. Khi vào Đại tự dò la, tiểu nhân như những người khác bị bọn ấy dò xét. Qua mắt được đám ấy thì tiểu nhân được thu nạp. Đám người ấy là tay chân của vương tử Đạo Cổ, trước lập chùa ở chốn đấy để đám quan lại Tống Bình có chỗ đi lại nương cửa phật. Sau khi Tượng Cổ chết, bọn chúng tối đóng chặt cửa, mưu bàn việc quân tình, lại cho người vào thành dò la, đút lót bọn quan, tướng hòng có được thông tin để dễ bề ra tay. Danh sách những người thân tín của ngài bị mua chuộc tiểu nhân có đây. Nhưng không phải tất cả nhận được tiền đều bán rẻ tướng quân. Đặng Khả là một trong những người như vậy, vì thấy tướng quân cho quân đóng tại biên giới nên mới ngăn cản. Sợ tướng nơi xa không thể cứu giúp binh biến bên trong Tống Bình. Đêm nay, tin biết ngài cho các tướng đi biên ải, chỉ để lại một viên tướng không mưu lược là Tồn Thăng nên mới có ý định ra tay cướp La Thành. Trong ứng, ngoài hợp e là không dễ để ngài thoát khỏi tay bọn chúng. Tiểu nhân bị bọn chúng nhìn thấy có lòng dạ khác nên bị bắt trói ba ngày nay, chẳng cho ăn uống gì. Đến sáng nay có vị hòa thượng tên Lập Đức vào tự ấy giúp tiểu nhân trốn ra ngoài, tiểu nhân vội đến đây báo với tướng quân.
Thấy lòng dạ người này không phải người xấu, Dương Thanh hỏi cách nào để thoát ra ngoài một cách an toàn thì Tước nói với Dương tướng chủ rằng Dương Diện lão quỷ là người có thể cản bước bọn chúng. Lại sai Gã Quỷ đuổi khéo Lập Đức cùng Vô Ngôn Thông để tránh tai họa cận kề. Cũng vì Gã là tướng soái có sức mạnh và đầy dũng cảm nhất còn lại ở Tống Bình nên việc cản bước lũ giặc trong nhà không ai phù hợp hơn.
Dương Thanh sai người hầu cận đóng chặt cửa phủ, lại mặc áo lính tuần đi cùng với đám Đặng Hoài, Triệu Cường dùng quân bài ra khỏi cửa thành phía tây, chạy đến bờ sông Nhị. Còn lại đám lính trung quân thì giao hết cho Dương Diện đi đối phó với đám tăng nhân Đại tự. Dương Thanh nói với Đặng Hoài:
– Thật là cực chẳng đã mới phải làm ra điều như vậy. Chẳng biết tên ngốc Tồn Thăng có thể chạy thoát mà tới chỗ này không.
Đặng Hoài đáp lời:
– Nếu Tồn Thăng là kẻ dũng, không mưu lược gì thì ắt sẽ như lời Mã Tước nói với tướng chủ.
Y lời Đặng Hoài, sau khi qua sông cùng với Lý Toàn, Đặng Hoài dắt Tồn Thăng vào diện kiến Dương Thanh. Dương Thanh lấy làm mừng lắm. Gã Quỷ máu chảy ngang lưng xuống đến gót chân. Dương Thanh sai người lấy áo khác thay cho Gã Quỷ, tự tay băng bó vết thương cho hắn. Dương Thanh hỏi gã:
– Vết thương này vì ta mà có. Ai nói cho nhà ngươi biết ta ở đây mà đến?
Gã cười:
– Nam tử hán, có chút này chỉ là gãi ngứa. Tiểu nhân từ Phù Đổng đến Tống Bình, thấy trên cổng thành có treo bốn chữ: “Dương Tây Trinh Đông” ý là tướng chủ phía tây, thiếu chủ đang ở phía đông.
– Vậy mà Triệu Cường và Đặng Hoài cho rằng ngươi chẳng thể hiểu được ý đấy.
– Là Lập Đức hòa thượng tới thành biết trong thành có biến nên đã nhắc ta đi về phía tây.
– Thế sư ấy đâu rồi?
– Sư bảo thế loạn không ở được lâu, lại đi cùng họ Trịnh hướng Đông Nam. Khi ấy, bọn giặc mặt xanh đuổi tới, tiểu nhân liền chạy đi tới đây. Tên tiểu tử tên Toàn giúp tiểu nhân tránh được giặc cướp mặt xanh kia. Chẳng biết hắn dùng tà thuật ra sao mà khiến xoáy nước dưới sông nói được, lại cuốn phăng bờ đất chỗ tên Long Trạch ấy đứng.
Lý Toàn tay cầm ria mép, giọng nói ba hoa:
– Toàn ta vốn cháu ba mươi đời của lưỡng quốc Đại tướng Lý Ông Trọng. Xưa tại bến này, ta bắt thủy quái chốn sông sâu, hà bá thủy tề có thá gì đâu. Bọn ấy nghe thấy tên ta mà rụt đầu sợ hãi.
Tồn Thăng nhìn Toàn với ánh mắt ngưỡng mộ. Gã Quỷ vỗ vai Toàn:
– Người thì bé loắt choắt, tay dài lều nghều như cái sào chọc…
– Ấy, ấy. Nhà ngươi đừng có nói thế. Áo con trai ta mặc đây là da của thủy quái, đôi giày ta đi cũng là da của thủy quái ấy mà may thành. Chiếc vòng này toàn là răng của thủy quái.
Tồn Thăng cười lớn, chỉ vào lưng hắn đầy vết sần sùi cứng ráp:
– Còn mái tóc bù xù cùng với cái lưng cứng ráp kia của ngươi cũng bắt chước theo thủy quái đấy. Ta hình dung con thủy quái của ngươi giống ngươi lắm.
Mấy người lại cười ùa theo Gã Quỷ. Dương Thanh can lời:
– Là Lý Toàn từ nhỏ đã sinh ra lưng đã bị vậy, chẳng thể khác được. Ngươi xem lại mình xem có khác gì quỷ sa tăng không. Mái tóc kia của Lý Toàn làm nghề sông nước để vậy cũng là cho tóc ấy nhanh khô, đầu không mọc nấm. Ngươi xem nhà ngươi thuở đầu đến với nghĩa quân của ta, chấy rận đầy đầu, lại suốt ngày lòa xòa chẳng chịu búi lên. Đánh nhau với đám quân triều đình, bọn ấy chẳng sợ khiếp vía mấy phần vì điều đó.
Lý Toàn cười nắc nẻ, còn Tồn Thăng mặt chẳng vui quay mặt đi bỏ qua chuyện. Gã hỏi Dương Thanh:
– Chủ tướng cớ sao bỏ thành để cho đám giặc cướp kia chiếm được.
Dương Thanh đập bàn, mắng trách:
– Là do ngươi! Ta nói ngươi đi sớm về sớm, ấy nhưng không chịu đi lại để đến sáng hôm sau mới chịu đi. Người không bắt được, lại bị chết đám trung quân.
– Theo ý của tướng quân, trời sáng gà gáy, tại hạ đã cầm lính đi. Nào ngờ bọn giặc ấy đứa nào đứa ấy giáp khiên đầy đủ, vũ khí ngắn dài đều có, cưỡi ngựa thuần thục. Thân tiểu nhân người không manh giáp, bọn giám quân được ba con ngựa, đám lính đi chỉ bắt người chứ nào đâu có chủ định đánh giết. Đã không bắt được đám giả tăng, lại bị cái tên mặt xanh kia dẫn quân đến. Thoát chết là may lắm rồi.
– Ai bắn ngươi?
– Là cái tên gì đó tên là Trương Sang. Hắn bảo là quân tiếp viện của Trinh thiếu chủ. Nào ngờ đọc tên hiệu trên cờ hắn thì bị bọn ấy bắn tên.
– Các ngươi giết được bao nhiêu lính, đám ấy có bao nhiêu người.
– Cả thảy giết được gần trăm, còn hơn nửa nữa. Thoát đến thành thì thành không mở. Trong thành hò reo ầm ĩ, quân lính đến cỡ bảy tám nghìn đứa.
– Nhà ngươi còn thấy ai đứng trên thành.
– Là tên hòa thượng Giả Thường, hai tên bặm trợn Giả Không, Giả Thanh, có đô úy Tống Bình Khương Nho, đám áp nha đô sứ đến bảy tám người.
– Thật là nuôi ong tay áo.
Đặng Hoài thấy vậy vỗ về họ Dương, Triệu Cường lại cho người soạn rượu thịt lên. Dương Thanh uống rượu mà lòng nóng như lửa đốt chờ tin báo về. Bữa tối tàn cơn, Dương Thanh ngà ngà nằm trên trõng tre thiếp đi.
Trong cơn mê sảng, Dương Thanh mơ thấy có một lão ông mình cao hai trượng ba thước, khí chất đoan dũng khác thường, giọng nói vang vang như sấm rền đang giảng đạo cho một người học trò nghe. Chàng thanh niên kia mải mê chăm chú nghe lời lão ông bàn về việc trị nước an dân, lại giảng giải kinh thư, luận sách Xuân thu kể chuyện nhân đức, trung nghĩa của những gương tiền nhân.
Dương Thanh bước nhẹ tới, ngồi cạnh chàng thanh niên mà anh ta không hề biết, Dương Thanh ngồi chăm chú nghe cùng. Anh chàng ngồi cạnh gù gật trên đống sách, gục mặt xuống bàn, Dương Thanh thảng thốt nhận ra người ấy là Triệu Xương, tướng chủ cũ của Giao Châu. Dương Thanh lay Xương dậy thì thầy chẳng trách phạt lại nhẹ nhàng dặn dò:
– Trước con là người chủ công minh, sau y là dũng tướng vì cái tội của kẻ trên mà diệt kẻ trên tự lập lấy danh. Tuy rằng y dũng mãnh, khí chất còn vương nhiều nóng nảy nên người dưới lắm kẻ không ưa. Vãn bình sinh mà thoát nạn.
Dương Thanh ngẫm thấy lão ông nói mình. Vội vàng cúi lậy nghe lời dạy. Lão ông đứng lên bục đá, mặt nhìn hướng tây bắc ngược dòng sông trước mặt nói rằng:
– Đất Bạch Hạc trước đời ta Vương họ Hùng chọn đất ấy mà lập ra nước Nam. Khí chất ở đấy vượng sung. Từ phía núi Hy Cương xuôi về đến ngã ba con nước long phượng cứ hùng. Nhà ngươi lui về đất ấy ắt tai họa lui dần.
Dương Thanh cúi lạy hỏi:
– Chẳng hay tên họ thầy là chi.
Dứt lời, lão hóa thành luồng sáng vàng bay lên trời, chỉ còn lại mây khói mịt mù ngang trời, sông nước mênh mông. Triệu Xương dắt Dương Thanh đi qua con đương rêu phong đầy đá, bước qua những lụi cây hoang tàn, một mảnh nhàn vân phất phơ trên đám cỏ thôn hoa rụng. Triệu xương chỉ tay lên bầu trời nói với Dương Thanh:
– Nhà ngươi nghe lời Phụ tín Đại vương nói đấy. Nhà ngươi vì ghét bỏ kẻ tham tàn mà tàn sát. Nay đại họa cận kề, y lời thần nói mà theo. Gặp người họ Lý thì dựa người ấy, có lúc cần nhờ đến. Gặp Vương thì bái lạy ắt sẽ gặp điều lành. Từ đất đình lớn này, lấy thuyền nhỏ vượt cửa Nhuệ giang sang bên kia là làng nhỏ Thị Điềm. Đất ấy có đền thờ Đại vương. Nếu hương lên, nhang cháy một nửa có cành tre gãy thì là ngài ứng báo. Còn không thì số nhà ngươi đến vận suy tàn.
Tỉnh dậy mơ màng, Dương Thanh nhận được tin báo về từ biên giới. Quân tình cấp bách, xé toang mơ hồ, Dương Thanh cùng Triệu Cường vượt sông sang đất Phong Châu. Tại đây Dương Thanh hợp hai nghìn quân phòng đông của thứ sử Vương Thăng Triều tại cửa Hát Môn. Trong đêm cho người bí mật về La Thành dò thám tình hình.
Lúc bấy giờ, Chí Trinh sau nhiều ngày cố thủ thành Nà Lữ đã phải bỏ thành khi quân triều đình được tù trưởng động Hổ dẫn đường. Sau khi mất thành, Trinh chạy vào núi, sai quân đóng tại đèo Mã Phục. Đêm đến sai lính đi đốt trại lính quân triều đình, cho thứ độc bẩn vào nguốn nước ăn của quân triều đình. Lại có kẻ phát hiện ra chỗ thiếu chủ họ Dương, Trọng Vũ sai năm trăm tên lính đi vây núi, đốt cháy cả núi. Chí Trinh cùng hơn một nghìn lính liều chết chạy theo đường núi chạy đến đất phía đông châu Bình Nguyên, đóng quân tại núi Hiếu Sơn, lại cho hai trăm lính đi đến bờ đông Lô Giang. Tại đây, Chí Trinh mượn lương thực của tù trưởng người Mèo là Giàng A Kha. Nhờ có một người trong vùng ấy biết tiếng người Lão, Chí Trinh cho người đó đi theo, dẫn đường xuôi sông Lô về đến đất huyện Thừa Hóa châu Phong.